Bà Án đang nằm tên chiếc ghế trường kỷ ở phòng khách, thấy Tân đưa Hường đến thì quay mặt vào lưng ghế, kéo tà áo dài phủ kín hai chân, và nhắm mắt giả vờ ngủ. Cử chỉ hất hủi ấy không hiểu bà Án muốn cho Hường biết hay muốn che dấu chỉ vì không thích gặp Hường. Dù sao Hường cũng đã nhận thấy ngaỵ Hường liếc nhìn Tân và khẽ hỏi:
- Sao mẹ lại thế anh nhỉ ?
- Chắc là mẹ mệt. Thôi để cho mẹ ngủ vậy.
Tân thừa biết là mẹ không thích gặp Hường nhưng không muốn tự mình cho Hường biết điều ấy. Tân cũng không ngờ rằng mẹ mình đi đến những thái độ quá khích như thế.
Cái hôm bà An đứng ra đi làm lễ hỏi cho Tân là cả một sự thành công của Tân. Nhà gái yêu cầu một lễ hỏi rất giản dị chỉ cần để hợp thức hoá trước dư luận bà con mà thôi. Nhưng bên nhà Tân thì hầu như không ai chịu đứng ra làm chủ lễ. Tân phải năn nỉ hết sức mới được mẹ bằng lòng chịu đi. Nhà gái chỉ cần một trong hai người, cha hay mẹ đứng ra đi hỏi là được.
Lễ hỏi chỉ kéo dài trong mười lăm phút tượng trưng. Bà Án gọi con dâu ra xem mặt và trao chiếc nhẫn hỏi rồi ngỏ ít lời với ông bà Lân và ra về.
Tiếp đến thời gian giữa lễ hỏi và lễ cưới, Tân còn phải bận sắp đặt cả một chương trình giao hảo giữa hai bên. Không còn gì khổ tâm bằng kẻ ở giữa và là người trong cuộc phải nghe lời trách móc của cả hai bên, vào những dịp mồng năm, ngày tết hay kỵ giỗ của hai họ.
Bà Án nhắn trách qua Tân:
- Sui gia gì mà mồng năm, ngày Tết không có được cặp vịt.
Tân đoán chắc thế nào mẹ Hường cũng có thể nói :
- Người ta gả con gái là lễ nầy lễ nọ, Tết đến có quà cáp, kỵ giỗ có rượu trà. Mình thật vô duyên.
Tân phải bỏ tiền ra mua những quà thông thường và sắp đặt để gởi đến cả hai bên làm như họ thông gia tự gởi đến cho nhau. Chuyện gởi quà thì không khó vì bất cứ ai cũng có thể mang quà đến được. Đến khi nghe trách không thăm viếng nhau thì mới là khó.
Mặc dù Tân hay lui tới nhà Hường nhưng như thế vẫn chưa đủ. Cha mẹ Hường tuy không nói ra nhưng thỉnh thoảng Tân cũng đoán biết được ý họ là cần sự thăm viếng lại của hai bên.
Một lần Tân sắp đặt dàn xếp được để cha mẹ Hường đến thăm Ông bà Án tại nhà. Nhưng nếu có thể bảo là ở đời có cuộc thăm viếng nào lạnh nhạt nhất thì phải nói rằng chỉ có mỗi một hôm ấy.
Tân chứng kiến cuộc viếng thăm ấy mà cảm thấy như đang ngồi trên băng giá của một cuộc hội nghị bế tắc. Đến khi ra về cha Hường chào Tân:
- Ba về con nhé!
Tân đưa cha Hường ra cửa xong, khi trở vào được nghe câu thở ra lịch sử của cha mình :
- Thật là vô phước, mình đẻ con ra nuôi cho khôn lớn để thiên hạ người ta nhận là con.
Tuy thế việc cha mẹ Hường đến thăm nhà Tân vẫn thực hiện. Còn như mời cha mẹ mình đến thăm nhà Hường thì Tân vẫn hằng mưu tính nhưng không thể nào tìm ra biện pháp.
Cũng may là những sự trách móc hầu như chỉ có một chiều, bởi vì cha mẹ Hường dù sao cũng vẫn bình dị dễ dãi. Nếu có tỏ bày ý kiến cũng không bao giờ Tân nghe được cho nên Tân có đỡ khổ phần nào.
Tân hí hoáy mãi mới đánh máy xong được lấy hai mươi tấm thiệp mời lễ cưới để gởi cho Hường. Tân đã định là sẽ không mời bạn bè và không tổ chức tiệc tùng gì cả. Trái lại Hường định mời một ít bạn gái thân đến dự tiệc trà sau lễ cưới, vì thế cần phải có ít thiệp mời.
Buổi sáng Tân đã vào ga-ra ông chánh Tâm thật sớm, chọn một chiếc xe hơi khá nhất trong số những chiếc xe cho thuệ Tân đặt tiền thuê và dặn dò tài xế rất cẩn thận :
- Thế nào anh cũng nhớ quây lò than cho đầy đủ, hễ lên xe là nổ máy liền, đừng trục trặc mà xui lắm nhé! Tôi sẽ thưởng anh nếu mọi sự đều hoàn hảo.
- Cậu yên trí. Xe tôi là mới làm “joint” kín lắm. Than thì dùng toàn than chắc thế nầy, tốt lắm.
Tân chỉ sợ xe nằm vạ ngay trước nhà gái, lúc cô dâu đã lên ngồi trên xe, chung quanh hàng xóm láng giềng trẻ con người lớn, trăm mắt nhìn vào mà tài xế còn hì hục xoi lò, quay ga thì không còn gì hổ thẹn cho bằng.
Ở nhà Tân, chẳng có một sự gì thay đổi khác thường, trừ ra những đĩa bánh ngọt Tân đã nhờ Hồng đặt ở phố. Tân không muốn bày biện rườm rà vì không thích phiền đến ai trong gia đình. Vả lại trong cảnh sống hiện tại, ông bà Aùn không dám tổ chức linh đình, sợ thiên hạ dị nghị.
Chương trình nhà gái cho biết là ba giờ chiều nạp lễ và ăn bánh uống nước xong sẽ cho rước dâu ngay.
Bà Án sửa soạn xong, hỏi chồng:
- Mình không định đi việc cho thằng Tân một tí à ?
- Thì mình đi một mình đủ rồi. Để dành tôi khi khác ngộ nó còn ưng đứa nào nữa sẽ đến phiên tôi đi cưới cho nó chứ !
Bà Án phải cho Hồng đi theo cho đông người.
Chiếc xe hơi đến, đậu ngay nhà Tân mà Tân cứ ngỡ là nhầm nhà. Buổi sáng Tân đã chọn chiếc Ford 42 màu xanh nhưng chủ xe đã đưa đến chiếc Renault đen cũ rích. Tân bực mình chất vấn... Tài xế phân trần :
-Oâng chịu phiền dùng đỡ xe nầy. Xe kia hư, sửa không kịp sợ trễ giờ của ông. Xe nầy tuy xấu xí thế mà chạy bền lắm !
Tân lắc đầu thất vọng trước cái xe hơi bệ rạc tồi tàn ấy.
Mời mẹ và em lên xe xong, định quay kiếng lên cho bớt gió, nhưng không còn tấm kiếng nào cả. Chiếc ghế gỗ để phụ thêm, nhảy lắc lư như người say rượu và đập vào thùng xe như đánh trống quảng cáo hát bội.
Trời tháng sáu oi bức, nồng nực, dồn dập tất cả nhiệt lượng của mùa hè thiêu đốt vũ trụ một lần chót trước khi sang tiết mưa rào lụt lội. Mặt trời chiều gay gắt hắt ngọn nắng lên giải đường nhựa mềm nhũn. Đàng xa, hơi đất bốc lên lấp loáng như một vũng nước.
Tân cảm thấy hằn học với ngọn nắng chiều. Tân nheo mắt nhìn trời qua cửa xe. Mắt Tân bị chói loà. Tân càng thêm bực tức vô cớ trước sứ ám ảnh của mặt trời chiều hình như luôn luôn cố trêu tức Tân.
Nhìn thấy đám đông người đang tụ tập trước nhà Hường để chờ đợi xem rước dâu, Tân càng bực bội rủa thầm : "Có những người sao mà nhàn rỗi đến thế ! Ăn rồi chỉ tụ tập chờ đợi dòm ngó chuyện nhà kẻ khác !"
Tiếng pháo nổ như khiêu gợi tính hiếu kỳ của thiên hạ và kêu gọi bọn trẻ con tụ tập đông thêm nữa.
Tân đi theo mẹ bước qua đám người, mắt không còn trông thấy gì ở hai bên mình nữa. Tân sượng sùng trong chiếc áo dài đen và vành khăn đóng mà Tân phải mang vào lần đầu tiên trong đời mình.
Căn nhà chật hẹp của Hường, thường ngày Tân thấy rất quen thuộc ấm cúng, hôm nay đổi hẳn. Bàn thờ ông bà thiết ngay ở căn giữa với đầy màu sắc rực rỡ vàng son và kim tuyến, bộ lư đồng bóng nhoáng tỏa khói trầm nghi ngút, cổ đèn sáp to tướng cháy sáng rực.
Tân không nhớ rõ là những ai bà con bên Hường đã có mặt trong buổi lễ cưới. Tân chỉ biết cúi đầu chào tất cả mọi người và cử động như một cái máy theo lời chỉ dẫn của anh bạn phụ rễ.
Mặc dầu thường ngày hai người đã quen biết nhau nhưng hôm nay không ai đủ can đảm để nhìn tận mặt bạn mình. Hường e lệ, ngượng ngịu trong bộ áo cưới và vành khăn hỏa hoàng, đứng nép mình vào giữa hai cô phù dâu.
Mẹ Hường cảm động lau nước mắt để từ giã con gái. Một vài người bà con theo đưa Hường về nhà chồng. Toán người đi xem lần lượt giải tán. Căn nhà Hường trở lại vắng vẻ, có lẽ vắng vẻ hơn trước vì thiếu Hường.
Xe nặng nề leo dốc Nam Giao. Nắng chiều dịu bớt. Gió đồng làng Bình An thổi phớt qua những khung cửa trống làm cho mọi người trong xe dễ chịu.
Tân chỉ khấn cầu cho chiếc xe cũ kỹ chịu đựng nốt đoạn đường cuối cùng đừng xảy ra việc gì.
Ông Án vui vẻ chào đón họ hàng nhà gái và tiếp chuyện niềm nở với mọi người. Tân mừng thầm trước thái độ của cha khác hẳn ngày thường.
Lễ xong ở bàn thờ họ nhà trai, ông Án gọi hai con đến và trao cho một phong bì đỏ:
- Ba me không có gì nhiều để cho hai con trong dịp vui mừng của hai con. Đây chỉ là một số vốn nhỏ mừng hai con.
Tân nhìn phong bì và ngắm nghía hai chữ “song hỷ” với đôi chim đậu âu yếm trên cành mai. Tân tưởng tượng tất cả niềm ưu ái của cha khi tự tay vẽ lấy hai hình ấy để làm chiếc phong bì tặng mình.
Tân tự bảo :
- Dù cho bên trong phong bì ấy có chứa đựng nghìn vàng cũng không quý hơn cái công của cha mình đã làm chiếc phong bì ấy.
Ông Án gọi Tân vào :
- Trông thấy lễ cưới của con, cha buồn hết sức...
Tân ngạc nhiên lo ngại không biết ông cụ đã bất bình chuyện gì.
-... Cha buồn vì đáng lẽ ra nếu thời cuộc thanh bình thì lễ cưới của con phải huy hoàng trọng đại gấp bao nhiêu lần thế nầy. Cha thấy sự nghèo nàn trong cuộc lễ mà cha thương tủi cho con.
Tân cảm động. Trong phút chốc Tân thấy ân hận vì đã hiểu lầm cha và đã tủi hờn khi cha không đi dự lễ cưới của mình.
Tân cầm tay Hường sung sướng:
- Em Lan ! à quên, em Hường! Em có ngờ được mới ngày nào chúng ta chỉ quen biết nhau qua sợi giây đồng nhỉ.
- Em mong sợi giây đồng sẽ bền chặt gấp vạn lần sợi giây tơ của Nguyệt lão. Em cũng không quên cái tên Lan của anh đã đặt cho em.
- Thôi nhớ đến làm gì ! đó chỉ là một giả thuyết anh đưa ra trong giai đoạn chưa tìm ra đáp số của bài toán. Bây giờ anh đã có đáp số ấy trong tay rồi.