Dứt bỏ ảo tình Từ khi Phật Thích Ca Mâu Ni lại thành Xá Vệ thuyết pháp, giáo hóa đại chúng thì nhân dân toàn thành nầy trở nên có đạo đức có lễ độ lại biết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, khiến cho nước Xá Vệ biến thành một cực lạc quốc.
Tin nầy truyền đi gần xa, có một số người khác đạo ở nước La Kiệt Kỳ rất khâm phục uy tín Ðức Phật, liền không quản đường xá xa xôi, cố tìm đến nước Xá Vệ để cầu Phật dạy bảo. Nhưng trong khi chưa gặp được Ðức Phật thì bỗng xảy ra một chuyện rất trái ý ở giữa đường.
Số là nước Xá Vệ ở vào xứ nóng, thường có nhiều rắn độc, một khi rắn đã cắn phải người thì người ấy tức khắc chết liền, không có cách nào cứu sống được.
Hôm đó, người viễn khách vừa tới ngoài thành, ngồi nghỉ dưới bóng cổ thụ, nhìn xuống bên đường, thấy hai người, một già một trẻ, đang cuốc đất. Bỗng đâu có con rắn độc núp trong cỏ nhảy ra mổ chết người ít tuổi, người nhiều tuổi bỏ cuốc chạy lại thấy người ít tuổi đã tắt thở thì hơi lộ nét buồn rồi thản nhiên quay lại chỗ cũ cuốc đất.
Viễn khách thấy thái độ ấy làm lạ, liền tiến lại bên cạnh ông già mà hỏi rằng:
- Nầy cụ! Thanh niên vừa chết kia có là con cháu hay là gia nhân cụ?
Ông già đáp cách tự nhiên:
- Hắn là con tôi.
- Ủa, lệnh lang bị rắn cắn chết sao cụ lại không kêu gào khóc lóc thảm thiết như người xứ chúng tôi thường làm?
- Nó là con trai tôi đó, nhưng bây giờ đã chết rồi, thiết tưởng dù có khóc than chỉ là thêm phiền não mà cũng chẳng cứu sống lại được. Vậy khóc than có ích lợi gì?... Trầm ngâm một lúc, ông lão nói tiếp:
- Ông ạ! Con người ở đời trước sau thế nào cũng chết, khác nào như mọi sự vật, có thành tựu thời phải có hoại không, đó là hiện tượng tự nhiên của tuần hoàn, nếu mà lúc sống gây nhiều nhân thiện thì sau có báo ứng tốt, nhược bằng gây nhiều nhân ác thì có ác báo không sai. Nay đã chết rồi, thì dầu gì chăng nữa cũng là thừa.
Ông già nói xong thấy khách suy nghĩ đờ đẫn người ra liền hỏi:
- Phải chăng ông định tiến vào thành? Tôi muốn cảm phiền ông giúp cho một việc, phổng có được không?
- Có việc gì xin cụ cứ nói!
- Thế thì hay lắm! Ðây: nhà tôi ở ngay cổng thành đi vào, quẹo sang bên phải bỏ gian đầu đến gian thứ hai ấy chính là nhà tôi. Vậy xin ông, khi đi qua, ghé vào nói giúp với bà nhà tôi rằng, "Ðứa con đã chết, vậy trưa nay chỉ đem một xuất cơm cho tôi ăn mà thôi."
Viễn khách nghe ông già dặn thì điếng người, vừa đi vừa tự nghĩ: "Ông già này keo quá, con đã chết mà còn đếm xỉa đến cả bữa cơm… Thật cả thế gian này cũng không đâu có người cha đến như thế!" Kịp khi qua cửa thành, quẹo sang bên phải, cách hai nhà, quả nhiên thấy bà cụ vừa vặn đứng ở ngoài cửa. Viễn khách liền thi lễ và nói:
- Thưa bà, con trai bà bị rắn cắn chết, ông có nhắn tôi về bảo bà chỉ cần đem một suất cơm cho ông thôi.
Bà nghe khách nói xong thì tỏ vẻ buồn rầu thoáng qua nét mặt, rồi trân trọng cảm tạ khách, viễn khách lấy làm lạ lùng hết sức và tự hỏi: “Tại sao bà nghe tin con chết mà không kinh hoảng hoặc té xỉu người đi???”. Liền hỏi luôn:
- Nầy bà, xin thứ lỗi cho tôi hỏi câu đường đôt. Bà không thương xót lệnh lang hai sao?
Bà lão thong thả đáp:
- Thưa ông! Cái đạo con cái với cha mẹ là tự túc nhân nghiệp báo nên mới có sự thác sinh vào nhà chớ không phải là do cha mẹ mời vào mà được, đến khi họ chết, cũng là do mãn nhân, mãn nghiệp mà họ đi, nên cũng không thể lưu họ lại. Cha mẹ khác nào như người chủ quán trọ chiều nay có khách lại ngủ đỡ, sáng mai hay ngày kia khách lại ra đi, chủ quán không thể lưu lại. Ấy sự liên quan giữa cha mẹ và con cái cũng thế đó. Vậy thì, có thương tiếc hay kêu gào khóc lóc liệu có thể cứu sống lại được người đã chết không? Hay chỉ là gây thêm phiền não mà chẳng có ích gì?
Nghe câu trả lời của bà cụ, khách rất hoang mang cho rằng vợ chồng ông già này quả thật là xứng đôi vừa lứa. Cả hai đều có một tấm lòng sắt đá giống nhau. Giữa lúc nầy, từ phía trong nhà, một người con gái đi ra, bà lão giới thiệu là chị gái người vừa chết. Khách liền hỏi ngay:
- Em trai cô vừa bị rắn cắn chết, chắc cô thương xót lắm nhỉ?
- Thương xót là lẽ thường, nhưng thương xót có thể cứu người em sống lại được chăng? Tôi tưởng, Chị em một nhà, khác nào như các cây gỗ ở rừng, hạ xuống đóng thành cái bè rồi thả vào nước cho trôi. Nếu sông hồ phẳng lặng thì bè trôi mãi, bằng có cơn phong ba bão táp nổi lên đánh tan chiếc bè thì mỗi cây trôi đi mỗi ngả, có bao giờ còn hy vọng lắp lại liền với nhau? Tình chị em cũng thế. Ðó là nhân duyên kiếp trước hợp rồi sinh vào một cửa. Tuổi thọ cũng tùy nghiệp báo, có người ngắn có người dài, và ngày chết cũng là vô thường, không sao biết trước được. Nay em tôi chết, mặc dầu tôi là chị hắn, nhưng tôi có làm gì được đâu? Huống chi là khóc với lóc, có phải không ông?
Người này đang nói, bỗng ở đằng sau, thấy một người đàn bà nữa tiến ra, khi nghe cô chị nói xong thì kêu lên:
- Thế ra chồng tôi đã chết rồi?
- Ðúng đấy! Chồng bà đã bị rắn cắn chết ở ngoài đồng. Vậy bà đau buồn lắm thì phải?
- Thưa ông! Chồng chết ai không đau buồn, nhưng cái đạo vợ chồng ở đời khác nào như đôi chim trong rừng, tối đến cùng ngủ một cành, sáng ngày lại bay đi kiếm ăn, nếu có duyên thì trở về cùng nhau, nhược bằng gặp tai họa thì mỗi con bay đi một ngả. Ấy nghĩa vợ chồng ở đời là thế, mỗi người có một số mạng riêng, không làm sao mà nói được rằng, chồng chết thay cho vợ, hay vợ chết thay cho chồng. Như thế khóc lóc phổng có ích gì?
Viễn khách nghe lời mọi người trong gia đình nầy nói ra thì lòng sanh hoài nghi cho thế tục nhân tâm ở xứ này, liền hối hận đã mất công tìm đến xứ này để học cái hay cái tốt của Ðức Phật giáo hóa dân chúng; nào ngờ dân chúng như thế hỏi còn học được cái gì ở đây? Chi bằng lui gót trở về quê hương xứ sở là hơn.
Nhưng hồi lâu lại nghĩ, Mình chưa được gặp Ðức Phật đã nóng nảy phê bình một vài thái độ của dân, rồi vội vã quay về, như thế là hành động nông nổi chưa chín chắn, chắc sau này có điều phải ân hận… Vậy ta phải đến thẳng tịnh xá tại vườn Kỳ Viên, để được gặp Ðức Phật đã rồi sẽ hay. Nghĩ rồi, khách đi thẳng một hơi tới Tịnh xá và được ra mắt Phật.
Khi thấy Phật, khách khoanh tay cúi đầu thi lễ, đoạn lui sang ngồi một bên, không nói không rằng. Ðức Phật đọc rõ ý kiến trong lòng khách, nhưng cũng cất tiếng từ bi hỏi:
- Tại sao viễn khách có bộ dạng buồn rầu?
- Bạch Thế Tôn, nhân vì con hy vọng một việc mà chưa được như ý nên trong lòng con không được vui vẻ.
- Có việc gì trái với bản tâm, tưởng cứ nói ra không nên để trong lòng phải ưu sầu không thể giải quyết được việc gì hết!
Lúc đó người khách mới thuật hết đầu đuôi câu chuyện đã gặp ở ngoài thành, cuối cùng khách phê bình thái độ của gia đình nông dân ấy là trái với tình đời.
Phật nghe xong tủm tỉm cười dạy rằng:
- Ðiều mà viễn khách cho rằng trái với tình đời là thuộc về “nhân tính”. Còn chân lý thì không những không được thể hiện theo “nhân tính” mà còn phải tước bỏ nhân tính cho đến hết. Ðó mới thực là điều khẩn yếu của kẻ tu hành xuất gia.
Nghĩ một chút, Ngài nói tiếp:
- Viễn khách đây vì chưa hiểu chân lý, nên thấy gia đình nhà nông kia hành động như thế thì vội cho là “phản tình đời”. Nhưng đứng về mặt chân lý mà xét, thì những người ấy quả nhiên là không có hành động lỗi lầm, vì họ biết rõ thế nào là “cuộc đời vô thường”, nghĩa là con người đời không thể nào nắm giữ vĩnh viễn được cái “sắc thân” làm sinh mệnh bấy hủy bất diệt của mình. Kìa xem từ xưa tới nay, dù là phàm hay Thánh, cũng không ai có thể tránh được cái chết.
Nếu vì một cái chết mà cả nhà theo nhau khóc lóc đến phát đau, phát ốm thì sự khóc lóc ấy hỏi có ích lợi gì cho cả người sống lẫn người chết? Vả chăng, con người ngay từ lúc sơ sinh, đã nắm chắc lấy cái chết trong tay rồi. Nay thấy sự chết mà gây phiền não trong lòng quá đỗi thì ta “mê hoặc” chưa hiểu cái lẽ sống chết. Nên biết rằng “sống” và “chết” là hai đầu mối luôn luôn tiếp diễn và luân chuyển không lúc nào ngừng. Hễ đã biết rõ được như thế là đã giải thoát rồi.
Viễn khách nghe Ðức Phật giảng giải cho nghe một hồi thì lòng thoát nhiên tỉnh ngộ. Liền nguyện xin ở lại làm đệ tử của Phật và qui y Phật pháp tức thì. Viễn khách này sau trở nên một vị Tỳ kheo rất tinh tiến.
PHẠM NGỌC KHUÊThân như bóng chớp chiều tà,
Cỏ xuân tươi tốt, thu qua rụng rời
Sá chi suy thịnh việc đời,
Thịnh suy, suy thịnh, sương rơi đầu cành. Chuyện bảy cái lọ vàngÐời quá khứ cách đây vô số kiếp, ở cõi Diêm Phù Ðề có một nước lớn tên là Ba La Nại. Thuở đó có một người ham làm giàu đến nỗi không dám ăn no, mặc đủ, hoặc bố thí giúp đỡ ai. Làm được bao nhiêu người đó mua vàng dần tích trữ, dần dà đóng thành 7 lọ đem chôn dấu kỹ.
Chẳng may một thời gian sau khi bệnh chết, vì tiếc của nên phải đọa làm rắn độc, ngày ngày quanh quẩn ở xó nhà giữ vàng.
Năm, tháng trôi qua, căn nhà mục nát sụp đổ, rắn ấy bị chết. Bởi tâm quá tham tiếc nên lại đọa làm thân rắn một lần nữa để coi giữ trên đống đất chôn vàng.
Cuối cùng, quá chán ngán mệt mỏi, rắn thầm nghĩ, “Thân thể ta xấu ác bởi vì tham tiếc của, nay phải đem số vàng này cúng dường bố thí để cầu phước báo”. Nghĩ xong, rắn bò men tới bên vệ đường, chợt thấy một người đi qua liền gọi:
- Nầy bác kia, lại gần đây tôi bảo!
Khách qua đường thấy rắn liền đáp:
- Ngươi độc ác như vậy gọi ta làm chi, có phải định hại ta chăng?
- Ừ, ta ác đấy, nếu bác không nghe lời ta sẽ tác hại.
Nghe rắn đe dọa, người đó sợ hãi vội lại gần. Rắn nói tiếp:
- Nhà tôi có 7 lọ vàng, nay muốn nhờ bác đem đi cúng dường bố thí hộ cho.
Người đó ưng thuận. Rắn dẫn ông ta về nhà chỉ chỗ chôn vàng và bảo ông ta bới lên một lọ rồi dặn:
- Bác đem vàng này về cúng Trai Tăng và định ngày nào thiết trai cúng dường thì mang một cái gậy lại đây khiêng tôi đến.
Người ấy mang vàng về chùa giao cho một vị Tăng, chức vụ Duy Na và kể rõ sự tình.
Ðến ngày thiết trai, người đó trở lại chỗ rắn ở với một chiếc gậy. Rắn gặp ông ta, vui vẻ hỏi han và quấn mình tròn vào chiếc gậy. Ông ta lấy cái khăn chiên phủ lên trên và khiêng tới chùa. Ði nửa đường gặp một người khách lạ hỏi:
- Ông khiêng cái gì đẹp thế?
Khách trịnh trọng nhắc tới ba lần câu hỏi đó. Ông ta vẫn cứ yên lặng rảo bước. Rắn độc tức giận, ác tâm bộc phát muốn cắn chết ông nhưng lại thầm nghĩ: “Người này vì ta làm phúc, ơn đã chưa trả thì ta nên nhẫn”.
Một lát đi tới khu đồng vắng vẻ, rắn đòi đặt xuống đất và cực lực trách ông ta về thái độ lạnh lùng lúc nãy đối với người khách. Ông ta hối hận và xin hứa không bao giờ xử sự như thế nữa.
Khi đến chùa, rắn độc được nằm trước mặt Tăng chúng. Rắn nhờ ông dâng hương. Rắn tự lấy tín tâm cung kính quan sát không rời mắt. Chư Tăng chú nguyện và thuyết pháp cho rắn nghe, rắn rất hoan hỷ nói:
- Bạch Ðại Ðức! Xin mời Ngài tới chỗ tôi ở, còn 6 lọ vàng nữa xin dâng cúng dường bố thí để cầu phước. Vị Tăng Duy Na theo rắn và người khiêng tới chỗ lấy vàng. Cúng dường xong, rắn chết.
Cũng do phước đức ấy rắn được sanh lên cõi trời Ðao Lợi.
Ở câu chuyện trên, một hôm Ðức Phật nói với Ngài A Nan rằng:
- A Nan! Ông có biết người khiêng rắn lúc bấy giờ là ai không? Chính là ta đó! Còn rắn độc thuở đó là ông Xá Lợi Phất. Ngày ấy bị rắn trách mắng ta hổ thẹn và tự thề sanh tâm khiêm hạ đối với mọi loài, mọi vật đều xem bình đẳng mãi mãi không thối chuyển…
Y HÀTài thí trừ khổ về thân, pháp thí trừ khổ về tâm.
Tài thí cho tiền vô tận, pháp thí cho trí vô tận
Tài thí làm thân sung sướng, pháp thí làm tâm sung sướng.
Tài thí người ngu ham muốn, pháp thí người trí ham muốn
Tài thí đem vui hiện tiền, pháp thí đem vui Niết bàn. Lễ cúng dường cuối cùng của Thuần ÐàỞ nước Câu Di Na Kiệt có vị trưởng giả tên là Thuần Ðà, cùng 5000 vị trưởng giả nghe tin Phật sắp nhập Niết bàn, liền đến đảnh lễ khóc lóc mà bạch Phật rằng:
- Xin Ngài từ bi thương xót chúng con. Xin Ngài ở lại lâu thế gian, đừng vội nhập Niết bàn. Xin Ngài thọ lãnh lễ cúng dường này để chúng con được công đức và sớm giải thoát.
Ðức Thế Tôn bảo Thuần Ðà:
- Ta nay vui lòng thọ lãnh lễ cúng dường cuối cùng của ông. Các ông chớ có sanh lòng ưu não chính nên phải sung sướng hoan hỷ, đừng có thỉnh cầu Như Lai ở lại lâu làm gì.
Các ông thử quan sát mà xem, ở đời mọi vật đều vô thường, hết thảy chúng sanh cũng lại vô thường. Dầu ở lâu trên đời rồi cũng có ngày diệt tận. Tuy sanh trưởng thọ yểu, mạng sống cũng có lúc bị tổn hoại. Mạnh rồi sẽ bị bệnh bức khổn, người sống rồi phải chết, đâu có thể thường tại lâu ngày, cho đến vợ con, vàng bạc, voi ngựa cũng chịu luật vô thường chi phối. Những kẻ thân thích nhất ở trên đời cũng phải chịu biệt ly, duy có bốn món họa lớn chi phối con người là sanh, lão, bệnh, tử.
Thuần Ðà nghe nói lại càng khóc lóc thảm thiết, khẩn cầu Như Lai ở lại. Ðức Phật lại bảo:
- Ông chớ nên khóc lóc làm loạn động tâm niệm. Hãy bình tĩnh suy xét. Nên biết rằng tất cả pháp hữu vi đều không kiên cố chân thực.
Thuần Ðà lại bạch Phật:
- Ðức Như Lai không thương xót chúng con nên không ở lại trên đời. Thế giới này mà không có Như Lai thời vắng vẻ trống rỗng như hư không, làm sao chúng con lại không than khóc được.
Ðức Phật lại phải dạy rằng:
- Ðức Thế Tôn thật vì có lòng thương tưởng chúng sanh và các ông nên mới nhập Niết bàn. Hết thảy Phật pháp đều vô thường, hết thảy pháp hữu vi cũng đều vô thường…
MINH CHÂUNếu không có cái sanh, cái già, cái bệnh, cái chết thì Ðấng Như Lai cũng chẳng giáng trần làm gì và Phật pháp cũng chẳng có cơ hội để rải tủa ánh sáng siêu việt khắp trong thế gian. Chiến công oanh liệt nhất“Trẫm đang say danh lợi, sợ nghe pháp Phật lỡ tin thì bỏ giang sơn, sự nghiệp cho ai”.
Ðây là câu nói của Hoàng đế Vô Trách Niệm trả lời với đạo thần Bảo Hải.
Vua Vô Trách Niệm là một vị Hoàng đế danh tiếng lẫy lừng nhất trong thời xưa ấy. Vua có tài dẹp giặc nên trăm trận trăm thắng, đi đến đâu thì các nước đều qui phục, và người ta dâng vua rất nhiều mỹ nữ. Trong số tám ngàn cung nữ, người được vua sủng ái nhất là Mai Phi và Lan Phi của hai nước đem dâng trong khi làm lễ đầu hàng.
Nhưng có lẽ “chiến công oanh liệt nhất” của vị Hoàng đế thanh danh ấy là một hôm mải say sưa với phép dụng binh, để sửa soạn chinh phục thêm mấy nước, lại đương triền miên trong dục lạc, thì vị cận thần của vua là Ngài Bảo Hải đến mời vua đi nghe Ðức Bảo Tạng thuyết pháp. Vua cười,"Trẫm đương say danh lợi sợ nghe pháp Phật lỡ tin thì giang sơn sự nghiệp bỏ cho ai?" Ðại thần Bảo Hải làm thinh. Nhưng vua ngoảnh lại tìm người sắp sẵn xe giá để vua đi hành lễ.
Thế rồi tất cả đình thần, tám nghìn cung nữ chánh cung Hoàng hậu và Mai Phi, Lan Phi cùng theo vua đi yết kiến Ðức Bảo Tạng Như Lai. Sau khi được nghe pháp Phật xong, vua và Hoàng hậu phát tâm cúng dường Phật cùng Chúng Tăng đầy đủ tứ sự trong 3 tháng.
Sau thời gian 3 tháng cúng dường xong, Ðại thần Bảo Hải tâu vua, "Trong tất cả các pháp cúng dường Chư Phật, thì chỉ có pháp Bồ Ðề Tâm - Chỉ có phát triển cái tâm trên cầu thành tựu quả Phật dưới nguyện độ tất cả chúng sanh mới là hơn hết."
Trong một tuần suy nghĩ kỹ, vua Vô Tránh Niệm quyết trường từ bảo vị trước Phật Bảo Tạng Ngài xin xuất gia làm Sa môn. Trong một đời vua Vô Tránh Niệm đánh đông dẹp bắc, trăm trận trăm thắng. Nhưng chỉ có trận giặc lòng nầy mà ngài đã thắng mới là chiến công oanh liệt nhất.
Ngài Pháp Tạng Tỳ Kheo (vua Vô Tránh Niệm) đối trước Ðức Phật Bảo Tạng mạnh mẽ phát bốn mươi tám nguyện. Khi Ngài phát nguyện xong thì cả đại địa đều rúng động, vì nguyện nào cũng chứa chan tha thiết một ý niệm cầu cho tất cả chúng sanh thoát khổ được vui, vì thế Ðức Bảo Tạng thọ ký cho ngài, sau này sẽ thành Phật hiệu A Di Ðà làm giáo chủ cõi nước Cực Lạc.
Phát nguyện rồi Ngài tinh tấn lo tu phước đức. Trong thời gian tu phước, Ngài đã làm tất cả những việc khó làm, nhẫn tất cả những việc khó nhẫn. Giữ gìn thân khẩu ý thanh tịnh, thường hòa thân vào trong các loài, thọ dụng như chúng để tiện bề giáo hóa. Cứ như thế trải vô lượng kiếp cần khổ, tích lũy công đức, đến khi thành Phật thì được phước báo sống lâu vô lượng, nên hiệu Ngài là: “VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT”.
Ngài lại giữ gìn phạm hạnh, siêng tu thiền định nên trí tuệ càng ngày càng sáng suốt, cho đến khi huệ tánh bao trùm cả thái hư thì ngài thành Phật niên hiệu là “VÔ LƯỢNG QUANG”.
Từ khi phát tâm ban đầu cho đến khi thành Phật, tất cả việc làm, lời nói, ý nghĩ gì Ngài cũng hồi hướng về chúng sanh cả. Vì thế nên chúng sanh ở cõi Ta Bà có rất nhiều duyên với Ngài, nếu nhất tâm chuyên niệm danh hiệu Ngài dù tối thiểu trong một ngày mười niệm, mà tha thiết cầu sanh về nước Ngài thì hiện đời này sự sống sẽ yên ổn, khi lâm chung chắc chắn được vãng sanh. Khi đã sanh về Cực Lạc thì sẽ được thần thông tự tại, có thể đi khắp tam giới, thấy suốt mười phương và biết được trong ba đời, không còn bị khổ, không có chướng duyên, nên ai đã được may mắn sanh về Cực Lạc thì dễ tu chứng không còn sợ phải trở lại lăn lóc trong cõi Ta Bà này nữa.
Vua Vô Tránh Niệm đầu tiên chứng được thiên nhãn thông, Ngài mới biết đại thần Bảo Hải là thiện tri thức, nhờ thiện tri thức kích phát bồ đề tâm vua Vô Trách Niệm mới thành Chánh Giác.
Ðại thần Bảo Hải chính là tiền nhân của Ðức Thích Ca, Ðức Thích Ca là thiện tri thức của Ðức Di Ðà, mà hiện nay Ngài là Minh Sư của chúng ta…
THỂ QUÁNÁi ái hà là ngàn thước nước xao,
Muôn trùng biễn khổ sóng nhào thương ôi!
Muốn cho khỏi kiếp luân hồi,
Phải mau sớm niệm Nam Mô Di Ðà. Sự tích bánh cốm Ngày xửa ngày xưa, không biết từ đời nào, tương truyền ở tỉnh Hà Ðông, có một nhà Phú ông nọ hay tu nhân tích đức đã nổi tiếng khắp vùng. Những người nghèo khổ thường đến xin ông bố thí đồng tiền bát gạo, những người có cha mẹ từ trần, mà túng bẫn quá, thường đến xin ông cấp cho quan tài, những người có cha mẹ vợ con đau yếu, không tiền chạy chữa, thường đến xin ông cấp cho đôi chút để cân thuốc thang. Cả những đứa trẻ mất cha, mất mẹ từ lúc nhỏ cũng được ông đón về nuôi nấng cùng cho đi học. Nghĩa là cả vùng đó ai có sự cần cấp là không quên đến gõ cửa nhà ông, mà chưa ai từng bị ra tay không bao giờ. Do đó, mà thời bấy giờ hễ nói đến hai chữ “Tích Ðức” thì không ai không trỏ vào nhà ông. Cho nên hai chữ này sau trở thành tên riêng, khác nào cả dân chúng toàn vùng đã đặt cho ông vậy.
Một hôm, ông Tích Ðức sau khi đi bố thí ở vùng lụt về, mệt quá ông ngồi xuống chiếc tràng kỷ đặt bên cạnh lối ra vào để nghĩ ngơi, bỗng chốc có 6 vật lạ, người chẳng ra người, ma chẳng phải ma, thấp thoáng đi lại chỗ ông ngồi, và cất tiếng rụt rè có ý cầu khẩn ông.
- Thưa ông, chúng tôi muốn lại nhờ ông dung nạp…
Ông liền hỏi một cách bâng quơ:
- Các bạn là ai? Có cần tôi việc gì xin cứ nói!
Lập tức trong hư vô có tiếng trả lời:
- Chúng tôi là Lục Tặc: Nhãn, nhĩ, tỳ, thiệt, thân, ý của Quốc vương hiện tại. Nhân vì giả thân tứ đại của Ngài sắp tan rã, nên chúng tôi phải tìm chỗ đầu thai để báo hiện thân Ngài. Bởi Ngài tuy có nghiệp căn tốt, nhưng hiện mắc 6 điều tham:
1. Mắt Ngài tham sắc, không lúc nào chán, cho nên bây giờ linh tính đó phải thác vào địa ngục Noãn sanh (do trứng nở ra) biến làm loài chim có lông đẹp khoác luôn vào mình để được thỏa mãn sự ngắm nghía.
2. Tai Ngài tham nghe đàn ca du dương, lời nói uyển chuyển nên bây giờ linh tính đó phải đọa vào địa ngục Thai sinh (do bào thai sinh ra) biến làm giống lừa, ngựa, chó, mèo có nhạc đeo ở cổ để thỏa mãn sự nghe.
3. Mũi Ngài tham ngửi mùi thơm cá thịt chiên xào, nên bây giờ linh tính đó phải đọa vào địa ngục thấp sinh (sinh dưới nước) biến làm cua, cá, lươn, tôm ở nơi đầy bùn dơ dáy hôi hám để thỏa mãn sự ngửi.
4. Lưỡi Ngài tham ăn các vị ngũ tân (hành, hẹ, tỏi, nén, hương cừ) nên bây giờ linh tính đó phải đọa vào địa ngục hóa sinh (thay lột nhiều lần mà sinh) biến làm muỗi rệp, gián, ve, rận, chí để được thỏa mãn sự hút máu tanh hôi.
5. Thân Ngài tham dâm dục, nên bây giờ linh tính đó phải đọa vào kiếp gà, vịt, ngỗng, ngang để được thỏa mãn sự giao cấu thư hùng.
6. Tâm Ngài châu báu, tiền của nên bây giờ linh tính đó phải đọa vào kiếp lạc đà, la, lừa cả ngày chỉ chuyên chở đồ vật vàng bạc trên lưng để thỏa mãn sự giàu có.
Nay chúng tôi thấy nhà ông đây có đức, thường đối xử tốt với các loài người lẫn loài vật, vả lại nhà ông có đủ mọi loaì, ở cạn cũng như ở dưới nước, dễ bề đầu thai cho cả 6 đức chúng tôi, nên chúng tôi đến cả đây nhờ ông dung nạp cho. Chúng tôi xin báo trước đêm mai, con lừa nhà ông đẻ, mà đứa con nó là linh tính tham tài cuả nhà Vua thác sinh vào. Vậy sinh ông lưu tâm. Bọn lục tặc nói đến đây, bỗng một cơn gió mạnh đập vào mành mành khiến ông tỉnh dậy, hóa ra giấc mơ.
Suốt ngày hôm sau, ông Tích Ðức thắc mắc cửa tin, nửa ngờ về chuyện báo mộng, nên cứ trằn trọc tới nửa đêm vẫn chưa ngủ. Xịch có tên gia nhân thấy ông còn thức thì hối hả vào báo: “Lừa nái vừa sanh lừa con” lúc đó ông mới yên tâm tin là mộng đã báo đúng như sự thật. Tiếp luôn đến chiều hôm sau, có tin: Quốc Vương thăng hà vào khoảng nửa đêm hôm trước, đúng là lúc con lừa nhà ông đẻ, làm cho ông càng tin rằng quả có Lục Tặc đầu thai.
Từ đó trở đi, mỗi lần linh tính nào của nhà Vua đầu thai làm vật gì trong nhà ông, ông đều được báo trước cho biết. Ðến khi nhà Vua đầu thai hết 6 lần: Làm lừa, làm cá, làm chim, làm muỗi v.v… thì ông cũng vừa 80 tuổi.
Cách 3 năm sau, một hôm tại nhà cụ Tích Ðức có thết tiệc cơm chay long trọng cúng dường Chư Vị Hòa Thượng và Chư Tăng. Hôm đó, trên bàn thờ Phật đủ cả các lễ vật, hương hoa, lại có thêm một thứ bánh dẹp, hình vuông, gói trong lá chuối xanh, có buộc lạt đỏ mà xưa nay chưa từng thấy.
Khi cúng Phật xong, Chư Hòa Thượng và Chư Tăng vào thọ trai với tuần dâng hoa quả bánh trái, bỗng mọi người ngạc nhiên thấy thí chủ đem lên những đĩa bánh màu xanh như ngọc, chất mượt như tơ, khi bỏ vào miệng thấy có hương vị xông lên như hương lúa đồng mà chất bánh thì dẻo quánh càng nhai càng ngọt càng bùi. Thật là một thứ bánh đặc biệt.
Trong khi mọi người đang ca ngợi thưởng thức, thì Hòa Thượng cao tuổi nhất từ từ đứng lên hỏi thí chủ:
- Xin cho bần đạo và Chư Tăng biết thứ bánh quý nầy, thí chủ đã mua ở đâu và gọi tên là gì?
Thí Chủ - Cụ Tích Ðức - trịnh trọng đứng lên, với giọng nói phào phào, cụ bạch rõ câu chuyện đã thuật ở trên, từ chỗ Lục Tặc đầu thai cho đến chỗ Quốc Vương thác sinh hết 6 kiếp, cụ nghỉ lấy hơi nói tiếp,"Lần báo mộng cuối cùng Lục Tặc có nói cho biết rằng":
- Thể theo lời Quốc Vương lúc sắp thăng hà, có tỏ ý hối hận về lúc sống đã quá mắc phải 6 điều tham xúi bậy, nên phải trụy lạc luân hồi. Nay quyết sám hối tội lỗi và mong được biến hóa làm một vật gì vừa được giúp ích cho đời, vừa được gần Phật, nên chỉ anh em chúng tôi đã hóa làm giống nếp hương, hiện mọc tại cánh ruộng lúa nhà cụ. Vậy mong cụ cố gây giống lúa cho nhiều thêm rồi lưu tâm sáng chế thành thứ bánh dâng cúng Phật và Chư Tăng để cho Quốc vương sớm đoạn kiếp mà siêu sanh tịnh độ.
Do đó, cụ Tích Ðức nói tiếp: “Già này không dám ngại công khó nhọc đã hết sức gây giống lúa ấy cùng chế ra thứ bánh nầy, lấy tên là bánh Cốm. Nghĩa là lúa còn non, để dâng Phật và cúng dường Chư Hòa Thượng và Chư Tăng ngày hôm nay, không ngờ lại được từ âm quá khen, thật là sung sướng cho già này không sao tả xiết! Mới hay tâm thành cũng thấu đến trời Phật”.
Cụ Tích Ðức trình bày xong, các vị Hòa Thượng cùng Chư Tăng thảy đều hoan hỷ và cùng công nhận bánh cốm là sản phẩm quý báu của nước nhà đang đứng vào hàng trai phẩm cúng Phật.
Bắt đầu từ đó nước ta có bánh cốm ra đời. Sau nhân sự phổ biến ngày một rộng lớn, và nổi danh khắp nơi, nên đời mới đem bánh cốm dùng vào các lễ trọng của nhân dân như lễ ăn hỏi, lễ sêu tết, lễ cưới và cả đến lễ táng cũng dùng bánh cốm thay cho bánh dầy, bánh chưng.
PHẠM NGỌC KHUÊÐến khi ta mãn phần, linh hồn ta nó tách đi một mình, chừng đó, chỉ có những điều lành của ta đã tạo phò trợ cho ta mà thôi.