Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> HÀNH HƯƠNG THIÊN TRÚC

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 8947 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

HÀNH HƯƠNG THIÊN TRÚC
Huỳnh Trung Chánh
Tùy bút đã viết nhằm mục đích chia xẻ với bạn đọc cảm nghĩ
trung thực của tác giả trong chuyến hành hương đất Phật.
Ðây không phải là một tài liệu về Phật tích
nên các chi tiết kể lại có thể không chính xác.

Ước mơ một chuyến viễn du về miền Thiên Trúc đã manh nha trong đầu óc trẻ thơ ngay từ khi tôi còn là một học sinh tiểu học đam mê truyện Tây Du huyền hoặc. Tôi cũng mong được như Tề Thiên tu luyện thành thục bảy mươi hay phép thần thông biến hóa thừa khả năng phò đường Tam Tạng vượt núi băng rừng tiêu diệt lũ ma hầu đến Lôi Âm tự thỉnh kinh về nước. Lớn lên, không còn tin tưởng chuyện huyền hoặc, nhưng niềm ước mơ về chuyến Tây Du của tôi chẳng những không bị thui chột, mà trái lại đã có phần thâm thiết hơn: Tôi là một người con Phật.
Tuy nhiên vì sinh sống ở vùng sa mạc nắng cháy, thiếu vắng tin tức sinh hoạt phật sự của người Việt tại sứ người, nên tôi chẳng hay biết gì về các chuyến hành hương đã tổ chức, giấc mơ Tây Du của tôi lần lần trở nên vô vọng. Mùa hè qua, do một nhân duyên đặc biệt tôi đến Houston (Texas), thăm chùa Việt Nam, rồi may mắn ghi danh tham dự chuyến hành hương mười tám ngày trên đất Phật do thầy Viện chủ hướng dẫn. Phái đoàn đã đến Tân Ðề Ly ngày 03.10.98, nhưng thay vì lên đường chiêm bái Phật tích ngay, công ty du lịch lại vẽ vời ra chuyến viếng thăm hai ngày tại vùng lăng tẩm Taj Mahal, cùng các đền đài cung điện Agra Fort và Itmad-ud-Daulah tại thành phố Agra, cố đô của họ. Người Ấn rất tự hào về di tích lịch sử nầy và cho rằng đây cũng là một kỳ quan thế giới. Ðối với hành khách hành hương như tôi, thì công trình đó tuy vĩ đại kiêu kỳ nhưng chỉ tiêu biểu cho lòng dạ tàn ác của các bậc quân vương đã áp bức đầy đọa dân lành xây dựng những kiến trúc to tát chỉ nhầm thỏa mãn tham vọng ngông cuồng của họ mà thôi. Bao nhiêu thân xác, bao nhiêu mồ hôi nước mắt, bao nhiêu tài sản… của dân đã đánh đổi cho những đền đài cung điện vô nghĩa đó. Vô nghĩa như chúng tôi đã phí phạm hai ngày quí giá trên đất Phật để tham quan một chuyện không đâu.
Chẳng biết công ty du lịch tổ chức như thế nào mà 11 vị xuất ngoại bằng Reentry Permit, trong đó có 3 tăng ni, phải trở lại thủ đô điều chỉnh chiếu khán nhập nội và đành bỏ dở hai địa điểm hành hương đầu tiên. Thành phần còn lại được đưa đến thành phố Lucknow bằng chuyến đi xe lửa đêm gian nan như một chuyến vượt biên. Xe bus đưa chúng tôi đi chậm chạp trên con lộ lưu thông cản trở bởi đoàn người lũ lượt túa ra đường hành lễ ồn ào, với những tiếng la hét, pha lẫn với tiếng pháo hay tiếng súng đì đùng. Ðến nhà ga khi trời vừa sụp tối, hướng dẫn viên cho biết đây là khu vực kém an toàn, tất cả phải ngồi yên trên xe, màn cửa che kín lại … nên thần kinh đã bắt đầu căng thẳng. Thế rồi, cả đám cứ lẳng lặng chờ đợi và chờ đợi hàng hai giờ hướng dẫn viên mới liên lạc được toán phu khuân vác hành lý, đoạn thông báo phái đoàn chuẩn bị rời xe bus. Trời tối, chúng tôi phân tán thành nhóm nhỏ, dắt díu nhau bươn bả theo phu khuân vác mà thấp thỏm âu lo: Vừa sợ thất lạc, vừa sợ mất hành lý, vừa sợ kẻ gian manh rình rập ở hóc hẻm nào đó. Hú hồn hú vía chúng tôi đến được sân ga không mất nhân mạng nào. Sân ga đầy người, kẻ bệnh hoạn đói rách nằm la liệt, khiến cho cháu Hiếu cảm động thương người nghèo khổ mà nước mắt đầm đìa. Ðến đây, phái đoàn bị tách thành hai toán nam và nữ riêng rẻ để sẽ lên hai toa tàu khác nhau. "Thân ai nấy lo, hồn ai (đúng ra là hành lý và passport của ai) nấy giữ", khi tàu vừa dừng thì phải leo lên nhanh, kẻo bị bỏ lại là tiêu đời. Chờ đợi cả giờ, chiếc tàu hỏa mới lầm lì trờ tới. Thế là chúng tôi phải ùa nhau chen chúc lên tàu, đứng lắc lư chịu trận. Trông ngóng thêm một thời gian dài nữa, người hướng dẫn mới tìm đủ cho mỗi người một cái giường, loại giường đôi "hẹp té" trong phòng bốn người có máy lạnh và màn che. Dù vậy tôi chẳng làm sao chợp mắt được, chỉ e lơ là đến trạm Lucknow mà chẳng hay thì biết ú ớ kêu réo ai đây? Cuối cùng vào khoảng bốn giờ sáng, tức là sau 10 tiếng đồng hồ cực nhọc (6 giờ chờ đợi, 4 giờ di chuyển) cho một đoạn đường dài "vô tận" chừng 150 dậm, chúng tôi cũng đến nơi. Chúng tôi lại cũng hồ hởi dắt díu nhau tìm đến được chiếc bus của công ty du lịch an toàn.
CHIÊM BÁI KỲ VIÊN TỊNH XÁ
Phái đoàn được đưa đến khách sạn tạm dừng chân đôi giờ để ăn sáng và chỉnh đốn lại dung nhan tàn tạ, rồi tức tốc khởi hành đi đến quận Balrampur, một khoảng đường 190 cây số và ước lượng phải kéo dài hơn bảy giờ lái xe. Từ đó, chúng tôi sẽ đi chiêm bái thánh tích đầu tiên: Kỳ Viên Tịnh Xá. Xe lăn bánh chông chênh trên con đường bụi bặm nhỏ hẹp và loan lổ ổ gà, giữa hai hàng cây chằng chịt giây leo, lùm bụi um tùm trông hoang dại mà lại hấp dẫn lạ lùng. Ðôi khi xe len lỏi giữa hai hàng cây giao cành rợp bóng rất thơ mộng, nhưng lắm lúc, xe lách sát lề, tàn nhẫn tuôn đám bụi mù mịt vào những căn chòi lá trống trải, chẳng tiếc thương gì đám người gầy còm đang ngơ ngáo nhướng mắt đau thương chịu đựng. Ðiển đặc biệt là dù túp lều lớn nhỏ như thế nào, mái lá cũng che phủ bởi những giây bầu bí trổ bông vàng rực rỡ, đối nghịch với tấm phên vách trét đầy những bệt phân bò in dấu bàn tay u ám, nên trông vừa bi thảm vừa đượm nét dễ thương. Dọc hai bên đường là hai hàng mương nhỏ nhấp nhô những khóm súng khoe khoang những chiếc bông trắng xinh tươi … tiếp nối bởi cánh đồng ruộng mông mênh, và lác đác đây đó từng đàn cò trắng thong dong lui tới. Thỉnh thoảng, chúng tôi cũng thấy xuất hiện xa xa những khóm nhà ngói xinh xắn lấp ló sau bụi tre, bụi chuối, cây bưởi, cây xoài… cảnh tượng hao hao như thôn xóm quê nhà, khiến tôi chạnh lòng nhớ nước mà thoáng nao nao.
Quá trưa, xe bus đưa chúng tôi đến khách sạn Travotel Maya để dùng cơm và nghĩ ngơi. Khách sạn này có treo tượng Phật khá đẹp ngay phòng tiếp tân. Thấy tượng, ai cũng hân hoan, bởi lẽ, kể từ khi đặt chân đến nước Ấn đến nay có bao giờ chúng tôi lại được trông thấy bất cứ điều gì dính dáng đến đạo Phật đâu. Ðến bốn giờ, chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình. Xe bus vừa rời khu phố lèo tèo, xuyên qua những cánh đồng lúa bao la, thì tôi liền thấy xuất hiện mấy đầm sen thật lớn, hoa màu hồng nhởn nhơ tươi thắm. Tôi thèm được ngắm nhìn, được hái những đóa sen cúng Phật, nhưng tôi vốn là một đoàn viên lặng lẽ hòa hợp với mọi người, nên dẫu lòng rất mong muốn, mà ngại ngùng chẳng dám chộn rộn mở lời. Chặng đường 17 cây số thật ngắn, chỉ trong một khắc, Kỳ Viên tịnh xá đã hiển hiện rõ ràng và nhiệm màu trước mắt tôi; nhiệm màu vì tôi biết chắc đây là sự thật chớ chẳng là mơ nữa. Tôi xúc động nghẹn ngào, rồi bỗng dưng tôi có cảm giác lạ lùng là vùng thánh địa nầy rất thân thương và đã gần gũi quen thuộc với tôi tự kiếp nào. Có kiếp nào đó tôi đã hành hương hay sinh sống chốn nầy? Hay cảm giác quen thuộc đã bắt nguồn từ những nét tương đồng của vùng ruộng lúa nầy với miền Nam, quê hương tôi? Hoặc giả, cũng có thể vì tôi vốn một lòng quy ngưỡng pháp môn Tịnh Ðộ, mà Kỳ thọ Cấp cô Ðộc viên chính là đạo tràng mà Ðức Phật đã thuyết kinh A Di Ðà, nên niềm tha thiết kính yêu đó đã sẳn ấp ủ trong tâm khảm tôi tự bao giờ rồi?
Ý thức rõ rệt chốn nầy ngày xưa Ðức Phật đã đặt vết chân, tôi bước từng bước thật chậm, ước mong rằng mình sẽ noi dấu chân Phật, không phải chỉ riêng trong ngày hôm nay, mà thầm nguyện sẽ trung kiên bền bỉ "theo dấu chân của người" suốt kiếp nầy và mãi mãi về sau. Tôi thả tầm mắt nhìn thật xa, quan sát tổng quát diện tích tịnh xá. Kỳ Viên ngày xưa quả là một đạo tràng khang trang tao nhã có điều kiện dung chứa hàng ngàn tu sĩ và cư sĩ quy tụ về tu tập. Ngày nay, có lẽ chánh phủ Ấn vẫn giữ nguyên diện tích cũ rồi tái thiết như một công viên, với những thảm cỏ xanh tươi, hàng bông dọc theo lối đi xinh xắn, cây kiểng tươm tất cắt tỉa…, tuy nhiên, họ cũng giữ lại nhiều cây cổ thụ cùng vài lùm bụi rậm rạp cho tương xứng với nền gạch đá rong rêu, nên bên cạnh vẻ đẹp tân thời cũng hiển hiện được nét cổ kính của ngàn xưa.
Chúng tôi dừng lại tại cây Bồ Ðề A Nan để chân thành hành lễ Phật. Cây Bồ Ðề cằn cỗi nầy do Ngài Mục Kiền Liên chiết nhánh từ cây Bồ Ðề mẹ ở Bồ Ðề Ðạo Tràng về trồng, theo thỉnh nguyện của Ngài A Nan, hầu tứ chúng dùng là điểm tựa hướng về Ðức Phật. Theo gương người xưa, tôi chiêm ngưỡng cây Bồ Ðề mà tưởng tượng như Ðức Phật đang hiện hữu thuyết kinh A Di Ðà. Tôi phủ phục lễ lạy và cảm thấy một niềm vui mênh mang tràn ngập… Lễ Phật xong, chúng tôi tiếp tục chiêm bái rất nhiều nền móng tự viện, tăng xá, nền tháp, hồ nước, giếng nước… rải rác khắp nơi. Chúng tôi muốn quan sát thật lâu, xăm xoi từng địa điểm một, thế nhưng, mới lẫn quẫn hơn phân nửa khuôn viên thì ánh dương bắt đầu nhạt dần. Rồi chỉ trong khoảnh khắc, bóng tối tràn ngập, không ngắm nhìn chi được nữa, nên đành lủi thủi ra về.
Ðêm ấy, cảm giác tiếc nuối ám ảnh tôi mãi, nên vừa chợp mắt ngủ tôi liền chập chờn vào mộng. Tôi thấy mình đi như bay đến đầm sen bao la, tôi định hái một búp sen nhỏ nhưng ngần ngừ chưa dám tự tiện. Bỗng nhiên, ngay lúc đó tôi thấy có một người Ấn quý phái, tuổi trung niên xuất hiện, cầm đóa hoa trao tôi, mĩm cười lên tiếng: "Biết con ưa thích sen, nên ta dành sẵn con đóa nầy". Tôi lí nhí cám ơn nhưng chưa kịp hỏi hang thì người lại nói: "Con hãy đi theo ta!" Thế là người nắm tay tôi dẫn đi thoăn thắt vào Tịnh Xá, đến cái nền chùa khá lớn nằm về phía bắc cây Bồ Ðề A Nan chừng năm mươi thước rồi bảo: "Ngày xưa, Ðức Phật ở Tịnh Xá nầy. Con nên lễ Phật tại đây!" Tôi vừa dâng hoa lễ Phật xong, thì người Ấn trung niên lại vỗ vai tôi, nói: "Lòng dạ con chân thành! Ðáng khen lắm!" Tôi thấy ông ta tốt bụng nên rất có cảm tình, nhưng ông ta trẻ tuổi hơn tôi mà cứ tự coi là bậc trưởng thượng mãi khiến tôi đâm ra khó chịu, nên vội đính chánh: "Tôi không nhỏ tuổi như ông tưởng đâu! Tôi đã gần sáu mươi tuổi rồi đó!"
Anh ta cười như bỡn cợt, rồi chẳng "đếm xỉa" gì lời phản đối của tôi, vẫn tiếp tục giọng kẻ cả:

Thế à! Vậy thì ta xưng hô với con cách nào cho đúng vai vế đây!
Tôi chán nãn chực bỏ đi, nhưng thốt nhiên, vừa nghe tiếp câu kế, tôi liền thay đổi ngay thái độ thiển cận của mình.

Hà! Hà! Ta ra đời trong một gia đình theo truyền thống Phật giáo Nhất thiết hữu bộ cách nay hơn 800 năm tại thành Xá Vệ nầy. Thuở bình sinh ta vốn thiết tha tìm hiểu Phật Pháp, nhưng dạo đó, đạo Phật tại đây đã bắt đầu suy đồi, nên ta phải rời quê nhà đến thành Vương xá, tu viện Na Lan Ðà xin tu học. Sau ba tháng khảo nghiệm thử thách, ta được trưởng lão Tu Ðề Ðà La thu nhận làm xuất gia đệ tử, và cho nhập viện. Nhờ vậy, ta có cơ duyên học hỏi đủ loại kinh điển và tư tưởng của mọi tông phái Phật giáo, nhất là ngành Duy Thức, ngành mà ta vốn quý trọng đặc biệt. Một hôm có tin dữ đưa về tu viện, cho biết một đoàn quân sát máu Hồi giáo do chủ soái Mohammed Bakhtiyar Khizi lãnh đạo đang tiến về Vương Xá. Nhằm chủ trương tiêu diệt tôn giáo khác, đoàn quân nầy thẳng tay đốt phá kinh sách, tự viện và giết sạch không chừa một tu sĩ Phật giáo nào cả. Dù vậy, tuân phục theo lời khuyên dại của Hội đồng Trưởng lão: "Chuyện gì đến sẽ đến, nếu phải chết thì cũng vừa đúng lúc, không có gì phải sợ hãi cả", hầu hết tăng chúng thường trú – trên mười ngàn người – đều giữ thái độ trầm tĩnh tu học như thường lệ… Thế nhưng, ta cùng một số rất ít người không tán thành giải pháp đó. Chúng ta viện lẽ rằng tăng sĩ cũng có cần phải sống cho Phật giáo mai sau được tồn tại. Vì vậy, ta đã lặng lẽ cỡi áo tu sĩ, lẻn đến làng Kolika ẩn trốn tại một nhà nông dân, và thấp thỏm lo âu chờ đợi. Và diễn tiến đã xảy ra như sử sách đã ghi rõ: toàn thể tu sĩ bị tàn sát máu chảy thành sông, tu viện bị đập phá san bằng, kinh luận bị thiêu hủy cháy sáng rực cả một góc trời. Sau đó, chúng lại cẩn mật bủa lưới lục soát chặt chẽ khắp nơi, không chừa hóc hẻm thôn xóm hay núi rừng nào… để bắt giữ tất cả số tu sĩ lẻ tẻ còn sống sót đang lẫn tránh. Ta cũng sa cơ trong đợt nầy. Bọn nhát gan chúng ta được chiêu dụ là nếu chấp nhận từ bỏ đạo Phật, tận tụy phục vụ đạo mới thì sẽ toàn mạng, và do đó, chỉ tạm bị tập trung giam giữ để thanh lọc tư tưởng. Sống sót đến giờ phút nầy ta mới nhận chân rằng thà chịu chết ngay lúc đầu, có lẽ còn dễ chịu hơn trốn tránh để lãnh lấy nỗi đớn đau tủi nhục nầy. Vì vậy ta thầm thề sống chết với đạo, nguyện sẽ can cường tu tập dù gập nghịch cảnh khó khăn thế nào. Tuy nhiên, ở trại tù tập trung nầy, với người cùng cảnh ngộ còn không dám hở môi huống hồ có thể lễ bái, tụng niệm kinh điển hay hành thiền. Do đo,񍊣ũng như mọi người, ta đành ngậm câm như hến để đè nén nỗi điên cuồng cứ chực nổ tung. Chẳng biết do duyên phước nào, mà ta bỗng nhớ lời Ðức Thế Tôn dạy trong kinh Ðại Tập là trong thời mạt pháp, chỉ cần nương theo pháp môn Niệm Phật tu tập là thoát nẻo luân hồi. Ta tức thời nhất tâm niệm lục tự Di Ðà để cầu vãng sanh về cõi Tây Phương Cực Lạc. Ta biết thời giờ đã cấp bách, nên dứt khoát buông bỏ hết ngoại cảnh ngoại duyên, một lòng một dạ chí thành niệm Phật A Di Ðà ngày đêm không ngơi nghỉ, mà không hề thấy mệt nhọc. Ðến ngày thứ bảy, bọn chúng mang ta ra tra vấn. Chúng vặn hỏi ta ba lần rằng có chịu bỏ đạo Phật chăng, mà ta vẫn im lìm miệt mài niệm Phật không trả lời, nên chúng giận đâm ta một nhát gươm ngã gục. Ta chưa chết liền, nên vẫn thều thào tiếp tục niệm Phật với lòng thanh thản không chút hận thù. Thế rồi, bỗng nhiên ta thấy Tam Thánh hiện đến, rước ra về cõi Cực Lạc trung phẩm trung sanh. Nhờ tam Thánh dắt dìu, chẳng bao lâu ta đắc quả vị bất thối, từ đó, ta có thể tùy theo bản nguyện độ tận chúng sanh, mà thọ hiện làm dạ thần vườn Kỳ Viên để bảo hộ vùng đất Phật nầy cho cây cỏ thêm xanh, sen thêm thắm, và khách hành hương tăng trưởng đạo tâm…
Tôi quỳ xuống lại người cầu xin sám hối. Khi đứng dậy thì thấy người đã từ từ rời bước, tôi vội lúp xúp chạy theo đến đầm sen. Chao ôi! Lạ quá! Cái đầm sen giờ đây mênh mông như biển cả, còn hoa sen cũng to lớn và đẹp đẽ phi thường. Thấy tôi mê mẩn ngắm nhìn, người lên tiếng: "Con thích giống sen nầy không? Nếu thích, con hãy phát bồ đề tâm gieo hạt rồi chân thành tưới tẩm bằng tín hạnh nguyện, thì lo gì chẳng có lúc nở hoa!" Dứt lời, người biến mất, đầm sen mờ nhạt… Tôi còn đang ngẩn ngơ, thì bỗng nghe tiếng điện thoại đánh thức reo vang…
CHIÊM BÁI VƯỜN LÂM TỲ NI
Ðúng bảy giờ sáng, chúng tôi lên đường tiến về biên giới nước Nepal, một khoảng đường dài ước chừng 80 cây số đang ở trong tình trạng hư hổng trầm trọng. Con đường nhựa biến dạng nhường chỗ cho lỗ hang ngự trị. Có những "ổ đà điểu" to đến nỗi chiếc bus rống lên từng hồi chật vật lê lết, mà có lần trợt lên trợt xuống vẫn không nhúc nhích được, thế là hành khách đành xuống xe "cuốc bộ" một khoảng ngắn. Ðây là cơ hội tốt giúp tôi có lý do chánh đáng để la cà quan sát sinh hoạt của một xóm nhỏ miền quê: Một lớp học không bàn, không ghế, tổ chức ngoài trời cho trẻ con. Dân quê chốn nầy nghèo xác xơ, nhà cửa tồi tàn không lành lặn thì làm sao có đủ khả năng gầy dựng nổi ngôi trường tươm tất. Nhìn đám trẻ thơ ngây áo quần lôi thôi, không nón không giầy, thiếu thốn bút mực sách vở… ngồi bẹp dưới đất học hành, mà thương quá là thương!
Chúng tôi đến trạm kiểm soát biên giới vào khoảng quá trưa, nhưng phái đoàn thì đông người, mà nhân viên phụ trách chiếu khán nhập nội lại xem xét quá ư cẩn thận, thành thử chúng tôi đành phải chờ đợi ròng rã ba tiếng đồng hồ để hoàn tất thủ tục cần thiết. Do đó, mãi đến bốn giờ, chúng tôi mới đặt chân đến được vườn Lâm Tỳ Ni. Bước vào cổng, thoạt thấy một gian nhà lụp xụp tôi ngỡ là nhà kho chứa vật dụng phế thải, đến chừng tìm hiểu thì mới biết đó là nơi tạm làm đền thờ hoàng hậu Maya, đền thờ cũ đang được trùm kín lại chờ tu bổ. Phía trong đền có bức phù điêu cổ, nét chạm linh động diễn tả cảnh hoàng hậu đang giơ tay vịn cành Vô Ưu và Ðức Phật vừa đản sanh. Tôi ngậm ngùi rời chốn thờ phượng ảm đạm nầy, để đi vào bên trong khuôn viên. Cảnh vật ở đây cũng xơ xác điều hiu không kém. Ôi! Lâm Tỳ Ni ngày xưa nổi tiếng là ngôi vườn tao nhã, mà ngày nay điêu tàn chẳng còn có một cụm hoa. Trụ đá A Dục thì hư hoại mất đỉnh, đền Maya u ám phủ che, nền tự viện xưa rêu rong đổ nát. Có lẽ, chỉ có hồ nước tắm Phật còn gắng gượng giữ được nét nên thơ hầu cây Bồ Ðề trơ trọi có nơi soi bóng. Tôi phân vân tự hỏi: "Nếu không thể kiến tạo Lâm Tỳ Ni thành một ngôi vườn xinh xắn hoa lá xum xuê, thì tại sao những vị có trách nhiệm không thể trồng nổi một cây Vô Ưu?" Sự hiện hữu của cây thiêng liêng nầy, dù sao cũng gợi lại chút hình ảnh ngày đản sanh, lại vừa mang lại màu xanh tươi mát cho cả khu vườn.
Rời Lâm Tỳ Ni trong niềm chua xót không nguôi, chúng tôi hấp tấp tìm đến ngôi chùa Việt Nam của thầy Huyền Diệu. Thăm được thầy, hàn huyên năm ba câu, chưa vào chùa lễ Phật thì người hướng dẫn đã hối thúc lên đường với lý do là biên giới sẽ đóng cửa đúng 7 giờ.
CHIÊM BÁI CÂU THI NA
Xe bus đưa chúng tôi trở lại Ấn Ðộ, nghỉ đêm tại một khách sạn rất bình dân tại tỉnh Gorakpur. Sau một đêm làm quen với dán và chuột, chúng tôi vội vã lên đường khi trời chưa sáng. Theo lộ trình, xe bus đi ngang khu rừng cây thuộc thôn Pava để chúng tôi thoáng nhìn địa điểm mà ngày xưa Ðức Phật nhận thọ thực lần cuối cùng, một bát cháu nấm heo rừng do người đốt than tên Thuần Ðà (Chunda) dâng cúng; rồi tiếp tục đi đến làng Câu Thi Na (Kushinagar), nghỉ ngơi tại khách sạn Lotus Nikko. Từ đây cách thánh tích Ðức Phật nhập Niết Bàn chỉ độ chừng năm trăm thước, nên chỉ vài giờ sau, chúng tôi đã sẵn sàng đến nơi để khởi đầu cho một ngày chiêm bái. Khu vườn nầy tương đối được chăm sóc khá tốt, cây cảnh xanh tươi…, ngoài ra một ngôi đại tháp, một ngôi chùa cũng được trùng tu theo mô hình xưa, nên toàn khuôn viên có vẻ đẹp vừa trang nghiêm vừa cổ kính. Có điều lạ, là cảnh tuy đẹp nhưng bầu không khi ở đây lại buồn tênh ảm đạm lạ lùng. Có lẽ cái buồn tự ngàn xưa vẫn còn lẩn khuất đâu đây. Tự nhiên, ai ai cũng trầm lặng, từng bước theo nhau vào chùa Niết Bàn để hành lễ và chiêm ngưỡng tượng Phật nhập diệt – tượng dài 6 thước, đầu hướng về phía Bắc, mặt nghiêng về hướng Tây; đây là một tuyệt tác điêu khắc từ thời đại Gupta, đã tồn tại một cách nhiệm mầu dưới những lớp gạch vụn. Tham dự nghi lễ trang nghiêm, chấp tay đi nhiễu quanh pho tượng Phật linh động như hiện thực, chúng tôi ai cũng xúc động, nhiều vị đã đầm đìa giọt lệ. Rời ngôi chùa cổ kính, tôi chiêm ngưỡng ngôi đại bảo tháp hùng vĩ, rồi trầm ngâm ngắm hai cây Sa La còn sót lại tại địa điểm Phật thị tịch ngày xưa. Ngày xưa chốn nầy là rừng Sa La, vào thời Ngài Huyền Trang chiêm bái chỉ còn bốn cây, đến giờ nầy mà vẫn còn tồn tại hai cây là quý giá vô song rồi. Sa La là một loại cây một gốc hai thân vì từ một thân cây tẽ ra hai nhánh đồng nhau, trông như hai cây mọc sát bên nhau nên gọi là Sa La, dịch nghĩa là Song Thọ, đẹp nhất là cây hướng Ðông Nam có ra hai nhánh rất tương xứng, ở xa nhìn cứ như là hai cây. Tôi bỗng nhớ đến truyền thuyết rằng ngày xưa khi Ðức Phật thị tịch giữa bốn cây Sa La Song Thọ, thì bốn cây Sa La nầy một thân vẫn tươi tốt nở hoa, còn thân kia thì khô héo tàn tạ; thân tươi rụng hoa, thân héo rụng lá phủ lên kim thân của Ngài. Bốn thân tươi tượng trưng cho thường lạc ngã tịnh và bốn thân héo tượng trưng cho vô thường vô lạc vô ngã vô tịnh. Tôi thầm nghĩ chính cái vô thường chuyển biến mới tỏ rạng nghĩa chân thường, thì ra, tương tợ như cây Sa La thường là vô thường tuy hai mà một, tuy một mà hai.
Rời thánh tích Phật nhập Niết Bàn, phái đoàn ghé thăm chùa Linh Sơn, do sư cô Trí Thuận trụ trì. Ði đến xứ lạ, gặp được chùa Việt, nói tiếng Việt "thả dàn", lại được sư cô đãi cho tô mì gói rau muống, nên ai nấy đều cảm thấy vui vẻ hả hê.
Từ giã chùa Linh Sơn, phái đoàn đi chiêm bái địa điểm làm lễ trà tỳ nhục thân Ðức Phật. Thánh tích được người xưa đánh dấu bằng một ngôi tháp vĩ đại. Ngày nay, tuy phần đỉnh đã bị thời gian soi mòn nhưng tháp vẫn còn tồn tại và được bảo quản thành một công viên có cảnh cây tươi đẹp. Phái đoàn đến trước bảo tháp hành lễ giữa cơn nắng điên dại ban trưa. Cơn nắng chói chang hôm ấy có lẽ còn được cộng thêm bởi sức nóng của lò thiêu năm xưa vọng lại nên có độ nóng thật kinh khủng, do đó, dù cố gắng hết sức, sau hai mươi phút chịu đựng, tôi bắt đầu giải đãi mong cho chóng xong. Ra về, leo lên xe máy lạnh tôi khỏe ra, nhưng từ lúc đó thì niềm hổ thẹn cứ canh cánh bên lòng. Trong khi trằn trọc dỗ giấc ngủ, bỗng nhiên tôi tưởng tượng ra hình ảnh Ðức Phật, đầu trần, chân đất, áo mong manh… đang từ tốn bước từng bước dưới cơn nắng thêu đốt, không phải chỉ một giờ, một ngày, mà đã bền bỉ liên tục từ năm nầy đến năm khác…, cho đến ngày cuối cùng trên cuộc đời. Ôi! Ðức Thế Tôn thật là hy hữu! Lòng nhân từ của Ðức Thế Tôn không ngằn mé, nên người đã chọn đời ngũ trược ác thế của cõi Ta Bà để thị hiện thụ tập thành tựu đạo quả, rồi lại cũng vì chúng sanh mà chịu vô vàng khổ cực để hoằng hóa cứu độ. Nghĩ đến đây, tôi vừa cảm phục, vừa thương… tự nhiên nước mắt bỗng lưng tròng…
VIẾNG TỲ XÁ LY (VAISHALI)
Rời Câu Thi Na, trên đường đi về thành phố Patna, phái đoàn chiêm bái trụ đá vua A Dục tại Tỳ Xá Ly. Trong cảnh tượng hoang tàn của những nền móng chùa tháp đổ nát, trụ đá A Dục với tượng sư tử nguyên vẹn trên đỉnh, vẫn sừng sững thách đố với thời gian. Sự tồn tại nầy đối với niềm tin của tôi là một sự kiện nhiệm mầu nhằm chuyên chở một ý nghiệm thiêng liêng nào đó. Trụ đá A Dục chỉ đặt ở những nơi có tầm mức quan trọng, nhưng đến giờ chưa có tài liệu nào xác định được chốn nầy. Theo một tài liệu cho biết thì nơi Ðức Phật thuyết pháp kinh Duy Ma là một cái tháp tọa lạc ở Tây Bắc Tỳ Xá Ly. Vị trí trụ đá A Dục cũng ở Tây Bắc và kinh Duy Ma có một tầm quan trọng trong việc phát triển Phật giáo đại thừa. Như vậy hai nơi nầy có phải là một chăng? Ðây là câu hỏi cứ lẫn quẩn trong đầu tôi lúc đó.
Tiếp tục cuộc hành trình, phái đoàn đến chiêm bái tháp chứa Xá Lợi Ðúc Phật. Ðây là ngôi tháp do vị lãnh đạo đất nước nầy xây dựng sau khi được chia 1/8 Xá Lợi; phần lớn Xá Lợi đã được vua A Dục cho lệnh lấy ra chia cho tám mươi bốn ngàn tháp nhỏ rải rác khắp Ấn Ðộ. Ngày nay, tháp được bảo quản như một công viên, cây cảnh xin đẹp, Xá Lợi còn lại trong tháp cũng được rào khóa kỹ, nên chúng tôi chỉ lễ bái từ xa, chớ không thể chiêm ngưỡng được.



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 641

Return to top