Thử lòng Vui thay sáng lạng cả trời,
Hoa đàm đã nở rạng ngời khắp nơi.
Ðại từ Ðức Phật ra đời,
Ðem thuyền Bát nhã độ người trầm luân.
Thiều quang chói lọi cõi trần.
Hỡi ai có biết Hồng Ân gần kềCa di - Ánh sáng đã về…Tiếng hát trong thanh ấy, gần như ở tận cõi trời xa đưa lại, bay lạc trong gió thoảng lanh lảnh dội từ rừng này sang rừng khác, từ non cao đến động thẳm, từ biển cả đến đồng bằng, chẳng chỗ nào mà không nghe đến nhạc điệu thần tiên ấy.
Từng đàn bướm cánh vàng, xanh đỏ tím bay liệng nhởn nhơ, rập rờn trên cành hoa thắm, từng đàn chim non ríu rít ở trên cành cây, từng đàn sóc xinh đẹp ranh mãnh rượt bắt nhau lẹ làng trên cổ thụ, cả thảy đều chuyền nhau cái tin mừng qua khẽ lá.
Những điệu nhạc du dương, những âm thanh đều đặn như dìu dặt ở mấy từng không vang động những làn sóng điện của bể trần.
Chúng sanh ơi! Ðấng giải thoát đã đến rồi. Ði! Ta hãy đi cùng về phía Nam dãy núi Hy Mã Lạp Sơn để nhờ Ngài giác ngộ. Tạo vật tưng bừng vừa mới tái sinh. Trên trời sương mù đã tan hẳn. Vừng thái dương ẩn hiện sau đám mây thưa chiếu ánh sáng huy hoàng trong khoảng không gian trong tạnh. Lòng người như cảm thấy một điềm lành, một ánh sáng thiêng liêng để phá tan bóng tối của cõi đời.
Những cành hoa sắp héo bỗng chuyển sang màu xanh biếc, nhưng cái ảnh hưởng huyền diệu nhất của ánh sáng này là nó biến đổi lòng người trong nháy mắt: Con người cảm thấy mình tốt đẹp hơn và cao thượng hơn. Kẻ sát nhân bỗng ghê rợn bàn tay đẫm máu của mình, bèn ăn năn hối tiếc. Chị bán hàng đang cân thiếu bỗng giựt mình không dám gian lận nữa. Người đau yếu mỉm cười trên giường bệnh, cách hẳn tiếng rên than và nghe lòng mình ấm dịu, reo nhảy một nguồn vui. Kẻ sắp lìa trần không còn sợ hãi mà được an tĩnh và đầy hi vọng. Người giàu sang vương giả không còn thiết tha cảnh vào đài ra các, đâm ra chán nản mùi phú quí hồng trần, muốn tìm đường thiêng liêng giải thoát để độ rỗi linh hồn.
Ngày hôm ấy, khi vầng ô vừa gác non đoài, bóng hoàng hôn hiện giữa rừng sâu rung động chập chờn trong làn gió lạnh. Rải rác ở cánh đồng cỏ lục, vài ba chú nông phu với cặp bò vàng đi về phía chân đồi xanh biếc. Giữa cảnh rừng hoang tĩnh mịch, thỉnh thoảng chìm những tiếng rủ nhau về tổ. Trên núi Tuyết, gió lạnh từ xa thổi đến ngạt ngào hương thơm của trăm thứ hoa rừng, xen lẫn mùi ngọt dịu của trái chín muồi.
Dưới cội Bồ Ðề hùng vĩ, Ðức Phật Thích Ca đang ngồi kiết già, trầm tư mặc tưởng, chân xếp bằng, tay để trên gối, đầu ngay thẳng, Ngài ngồi tham thiền yên lặng như pho tượng đá. Trong cõi âm u tĩnh mịch, hào quang Ðức Phật tỏa sáng, rực rỡ cõi trời, và ân huệ của Ngài cũng ban ra khắp chốn, thỉnh thoảng vài con sóc vàng nhảy lên vế Ngài, vài con bạch điểu xinh tươi nghiêng đầu vào cánh tay Ngài như mong chờ mơn trớn. Cái không khí thiêng liêng tràn đầy bác ái, khiến cho kẻ nào thiếu đức tin đi ngang qua đó cũng phải cúi đầu quỳ gối kính phục, như những thú rừng hung dữ kia, mà khi đến gần Ngài cũng hóa ra hiền lành và kính sợ!
Nhưng kìa con nai cái đang nằm úm con dưới áo Ngài, lại ngước mõm lên ngửi trên không một cách lạ thường, dường như có linh tính đoán trước sẽ xảy ra chuyện gì. Một tiếng động rập rềnh ở tận phương xa đưa lại. Rồi kế tiếp tiếng nện gót giày một cách vội vàng trên mặt đất rất rêu xanh. Làm xào xạc cây cỏ phá tan sự tĩnh mịch của cảnh rừng im lặng. Ði đầu là một vị thiếu niên anh tuấn, ăn mặc xênh xoang diễm lệ, đeo ngọc ngà châu báu khắp mình, xăm xăm đi lại chỗ Ðức Phật. Trước vẻ uy nghiêm, an tịnh và hiền lành của Ðức Phật, chàng bỗng khiếp sợ, vội vàng quỳ mọp xuống chân Ngài một hồi lâu. Khi đứng dậy hết sức cung kính. Trong khi đó Ðức Phật vẫn ngồi điềm nhiên như không có gì xảy ra. Nhưng trong cặp mắt Ngài cũng nẩy ra một tia sáng dịu dàng chứa chan vẻ từ bi bác ái.
Chàng thiếu niên ấy nói:
- Bạch Ðức Thế Tôn, con xin kính lạy Ngài. Con ở tận xứ xa, từ nước Cam Sa Ba, trải qua ngàn dặm xuyên sơn mới tới đây. Con là Ðông cung Thái tử Djêta đến xin Ngài một chút an lành. Ðức Thế Tôn ơi! Từ khi con nghe đặng thanh danh Ngài, con không còn an nghỉ đặng nữa. Cung điện nhà vua, kho vàng lẫm bạc, hoàng thân quốc thích cho đến mỹ nữ cung phi nhan sắc tuyệt trần cũng không làm con phi dạ. Cái bã đỉnh chung mùi phú quý hết làm cho con say đắm nữa. Con muốn tìm cái gì cao thượng hơn, trường cửu hơn và thiêng liêng hơn. Lạy Ðức Thế Tôn, con xin Ngài chỉ giáo cho con và thâu con làm đệ tử. Ơn đức ấy ngàn năm con nguyền khắc cốt ghi tâm.
Ðức Phật vẫn điềm nhiên trầm tĩnh, không thốt một lời nào, Ngài nhìn Thái tử một cách dịu dàng hiền lành và thương xót.
Thái tử nói tiếp:
- Ðức Thế Tôn ơi! Xin Ngài huệ cố chỉ dạy cho con rõ, xin Ngài hỷ xả cho con biết, con có xứng đáng cái đặc ân này chăng? Bạch Ðức Thế Tôn! Từ khi còn bé, con đã giữ mình tinh khiết, con tập làm lành lánh dữ thuận với luật trời. Con giữ vẹn cang thường đạo lý, sớm công phu chiều bái sám, hằng xem kinh sách trau mình. Những hành vi của con như thế Ngài cũng đã rõ lắm rồi. Vậy Ngài cho con biết -- Con có đủ tư cách làm người đệ tử chăng?.
Ðức Phật chỉ đáp vỏn vẹn rằng: “Không”.
Thái tử Djêta làm thất vọng, buồn rầu bạch rằng:
- Lạy Ðức Thế Tôn, vậy con phải làm sao mới đặng? Con cúi xin Ngài phán cho con rõ, con nguyện sẽ đem tất cả bình sanh chí lực tuân theo, hầu được Ngài hạ cố thâu con làm đệ tử.
- Con tự tìm thấy… rồi con sẽ rõ.
- Ôi! Con biết tìm cái gì bây giờ?
Hoàng tử nói với giọng đau thương rung cảnh vô cảm vô ngần, nhưng Ðức Phật vẫn giữ vẽ mặt điềm nhiên lặng lẽ…
Hoàng tử mới tiếp rằng:
- Bạch Ðức Thế Tôn cao cả! Vậy thì để con tự tìm lấy. Có lẽ Ngài muốn thử lòng con?
Ðức Phật nói: “Phải”.
- Bạch Ðức Thế Tôn, bao giờ Ngài cho phép con trở lại hầu Ngài nữa?
- Bảy trăng sau mùa mưa này.
Thái tử Djêta lặng lẽ mọp xuống một lần nữa, hồi lâu rồi mới từ từ đứng dậy, chậm rãi ra đi. Ðoàn quân hộ tống khuất dạng trong đêm khuya. Thanh khí nhẹ nhàng trở lại dần tứ phía. Mảnh trăng rằm treo lơ lửng trên những chóp núi cao đầy tuyết phủ. Những dòng ánh sáng trăng màu sữa chảy láng dài trên không gian tĩnh mịch. Muôn sao nhấp nhánh kết thành ngàn chuỗi hạt kim cương… Rừng đêm khuya lặng lẽ như tờ. Dưới cội Bồ Ðề Ðức Phật cứ mãi tham thiền, đưa tâm linh lên tận cõi Niết Bàn Cực Lạc. Con nai cái hiền lành tựa đầu lên gối Ngài lim dim đôi mắt.
Bảy trăng vừa qua, ngày kỳ hạn đã đến, cũng dưới vội Bồ Ðề, cũng tại mé rừng hoang ấy, Ðức Phật đang đợi chờ…
Mặt trời đã chen lặng ửng đỏ một vùng phía tây rồi dần dần biến màu xám sậm.
Từ phương Ðông mây đen kịt nặng trĩu đủ các hành hình kỳ quái kéo đến. Bỗng chớp nhoáng, sấm sét vang động, gió thổi mỗi lúc mỗi mạnh, cành cây oằn oại lá cuốn bụi bay, cả thảy đều báo tin trận bão to sắp đến. Thú rừng xôn xao rạo rực, tìm nơi ẩn trú. Chim từng đàn bay núp dưới cội Bồ Ðề, kêu líu lo ríu rít ra dáng hãi hùng. Một con beo cái chui vào chân Phật, điểm nhiên an tĩnh như không biết cảnh giông tố bên ngoài.
Mưa bắt đầu tuôn xuống, nước chảy ào ào như lở núi, lở non gió thổi mạnh kêu vi vút xô ngã nhiều cây đại thụ. Thật là đáng khiếp. Nhưng cảnh bão bùng sấm sét hiểm nguy như thế không cưỡng chế được lực bên trong. Ðúng giờ kỳ hẹn, Thái tử Djêta đã quỳ dưới chân Phật. Rồi vì rét mướt, vì cảm động Thái tử lẳng lặng giây lâu mới bạch rằng:
- Bạch Ðức Thế Tôn, con đếm từng ngày đợi cái buổi hạnh phúc hôm nay. Ðối với lòng con mong mõi thấy thời gian qua rất chậm và hôm nay. Ôi! Giờ phút thiêng liêng đã đến sung sướng cho con biết dường nào! Bạch Ðức Thế Tôn! Từ khi con vâng lệnh Ngài về nước, con ráng dồi mài đạo đức, con giữ mình khiết bạch, chịu khổ hạnh nhiều bề: Ăn không dám no, ngủ không dám ngủ kỹ, để kiềm thân xác thân. Con buộc mình thức khuya dậy sớm, tham thiền, sửa tánh để ăn năn sám hối. Vậy hôm nay Ngài có bằng lòng thâu con làm đệ tử chăng?
Ðức Phật trả lời: “Không”.
Vừa nghe lời vắn tắt này Djêta rất đỗi kinh hoàng, nghẹn ngào rưng rưng giọt lệ vén áo lên chùi với bao nỗi thất vọng. Hoàng tử lẳng lặng một hồi lâu, mới lập cập bạch rằng:
- Kính lạy Ðức Thế Tôn! Xin Ngài mở lòng từ bi bác ái thương xót con, cho con hiểu làm sao con không được Ngài thâu làm đệ tử. Ðức Thế Tôn ơi! Xin Ngài giải rõ cho con nhờ.
Trong lúc ấy, con beo cái ngẩng đầu lên ngó Hoàng tử mà hầm hừ, Ðức Phật đưa tay vuốt ve nó. Lúc bấy giờ sấm sét đã dứt, mây tan mưa tạnh, cảnh vật trở lại êm đềm như cũ, tựa hồ như để lắng nghe lời Phật dạy:
- Nầy Hoàng tử cao quí ơi! Những sự thử lòng mà ta mong chờ ở con chẳng phải thuộc bên ngoài, mà chính về cõi tâm tình của con. Vậy ta chẳng biểu con bỏ vợ và cung phi mỹ nữ đâu. Ta chẳng biểu con ly gia đình, cắt ái để hủy bỏ cuộc đời xuân xanh lạc thú của con đâu. Ta nào bắt con chịu khổ hạnh để ép mình trì giới.
- Không, không đâu. Ta không muốn con dứt bỏ những gì bên ngoài trong khi tâm con còn vương vấn những cái không hay.
Bởi kiếp xưa con vụng đường tu, gây ra nghiệp chướng nặng nề, kiếp này tự nhiên con phải trả… Nhưng khi con đứng trước sự thử lòng khó khăn kia, thì con không có đủ nghị lực để thắng nó! Con đã sa ngã một cách sỉ nhục, ương hèn mà con không hay. Vậy con hãy trở lại đền vua làm người đạo đời suông, chớ những cách hành thiện của con có đủ điều kiện để làm người đệ tử.
Nghe dứt mấy lời Phật nói, Hoàng tử Djêta như sét đánh vào tai, vừa thảm đạm vừa hổ thẹn mà bạch rằng:
- Bạch Ðức Thế Tôn, xin Ngài từ bi chỉ cho con rõ -- Con sa ngã ở chỗ nào? Nói ra càng thêm thẹn cho con. Nhưng con muốn biết để ăn năn sửa mình.
Ðức Phật dạy:
- Ðược, con hãy lắng tai nghe!
Ðiều thứ nhất: Con phẫn nộ khi người ta vu cáo con.
Nầy, Hoàng tử cao quí ơi ! Con hãy nhớ lại một khi kia, tại trào đình của phụ vương con có người vu cáo con một chuyện để mưu đồ đoạt ngôi vị của con. Ðó là một thử lòng đến cho con, đối phó cách nào cho xứng đáng là người đệ tử Phật. Mà rồi con không bình tĩnh đợi chờ cái ánh sáng chân lý đến chứng tỏ kẻ ngay người gian, hoặc giả con chịu ô nhục chuốc lấy sự vu oan một cách nhẫn nại và từ tâm, để trả lại cho rồi cái quả báo kiếp xưa mà con đã gây ra. Trái lại con lại thối thoát, con nhứt quyết minh oan cho bằng được và con lại còn phẫn nộ lôi đình nữa. Ðó là sự sa ngã thứ nhất của con.
Hoàng tử Djêta xanh mặt đáp rằng:
- Bạch Ðức Thế Tôn! Nếu con biết đó là nghiệp chướng tiền khiên thì ắt con đã vui lòng cam chịu sự nhục ấy rồi. Nhưng vì con còn vô minh, phải có bổn phận minh oan, trước cứu danh giá cho mình, sau cho Hoàng tộc mình.
- Nầy Hoàng tử! Người thiện nhân ở đời bao giờ cũng có quyền phản kháng và minh oan cho mình khi mình bị vu cáo. Nhưng kẻ tu hành muốn bước chân vào đường Ðạo và muốn làm môn đồ nhà Phật thì phải làm thinh cam chịu nỗi bất công xảy đến riêng mình. Bởi vì kẻ nào sống với tinh thần rồi thì những sự vật bên ngoài như danh giá, giàu sang, thế lực… không còn trọng đãi nữa. Chúng nó chỉ có giá trị tương đối với đời sống tạm mà thôi. Con hãy tin chắc rằng: Trên đời này chẳng có sự ngẫu nhiên đâu, ta sướng hay cực, ta được người thương hay bị người ghét, ta giàu sang hay hèn hạ đều do duyên lành hay quả xấu của ta đã gây ra nghiệp báo. Bởi vì thiên hạ chí công và không bao giờ hữu nhân mà vô quả đặng. Người học đạo nên đợi một cách lãnh đạm cái mão vinh hoa hay ô nhục, và luôn luôn bình tĩnh, tâm không xáo động: Chẳng khinh bên nào mà chẳng trọng bên nào. Khi con bước chân vào nền vương giả tâm con cũng phải giữ mực quân bình như con đến chốn lều tranh vách đất. Con chớ vì ngoại cảnh mà khinh hay trọng.
Hoàng tử Djêta cúi đầu bái phục.
Ðức Phật dạy tiếp:
- Ðiều thứ hai -- Con sa ngã vì cái ích kỷ. Con ích kỷ trong tình thương. Con rất yêu mến một người bạn tên là Da Sa (Jachas) chẳng khác gì con. Tình thương ấy là do nhân duyên kiếp trước mà tạo thành.
Rồi có một ngày kia, có một người lạ mặt tên là Ba Ti Ca (Batica) đến tại triều của phụ vương con cậy Da Sa làm một việc ý con không muốn. Và khi người xin kết nghĩa kim bắng với bạn con, con lại ghen tức. Ðó là cơn giông tố đã xảy ra ở trong lòng con. Ðáng lẽ con phải ôm lòng chịu lẻ loi và ráng nhổ tận gốc những cỏ xấu đang xâm chiếm lòng con. Ðáng lẽ con phải thương Da Sa chớ chẳng phải thương để chiếm lấy một mình, nhưng con lại đâm ra uất ức buồn rầu, con tìm cách ngăn cản không cho bạn con thân thiện với kẻ khác. Và từ đấy trong lòng con đã nhen nhúm lửa phiền ghen hận! Ðó là điều con sa ngã lần thứ hai vậy.
- Bạch Ðức Thế Tôn, sở dĩ con không muốn Ba Ti Ca kết bạn với Da Sa vì con biết y lợi dụng bạn con, y vì tư lợi, chứ chẳng phải vì tình thương. Con thầm nghĩ con có bổn phận bảo hộ bạn con, khỏi lâm vào cạm bẫy đó thôi.
Ðức Phật trả lời:
- Nầy Hoàng tử cao quí ơi! Với tai phàm mắt thịt, với thất tình lục dục của con, con làm sao đoán người trúng đặng? Làm sao con dám quả quyết rằng--Ba Ti vì tư lợi?
Con phải đề phòng sắc tướng bên ngoài nó gạt gẫm ngũ quan con, làm cho con đã vô minh càng thêm vô minh hơn nữa. Vả lại người học đạo nên biết người mà không tìm thấy tật xấu của người, chỉ lưu ý đến tánh nết mà thôi. Ví dầu con có đoán trúng đi nữa thì cái tính tư lợi sẽ không vì thời gian mà để lại tính chân chánh hay sao?
Hoàng tử ơi! Người thiện nhân ngoài xã hội có quyền bảo vệ tình yêu của họ để cho họ thưởng thức đến mãn đời, chớ người đã xả thân cầu đạo và muốn làm đệ tử Phật Tiên thì phải dứt bỏ cả mọi điều, cho chí tình yêu độc nhất cũng vậy, và phải nhớ trong lòng mình những rễ nhuộm máu của sự ghen ghét và ích kỷ. Hơn nữa, người ấy phải ôm chân, không than van phiền muộn, sự phản bội và bất trung của người thân yêu nhất đời. Con ơi! Chẳng phải người học đạo nên đặt chữ thương như nhiều người lầm tưởng mà trái lại nên rộng lòng bác ái, yêu thương một cách vị tha không mảy gì ích kỷ. Tình thương chân chính là nấc thang đưa con đến đài minh triết muôn đời.
Hỡi Hoàng tử, những của tiền phụ vương con, những sự vui sướng về nhục dục không làm cho con ưa thích nữa vì lẽ con đã hưởng rồi, con đâm ra chán ngán, chớ chẳng phải công trạng gì mà con kể.
Hoặc giả con muốn dứt bỏ cảnh phú quí để tôn mình hơn người chớ có giá trị gì. Còn trước các công đức vĩ đại này, mà duyên may đã đưa đến cho con. Con lại thiếu can đảm, thiếu nghị lực để khoác lên thân chiếc áo hy sinh thật sự, một mảnh chiến bào bác ái, cứ cho ra mãi không trông mong hồi đáp.
Hoàng tử Djêta bèn bạch rằng:
- Lạy Ðức Thế Tôn, xin Ngài mở lòng từ bi, giảng thêm cho con nghe nữa! Xin Ngài hãy làm cho con thêm thẹn nhục để con được thức tỉnh mà ăn năn những sự lầm lạc, chiếc màn vô minh tợ đám mây đang phủ kín phần hồn con, làm cho con ở trong cảnh đêm tối hơn giữa đêm khuya.
Ðức Phật dạy tiếp:
- Hỡi Hoàng tử cao quí! Ðiều con sa ngã thứ ba là vì con thiếu lòng nhân ái: Nan Ðà (NanÐa) một vị thứ phi của con đã làm nên tội trạng: Vì tánh lăng loạn, con không cảm xót sự ngây thơ khờ dại của nàng, con đành nhẫn tâm mạt sát rồi xô đuổi ra khỏi hoàng cung. Vô cùng tủi nhục, nàng van lơn khóc lóc, lạy lục xin tha thứ nhưng con cũng đành nhắm mắt trừng trị thẳng tay. Tại sao không mở rộng chút lòng nhân, để khoan dung tội lỗi. Biết đâu chừng trước sự cao thượng của con, trước dạ từ bi bác ái của con, con sẽ cảm hóa đặng nàng, và sẽ đem nàng lại con đường ngay chánh?
Thái tử bạch rằng:
- Bạch Ðức Thế Tôn! Con biết làm cách nào hơn bây giờ?
Nàng Nan Ðà đã nhơ danh xú tiết, nếu con còn giữ nàng lại ngôi vị xưa, thì tự nhiên con bôi lọ danh giá của Hoàng gia và của con nữa. Nếu con cứ điềm nhiên trước sự lố lăng ấy, có phải con làm bại hoại luân thường đạo lý của xứ con chăng?
Ðức Phật nói:
- Hỡi Hoàng tử Djêta! Ta phải cần lập lại với con nữa sao?
Người thiện nhân ở đời có thể nghĩ đến quyền lợi mình và tự do thưởng phạt cùng phán đoán theo lý trí mình. Nhưng người đã bước chân vào đạo rồi, thì không được xét xử ai phải tìm hiểu để mà tha thứ, chớ chẳng phải để kết án. Con cứ tưởng con là riêng biệt với kẻ điên cuồng tội lỗi. Họ chính là con đó, mặc dầu còn ở hạng thấp kém hơn con.
Nhưng nếu con nghĩ rằng -- Con không liên đới một người hoặc một vật khác, tức là con đã tạo ra một nghiệp quả, nó sẽ buộc con với vật đó, hoặc người đó cho tới chừng mà con cảm thấy sự duy nhất của vạn vật mới thôi. Con nên nhớ rằng, Tội lỗi và nhục nhã của thế gian là tội lỗi và nhục nhã của con, bởi vì con vốn là một phần tử của thế gian. Nghiệp quả của con, vốn dệt chặt với nghiệp chung của nhân loại. Và trước khi con được giác ngộ, con phải trải qua mọi chỗ dơ, cũng như mọi chỗ sạch. Cái áo dơ mà bây giờ con gớm, có thể là cái áo của con hôm qua hoặc ngày mai. Và nếu con tỏ vẻ nhờm gớm thì khi đặt lên vai con, nó sẽ siết chặt lấy con hơn nữa.
Vậy người đạo đức thật sự bao giờ cũng để ý tìm những lý do để châm chế và tha thứ, hơn là để vạch lỗi người. Cái tâm họ chứa chan nguồn bác ái, từ bi đối với nhân loại nhiều hơn là những hạt cát trên đồng sa mạc.
Sự thanh bạch là gì? Chẳng qua là một cái đức đó thôi.
Người tu hành không nên lấy sự thanh bạch làm nền đạo riêng của mình, lắm khi sự thanh bạch trở ngại bước đường tinh thần của mình, nếu nó không đi đôi với tình bác ái từ bi, và nó sẽ dẫn ta đến chỗ kiêu căn và tự phụ, đến chỗ lãnh đạm trước sự đau khổ của người đời. Như thế sự thanh bạch chỉ là một cái bóng không hồn đó thôi. Này Hoàng tử Djêta ơi! Trong khi nhàn hạ, con có bao giờ nhìn lên chót núi Hy Mã Lạp Sơn lúc mặt trời sắp lặn chăng? Con có thấy đỉnh núi đầy tuyết phủ sừng sững giữa bầu trời xanh biếc chăng? Núi thật oai nghiêm, hùng vĩ, nhưng bốn mùa lạnh như đồng.
Ôi! Cái cảnh ấy quá tiêu sơ, lạnh lùng ảm đạm. Không ngày nào khi có ánh sáng chiều ấm áp vừa dịu dàng, chiếu ngày vào, thì cái cảnh buồn tênh, não ruột kia, lại bỗng hóa ra linh động, rực rỡ và đẹp đẽ phi phàm. Tạo vật trở nên mỹ tú kỳ quan làm cho ta ngoạn mục và phơi phới tấm lòng.
Sự thanh bạch mà thiếu lòng nhân ái, thì có khác gì chót núi đầy tuyết phủ, lạnh lùng lãnh đạm, trông tẻ ngắt như xác không hồn. Còn sự thanh bạch mà đi đôi với lòng nhân ái thì có khác gì suối thần hễ chảy tới đâu là vạn vật hớn hở vui mừng tới đó.
Thái tử Djêta đem hết tinh thần nghe Phật giảng không sót một lời nào. Trong lòng rất hổ thẹn, ăn năn, cứ quỳ gối mà bạch rằng:
- Lạy Ðức Chí Tôn! Con xin Ngài cho con cái đặc ân gặp Ngài một lần nữa, để con ráng sửa mình cho hợp với lý đạo. Bây giờ con đã biết làm cách nào cho Ngài vui lòng rồi.
Ðức Phật từ bi dịu dàng đáp:
- Ta bằng lòng.
Ðoạn Ngài nhìn thái tử Djêta với nụ cười tươi dịu, chứa chan tình thương…
Cặp mắt hiền lành của Ngài bỗng chói lên như ngôi tinh đẩu, lóng lánh rạng ngời, sáng khắp cả rừng, làm cỏ hoa hớn hở chim chóc líu lo giữa đêm khuya như buổi bình minh vậy.
Trời đất tối đen như mực, xa xa đoàn quân hộ giá đốt đuốc dẫn đường, theo sau là Hoàng tử Djêta lê chân chậm rãi, trong trí còn văng vẳng lời vàng tiếng ngọc của Ðức Phật từ bi. Ra khỏi rừng thì trời đã sáng. Hoàng tử cùng đoàn tùy tùng lên đường trở về nước Cam Sa Ba. Làm sương mờ đục đêm hôm đã tan dần trong không khí nhẹ. Nơi phương Ðông một dãy mây hồng nhạt nằm ngang chân trời xanh, phút chốc lại lan rộng ra và đổi màu đỏ ra màu da cam. Rồi bỗng vụt biến sau những tia sáng rực rỡ thành hình vẽ quạt. Vầng ô đã mọc, cảnh vật trở nên trong sáng tưng bừng với những màu tươi thắm, vang động những tiếng chim nuông đón chào buổi bình minh ngoạn mục.
Lúc bấy giờ trong chốn rừng xanh tĩnh mịch, dưới cội Bồ Ðề, Ðức Phật Thích Ca vẫn ngồi yên như pho tượng.
Khi Hoàng tử Djêta hồi trào gặp lúc vua cha lâm bệnh nặng, Ngài lên cầm quyền thống trị, lấy sự công bằng và nhân ái làm căn bản.
Trước nhất Ngài ban tước lộc cho Da Sa và Ba Ti Ca.
Ngài truyền cất cho hai người hai cái cung điện đẹp đẽ khít nhau cho đôi bạn được ở gần. Ngài lại cho người tìm vị thứ phi Nam Ðà rước về hoàng cung ở với Ngài.
Khi tất cả triều đình và các vị cựu thần hay tin thái tử Djêta phục chức nàng Nan Ðà thì như bị sét đánh ngang tai họ hết sức kinh ngạc, họ mới si tiếu dèm pha và khiển trách Ngài thậm tệ.
Thái tử Djêta còn giảm thuế cho dân và thả tội nhân. Ngài bãi bỏ những sự dị đoan mê tín. Tuy những sự cải cách sửa sang việc nước được công bình và nhân ái. Nhưng vì quá đột ngột nên Hoàng tử không tránh khỏi lời dèm siểm của triều đình và dân chúng. Họ nói Ngài quá lạm quyền bỏ chế độ quốc gia, phá hoại phong tục nước nhà, khuyến khích sự loạn luân…
Hoàng tử giả mắt ngơ, tai điếc, trầm tĩnh và yên lặng trước sự sỉ tiếu cũng như trước sự khen ngợi. Ngài thấy mình đang trải qua của sự thử lòng để tiến tới, bằng phải đọng lại thì sẽ thất bại như mấy lần kia. Ngài nhớ rằng: Nếu muốn đến chỗ toàn thắng lợi, trước nhất phải chịu lao khổ. Mỗi mũi gai đâm vào chân làm rướm máu là mỗi lần bước kề ngôi thiêng liêng. Người muốn đi xa trên con đường đạo thì phải làm chủ lòng mình và phải tìm trong thâm tâm cái gốc rễ của sự quấy, đặng diệt tân gốc nó đi. Sự quấy cũng sống và đâm chồi mọc rễ trong tâm của các bậc thượng nhân, nếu ta không cương quyết thì làm sao thắng nó đặng. Nó là một thứ cây cứ sống và cứ lớn mà kiếp này sang kiếp khác. Và nó chỉ đơm bông khi nào con người đã thu thập nhiều sự kinh nghiệm của muôn kiếp luân hồi. Vả lại trong kinh cỗ điển đã có nói như vầy: “Gốc rễ của tật xấu mọc tận thâm tâm con người, nếu ta nhổ nó đi, thì tâm ta phải rướm máu và đời sống của ta dường như ta rã! Nhưng đó là một cuộc thử lòng ta phải trải qua. Nó có thể xảy ra ở nấc đầu hay cuối thang Minh Triết để đưa ta đến con đường sống thật, ta phải tập trung tất cả lực lượng của tâm hồn vào đó mới đặng”.
Trong khi thái tử Djêta thấy đặng cái chân lý vĩ đại nầy, thì có một phái bí mật lập ra để đánh đổ Ngài do em ruột Ngài chủ mưu. Họ họp nhau để tìm mưu thần chước quỷ lật Ngài đặng đem em Ngài lên thay thế. Họ phủ dụ quần chúng: “Hoàng tử Djêta độc tài. Những sự cải cách của Ngài sẽ làm cho nước Cam Sa Ba mắc phải vòng nước lửa binh đao và sẽ đi đến chỗ diệt vong”. Họ lại còn phao rằng: “Thái tử mê tín dị đoan nghe lời một vị ác Tăng khét tiếng tại thành phố Cam Sa Ba làm cho nước nhà rối loạn và đã bãi bỏ nhiều quốc luận lưu truyền từ cổ chí kim, cốt ý để lập ra một cái tôn giáo phù thủy!”
Người ta cứ tuyên truyền như thế để gây ác cảm trong lòng dân chúng. Rồi một ngày kia, Hoàng tử Djêta nghe kẻ tâm phúc mách rằng: “Có một nhóm người định thích khách Ngài”. Cái tin sét đánh ấy không làm cho Ngài lo sợ và xao xuyến, vẫn an tĩnh như thường trong lòng cứ tưởng niệm đến đấng từ bi. Nhưng tốp quân hầu trung tín của Ngài sốt sắng hộ giá cho Ngài, ngày đêm không ngớt.
Một ngày kia, Hoàng tử Djêta vừa bước chân ra khỏi Hoàng cung, thì có người cầm dao nhảy tới toan thích khách Ngài. Người ấy là A La Da thuộc dòng Kshattryas. Ngài hô lên, thị thần nhào tới bắt trói đặng thủ phạm. Hoàng tử Djêta mới bảo dẫn tên sát nhân đến trước mặt Ngài. Hoàng tử bình tĩnh hỏi rằng:
- Này A La Da! Tại sao nhà ngươi muốn giết ta?
- Bởi vì tôi thấy Ngài là một mối hại cho đất nước. Ngài phá hoại luân thường đạo lý. Ngài muốn hủy bỏ phong tục thiêng liêng của nước nhà và đem lại cho chúng tôi một cải cách nguy hiểm, có thể đưa xứ sở đến chỗ diệt vong, tôi phải giết Ngài để trừ hậu họa mai sau.
Hoàng tử Djêta nhìn kẻ sát nhân với cặp mắt chứa chan tình thương xét nghĩ: “A La Da phạm tội chỉ vì mê tín mà thôi”.
Ðoạn Ngài day qua đám quân hộ giá mà nói rằng:
- Ờ các khanh! Các khanh có nhận thấy kẻ sát nhân nầy còn chút điểm lương tâm không? Vậy các khanh hãy mở trói thả nó ra!
Các quan chưng hửng, nhưng không dám cãi lệnh. Rồi Thái tử nói tiếp với một giọng oai nghiêm như vầy:
- Bây giờ đây các khanh hãy lui ra, để một mình ta với người này nói chuyện mà thôi!
Trước sự cương quyết ấy đoàn hộ giá rất kinh ngạc, nhưng bất đắc dĩ phải ríu ríu lui ra xa, không dám ngó ngoái lại, cả thẩy đều phập phồng lo sợ cho tính mạng của Hoàng tử không cùng.
A La Da ngạc nhiên và không còn hoảng sợ nữa. Y khoanh tay ưỡn ngực nhìn vào mặt thái tử như muốn khiêu khích, không để ý đến cử chỉ khinh thị ấy, Djêta bước lại gần nhẹ nhàng để tay lên vai y lẳng lặng nhìn y trân trối. Trong mắt Ngài chứa biết bao là từ bi bác ái và sẵn sàng tha thứ các tội lỗi. Ngài càng nhìn càng thầm nghĩ: “Người đời cũng vì sự tư kỷ mà gây ra lắm điều tội lỗi. Bậc chân tu hay để mắt tìm cái nguyên nhân của sự tội lỗi để tha thứ chớ không chịu tìm cái tội lỗi để mà trách phạt. Mọi việc xảy ra trước ta chẳng hung dữ, muốn tận sát người? Trời đất chí ư công bình, lưới trời tuy thưa mà mũi kim dễ lọt được nào! Tội nghiệp thay cho kẻ tàn ác! Vì vô minh mà kiếp sau phải chịu muôn vàn đau đớn”.
Rồi một tình thương không bờ bến chiếm cả tâm hồn của Thái tử và lan cùng vạn vật một sự ước muốn được cứu độ chúng sanh đến đỗi tâm tư Ngài đã thoát ra ngoài bản thể. Thình lình Thái tử Djêta tiếp xúc một cái cảm giác mới lạ và phi thường dường như Ðức Phật mà Ngài đã tôn sùng là Ðấng Tôn Sư, trong âm thầm đã ban ân bố hóa Ngài được minh tâm kiến tánh, biết rõ điều quá khứ vị lai…
Nhãn quan bật tỏ chốc thời, Ngài thấy được kiếp trước của A La Da vốn là một Tướng sĩ hung tàn bạo ngược, tạo ra biết bao nghiệp quả nặng nề. Rồi ngày nay cũng vì sự vô minh mà nó phải lầm lạc như thế nầy! Nếu ta lấy oán mà báo oán thì biết bao giờ oán nọ mới tiêu! Ta phải lấy ân mà đáp oán thì oán mới dứt.
Ôi! Tội nghiệp thay cho A La Da! Chớp mắt, Hoàng tử Djêta không còn thấy A La Da nữa, Ngài thấy hiện ra chỗ A La Da đứng một cõi hồng trần với vô số sanh linh đang mê man lăn lóc trong cảnh lầm than đau khổ! Chúng sanh vì vô minh mà mắc vào bánh xe luân hồi, mãi sanh rồi tử, tử rồi sanh, chịu biết bao lần khổ não đau đớn. Khi vào các ra đài, lúc lên xe xuống ngựa, khi làm kẻ cùng đinh tàn tật… mà mỗi kiếp luân hồi đều đem sự đau khổ, nhưng con người luôn luôn muốn đầu thai, chịu sự đao đớn, mà sự đau khổ là cái kết quả của sự ham muốn vậy! Than ôi! Ðời là bể hoạn. Nghĩ đến thân phù thế mà đâu có khác gì bọt trong bể khổ. Tội nghiệp thay cho nhân loại, đang oằn oại dưới màn vô minh, mãi đắm chìm theo mùi trụy lạc, chớ nào dè: “Phú quý tợ môn tiền tuyết, công danh như thảo thượng sương!”
Hỡi thế giới đau khổ! Hỡi nhân loại đang dẫy dụa trong lưới đau thương của cuộc đời. Ta đã thấy và đã nghe hơi thở hấp hối của trần gian. Ôi! Ðời vẫn là thế sao chính ta đây cũng đã say đắm với những khoái lạc huyền hoặc của cuộc đời.
Người hiểu rõ cơ trời, thì cho cõi trần chẳng khác giấc mộng huỳnh lương, nên không tranh giành cấu xé vì bã vinh quang phú quý. Phải chi mọi người đều biết thương yêu lẫn nhau như tình huynh đệ, thì đâu có sự thống khổ này? Nếu biết chắc chúng sanh vốn một gốc mà ra và huynh đệ với nhau, thì đâu có cảnh nồi da xáo thịt?
Suy nghĩ đến đây, Thái tử Djêta cảm thấy trong lòng tràn ngập một mối yêu thương tha thiết!... Ngài muốn dang tay xiết chặt loài người vào lòng đang thổn thức của Ngài, mong đem tánh mạng, và tinh thần với một tình thương vô tận mà ấp ủ vuốt ve, những kẻ tội lỗi, rầu đau!... Ngài muốn hy sinh cái gì cao quý của lòng mình để đưa người trần tục lên một nấc thang tiến hóa…
Ðến đây Thái tử Djêta bỗng trở lại thực tế, dường như chợt tỉnh sau một giấc mộng phi thường. Rồi nhìn lại thấy A La Da gục đầu kinh khủng. Ngài bèn nói với một cách tha thiết rằng: “Anh ơi! Tôi không biết gì hơn là anh và tôi vốn thật là anh em với nhau cùng chung một đấng Cha lành. Tôi thương anh lắm. Vậy anh hãy ngã vào lòng tôi, cũng như muốn chia sự vinh quang của tôi, cũng như tôi muốn chia điều đê nhục của anh.”
Từ đàng xa quân hầu đợi đã lâu, ánh thái dương rọi xuống giữa rừng sâu, vạn vật tưng bừng cây cỏ tươi xanh, muôn hoa đua nở hương sắc thanh kỳ phô vẻ ngàn hồng muôn tía như mỉm cười duyên dáng trước ngọn gió mai. Xa xa, mấy gốc thùy dương dịu dàng nghiêng mình soi bóng bên dòng suối nhỏ trong veo. Dưới cội Bồ Ðề hùng vĩ Ðức Phật đang ngồi kiết già thiền định, Ngài đang đợi Thái tử từ đêm hôm, bởi vì Ngài đinh ninh Thái tử không bao giờ thất hẹn. Cảnh vật lúc bấy giờ như đang đón một niềm hạnh phúc thiêng liêng gì. Ðóa hoa hàm tiếu trong kẹt đá bỗng ngửng lên và khoe nhụy. Những con sóc vàng mắt sáng đang uốn mình dưới ánh thái dương, bỗng nhảy nhót lên như mừng rỡ, đợi chờ. Gió hôm nay, lại rào thổi ngạt ngào hương rừng từ cõi xa xăm đưa lại. Trên cành hoa sứ trắng tinh, bầy chim non ríu rít mà Ðức Phật thường nói là bầy con dại đang uốn lưỡi tung ra tràng nhạc thiêng liêng nghe thánh thót, xa trông những giọt sương nặng trĩu trên cành tơ liễu buông mình xanh mướt lóng lánh dưới ánh mặt trời buổi sáng như những hạt kim cương vô giá. Bởi vì, trong cảnh tĩnh mịch của núi rừng sự hoan khởi của tạo vật tức là hoan khởi của tinh sương trong sạch…
Bỗng đâu có tiếng động từ xa đưa lại và Ðức Thế Tôn bèn mỉm cười mở mắt. Thái tử Djêta đã đứng trước mặt Ngài, không một tên quân hầu, không ăn mặt xôm xuê, chỉ khoát trên mình một manh áo vàng của người hành khuất với dáng điệu mệt nhọc vì đã trải qua bao dậm xuyên sơn. Thái tử bèn quỳ mọp xuống chân Ðức Từ Bi vô cùng cảm động, chẳng thốt một lời nào! Ðức Thế Tôn xòe bàn tay mặt đưa lên khỏi đầu Thái tử để ban ân huệ rồi nói với một giọng hết sức dịu dàng:
- Ðệ tử Djêta con ơi! Ta vui mừng và hoan nghênh con vậy.
Rồi từ đấy trên con đường giải thoát rộng lớn thênh thang của Ðức Từ Bi, bên cạnh Ngài hình bóng Djêta sớm hôm luyện đạo để một ngày kia thay mặt cho Tôn Sư mà phổ độ thế gian…
Trên đường đạo nhiều khi ta khổ sở
Một lòng hăng hái tiến không thôi
Dù cho non nước có đổi dời
Ta cũng nguyện muôn đời tinh tiến mãi. Hai con cọp tinh ở Hoành Sơn Ðời đường bên Trung Hoa, ở vùng Mân Trung có một sử sĩ tên là Mã Thừa. Mã Sinh tánh thanh thoát nhàn tĩnh, ưa ngao du ở nơi danh lam thắng cảnh, dù trèo non vượt suối cũng không nài sự gian lao.
Trong niên hiệu Trường Khánh, Mã sắm sửa hành trang đem theo một đứa tớ, đến du ngoạn các cảnh đẹp ở Hoành Sơn. Nghe nói nơi ngọn Chúc Dung có một ngôi chùa cỗ, khi xưa vốn là Ðạo Tràng của Phục Hổ Thiền sư, cảnh trí bốn bề rất nên u nhã, Mã liền lần hỏi sơn dân tìm đường đến thăm viếng.
Một buổi xế ngọ, Mã cùng đứa tớ đã để bước đến đạo tràng ngọn Chúc Dung, tuy lộ trình khó nhọc, nhưng nhờ gió non phất phơ, thanh khí mát mẻ, xung quanh cổ thụ xum xuê, nhìn xa xa núi đồi thấp cao trùng điệp, chim hót véo von dường chào hỏi, hoa tươi muôn sắc tợ đón cười, thầy tớ cơ hồ như quên cả mệt mỏi. Ði lần vào trong, thấy ngôi chùa xưa đã hư đổ gần phân nửa, một vị lão Tăng tướng mạo khôi vĩ, tóc mày đều bạc, mừng rỡ bước ra đón chào lên viếng Ðại Hùng Bảo điện, Mã sinh thấy nơi bàn Phật có ba chiếc hốt bằng bạc. Hành lễ xong, thầy trò được lão Tăng đưa xuống nhà hậu uống trà. Giải lao giây lát, vị Tăng bảo: “Ở đây duy có một mình tôi đơn chiếc, xin ông tạm nghỉ nơi liêu sau và cho tôi nhờ đứa tớ xuống chỗ quán gần Huyện đây mua chút ít tương muối”. Mã Sinh vui lòng chấp thuận, đứa tớ cầm tiền ra đi, vị lão Tăng cũng có việc bên ngoài vắng mặt. Nằm nghỉ độ nửa giờ, Mã Thừa bước ra ngoài định đi dạo quanh, thì vừa gặp sơn dân tên Mã Chiểu cũng một mình lên non viếng cảnh. Cả hai cùng mừng rỡ hỏi han. Chiểu bảo Thừa rằng: “Tôi lên đến lưng chừng núi bỗng thấy con cọp đi rồi mới vội vã lên đây”. Thừa gạn hỏi cách phục sức của người đó, nghe Chiểu tả lại hình dạng, biết là đứa tớ của mình, trong lòng bỗng nhiên thê thảm. Chiểu lại nói: “Từ xa tôi thấy cọp trắng sau khi ăn thịt người, liền trút bỏ lớp da ngoài, hoàn lại hình người mặc chiếc áo nhà Thiền, nghiễm nhiên là một vị lão Tăng”. Mã Thừa nghe nói lại càng kinh khủng.
Ðang khi nhỏ to trò chuyện, vị lão Tăng ở bên ngoài về đến Mã Chiểu cả sợ bảo: “Thôi đúng là lão nầy rồi!”. Mã Thừa bấm tay bạn, ngầm bảo nên trấn tĩnh. Ðợi lúc vị lão Tăng đến gần, Thừa liền lựa lời dò hỏi rằng: “Anh bạn tôi vừa thuật lại có người ở lưng chừng núi bị cọp ăn thịt, việc ấy Sư có biết chăng?”. Vị Tăng lộ nét giận bảo: “Ở cảnh của bần đạo đây, núi chẳng cọp beo thú dữ, cỏ không rắn rết trùng độc, cho đến rừng cũng vắng bóng ác điểu như loài chim cú, chim mèo. Ðó là lời đồn đãi của những kẻ nông nổi mà thôi!”. Thừa lặng lẽ quan sát, thấy nơi khoé miệng vị lão Tăng còn ứa máu tươi, lòng đã tin chắc, liền thác cớ nói rằng: “Bây giờ trời đã hoàng hôn, chúng tôi đi đường xa mệt mỏi, xin phép vào nhà sau an nghỉ, rạng ngày sẽ hầu chuyện”.
Ðoạn hai người đem hành trang vào hậu trường, nhìn quanh thấy đây là nhà trai. Nơi bàn giữa có thờ cốt tượng một vị Tăng mày trắng rủ dài, nơi vách trên đề câu: “Nam mô Giám Trai sứ giả Tân Ðầu Lô Phả La Ðọa Xà Tôn Giả”. Cả hai liền gài đóng cửa chắc chắn, khiêng bàn tấn chặt thêm cửa sau trước, đốt ngọn nến sáng để ở chỗ thờ Tân Ðầu Lô A La Hán. Xong, mới lấy lương khô ra ăn, rồi cùng thì thầm bàn luận: “Ðây tất con cọp bạch lâu năm đã thành tinh. Chắc mấy vị Tăng khi trước ở chùa này đều bị nó ăn thịt cả, sau nó mới hóa thành hình sa môn để gạt người. Những du khách lên viếng cảnh, có thể đã nhiều kẻ bị mất mạng vì nó. Cái chết đã đến gần, chúng ta chớ nên ngủ, phải cùng nhau bàn định để thoát qua tai nạn này”.
Lẩn bẩn đã gần nửa đêm, cả hai tính chưa ra kế, bỗng nghe từ phía trước rồi đến sau, có tiếng va vào cửa rầm rầm. Biết là cọp tinh muốn phá cửa vào ăn thịt, hai người kinh hoảng vội chạy đến đốt hương nơi bàn thờ, cùng quỳ xuống chắp tay niệm danh hiệu Ðức Tân Ðầu Lô Tôn Giả cầu xin cứu độ. Chí thành niệm được một lúc lâu bỗng nghe từ pho tượng có tiếng ngâm chậm rãi nho nhỏ rằng:
“Người Dần sẽ đắm trong thành nước
Gã Ngọ nên chia hướng cấn Kim
Nếu như đặc Tiến thêm giương ná
Tướng dữ đi sau bị tổn tim”.Vì cửa rất chắc cọp tinh không vào được, nên tạm thối lui. Trong khi đó hai người duy để hết tâm cầu nguyện, quên cả ngoại duyên. Ðến chừng nghe rõ bài kệ, dò lắng bên ngoài thấy yên, mới cùng nhau bàn giải rằng: “Người Dần - Dần thuộc về hành chi Hổ, tức chỉ cọp tinh hoá thành người. Thành nước - nước có thành quách xung quanh, đó là nước giếng. Gã Ngọ - Ngọ là ngựa, tức chỉ cho chúng ta vì đều là họ Mã. Hướng Cấn Kim - chữ Cấn đứng bên chữ Kim, thành chữ Ngân. Ðó là ý bảo chúng ta phải chia thứ gì bằng bạc. Còn hai câu sau, hai người không thể giải thích được.
Sáng ra gần đến trưa, có tiếng vị lão Tăng gọi đi ăn cháo. Không còn lòng dạ nào để ăn uống, mà ở mãi trong nhà khách cũng bị chết đói, bất đắc dĩ cả hai phải mở cửa ra ngoài. Mã Chiểu than thở: “Tình thế này chúng ta không thể liều lĩnh xuống núi, vì sợ nó hoàn hình đón đường vật chết!”. Mã Thừa nhìn quanh thấy cái giếng bên nhà trai, chợt động tâm cơ bảo: “Thôi đúng rồi, Tôn Giả mách bảo chúng ta như vầy…”
Liền đó hai người tới giếng, gọi to lên rằng: “Sư lại đây xem dưới giếng có cái chi lạ lắm”. Lão Tăng đến nơi nhìn xuống, bất ngờ bị hai người xô xuống giếng, rồi cả hai cùng khuân tảng đá lớn liệng bồi thêm. Kết cuộc lão Tăng chết đắm dưới giếng hoàn thành hình con cọp bạch nổi lên. Hai người rảnh mối bận tâm, vào chùa tìm thức ăn thấy ba cái hốt bằng bạc nơi bàn Phật, nhớ lại lời kệ, liều thâu lấy rồi cùng xuống núi.
Ði đến nửa đường, trời đã sẩm tối. Cả hai gặp một người thợ săn đón lại bảo: “Ðêm đã đến, đường xuống núi e có nhiều thú dữ. Phía trước tôi đã đặt bẫy, xin hai ông tạm lên chòi gác ở với tôi cho qua đêm nay”. Hai người kinh sợ, vội theo thợ săn leo lên cây, ngủ trên chòi gác. Giây lát trăng non mọc lên. Trong sáng ánh sáng mơ màng, bỗng có một đoàn độ năm mươi người, Tăng, Ni, Ðạo sĩ, đàn ông, đàn bà từ trên núi đi xuống. Ðoàng người có kẻ trầm lặng, có người ca ngâm hoặc nhảy múa. Khi đến chỗ đặt bẫy, cả bọn nổi giận bảo: “Hồi trưa có hai tên giặc giết chết vị sư già của chúng ta. Nay bọn ta theo dấu mà tìm bắt, lại có kẻ cả gan dám đặt bẫy muốn giết tướng quân của chúng ta nữa”. Nói xong gỡ tháo chốt ná rồi bỏ đi. Mã Chiểu gạn hỏi: “Bọn đó là chi, Tướng quân là ai”. Thợ săn đáp: “Ðó là những người bị cọp giết chết thành ma tràng, gọi là hổ trành. Bọn ma này tiền đạo đi trước dọn đường. Tướng quân, có lẽ là chỉ cho con cọp đi sau”. Mã Thừa nhớ lại lời kệ liền hỏi thợ săn: “Anh tên họ là chi?”. Thợ săn đáp: “Tôi họ Ngưu tên Tiến”.Hai người cả mừng bảo: “Nếu thế, lời kệ có ứng nghiệm rồi. Hai câu “Nếu như Ðặc Tiến thêm giương ná, tướng dữ đi sau bị tổm tim”. Chữ Ðặc có chữ Ngưu ở một bên, Ðặc Tiến tức là ám chỉ cho Ngưu Tiến. Còn tướng dữ đi sau chỉ cho tướng quân mà họ nói. Ðây chắc là một con cọp thành tinh nữa, nên mới gọi là “dữ”. Có lẽ cọp kia là chánh tướng, cọp này là phó tướng”.
Không kịp giải thích câu chuyện hai người vội thôi thúc nên giương ná lại. Anh thợ săn y lời, xuống giương bẫy ná rồi leo trở lên. Vừa ngồi yên, bỗng thấy từ xa có con cọp xám rất to lần lần tiến đến. Vì thờ ơ, chân trước cọp đạp nhằm chốt nỏ, mũi tên phát ra xuyên trúng vào tim, nó gào rống một lúc rồi tắt thở. Bọn ma trành nghe tiếng chạy trở lại, phục xuống bên xác hổ than khóc rằng: “Ai lại nỡ giết hại tướng quân của chúng ta như thế này?”.
Ở trên cây Mã Chiểu nghe khóc bỗng tức giận quát lớn: “Chúng bây thật là lũ ma khờ dại! Lúc sống đã bị cọp giết một cách thê thảm nay ta vì chúng bay báo thù, sao không cảm tạ lại còn than khóc? Ma quỷ gì mà không linh hiển chi cả vậy!”. Tiếng quát vừa dứt bốn bề yên lặng, bỗng có con ma đáp rằng: “Chúng tôi bị thế lực của nó ám, nên không biết tướng quân là cọp tinh. Nay nghe ông nói mới bàng hoàng tỉnh ngộ!”. Nói xong cả bọn đạp xác cọp rủa mắng, tạ ơn ba người rồi tản đi mất. Mã Thừa lần lượt thuật lại trước sau câu chuyện cho anh thợ săn nghe. Ðoạn lấy ra ba chiếc hốt bạc, chia nhau ba người mỗi người một cái. Thợ săn than thở bảo: “Những con cọp tinh đều có tánh linh thông, nếu không nhờ sức ám trợ của Tôn Giả Tân Ðầu Lô, tất chẳng dễ gì giết hại được chúng nó!”.
Sáng lại, hai họ Mã từ biệt người thợ săn, xuống núi trở về…
Liên DuViệc làm hư thật tự mình hay
Họa phước do ta chớ hỏi Thầy
Thiện ác chung qui đều báo ứng
Nếu không sớm đến ắt là chầy. Thọ trì ba giới Tương truyền, khi Phật còn tại thế, nơi thành Xá Vệ có một thanh niên, con một gia đình trưởng giả lương thiện, thường nghe Phật thuyết pháp, phát tâm quy y Tam Bảo và xin xuất gia học đạo.
Bấy giờ, trong hàng Tăng chúng có một vị Tôn Giả được giao cho trách nhiệm giảng về thế giới luật cho thanh niên học hỏi. Tôn Giả dạy rằng: “Này là pháp hữu, đây là loại giới thứ nhất, đây là giới thứ hai, giới thứ ba, thứ tư…thứ chín, thứ mười v.v…Ðây là tiểu giới của người xuất gia, đây là trung giới, đây là đại giới, đây là Ba La Ðề Mộc Xoa, đây là giới căn bản, đây là Tịnh giới về hành vi, đây là những thường giới để dùng hàng ngày…”. Vị Tôn Giả còn giảng nhiều hơn nữa.
Nghe xong, vị tân Tỳ kheo nghĩ rằng: “Số mục, danh từ của giới quá nhiều, một lượt mà phải thọ giữ bao nhiêu giới luật như vậy, e rằng khó bảo toàn! Ðã không giữ giới được hoàn toàn, thì sự xuất gia không lợi ích gì. Chi bằng trở về làm một trưởng giả (như cha mình trước kia) làm ít việc thiện như: Bố thí, phóng sanh… rồi nuôi dưỡng vợ con là đủ rồi”. Nghĩ vậy, vị tân Tỳ kheo mới thưa với Tôn Giả rằng: “Thưa Tôn Giả, tôi không thể giữ một lúc nhiều giới luật như vậy được! Không giữ được thì xuất gia có ích gì? Tôi sẽ hoàn tục để sinh sống, xin dâng y bát lại cho Ngài!”.
Tôn Giả đáp: “Ðành rằng ông có thể hoàn tục nếu thấy mình không kham lãnh, nhưng ông cũng phải đến đảnh lễ Ðức Phật một lần cuối đã”. Nói đoạn, Tôn Giả dẫn vị tân Tỳ kheo đến lễ Ðức Phật. Ðức Phật vừa trông thấy hai người đã hỏi rằng:
- Các ông hôm nay đến đây có việc gì?
- Bạch Thế Tôn, vị Tỳ kheo nầy nói là không thể chấp trì giới luật, giao trả y bát, và hoàn tục vì vậy chúng con hướng dẫn người đến đảnh lễ lần cuối, từ biệt Ðức Thế Tôn.
Hiểu được nguyên cớ, Ðức Phật mới dạy rằng:
- Nầy Tôn Giả, sao Tôn Giả lại giảng cho vị tân Tỳ kheo nầy nghe nhiều giới luật như thế? Ông ấy chỉ nên tùy theo sức mình mà tuân giữ chớ! Về sau Tôn Giả không nên giảng giới nhiều như vậy nữa. Bây giờ hãy để ông ấy ở lại đây với tôi…
Rồi Ðức Phật bảo vị tân Tỳ kheo kia rằng:
- Ông hãy nghe đây, ông không còn phải giữ nhiều giới như vậy chỉ có 3 giới thôi. Chừng ấy ông có nhứt định giữ được không?
Vị Tỳ kheo muốn hoàn tục kia thưa rằng:
- Bạch Ðức Thế Tôn, chỉ có 3 giới thôi, thì con có thể giữ được.
Ðức Phật mỉm cười:
- Tốt lắm! Từ nay về sau ông chỉ giữ 3 giới là ngăn ngừa 3 nghiệp Thân, Khẩu, Ý không để chúng phạm vào các điều ác. Tôi nhắc lại là ông chỉ cần giữ 3 giới ấy mà thôi, chớ nên hoàn tục làm gì.
Nghe Ðức Phật dạy như thế, vị Tỳ kheo kia hết sức vui mừng, hướng về Ðức Phật đảnh lễ và phát nguyện trọn đời giữ 3 giới mà Ðức Phật vừa trao, rồi đảnh lễ Ðức Phật theo chúng trở về tịnh xá. Ông nghĩ rằng: “Các vị Tôn Giả không được như Ðức Phật, giảng dạy giới luật cho mình mà dùng nhiều loại danh số quá, khiến cho mình trong một lúc không thể lãnh ngộ, nhưng khi đến Ðức Phật Ngài tóm thâu các danh số phiền phức của giới, chỉ còn có 3 môn để trao dạy cho mình, thì mới vỡ lẽ thấu rõ. Ðức Phật quả là một vị Pháp Vương trong thế gian không còn ai hơn nữa”.
Từ đó trí tuệ ông tăng trưởng rất mau. Sau mấy hôm, ông chứng được quả vị A La Hán.
Khi rõ được sự kiện trên, các vị Tỳ kheo mới họp nhau bàn luận: Các pháp hữu, đối với vị Tỳ kheo sắp sửa hoàn tục kia, Ðức Thế Tôn đã khéo léo phương tiện đem tất cả giới luật gồm thâu làm 3 môn học mà trao cho ông ta, làm cho ông ta sớm chứng được quả vị, Ngài thật là một người vĩ đại! Trong khi mọi người đang bàn luận về công đức của Ðức Phật, thì ngay lúc ấy Ðức Phật cũng vừa đi đến, Ngài hỏi:
- Các ông nhóm họp bàn luận việc gì?
Một vị Tôn Giả thay mặt đại chúng thưa rõ mọi việc điều vừa bàn luận, Ðức Phật nghe xong liền dạy:
- Nầy các Tỳ kheo, một bao to thì nặng quá nhưng khi chia thành mấy bao nhỏ, vác lên vai mà đi thì sẽ nhẹ nhàng. Xưa có một Trưởng giả được một khối vàng rất lớn không thể nhắc lên, ông bèn phân làm mấy khối nhỏ, sau đó ông lần lượt đem về nhà, không có gì gọi là nhọc sức cả.
Tiếp theo Ðức Phật thuật lại một mẩu đời như sau:
“Thuở xưa, trong thành Ba La Nại, có một nông phu một hôm ra đồng cày ruộng. Ðó là một khoảnh ruộng được di tặng bởi một phú ông trong thôn. Phú ông trước khi qua đời có đem chôn giấu một khối vàng lớn trong đám ruộng ấy. Người nông phu đang cày ruộng, thì bỗng dưng lưỡi cày chạm phải khối vàng trượt lên. Ông tưởng là cái rễ của một đại thọ, bèn moi đất lấy lên, mới biết là một khối vàng vĩ đại! Ông vui mừng trong lòng, rồi lấp đất phủ lại như cũ, đánh trâu tiếp tục cày những nơi khác. Ðến chiều, khi mặt trời vừa lặn, ông cho trâu nghỉ ngơi và đến moi lấy khối vàng. Nhưng khối vàng quá nặng, ông mới suy nghĩ: “Chỉ có cách chẻ khối vàng nầy ra làm bốn, một phần để sinh kế, một phần để dành làm vốn buôn bán về sau, và một phần đem ra bố thí làm các việc thiện”. Nghĩ như vậy ông liền chẻ khối vàng ra làm bốn, rồi lần lượt đem về nhà ba phần một cách dễ dàng không mệt sức. Ông giữ lời nguyện đem một phần ra làm việc phước thiện. Nhờ đó, đời đời kiếp kiếp được sanh vào các cảnh thiện…”.
Rồi Ðức Phật kết luận:
- Người nông phu được khối vàng lúc bấy giờ chính là tôi ngày nay đây!
Tâm Hiện Nầy các ngươi, không có công đức gì lớn hơn cung kính và cúng dường Xá Lợi, nhưng công đức ấy hãy để lại cho các vị Quốc Vương Trưởng giả làm; nhiệm vụ cần thiết của người tu hành chúng ta là phải kết tập Pháp tạng và thanh tịnh tu hành, làm sao cho Phật pháp ở thế gian thường còn không tiêu diệt. Món nợ truyền kiếp Ngày xưa hồi mới khai thiên lập điạ, có một con chim họa mi, làm ổ trên cành cây đào, ngày nào nó cũng hót để ca tụng vẻ đẹp của muôn loài. Dưới gốc cây, có một con rắn rất hiền lành, bây giờ thuộc loại rắn mù, nhưng hồi đó nó có một mắt. Con rắn rất mê giọng hót lảnh lót của chim họa mi. Nó thường nằm khoanh dưới gốc cây hay nằm dài phơi nắng để thưởng thức tiếng hót thần tiên của họa mi. Thuở ấy, chim họa mi cũng chỉ có một con mắt ngay giữa trán.
Một hôm, con bướm có đôi cánh ngũ sắc rất đẹp, ở gần đấy đến mời chim họa mi đi ăn cưới. Bướm biết mình đẹp đẽ, uyển chuyển, nhẹ nhàng, thường được ca tụng nên bướm rất kiêu hãnh. Không bao giờ bướm chịu nhìn xuống, nên bướm không biết sự có mặt của rắn trên mặt đất. Tiếng hót của họa mi đã nhiều lần giúp đôi cánh bướm dịu dàng thanh thoát nên bướm nhất định mời chim họa mi, để tiếng hót làm tăng thêm phần long trọng cho bữa tiệc tân hôn.
Ðược bướm mời mọc ân cần, chim họa mi rất hãnh diện, nhưng sau đó chim cảm thấy lo sợ, khi nhìn lại thấy bộ lông của mình quá tầm thường, chim sợ mình sẽ không được ai để ý trong tiệc cưới của anh bướm rực rỡ màu sắc. Chim liền than thở với con rắn hiền lành. Nghe xong rắn nói:
- Có được tiếng hót như anh, lo gì không được người để ý. Tôi tin chắc, lúc anh cất tiếng hót, không ai còn để ý đến đôi cánh rực rỡ của anh bướm hay bộ lông trắng của muốt của chị thiên nga. Tất cả đều sẽ mê tiếng hót của anh, không ai để ý đến bộ lông tầm thường của anh đâu. Anh bướm mời anh dự tiệc, cũng vì tiếng hót của anh hay. Anh hãy yên tâm đi đi, đừng lo sợ gì cả.
Tuy nghe rắn nói thế, nhưng chim vẫn không hết lo sợ, sau cùng chim nói:
- Phải tôi có được hai con mắt, có lẽ tôi sẽ đẹp hơn. Một con mắt giữa trán làm cho tôi có vẽ dữ tợn và nghèo nàn làm sao ấy.
- Có được giọng hót như anh, ai dám bảo anh nghèo?
- Nhưng bề ngoài tôi có gì có thể làm cho mọi người chú ý. Phải chi anh chịu giúp tôi…
- Tôi mê tiếng hót của anh lắm, anh cần tôi giúp việc gì, tôi cũng sẵn sàng cả.
- Tôi chỉ cần anh cho tôi mượn con mắt của anh một hôm để đi ăn cưới. Anh nằm phơi nắng không có mắt cũng đâu có sao…
Rắn lắc đầu nói:
- Không được đâu, tôi cũng chỉ có một mắt như anh, nếu tôi cho anh mượn thì làm sao tôi thấy đường?
- Nhưng tôi chỉ mượn có một hôm thôi, buổi chiều mãn tiệc, tôi đem trả anh ngay lập tức. Trong lúc chờ đợi, anh cứ nằm ngủ ở đây. Nếu anh thật tình mê giọng hót của tôi thì anh cố giúp lần nầy…
Chim họa mi cứ van xin, nài nỉ, giọng chim càng lúc càng êm đềm, gợi cảm, làm rắn cảm động xiêu lòng nên bằng lòng cho mượn mắt trong ngày cưới của bướm.
Vào một ngày nắng ấm, lúc màn sương mỏng còn phủ cánh rừng, chim họa mi đã vội vã sửa soạn bộ lông cho thật mướt để đi ăn cưới. Thêm được một mắt, chim thấy cuộc đời đẹp đẽ thêm lên. Trong lúc chim ra đi, sung sướng hài lòng hơn bao giờ hết, thì ở gốc cây đào, con rắn trở nên mù nhút nhát, sợ hãi, ẩn mình trong đám lá khô, chờ đợi chim trở về, trả lại ánh sáng cho mình. Chim đến nhà bướm nghe người ta chào mừng chúc tụng nhau, không ai để ý đến chim họa mi bé bỏng không bóng sắc cả.
Ðến lúc bướm mời chim ra hát, những loài thú có mặt mới để ý đến chim. Tiếng chim hót thanh tao, lảnh lót, làm cả thảy đều im lặng, lắng nghe. Chim hót say mê lột hết tinh thần làm cả thảy đều mê mẩn như say. Tiếng hót trong trẻo vang đến tai rắn, rắn mỉm cười tự nhủ mình cũng có góp phần tham dự cuộc vui đó.
Ðến khi dứt bản, tất cả đều bị chim chinh phục và bắt đầu từ đó trở đi, mọi loài đều bao vây khen ngợi bộ lông, giọng hót của chim. Tất cả cũng không quên ca ngợi mắt đẹp của chim.
Bây giờ tiếng tăm lừng lẫy, chẳng những chim không thú nhận mình chỉ có một mắt, còn con mắt kia là của rắn, mà chim thì đặt điều nói thêm:
- Ở dưới gốc cây chỗ tôi ở, có một con rắn mù từ thuở mới lọt lòng mẹ, nó buồn bã chán đời, nhiều lần nó có ý định quyên sinh, nhưng nhờ tiếng hót tuyệt vời của tôi đã an ủi được nó. Tội nghiệp, hàng ngày tôi phải đem thức ăn về và ca hát vỗ về nó.
Tất cả đều cảm phục tính rộng rãi và lòng bác ái của chim.
Mãi đến khuya, chim mới trở về, bên tai còn vẳng nghe tiếng vỗ tay vang dội và những lời ca ngợi nồng nàn.
Về đến gốc cây đào, chim thấy rắn nằm ngủ, phơi mình dưới ánh nắng thanh dịu mát. Thấy thế, chim không gọi rắn dậy và tự nói, mai mình sẽ trả mắt lại cũng không muộn. Chim về ổ định ngủ một giấc thật ngon lành nhưng nằm mãi mà giấc ngủ vẫn không đến. Muôn vàn ý nghĩ bao vây tâm trí của chim: bây giờ chim đã nổi tiếng nổi danh với đời rồi, nếu chim trả mắt lại, tức là tự thú cho mọi loài biết chim chỉ có một mắt, còn con mắt kia là của mượn, thì còn gì là tiếng tăm chim đã tạo ra với bao khó nhọc. Hơn nữa, với hai con mắt chim nhìn đời thấy rộng rãi, đẹp đẽ hơn khi chỉ có một mắt. Bỏ tất cả danh vọng để trở thành tầm thường như trước, chim thấy mình không có đủ can đảm. Hay là xin rắn cho mắt luôn, nhưng chim kịp nghĩ là không đời nào rắn chịu cho mắt để lại thành mù lòa vĩnh viễn. Nhưng rắn thường ở một chỗ mà nếu bò đi cũng không cần thấy đường gì cho lắm. Một ý nghĩ xấu từ từ xâm nhập vào đầu óc chim.
Nếu mình không trả thì rắn cũng không làm sao đòi được, bây giờ rắn mù rồi.
Nghĩ thế nên chim nhất định giựt luôn con mắt của bạn. Ðêm đó, chim lén dọn đi ở nơi khác và tìm đủ mọi cách tránh rắn luôn.
Tội nghiệp, con rắn cứ bò lần mò, dò dẫm đi tìm chim họa mi để đòi mắt lại. Nghe chim họa mi hót ở đâu, rắn cũng cố gắng tìm đến, mặc dù rắn bò đi khó khăn và gặp nhiều trở ngại trên bước đường phiêu lưu đi tìm người bạn phản phúc, bội ân. Thế mà buồn thay, mỗi khi chim họa mi thoáng thấy rắn thì chim vội bay đi, để rắn lại ngơ ngác trong sự mù lòa đáng thương.
Một đêm, chim họa mi đang ngủ mê trong tổ ấm, bỗng chim giựt mình tỉnh giấc vì một tiếng động thật nhỏ. Chim thấy rợn cả người khi nhìn thấy một cái đầu rắn mù sờ soạng bò đến. Chim la lên một tiếng kinh hoảng bay tìm nơi khác ẩn náu.
Từ đó, sự yên tĩnh trong giấc ngủ cũng như sự yên tĩnh trong tâm hồn không còn nữa – Con rắn mù cứ không ngớt tìm chim để đòi con mắt đã cho mượn với tất cả lòng tin, mà lại bị cướp mất một cách quá tàn nhẫn.
Chim họa mi không muốn trả mắt nên phải luôn luôn canh chừng. Ban ngày thì chim được yên thân, vì rắn biết ánh sáng mặt trời làm chim thấy rõ tất cả, nên rắn đợi đêm xuống để tìm cách đến gần chim trong lúc ngủ say, để bất ngờ buộc chim phải trả mắt lại cho mình.
Chim họa mi biết được ý định của rắn, nên nhất định không ngủ những đêm trong mùa đẹp trời. Mùa lạnh và mùa mưa thì chim có thể ngủ yên, vì những mùa ấy rắn sợ lạnh không dám bò ra ngoài.
Ðến mùa xuân, chim bay hót suốt đêm, để không buồn ngủ có thể canh chừng rắn mù tìm đến.
Vì thế, những đêm xuân, chúng ta thường nghe tiếng chim họa mi hót vang lên ru hồn vào mộng ảo, chúng ta mỉm cười thấy lòng rung động vì tiếng hót thanh tao trong suốt, nhưng chúng ta có biết đâu tiếng hót đó ca tụng một niềm vui không vững chắc luôn luôn bị đe dọa, một hạnh phúc mong manh pha trộn đôi chút hối hận làm ray rứt cả tâm hồn.
Bảo Liên Người nào cầu hạnh phúc cho mình mà lại phá hoại hạnh phúc kẻ khác, người ấy sẽ không được hạnh phúc. Cứu người bị giặc cướp Khi chưa thành Ðạo, đức Phật Thích Ca có một kiếp làm một người lái buôn, tên là Ðại Bi, đức hạnh hoàn toàn, tài trí hơn người.
Một hôm, Ðại Bi cùng năm trăm người khác đi thuyền ra biển tìm châu báu. Thuyền đang đi giữa biển thì gặp một bọn cướp bể đuổi theo, định giết hết cả những người trong các thuyền để cướp giật của cải. Quân cướp đuổi theo một lúc một gần, và reo hò vang dậy một góc biển. Những người lái buôn sợ hãi quá, kêu la rất thảm thiết. Phen này họ chắc chết mà thôi, không còn được thấy mặt vợ con nữa.
Ðại Bi thấy thế mới nghĩ rằng: “Nếu ta giết bọn cướp nầy, thì ta sẽ mang tội sát nhân, nhưng nếu ta để cho chúng giết hết năm trăm người thì lòng ta không nỡ. Thôi thà ta chịu tội sát nhân một mình mà cứu được năm trăm người khỏi chết, vừa cản ngăn được những việc làm tàn ác của quân cướp để gỡ tội cho chúng nó sau này”.
Tuy nghĩ thế, nhưng Ðại Bi chưa ra tay liền. Người đứng lên trên mũi thuyền to, lấy lời ôn hòa mà khuyên lơn bọn cướp, nhưng bọn này quen thói hung tàn, không nghe lời Ðại Bi nói cứ hầm hồ hung hăng xông tới quyết giết hết cả con buôn. Ðại Bi liền nhảy qua thuyền quân cướp, một mình địch với cả bọn, vũng vẫy nhanh lẹ và oai phong như một người tướng tài ra trận. Quân cướp biết thế không địch nổi, liền hè nhau quay thuyền chạy trốn.
Năm trăm người thoát chết, vui mừng khôn xiết, liền quỳ xuống tạ ơn Ðại Bi, rồi cùng trương buồm cho thuyền trở lại quê nhà.
Lược sử PHẬT TỔHạnh từ bi của Phật giáo phải đi đôi với trí tuệ dũng cảm.