Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tôn giáo, Chính Trị >> Tuyển Tập Truyện Cổ Phật Giáo

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 32163 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Tuyển Tập Truyện Cổ Phật Giáo
Thích Minh Chiếu

Phần IV - 3

Quan Âm Thị Kính
Ngày xửa ngày xưa, có một người trải qua nhiều kiếp, kiếp nào từ bé đến lớn cũng giữ mình đức hạnh và thành bậc chân tu. Cứ luân hồi chuyển kiếp như vậy liên tiếp đến chín lần, nhưng chưa kiếp nào đặng thành Phật.
Ðến kiếp thứ 10, người này được thác sanh ở nước Cao Ly làm con gái một nhà họ Mãng, có tên là Thị Kính. Nàng có vẻ người đầy đặn, mặt mũi dễ coi, tính tình điềm đạm. Lớn lên, nàng thờ cha mẹ hết lòng, việc nhà việc cửa chăm lo rất đảm. Khi đến tuổi lấy chồng, nàng được bố mẹ gả cho một anh chàng học trò họ Sùng tên là Thiện Sỹ. Cũng giống như nhà vợ, bên nhà chồng cũng chẳng khá giả gì. Thấy chồng chăm học, không chơi bời, Thị Kính không ao ước gì hơn, nàng càng ra công tần tảo cho chồng dốc lòng nấu sử sôi kinh.
Một đêm, bên cạnh án thư, Thiện Sỹ ngồi đọc sách, Thị Kính cũng ngồi may một bên, hai người chung nhau một ngọn đèn dầu. Chồng học mãi thấy mệt mỏi, bèn ngả lưng xuống giường, kê đầu lên đầu gối vợ chuyện trò một chốc rồi thiu thiu ngủ. Thị Kính cố giữ yên lặng cho chồng yên giấc. Nàng có thì giờ ngắm kỹ khuôn mặt tuấn tú của chồng. Bỗng nàng nhận ra ở cằm chồng có một sợi râu mọc ngược. - “Ồ, sao lại có sợi râu xấu xí thế này, người ta bảo râu mọc ngược là tướng bạc ác. Ta phải lén nhổ đi cho chàng mới được!” Nghĩ vậy, sẵn con dao nhíp trong thúng khảo đựng đồ may, Thị Kính liền cầm lấy mở ra định nhổ sợi râu, không ngờ lưỡi dao sáng loáng vừa đưa đến gần thì Thiện Sỹ cũng vừa chợt tỉnh, trông thấy vợ tay cầm dao chĩa vào mặt trong lúc mình chợt ngủ quên, Thiện Sỹ nghĩ ngay đến chuyện đen tối, liền vùng dậy nắm cổ tay và la lên: “Chết thật! Nàng định cầm dao giết ta lúc đang ngủ ư?” Thị Kính đáp: -“Không phải đâu. Thấy chàng có sợi râu mọc ngược, thiếp định tâm lén nhổ nó đi kẻo trông xấu xí lắm!” Nhưng trong cơn nghi ngờ và hoảng hốt, chồng nhất định không tin như vậy. –“Thôi thôi! Ðừng khéo chống chế. Làm sao có chuyện nhổ râu khi ta đang ngủ. Muốn nhổ thì đợi ta tỉnh dậy, hoặc ban ngày ban mặt có hay không?”.
Giữa lúc ấy, người mẹ Thiện Sỹ nằm ở buồng bên cạnh nghe cãi nhau cũng xô cửa bước ra. Vừa nghe con trai kể lại chuyện, bà đã mồm loa mép giải: -“Trời ơi! Con này to gan thực! Dám đang tay làm những việc tày trời, may mà con ta trở dậy kịp, không thì còn gì tánh mạng”. Thị Kính nước mắt giàn giụa cố gắng phân trần: -“Mẹ nghĩ xem, con có thù vơ oán chạ gì mà phải làm như vậy. Chẳng qua con muốn làm cho chồng đẹp mặt...” –“Rõ ràng mày định tâm giết chồng, bị bắt hai năm rõ mười mà còn chối leo lẻo”. Người mẹ Thiện Sỹ chẳng ưa gì nàng dâu nên một mực đổ riết. Thị Kính thấy giãi bày mãi không ăn thua, nên ngồi xuống cúi đầu nức nở. Câu chuyện từ bé xé ra to. Cuối cùng gia đình họ Sùng không muốn con cháu có nòi ác nghiệt, nên Thị Kính bị đuổi về nhà bố mẹ đẻ.
Buồn chán cho số phận éo le, một hôm nàng cải trang thành một chàng trai, nhân đêm tối bỏ nhà, khăn gói ra đi. Nàng đi đi mãi, cố tìm trú ngụ một nơi cho thật xa quê hương để xóa bỏ những ký ức đau xót. Sau cùng đến một tỉnh khác, ở đây có chùa Vân, nàng tìm đến xin cạo đầu quy y. Sư cụ không biết là gái bèn nhận cho làm tiểu, đặt là Kính Tâm. Sự đời đã tắt lửa lòng, từ đây nàng yên tâm bạn cùng kinh kệ.
Nhưng tu hành ở chùa Vân chưa được bao lâu thì một việc mới lại xảy đến với nàng. Tuy ăn mặc nâu sòng, nhưng vẻ mặt của chú tiểu mới đã làm cho nhiều trái tim của các cô gái làng thổn thức. Trong làng có Thị Mầu, con gái của một phú ông, những ngày lễ chùa thấy tiểu Kính Tâm thì đem lòng yêu trộm nhớ thầm. Hai ba phen bị khước từ, Thị Mầu càng si mê càng cố tìm cách quyến rũ. Sau đó, tuy cá chẳng cắn câu, nàng vẫn không sao quên được chú tiểu. Quen thói trăng hoa, Thị Mầu bèn tư thông với một người đầy tớ trai trong nhà. Qua nhiều phen đi lại, không ngờ bụng ngày một lớn. Bị làng phạt vạ, cô gái nghĩ rằng nếu thú thật thì chẳng hay ho gì bèn đổ riết cho tiểu Kính Tâm. Vì thế tiểu Kính Tâm cũng bị làng đòi đến khảo tra. Nhưng dù bị đánh tơi tả, nàng cũng không dám nhận liều cũng như không để lộ mình là gái. Sư cụ chùa Vân thấy tiểu bị đòn đau thì thương tình kêu xin với làng nộp vạ, bảo lãnh cho tiểu được tha về. Nhưng sợ miệng thế gian mai mỉa ô danh chốn thiền môn, nên sư bắt tiểu phải chụm môt cái lều cư ngụ ở phía ngoài cổng chùa. Nàng cam tâm nhận sự hành hạ nầy, cắn răng không hề van xin hay than thở.
Thị Mầu sau đó sinh được một trai. Ðã trót đổ vấy cho tiểu Kính Tâm, nên nàng lại đem đứa con bỏ ở cửa tam quan. Kính Tâm lại thêm một phen bối rối. Nhận lấy đứa bé thì không khác gì một hành động thú tội, mà không nhận thì làm ngơ sao đành trước một đứa bé vô tội thế kia. Nhưng những tràng khóa oa oa của đứa trẻ sơ sinh đã khiến nàng mất hết ngại ngần. Lập tức nàng bế đứa bé vào lều chăm sóc, và từ đó ngày ngày một công việc mới choán hết thì giờ và tâm trí của nàng, nàng phải bế nó đi xin sữa ở đầu làng cuối xóm. Mặc cho dân làng kẻ cười người chê đến rát cả mặt, nàng vẫn âm thầm chịu đựng, tuyệt không có lấy một lời oán thán.
Cứ như thế sau sáu năm, nàng trông nom con người như con đẻ. Trong khi đứa bé ngày một sởn sơ khôn lớn, thì sức nàng trái lại ngày một mỏi mòn kiệt quệ. Một hôm biết mình không thể sống được nữa, tiểu Kính Tâm bèn viết một phong thư để lại cho bố mẹ đẻ, trong đó nàng thuật lại đầu đuôi nỗi mình nhẫn nhục bấy chầy. Lại dặn dò đứa bé sau khi mình chết đi thì trao thư lại cho Sư cụ trên chùa.
Khi khâm liệm, mọi người mới hay tiểu Kính Tâm là đàn bà, và ai nấy đều nhận thấy rằng sự chịu đựng của nàng từ bấy đến nay quả là cùng cực. Ðể tỏ lòng hối hận, sư cụ chùa Vân bèn cho lập một đàn chay cầu cho nàng được siêu sanh tịnh độ. Dân làng còn bắt Thị Mầu phải để tang và bắt phải trả mọi chi phí ma chay. Hôm cử hành đàn chay, thì trên trời, giữa một đám mây năm sắc, Ðức Phật Thiên Tôn hiện ra phán truyền cho Kính Tâm thành Phật Quan Âm.
Ngày nay, để chỉ cho mối oan to lớn, người ta thường bảo : “Oan Thị Kính” là từ truyện này mà ra.
Nguyễn Ðỗng Chi
(Truyện cổ Việt Nam tập VI)
“Ai nhẫn được những điều khó nhẫn,
Làm được những giới hạnh khó làm,
Người đó chắc chắn được thành Ðạo quả”.

 
Nhân quả của sự bố thí

Thuở Ðức Phật còn ở đời, giáo hóa chúng sanh, có một vị Trưởng giả rất giàu, kho tàng dẫy đầy, tôi tớ đông đảo, Trưởng giả ấy là em của Ngài Ðại Mục Kiền Liên.
Một hôm, Tôn giả Mục Liên đến nhà em, bảo rằng: “Tôi nghe chú không ưa bố thí, điều ấy rất không tốt.” Ðức Thế Tôn thường dạy: “Người nào hay bố thí, sẽ được hưởng phước báo không lường”. Nay chú được giàu sang như thế này, là do công đức huệ thí từ kiếp trước. Nếu chú cứ ôm lòng lẩn tiếc chẳng những hưởng phước không được bao lâu, mà đời sau do nghiệp bỏn xẻn sẽ mang thân ngạ quỷ, khốn khổ vô cùng.
Nghe lời anh dạy, Trưởng giả mở rộng kho tàng, cúng dường Tam bảo châu cấp cho kẻ nghèo thiếu. Trong khi ấy, ông lại cất thêm kho vựa mới, ý muốn thâu chứa, những của cải, mình sẽ được do phước bố thí, nhưng chưa được bao lâu thì tiền của tiêu mòn, kho cũ đã hết, mà kho mới cũng trống trơn, trưởng giả sanh lòng ảo não, đến thưa với Ngài Mục Liên rằng: Khi trước anh bảo: “Bố thí sẽ được nhiều phước báo” tôi không dám trái lời dạy, đem tất cả ra làm việc phước đức, nay kho tàng đã hết sạch, nhưng phước báo đâu không thấy, hay là tôi đã bị lầm lạc vì anh chăng?”
Tôn giả Mục Liên bảo: “Chú chớ nên nói lời ấy! Chớ nên gây tà kiến cho những kẻ ngu mê! Nếu phước đức đều có hình tướng, thì cảnh giới hư không, dung chứa vào đâu cho hết. Tuy nhiên, nếu chú muốn, tôi có thể chỉ cho thấy một phần ít quả báo của sự bố thí. Nói đoạn, ngài Mục Liên dùng sức thần thông đem em lên đến một phương vức ở cõi trời. Nơi đây, một bầu trời thế giới trân kỳ hiển hiện: Lầu các rộng rãi bao la, cảnh trí vui tươi sáng suốt, ao thất bảo gió thơm thanh khiết, hoa Mạn Ðà vẻ đẹp thần tiên! Trưởng giả mục kích sững sờ, ngơ ngẩn, nhìn đông quên tây, lại thấy từ trong cung điện lộng lẫy, chậm rãi đi ra một đoàn ngọc nữ. Trưởng giả liền hỏi anh rằng: “Ðây là cảnh nào mà phong cảnh xinh tươi như thế? Sao tôi chỉ thấy toàn là người nữ, không có nam nhơn? “Tôn giả Mục Liên bảo: “Chú hãy đến hỏi ngay mấy nàng kia, sẽ được biết rõ”. Trưởng giả đem những lời ấy hỏi, thiên nữ đáp: “Ðây là cung trời Ðao Lợi, chúng tôi ở chốn này đã lâu hưởng phước tự nhiên, những thức ăn mặc tùy niệm hiện ra, không cần phải nhọc sức tạo tác. Bao nhiêu cung điện và tất cả sự trang nghiêm tốt đẹp nơi đây, cho đến sắc thân thanh khiết xinh tươi của chúng tôi, đều là kết quả của sự bố thí. Ngài muốn biết ngài trượng phu của chúng tôi ư? Người ấy không ai xa lạ, chính là những vị nào siêng tu phước đức. Hiện nay, ở cõi nhân gian, về xứ Ca Tỳ La Vệ, Tôn giả Mục Liên vị đệ tử thần lực của Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni có một người em ưa bố thí, người ấy không bao lâu mạng chung, sẽ thác sanh lên đây và sẽ là người chủ quản của chúng tôi sau này”.
Nghe thiên nữ nói, trưởng giả bỗng nhiên vui mừng khấp khởi, cảm phát lòng lành, liền trở về chỗ Ngài Mục Liên thuật lại mấy lời ấy. Tôn giả mỉm cười, hỏi gạn lại: “Thế nào? Sự bố thí có phước báo hay không? “Trưởng giả hổ thẹn, sám hối. Sau khi trở về nhân gian, ông lại càng bố thí nhiều hơn và khuyến khích người khác làm theo, không lúc nào biết chán nản.
*
Thuở xưa, ở thành Xá Vệ có Vị trưởng giả, một ông tên là Tối Thắng, một ông tên là Nan Hàng. Cả hai đều rất giàu có, bảy báu đầy đủ, voi, ngựa, xe cộ, tôi trai, tớ gái đông đúc, ruộng vườn sự sản vô cùng to tát. Nhưng, về tánh tham lam, bỏn xẻn của hai ông này, ở trong nước thật không ai hơn. Trưởng giả Tối Thắng cũng như Nan Hàng, mỗi ông đều xây tường thành cao, làm bảy lớp cửa, dặn gia nhân đừng cho kẻ ăn xin vào nhà. Chưa lấy thế làm đủ, hai ông còn sắm những tấm lưới sắt che giăng khắp trên sân, vì sợ loài chim bay xuống mổ lúa thóc. Cho đến các kho vựa, cũng đều làm bằng sắt, quyết không để loài chuột xoi khoét vào cắn phá đồ vật.
Nghe tiếng hai ông trưởng giả keo bẩn, năm vị đệ tử lớn của Ðức Phật tuần tự nhau dùng phép thần thông, phân thân đi đến mỗi nhà, từ dưới đất bay lên, thuyết pháp giáo hóa. Nhưng kết cuộc, hai ông trưởng giả chẳng nghe lời giảng dạy. Sau rốt, Ðức Phật cũng dùng phép phân thân đi đến, hiện thần lực, ngồi nằm giữa hư không, phóng ánh sáng rực rỡ soi khắp mọi nơi, nói ra pháp màu nhiệm, hai vị trưởng giả tai nghe, nhưng còn chưa hiểu thấu đều tự nghĩ rằng: “Nay Ðức Thế Tôn đã đến nhà, ta không nên để cho Ngài về không” nghĩ như thế, mỗi ông tự vào kho lấy vải để đem ra cúng Phật. Vì còn nặng lòng tham tiếc, hai ông định lựa vải xấu, nhưng lấy lầm phải thứ tốt, khi trở vào đổi, lại lấy thứ khác tốt hơn. Bây giờ, cả hai tâm ý phân vân, nửa muốn đem ra, nửa muốn cất vào, băn khoăn không nhất định.
Lúc ấy, Ðức Phật dùng thiên nhãn xem thấy chư thiên đang đánh với A Tu La, khi được hơn khi bị thua, kia là quả báo của tâm trạng hơn kém trong khi bố thí. Ðức Thế Tôn lại quán sát, đến tâm của hai vị trưởng giả, thì thấy lúc có tâm bố thí hơn, tâm bỏn xẻn thua, có lúc tâm bỏn xẻn hơn, tâm bố thí thua, Ngài liền nói bài kệ rằng:
“Bố thí như chiến tranh
Ðiều ấy Phật không khen
Khi thí là khi đánh
Hai việc ấy đồng nhau”.

Hai vị trưởng giả nghe xong, trong lòng hổ thẹn, cho rằng Ðức Phật đã nói ngay tâm trạng của mình, mỗi vị đều đem vải tốt ra dâng cúng Phật. Cúng dường xong, cả hai tâm trí sáng suốt, đều chứng được đạo quả.
Trí Hiền         
“Làm gì có sự lũng đoạn về kinh tế, người bốc lột người, một khi nhân loại đã thực hành tài thí”.
 
Túi tham không đáy
 
Vào thời quá khứ xa xưa, ở Diêm Phù Ðề có vị Chuyển Luân Thánh Vương tên Ma Ða Tu ngự trị. Ngài oai quyền tột bực, thống lĩnh cả bốn châu thiên hạ, gồm có tám muôn bốn ngàn vị tiểu vương chư hầu.
Tuổi thọ của chúng sanh thời ấy đến vô số năm. Ðức vua lại có quyền phép thần thông biến hóa không lường, ngài chỉ cần vỗ tay nhẹ thì mưa bảy báu rơi xuống ngay.
Thuở ấu niên hoa mộng, Ðức vua nô đùa thỏa thích trong vòng tám muôn năm, đến khi trưởng thành vào khoảng tám muôn bốn ngàn tuổi được vua cha giao quyền nhiếp chính. Giữ chức nhiếp chính hết tám muôn bốn ngàn tuổi thì được chính thức đăng quang lên ngôi Chuyển Luân Thánh Vương thật thụ.
Trải qua một thời gian dài, tám muôn bốn ngàn năm đằng đẵng ngự trị trên ngai vàng, nhưng đức vua Man Ða Tu luôn luôn cảm thấy không hài lòng với hiện tại, một hôm ngài phán hỏi các cận thần:
- Nầy chư hiền khanh, có nơi nào nhiều lạc thú đặc biệt hơn những gì trẫm đang tận hưởng không?
Các quan đồng tâu rằng:
- Muôn tâu Hoàng Thượng, những thú vui ở trần gian quả thật không có bao nhiêu để bệ hạ tận hưởng xứng đáng với ngôi vị Chuyển Luân Thánh Vương. Duy chỉ có cung trời Tứ Ðại Thiên Vương đặc biệt hơn cả có đủ mọi lạc thú thần tiên thật xứng đáng để bệ hạ tận hưởng.
Ðức Vua Man Ða Tu khi đã nghe qua các quan đồng tâu như thế rất đẹp ý, liền lấy vòng Chuyển Luân Thánh Vương đưa lên ba lần. Lạ thay, đức vua cùng bá quan trong nháy mắt đã hiện trên cõi trời Tứ Ðại Thiên Vương. Chư thiên trong cõi Tứ Ðại Thiên Vương thấy đức Man Ða Tu ngự đến bèn mang lễ vật hoa hương đến cúng dường, đồng thời kính dâng lên đức vua tất cả cõi trời Tứ Ðại Thiên Vương.
Ðức vua Man Ða Tu ngự trị và tận hưởng lạc thú thần tiên ở cõi Tứ Ðại Thiên Vương rất lâu vào khoảng tám muôn bốn ngàn năm của thế gian.
Tuy vậy Ðức vua cũng chưa cảm thấy đủ với những lạc thú ở cõi Tứ Ðại Thiên Vương. Một hôm, đức vua gọi Tứ Ðại Thiên Vương vào hỏi:
- Nầy Ðại Thiên Vương còn có nơi nào có nhiều lạc thú đặc biệt hơn cõi mà ta đang hưởng đây không?
Tứ Ðại Thiên Vương đồng tâu rằng:
- Muôn tâu Ðại Vương của bốn châu thiên hạ, nơi đây những lạc thú chẳng khác chi cõi người, chỉ có những thú vui nơi cung trời Ðao Lợi mới tuyệt vời gấp trăm, gấp ngàn lần cõi này.
Ðức Vua Man Ða Tu rất đẹp lòng liền cầm vòng Chuyển Luân Thánh Vương đưa lên ba lần trong phút chốc đức vua Man Ða Tu và triều thần đều ngự lên cõi trời Ðao Lợi.
Ðức Ðế Thích thấy vua Man Ða Tu đến, bèn mang hương hoa cúng dường, đồng thời xin cống hiến phân nửa cõi trời Ðao Lợi cho vua.
Nơi đây, vua Man Ða Tu trị vì tận hưởng mọi lạc thú thần tiên một thời gian gần như vô tận, trải qua ba mươi sáu đời Ðức Ðế Thích, nhưng ngài vẫn tỏ ý chưa hài lòng.
Một hôm, đức vua nẩy sinh tà tâm, ngài thầm nghĩ rằng: “Nếu ta giết Ðức Ðế Thích thì một mình ta sẽ ngự trị trọn vẹn cảnh trời Ðao Lợi này mới xứng đáng địa vị Chuyển Luân Thánh Vương thì ta tha hồ tận hưởng”.
Một ý nghĩ độc ác dù chỉ thoáng qua bỗng nhiên Man Ða Tu cảm thấy những triệu chứng bất thường: Suy yếu, mỏi mệt, sức lực kiệt quệ, như cây đèn sắp tắt, không thể chung sống lẫn lộn cùng các chư tiên đưọc nữa. Thế là Ðức vua phải giáng trần ngay vườn thượng uyển của mình khi xưa.
Người giữ vườn bỗng nhiên thấy Ðức vua Man Ða Tu ngự trong vườn một mình, vô cùng ngạc nhiên, vội vã vào triều phi báo tự sự.
Ðức vua trưởng dòng họ khi hay tin vua Man Ða Tu trở về lấy làm hoan hỷ, lập tức thân hành đến vườn thượng uyển cùng với tám muôn bốn ngàn tiểu vương chư hầu mang long xa và long sàng đến đón rước đức vua về triều đình.
Ðức vua từ từ trỗi dậy ngự trên long sàng, tuyên bố với mọi người rằng:
- Ta không rời chiếc long sàng nầy được nữa. Vậy xin các ngài hãy lưu ý rằng sự tham muốn của con người thật vô bờ bến, không bao giờ chấm dứt được. Nếu sau này có ai hỏi khi đức vua sắp thăng hà có trối lại những gì không thì các ngài hãy truyền lại lời ta rằng: “Ta đã được bảy báu, đã được bốn châu thiên hạ, đã được ngồi chung với trời Ðao Lợi, cai quản một nửa cung trời, nhưng khi chết lòng tham vẫn chưa thỏa”.
Ðức vua tuyên bố xong liền thăng hà được thọ sanh nơi lạc cảnh.
Vào thời quá khứ xa xăm, tiền kiếp của vua Man Ða Tu là một người may mướn vá thuê rất nghèo túng. Thuở ấy, thời giáo pháp của Ðức Phật Tỳ Bà Thi, rất được quảng đại quần chúng qui ngưỡng, chùa chiền bảo tháp vô cùng nguy nga tráng lệ được xây dựng và hộ trì rất nghiêm cẩn.
Hàng vạn Phật tử cùng nhau đến chùa nghe pháp, trai tăng rất long trọng. Chàng thanh niên may thuê thấy mọi người thi nhau đến chùa làm phước lòng rất nôn nao muốn góp phần công đức, nhưng xét đi xét lại không thấy món chi xứng đáng nên chỉ biết than thầm.
Một hôm, buổi trai tăng được đến với chư Tỳ kheo tăng, dưới sự chứng minh tối cao của Ðức Phật. Gã thanh niên cơ hàn, cầm lòng không đậu, cất tiếng than rằng:
- Than ôi! Ta là người bạc phước nhất trên thế gian này, ta chẳng có một vật mọn nào để cúng dường Ðức Phật và chư Tỳ kheo tăng để gieo duyên lành. Nhưng đây cũng là dịp may hiếm có để thử thách ta, nếu ta không dõng mãnh phát tâm thì biết bao giờ mới có đủ nhân duyên như thế này. Kiếp này ta đã khốn khổ, nếu không chịu tích trữ phước đức dành cho kiếp sau thì biết bao giờ ta mới thoát khỏi cảnh khốn cùng.
Ngày hôm ấy, anh cố gắng nỗ lực may vá không ngừng, dành dụm được vài chục đồng, thì giờ trai tăng đã đến. Gã không biết cách nào hơn chạy vội đi mua một nắm hạt đậu và một nắm hạt mè, lòng tràn ngập hoan hỷ, trong ý định sẽ để vào từng bát để cúng dường đến Ðức Phật và chư Tỳ kheo tăng.
Trên đường đi đến nơi Ðức Phật và chư Tỳ kheo tăng đang ngự, bỗng gã cảm thấy tủi thân khi nhìn thấy những bộ y phục sang trọng cùng những mâm lễ vật qu ý giá đến để bát, ai ai cũng hớn hở tươi cười, chỉ riêng anh là buồn rười rượi. Anh cố gắng đến gần nơi chư Tăng nhận vật thực với hy vọng sẽ dâng cúng đậu và mè vào bát chư Tăng, nhưng chỉ hoài công, mọi người không cho chàng vào vì nghĩ rằng chàng thanh niên này quá nghèo. Thật tấn thối lưỡng nan, dừng lại một lát anh than thầm rằng:
- “Thế là hết, ta đã mất đi cơ hội ngàn năm một thuở, vậy ta cứ đứng đây ném vào từng hạt nếu chỉ rơi vào bát của một vị thôi ta cũng hữu duyên lắm rồi”.
Suy tư xong, gã bắt đầu ném từng hạt, kỳ diệu thay, phi thường thay cho tâm thành khẩn, do nguyện lực vĩ đại, những hạt đậu, hạt mè đều rơi vào bát của chư Tỳ kheo tăng và Ðức Phật.
Khi được nhìn thấy hiện tượng kỳ diệu ấy, anh phát tâm trong sạch gấp trăm ngàn lần hơn nữa, lập tức quỳ xuống phát nguyên rằng:
- “Do oai đức của sự cúng dường nầy, trong kiếp vị lai, con nguyện sẻ trở thành một vị Chuyển Luân Thánh Vương để tận hưởng mọi lạc thú trên cõi đời, nếu con vỗ nhẹ tay thì mưa bảy báu sẽ rơi xuống ngay, con xin đừng sai nguyện bao giờ”.
Gã thanh niên ấy, sau khi hết tuổi thọ được sanh về cõi trời rất lâu, cho đến khi vào sơ nguyên kiếp này được thọ sanh làm hoàng tử con vua Ka Ba Ya Na Ra Ða, mang tên là Man Ða Tu vậy.
Thật: Sự tham lam của con người vô cùng tận.
Giới Ðức 
“Người có tiền rừng bạc bể mà vẫn còn ham muốn, họ chính là người “Nghèo”. Trái lại, người tuy có ít tiền bạc, nhiều khi túi rỗng không, nhưng cảm thấy mình đầy đủ, người này chính là người “Giàu”.
 

Chiếc gương soi trong tráp báu
Thuở xa, ở một làng cách xa đô thị, có anh chàng rất nghèo, tên là Ngốc. Danh từ “Ngốc” ấy, xét ra cũng có phần phù hợp với tánh nết của anh nhưng có lẽ vì anh quá nghèo, khi đi vay hỏi, người trong làng thường khinh mắng, xua đuổi, mà anh vẫn lặng thinh như thằng ngốc, nên do đó thành danh chứ làm cha mẹ ai nỡ đặt tên cho con cái tên xui xẻo như thế bao giớ! Tuy trong làng xóm cho đến người thân thuộc đều chán sợ khi thấy dạng anh lù lù đến nhà, song vì anh nài nỉ van xin lắm lời, cũng có kẻ động lòng thương cho mượn. Nhưng, một khi mượn thì quyết không trả nổi, cho nên anh mắc công nợ khắp đó đây. Vì thế, anh lại được thêm một tên nữa là ông “Tổ nợ”.
Một ngày nọ, các chủ nợ đến đòi hỏi ráo riết quá, người thì thét mắng, kẻ thì nhẩy bổ lại xé rách cả quần áo, song anh vẫn ngồi ỳ ra đó mà chịu, không nói năng được nửa lời. Ðêm ấy, anh nằm gác tay lên trán, hết thương thân tủi phận, lại chán cảnh, sợ đời! Thôi! “Ba mươi sáu chước, chước gì là hơn?” Suy tới nghĩ lui, liệu ở nán lại chắc không tiện, anh liền thu xếp áo quần và chút ít lương thực rồi vội vã trốn đi, trong lúc trời chưa rạng sáng. Ngày đi đêm nghỉ, lận đận vượt qua miền gió cát, ba hôm sau, anh đến một vùng nước non thanh tú, và nhất định ở đấy suốt đời. Nơi đây, anh thấy an nhàn, vui vẻ, đói ăn trái rừng, khát uống nước suối, riêng tiêu dao trong khoảng trời mây, cây cỏ, cuộc đời kể cũng đã thần tiên lắm! Có những buổi chiều, khói mù giăng ngang sườn núi, chim hôm xao xác về rừng, anh ngồi thẫn thờ như ôn lại quãng đời dĩ vãng! Có những đêm trăng khuya bàng bạc, gió lá rì rào, anh thức giấc lặng nhìn mấy dãy non xa in bóng qua nền trời mờ xám, như những búp măng non, mà thấy mình như vượt khỏi trần ai tâm trí vô cùng thanh thoát! Phong cảnh nơi đây thật là đẹp! Xa xa, dòng suối róc rách trong khe, như tiếng cười chào hỏi. Và đây, trăm thứ hoa đua nở khoe tươi, như ân cần đón rước, tất cả ngần ấy làm cho anh thỏa thích, xóa tan bao nỗi nhục trong thời gian qua. Nhưng một buổi sáng, cảm thấy trong lòng phiền muộn, chàng Ngốc thơ thẩn dạo chơi. Cảnh thiên nhiên tươi đẹp như dẫn dắt người, anh vui chân bước mãi, bất ngờ đi đến một động đá, trông vào đấy, Ngốc thấy một vật gì đen dài điểm sáng phản chiếu dưới ánh nắng trời mai. Anh lại gần nhìn xem, thì là một cái tráp bằng gỗ, có khảm bạc. Tánh tọc mạch, háo kỳ, xui cho Ngốc loay hoay tìm cách mở. Một hồi lâu, sau khi mở được cái tráp ra, bỗng anh hoa mắt, sửng sốt, vì trong ấy chứa đầy những vòng vàng, châu ngọc quí giá, anh mân mê, hết cầm viên ngọc này, đến nắm xâu chuỗi khác, say sưa nhìn ngắm! Lần lượt xem hết từng món sau cùng, Ngốc thấy dưới đáy tráp có cái gì tròn đẹp, chung quanh khảm vàng, khoảng giữa long lanh chói sáng. Ðấy là một chiếc gương soi, nhưng vốn là kẻ tối tăm quê dốt, Ngốc vẫn ngờ nghệch không hiểu biết. Cầm chiếc gương lên xem, anh thấy trong ấy có người râu tóc rậm đen, gương mặt xấu xa ra dáng hung dữ lắm! Không biết người trong gương chính là bóng của mình. Ngốc bỗng sinh ra luống cuống sợ hãi, tưởng vị hung thần nào, vội chắp tay lấp bấp nói: “Tôi tưởng chỉ riêng một mình tôi, không ngờ lại có ngài ở đây coi giữ những của báu này, tôi “thật tình” không dám tham lấy, xin ngài đừng nổi giận bắt tôi tội nghiệp!”.
Nói xong, tưởng như mình đã phạm một lỗi nặng đối với thần, không kịp thu xếp đồ đạc, chàng ta vụt đứng dậy chạy bán sống bán chết không dám quay đầu trở lại...
Trí Hiền  
“Ðời là mộng sao ta còn mê mải
Tấm thân này do tứ đại hóa duyên
Ðưa ta trong biển khổ triền mi ên
Mà cứ tưởng sống trên đường hạnh phúc!”

 

Ðức Phật vào xem một gánh hát xiệc

Bên Ấn Ðộ, về thời xưa cũng như hiện nay, thường có những buổi họp chợ, những cuộc lễ Tôn giáo và những trò xiệc ngoài trời. Ðó là những dịp cho đàn ông, đàn bà và con trẻ, chải chuốt trong những bộ cánh đẹp nhất, hội nhau để dự vào các cuộc lễ tôn giáo, hoặc để mua vui và tiêu khiển với những trò biểu diễn vế sức mạnh và sự lanh lẹ. Ðó cũng là những dịp để tô điểm đôi chút cuộc đời phẳng lì của họ, vừa hiến cho họ cơ hội gặp gỡ bạn bè, trao đổi tư tưởng và sống những giờ vui vẻ ngoài trời.
Thành Vương Xá (Rajagaha) tưng bừng, nhộn nhịp. Một gánh “Xiệc” dạo đã đến đây, với một đoàn người nhào đu danh tiếng. Dân chúng tụ họp cả ngàn để xem những trò biểu diễn lạnh xương sống của các nghệ sĩ ấy. Trong đám khán giả, có một thanh niên giàu có tên là Uggasena. Cũng như mọi người chàng đứng xem mê các trò của gánh xiệc và nhìn mãi không chán những thân hình cân xứng. đẹp đẽ của các nghệ sĩ. Nhưng điều làm cho chàng để ý nhứt là cuộc biểu diễn của một thiếu nữ, mà vẻ thùy mị và dịu dàng đã làm cho chàng xiêu lòng. Chàng tự bảo: “’Thôi rồi! Giờ phút này, phải chăng tôi đã trở thành một con nai, luôn luôn bị những ước vọng theo đuổi như một đoàn chó săn hung tợn?”.
Ước vọng đó không những theo đuổi chàng mà còn bồng bột hơn trăm lần trong khi chàng uể oải lần bước trên con đường về nhà. Thế rồi cái nhà êm ấm của chàng không còn êm ấm nữa, cái giường mà bấy lâu chàng nằm xuống là ngủ thẳng một giấc, không còn duyên dáng và êm thấm nữa. Trước cử chỉ thay đổi bất thình lình của chàng, cha mẹ chàng đâm ra hoảng hốt. Lần lần nỗi lòng thầm kín của chàng được tiết lộ. Cha mẹ chàng tìm đủ phương kế làm cho chàng đổi sầu ra vui, nhưng vô hiệu quả. Rốt cuộc, chàng cưới cô đào hát và theo gánh xiệc trôi nổi giang hồ.
Về sau, vợ chồng ăn ở với nhau được một mụn con. Lần hồi sự khắng khít buổi đầu giảm bớt. Thấy chồng không làm gì được cả, bà vợ không ngớt trách móc và ngạo báng. Không thể chịu nổi nữa những tiếng bấc giọng chì và tình phai lạt của vợ. Về sau, chàng tập nghề nhào đu và trở nên một nghệ sĩ trứ danh. Chàng bèn tự tay lập một gánh xiệc dạo và đi từ thành này đến thành khác diễn trò.
Một hôm có tin đồn chàng Uggasena và đoàn xiệc của chàng sẽ đến diễn một buổi tại thành Vương Xá. Lúc ấy, Phật đang trú tại tịnh xá Vehivana, trong thành này, như thường lệ, Ngài nhập định và phóng quang soi khắp tam thiên thế giới. Ngài chiếu thấy căn cơ của Uggasena là bậc có thể lãnh thọ giáo pháp của Ngài có hiệu quả. Thế rồi, sáng hôm ấy, Ðức Phật cùng các hàng đệ tử sắp hàng vào thành khất thực. Dọc đường, thấy công chúng đang nhóm nhau xem gánh xiệc của Uggasena biểu diễn, Ngài bèn dừng bước lại. Bao nhiêu con mắt đều đổ dồn vào Ngài, quên xem hát. Uggasena rất ngạc nhiên và phẫn uất. Chàng tưởng cho tài nghệ đã đến lúc xế chiều, vì chàng đang diễn cái trò hay nhất của chàng, nhận thấy những ý niệm đang quay quần trong đấu óc chàng, Ðức Phật bèn đọc một bài kệ:
“Hãy xả những việc sẽ đến, hãy xả những việc đã qua.
Hãy xả những việc trong hiện thời, hãy bước sang bờ bên kia.
Nếu lòng ngươi được giải thoát mọi nỗi ràng buộc,
Ngươi không còn trôi giạt trong dòng sanh tử nữa”.
Nghe kệ xong, Uggasena ngộ đạo và được Phật cho nhận vào hàng đệ tử...
Ðại Ðức SHANTI BHADRA
 (Tích Lan)
“Ðời ngũ trược con thề vào trước
Dù gian nguy chí cả không sờn
Cứu chúng sanh là báo Phật thâm ân
Lời vàng ngọc con hằng ghi dạ”.

 

<< Phần IV - 2 | Phần IV - 4 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 823

Return to top