Muốn có một ý niệm đứng đắn về chứng bệnh thần kinh, chúng ta cần có nhiều kinh nghiệm mới và đây là hai cuộc thí nghiệm rất đáng chú ý, gây nhiều tiếng vang trong thời kỳ phát hiện.
Thí nghiệm thứ nhất: mỗi khi chúng ta trị bệnh cho một người nào, người đó thường chống cự lại rất dữ đội trong suốt thời kỳ điều trị. Câu chuyện khó tin nhưng có thực. Nếu chúng ta không nói điều đó cho gia đình người bệnh biết, họ sẽ cho rằng ta muốn kéo dài thời kỳ trị bệnh ra. Chính người bệnh chống cự lại rất dữ dội tuy không biết là mình chống cự và khi chúng ta làm sao để người bệnh nhận ra là họ chống cự lại chúng ta tức là chúng ta đã thành công khá lớn. Các bạn thử nghĩ xem: người bệnh đau khổ quá nhiều vì bệnh mình làm cho người chung quanh đau khổ theo, hy sinh biết bao nhiêu công của thời giờ để được khỏi bệnh, người đó có lý do gì để phản kháng lại bác sĩ muốn chữa cho họ khỏi? Họ sẽ cho là thái độ chống đối đó thực vô nghĩa lý mỗi khi bạn cho họ biết việc đó. Vậy mà chẳng còn điều gì đúng hơn là sự chống đối đó nữa, còn thiếu gì những người đau răng chống đối dữ dội lại nha sĩ khi thấy đưa đồ nhổ răng vào gần mồm.
Sự chống đối của người bệnh xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, nhiều khi rất tế nhị, khó nhận ra. Người ta không tin cậy ông thầy thuốc, nhiều khi còn đề phòng ông ta nữa. Trị bệnh thần kinh chúng ta cũng dùng kỹ thuật như trong việc giải thích giấc mơ. Chúng ta yêu cầu người bệnh tự quan sát và nói cho chúng ta nghe những điều họ cảm thấy theo thứ tự xuất hiện trong óc họ: tình cảm, ý tưởng, kỷ niệm. Chúng ta yêu cầu họ tự nhiên nói ra những điều mình nghĩ hay cảm thấy, chứ đừng ngập ngừng vì những điều đó khó nghe, khó nói, hay cho là không quan trọng hay vô nghĩa. Chúng ta bảo họ là đừng ngập ngừng gì, đừng nghe theo những lời chỉ trích bên trong và nếu họ làm theo đúng lời chỉ dẫn của chúng ta thì bệnh họ sẽ chóng khỏi hơn. Kinh nghiệm trong việc giải thích giấc mơ đã cho ta biết là chính trong những kỷ niệm, những điều nghi ngờ lại chứa đựng nhiều vật liệu giúp cho chúng ta tìm được vô thức.
Kết quả thứ nhất thu lượm được trong quy tắc cơ bản này là lấy ngay sự chống đối của người bệnh để chống lại người bệnh. Người bệnh dùng đủ mọi cách để không nghe theo lời bác sĩ, sẽ nói rằng không cảm thấy gì hết, không có một ý tưởng, một tình cảm hay một kỷ niệm nào, hay nếu có cũng chẳng biết rõ như thế nào. Nhưng dần dần người bệnh nhượng bộ trước những đề nghị của chúng ta, tự tố cáo bằng cách lặng im thật lâu trong khi đang nói chuyện, rồi rút cục thú nhận rằng mình biết những điều không thể nói ra được làm cho mình xấu hổ, cho nên không nói ra được trái với lời đã hứa. Có khi người bệnh thú nhận rằng có biết một vài điều nhưng điều đó liên can đến một người khác nên không tiện nói ra. Có khi lại cho là những điều mình biết chả có nghĩa gì, chả có tầm quan trọng nào đáng cho mình để ý đến. Cứ thế tiếp tục mãi cho tới khi bác sĩ nói cho họ biết rằng khi yêu cầu người bệnh nói hết thì người bệnh phải nói hết thực sự chứ không phải nói chơi.
Khó lòng tìm thấy một người bệnh nào lại không dành riêng cho mình một khoảng nào đó trong tinh thần, làm cho việc trị bệnh không len lỏi vào đó được. Một thân chủ rất thông minh của tôi trong suốt một tuần liền đã giấu không cho tôi biết là anh ta có nhân tình, khi tôi trách anh về điều đó, anh trả lời là anh tưởng rằng đó là việc riêng của anh. Tất nhiên việc trị bệnh bằng phân tâm học không thể chấp nhận điều giấu giếm đó. Ví dụ như bây giờ chúng ta tuyên bố rằng, cảnh sát trong ngày nào đó sẽ không bắt một người nào đó ở hai nơi trong thành Viên chẳng hạn, rồi đi tìm bắt một người tội phạm đang ẩn náu trong thành phố. Tên tội phạm sẽ trốn ở đâu nếu không phải là ở một trong hai nơi nói trên. Tôi tưởng rằng tôi có thể dành một quyền hạn như thế cho một người thân chủ của tôi khi cho rằng người này có thể giữ được lời hứa và không nói cho người khác biết những điều cần giấu vì lý do bí mật nghề nghiệp. Thân chủ này rất hài lòng về công việc trị bệnh. Tôi không hài lòng như anh ta và không bao giờ dám làm lại một thí nghiệm như thế nữa.
Những người bị ám ảnh thường viện cớ lương tâm và nghi ngờ để gây khó khăn trong việc trị bệnh, Những người bị náo loạn thần kinh thường làm hỏng công việc trị bệnh bằng cách nói ra những điều không ích lợi gì cho công việc trị bệnh, có khi còn làm sai lạc công việc này nữa. Tôi không hề muốn đưa các bạn đi sâu vào những chi tiết trong kỹ thuật trị bệnh. Tôi chỉ cần nói rằng, mỗi khi chúng ta thành công trong việc ép buộc người bệnh làm theo lời trong một phạm vi nào đó thì sự chống đối lập tức được chuyển sang một địa hạt khác. Lúc đó sự chống đối sẽ có tính cách tri thức dùng những tài liệu lý luận, những sự khó khăn, sai lầm mà người ta tưởng đã tìm ra trong lý thuyết của chúng ta. Từ miệng người bệnh chúng ta sẽ được nghe lại tất cả những lời bài bác mà các nhà khoa học nhất loạt đưa ra phản đối chúng ta. Đúng là một trận bão trong một ly nước. Nhưng người bệnh chịu khó nghe chúng ta nói, hướng dẫn bài bác họ, chỉ cho họ những tài liệu họ cần tham khảo. Họ sẵn sàng trở thành thân hữu của môn phân tâm học với điều kiện là môn này đừng động đến họ, đến cá nhân của họ. Trong sự chống đối đó có một ý muốn cho chúng ta đi xa dần nhiệm vụ chính. Vì thế nên chúng ta phải chống đối lại thái độ đó. Những người bị ám ảnh dùng một phương pháp đặc biệt trong việc chống đối. Người bệnh để yên cho chúng ta phân tích, không tỏ vẻ phản đối khiến cho đã có lúc chúng ta có cảm tưởng đang thành công, nhưng rồi cuối cùng chẳng đạt được một kết quả gì. Lúc đó mới thấy sự chống đối núp sau sự nghi ngờ. Người bệnh tự nhủ: “Những điều này thật hay, thật đẹp tôi chẳng muốn gì hơn là tiếp tục, nếu những điều đó đúng tôi sẽ khỏi bệnh. Nhưng có lẽ không đúng, mà một khi tôi tin là không đúng thì bệnh tôi chẳng khỏi được”. Tình trạng này có thể kéo dài lâu cho tới khi chúng ta tấn công thẳng vào sào huyệt sự chống đối và lúc đó mới là giờ phút quyết liệt.
Sự chống đối có tính cách trí thức không lấy gì làm quan trọng, có thể chiến thắng được dễ dàng. Nhưng còn sự chống đối khác khó chiến thắng hơn. Đáng lẽ gợi lại những kỷ niệm, người bệnh lại đưa ra những luận điệu thái độ trong cuộc sống để chống lại bác sĩ và phương pháp trị bệnh. Khi người bệnh là đàn ông, anh ta thường dựa vào những sự giao thiệp với người cha mà địa vị đã bị ông bác sĩ thay thế: đưa ra những luận điệu về sự ham muốn được độc lập, lòng tự ái vượt cả người cha, không muốn tỏ lòng biết ơn người cha, người bệnh dùng những luận điệu này để phá ông bác sĩ không cho ông làm được công việc trị bệnh. Người ta có cảm tưởng rằng người bệnh thích làm cho ông bác sĩ thất bại, bực mình hơn là muốn khỏi bệnh. Nếu người bệnh là đàn bà thì họ hay dùng những lời nũng nịu âu yếm để xiêu lòng ông bác sĩ, nhiều khi tình cảm đối với ông bác sĩ có đượm màu tình ái. Khi khuynh hướng này đạt tới một mức độ nào đó, người bệnh không quan tâm gì đến tình thế hiện tại nữa, không còn nghĩ đến bệnh trạng, quên hết những điều cam kết trong khi trị bệnh. Ngoài ra lòng ghen tuông, sự thất vọng của người bệnh khi thấy ông bác sĩ tỏ vẻ lạnh lùng với mình cũng ngăn trở công việc trị bệnh tiến hành đều đều.
Những sự chống đối này không đáng bị kết án hoàn toàn. Chính sự chống đối nhiều khi cũng chứa đựng nhiều tài liệu quan trọng về đời sống người bệnh và do đó cũng giúp nhiều cho bác sĩ nếu ông này biết hướng dẫn khéo léo. Chỉ có điều là trong lúc đầu bao giờ những sự chống đối này cũng có hại cho sự trị bệnh. Đó chính là sự phát triển của cái tôi mà người bệnh dùng để chống lại những sự thay đổi do sự trị bệnh có thể gây ra. Những đặc điểm của cái tôi này xuất hiện dưới những điều kiện của bệnh thần kinh và là phản ứng đối với căn bệnh; chúng ta có thể cho là chúng tiềm tàng trong người bệnh vì nếu không có bệnh thì không bao giờ chúng xuất hiện tới mức độ đó và với cường độ đó. Sự xuất hiện của các chống đối này không làm hại gì đến hiệu quả của sự trị bệnh. Nhà phân tâm học biết trước là thế nào cũng có chống đối, thế nào chúng cũng xuất hiện và chỉ không hài lòng khi không làm cho chúng xuất hiện với một sự rõ ràng mong muốn và làm cho người bệnh hiểu được tính chất của sự chống đối đó thôi. Sự hủy bỏ những sự chống đối đó chính là công việc cần thiết phải làm, nếu làm được thì chúng ta đã thành công một phần.
Người bệnh lại lợi dụng bất cứ một cơ hội nào để thôi không cố gắng nữa, cơ hội này có thể là một tai nạn bất thần xảy ra trong lúc đang chữa, một biến cố bên ngoài làm người bệnh chú ý đến, một vẻ thù nghịch của người chung quanh đối với bệnh, một bệnh khác xảy ra làm cho bệnh thần kinh nặng thêm, hoặc một sự tiến bộ khả quan trong việc chạy chữa. Các bạn cứ thêm vào những điều trên, những điều vừa nói là các bạn có ngay một bản kê khai không phải là đầy đủ, nhưng khá đúng về mọi phương tiện chống đối xảy ra trong lúc bệnh. Nếu tôi nói nhiều chi tiết về vấn đề như thế lại chỉ cốt để chứng minh rằng những kinh nghiệm của chúng ta trong việc khảo cứu các sự chống đối là nền tảng cho quan niệm sống động của chúng ta về bệnh thần kinh. Breuer và tôi đã bắt đầu chữa bệnh thần kinh bằng thôi miên: người bệnh đầu tiên của Breuer chỉ được chữa chạy trong tình trạng bị thôi miên, tôi cũng làm theo ông ta. Phải nhận là chữa như thế dễ dàng hơn, dễ chịu hơn, mất ít thì giờ hơn, nhưng kết quả đạt được không chắc chắn, không được lâu. Vì thế nên tôi bỏ không dùng thôi miên nữa và hiểu rằng nếu cứ tiếp tục dùng thôi miên thì không sao hiểu được tính cách sống động của những bệnh này. Vì thôi miên nên bác sĩ không thấy có sự chống đối. Dồn sự chống đối đi, thôi miên sẽ có một môi trường hoạt động rộng rãi hơn, và sự chống đối nấp sau môi trường đó không làm sao tiến tới được y như sự nghi ngờ trong bệnh thần kinh bị ám ảnh. Vì thế nên tôi có thể nói rằng môn phân tâm học chỉ ra đời khi người ta bỏ không dùng thôi miên nữa.
Nhưng dù có cho sự chống đối là quan trọng chăng nữa, chúng ta cũng nên dành chỗ cho nghi vấn và không nên quá vội vàng trong việc công nhận sự có mặt của các sự chống đối. Cũng có những trường hợp bệnh thần kinh mà sự liên tưởng chẳng làm được gì; cũng có khi những lời bài bác của chính người bệnh đáng được chúng ta để ý, chúng ta có thể đã lầm khi cho những lời bài bác này là những sự chống đối. Tuy nhiên tôi phải nói rằng lý luận được như thế không phải dễ dàng gì. Chúng ta đã có dịp quan sát con bệnh của chúng ta trước và sau khi những sự chống đối này xuất hiện. Cường độ của sự chống đối luôn luôn thay đổi trong thời gian trị bệnh; cường độ này tăng lên khi chúng ta tới một chủ đề mới, đến tột đỉnh khi chủ đề này đến chỗ xây dựng rồi sau đó giảm dần khi chủ đề đã làm xong. Ngoài ra, trừ phi vì vụng về trong kỹ thuật, chúng ta chưa hề gợi cho người bệnh chống đối chúng ta hết mình. Trong suốt thời gian trị bệnh, người bệnh thay đổi nhiều lần thái độ chống đối. Khi chúng ta đưa họ được đến một điểm nào đó làm cho họ ý thức được một phần nào những vật liệu chứa đựng trong vô thức của họ là họ chống đối mạnh nhất; nếu trước đó họ có hiểu hay chấp nhận một điều gì thì lúc đó họ cũng bỏ hết; trong sự chống đối tột đỉnh này nhiều khi họ tỏ ra ngu xuẩn. Nhưng nếu ta giúp họ thắng được sự chống đối đó, họ sẽ lấy lại được bình tĩnh và lại hiểu được. Vậy thái độ phê bình chỉ trích của họ không có tính cách độc lập mà chỉ là một phương tiện phụ trong tình cảm của họ do sự chống đối hướng dẫn. Nếu có điều gì không hợp lý, người bệnh sẽ tìm mọi cách chống đối, nhưng nếu có điều gì hợp lý, người bệnh lại chấp nhận một cách dễ dàng. Chúng ta cũng thường làm như thế, nhưng sở dĩ trong người bệnh sự lệ thuộc của ý chí vào tình cảm này xuất hiện rõ ràng như thế chính là vì chúng ta đã dồn chúng vào cứ điểm cuối cùng của chúng.
Chúng ta làm sao giảng được sự kiện người bệnh dùng đủ mọi cách chống lại sự hủy bỏ các triệu chứng bệnh và sự tái lập tình trạng bình thường của một hoạt động tinh thần? Những động lực chống lại sự thay đổi tình trạng này cũng như là những động lực đã gây ra tình trạng đó. Chúng ta có thể dùng những kinh nghiệm đạt được trong việc phân tích các triệu chứng để tái lập sự hoạt động tinh thần lúc các triệu chứng mới xuất hiện. Sau quan sát của Breuer chúng ta biết rằng, sở dĩ các triệu chứng căn bệnh xuất hiện là vì sự hoạt động tinh thần không đạt được mức độ bình thường để có thể trở thành hữu thức. Triệu chứng chỉ xuất hiện để thay thế những cái gì chưa hoàn thành. Do đó chúng ta có thể xác định được vị trí của tác dụng của động lực gây ra triệu chứng đó. Chắc phải có một sự chống đối mạnh mẽ không có sự hoạt động tinh thần tiến vào được ý thức: vì thế cho nên sự hoạt động này phải có tính cách vô thức và với tính cách vô thức đó nó còn xuất hiện dưới hình thức một triệu chứng.
Nhưng sự cố gắng biến vô thức thành hữu thức cũng gặp sự chống đối. Chúng ta gọi sự hoạt động gây ra bệnh thần kinh xuất hiện dưới hình thức một sự chống đối này là sự dồn ép.
Bây giờ chúng ta phải hình dung xem sự dồn ép này ra sao? Đó là điều kiện trước nhất để hợp thành một triệu chứng và từ trước tới nay chúng ta chưa từng thấy một cái gì tương tự. Lấy thí dụ một sự thúc đẩy, một hoạt động tinh thần có thể biến thành một hành vi: sự thúc đẩy này có thể bị gạt ra một bên, bị bỏ đi hay bị lên án. Vì thế nên nghị lực của nó bị rút đi, nó trở thành bất lực, chỉ còn sót lại trong tinh thần như một kỷ niệm thôi. Mọi quyết định mà sự thúc đẩy là đối tượng đều phải tiến hành dưới sự kiểm soát hữu thức của cái tôi. Nhưng khi sự thúc đẩy đó bị dồn ép thì sự việc xảy ra khác hẳn. Nó sẽ giữ nguyên nghị lực nhưng không để lại đằng sau một kỷ niệm nào cả, sự dồn ép sẽ hoạt động mà không chịu sự kiểm soát của ý thức. Sự so sánh này không giúp ta tiến gần đến sự hiểu rõ tính chất của sự dồn ép .
Tôi muốn trình bày cho các bạn xem những sự biểu thị lý thuyết có ích nhất về phương diện này, nghĩa là đúng nhất để hình dung sự dồn ép bằng một hình ảnh nhất định. Nhưng muốn cho rõ ràng chúng ta phải thay nghĩa dùng để mô tả của chữ “vô thức” bằng nghĩa có tính cách hệ thống của chữ này; nói một cách khác, chúng ta phải chấp nhận rằng vô thức hay hữu thức của một đặc điểm tinh thần, chỉ là một trong các tính chất của sự hoạt động này thôi. Khi một sự hoạt động có tính cách vô thức, sự phân cách của nó đối với hữu thức chỉ là dấu hiệu về số mệnh của nó chứ không phải chính số mệnh đó. Muốn biết rõ số mệnh đó như thế nào, chúng ta phải công nhận rằng mỗi sự hoạt động tinh thần trước hết phải ở vào một giai đoạn vô thức trước khi biến thành hữu thức cũng như một hình chụp bằng máy ảnh bao giờ cũng phải qua một giai đoạn âm và chỉ trở thành tấm hình sau khi qua giai đoạn dương.
Nhưng cũng không phải tấm hình nào cũng bắt buộc phải thành một hình dương, không phải bất cứ một sự hoạt động vô thức nào cũng phải biến thành hữu thức. Chúng ta chỉ có thể nói rằng mỗi hoạt động tinh thần bao giờ cũng thuộc một hệ thống tinh thần vô thức rồi có thể qua hệ thống hữu thức trong một vài trường hợp.Hình dung tiện lợi nhất cho chúng ta là hình dung giản dị nhất của hệ thống: đó là hình dung trong không gian. Chúng ta coi hệ thống vô thức như một cái phòng to trong đó những khuynh hướng tinh thần chen chúc nhau như những người sống trong đó. Cạnh cái phòng này có một phòng nhỏ hơn như một phòng khách bên trong có ý thức tọa vị. Nhưng tại chỗ cửa thông căn phòng với phòng khách có một người gác cổng đứng kiểm soát mỗi khuynh hướng tinh thần, kiểm duyệt và không cho khuynh hướng đó vào nếu khuynh hướng này hợp ý anh gác. Dù người gác cổng đuổi một khuynh hướng không cho qua cửa phòng hay để cho một khuynh hướng qua cửa vào trong phòng, sự khác biệt giữa hai sự việc đó không có gì to lớn và kết quả vẫn như nhau. Mọi vấn đề đều phụ thuộc vào sự tinh mắt, tháo vát của anh chàng gác cổng. Hình ảnh này có lợi cho chúng ta vì giúp chúng ta mở rộng ý kiến của chúng ta. Những khuynh hướng ở lại căn phòng lớn dành cho vô thức thoát khỏi con mắt dòm ngó của ý thức trong phòng khách. Vậy những khuynh hướng đó đã bắt đầu có tính cách vô thức. Khi đi đến ngưỡng cửa phòng khách mà bị đuổi, không được vào phòng tức là khuynh hướng đó không có khả năng để trở thành hữu thức: chúng ta nói là chúng bị dồn ép. Nhưng những khuynh hướng được anh gác cổng cho phép qua cửa vào phòng không phải vì thế mà nhất thiết trở thành hữu thức: chúng chỉ trở thành hữu thức khi chúng được ý thức để mắt đến. Vậy chúng ta gọi căn phòng thứ hai này là: hệ thống
tiền ý thức. Vậy việc một hoạt động trở thành hữu thức vẫn giữ nguyên nghĩa có tính cách mô tả. Đặc tính của sự dồn ép là ở chỗ một khuynh hướng bị anh gác - dan không cho bước từ vô thức sang phòng tiền ý thức. Chính anh gác cổng này chúng ta gọi là sự chống đối khi chúng ta dùng phương pháp phân tâm để chấm dứt sự dồn ép.
Các bạn sẽ bảo là những hình dung đó vừa giản dị vừa ngông nghênh không thể không có chỗ trong một bài thuyết trình về khoa học. Các bạn nói đúng, tôi cũng biết là nó không được đúng và nếu tôi không lầm thì chăng bao lâu nữa chúng ta sẽ có một cái gì hay hơn thay vào đó. Tôi không biết là sau khi sửa đổi và hoàn bị, hình dung đó có còn vẻ ngông nghênh nữa hay thôi. Trong khi chờ đợi các bạn nên nhớ rằng chúng ta đã có một hình dung như thế khi ta thấy con người của Ampère bơi trong dòng điện, và những hình dung như thế không phải là vô ích vì sao chúng cũng giúp ta hiểu được một vài sự quan sát. Tôi có thể chắc chắn rằng giả thuyết về hai căn phòng, người gác trước cửa phòng, ý thức đứng trong phòng khách cho chúng ta một hình dung rất sát thực. Tôi cũng muốn các bạn nhận thấy rằng những danh từ: vô thức, tiền ý thức, ý thức cũng có giá trị chẳng khác gì những danh từ vẫn thường dùng như: tiềm thức, cạnh ý thức (para - conscient) hay giữa ý thức (interconscient).
Tôi mong các bạn sẽ nói thêm rằng sự tổ chức của guồng máy tinh thần đúng để cắt nghĩa những triệu chứng bệnh thần kinh muốn có giá trị cần phải có tính tổng quát và giúp cho ta hiểu được những sự hoạt động bình thường. Không còn gì đúng hơn nữa, trong lúc này tôi chưa thể làm hài lòng các bạn được nhưng sự quan tâm của chúng ta về tâm lý của sự họp thành các triệu chứng bệnh thần kinh chỉ có thể tăng lên nhiều nếu, nhờ sự khảo sát các điều kiện bệnh lý, chúng ta hy vọng tìm hiểu được về sự hoạt động của hệ thống tinh thần bình thường mà từ trước tới nay chúng ta chưa hề biết gì cả.
Bài thuyết trình của tôi về hai hệ thống vô thức và hữu thức, về liên quan giữa chúng và những liên quan gắn chặt chúng với ý thức không nhắc nhở các bạn nhớ lại gì sao? Các bạn suy nghĩ đi và sẽ thấy rằng anh chàng gác cửa đứng giữa vô thức và tiền ý thức chính là sự hiện thân của sự kiểm duyệt đã cho giấc mơ rõ ràng hình thức cuối cùng của nó. Những cái gì còn sót lại ban ngày, những sự kích động trong giấc mơ là những tài liệu tiền ý thức chịu ảnh hưởng của những ham muốn vô thức bị dồn ép, liên kết với chúng, nhận sự giúp đỡ của chúng, nhờ nghị lực của chúng để họp thành giấc mơ tiềm tàng. Dưới quyền ngự trị của hệ thống vô thức, những vật liệu tiền ý thức được xây dựng bằng sự cô đọng và di chuyển rất ít khi thấy xuất hiện trong đời sống tinh thần bình thường, nghĩa là trong hệ thống tiền ý thức. Chúng ta biểu thị hai hệ thống này bằng phương tiện làm việc của chúng; tùy theo mối liên quan của nó với ý thức ra sao chúng ta có thể nói hiện tượng này hay hiện tượng nọ thuộc vào hệ thống này hay hệ thống khác. Theo quan niệm này thì giấc mơ không có gì chứng tỏ là có tính cách bệnh hoạn, giấc mơ có thể đến với bất cứ người nào bình thường trong những điều kiện biểu thị cho giấc ngủ. Giả thuyết về sự cấu tạo của guồng máy tinh thần, vừa cắt nghĩa được sự thành lập giấc mơ, vừa cắt nghĩa được sự thành lập các triệu chứng bệnh thần kinh có thể có giá trị đối với bất cứ đời sống tinh thần bình thường nào.
Vậy chúng ta phải hiểu sự dồn ép như thế nào? Sự dồn ép chỉ là một điều kiện đi trước sự thành lập một triệu chứng. Chúng ta đã thấy là triệu chứng thay thế cho một cái gì mà sự dồn ép không cho biểu lộ ra ngoài. Nhưng khi biết sự dồn ép là gì rồi chúng ta cũng chưa hiểu làm sao triệu chứng có thể thay thế được cái gì đó không biểu lộ ra ngoài. Về đầu kia của vấn đề, sự dồn ép cũng nêu ra những câu hỏi như sau: Những khuynh hướng chịu ảnh hưởng của sự dồn ép là những khuynh hướng nào? Những động lực nào đã bắt buộc phải có sự dồn ép? Sự dồn ép có mục đích gì? Để trả lời các câu hỏi đó hiện nay chúng ta chỉ có một yếu tố duy nhất. Khảo sát sự chống đối, chúng ta thấy sự chống đối chỉ là sản phẩm của những động lực và những tính chất đó đã quy định sự dồn ép hay ít nhất đã giúp cho nó xuất hiện. Còn những cái khác chúng ta chưa biết.
Nhưng ở đây chúng ta có thể dựa vào những thí nghiệm nói trên. Sự phân tích cho ta biết rõ những triệu chứng bệnh thần kinh có mục đích gì. Đối với các bạn điều đó chẳng có gì mới lạ. Tôi chẳng đã trình bày như thế trong hai trường hợp bệnh thần kinh rồi sao? Nhưng hai trường hợp đó có nghĩa gì? Các bạn có quyền đòi hỏi tôi chứng minh điều tôi khẳng định hàng trăm hay nhiều hơn nữa trường hợp khác. Tôi tiếc là không thể chiều ý được. Tôi phải yêu cầu các bạn dựa trên kinh nghiệm riêng của các bạn hay trông cậy vào sự tin tưởng của các bạn về những điều đã được tất cả các nhà phân tâm học khác khẳng định.
Chắc hẳn các bạn còn nhớ là trong hai trường hợp đó chúng ta đã dùng sự phân tích để đi sâu vào đời sống tình dục của người bệnh. Trong trường hợp thứ nhất chúng ta thấy hết sức rõ ràng mục đích hay khuynh hướng của các triệu chứng được khảo sát; trong trường hợp thứ hai có thể rằng mục đích hay khuynh hướng này bị một cái gì che lấp mất, chúng ta sẽ nói sau đến cái này. Nhưng trong những trường hợp khác chúng ta đều nhận thấy những chi tiết giống như trong hai trường hợp trên.
Trong mọi trường hợp chúng ta đều đi sâu vào các biến cố tình dục, đều thấy rõ những ham muốn tình dục của người bệnh và lần nào chúng ta cũng thấy những triệu chứng đều có một mục đích như nhau. Mục đích này không gì khác hơn là sự thỏa mãn tình dục; những triệu chứng có mục đích thỏa mãn tình dục của người bệnh, thay thế cho sự thỏa mãn khi trong đời sống bình thường người bệnh không được thỏa mãn.
Các bạn hãy nhớ lại trường hợp bị ám ảnh trong người bệnh thứ nhất. Người vợ phải xa chồng, người chồng mà mình yêu quý nhưng không thể cùng sống với mình được vì những sự yếu kém của ông ta. Nàng phải trung thành với chồng, không tìm cách thay thế chồng bằng người khác. Triệu chứng bệnh của nàng hiến cho nàng những gì nàng cầu mong, nâng cao người chồng lên, phủ nhận, sửa chữa sự yếu kém của chồng, nhất là sự bất lực. Triệu chứng này chỉ là sự thỏa mãn một ham muốn như giấc mơ nhưng khác giấc mơ ở chỗ đây là sự thỏa mãn một ham muốn về tình ái. Về người bệnh thứ hai những điều nàng làm trước khi đi ngủ có mục đích trăn trở không cho cha mẹ giao hợp để tránh khỏi có một đứa em. Bằng lễ nghi này, người con gái định thay thế người mẹ. Vậy trong trường hợp này cũng như trong trường hợp thứ nhất, người bệnh muốn hủy bỏ những trở ngại cho việc thỏa mãn tình dục và ham muốn luyến ái. Chúng ta sẽ nói ngay đến những sự phức tạp nói trong phần trên.
Để biện minh cho những điều dè dặt cần có trong đề luận của tôi, tôi yêu cầu các bạn chú ý đến sự kiện là tất cả những điều tôi nói về sự dồn ép, sự thành lập và ý nghĩa các triệu chứng đều dựa trên sự phân tích ba hình thức của bệnh thần kinh: và chỉ áp dụng cho ba hình thức này thôi: náo loạn thần kinh vì lo âu sợ hãi, náo loạn thần kinh vì quy hồi, bị ám ảnh. Sự hoạt động của phân tâm học cũng chỉ giới hạn trong ba chứng bệnh này thôi, những chứng bệnh mà chúng ta gọi là chứng bệnh thần kinh khác. Tuy phân tâm học cũng có khảo cứu nhưng không đi sâu lắm. Có một loại chứng bệnh không thể trị được bằng phân tâm học nên bị gạt ra một bên. Các bạn không nên quên rằng phân tâm học là một khoa học hãy còn quá trẻ, muốn nghiên cứu cần phải để nhiều thời gian và công của, rằng mới cách đây không lâu khoa học này chỉ có mỗi một nhân viên thôi. Tuy nhiên tại khắp mọi nơi người ta đã tìm hiểu những chứng bệnh thần kinh không phải là hoán chuyển. Tôi hy vọng sẽ trình bày cho các bạn biết những giả thuyết và kết quả của chúng ta khi đem áp dụng vào những chứng bệnh mới này sẽ phát triển như thế nào, những môn học mới này không phủ nhận những giả thuyết và kết quả này mà còn xây dựng nhiều điều cao hơn nữa. Vì những vật liệu này chỉ áp dụng cho ba chứng bệnh hoán chuyển thôi, tôi tự cho phép nâng cao giá trị của các triệu chứng bằng cách cho các bạn biết một chi tiết mới. So sánh nguyên nhân gây ra ba chứng bệnh này chúng ta tiến tới một kết quả có thể tóm tắt trong công thức sau đây:
những người bệnh đau khổ vì một sự thiếu sót, vì thực tế đã ngăn không cho họ thỏa mãn được tình dục. Hai kết quả này hòa hợp với nhau hoàn toàn. Cách độc nhất để hiểu những triệu chứng này là coi chúng như một sự thỏa mãn xuất hiện để thay thế điều mà đời sống tinh thần thường đã ngăn không cho thỏa thỏa mãn.
Người ta có thể đưa ra nhiều luận điệu bài bác nữa đối với đề luận là những triệu chứng bệnh thần kinh chỉ là những triệu chứng dùng để thay thế. Tôi nói cho các bạn nghe về hai luận điệu này. Các bạn có thể bảo: có rất nhiều trường hợp mà đề luận của ông không biện minh được; trong những trường hợp này những triệu chứng có vẻ như có một mục đích trái hẳn: không phải là thỏa mãn tình dục mà tìm cách gạt ra ngoài hay hủy bỏ sự thỏa mãn tình dục. Tôi không muốn phủ nhận rằng lý luận của bạn rất đúng. Trong phân tâm học nhiều khi sự việc phức tạp hơn mình tưởng. Nếu sự việc giản dị đi thì đâu có cần tới phân tâm học để diễn giảng cho rõ ràng hơn. Trong trường hợp người bệnh thứ hai của chúng ta có những cử chỉ tìm cách gạt bỏ sự thỏa mãn tình dục ví dụ như việc cất hết các tiếng tích tắc đồng hồ để tránh cho người bệnh khỏi nghĩ đến sự cương lên của cơ quan sinh dục hay việc tránh cho bình hoa khỏi rơi xuống đất, khỏi vỡ hay vọng là với việc đó người bệnh sẽ gìn giữ được trinh tiết. Trong nhiều trường hợp khác, tính cách tiêu cực này rõ ràng hơn những hành vi cử chỉ đều có mục đích tránh những kỷ niệm và sự cám dỗ về tình dục. Nhưng hơn một lần phân tâm học đã chứng minh rằng có sự trái ngược không hẳn là đã có mâu thuẫn. Chúng ta có thể mở rộng đề luận: những triệu chứng có mục đích hoặc thỏa mãn tình dục hoặc lẩn tránh nó. Tính cách tích cực rõ ràng trong sự náo loạn thần kinh, tính cách tiêu cực rõ ràng trong sự ám ảnh. Nếu những triệu chứng có thể dùng để thỏa mãn tình dục hay trái lại thì tính cách lưỡng diện này có thể được cắt nghĩa rằng sự hoạt động mà chúng ta chưa có dịp nói đến. Chúng là kết quả của sự dung hòa, của sự liên hợp của hai khuynh hướng trái ngược nhau, cũng mô tả những điều bị dồn ép cũng như những điều gây ra sự dồn ép và giúp cho sự lập thành của sự dồn ép. Sự thay thế có lợi hơn hay kém cho một trong hai khuynh hướng chứ ít khi chỉ có lợi cho một khuynh hướng thôi. Trong bệnh náo loạn thần kinh, hai mục đích thường phát biểu trong một triệu chứng; trong sự ám ảnh có hai mục đích khác nhau: triệu chứng có hai thì, phân ra hai động tác. Mỗi động tác thực hiện cái nọ trước cái kia rồi triệt tiêu nhau.
Còn một điều nghi vấn khác khó giải hơn. Chúng ta có đi hơi quá xa không khi muốn giải thích mọi trường hợp bằng sự thỏa mãn tình dục. Những triệu chứng này thực ra không thỏa mãn một yếu tố có thực nào cả, mà chỉ hâm nóng lại một cảm giác hay biểu dương cho một hình ảnh ngông cuồng của một phức thể tình dục. Ngoài ra sự thỏa mãn tình dục này thường có tính cách trẻ con không xứng đáng như sự thủ dâm hay những hành vi bẩn thỉu mà người ta thường cấm trẻ con không cho làm. Các bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy người ta coi là thỏa mãn tình dục là những hành động đáng lẽ chỉ nên coi như những sự thỏa mãn độc ác, kinh tởm có khi trái thiên tự nữa. Về những điểm này chúng ta chưa thể đồng ý với nhau được một khi chưa khảo sát sâu rộng đời sống tình dục của đàn ông và chất xác định xem như thế nào thì được coi như có tính chất tình dục.