Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Mặt Trời Chiều

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 11781 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Mặt Trời Chiều
Thạch Hà

Chương 1

Bà Án vừa nhai xong miếng trầu, vói tay đàng sau không thấy ống nhổ, vội ngẩng cằm, gọi người nhà qua ngụm nước trầu đầy mồm:
- Ấy ơi ! đem cái ống nhổ lên đây !
Bình đang học bài ở nhà ngang, vội xếp sách chạy lên:
_ Thưa mẹ gọi gì ạ!
- Ống nhổ! Ống nhổ !
Bà Án vừa nói, vừa chỉ vào miệng đầy trầu. Bình trao ống nhổ cho mẹ. Bà Án hỏi:
- Mấy đứa đâu cả mà không có đứa nào ở dưới nhà hết.
- Thưa mẹ! con Lài bận nấu ăn, còn thằng Mùi đi chợ mua gì cho anh Tân con từ nãy. Chị Hồng con thì đi phố chưa về.
- Cái thằng Tân thì hết sai đứa nầy đến sai đứa khác.
Tân ở nhà dưới đi lên, nghe nói đến “ cái thằng” vội tạt qua chỗ mẹ ngồi:
- Mẹ bảo gì con? Có con đây!
Bà Án quay nhìn Tân:
- Mày không chào các Bác à?
Và nói đỡ lời cho Tân:
- Thật là đẻ con trai cho lắm chỉ ăn tốn cơm chứ chẳng làm được việc gì ích nhà lợi nước cả.
Bà Thượng Trừng xếp gọn cánh bài trong tay, cúi mặt nhìn Tân ra ngoài đôi kính viễn thị và cười khả ái. Tân cúi đầu chào. Bà Thượng hỏi:
Cậu ấy năm nay mấy tuổi rồi?
Bà Án tiếp lời:
- Bẩm, cháu được mười tám. Năm nay thi Tú Tài toàn phần đó.
- Thế à? giỏi quá nhỉ ! Bằng tuổi thằng Cả nhà tôi mà học hơn một lớp. Cái thằng Cả tôi tệ quá ! Không khéo rồi con Tuyết lại theo kịp nó.
Suy nghĩ giây lát, Bà Thượng lại hỏi tiếp:
- À ! mà cậu ấy tuổi gì nhỉ ?
- Dạ cháu tuổi Dần. Canh Dần !
- Con trai mà tuổi Dần thì khá lắm. Đã thế lại còn Canh Dần nữa. Nam Canh, Tân, nữ Quý, Giáp. Con Tuyết nhà tôi lại tuổi Tí. Tí, Dần xem qua cũng hạp lắm.
Tân nghe chừng câu chuyện đi dần vào chỗ khó trả lời nên nói nhỏ với mẹ để xin rút lui.



Bà Án biết ý con , không từ chối. Bà thấm nước miếng ở đầu ngón tay, bắt lại canh bài và đến lượt khui được vài con rác. Bà lại trả lời câu chuyện bỏ dở:
- Bẩm chị, nếu được thế thì còn gì bằng cho cháu Tân. Chỉ sợ nhà em vô phúc.
Bà Án hoan hỉ như mở cờ trong bụng khi nghe bà Thượng đề xướng việc kết sui. Bởi vì tự ý bà Aùn thì không bao giờ bà ta dám ngỏ lời, sợ bị từ chối. Dù sao trong thâm tâm bà ta cũng chỉ hằng ước mong con mình lấy vợ cho được chỗ “ môn đăng hộ đối “.
Lắm lúc bá Án bực mình vì Tân. Con trai đã lớn mà động đến chuyện kết sui, hỏi vợ là Tân thoái thác bỏ đi nơi khác. Bà Án chắc chắn là con mình chưa yêu ai. Ngoài sự học hành và giao du với bạn bè trong lớp, Tân không hề tỏ ra say đắm một cái gì để bộc lộ tình cảm của mình.

Mỗi lần Tân trái ý mẹ trong việc dự trù hôn nhân là mỗi lần bàAùn rưng rưng nước mắt nhắc lại :
- Giá thằng anh mầy còn sống thì năm nay tao có cháu nội rồi !
Hình ảnh Đạt, anh của Tân, lại hiện ra trong trí óc Tân. Nhưng Tân vẫn không làm sao hình dung rõ được người anh ấy lúc bấy giờ. Tân chỉ tưởng tượng Đạt qua bức ảnh lên năm, ngồi xếp bằng, để lộ chiếc quần xẻ đáy, mình mặc dải áo gấm đất ngắn tay, ngực đeo kim tiền, đầu để mái tóc phủ mỏ ác.
Bức ảnh ấy dựng trên cái tủ, trước lư hương và cũng là bức ảnh phóng đại cuối cùng để làm kỷ niệm sau khi bà Án mất đứa con đầu lòng.

Đạt chết lúc Tân còn quá nhỏ dại nên Tân không biết rõ được anh mình ra sao nếu không nhờ những câu chuyện mà mẹ thường kể lại cho các bà bạn nghe mỗi khi xây sòng tứ sắc.
Một đôi lần bà Án cũng thương hại cho Tân và đã kể cho Tân biết lai lịch của Tân.
Tân không phải là một đứa con mong đợi hay cầu khẩn trong gia đình. Tuy nhiên khi sắp sanh Tân thì một đêm bà Án đã nằm chiêm bao. Bà ta thấy mình đi lạc vào một cảnh chùa. Trong lúc ngập ngừng đứng trước khu vườn tĩnh mịch đầy hoa thơm quả chín, bà Án thoáng trông thấy cây đào tiên đầy quả đỏ mọng.
Nhìn quanh không có bóng người, bà với tay định hái một quả to đẹp nhất. Nhưng tay vừa động đến quả đào thì có tiếng sư ông trong liêu chùa bước ra ngăn cản:
- Bà hãy vào lễ Phật đi đã rồi sẽ hái lộc sau. Không ai dành đâu !
Bà Án ngoan ngoãn nghe lời nhưng đến khi lễ xong, trở ra vườn thì sư ông đợi sẵn để trao cho bà một quả chôm chôm. Bà Án từ chối và năn nỉ xin cho được quả đào. Sư ông nói:
_ Bà hãy cầm lấy. Tuy nó xấu xí đấy, nhưng là lộc của Phật đã để dành cho bà.
Tay cầm quả chôm chôm nửa vàng nửa đỏ, bà Án đưa lên trong ánh nắng chiều, như cố tìm một cái gì quý đẹp để an ủi mình với vật sở hữu ấy. Bà Án còn nhớ rõ cái màu đỏ chói chang gay gắt của những gai chôm chôm lẫn với màu vàng ối của quả cây chín héo dưới mặt trời chiều. Bà chỉ biết khóc lên một tiếng khi tạ từ nhà sư và tỉnh giấc chiêm bao.
Lúc sinh ra Tân, cha mẹ Tân buồn rầu thất vọng. Khác hẳn với Đạt, Tân không có một nét gì dễ thương,
kháu khỉnh của đứa trẻ con nhà giàu cả. Đầu to, mũi tẹt, bụng lớn, nước da xanh, chân tay gầy ốm, và có thể tóm tắt lại, bất cứ cái gì xấu xa của một đứa trẻ con có thể có được, đều quy tụ cả ở nơi Tân.
Khi đứa trẻ đã không được sự thương mến nuông chiều của gia đình, thì nhất nhất mọi hành động, mọi cử chỉ của nó đều dễ ghét. Tân phải sống riêng biệt ở dưới nhà bếp với gia nhân để cho ông Án đỡ nghe tiếng khóc mè nheo hay trông thấy vẻ mặt lọ lem đầy mũi dãi.
Có những lần hắn bò lên được các cấp bậc của nhà trên sắp lao mình vào giữa sàn gạch bông láng bóng của phòng khách thì đã bị Đạt kéo xuống nhà dưới:
- Mày mà dám bò lên đây cho bẩn nhà à ?
Bà Án khi kể lại nhiều đoạn cũng phải mũi lòng muốn khóc. Tân thì dửng dưng vì không thể nào tưởng tượng được quá khứ của mình.
Sau khi mất đứa con trai kháu khỉnh, dễ yêu và thông minh như Đạt, hẳn là niềm tiếc thương ấy dồn vào cho Tân là đứa con kế mới phải. Nhưng Tân không bao giờ hưởng được một phần tình thương mà cha mẹ đã dành cho Đạt.
Sự khác biệt về đủ mọi phương diện giữa hai đứa con đã làm cho ông bà Án lãnh đạm ruồng bỏ Tân. Tuy nhiên hắn cũng được săn sóc về vật chất tạm đầy đủ để lớn khôn như mọi đứa trẻ con đồng lứa.
Sự lạnh nhạt ruồng bỏ của cha mẹ Tân đã làm cho ông nội Tân phải để ý. Ông cụ thường thường hay đến thăm ông bà Án vào những buổi chiều sau giờ làm việc. Tinh ý nhận xét, ông cụ đã biết rõ thái độ của con trai và dâu mình đối với thằng cháu nội. Một hôm ông cụ đã phải nói:
- Nếu vợ chồng bay không thương thằng Tân thì để tao mang nó về nuôi. Bay đừng thấy nó xấu xí mà bỏ bê nó tội nghiệp. “Dị tướng tất hữu kỳ tài”. Sau nầy thế nào nó cũng làm nên sự nghiệp.
Có lẽ câu nói của ông cụ già đầy kinh nghiệm đã cải hóa được ít nhiều ông bà Án, bởi vì rốt cuộc Tân vẫn ở với cha mẹ trong gia đình cho đến khi khôn lớn.


X
Mâm cơm tối đã dọn sau khi những bà bạn tứ sắc ra về.
Ông Án vẫn không rời tờ báo hằng ngày, xếp làm tư, và ngấu nghiến đọc, có lẽ muốn quên cả ăn. Thỉnh thoảng bà Án gắp những thức ăn bỏ vào chén của chồng và nhắc nhở:
- Mình không rời được tờ báo một tí sao ?
Bình ngồi cuối bàn gần đĩa cơm, nên cứ phải tiếp tế hết người nầy đến người khác. Thỉnh thoảng lại rời bàn ăn, xuống bếp lấy thêm thức ăn. Bà Án thấy con chạy lăng xăng, vội quát:
- Con Lài đâu mà không chịu đứng hầu đây cho ta sai. Cứ bữa ăn là chui đầu xuống bếp làm gì vậy ?
Sực nhìn chỗ ngồi của Hồng, con gái lớn, vẫn còn trống vì Hồng đi chơi chưa về, bà Án lại gắt tiếp:
- Đứa nào để phần cơm cho chị Hồng chưa ? Còn cái con Hồng nữa ! Đi đâu không chịu nhớ bữa ăn mà về. Con gái đâu mà chỉ biết rượng.
Bà lại nhìn đến Tân:
- Trai rượng theo trai, gái rượng theo gái. Ngán quá !
Tân biết là cái dịch la rầy sắp lan tràn đến khắp cả mọi người. Bắt đầu bằng ông Án, qua con Lài, đến Hồng vắng mặt, đến mình. Chỉ còn Bình nữa là đủ.

Ông Án như điếc trước mọi lời la mắng của bà, cứ từ tốn nhai, thỉnh thoảng lại nâng ly ngụm một hớp rượu chát đỏ. Đôi mắt luôn luôn dính chặt vào tờ báo.

Con chó sủa một tiếng rồi lại ve vẩy đuôi mừng Hồng vừa bước vào nhà. Cả nhà cùng quay về phía cửa nhìn Hồng xuất hiện như là nhìn một kỳ vật từ xa đến. Ông Án cúi tầm mắt để nhìn ra ngoài đôi kính, nét mặt có vẻ hơi bất bằng. Bà Án cũng sát khí đằng đằng như một bầu trời giông tố sắp sụp đổ. Tân và Bình đều lo cho số phận Hồng. Bà Án nói mát:
- Chứ cô đi đâu mà giờ nầy mới về ?
Hồng cười toe toét như không hay biết gì về sự bực tức và chờ đợi của cả nhà:
- Đáng lẽ con về lâu rồi nhưng vì gặp dì Đốc ở ngoài chợ nên mới trễ. Dì ấy gọi con và nhờ mang về cho me đôi hạt kim cương bảy ly để nhờ me cầm hộ. Dì nói chuyện lâu quá !
Bà Án đổi giọng:
- Ủa ! Sao bà ta không mang đến đây cho me có tiện hơn không ?
- Dì ấy định đến nhưng vì chiều muộn quá vả lại sẵn có gặp con nên mới nhờ con. Cái bà gì mà chuyện dai như dẻ rách. Con sốt cả ruột. Dì ấy nhắc đến cả anh Tân nữa và cứ hỏi thăm ba mẹ đã định nơi nào chưa.
Tân bực mình thầm khấn:
- Hãy để cho tao yên thân kẻo tội ! Mầy phỉnh gạt cha với mẹ đủ rồi.
Bà Án sốt ruột hỏi:
- Thế đôi hạt kim cương con có mang về đó không ?
- Dạ dì ấy đưa cho con một lát rồi suy nghĩ sao không biết lại lấy lại, bảo tối nay còn dùng đi ăn tiệc đã. Sáng mai sẽ đến gặp mẹ.
Cả một sự thất vọng kéo nhanh qua nét mặt bà Án, thêm vào sự chán ngán. Bà không buồn nhìn đến Hồng và nghe nói thêm một lời gì nữa.
Hồng quay về phía cha:
- Ba ạ! Con có gặp ông Thị Ngọc ở sở Mật thám. Ông ta nói nhiều chuyện hay lắm.
Ông Án bỏ phăng tờ báo xuống bàn, hăm hở nhìn con gái như chờ đợi một cái gì quan trọng. Tân cười bảo thầm:
- Lại sắp báo tin “ Đức Giáo Hoàng tạ thế” chứ gì !
Cứ mỗi lần Hồng đi chơi về trễ bữa ăn là Hồng cho ra một tin cực kỳ quan trọng, liên quan đến tất cả mọi người. Trong nhà ai cũng thừa biết và chính câu “ Đức Giáo Hoàng tạ thế” là của ông Án đặt cho Hồng. Nhưng mỗi lần nghe Hồng kể chuyện là không ai có thể bỏ quạ Dù không tin nhưng cũng hoang mang thắc mắc. Hồng tiếp tục:
- Ông Ngọc cho con hay là hồ sơ của Ba có nhiều chuyện xấu quá. Hôm qua có người xúi sở Mật Thám cho xe mời Ba đến sở.
Nét mặt ông Án có vẻ lo âu bực tức. Hồng chậm rãi nói tiếp:
- Nhưng ông ta bảo ông đã từ chối vì dù sao ổng cũng là bạn thân của Ba và quen biết cả gia đình mình. Dù có gì ông ta cũng sẽ giúp đỡ.
Bà Án không cầm được lòng tức giận:
- Đứa nào muốn bắt bớ gì thì giỏi đến mà bắt. Đây tao không sợ ai cả. Có Trời, Phật, Thánh, Thần chứ bộ, đâu cậy quyền ỷ thế muốn bắt ai thì bắt sao ?
Mọi người im lặng. Chỉ những tiếng đũa chén va chạm, tiếng muỗng động vào tô canh, tiếng sột soạt của tờ báo ông Án đang đọc.
Không khí có vẻ bực dọc nặng nề. Bà Án thấy chồng uể oải định thôi ăn, lại dỗ dành :
- Tôi bới thêm một chén nữa nhé ! Nãy giờ Ba nó có ăn gì đâu. Bữa nào cũng không có hột cơm vào ruột, sống làm sao được.
Bà Án vừa gắp thức ăn mời chồng vừa thay đổi câu chuyện:
- Mình ạ ! chiều nay bà Thượng Trừng đến chơi, có ngỏ ý kết sui gia với nhà mình đó. Con Tuyết, con gái lớn của bà ấy, năm nay học tam niên rồi. Bà Thượng thấy thằng Tân thì thương lắm, mình nghĩ sao ?
Ông Án chậm rãi nhìn Tân và nói:
- Ừ , thì cũng được. Chỉ cần cho nhà gái họ bằng lòng.
Tân lên tiếng:
- Thưa Ba, Me, hãy cho con học thêm cho đến nơi đến chốn rồi sẽ nghĩ chuyện vợ con sau.
Bà Án giảng giải.
- Mày mà làm rể bà Thượng Trừng thì thế nào cũng được cất nhắc sớm, danh vọng cao, không sướng à ?
Ông Án như trúng vào chỗ ngứa, vội gạc tờ báo, nói thao thao một mạch:
- Mầy có đậu được cái Cử nhân luật cũng khó mà vào được hoạn trường. Đàng này làm rể Cụ Thượng đầu triều thì đi ra Tri Huyện dễ như trò chơi. Ngồi Tri Huyện một, hai năm lên Tri Phủ. Rồi chẳng mấy chốc Án Sát, Bố Chánh, Tuần Vũ, Tổng Đốc, tao thấy quá chắc chắn. Vả lại ở đời quý hồ mà được thờ cái mặt trời mọc. Cụ Thượng Trừng ít nhất cũng còn ngồi ghế đầu triều năm năm mầy tha hồ bay nhảy để củng cố địa vị mầy. Sau đó đủ lông đủ cánh rồi thì mầy tự bay, làm sao mà không đến nơi đến chốn được.
Tân lúng túng và nhức đầu vì những danh từ quan trường của cha:
- Con chắc con học luật không được, Ba ạ !
Bình giúp anh phụ hoạ:
- Thật đấy Ba ạ ! Con thấy suốt ngày anh ấy chỉ thích toán và thích máy móc.
Bà Án xen vào:
- Ừ, thích máy móc để suốt đời mà đi làm thợ. Có giỏi thì lên cai thợ là cùng. Chắc mầy là con lạc xoáy thế nào cứ tự nhiên sao cha làm quan mà con lại đòi đi làm thợ.
Nãy giờ Hồng như đã ăn lại sức, sau khi vào bàn trễ hơn mọi người, lại bắt đầu lên tiếng, một phe với cha mẹ:
- Thôi bằng lòng chị Tuyết đi cho chúng em ăn cỗ sớm. Hay anh lại đã mê phải cô nào rồi. Coi chừng không xứng đáng làm chị dâu thì mấy cô em chồng nầy không cho vào nhà đó !
Tân không trút được nỗi bực tức cho ai ngoài em gái, vội lớn tiếng quát :
- Im đi ! Mầy chỉ nói bậy.
Bà Án, đổi giọng than phận trách thân:
- Đời xưa cha mẹ đặt đâu ngồi đấy. Đời bây giờ tự do kết hôn, tự do lựa chọn. Chẳng còn gì là luân thường đạo lý nữa !
Ông bà Án đứng dậy sang phòng khách. Mọi người chỉ chờ cơ hội nầy để giải tán, vào phòng riêng của mình, khỏi phải nói câu:
- Thưa Ba, thưa me xơi cơm, con xin thôi !

<< Vài nét về Thạch Hà | Chương 2 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 756

Return to top