Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Khoa Học >> Phân tâm học nhập môn

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 24124 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Phân tâm học nhập môn
Sigmund Freud

Phương pháp trị liệu phân tâm học

Các bạn hẳn biết đề tài của cuộc nói chuyện hôm nay là gì. Các bạn đã hỏi tại sao trong trị liệu trong phâm tâm học chúng ta lại không dùng lối ám thị trực tiếp, một khi chúng ta công nhận rằng ảnh hưởng của chúng ta chỉ dựa trên sự hoán chuyển nghĩa là sự ám thị? Trước sự có mặt của sự ám thị các bạn hồ nghi về giá trị các khám phá của chúng ta về phương diện tâm lý. Tôi đã hứa là sẽ trả lời bạn từng chi tiết một.

Sự ám thị trực tiếp là sự ám thị chĩa mũi dùi vào sự phát hiện triệu chứng, là cuộc đấu tranh giữa uy quyền của các bạn và những lý do của trạng thái bệnh hoạn. Dùng sự ám thị là các bạn không để ý đến các lí do này, các bạn chỉ buộc người bệnh không được diễn tả những lí do này bằng các triệu chứng. Việc bạn có đặt người bệnh trong trạng thái thôi miên không, không phải là điều quan hệ. Chính Bernheim đã nhận xét rằng sự ám thị là sự kiện cần thiết trong thôi miên, mà thôi miên lại chỉ là hậu quả của sự ám thị trong trạng thái thức vì cho rằng trạng thái thức cũng đưa đến kết quả như trong sự ám thị thôi miên.

Vậy trong vấn đề này các bạn chú trọng đến vấn đề nào hơn: những dữ kiện của thí nghiệm hay những nhận xét về lý thuyết? Chúng ta bắt đầu bằng những dữ kiện của thí nghiệm. Tôi là học trò của Bernheim ở Nancy năm 1899 và đã dịch cuốn sách của ông về sự ám thị ra tiếng Đức. Trong nhiều năm tôi đã dùng thôi miên để chữa bệnh đi kèm với sự ám thị tự bảo vệ, và với sự khảo sát người bệnh theo phương pháp của Bernheim. Vậy tôi có đủ kinh nghiệm để nói về thôi miên hay ám thị. Nếu đúng như một câu phương ngôn về y khoa, phương pháp trị liệu lý tưởng là phương pháp có tác dụng nhanh, đúng và không làm người bệnh khó chịu thì phương pháp của Bernheim ít nhất có được hai trong ba điều kiện này. Phương pháp này có thể đem áp dụng rất nhanh cho người bệnh, nhanh hơn phương pháp phân tâm học nhiều, không làm mệt người bệnh, không đưa lại một sự khó chịu nào. Đối với một ông thầy thuốc mà cứ áp dụng mãi một phương pháp, làm mãi một vài công việc để làm mất đi triệu chứng rất khác nhau mà không hề biết gì về ý nghĩa và tầm quan trọng của những triệu chứng này, quả là một điều chán nản. Đó là công việc của một anh lao công, chả có gì là khoa học, có vẻ như làm phù thuỷ, ảo thuật; tuy vậy người ta vẫn tiếp tục làm công việc đó vì lợi ích của người bệnh. Nhưng phương pháp này thiếu điều kiện thứ ba, nghĩa là không chắc chắn nốt. Chỉ trong ít lâu là bệnh lại tái phát hay được thay thế bằng bệnh khác. Người ta lại dùng thôi miên, nhưng dùng thôi miên mãi đâu có được: theo lời những người có thẩm quyền thì dùng thôi miên mãi, người bị thôi miên sẽ mất hẳn tính độc lập, dần dần quen với thôi miên như quen với thuốc ngủ vậy. Ngay cả trong những trường hợp rất hiếm, người ta thu lượm được một vài kết quả đầy đủ và lâu dài người ta cũng không biết tại sao, theo điều kiện nào, kết quả đó được tiếp tục. Có một lần tôi đã thấy một bệnh rất nặng mà tôi đã chữa khỏi sau khi dùng thôi miên, tái phát đúng vào thời kỳ người bệnh bắt đầu ghét tôi. Tôi lại chữa khỏi, khả năng hơn lần trước và người bệnh lại trở lại có cảm tình với tôi. Nhưng bệnh lại phát lại lần thứ ba khi người bệnh lại ghét tôi. Một nữ bệnh nhân khác được tôi dùng thôi miên chữa khỏi nhiều lần đột nhiện nhảy lên ôm lấy cổ tôi trong khi tôi đang chữa cho nàng đúng vào lúc đang lên cơn thần kinh. Dù muốn dù không, đứng trước sự việc đó, chúng ta cũng phải đặt lại vấn đề về thực chất và nguồn gốc của sự ám thị.

Đó là thí nghiệm. Những cuộc thí nghiệm này cho ta thấy khi bỏ rơi sự ám thị chúng ta không phải đã bỏ rơi một điều gì tối cần thiết. Bây giờ tôi xin phép nói vài điều nữa về vấn đề này. Lối trị liệu bằng thôi miên chỉ đòi hỏi ở người bệnh một cố gắng gần như vô nghĩa lý. Trong y giới lối chữa bệnh này được rất nhiều người bệnh thích. Người thầy thuốc nói với người bệnh: “Bạn không thiếu gì cả. Thực chất của chứng bệnh của bạn là thực chất tinh thần. Tôi có thể dùng vài lời nói và trong vài phút làm cho mọi rắc rối mất đi”. Nhưng chúng ta cho rằng, người ta không thể huy động một khối lớn sinh lực trong người bằng cách đánh thẳng vào nó mà không dùng một dụng cụ đặc biệt nào. Kinh nghiệm cho thấy là lối làm việc này không thành công trong bệnh thần kinh cũng như trong cơ khí. Tuy nhiên tôi biết lý luận này không phải là không thể bị bài bác, nghĩa là cũng có sơ hở.

Những điều hiểu biết thu lượm được trong khi nghiên cứu phân tâm học giúp cho ta nhìn thấy rõ ràng những sự khác biệt giữa sự ám thị thôi miên và sự ám thị phân tâm. Phương pháp thôi miên tìm cách bao trùm giấu giếm một cái gì trong đời sống tinh thần: phương pháp phân tâm trái lại đưa cái đó ra ánh sáng và gạt bỏ ra một bên. Phương pháp trên tác dụng bên ngoài, trong khi phương pháp dưới tác dụng như một cuộc giải phẫu. Phương pháp thôi miên sự ám thị để ngăn chặn triệu chứng không phát ra được, tăng cường sự dồn ép nhưng không động đến những sự hoạt động đưa đến sự phát sinh ra triệu chứng. Trái lại phương pháp phân tâm khi đứng trước những cuộc xung đột phát sinh ra triệu chứng, tìm cách trở về tận nguồn gốc rồi dùng sự ám thị để biến đổi theo ý muốn kết quả của các cuộc xung đột này. Phương pháp thôi miên làm cho người bệnh thụ động, không thay đổi gì cả và như thế tức là không có phản ứng gì trước một nguyên nhân mới phát sinh ra bệnh mới. Phương pháp phân tâm buộc người bệnh cũng như người thầy thuốc có những cố gắng khó nhọc để chế ngự được những sự đề kháng bên trong. Khi những sự đề kháng đó đã thất bại, đời sống tinh thần của người bệnh sẽ thay đổi lâu dài, được nâng lên một trình độ cao hơn và vẫn được bảo vệ chống lại những căn bệnh mới có thể xảy ra. Công việc chống lại mọi sự đề kháng là công việc chính yếu của phân tâm học và chính người bệnh phải làm công việc này, ông thầy thuốc chỉ dùng sự ám thị để giúp đỡ người bệnh bằng cách giáo dục anh ta thôi. Cho nên người ta có lý khi cho rằng việc chữa bệnh theo phân tâm học chính là một lối giáo dục.

Tôi tưởng đã làm cho các bạn hiểu được sự khác biệt giữa hai phương pháp nói trên trong việc dùng sự ám thị. Dựa vào sự biến đổi từ ám thị sang chuyển hoán, hẳn các bạn đã hiểu tại sao lối chữa chạy theo phương pháp thôi miên lại không chắc chắn trong khi lối phân tâm lại có thể giúp cho ta theo dõi từng kết quả một. Khi áp dụng thôi miên học chúng ta lệ thuộc vào khả năng hoán chuyển của ngời bệnh mà không có cách nào tác dụng được đối với khả năng này. Sự hoán chuyển của người bị thôi miên có thể có tính cách tiêu cực hay song đường: người bệnh có thể dùng vài thái độ đặc biệt để tự bảo vệ đối với sự hoán chuyển: chúng ta tác dụng trực tiếp đến sự hoán chuyển, gạt bỏ những cái gì chống đối lại nó và chĩa mũi dùi theo chiều hướng ta muốn. Chúng ta có thể lợi dụng sức mạnh của sự ám thị và sự ám thị trở nên dễ bảo hơn trong mức độ nào mà anh ta chịu nhận sự hướng dẫn đó.

Nhưng các bạn sẽ nói là mình muốn gọi cái động lực nói trên là hoán chuyển hay ám thị cũng được không có gì quan hệ. Không phải vì thế mà ảnh hưởng mà người bệnh phải chịu không làm cho chúng ta hồ nghi giá trị khách quan của những điều ta đưa ra. Điều gì có ích cho phương pháp trị liệu lại có hại cho nghiên cứu. Lời bài bác này luôn được đưa ra để chống lại phân tâm học, nhưng dù có sai lầm đi nữa thì người ta cũng không thể gạt bỏ nó được như một điều gì vô nghĩa lý. Nhưng nếu lời bác bỏ này đúng thì tất cả những đề luận của phân tâm học liên can đến những ảnh hưởng của đời sống, sự sống động tinh thần, đến vô thức đều coi như nước lã ra sông hết, chỉ còn lại một phát hiện trị liệu dùng ám thị đặc biệt công hiệu thôi. Những người đối nghịch với chúng ta nghĩ như thế đó. Họ cho rằng những đề luận của chúng ta về đời sống tình dục, về tầm quan trọng của đời sống này chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng lệch lạc của chúng ta và chính chúng ta đã thúc đẩy người bệnh nói những điều họ đã nói. Chúng ta dễ dàng bác những luận điệu này bằng thí nghiệm hơn là bằng lý thuyết. Người nào đã áp dụng phân tâm học sẽ hiểu rằng người ta không thể nào ám thị người bệnh đến mức đó được. Tất nhiên muốn cho người bệnh theo một lý thuyết nào, tin theo điều sai lầm nào của người thầy thuốc không khỏi là một điều khó. Người bệnh trong trường hợp đó cũng chẳng khác gì người thường, như một người học trò chẳng hạn; chỉ có điều trong một trường hợp này người ta dùng ảnh hưởng tác dụng không phải trên căn bệnh mà là trên trí thông minh của người bệnh. Người ta chỉ có thể giải quyết cuộc xung đột và tiêu huỷ sự đề kháng bằng cách gây ra cho người bệnh những biểu tượng đợi chờ trùng hợp với sự thực. Điều gì trong sự ám thị của người thầy thuốc không phù hợp với sự thực phải được gạt bỏ ngay và thay thế bằng những đề luận đúng hơn. Người ta dùng một kỹ thuật thích hợp và chăm chú để ngăn không cho sự ám thị có những hiệu quả nhất thời, nhưng dù sao những hiệu quả này có xuất hiện chăng nữa thì cũng chẳng sao vì không bao giờ chúng ta ngừng lại ở một kết quả đầu tiên. Sự phân tích sẽ không chấm dứt một khi những điểm tối tăm chưa được đưa ra ánh sáng, những lỗ hổng trong trí nhớ chưa được san bằng, mọi trường hợp dồn dép chưa được điều chỉnh lại. Những kết quả quá nhanh chóng sẽ thành những trở lực hơn là những điều kiện thuận tiện cho công việc phân tích và khi người ta huỷ bỏ sự hoán chuyển đi, người ta sẽ huỷ bỏ luôn sự thành công nói trên. Chính đặc điểm này chứng tỏ sự khác biệt với lối chữa chạy thuần tuý ám thị, giữa những kết quả do phân tâm học và do sự ám thị thu lượm được. Trong lối chữa bằng sự ám thị, khác lối phân tâm học, sự hoán chuyển được nâng niu, gượng nhẹ không ai dám động đến: phân tâm học trái lại tìm cách tác động hẳn vào sự hoán chuyển, lột mặt nạ của nó và phân hoá nó mặc dù nó có thể xuất hiện dưới bất cứ hình thức nào. Sau khi chữa xong bằng phân tâm học, sự hoán chuyển phải bị tiêu diệt, hậu quả sẽ lâu dài, sự thành công không dựa trên sự ám thị giản dị và thuần tuý mà trên các kết quả thu lượm được do sự áp dụng ám thị: huỷ diệt sự đề kháng bên trong, thay đổi các điều kiện nội tâm người bệnh.

Sự ám thị càng theo nhau xuất hiện bao nhiêu chúng ta càng phải chống lại những sự đề kháng luôn luôn đe doạ biến thành hoán chuyển tiêu cực (nghĩa là đối nghịch) bấy nhiêu. Những kết quả do phân tâm học thu lượm được, mà người ta cho là sản phẩm của sự ám thị thực ra bắt nguồn ở một nơi ở trên hết mọi điều nghi ngờ. Những người đảm bảo cho chúng ta chính là những người điên và vọng tưởng: những người này không ai có thể nói là đã chịu ảnh hưởng của sự ám thị được. Điều họ kể ra cho ta nghe phù hợp với kết quả do công trình nghiên cứu về vô thức trong bệnh thần kinh hoán chuyển cung cấp và xác nhận tính đúng đắn và khách quan về các điều giải thích của chúng ta. Các bạn sẽ không sai lầm khi tin tưởng vào phương pháp phân tâm.

Bây giờ chúng ta bổ túc sự trình bày về phương pháp trị liệu về phương diện lý thuyết. Người bệnh thần kinh không có khả năng hưởng thụ và hành động: không hưởng thụ được vì khát dục của anh ta không hướng về một đối tượng nào có thực; không hành động được vì anh ta buộc phải tiêu phí nhiều sinh lực để giữ gìn khát dục trong tình trạng dồn ép và chống đỡ với sự tấn công của khát dục. Bệnh anh ta chỉ khỏi khi không còn xung đột giữa cái tôi và sự khát dục nữa, khi cái tôi đã chế ngự được khát dục. Nhiệm vụ của phương pháp trị liệu là làm cho khát dục thoát khỏi những sự ràng buộc hiện thời không do cái tôi kiểm soát và đặt khát dục trở lại vị trí phụng sự cái tôi như trước. Khát dục của người bệnh thần kinh nấp ở đâu? Câu trả lời rất dễ: nó bị trói buộc vào những triệu chứng vì chỉ có triệu chứng mới cung cấp cho nó sự thoả mãn thay thế duy nhất. Vậy phải tóm lấy các triệu chứng, tiêu huỷ chúng đi, nghĩa là làm công việc mà người bệnh đòi hỏi.

Muốn tiêu huỷ triệu chứng phải quay trở về nguồn gốc của chúng, làm sống lại sự xung đột gây ra các triệu chứng đó, hướng cuộc xung đột này về một hướng khác, lợi dụng những yếu tố không thuộc quyền sử dụng của người bệnh trong thời kỳ phát sinh ra triệu chứng. Sự xét lại diễn biến của sự dồn ép chỉ có thể làm từng phần bằng cách theo dõi những dấu vết mà nó để lại. Điều tối yếu trong công việc chạy chữa là đi từ thái độ đối với ông thầy thuốc, từ sự hoán chuyển tạo ra một ấn bản mới của những cuộc xung đột cũ làm cho người bệnh giống như thời kỳ phát sinh ra bệnh, nhưng lần này phải huy động động lực tinh thần sẵn sàng có để tìm ra một giải pháp khác. Sự hoán chuyển vì vậy trở nên một bãi chiến trường trong đó mọi động lực đấu tranh với nhau đều phải nhập cuộc.

Tất cả khát dục và sự đề kháng với khát dục đều tập trung trong thái độ người bệnh đối với ông thầy thuốc; vào dịp đó nhất dịnh sẽ có sự tách bạch giữa những triệu chứng và khát dục, những triệu chứng sẽ không còn dấu vết gì của khát dục nữa. Thay thế vào bệnh, chúng ta sẽ còn một sự hoán chuyển do chúng ta tạo ra và nếu bạn thích hơn, có một bệnh về sự hoán chuyển thay vào chỗ của những đối tượng vừa phức tạp vừa không thực của khát dục, chúng ta có một đối tượng duy nhất cũng ly kỳ không kém: đó là ông thầy thuốc. Những sự ám thị do ông thầy thuốc đưa ra sẽ làm cho sự tranh đấu chung quanh đối tượng này tiến đến giai đoạn tinh thần cao nhất, thành ra chúng ta chỉ còn đứng trước một cuộc xung đột tinh thần bình thường. Chống lại một sự dồn ép mới không cho nó xuất hiện ra, chúng ta chấm dứt sự tách đôi cái tôi và khát dục, tái lập tính cách duy nhất của tinh thần. Khi khát dục rời khỏi đối tượng nhất thời là ông thầy thuốc, nó không thể quay trở lại với các đối tượng ngày xưa nữa; nó sẵn sàng phục vụ cái tôi lại. Những sức mạnh mà người ta phải chống lại trong công việc trị liệu này là: một đằng là sự chống đối lại một vài chiều hướng của khát dục, phát hiện dưới hình thức khuynh hướng dồn ép; một đằng sự dai dẳng bám riết của khát dục vào những đối tượng của nó mà nó không sẵn lòng rời bỏ.

Công cuộc trị liệu vì thế chia làm hai giai đoạn: trong giai đoạn thứ nhất khát dục tách rời khỏi các triệu chứng để định cư trên sự hoán chuyển, trong giai đoạn thứ hai sự tranh đấu diễn tiến chung quanh đối tượng mới để sau cùng làm cho khát dục thoát khỏi đối tượng này. Kết quả thuận lợi này chỉ có thể có được khi trong cuộc xung đột mới này, người ta thành công trong việc ngăn cản sự xuất hiện của một sự dồn ép mới, nếu không khát dục sẽ lấp vào trong vô thức và lại thoát khỏi sự kiểm soát của cái tôi. Nhờ có ảnh hưởng của sự ám thị cái tôi sẽ biến đổi đi và sự biến đổi này sẽ giúp chúng ta đạt được kết quả thuận lợi nói trên. Nhờ phân tâm học biến vô thức thành hữu thức nên cái tôi mới lớn mạnh hơn, nhờ những lời khuyên bảo của thầy thuốc, cái tôi sẽ tỏ ra khoan dung hơn đối với khát dục dành cho khát dục một vài sự thoả mãn và do đó người bệnh sẽ bớt e dè khát dục hơn, vì người bệnh có thể thoát khỏi được khát dục nhờ sự hoán chuyển. Sự diễn tiến như trên càng đến gần tình trạng lý tưởng vừa được mô tả bao nhiêu thì sự thành công trong công việc chữa chạy càng chắc chắn bấy nhiêu. Điều làm cho sự thành công bị hạn chế là một đàng sự khát dục không đủ mềm mỏng để có thể rời khỏi dễ dàng những đối tượng mà nó bám vào; đằng khác là sự cứng rắn của bệnh nác xít chỉ chịu sự hoán chuyển từ đối tượng này sang đối tượng khác trong một giới hạn nào đó thôi. Điều làm cho các bạn hiểu rõ tính cách sống động của lối chữa bệnh, hơn nữa là việc chúng ta có thể nắm trong tay tất cả sự khát dục đang tìm cách thoát khỏi cái tôi bằng cách kéo một phần sự khát dục về với chúng ta bằng sự hoán chuyển.

Sự định cư của khát dục trong lúc chữa chạy và sau khi chữa xong, không hề cho ta biết gì về điểm định cư của nó trong thời kỳ bệnh nặng. Giả dụ như trong khi chữa bệnh, chúng ta nhận thấy có sự hoán chuyển khát dục đến người cha và chúng ta đã tách rời được nó ra khỏi người cha để hướng dẫn về ông thầy thuốc chẳng hạn: chúng ta sẽ lầm lớn nếu cho rằng người bệnh đau khổ vì khát dục của mình đã định cư trên người cha một cách vô thức. Sự hoán chuyển của người cha chỉ là bãi chiến trường trên đó chúng ta tóm được khát dục, nhưng không phải khát dục có mặt trên chiến trường ngay từ lúc đầu, nguồn gốc của nó ở chỗ khác. Bãi chiến trường chưa hẳn đã là một vị trí quan trọng của địch quân. Sự bảo vệ kinh đô của địch quân không nhất thiết phải được tổ chức ngay cửa ngõ kinh đô đó chỉ sau khi huỷ diệt được sự hoán chuyển cuối cùng, chúng ta mới biết được khát dục đã định cư ở đâu trong thời kỳ chữa bệnh.

Đứng về phương diện lý thuyết của khát dục, chúng ta có thể thêm một vài điều liên quan đến giấc mơ. Giấc mơ của người bệnh thần kinh cũng như những hành vi sai lạc về những kỷ niệm của họ giúp cho chúng ta biết rõ được ý nghĩa của các triệu chứng và tìm được nơi định cư của khát dục. Dưới hình thức thoả mãn mong muốn vào những đối tượng nào mà khát dục đã bám vào để thoát khỏi sự kiểm soát của cái tôi. Vì thế cho nên sự giải thích giấc mơ giữ một vai trò quan trọng trong phân tâm học và trong nhiều trường hợp trở thành phương sách chính trong việc nghiên cứu. Chúng ta biết rằng giấc ngủ có kết quả là thả lỏng một phần nào cho sự dồn ép. Vì sự kìm hãm nhẹ hơn nên sự ham muốn trong giấc mơ có thể có một hình thức rõ ràng hơn sự ham muốn xuất hiện dưới hình thức triệu chứng trong khi thức. Vì thế cho nên việc nghiên cứu giấc mơ mở đường cho chúng ta hiểu rõ vô thức bị dồn ép mà trong vô thức đó lại có mặt sự khát dục thoát khỏi được sự kiềm chế của cái tôi.

Giấc mơ của những người bệnh thần kinh không khác giấc mơ của người thường một điểm nào cả; không những thế chúng ta khó mà phân biệt được rõ ràng hai loại giấc mơ đó. Chúng ta sẽ vô lý khi việc tìm trong giấc mơ của người bệnh thần kinh một sự giải thích không có giá trị đối với giấc mơ của người thường. Vì thế nên chúng ta phải nói rằng sự khác biệt giữa tình trạng của trạng thái bị bệnh thần kinh và trạng thái bình thường chỉ có trong tình trạng thức của hai trạng thái đó và sự khác biệt này biến mất trong giấc mơ ban đêm. Chúng ta bắt buộc phải áp dụng cho người bình thường một số các dữ kiện dẫn xuất từ những liên quan giữa giấc mơ và triệu chứng của bệnh thần kinh. Chúng ta phải thừa nhận rằng người bình thường trong đời sống tinh thần cũng có một cái gì khiến cho giấc mơ và triệu chứng có thể phát sinh ra được và người bình thường cũng phải tranh đấu với sự dồn ép, cũng phải đem sinh lực ra để ngăn chặn những dồn ép đó. Hệ thống vô thức của người bình thường cũng chứa đựng những sự ham muốn bị chế ngự và một phần của sự khát dục cũng thoát khỏi sự kiềm chế của cái tôi. Vậy người bình thường cũng là người bệnh thần kinh tiên tiến nhưng hình như chỉ có giấc mơ là triệu chứng duy nhất có thể thành lập được. Nhưng đó chỉ là bề ngoài vì khi đem đời sống trong khi thức của một người bình thường ra nghiên cứu thực kỹ, chúng ta cũng thấy là đời sống mà ta tưởng bình thường này cũng chứa đựng rất nhiều triệu chứng thực ra không có nghĩa lý gì và không quan trọng gì trong thực tế.

Vậy sự khác biệt giữa sức khoẻ bình thường và bệnh thần kinh chỉ là một sự khác biệt về đời sống thực tế và phụ thuộc vào mức hưởng thụ và hoạt động mà người đó còn làm được. Sự khác biệt này rút lại chỉ là khác biệt giữa những số lượng sinh lực còn được tự do và số lượng sinh lực bị ngưng hoạt động vì sự có mặt của dồn ép. Vậy sự khác biệt không phải về phẩm mà về lượng. Tôi không cần nhắc lại là quan điểm trên đây hiến cho ta một căn bản để tin tưởng bệnh thần kinh có thể chữa khỏi dù chúng có tính di truyền.

Đó là điều mà sự đồng nhất giữa giấc mơ của người bình thường và giấc mơ của người bệnh thần kinh giúp cho ta kết luận về đặc tính của sức khoẻ bình thường. Nhưng về phương diện giấc mơ, chúng ta còn rút từ sự đồng nhất này ra một kết luận nữa đó là việc chúng ta không được tách rời giấc mơ ra khỏi những liên quan của nó đối với những triệu chứng bệnh thần kinh, rằng ta không nên tin rằng chúng ta đã mô tả được thực chất của giấc mơ khi nói rằng nó chẳng là gì khác hơn sự phát biểu sơ khai cổ lỗ của một vài ý tưởng hay tư tưởng, rằng chúng ta phải chấp nhận giấc mơ có thể cho chúng ta biết những nơi toạ lạc và định cư của khát dục có thực.

Tôi sắp chấm dứt những bài học này. Các bạn có lẽ thất vọng khi thấy tôi chỉ nói đến vấn đề về lý thuyết trong chương nói về cách chữa bệnh trong phân tâm học, mà không nói gì đến những điều kiện phải có khi bắt đầu dùng phương pháp trị liệu đó và những hiệu quả cần phải đạt dược. Tôi chỉ nói đến lý thuyết vì không hề có ý hiến các bạn một kim chỉ nam thực hành phân tâm học, tôi có lý do để không nói đến những cách làm việc và kết quả của phân tâm học. Tôi đã nói ngay trong những buổi đầu là nếu gặp điều kiện thuận tiện chúng ta đã thu lượm thực sự thành công rực rỡ trong công việc chữa chạy không kém gì những sự thành công huy hoàng nhất của môn nội thương trong y học, tôi có thể thêm rằng, những sự thành công mà phân tâm học đã thu lượm được, không một môn nào khác có thể đạt được. Nếu nói nhiều nữa sợ các bạn nghi ngờ là tôi muốn đem quảng cáo ầm ỹ để che lấp những tiếng reo hò của những kẻ thù nghịch phân tâm học. Có nhiều bạn đồng nghiệp đe doạ các nhà phân tâm học trong những buổi họp công cộng là họ sẽ mở mắt cho công chúng xem sự nghèo nàn của lối chữa của chúng ta bằng cách công bố danh sách những thất bại tai hại mà phân tâm học đã phạm phải. Không nói gì đến tính chất bỉ ổi của một hành động như thế, một hành động chỉ có tính chất thù hận, cho dù người ta có công bố thực những điều nói trên chăng nữa thì sự công bố này cũng chẳng giúp gì cho công việc phán đoán đúng đắn về hiệu quả của công việc chữa chạy thay lối phân tâm. Phương pháp trị liệu phân tâm mới ra đời đây thôi, cần có nhiều thời gian mới ổn định được kỹ thuật mà công việc này lại chỉ làm được trong khi nghiên cứu và nhờ phản ứng đối với kinh nghiệm trực tiếp. Vì gặp nhiều khó khăn trong việc giảng dạy phân tâm học nên người thầy thuốc trẻ tuổi bắt đầu vào nghề phân tâm thường phải tự mình trông cậy vào mình để hoàn bị nghệ thuật, thành ra những kết quả thu lượm được không thể nói là có lợi hay có hại cho công việc chứng tỏ là lối chữa chạy của phân tâm học có hiệu quả hay không.

Nhiều công việc chữa chạy đã thất bại trong buổi đầu của phân tâm học vì đã được thực hiện trong những trường hợp không thuộc phạm vi môn học và hiện nay chúng ta gạt bỏ rất nhiều điều chỉ dẫn của những trường hợp đó. Nhưng chính vì có những cuộc chữa thử đó nên ngày nay chúng ta mới tiến được. Trước kia người ta đâu có biết bệnh điên sớm phát và bệnh vọng tưởng không thể chữa được bằng phân tâm học, vậy mà người ta vẫn có quyền dùng phương pháp đó để chữa nhiều bệnh khác nhau nữa. Tuy nhiên ta phải công bằng mà nói rằng, nếu trong những năm đầu tiên phân tâm học đã gặp nhiều thất bại thì đó không phải do thầy thuốc thiếu kinh nghiệm mà chính vì những điều kiện không thuận tiện. Từ trước đến nay chúng ta chỉ nói đến những sự đề kháng bên trong; những sự đề kháng này do người bệnh đưa ra rất cần thiết và không thể khắc phục được. Nhưng còn những chướng ngại vật bên ngoài, xung quanh người bệnh, do người xung quanh tạo ra, tuy không có lợi ích gì về lý thuyết, nhưng lại rất quan trọng trong thực tế. Phương pháp trị liệu phân tâm học giống như một cuộc giải phẫu, nghĩa là phải được thực hiện trong những điều kiện khiến cho những cơ hội thất bại phải được rút đến mức tối thiểu. Các bạn hẳn biết người giải phẫu phải cẩn trọng như thế nào: có phòng thích hợp, ánh sáng đầy đủ, người phụ tá có kinh nghiệm nghề nghiệp, cấm người thân bệnh nhân có mặt trong phòng…Có bao nhiêu cuộc giải phẫu thành công nếu được diễn ra trước mặt đông đủ người thân của bệnh nhân kêu la rên xiết mỗi khi thấy lưỡi dao lướt qua người bệnh. Trong công cuộc chữa chạy của phân tâm học, sự có mặt của người thân người bệnh là một điều nguy hiểm, nhưng làm sao cho họ không có mặt bây giờ? Chúng ta đủ cách đề phòng chống lại những sự đề kháng bên trong, chúng ta lại biết rằng những sự đề kháng đó rất cần thiết; nhưng làm sao chống lại những sự đề kháng từ bên ngoài? Không có cách nào thuyết phục người thân bệnh nhân đứng ngoài cuộc chữa chạy; ngoài ra không bao giờ nên tỏ vẻ hoà đồng với người thân bệnh nhân vì người bệnh sẽ không còn tin tưởng ở ông thầy thuốc nữa, vì người bệnh bắt buộc rằng người mà anh ta tin cậy đến độ nói cho nghe hết những điều bí ẩn của lòng mình phải đứng về phía mình trong mọi trường hợp. Người nào quen với những sự cãi cọ trong gia đình thường hiểu rằng nhiều khi một người trong gia đình người bệnh có lợi khi để cho người bệnh cứ tiếp tục bị bệnh mãi chứ không muốn cho người bệnh khỏi. Trong những trường hợp luôn luôn xảy ra khi có bệnh thần kinh chính là hậu quả của quyền lợi tương phản giữa những người trong gia đình thì người thân của bệnh nhân thường không có gì phải chọn lựa giữa quyền lợi của chính mình và sự khỏi bệnh của người bệnh. Cho nên chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy một người chồng không thích cho thầy thuốc biết tội lỗi của mình. Vì thế nên những nhà phân tâm học chúng tôi không ngạc nhiên và chúng tôi không chấp nhận những điều trách móc khi công cuộc chữa chạy thất bại hay phải dừng lưng chừng vì có sự đề kháng của người chồng đến phụ lực cho sự đề kháng của người bệnh. Chúng ta đã làm một công việc không thể thành công được trong những điều kiện như thế. Tôi chỉ kể cho các bạn nghe trong một trường hợp thôi trong đó tôi trở thành nạn nhân mà không dám nói ra chỉ vì những điều nhận xét thuần tuý y học. Cách đây vài năm, tôi chữa bệnh cho một thiếu nữ bị bệnh thần kinh lo sợ đến nỗi không dám đi ra ngoài hay ở nhà một mình. Dần dần cô ta cho tôi biết sở dĩ như thế là vì chính mắt cô đã được chứng kiến cuộc giao du tình ái giữa mẹ cô và một người bạn giàu có của gia đình. Cô ta đã vụng về hay quá tế nhị để cho mẹ biết những việc gì đã xảy ra trong những buổi chữa bệnh bằng phân tâm học: để tránh khỏi phải ngồi một mình cô bám chặt lấy mẹ, không cho mẹ đi đâu hết. Người mẹ trước kia cũng bị bệnh thần kinh và đã được chữa khỏi trong một bệnh viện chữa bằng nước. Trong thời kỳ nằm viện, bà ta quen biết một ông sau đó đã giao du thân mật với bà ta và làm cho bà ta rất hài lòng về mọi phương diện. Thấy con đòi hỏi mạnh mẽ như thế, bà đột nhiên hiểu rõ tại sao con gái mình lại lo sợ như thế, rằng con gái mình làm ra vẻ bị bệnh để ngăn cấm không cho mẹ đi ra ngoài và có cơ hội gặp lại người yêu. Bà bất thần chấm dứt mọi sự chữa chạy. Người con gái được đưa vào một bệnh viện thần kinh và trong bao nhiêu năm người ta rêu rao là cô ta là một nạn nhân đáng thương của môn phân tâm học. Người ta đã trách móc tôi nhiều về kết quả thảm hại của việc chữa chạy. Tôi phải giữ im lặng vì bí mật nghề nghiệp. Mãi nhiều năm về sau, một người bạn thường đi lại trong bệnh viện của cô gái cho tôi biết rằng cuộc giao du tình ái giữa bà mẹ và người bạn giàu, với sự đồng loã của người chồng vỡ lở khiến cho ai cũng biết. Vậy người ta đã nhân danh điều “bí mật” này để chấm dứt sự chữa chạy bằng phân tâm.

Trong những năm trước khi xảy ra chiến tranh (Đại chiến lần thứ nhất (1914), vì có nhiều người ngoại quốc nên tôi không để ý đến sự hoan nghênh hay không của thành phố quê hương tôi nữa, tôi đã tự đặt cho mình quy tắc là không chữa cho bất cứ người nào nếu người đó không độc lập với người thân. Đó là một quy tắc mà không phải bất cứ một nhà phân tâm học nào cũng theo được. Nhưng vì tôi bảo các bạn nên đề phòng với thân nhân của người bệnh, các bạn sẽ cho rằng những người bệnh được chữa bằng phân tâm học phải sống xa gia đình và người quen biết và lối chữa chạy này chỉ có thể áp dụng cho những người nằm trong bệnh viện thần kinh. Không phải thế đâu: nếu không bị bệnh quá nặng, người bệnh sẽ có lợi vô cùng nếu được chữa chạy trong bầu không khí quen thuộc, trong đó họ có thể giải quyết được những vấn đề của họ. Bà con của họ chỉ cần đừng có thái độ thù nghịch với ông thầy thuốc và can thiệp vào sự chữa chạy của ông ta thôi. Nhưng những điều đó sao mà khó làm thế! Tất nhiên bạn sẽ dễ dàng nhận thấy rằng chữa bệnh có thành công hay không là tuỳ thuộc vào bầu không khí xã hội chung quanh người bệnh và trình độ học thức của gia đình người bệnh.

Tất cả những điều đó không đủ cho ta có một ý niệm cao cả về sự công hiệu của phương pháp trị liệu phân tâm học, dù rằng phần lớn những sự thất bại của chúng ta là do những điều kiện bên ngoài. Nhiều bạn của phân tâm học thúc giục tôi công bố danh sách những sự thành công của môn này để đáp lại danh sách của những sự thất bại. Tôi không chấp nhận lời khuyên này. Để bênh vực ý kiến này, tôi cho rằng một sự thống kê chẳng có giá trị gì khi những con số đưa ra không giống nhau, mà những bệnh do phân tâm học chữa chạy lại khác nhau rất nhiều và rất xa. Vả lại thời gian chưa đủ để khẳng định rằng người bệnh đã khỏi hoàn toàn, có nhiều trường hợp chưa lấy gì làm chắc chắn. Những trường hợp này là trường hợp của những người giấu không muốn cho người khác biết mình bị bệnh và đã được chữa khỏi. Nhưng trên tất cả các điều khác, điều tôi đưa ra để bênh vực quan điểm của tôi trong vấn đề này là thái độ không hợp lý của mọi người đối với mọi phương pháp trị liệu, không thể dùng những lý lẽ hợp lý đưa vào thí nghiệm cũng như để thuyết phục họ. Một điều mới lạ trong phương pháp trị liệu thường được đón tiếp hoặc bằng một thái độ hoan nghênh ầm ĩ như độc tố lao đầu tiên của Koch chẳng hạn, hoặc bị nghi ngờ một cách làm nản lòng người như phương pháp phòng ngừa của Jenner chẳng hạn mà cho mãi tận bây giờ vẫn còn nhiều người chỉ trích. Phân tâm học vấp phải một thái độ thiên vị rõ ràng. Khi nói về một sự thành công của phân tâm học, người ta thường nói: “Điều đó chẳng nói lên gì cả, vì giả dụ như không được ông chữa thì ngày nay người bệnh vẫn khỏi như thường”. Rồi một khi người bệnh sau bốn chu kỳ buồn rầu và có thói quen kỳ cục, được chữa chạy trong một khoảng thời gian tạm khỏi, ba tuần sau lại thấy bệnh tái phát là mọi người trong gia đình đó có cả một y sĩ thượng thặng kêu la lên rằng sự tái phát này là hậu quả tất nhiên của lối chữa hạy trong phân tâm. Đối với những thành kiến đó, chúng ta chỉ có việc khoanh tay. Cần để cho thời gian qua đi mới xoá nhoà được những thành kiến đó. Một ngày kia những người này sẽ nghĩ lại, khác với những điều họ nghĩ trước kia. Nhưng tại sao hôm trước họ không nghĩ như hôm nay? Đó là một điều bí mật đối với họ cũng như đối với chúng ta.

Cũng có thể là những thành kiến này đã đi thụt lùi vì ngày nay phân tâm học đã được phổ biến và nhiều y sĩ trẻ tuổi cũng đã dùng phân tâm học để chữa bệnh. Khi còn là một thầy thuốc trẻ tuổi tôi đã được chứng kiến người ta la ó giận dữ ra sao trong giới y học để đó tiếp phương pháp trị liệu bằng thôi miên y như ngày nay người ta la ó trước phương pháp trị liệu bằng phân tâm học. Nhưng về tính chất trị liệu thôi miên học đã không giữ được lời đã hứa trong buổi đầu; những nhà phân tâm học như chúng ta, chúng ta biết đã chịu ơn thôi miên học như thế nào và đã coi mình như những người thừa kế của môn này. Những điều người ta chỉ trích phân tâm học bắt nguồn ở chỗ có những hiện tượng nhất thời gây nên bởi một vài sự áp dụng vụng về và bị ngừng lại bất thần của một vài cuộc chữa chạy. Bây giờ vào lúc các bạn đã biết thái độ của chúng ta đối với người bệnh ra sao rồi thì bạn hẳn biết thái độ đó có gây cho người bệnh điều thiệt hại gì lâu dài hay không. Tất nhiên phân tâm học có thể đưa đến nhiều sự lạm dụng và sự hoán chuyển đặc biệt là một phương sách nguy hiểm trong tay một nhà phân tâm học không tận tâm. Nhưng có phương pháp trị liệu nào mà không bị lạm dụng? Muốn chữa khỏi bệnh, lưỡi dao giải phẫu phải cắt chứ làm sao bây giớ?

Tôi đã chấm dứt những bài học này và tiếc rằng trong những bài học này còn có những thiếu sót và lỗ hổng. Tôi tiếc là đã hứa với các bạn quay trở lại một vài vấn đề nhưng rồi lại chỉ nói phớt qua thôi và đã không thể giữ lời hứa vì chiều hướng của những bài học này. Tôi đã làm công việc mở đường cho các bạn đi vào một môn học đang phát triển, còn thiếu sót nhiều và vì muốn tóm tắt lại tôi đã đưa ra một bài trình bày còn thiếu sót. Hơn một lần tôi đã tập trung những vật liệu để đưa ra một kết luận mà rồi sau tôi không đưa ra. Tôi không có tham vọng làm cho các bạn trở thành những nhà chuyên môn. Tôi chỉ muốn mở đường cho các bạn và thúc đẩy các bạn thôi.

Hết

<< Sự hoán chuyển |


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 220

Return to top