Nicholas D. Kristof [1], Nguyễn Ước dịch
Nếu Chủ tịch Mao thật sự nhìn thấu tương lai, hẳn ông đã định vị được ở tỉnh Tứ Xuyên có một bé gái tên Jung Chang và đã “mie jiuzu” – giết nó và diệt tuyệt hết thảy thân nhân của nó theo lối tru di tam tộc.
Nhưng thay vì thế, bé gái ấy lớn lên, sang Anh ở, và ngày nay viết một cuốn tiểu sử về Mao [2], góp phần hủy hoại vĩnh viễn tiếng tăm của Mao. Dựa vào một thập niên với những cuộc phỏng vấn tỉ mỉ và những nghiên cứu các văn khố, cuốn tiểu sử cự phách này giật sập, một cách có phương pháp luận, mọi trụ cột của yêu sách đòi đồng cảm hoặc tán thành sự nghiệp của Mao hoặc chính thống hóa Mao.
Cách đây gần bảy chục năm, cuốn “Red Star Over China: Sao Đỏ Trên Khắp Trung Hoa” của Edgar Snow đã góp phần biến Mao thành nhân vật anh hùng đối với nhiều nơi trên thế giới. Nó từng đánh dấu một khoang trên kệ sách, mở đầu cho vị trí chói lọi của Mao trong lịch sử – nay thì cuốn sách này đánh dấu một khoang khác.
Khi lần đầu mở cuốn sách này ra, tôi có lòng ngờ vực. Chang là tác giả cuốn “Wild Swans: Những Thiên Nga Hoang Dã”, một bản ghi chép tràng giang và thành công về ba thế hệ phụ nữ trong gia tộc bà; nó hấp dẫn nhưng không là một một tác phẩm có tính chất học thuật. Nó xuất hiện khi tôi đang sống ở Trung Quốc; các bạn người Hoa của tôi và tôi đều ngạc nhiên về sự thành công của nó vì những trải nghiệm mà Jang kể lại thì buồn nhưng cũng chẳng khác thường. Riêng cuốn tiểu sử này, viết chung với chồng bà là Jon Halliday, một sử gia, thì tôi đã kỳ vọng nó cũng phong phú mà nhẹ nhàng như thế. Cũng vậy, cái nhan đề “The Unknown Story: Câu Chuyện Không Được Biết” - mà nói cho cùng là viết về Mao, làm tôi chùn tay.
oOo
Tuy thế đây lại là một tác phẩm có thẩm quyền. Thật vậy, trong nhiều năm vừa qua, phần lớn sự bạo tàn của Mao đã nổi lên rõ nét, nhưng cuốn tiểu sử này cung cấp những thông tin mới mẻ và có chất lượïng, đồng thời trình bày chúng hoàn toàn bằng một văn phong khiến người trên khắp thế giới đặt nó trên bàn cạnh giường ngủ. Chẳng ngạc nhiên việc chính phủ Trung Quốc không chỉ cấm cuốn sách này mà còn cấm luôn cả những bài điểm nó trong các tạp chí, vì qua những trang sách này, Mao xuất hiện như một Hitler khác hoặc một Stalin khác.
Riêng mặt đó, tôi có những nghi ngại về các phán xét của cuốn sách, vì theo cảm quan của tôi, Mao tuy đáng tởm nhưng cũng đã mang lại những thay đổi có ích cho Trung Hoa. Và thỉnh thoảng cả hai tác giả dường như quá hăm hở hủy diệt Mao tới độ tôi tự hỏi liệu họ có gạt bỏ bằng chứng vô tội hay không. Nhưng sẽ bàn thêm về điều đó sau.
Mao dĩ nhiên không chỉ là một nhân vật lịch sử mà còn thuộc về mạng lưới (tả tơi) của sự chính thống hóa mà Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc dựa trên đó. Ông thuộc phần của huyền thoại thành lập chính quyền Trung Quốc, nhân vật Romulus và Remus [3] - của nước “Trung Quốc Nhân Dân”, và đó là lý do chân dung của ông được treo ở Quảng trường Thiên An Môn. Ngay giữa những người Trung Quốc bình thường, Mao tiếp tục giữ một vị trí trong trí tưởng tượng bình dân, và tại những vùng khác nhau ở Trung Quốc, một số dân quê bắt đầu dựng đền miếu có tính tôn giáo truyền thống để vinh danh ông. Đó là sự vinh danh tột bậc dành cho một kẻ vô thần – ông trở thành một vị thần.
Các tội lỗi của Mao trong phần sau của đời ông thì tương đối được biết rõ, thậm chí Trần Vân [Chen Yun], một trong các lãnh tụ chóp bu của Trung Quốc thập niên 1980, gợi ý rằng có thể tốt nhất nếu Mao chết vào năm 1956. Dù vậy, cuốn tiểu sử này lại cho thấy Mao là một cái gì đó lừa đảo kể từ Ngày Thứ Nhất.
Thí dụ, cả hai tác giả khẳng định rằng trong thực tế, Mao không là thành viên sáng lập của Đảng Cộng sản Trung Quốc như đã được tin tưởng rộng rãi, và rằng Đảng ấy được thành lập năm 1920 chứ không phải 1921. Thêm nữa, cả hai dựa vào việc nghiên cứu sâu rộng trong các văn khố của Nga để trình bày rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc hoàn toàn bị người Nga khống chế. Trong một giai đoạn kéo dài 9 tháng vào năm 1920, thí dụ 94% tài trợ của Đảng đến từ Nga và chỉ có 6% là do quyên góp ở địa phương. Mao nổi lên làm thủ lãnh đảng không phải vì được các đồng chí Trung Quốc ưa thích mà vì Matcơva chọn ông. Và lý do độc nhất khiến Matcơva chọn ông là vì ông nịnh hót nổi bật hơn cả: ông từng có lần kể lể với người Nga rằng “Trật tự của Quốc tế Cộng Sản mới nhất [Đệ Tam] rực rỡ tới độ nó làm tôi hân hoan nhảy đựng lên 300 lần.”
Mao luôn luôn nổi tiếng là một lãnh tụ nông dân vĩ đại và một nhà chiến lược quân sự vĩ đại, nhưng cuốn tiểu sử này chế nhạo lời tuyên xưng đó. Huyền thoại ấy bắt đầu từ “Cuộc Khởi Nghĩa Vụ Gặt Mùa Thu” năm 1927. Thế nhưng theo Chang và Halliday thì Mao không can dự vào cuộc chiến đấu đó và trên thực tế, Mao phá hoại nó – cho mãi về sau, ông mới cưỡng chiếm uy tín của nó.
Người ta biết rõ rằng người vợ đầu của Mao (hoặc thứ hai tùy cách bạn tính) là Dương Khai Huệ [Yang Kaihui], bị giết năm 1930 bởi một sứ quân đối thủ của Mao. Nhưng chẳng biết thêm gì nhiều về bà ấy. Ngày nay, Chang và Halliday trích dẫn từ các bức thư buốt nhói và không được gởi đi, tìm thấy trong thời gian tân trang ngôi nhà cũ của bà từ năm 1982 tới 1990. Các bức thư ấy cho thấy tình bà yêu Mao sâu xa cùng với phản ứng kinh tởm của bà đối với sự tàn bạo thời của bà (và của chồng bà). “Giết, giết, giết”, bà viết trong một bức thư mà đã trở thành một loại hồi ký cuộc đời mình. “Tất cả những gì tôi nghe trong tai mình là âm thanh ấy! Tại sao loài người quá độc dữ? Tại sao quá tàn bạo?” Mao đã có thể dễ dàng cứu người phụ nữ dịu dàng ấy vì ông đi ngang ngôi nhà mà ông đã bỏ bà ở lại. Nhưng ông chẳng nhấc ngón tay lên, và bà bị bắn chết lúc tuổi 29.
Khoảng thời gian đó, cuốn sách kể lại, nhiều người trong Hồng Quân thiếu tin cậy Mao – vì thế ông phát động một cuộc thanh trừng tàn bạo các cấp bộ Cộng sản. Ông viết cho các cơ quan đầu não của đảng rằng ông đã phát hiện 4.400 tên phá hoại trong đảng, đã tra tấn hết thảy, và đã hành quyết hầu hết bọn chúng. Một bản báo cáo mật được tìm thấy là vào thời đó, trọn bộ chỉ huy của toàn thể Hồng Quân dưới quyền Mao đều bị tàn sát, thường là sau khi đã tra tấn bằng những cách thức như chọc thẳng cây sắt nung đỏ vào trực tràng.
oOo
Một trong những yếu tố được trân trọng bảo tàng nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc là Cuộc Trường Chinh, một cuộc tẩu thoát thần thánh băng ngang nước Trung Hoa để tới khu an toàn ở Tây Bắc. Nó thường được kỷ niệm như một cuộc hành trình trong đó Mao và các đồng chí của ông biểu lộ sự can trường và khôn ngoan cực kỳ khi lẽn qua các phòng tuyến của kẻ thù và khuất phục mọi gian khổ. Chang và Halliday xói mòn mọi thành tố của sự am hiểu thông thường ấy.
Thứ nhất, cả hai tranh cãi rằng Mao với Hồng Quân thoát ra được và bắt đầu Cuộc Trường Chinh chỉ vì Tổng Tư Lệnh Tưởng Giới Thạch cố ý để cho họ làm như thế. Chang và Halliday tranh cãi rằng họ Tưởng muốn phái binh sĩ của ông ta xuống ba tỉnh Tây Nam nhưng e ngại việc gây thù nghịch với các sứ quân địa phương ở đó. Vì thế, ông tạo một đườøng rãnh cho Hồng Quân theo Cuộc Trường Chinh mà đi vào các tỉnh ấy, gây hoảng sợ cho các sứ quân, và ông theo lời mời của họ mà gởi binh sĩ tới để trục xuất Hồng Quân, và như thế, ông thành công trong việc mang các tỉnh ương ngạnh ấy nhập vào vùng lãnh thổ của mình.
Sửng sốt hơn nữa là cả hai tác giả tranh cãi rằng suốt hầu hết Cuộc Trường Chinh Mao thậm chí không đi bộ – ông đi cáng. Họ trích dẫn lời Mao nói nhiều chục năm sau đó: “Trong cuộc quân hành ấy, tôi nằm trên kiệu. Thế tôi làm gì. Tôi đọc. Tôi đọc nhiều lắm.” Ngày nay, đó thật là trưởng giả.
Trận đánh nổi tiếng nhất trong Cuộc Trường Chinh là việc quân Cộng Sản vượt qua cầu Đại Độ (Dadu), được cho rằng là một cuộc xung phong anh dũng dưới hỏa lực của quân thù. Cuốn “The Long March: Cuộc Trường Chinh” của Harrison Salisbury xuất bản năm 1985 mô tả đó là “một cuộc tấn công tự sát” ào lên chiếc cầu đã gần như bị tháo rời từng mảnh rồi bị tẩm dầu hỏa và đốt cháy. Nhưng Chang và Halliday viết rằng trận đánh ấy hoàn toàn là một sự bịa đặt, và trong niềm khải hoàn của học thuật, họ trích dẫn bằng chứng rằng hết thảy 22 người dẫn đầu vượt qua cầu đều sống sót và sau đó nhận tặng phẫm mỗi người một bộ quần áo Lê-nin và một cây bút máy. Chẳng người nào bị thương. Cả hai trích dẫn rằng Chu Ân Lai biểu lộ sự lo lắng sau đó vì bị mất một con ngựa khi băng qua cầu.
Câu chuyện được kể tiếp theo một nguồn mạch tương tự như thế: Mao có một địch thủ, Vương Minh (Wang Ming), bị đánh thuốc độc suýt chết trong khi họ trú ẩn ở Diên An. Mao hoan nghênh cuộc xâm lược Trung Hoa của người Nhật, vì ông nghĩ rằng nó sẽ đưa tới cuộc phản công chống xâm lược của người Nga và là một cơ hội cho ông dẫn đầu một chế độ bù nhìn cho Nga. Chẳng những không lãnh đạo cuộc chiến đấu chống lại người Nhật. Mao còn ra lệnh cho Hồng Quân đừng đánh nhau với quân Nhật, và ông nổi khùng khi các thủ lãnh Cộng sản khác đụng độ lẻ tẻ với Nhật. Quả thật, Mao được nói là đã hợp tác với tình báo của Nhật để làm tiêu hao các lực lượng của người Trung Hoa theo chủ nghĩa dân tộc.
oOo
Gần như mọi người đều kinh ngạc. Tôn Dật Tiên phu nhân, cũng được biết với tên Tống Khánh Linh, bị miêu tả là điệp viên của Liên Sô, mặc dù không có sức thuyết phục lắm. Và Trương Học Lương, vị “Thống Chế Trẻ Tuổi”, người được tưởng nhớ một cách rộng rãi tại Trung Quốc như một vị anh hùng vì hành động bắt cóc Tưởng Giới Thạch để buộc ông ta phái đánh nhau với Nhật, được miêu tả là một kẻ có máu đảo chánh và thèm khát quyền lực. Tôi quen biết vị Thống Chế Trẻ Tuổi đó vào cuối cuộc đời của ông, và chữ ông viết theo thư pháp cái tên Trung Hoa của tôi được dùng để trang trí cho danh thiếp bản chữ Hoa của tôi, nhưng lúc này tôi đang tự hỏi có nên có bản danh thiếp mới hay không.
Sau khi Mao nắm quyền, Chang và Halliday cho thấy ông tiếp tục ác ôn. Đây là ý kiến đã quá quen thuộc, nhưng về vấn đề đó vẫn có những phát giác mới. Mao dùng Chiến Tranh Triều Tiên như một cơ hội để tàn sát các bộ đội từng theo dân tộc chủ nghĩa. Và Mao phát biểu một số điều đáng lưu ý về dân quê mà ông được cho là người mạnh mẽ bênh vực họ. Vào thập niên 1950, trong khi họ đang chết đói, Mao ra lệnh: “Hãy giáo dục dân quê ăn ít hơn, và hãy nấu nhão lúa mạch hơn. Nhà nước nên cực kỳ hà khắc... để ngăn đừng cho dân quê ăn nhiều quá.” Tại Matcơva, ông đề nghị hy sinh tánh mạng của 300 triệu người Trung Quốc, một nửa dân số thời đó, và vào năm 1958, ông điềm nhiên tuyên bố về toàn dân đang lao lực: “Lao động như thế này, với hết thảy các dự án này, một nửa dân Trung Quốc rất có thể sẽ chết.”
Thỉnh thoảng, Mao có vẻ điên rồ. Ông đùa nghịch bằng việc gạt bỏ danh tính của nhiều người và thay chúng bằng các con số. Và trong khi thảo luận về khả năng hủy diệt địa cầu bằng vũ khí hạt nhân, Mao trầm ngâm nói với mình rằng: “Đây có thể là một sự cố lớn lao đối với thái dương hệ, nhưng đối với vũ trụ được quan tâm như một toàn thể, thì nó hẳn chỉ là một việc tầm thường.”
Chang và Halliday kể lại chi tiết làm thế nào mà Bước Đại Nhảy Vọt dẫn tới nạn đói tệ hại nhất trong lịch sử vào cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960, và làm thế nào vào năm 1966, Mao tái thu tóm quyền lực tối thượng trong sự hỗn loạn của cuộc Cách Mạng Văn Hóa. Vài tư liệu hấp dẫn nhất liên quan tới Chu Ân Lai, vị thủ tướng rất lâu năm, kẻ gây ấn tượng rằng ông là người hoàn toàn sủng nịnh Mao, dù Mao đã hành hạ ông qua việc buộc ông tự phê và đặt ông ngồi ở chiếc ghế thứ ba trong các cuộc họp. Vào giữa thập niên 1970, Chu đau đớn vì bệnh ung thư, vậy mà Mao không chịu cho ông được điều trị – Mao muốn Chu là kẻ chết trước mình. Vào ngày 9 tháng Năm năm 1974, Mao tuyên bố: “Bỏ ngay việc giải phẩu. Tuyệt đối không được bàn cãi gì cả.” Và thế là đủ đảm bảo cho Chu qua đời vào đầu năm 1976 và Mao chết vào tháng Chín cùng năm.
Đây là bức chân dung phi thường của một yêu quái, là kẻ mà cả hai tác giả qui trách nhiệm về hơn 70 triệu cái chết. Nhưng con số ấy làm sao chính xác? Bản thư mục và các chú thích cuối sách cho ta cảm giác về nguồn tài liệu, và chúng gây ấn tượng: cả hai tác giả tuyên bố rằng đã trò chuyện với nhiều người, từ con gái của Mao, Lý Nhẫn (Li Na), đến tình nhân của Mao, Trương Ngọc Phượng (Zhang Yufeng), tới các tổng thống George H.W.Bush và Gerald Ford. Nhưng không rõ ràng rằng những người ấy đã nói ra bao nhiêu. Một trong những người được liệt kê như một nguồn tin là Trương Hán Chi (Zhang Hanzhi), thầy dạy tiếng Anh cho Mao và là cận thần; bà cũng là một trong những bạn người Hoa cao niên nhất của tôi vì thế tôi có kiểm tra bà. Trương Hán Chi nói với tôi rằng bà quả thật có gặp không chính thức Chang một hoặc hai lần nhưng bà từ chối phỏng vấn và không hề nói điều gì đáng kể. Tôi hy vọng rằng Chang và Halliday sẽ chia sẻ một số tư liệu gốc của họ, hoặc qua mạng internet hoặc cho các học giả khác, để người ta có khả năng phán đoán rằng cả hai đã công bằng và chính xác ra sao khi đạt tới những kết luận ấy.
Cảm giác của tôi là hầu hết các sự kiện và các phát hiện đều dường như được hỗ trợ khá tốt, nhưng những mơ hồ thì không luôn luôn được thừa nhận một cách thích đáng. Còn về sự tín nhiệm của các tác giả thì hình như cả hai đã hướng rõ rệt vào việc dựa trên một số tạp chí của Hongkong vốn chuyển động trong sự pha trộn mờ ảo giữa thực tế và hư cấu, nhưng [với các tạp chí ấy thì] việc họ lục lọi cho ra sự thật lại càng khó khăn hơn việc thừa nhận. Các hồi ký và các hồi tưởng mà cả hai tác giả dựa vào có thể đáng tin, hầu hết về thời đó, nhưng tôi tự hỏi về sức nặng của sự quá đổi tự tin mà cả hai tác giả dùng tới trong việc kể tỉ mỉ các biến cố và các lời trích dẫn – và tôi e rằng một số điều có thể bị thổi phồng.
Đan cử nạn đói ghê gớm từ năm 1958 tới 1961. Cả hai tác giả tuyên bố rằng ”gần 30 triệu người chết”, và trong một chú thích cuối trang, họ trích dẫn sự phân tích dân số Trung Quốc về con số tử vong trong những năm đó. Đúng, có thể. Nhưng cũng có nhiều chuyên gia ước lượng trong những cuốn sách và những tạp chí có tính chất học thuật về con số người chết, cách biệt nhau rất lớn, và trong thực tế, không người nào thật sự biết chắc chắn – và chắc chắn rằng dữ kiện tử vong không quá hoàn chỉnh để có thể gây cảm hứng tự tin. Những ước lượng tỉ mỉ nhất của các nhà dân số học từng nghiên cứu con số người chết đó thì hầu hết thấp hơn con số trong cuốn tiểu sử này: Judith Banister ước lượng 30 triệu; Basil Ashton cũng xấp xỉ 30 triệu; và Xizhe Peng đề nghị khoảng 23 triệu. Việc chỉ đơn giản lấy ra con số ước lượng cao nhất từ một văn bản và giữ riết nó như một ước lượng chính xác khiến tôi e ngại; nếu cái đó bị thổi phồng thì những cái khác ra sao?
Một vấn đề khác: Mao gây ấn tượng là kẻ quỉ quyệt đến mức như thế, tới độ ông không bao giờ thật sự trở thành ba chiều kích. Là độc giả, chúng ta chùn lại trước ông nhưng không thật sự hiểu ông. Ông được trình bày như một người mắc bệnh tâm thần, cư xử vụng về và bất nhất, khiến ta khó mà thấu hiểu làm thế nào Mao đánh bại hết thảy các đối thủ của mình để lãnh đạo Trung Quốc và nổi bật như một trong những nhân vật được thờ phượng nhất trong thế kỷ vừa qua.
oOo
Sau cùng, đó là chỗ đứng của Mao trong lịch sử. Tôi đồng ý rằng trong rất và rất nhiều khía cạnh, Mao là nhà cai trị tai ương và cuốn sách này nắm bắt mặt đó tốt hơn bất cứ cuốn sách nào từng được viết ra. Nhưng di sản của Mao không hoàn toàn xấu. Cải cách ruộng đất tại Trung Quốc, giống như cải cách ruộng đất tại Nhật Bản và Đài Loan, góp phần đạt công trình chuẩn bị cơ bản cho sự thịnh vượng ngày nay. Hành động giải phóng phụ nữ và chấm dứt tệ nạn tảo hôn đã đưa Trung Quốc từ một trong những nơi đối xử với thiếu nữ tồi tệ nhất thế giới thành một nơi mà phụ nữ có quyền bình đẳng còn hơn những nơi, thí dụ như Nhật Bản hoặc Hàn Quốc. Quả thật, cuộc tấn kích toàn diện của Mao vào nền kinh tế già nua và cấu trúc xã hội đã tạo hoàn cảnh dễ dàng hơn cho Trung Quốc nổi bật như một con rồng kinh tế mới mẻ của thế giới.
Có lẽ sự so sánh thích hợp nhất là với Tần Thủy Hoàng, vị hoàng đế tiên khởi của nhà Tần, kẻ 2.200 năm trước đây đã thống nhất Trung Hoa, xây lên phần lớn Vạn Lý Trường Thành, tiêu chuẩn hóa việc đo lường, tạo ra đồng tiền chung và một hệ thống pháp luật – nhưng đốt sách và chôn sống các học giả. Vị hoàng đế nhà Tần ấy hung ác và thỉnh thoảng điên dại như Mao – nhưng sự thành công của ông trong việc hòa nhập và củng cố Trung Hoa đã đặt nền tảng chuẩn bị cho triều đại kế đó, nhà Hán, một trong những kỷ nguyên hoàng kim của văn minh Trung Hoa. Tôi nghĩ, trong một cách thức giống như thế, sự tàn ác của Mao là tai ương nhất thời; nó được ghi lại một cách xuất sắc trong cuốn sách phi thường này – và tuy thế, có điều còn hơn là một câu chuyện: Mao cũng đã giúp đặt nền tảng chuẩn bị cho sự tái sinh và chỗi dậy của một Trung Hoa sau năm thế kỷ ngủ say.
Chú thích của người dịch:
[1] Nicholas D. Kristof, bình luận gia của tạp chí The New York Times, cùng với vợ là Sheryl WuDunn viết nhiều sách về Trung Hoa và châu Á.
[2] The Unknown Story của Jung Chang và Jon Halliday, có kèm hình minh họa, dày 814 trang. NXB Alfred A.Knopf, Anh, Tháng Sáu 2005.
[3]Theo truyền kỳ của La mã, Romulus là kẻ thành lập và là hoàng đế đầu tiên của La mã. Cùng Remus là anh em sinh đôi, lúc hài nhi, cả hai bị bỏ rơi và được chó sói nuôi. Người La mã đồng hóa ông với vị thần Quirinus.
Nguồn: Bài điểm sách có nhan đề The Real Mao: Mao thật của Nicholas D. Kristof, đăng trong The New York Times BOOK REVIEW, ra ngày Chủ Nhật, October 23, 2005, các trang 1 và 9&10.