Bài toán của khoa học hiện đại là: Ðiện là gì? Nó đi đâu sau khi ra khỏi chiếc lò nướng bánh?
Có một thí nghiệm đơn giản, quí vị có thể tự mình thực hiện để tìm hiểu về điện: vào một ngày đẹp trời, khô ráo, mát mẻ, quí vị hãy cọ chân vào thảm trải, sau đó đưa ngón tay vào miệng của một người khác, chọc vào chỗ răng sâu. Quí vị có thấy người kia oằn mình và kêu ối ối không? Ðiện có sức mạnh như vậy đấy. Tất nhiên, thí nghiệm này nhằm giúp quí vị hiểu được tầm quan trọng của điện, chứ không phải dạy quí vị cách làm người khác đau đớn.
Thí nghiệm trên cũng minh họa định luật đóng kín mạch điện. Khi quí vị cọ chân vào thảm trải, một lô các "điện tử" ở thảm sẽ vào chân quí vị. Ðó là các hạt rất nhỏ mà hãng làm thảm đã cho vào để thảm bắt bụi dễ hơn. Các điện tử sau đó sẽ chui vào máu, đi lên, tụ lại ở ngón tay và tạo thành một tia lửa điện phóng vào chỗ răng sâu; sau đó điện tử đi xuống và quay trở lại thảm. Mạch điện đã đóng kín.
Chỉ có chúng ta hôm nay mới có rất nhiều thiết bị điện khác nhau như đèn, đài, ti vi, v.v. Cha ông của chúng ta mấy trăm năm trước không có những thứ ấy. Ðơn giản là nếu có thì họ biết cắm chúng vào đâu. Rồi xuất hiện những người tiên phong như Benjamin Franklin. Ông đã chế tạo được một chiếc diều có thể thâu điện từ sét. Sét là một nguồn điện mạnh cũng như thảm trải vậy. Kết quả là Franklin bị điện giật mạnh quá, hỏng cả não bộ. Ông chỉ ú ớ được mấy câu châm ngôn vớ vẩn, như "Tiết kiệm đồng nào hay đồng ấy". Sau đó người ta phải chuyển ông sang làm ở ngành Bưu điện.
Sau Franklin có rất nhiều vị tiên phong khác mà tên tuổi của họ gắn liền với những thuật ngữ khoa học hiện đại, như Myron Volt, Andre-Marie Ampere, James Watt, Bob Transformer, v.v. Họ đã tiến hành rất nhiều thí nghiệm điện quan trọng. Ví dụ vào năm 1780, Luigi Galvani đã phát hiện ra rằng, khi chạm hai thanh kim loại khác nhau vào đùi một con ếch (chiếc đùi này đã tách rời khỏi cái thân ếch đã chết), một dòng điện sẽ tạo ra và làm cho chiếc đùi đạp một cái. Phát minh của Galvani đã góp phần to lớn vào ngành động vật lưỡng cư hiện đại. Một thầy thuốc thú y lành nghề hoàn toàn có thể làm cho một con ếch đã chết nhảy lóc cóc ra bờ ao như bình thường. Còn khi xuống nước nó sẽ chìm nghỉm như cục đất, tất nhiên.
Nhưng lừng danh nhất, phải kể đến Thomas Edison. Ông là một nhà phát minh vĩ đại dù chỉ được học qua phổ thông và sống ở New Jersey. Phát minh đầu tiên là chiếc máy quay đĩa vào năm 1877. Người ta đã đưa máy quay đĩa vào từng gia đình, cho đến năm 1923 mới có công nghệ băng từ thay thế. Nhưng đóng góp lớn nhất của Edison là Công ti Ðiện lực vào năm 1879, một ứng dụng của nguyên lí đóng mạch điện: điện được truyền từ Công ti Ðiện lực qua dây dẫn đến khách hàng, sau đó lập tức lại được thu về Công ti Ðiện lực qua một dây dẫn khác và - đây chính là phần sáng tạo nhất - lại được truyền lại cho khách hàng.
Nghĩa là Công ti Ðiện lực thực chất chỉ bán đi bán lại mỗi một lô điện hàng ngàn lần mỗi ngày mà không bị ai phát hiện. Toàn bộ điện chúng ta dùng năm ngoái chính là điện được sinh ra từ năm 1937. Họ cứ bán đi bán lại như thế, cho nên Công ti Ðiện lực rất rỗi việc. Thực ra công việc duy nhất của Công ti là tìm cách tăng cước điện phí.
Nhờ đóng góp của những người, như Edison và Franklin, và của những con vật, như con ếch của Galvani, chúng ra có thể dùng Ðiện vào nhiều ứng dụng kì diệu. Ví dụ vào thập kỉ 70, người ta đã tạo ra laser, một loại tia có thể tiêu huỷ một chiếc máy ủi cách xa 2000 dặm, và cũng có thể giúp bác sĩ mổ võng mạc của mắt. Tất nhiên bác sĩ phải nhớ chuyển công tắc từ vị trí "Huỷ máy ủi" sang vị trí "Mổ võng mạc".