Tôi viết bài này với mong muốn giúp đỡ các em học sinh phổ thông có được lựa chọn đúng đắn và thích hợp khi thi vào Đại học.
Tất cả các em học sinh hiện nay đều cân nhắc rất nghiêm túc khi chọn và thi vào các trường Đại học. (Tất nhiên, đó là chuyện bịa. Chỉ có hai việc mà thanh niên thực sự nghĩ đến: karaoke và trai gái. Nhưng xét cho cùng, chúng cũng có liên quan đến trường Đại học).
Trường Đại học là một tập hợp các gian phòng mà các em sẽ ngồi ở đó trong khoảng 2000 tiết để ghi nhớ kiến thức. 2000 tiết này được chia trải qua 4 năm; thời gian còn lại dành để ngủ và hò hẹn.
Có hai loại kiến thức cơ bản sau đây:
- Kiến thức cần thiết cho cuộc sống sau này (2 tiết); bao gồm cách gọi điện thoại theo dịch vụ mà người nhận trả tiền cước phí, và cách tẩy vết ố cà phê hay nhựa cây trên quần áo pijama.
- Kiến thức không cần thiết cho cuộc sống sau này (1998 tiết); bao gồm các môn học có tên tận cùng bằng ology, osophy, istry, ics, v.v. Phải học như thế này: các em ghi nhớ những gì thầy giảng, chép chúng lại vào bài thi, và sau đó quên chúng đi. Nếu chẳng may không quên được thì các em sẽ trở thành giáo sư và suốt đời không ra trường được.
Quên được mọi việc là điều rất khó. Chẳng hạn hồi còn học ở đại học, tôi cần ghi nhớ (đừng hỏi tại sao) tên của ba nhà thơ theo chủ nghĩa siêu hình kiểu như John Donne. Thực ra tôi đã cố quên được một tên, nhưng hai cái tên còn lại, Vaughan và Crashaw, vẫn chưa quên được. Nhiều lúc tôi cần phải ghi nhớ những điều quan trọng hơn, như vợ tôi dặn là phải mua các ngừ ngâm dầu chứ không phải ngâm nước, nhưng hai cái tên Vaughan và Crashaw cứ hiện lên trong đầu, vào chính cái lúc tôi đang ở trong siêu thị. Thật là vô cùng lãng phí những neuron thần kinh một cách không cần thiết.
Sau một đến hai năm học các môn khoa học cơ bản, là lúc các em lựa chọn chuyên ngành, tức là môn học mà các em cần phải nhớ nhiều nhất và quên các môn khác đi. Ðây là một lời khuyên quan trọng: đừng chọn các môn liên quan đến Hiện Tượng Ðã Biết và Câu Trả Lời Ðúng.
Ðiều đó có nghĩa là các em không nên chọn toán học, vật lí học, sinh vật học hay hoá học; bởi vì chúng liên quan đến những Hiện Tượng Ðã Biết hoặc Câu Trả Lời Ðúng. Ví dụ, nếu các em chọn Toán học và vào một ngày đẹp trời thầy giáo hỏi, "Lấy cosin của góc phần tư, sau đó căn bậc ba và lấy 5 chữ số chính xác sau dấu phẩy". Nếu các em không nói đúng các con số mà ông giáo có trong đầu, các em sẽ trượt. Hoá học cũng thế. Nếu các em viết trong bài thi rằng carbon và hydro kết hợp lại sẽ thành cây sồi, các em trượt ngay. Ông giáo muốn các em phải nói đúng cái điều mà ông ấy biết và các nhà hoá học khác cũng cho là đúng. Các nhà khoa khoa học luôn chặt chẽ và khắt khe như thế.
Tóm lại các em nên chọn các môn như: Văn học, Triết học, Tâm lí học hay Xã hội học. Ðó là các môn mà không ai hiểu được trọn vẹn, người ta cũng không đồng nhất quan điểm, và hầu như không có các sự kiện thực tế rõ ràng. Tôi đã kinh qua bốn môn trên, nay xin tóm lược lại như sau.
VĂN HỌC: Các em sẽ phải viết những bài luận về những cuốn sách dày cộp mà các em chỉ kịp đọc lướt tên những đề mục trước khi vào phòng thi. Ðây là cách đạt điểm cao môn văn: các em đừng bao giờ viết điều mà một người bình thường khác cũng viết. Ví dụ, các em được giao nghiên cứu cuốn "Moby Dick". Một người bình thường khác sẽ viết rằng Moby Dick là một chú cá voi trắng vì chữ "cá voi trắng" được đề cập đến 11000 lần ở trong sách. Các em hãy viết Moby Dick là Cộng hoà Ireland. Ông giáo mệt mỏi vì đọc hàng đống bài giống nhau, hơn nữa ông cũng đâu có ưa gì Moby Dick, và các em sẽ đạt điểm sáng tạo rất cao. Nếu các em có khả năng dựng đứng mọi việc từ một tiểu thuyết đơn giản, các em chắc chắn sẽ thành công trong môn văn.
TRIẾT HỌC: Ðiều cốt tuỷ trong triết học là ngồi suy tư một mình nhiều giờ trong một căn phòng, quả quyết rằng trên đời này chẳng có điều gì là có thực cả, sau đó đi ăn.
TÂM LÍ HỌC: Ðối tượng nghiên cứu của các nhà tâm lí học là chuột và giấc mơ. Suốt một học kì liền tôi dành để huấn luyện một con chuột sao cho nó bấm vào một nút với một tần suất nhất định, sau đó tôi huấn luyện anh bạn cùng phòng làm được như vậy. Con chuột học nhanh hơn nhiều. Còn anh bạn tôi bây giờ là bác sĩ. Nghiên cứu giấc mơ cũng rất thú vị. Tôi có một ông giáo luôn tuyên bố rằng bất kể điều gì ta mơ thấy - máy kéo, Arizona, bóng chày, hay ếch nhái - đều liên quan đến bộ phận sinh dục. Ông ta luôn luôn quả quyết như vậy. Không một ai muốn ngồi cạnh ông cả. Nếu các em thích chuột hoặc mộng mị, hoặc nếu tốt hơn là thường xuyên mơ thấy chuột, các em chắc chắn sẽ thành công môn Tâm lí học.
XÃ HỘI HỌC: Ðây chính là môn thông tuệ số một. Tôi đã tham dự nhiều giờ về xã hội học và đọc hàng tấn sách liên quan, nhưng chưa lần nào gặp được một câu, một mệnh đề sáng sủa, rõ ràng cả. Những nhà xã hội học luôn tỏ ra mình là một nhà khoa học, vì thế hầu hết thời gian và công sức được dành để chuyển đổi một điều đơn giản, rõ ràng thành những câu văn trịnh trọng khó hiểu và nghe có vẻ khoa học. Nếu các em định theo môn này, các em cũng cần học cách làm như vậy. Chẳng hạn các em muốn nói rằng khi có một em bé ngã nó sẽ khóc, các em hãy viết thế này: "Những quan trắc thống kê về hành vi sơ khởi của những người vị thành niên đã cho thấy rằng có một quan hệ hữu cơ giữa hành động rơi xuống nền đất cứng với hoạt động phối hợp giữa tuyến lệ và thanh quản, gọi là hành vi khóc ...." Nếu các em viết liên tục được 50-60 trang như vậy, chắc chắn sẽ được chính phủ đặc cách trao giải thưởng lớn.