Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Tùng 2

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 355 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Tùng 2
Thích Nhất Hạnh

Sau một thời gian vừa lết vừa trèo, Ngô Đạt thấy thấp thoáng sau cành lá xanh rờn cung vàng điện ngọc của một ngôi phạm vũ trang nghiêm. Có tiếng chuông gió thanh cao như tiếng gió lay động cây thất bảo mô tả trong kinh Vô Lượng Thọ. Có tiếng chim lạ, hoặc chính là tiếng Ca La Tần Già. Lên tới tam quan chùa, Ngộ Đạt gặp một chú tiểu. Hỏi thì biết đấy đích thực là phạm vũ nơi cư trú của tôn giả Kaniska. Chú tiểu vào thông báo và tôn giả Kaniska thân hành ra cổng nghênh tiếp. Kaniska rạng rỡ như một vị bồ tát khiến quốc sư Ngộ Đạt sụp xuống lạy. Tôn giả đỡ quốc sư dậy, và dìu quốc sư vào khách đường.
Sau một tuần trà mà hương thơm làm cho tỉnh táo cả giấc mộng mười lăm năm trường, Kaniska hỏi thăm về cận sự. Quốc sư Ngộ Đạt tuy đã bốn mươi sáu, vẫn còn thấy tủi thân như một đứa bé con, khi nghe người tri kỷ hỏi đến thân phận mình. Quốc sư kể lại cuộcđời mười mấy năm của mình với thật nhiều chi tiết. Tôn giả lắng tai nghe rất chăm chú, không hề ngắt lời bạn, thỉnh thoảng lại thở dài, tỏ ý thương xót. Nghe xong, tôn giả xin xem mụt ghẻ. Ngộ Đạt đứng dậy vén ống quần cho bạn xem. Mụt ghẻ như trừng mắt nhìn cả hai người. Tôn giả gật đầu bảo quốc sư buông ống quần xuống, rồi nói:
-- Không sao, dưới chân núi có một dòng suối tên là Giải OanTuyền, có thần lực chữa được bệnh này. Tri kỷ ngủ lại đây; sáng mai chúng ta xuống suối, tôi sẽ vố cnước suối rửa cho tri kỷ. Mụt ghẻ sẽ lành. Không có gì đáng ngại. Chỉ cần vốc nước rửa hai lần là bệnh của tri kỷ sẽ lành hẳn.
Nói xong tôn giả đi vào. Lát sau tự tay mang ra một chậu nước ấm, một chiếc khăn và một nắm muối, cười và nói:
-- Tri kỷ đã từng rửa ghẻ cho tôi suốt hai năm trời; bây giờ, trước khi tri kỷ được nhờ nước suối giải oan lành bệnh, tôi xin phép được rửa ghẻ cho người lần cuối cùng.
Ngộ Đạt toan mở lời từ chối, nhưng ngước nhìn cố nhân, ông biết không thể nào ngăn được, bèn im lặng đưa chân cho tôn giả rửa. Một chân quỳ xuống, một chân dẫm trên đất, tôn giả nghiêng người cẩn trọng rửa mụt ghẻ cho Ngộ Đạt. Bàn tay của tôn giả đi tới đâu thì thịt da Ngộ Đạt êm dịu tới đó. Chỉ có nước muối và một cái khăn thôi mà tôn giả đã làm dịu đi bao nhiêu đau đớn của sáu tháng đường trường. Vị quốc sư trẻ nhìn bạn rửa ghẻ cho mình một cách kính cẩn mà không biết mắt mình đã nhòa lệ. Kaniska rửa xong mụt ghẻ thì bưng chậu nước vào. Lát sau ông mang ra một chậu nước khác và một tấm khăn khác. Ông cởi áo cho Ngộ Đạt và lau tắm cho quốc sư. Rồi ông lại lau tắm cả phần dưới thân hình Ngộ Đạt. Không dám lên tiếng cản ngăn, quốc sư phải để cho bạn tắm rửa từ trên xuống dưới, ngoan ngoãn như một chú bé. Lau tắm xong, tôn giả vào lấy ra cho Ngộ Đạt một bộ quần áo sạch của chính mình, và khởi sự mặc vào cho bạn. Bộ quần áo nhẹ, thơm ngát trầm hương.
Tối hôm ấy, Ngộ Đạt được ăn cháo trắng do tôn giả Kaniska tự tay nấu lấy mời bạn. Ăn xong, ông được tôn giả đưa vào một liêu phòng có giường chiếu sạch sẽ thơm tho. Tôn giả chúc ông yên giấc và hẹn ngày mai, sau khi uống trà, sẽ cùng nhau xuống suối.
Buổi khuya, khi tiếng chuông chùa đầu tiên ngân lên thì Ngộ Đạt thấy mình không còn chờ đợi được nữa. Cả đêm mụ tghẻ lại hành hạ ông đau nhức như chưa bao giờ ông biết đau nhức là gì. Đợi cho đến sáng thì lâu quá. Quốc sư bèn quyết định mở cửa xuống núi một mình. “Chiều qua ta có nghe tiếng suối róc rách khi ngồi nghỉ dưới chân núi” quốc sư thầm nghĩ. Trời còn đầy sương nhưng Ngộ Đạt vẫn tìm thấy được con đường mòn đi xuống núi. Đi một hồi lâu thì ông lại nghe được tiếng suối róc rách. Sau đó ông đã tìm tới bờ suối.
Quỳ trên một tảng đá, ông xắn ống quần bên trái cho mụt ghẻ lộ ra. Ông thở những hơi thở thật dài, thật nhẹ và nhiếp tâm quán niệm. Đây là giòng Giải Oan Tuyền mà nước có thần lực chữa được chứng bệnh của mình. Ông tin tưởng nơi lời nói của tôn giả Kaniska. Ông niệm Phật rồi cúi xuống vốc nước trong lòng hai bàn tay để phả xuống mụt ghẻ mặt người. Nước suối tê cóng hai tay. Run run, ông làm chảy đổ hết một nửa vốc nước ra ngoài; chỉ còn có một ít nước phả trúng vào mụt ghẻ. Nhưng từng ấy nước phả vào mụt ghẻ cũng đủ làm đau nhức tận đến xương tủy, khiến ông ngã ra bất tỉnh trên bờ suối. Trong cơn mê ông thấy một khuôn mặt đỏ tía, râu ria dựng ngược; khuôn mặt nhìn thẳng vào ông, hỏi:
-- Ngươi là người học nhiều, hiểu rộng, vậy đã từng đọc sách Tây Hán Thư chưa?
Ngộ Đạt quá đỗi ngạc nhiên, nhưng vẫn gật đầu đáp:
-- Tôi có đọc.
-- Có đọc Tây Hán Thư chắc ngươi còn nhớ vụ án Viên Án và Triệu Thố chứ? Viên Án dèm pha thế nào mà khiến cho Triệu Thố phải bị chém ngang hông ở chợ Đông, ngươi có biết không? Chao ôi! Oan ức biết chừng nào. Ngươi có biết kiếp trước chính ngươi là Viên Án và ta chính là Triệu Thố hay không? Ta bị ngươi giết oan, nên đời đời đã tìm ngươi để báo oán. Tuy nhiên trong mười kiếp liên tiếp, ngươi làm cao tăng, giới luật nghiêm tịnh, do đó ta không thể nào tìm được cơ hội trả thù. Nhân trong kiếp này, ngươi được hưởng sự đãi ngộ của vua mà sinh tâm kiêu xa hao tổn đến âm đức, cho nên ta mới có cơ xen vào làm hại ngươi được. Chính ta là mụt ghẻ của ngươi. Chính ta là oan gia của ngươi đó.
Quốc sư nhìn kỹ mặt người đối diện, kinh hãi, toàn thân toát mồ hôi hột. Ông định mở miệng lên tiếng nói một điều gì, nhưng cuối cùng không tìm ra được một lời nào cho nên lại thôi. Ông thấy khuôn mặt đối diện đỏ tía kia bỗng nhiên dịu lại. Người ấy nói giọng hòa dịu hơn trước:
-- Thôi ngươi khỏi cần nói năng chi ca. Trong bao nhiêu kiếp, ta đã đau khổ vì mối oan cừu, và chính mối oan cừu đó đã dìm mãi ta vào cõi u minh dày đặc. Nay nhờ có tôn giả Kaniska đem nước tam muội từ bi mà rửa cho ta, mối oan cừu này từ đây sẽ đượccởi bỏ. Ta sẽ không còn theo ngươi để mà báo oán nữa. Phần ngươi nhờ có phước báo lớn, cho nên ngươi mới gặp được tôn giả Kaniska, được tôn giả đưa tới suối giải oan này mà rửa sạch nghiệp xưa. Thôi từ nay về sau giữa chúng ta không còn ai nợ ai nữa nhé. Hãy vốc nước lên mà rửa thêm một lần thứ hai nữa, mau lên.!
Ngộ Đạt bừng tỉnh choàng dậy. Ông lại quỳ xuống trên tảng đá bên bờ suối, cúi xuống vốc đầy nước suối trong hai tay, phả vào mụt ghẻ, gây đau nhức gấp bội lần trước. Đau thấu cả tim can, ông lại ngã ra bất tỉnh lần nữa trên bờ suối. Nhưng trong cơn mê lần này Ngộ Đạt không thấy khuôn mặt đỏ tía kia nữa. Ông cảm thấy thân tâm nhẹ nhàng, an ổn. Ông mơ thấy mình đang đi trong một khu rừng rậm một cách nhẹ nhàng, nhẹ nhàng như có cánh bay, nhẹ nhàng như một con bướm liệng trên đám cỏ. Ông thấy ông là một đứa trẻ đang chạy chơi trên cánh đồng mùa xuân, hoa tím hoa vàng nở đầy trên cỏ biếc. Ông thấy ông bơi ngửa trên một dòng sông hai mắt theo dõi mây trời xanh ngắt. Ông thấy ông là một đứa trẻ mặc áo mùa xuân, chạy chơi trên một khu đồi tuyết phủ. Trời lạnh, ông chạy vào nhà, đưa hai tay sưởi ấm trên ngọn lửa hồng, bên phải là bà ngoại ông đang khâu vá, bên trái là mẫu thân ông đang nhìn ông âu yếm. Lửa ấm quá, ông không còn có ý muốn chạy ra ngoài trời lạnh nữa. Bỗng tiếng vượn kêu gần đấy làm ông giật mình thứcdậy. Nhìn quanh, ông thấy mình đang nằm bên bờ suối, tiếng chim chóc ca hát vang cả núi rừng. Nắng đã lên tự bao giờ đang sưởi ấm mọi vật. Ngộ Đạt cảm thấy ấm áp, nhẹ nhàng, khoan khoái. Ông choàng dậy, vạch quần nhìn xuống bắp chân. Mụt ghẻ đã héo mặt, bắt đầu đâm da non. Mụt ghẻ đã lành.
Ngộ Đạt đứng dậy. Ông cảm thấy người đầy sinh lực, không cần cây gậy trúc nữa. Ông nhìn quanh tìm con đường mòn để trở lên chùa tạ ơn tôn giả Ca-Nặc-Ca. Nhưng nhìn kỹ, ông chẳng thấy có con đường mòn nào cả. Lạ quá, chính mình sáng nay đã từ con đường ấy xuống bờ suối đây mà. Nhưng quả thực là không có con đường mòn nào cả. Xung quanh ông chỉ toàn là bụi cây và tảng đá. Ngộ Đạt nhận ra một tảng đá quen thuộc không xa chỗ mình đang đứng. Đó là tảng đá trên đó chiều qua khi tới chân núi ông đã ngồi nghỉ. Ông ngước nhìn lên núi. Mặt trời ấm áp đã xua hết sương mù. Nhưng cung vàng điện ngọc của ngôi pháp vũ ở đâu, ông đưa mắt tìm mãi mà không thấy. Hai cây tùng vươn cao đọt lấp trong mây mà hôm qua ông đã thấy rõ ràng, bây giờ cũng không còn dấu vết. Tất cả những gì ông đã thấy đã sống suốt một đêm qua bây giờ đã tan biến như một giấc mộng. Ông ngồi xuống trên một tảng đá, hồi tưởng lại những diễn biến của sự việc chiều qua, từ lúc nhận ra sự có mặt của hai cây tùng, cho đến lúc tìm ra ngôi phạm vũ, gặp mặt chú tiểu đồng và hội ngộ với tôn giả Ca-Nặc-Ca. Rồi đến tuần trà, rồi đến mình được tôn giả rửa ghẻ, cho mặc một bộ quần áo nhẹ, sạch, ngát hương trầm. Ngộ Đạt nhìn lại bộ áo quần mình đang mặc. Đó vẫn là bộ áo quần mang theo sáu tháng nay từ chùa An Quốc. Ngộ Đạt thở dài, biết mối duyên kỳ ngộ tới đây đã mãn. Hướng về đỉnh Cửu Lũng, ông nghiêng mình cung kính làm lễ tôn giả Kaniska ba lần, lòng thổn thức và tràn đầy tiếc nuối.
Viện Chủ PhápVân Tự là Thích Tâm Thể cùng với hai vị đệ tử tìm đến Thiền Tự Chí Đức vào một buổi trưa nắng đẹp. Chùa Chí Đức là một thảo am nhỏ ở chân núi Cửu Lũng, nhưng phong cảnh rất tú lệ. Chủ nhân là một vị tăng sĩ điềm đạm, tuổi trên bốn mươi, pháp hiệu là Tín Cổ, ra đón ba thầy trò chùa Pháp Vân tận ngoài cây cầu gỗ bắc qua dòng suối. Những cây tùng mà vị trú trì Chí Đức trồng quanh am thuộc loại những cây tùng không rậm rạp nhưng thân cây vươn cao, thẳng tắp. Cây nào cây ấy đã lên tới mấy mươi thước, xanh tươi, hùng vĩ. Từ lâu viện chủ Thích Tâm Thể đã nghe nói có một am mây tại núi Cửu Lũng vốn không xa thiền viện Pháp Vân, và mong có dịp đến viếng ngọn núi danh tiếng, nhưng mãi đến bây giờ nguyện ước mới thành tựu. Nay được đặt chân tới chốn phong cảnh kỳ thú này, ông cảm thấy rất hài lòng. Ông đưa mắt nhìn ngọn núi hùng vĩ, đỉnh lấp trong sương mù; ngắm nhìn những thân tùng vươn thẳng lên không gian, nhìn ngôi am tự duyên dáng nấp sau cành lá và gật đầu tán thưởng.
Ngôi khách chủ vừa phân, thì trà được tiểu đồng mang lên. Tuần trà chưa cạn, khách nhận thấy trên án thư một cuốn kinh đang được chủ nhân chép dở nủa chừng. Nét bút linh hoạt. Viện chủ Tâm Thể xin phép cầm lên xem thì thấy ngoài bìa kinh có năm chữ Từ Bi Thủy Sám Pháp. Người đặt kinh xuống toan hỏi thì trú trì bản am đã nói:
-- Đây là một thứ nghi thức sám hối mà thầy tôi biên soạn. Sám pháp này chưa được lưu hành trong nhân gian, bởi lẽ đây là bản chép đầu tiên.
Viện chủ Tâm Thể hỏi, mắt không rời cuốn kinh:
-- Có phải lệnh sư là người khai sơn chùa Chí Đức? Chẳng hay danh hiệu của người là gì, đại đức có thể cho chúng tôi biết đượckhông?
Trú trì Tín Cổ nhỏ nhẹ:
-- Vâng, chùa Chí Đức là do thầy tôi khai sơn. Thầy tôi tới dựng am tại đây để an cư tu hành vào khoảng bốn mươi năm về trước. Trong thời gian Thầy còn tại thế, am này không có danh hiệu. Chỉ sau khi thầy tôi viên tịch, cảm ân đức sâu dầy của thầy, tôi mới đặt tên thảo am này là Chí Đức Thiền Tự. Ngày thầy tôi tới đây, quanh miền chưa có nhà cửa xóm làng chi hết. Nhiều năm sau khi thầy tôi dựng am mới có mấy gia đình tiều phu tới chân núi này lập nghiệp.
Viện chủ Pháp Vân hỏi thêm:
-- Ngày lệnh sư đến đây khai sơn lập am, chắc đại đức cũng đã tới một lần với người?
Trú trì Tín Cổ lắc đầu:
-- Không, thầy tôi tới núi Cửu Lũng một mình. Tôi là con trai của một người tiều phu đến lập nghiệp tại chân núi này, có duyên may được thầy tôi thu nhận làm đệ tử, hồi tôi mới có bảy tuổi, không biết chữ nghĩa gì hết. Tất cả chữ nghĩa và Phật Pháp của tôi là hoàn toàn do thầy tôi truyền dạy. Thầy tôi khen tôi viết chữ tốt nhưng tôi thấy chữ của thầy tôi mới thật là chữ có thần.
Nói xong, trú trì Tín Cổ nhắc một tập sách trên án thư trao cho Viện Chủ Pháp Vân. Đỡ lấy tập sách, viện chủ Pháp Vân nhận ra đó là bản chính của Từ Bi Thủy Sám Pháp. Hẳn đây là bản chính do tự tay soạn giả viết ra. Viện chủ Pháp Vân thấy nét chữ tung hoành diễm lệ như một đoàn phụng hoàng đang bay múa. Ông tắc lưỡi buột mình khen:
-- Chữ viết đẹp thật,đẹp thật.
Rồi ngửng lên, ông hỏi trú trì Tín Cổ:
-- Tôi tin Sám Pháp này là một sáng tác rất quý báu. Tại sao đại đức không nêu cao-danh của lệnh sư vào trang đầu để lưu truyền hậu thế? Trú trì Tín Cổ chậm rãi nói:
-- Thầy tôi không muốn ghi tên mình trên sách. Đã ẩn tích mai danh, không còn muốn cho người đời nay biết đến thì còn ghi tên mình lại cho người đời sau biết để làm gì?
Im lặng một lát, rồi vị trú trì chùa Chí Đức nói trầm ngâm:
-- Ngày thầy tôi mới đến đây, cảnh trí xung quanh thật là hoang vu. Chính thầy tôi tự tay lập am, khai phá, trồng khoai, trỉa đậu và gieo lúa... Từ thuở nhỏ, thầy tôi đâu có biết làm những việc đó. Ngày mới đến, ngồi bên bờ suối, bắp chân đau nhức, thầy tôi kiệt lực, tưởng không còn sống được...
Trong khi vị trú trì chùa Chí Đức nói thì hình bóng vị du tăng bốn mươi năm về trước từ từ hiện rõ trong ký ức của vị viện chủ chùa Pháp Vân. Phải, hồi đó viện chủ là chú tiểu Tâm Thể, mới mười sáu tuổi. Nét mặt đoan nghiêm ấy, phong thái uy nghi ấy, chiếc áo bạc nầu ấy và cái mùi tanh tưởi ấy... Thì ra vị dut ăng ngủ dưới mái tam quan ngày xưa chính là người đã khai sơn chùa Chí Đức này. Viện chủ Pháp Vân đứng dậy chắp tay thành kính nói:
-- Bạch đại đức, lệnh sư đã từng ghé thiểm tự và tá túc một đêm, cách đây bốn mươi năm về trước. Chính bần tăng đã được hân hạnh múc nước cho người rửa mặt và dâng cháo cho người đỡ dạ. Đối với Chí Đức,Pháp Vân tuy cách nửa ngày đường nhưng là ngôi chùa gần gũi nhất, do đó chúng ta còn có nhiều dịp qua lại cùng nhau. Xin đại đức niệm tình xưa mà cho bần đạo biết cao danh của lệnh sư, người mà bần đạo đã đem lòng quý mến từ ngày gặp gỡ.
Thấy dáng điệu viện chủ Pháp Vân trang trọng và khẩn thiết, trú trì Tín Cổ vội đứng dậy chắp tay thi lễ, đáp:
-- Xin viện chủ an tọa, đừng lễ nghi quá mà chúng tôi thất đức, tội nghiệp. Chúng tôi sẽ không dám dấu diếm Ngài. Trời đã chiều, đêm nay thế nào viện chủ cũng phải ngủ lại thảo am Chí Đức. Chúng ta sẽ đốt nến nói chuyện. Tôi sẽ kể cho viện chủ nghe hết câu chuyện của thầy tôi,vâng, chúng tôi sẽ không dám dấu diếm điều gì.
Đêm đã khuya, nhưng trú trì Chí Đức và viện chủ Pháp Vân vẫn còn thức. Hai ngọn bạch lạp yên lặng cháy trên án thư. Các vị đệ tử đã đi nghỉ từ lâu. Rừng núi bên ngoài yên lặng quá. Sau khi kể cho viện chủ Pháp Vân nghe về cuộc đời của quốc sư Ngộ Đạt từ khi gặp gỡ tôn giả Kaniska lần đầu cho đến khi vốc nước rửa lành mụt ghẻ bên dòng Giải Oan, trú trì Tín Cổ đằng hắng một tiếng lấy giọng và tiếp:
-- Cảm ơn đức sâu dày của tôn giả Ca Nặc Ca, thầy tôi từ đấy nguyện ở lại núi Cửu Lũng để an cư hành đạo. Người bẻ cây che thành một túp lều trú ngụ ngay tại nơi này. Rồi người đi tìm rau, hái quả, ăn rau trái và uống nước suối để tu hành. Kiến thức Phật Pháp bây giờ không còn dùng để luận kinh giảng đạo nữa, mà để tham thiền đạt ngộ. Dần dần, gặp gỡ một vài người tiều phu vào núi kiếm củi, thầy tôi xin được hạt giống rau đậu,một cây rựa chặt củi và một lưỡi cuốc xới đất. Thầy tôi sống như vậy mà an lạc gấp ngàn lần hồi còn làm quốc sư tại kinh đô. Sau khi được thầy tôi chấp nhận làm đệ tử, tôi đã ra công phát triển khá rộng khu vườn quanh am, và từđó hai thầy trò không còn thiếu thốn thực phẩm nữa. Thì giờ rảnh rang, tôi đi đốn củi và nhờ gia đệ gánh về chợ bán, lấy tiền mua giấy bút để bắt đầu học tập. Thầy tôi từ khi có giấy bút cũng bắt đầu trướcthuật... Người viết ra nhiều tác phẩm, nhưng Từ Bi Thủy Sám Pháp là tác phẩm người viết ra sớm nhất. Sám Pháp này sở dĩ lấy tên là Từ Bi Thủy đó cũng vì thầy tôi nhớ lại nước suối từ bi mầu nghiệm của tôn giảCa Nặc Ca đã rửa sạch oán thù, giải được mối oan kết cho người. Thầy tôi hành trì Sám Pháp này trong nhiều mùa kiết hạ. Thầy tôi dặn tôi nhiều lần:
-- Tu học là để giải thoát chớ không phải để tìm cầu danh lợi. Tôi hiểu lời giáo huấn đó, bởi vì tôi được thầy tôi kể cho tôi nghe về những chuyển biến trong cuộcđời của Ngài. Thầy tôi còn dặn đừng tiết lộ chuyện này cho ai biết. Đáng lý ra, tôi phải vâng lời thầy tôi. Nhưng đêm nay, tôi thấy tôi không thể nào giữ được câu chuyện to lớn đó cho một mình tôi. Tôi thấy tôi không đủ sức. Tôi không hiểu tại vì sao. Có lẽ vì viện chủ là một người đã từng được gặp gỡ thầy tôi, và như vậy, đối với tôi, ngài là một người tri kỷ. Ngồi trước viện chủ tôi có cảm tưởng gần gũi thầy tôi. Kể cho viện chủ nghe rồi, tôi có cảm tưởng tôi sẽ không có nhu cầu kể cho một người thứ hai nào nghe nữa. Bây giờ, sau khi đã cho viện chủ biết hành trạng của thầy tôi, tôi thấy nhẹ hẳn người. Thôi đêm đã quá khuya, tôi xin đưa viện chủ vào liêu phòng an nghỉ. Tôi đã sắp sẵn chiếu mền. Sáng mai, tôi sẽ đưa viện chủ đi viếng tháp thầy tôi và sẽ trình viện chủ những tác phẩm mà người để lại
Nằm trên giường, viện chủ chùa Pháp Vân thao thức không ngủ. Ngoài kia chắc sương phủ hết miền thung lũng núi Cửu Lũng. Các loài cầm thú trong rừng có ngủ không, mà sự im lặng của núi rừng có vẻ linh hoạt thế này? Bốn mươi năm là nhiều hay ít? Bốn mươi năm qua ta đã làm gì? Học Phật, chấp tác, ngồi thiền, giảng kinh, thuyết pháp. Từ một chú tiểu mười sáu ta đã lớn lên, vượt tiến, để bây giờ làm viện chủ một thiền viện. Bốn mươi năm bó chân, để cho sự việc ở chân núi Cửu Lũng đi qua như nước chảy dưới cầu. Đột nhiên chú tiểu Tâm Thể sống dậy, hai mắt ướt đẫm. Mình đã có duyên mang chậu nước nóng cho quốc sư, nhưng mình đã không có duyên rửa ghẻ cho quốc sư như tôn giả Ca Nặc Ca. Đột nhiên chú tiểu Tâm Thể không muốn làm viện chủ nữa. Đột nhiên chú tiểu Tâm Thể không muốn bị ràng buộc trong những giao tiếp phiền toái “bạch đại đức, thưa viện chủ, khải Hòa Thượng...” nữa . Làm viện chủ thì lấy đâu cơ hội trồng rau, trỉa bắp, đốn củi và đi du hành kịp thời đến chân núi Cửu Lũng. Núi Cửu Lũng nào đâu có xa xôi gì đâu, chỉ nửa ngày đường. Ấy thế mà phải đợi bốn mươi năm mới tìm tới được. Chậm quá còn gì. Họa chăng có tiếng suối thầm thì. Viện chủ Pháp Vân, à không, chú tiểu Tâm Thể lắng tai, cố ý nghe. Quả có tiếng suối róc rách, càng lúc càng nhỏ, càng lúc càng mờ ảo. Và trong cơn mơ, chú thấy hai cây tùng vươn cao, hùng vĩ trên sườn núi Cửu Lũng, đọt tùng lẫn khuất trong mây. Hai cây Sequoia Semperirens cao ngất từng không.
(1) “Chỉ tại thử sơn trung, vân thâm bầt tri xứ” -thơ của Giả Đảo.
Nhất Hạnh



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 935

Return to top