Hoán Vân mở mắt trong sự im lặng như tờ, mắt cô đưa lên, chạm vào tay Văn nằm trên trán cô. Cô liếc ngang, thấy Văn tựa vào tường, ngủ say, râu ria lởm chởm. Nhè nhẹ, Hoán Vân nhấc tay Văn lên đặt xuống chiếu. Cô ngồi dậy, hơi nhăn mặt nhịn tiếng kêu đau rồi nhìn xuống mình. Thôi rồi, mất toi cái áo. Cô đứng lên, hơi lảo đảo nhưng vẫn rút nhanh hai bộ quần áo cho vào túi. Để nguyên quần đêm qua, cô thay chiếc áo, nhặt hết thuốc trên đầu giường xong ra làm vệ sinh.
Lấy tay làm lược, cô chải vội lên tóc vài cái và rón rén lại gần Văn, nhình anh ngẩn ngơ. Đừng đến gần em nữa, em là kẻ tội lỗi ngập đầu, phải sống chết hết kiếp đời đày đọa, cô đơn. Em không xứng đáng có người "bạn" như anh. Xin lỗi. Xin lỗi Văn.
Hoán Vân lùi dần ra cửa, cắn môi, cúi đầu đi nhanh ra khỏi con hẻm nhỏ. Vượt dòng kênh thúi, vẫn chiếc Honda ôm, chạy về công ty Nam-Thái-Hàn.
Đúng bảy giờ rưỡi Thành có mặt ở nhà Hoán Vân, anh ghé thăm cô bệnh nhân "bất đắc dĩ" đêm qua trước khi đi làm, một phần vì trách nhiệm, một phần vì lời kể "Châu dê" lúc đi về. Hắn không hề xấu hổ, khai tuột mọi chuyện kiến anh và Đình Hồ chỉ còn biết... chép miệng lắc đầu. Cô ta thật kỳ lạ, vậy mà Văn có vẻ tha thiết lắm. Hắn thừa lòng nghĩa hiệp nhưng khó thân thiết với ai, tại sao lại chọn Hoán Vân? Chắc có gút mắc gì đây.
Thành dựng xe, xách túi thuốc, đẩy cửa bước vào, anh không thấy Hoán Vân, liền đập Văn dậy. Vân dụi mắt nhìn bạn, ngạc nhiên:
- Mày nói mười giờ mới thay băng mà.
- Nhớ dữ. Tao ghé tăm thôi. Hoán Vân đâu?
- Hoán Vân...
Văn nhìn xuống rồi bật dậy buột miệng gọi lớn vài ba câu rồi lên taxi ra phi trường. Trên đường đi, anh nhớ đến một người, suy nghĩ, đắn đo, nhưng Văn vẫn bấm máy người gọi đó.
- Anh Giám hả? Văn đây. Anh đang ở đâu?
- Sao chú mày hỏi kỳ vậy. Chẳng lẽ mày nghĩ anh đang nướng trên giường?
- Em sợ anh đang ở Hà Nội. Có chút việc muốn nhờ anh giúp.
- Nói đi.
- Muốn nhờ anh tìm giùm bên trung tâm xúc tiến việc làm của anh, xem có hồ sơ nào của một cô gái tên Hoán Vân, em chưa biết họ. Cô ấy đang làm công việc khảo sát thị trường về hàng tiêu dùng nội và ngoại tại Đà Nẵng. Em muốn biết nơi công ty cô ấy tên tên là gì?
- Chú mày quen nó à?
Giọng Giám có vẻ lạ kiến Văn khó hiểu. Chẳng lẽ ảnh biết cô ta? Ảnh gọi cô ta bằng "nó" kìa. Văn giở giọng nửa đùa nửa thật:
- Chẳng những quen mà còn chết dở, sống dở với người đẹp có trái tim sắt đá đấy. Anh cứu em với.
- Không phải trái tim sát đá đâu, là trái tim pha-lê đấy. Chỉ cần lửa đủ độ là tan chảy thôi, hoặc trong suốt, lấp lánh nhưng dễ vỡ.
- Anh biết Hoán Vân? - Văn mừng rơn.
- Chú mày ghé anh.
- Sớm nhất một tuần nữa, em đang trên đường ra phi trường đi Nông-Pênh. Hoán Vân là gì của anh?
- Đừng nghĩ bậy. Nó từng cứu anh thoát bọn trấn lột.
- Anh có thể liên lạc với cô ấy không?
- Được.
- Tạ ơn yàng! Đêm qua cô ấy bị thương ở Mãn Đình Hồng, mà sáng nay đã biến mất, chẳng chịu điều trị gì hết. Anh liên lạc xem cô ấy ra sao nhé?
- Ôi. Nó là thế đấy. Được, để anh.
- Hẹn gặp lại. Bye.
Văn thở phào. Anh hoàn toàn yên lòng trong chuyến công tác này.
****
Nhìn An Hạ ríu rít với mẹ qua điện thoại, Hoán Vân như không chịu nổi, cô đứng lên nói với Đông:
- Tôi hơi mệt, cậu thay mặt tôi đưa tất cả đi tham quan Đà Nẵng sau buổi cơm tối. Có thể chọn một tiết mục nào vui vẻ, công ty sẽ thanh toán.
Hoán Vân quay lưng, Oanh buột miệng gọi:
- Chị Vân.
Hoán Vân nhìn Oanh chờ đợi. Oanh ấp úng:
- Em cho mang thức ăn lên phòng nhé. Chị mới bị thương lành lại, cần bồi dưỡng, không nên bỏ ăn.
- Không cần. Đói tôi sẽ tự ăn – Vẫn lạnh lùng, Hoán Vân nói xong bỏ đi.
Cả nhóm nhân viên nhìn nhau ngán ngẩm. Suốt tháng trời cực khổ, tưởng có ngày liên hoan xả láng, ai dè … bà trưởng phòng vẫn lạnh tanh đến rét.
Xuân hiểu tâm trạng mọi người, vội “nhóm lửa”:
- Ê, nghe đây, đừng xúi như vậy, không có “bả” tụi mình dễ quậy. Đúng không?
- Đúng. – Cả bọn đồng thanh.
- Vậy ăn lẹ, xong còn đi.
Nhưng Oanh vẫn buồn, Xuân ngồi bên hỏi:
- Sao vậy Oanh?
- Chị ấy là người tốt, phải không anh Xuân? – Oanh ngước đôi mắt ướt hỏi.
Xuân nhìn Oanh. Đúng vậy. Nhưng khó có ai nhìn thấy Hoán Vân tốt vì tính khí quá khó chịu của cô. Lúc nào cũng xa lánh mọi sự thân thiện. Vậy mà Oanh thấy, dù Hoán Vân đã “chơi” Oanh sát ván (nói theo cách của toàn công ty). Một tháng qua, ra Trung tham gia hội chợ, Oanh như trở thành người khác, tốt đẹp hơn, cố gắng hơn trong các công việc và biết học hỏi. chính cô đã phát giác ra chuyện Hoán Vân bị thương ngay ngày đầu tiên trưng bày hàng hội chợ. Hoán Vân sốt ngầy ngật, vẫn cùng mọi người làm việc đến nỗi té ngã lúc kiểm hàng hóa. Vậy là dù không ưa Hoán Vân, các nhân viên vẫn khâm phục cô về sự chịu đựng và tinh thần làm việc, nên hè nhau ra “nghị quyết” với Hoán Vân, bắt cô vừa dưỡng thương điều trị vừa làm việc bằng … chỉ thị.
Cuộc trưng bày hàng ở hội chợ Nam–Thái–Hàn theo đánh giá của các nhà chuyên doanh là sự thành công bất ngờ, nhất là hàng nội được đại đa số quần chúng tiêu thụ, còn hàng ngoại nhập lại vừa mắt các đơn vị nhà nước. Thế là ổn cả, từ việc chung, đến việc riêng, mỗi cô trưởng phòng kế hoạch vẫn lạnh như băng, cứng như sắt trước bao lời ngợi khen, tán tụng.
- Phải. Tính nết khó chịu chắc do gặp chuyện buồn gì.
Xuân trả lời Oanh, đầu lan man nghĩ đến nỗi đau đớn trong mắt Hoán Vân khi nhìn An hạ.
Từ khoảng sân thương nhỏ tầng ba, Faito Hotel, Hoán Vân nhìn đám nhân viên leo lên chiếc xe hai mươi bốn chỗ đi mất. Cô thở ra, thoáng nét cười rồi trầm ngâm như cũ, đứng bất động nhìn vào khoảng hư không.
Faito rực ánh đèn rộn ràng tiếng nói cười từ sân quần vợt đến khu nhà vườn, Hoán Vân vẫn còn đứng mãi … chiếc máy từ túi quần cô có tín hiệu gọi. Chiếc máy thường dùng, thường được gọi, có hôm hàng năm chục cú điện thoại, nhưng mỗi lần nghe tíc…tíc… Hoán Vân run lên, khi ngỡ là tiếng của chiếc máy nhắn … chưa một lần được nhắn.
Thở dài, Hoán Vân bấm máy đưa lên:
- Hoán Vân nghe.
- Anh đây. Báo Sài gòn tiếp thị đưa tin về cuộc trưng bày thành công của Nam–Thái–Hàn ở hội chợ Hè 98 miền Trung. Em đọc chưa?
- Đã có đủ các loại báo. Anh gọi chuyện gì?
- Em khỏe hẳn chưa? Bao giờ về?
- Mai. Em thì xe hủ lô cán không chết. Anh lo làm gì?
- Lo giùm cho thằng Văn.
- Đừng nhắc đến anh ta. Em nói rồi mà.
- Có cần vậy không Hoán Vân. Văn nó khá lắm. Đợt này, báo chí toàn nói đến Nam–Thái–Hàn là nhờ Văn một phần.
Hoán Vân cồn cào ruột gan về một điều không lý giải, và cô sợ hãi đến phát giận, quát lớn:
- Đừng nói nữa. Anh nghe không?
Đầu dây, Giám tủm tỉm cười nhưng vờ gay gắt:
- Hoán Vân. Em thiệt quá đáng.
Cô nhắm mắt gục đầu lên chậu hoa. Đột nhiên nước mắt lặng lẽ rơi, dù giọng nói ráo hoảnh và có dịu đi.
- Xin lỗi. Em không tự chủ được. Em hiểu anh mong đem lại điều tốt cho em, nhưng vô ích thôi. Bảy năm rồi, cả thể xác, linh hồn em đều nhơ nhuốc tội lỗi, em không đáng được yêu thương và không dám yêu thương. Em, một kẻ đang tồn tại giữa đời nhưng thật ra từ lâu đã chết. Đêm đêm dùng men rượu tìm quên, em chỉ mong được chết và khi tỉnh lại, thì chỉ nhớ duy nhất một điều, làm sao tìm được và được tha thứ. Anh Giám!
Hoán Vân nghẹn ngào, nước mắt cô như muốn khơi dòng, nhưng cô không để tiếng nức nở lọt vào máy nghe.
- Em không có trái tim, trái tim mẹ đã mang đi từ ngày đó. Em chỉ yêu thương được, trở lại là Hoán Vân khi nào được tha thứ mà thôi. Chào anh.
Cô tắt máy gục đầu. Đầu dây, Giám đặt máy xuống, tủm tỉm cười với người ngồi kế bên, anh ta lắng nghe cuộc điện đàm bằng loa điện thoại không sót một chữ nào. Hàng mày chứ nhíu tịt lại.
- Sao? Chú mày rõ chưa?
- Em vẫn chưa rõ. Theo như ba Hoán Vân thì mẹ cổ hư hỏng, bỏ đi. Đặt giả thuyết bà ta không hư hỏng, bà bị oan thì Hoán Vân cũng đâu có lỗi gì, tại sao lại gánh mọi lỗi lầm về mình?
- Qua tất cả lời rao tìm người cho ta thấy, Hoán Vân nhận hết lỗi lầm. Chú mày nên nhớ lúc ấy Hoán Vân đã hai mươi tuổi, biết điều mình đã làm mà. Vậy điều lỗi của nó là sự thật, nhưng cụ thể thế nào, nó không nói với tôi. Chú mày muốn biết thì đợi nó về tự hỏi nó.
Văn thở ra:
- Cô ấy cứ “cồ” lên với tôi. Thêm vụ thằng Châu, chắc khó ăn giải rồi.
- Thử xem – Giọng Giám sặc mùi khích tướng – Chú mày luôn bị yêu chớ chưa từng yêu, nếu có gan cứ thử.
Văn không hề mắc kế “Gia Cát Lượng khích lão tướng Hoàng Trung” của Giám, anh tỉnh bơ đứng lên:
- Yêu thì không yêu nổi rồi, nhưng tôi quyết đập vỡ trái tim pha lê kia, thay vào đó một trái tim máu thịt con người. Anh chờ xem.
- Cá một chầu – Giám chìa tay.
- Đồng ý.
Văn siết chặt tay Giám, bất giác cười.
Trong lúc ấy Hoán Vân trên đường về nhà, ngôi nhà bảy năm cô từ bỏ. Đứng trước cổng nhà khá lâu, cô chậm rãi đưa tay nhấn chuông, người ra mở cửa là Bảo, cháu dì Uùt. Họ nhìn nhau sững sờ qua song cửa sắt. một lúc, Bảo hấp tấp mở cửa, nói:
- Vô nhà đi cô Vân. Hôm nay ổng chưa về.
Hoán Vân im lặng đi vào. không gian ngột ngạt khó thở. Cả hai đi thẳng lên lầu rồi quanh xuống. Chân Hoán Vân cứ đi, cứ đi quanh quẩn không ngừng. Bảo cũng theo cô, một lúc, anh tằng hắng nói:
- Cô Vân… thật ra …
- Anh đừng nói gí hết. Đừng biện hộ cho tôi. Lỗi do tôi gây ra, thì tôi phải chịu. Phải trả nợ cho hết kiếp này, không thể chia sớt cho ai.
- Vân – Giọng Bảo trở nên tha thiết hơn. Đừng ôm hết vào mình mà khổ, là do …
- Do tôi – Đột nhiên Vân hét lên – Chính là tôi đã phá nát thiên đường của mình có được, đã giết chết linh hồn mẹ tôi, làm tan nát danh dự anh lẫn trái tim mình. Anh đừng biện hộ cho tôi nữa.
- Vân – Bảo đau xót nhìn cô – Anh không hề giận em. Em lúc ấy tuổi hai mươi thật ngây thơ, trong sáng làm sao hiểu hết. Chính anh mới là người có lỗi, vì không đủ dũng cảm cùng em vượt qua.
- Đừng nhắc nữa – Vân bịt tai gào lên – Tôi van anh.
Mắt Bảo đỏ ngầu, nghẹn ngào:
- Được. Anh không nói, nhưng Hoán Vân, bảy năm rồi, từ ngày em ra đi, em có nói, hãy đợi em về, em sẽ nhìn thấy rõ được trái tim mình, để trả lời anh.
Hoán Vân cúi mặt, bảy năm qua là cuộc hành trình trốn chạy và tìm kiếm. Cô chưa một lần để yêu thương quay về với cô. Mọi sự đều chấm dứt từ ngày đó. Nhưng như thế thì quá bất công, tàn nhẫn với Bảo.
- Xin lỗi Bảo. Em chưa tìm được câu trả lời.
- Em đã về rồi.
- Phải. Nhưng để tìm lại một vật của mẹ.
- Vật gì? – Bảo buồn bã hỏi.
- Cái phong linh (chuông gió) mẹ gởi ba mua tận Đài Loan về tặng em lúc đậu vào đại học.
- Vẫn còn nguyên trong phòng.
- Sao anh biết?
- Anh thường cùng cô Út dọn dẹp phòng hai mẹ con.
Hoán Vân lảng tránh tia nhìn của Bảo. Cô đi lên lầu, mở cửa phòng, không nhìn bất cứ vật dụng gì, chỉ lại bên cửa sổ gỡ cái Phong Linh bằng đồng thau, rồi trở ra.
Cả hai xuống chưa hết thang lầu thì ông Thịnh, cha Hoán Vân về. Ông có thể mừng rỡ dù mặt sa sầm gay gắt:
- Chịu về rồi sao? Chim bay mỏi cánh rồi, phải không con?
- Hải Âu không mỏi cánh, có mỏi thì gục chết trên biển khơi chớ không tìm nơi trú đâu.
Ông Thịnh đột nhiên dịu giọng:
- Hoán Vân! Về nhà đi con. Dù gì, sự việc đã xảy ra không thay đổi được. Ba chỉ còn mình con.
Hoán Vân mỏi mệt nhìn cha:
- Tôi không quên được, xin lỗi ông.
Cô đi ra cửa, ông Thịnh chặn lại, run run:
- Vậy con muốn ba làm sao? Ba cũng từng tìm bả nhưng tìm không gặp, chắc bả vượt biên rồi. Người đi an phận, sao cha con mình không huề nhau?
Hoán Vân mỉm nụ cười thật thê lương:
- Ba chẳng hiểu gì về mẹ tôi cả. Nếu bà thích cuộc sống xa hoa, dễ quên quê hương, thì hồi đó nghe lời ba đi nước ngoài rồi.
Cô cương quyết gạt tay ông, bước đi:
- Một ngày nào đó tôi tìm được mẹ, hãy tiếp tục câu chuyện này.
Bảo vội bước theo bỏ mặc ông Thịnh đứng gục đầu vào đôi tay:
- Hoán Vân. Bảy năm rồi, em nói đi, anh sẽ chờ đợi bao lâu nữa?
Cô ngước nhìn anh, cái nhìn của con thú nhỏ đang bị sa bẫy:
- Tôi van anh, đừng chờ đợi nữa. Mỗi một ngày anh chờ đợi là một ngày tôi tự đày đọa mình để trả nợ cho anh. Bảo ơi, không thể nào nữa đâu.
Bảo bùng lên cơn điên giận tuyệt vọng, anh nắm đôi vai Hoán Vân day day:
- Tại sao không thể nào? Có thể mà. Chỉ cần em nhớ về kỷ niệm đôi ta. Hoán Vân!
Cô hất mạnh Bảo, vùng chạy. Tiếng Phong Linh reo lên rộn rã theo bước chân, nước mắt cô tuôn như không cạn. Chiếc taxi trờ tới ngay, Hoán Vân nhảy lên hối hả:
- Chạy đi. Chạy bất cứ nơi nào. Khi nào dừng tôi sẽ nói.
Chiếc xe lướt đi. Bảo vừa đến, anh nhìn theo bằng ánh mắt tuyệt vọng. Nàng như cánh chim chưa mỏi kiếm tìm. Hoán Vân ơi! Anh vẫn đợi.
****
Thấy Võ từ xa cười toe toét, Văn yên tâm. Chắc cu cậu làm bài ngon lành, mới cười quá cỡ vậy.
- Anh Hai! - Võ đến gần gọi anh, cười tít mắt.
- Lên xe đi nhóc. Sao, làm bài được không?
- Ngon lành. Võ mờ.
- Vậy đi ăn bồi dưỡng chú mầy mấy ngày thi. Chú mày ăn gì?
Võ kêu liền thực đơn:
- Tôm càng chấm muối chanh. Xúp yến sâm bát bửu. Mì vịt tiềm, nấm đông cô... (chời, nghe muh xèm )
- Trời đất, sao chú mày rành có cỡ vậy?
Võ cười toe toét, khoe:
- Em đọc trong sách nấu ăn mà. Chút nữa vô tiệm anh để Út Võ gọi thức ăn cho oai phong nghe.
Văn phì cười, gật đầu chiều thằng Út. Y chang. Cu cậu mang vẻ mặt cụ non, búng tay gọi thật "oách" khiến cô tiếp viên liếc mắt cười duyên chúm chím. Thức ăn được đem ra, cu cậu ăn như rồng cuốn nước khiến Văn cũng thấy đói. Hai anh em "chơi" sạch bàn, nhìn nhau vỗ bụng cười. Xong, gọi tính tiền khệnh khạng ra về, vừa đi vừa trò chuyện.
- Mai thi trường nữa là xong hả Võ?
- Đừng có nói thi xong cút về Đà Nẵng nhen. Em phải tham quan thành phố ba trăm năm đó.
- Được rồi, khổ lắm. Nhưng mà vầy, mai anh đưa em đến trường, còn lúc về đi taxi. Sau đó, anh về nhà đưa nhau đi ăn.
- Anh bận hả?
- Ừ. Mai họp chắc về trễ.
- Yên chí. Em sẽ về đúng địa chỉ.
Hai anh em về đến nhà, tắm rửa xong đã hơn tám giờ tối, liền cắt chương trình xem tivi. Võ bật bếp gaz đun nước, khoe anh:
- Em mới học cách pha trà lipton, để trổ tài anh coi. Nhưng nhớ ngủ sớm, để khuya coi World Cup.
Văn phì cười, trề môi:
- Bỏ trà, chế nước, cho muỗng đường, xong. Gì mà phải học nhóc?
Võ kênh kiệu, ngó anh:
- Trời. Vậy mà anh Hai tự xưng là người thanh cao tao nhã. Nghe nè. Uống trà là cả một nghệ thuật. Pha trà cũng vậy, để em pha xem có ngon hơn anh không thì biết.
Văn chào thua, xách cây đàn ra giàn thiên lý ngồi so lại dây, anh dạo một khúc trong bài "Bông hồng cài áo" và sau đó là những bài về mẹ.
Võ đứng ở cửa, trên tay đồ pha trà đủ lễ bộ, lặng lẽ nhìn anh, vui sướng nghĩ thầm: Đây mới đúng là anh Hai ngày xưa của mình. Thật tài hoa, lãng mạn, không bị cơn lốc cuộc đời làm tay cứng, tim điếc.
Và Văn hoàn toàn bị Võ chinh phục ở cách pha trà. Hắn như bậc túc nho danh sĩ ngày xưa, pha trà đối ẩm cùng tri kỷ. Từ cách tráng tách cho nóng, đến cách chế nước, cắt cam, pha đường (mà là đường phèn trong suốt) đều điệu nghệ thong dong.
Pha xong, hắn xoay tay nói:
- Đợi năm phút, "quý khách" sẽ có ly trà tuyệt hảo.
Đúng là ngon không chỗ nào chê, chẳng kém gì ly trà ở "Trà Thất Hoàng Gia" pha. Văn khen dồi:
- Võ à. Em khéo tay thật. Giá làm chủ nhà hàng, chắc em mau thành đạt phú gia.
Võ xua tay lia lịa:
- Thôi nghen anh Hai. Đó là thành quả mấy năm hầu hạ ba thôi. Em hổng ham chúi mũi vô bếp đâu. Em sẽ học ngành kỹ thuật vi tính (tức IT), học xong, nếu anh Hai ủng hộ tài chánh, em bay qua Mỹ học thêm. Sau đó em sẽ học Tiến sĩ.
- Ủa. Vậy cưới vợ lúc nào?
- Xì. Con gái mệt thấy bà. Có cưới thì anh Hai cưới đi. Em khoái ẵm cháu thôi.
- Ở đâu cưới ngang xương vậy?
Văn bỏ quên cây đàn thú vị nhìn em. Võ vênh mặt:
- Thì cưới đại chị Hân đi. Chỉ ngon lành lắm rồi.
- Chú mày đúng là nhiều chuyện. Nếu cưới được, đã cưới lâu rồi. Hiểu chưa?
- Hiểu. Vậy anh có ai chưa?
Văn châm điếu thuốc hút, lờ mờ trong khói, anh thấy ánh mắt ai ẩn chứa niềm đau. Hoán Vân! Hai tháng rồi, em vẫn như bóng chim tăm cá, từ Đà Nẵng, em xuyên suốt hành trình ra Huế, Quảng Trị. Còn anh lại đi về miền Đông Nam Bộ, rồi miền đồng bằng Sông Cửu Long, không cách gì gặp được nhau. Với chừng ấy tháng ngày, sao anh thấy thiếu một cái gì như là thương nhớ. Thật lạ cho anh, xưa nay từng nghĩ, cần một phụ nữ hiền thục, đảm đang, để có thể "ra đời thỏa chí tung hoành, về nhà thì má tựa vai kề, khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên". Vậy mà... Ôi, Yàng ơi! Hy vọng không phải là tình yêu.
- Anh Hai nhớ ai hả? Là con gái phải không?
Văn gảy vài tiếng đàn, lảng tránh câu hỏi. Võ hỏi tiếp:
- Anh nói biết chuyện Cái Chuông. Đó là một cô gái "bá chấy" mà. Sao không kể em nghe?
Ngẫm nghĩ, Văn liền kể về Hoán Vân và nói:
- Anh chưa gặp cổ, để hỏi phải cổ không? Nhưng hôm rồi, cổ ra Huế, Quảng Trị, hôm sau, bạn anh điện báo, tại nơi đó bắt đầu có tin trên đài phát thanh, truyền hình về việc tìm bà Huyền vi.
- Vậy là chỉ rồi. Mà anh Hai nè. Anh thích chỉ hả?
- Nói bậy! Con nít biết gì.
Văn bực bội dựng đàn đứng lên đi quanh các khóm hoa. Võ nhìn theo nghĩ bụng: "Chết mẹ! Anh Hai bị "Cái Chuông" làm mất hồn rồi. Phải cứu ảnh mới được".