Văn thức giấc lúc mặt trời rọi tia hồng vào mặt. Anh uể oải ngồi dậy, nghe đau đầu và choáng váng. "Hôm nay mở cửa mả ba ". Văn vùng lên, chạy ra sân thượng, làm liền mấy động tác thể dục. Xong vào nhà tắm, làm vệ sinh, tắm rửa.
Lúc anh tề chỉnh xuống lầu, đã thấy mẹ con Hường ngồi đợi. Thấy anh, Hường ong óng giọng bắc sắc ngọt, lanh lảnh khiến anh khó chịu:
- Anh Hai. Bố mồ yên mả đẹp, giờ tính chuyện nhà cho xong đi.
Văn lạnh nhạt đi thẳng đến bàn thờ cha thắp hương, quay ra đứng bên cửa sổ.
- Ba tôi chết rồi, giữa chúng ta không còn sự ràng buộc nào nữa. Và chẳng có gì để bàn để nói.
Bà Hưng, mẹ Hường lồng lộn lên:
- Bố con chúng mày là đồ đểu. Bà hầu hạ bao năm, đẻ con cho họ Hồ chúng mày giờ không mang ơn, còn trở oán. Bà kiện cho mày khuynh gia hại sản.
Văn nhếch môi khinh bạc:
- Mời bà cứ kiện. Còn bây giờ nên ra khỏi đây, tôi sắp phải đi.
Hường tím mặt, giọng cứ thơn thớt:
- Anh Hai. Em cũng là em anh, cũng họ Hồ, bố từng rất thương em, bảo em chăm sóc mẹ cả, lẽ nào...
- Cô câm miệng - Mặt Văn trắng nhợt nỗI đau, như vết thương tái phát -- Cô tưởng mọi tội ác cô gây ra ở tuổi lên mười tôi không biết sao? Tôi ngày ấy, tuổi mười sáu thật ngu ngơ khờ khạo, đên nổi không biết làm gi ngoài việc ôm mẹ khóc rồi méc ba chuyện cô hành hạ mẹ tôi như thế nào. Còn cô thật ra làm ra vẻ ngây thơ hiền dịu trước ba tôi. Thế là ba tôi cả tin, để hai con rắn độc trong nhà, nhả độc giếc lần mòn mẹ tôi. Mẹ tôi vì hận sầu, vì buồn đau mà chết. Hay vì hai mẹ con cô giết chết, cô thừa hiểu. Và tôi không bao giờ tha thứ cho mẹ con cô đâu.
Văn vụt cười khô khan, cay độc:
- Trong đầu mẹ con cô còn muốn giết cả thằng Võ và tôi đúng không? Năm đó, thằng Võ mới ba tuổi, mẹ tôi vừa mất, vậy mà tôi đành đoạn bỏ nó lại ra đi. Cô biết tại sao, bỗng dưng người lính bảo vệ cha tôi ngày xưa, giờ phút đó lại về làm người chăm sóc thằng Võ không? Là tôi xin ba tôi đó, lời cầu xin duy nhất của đứa con ông yêu thương, sắp ra đi và ông đã chấp nhận. Ông ngỡ để vui lòng tôi, chớ đâu biết, người cận vệ ấy đang bảo vệ ông thoát chết bởi loài rắn độc ông đang ấp ủ trong lòng mà ngở rằng vợ hiền con thảo.
Võ đi ra tự lúc nào, đến bên cạnh, cười nửa miệng:
- Anh Hai gớm mặt ghê. Hèn chi từ nhỏ tới lớn, chú Hồ cứ kè kè cùng em ăn ngủ. Chú tới rồi, đang đợi mình đi mở cửa mả cho ba.
Hai mẹ con mụ đàn bà tím ruột bầm gan, te te đi ra cổng lên chiếc Dream II vù thẳng. Ông Hồ vứt khăn lau xe quay lại, tấm thân to như thần hộ pháp lắc lư, gật gù, đi vô:
- Văn. Mày nghĩ mẹ con bả dám giết thằng Võ hả?
- Họ chưa có lá gan đó -- Văn châm thuốc hút. -- Bởi vừa độc ác, tham lam còn ngu xuẩn dốt nát. Nhưng cái màn hành hạ suốt tháng năm, đủ cho thằng nhỏ chết kiểu mẹ tôi hoặc bỏ nhà đi bụi.
Văn choàng tay qua vai em thân thiết nói với ông Hồ:
- Tụi con cám ơn chú.
- Ơn nghĩa gì. Mình là người nhà mà -- Ông Hồ tương tắn. -- Thôi đi, kẻo nắng.
- Chưa chuẩn bị đồ cúng. -- Văn vỗ đầu than.
Võ trề môi liến thoắng:
- Em lo hết rồi. Luộc gà, nấu xôi, bông chuối, rượu, trà, nhang đèn, vàng bạc, trầu cau và đồ thổ thần.
Văn trố mắt nhìn em, Võ cười khì:
- Ba với chú Hồ nói mai sau chuyện thờ cúng chắc mỗi mình em lo, nên em phải học làm cho quen để mai sau dạy lại... cho vợ.
Cả bao cười xào cùng ra xe. Ông Hồ lái, Văn ngồi sau với em rủ rỉ:
- Năm nay nhắm thi đậu không?
- Nếu đậu thì sao hả anh?
- Thì ngon lành chứ sao?
- Em nói chuyện nhà cửa kìa.
Văn suy nghĩ, từ khi ba anh bịnh, anh đã yêu cầu sang nhượng hai cửa hàng vật liệu xây dựng và trang trí nội thất cho người hùn. Đến năm 95, anh lại sang luôn công ty Trung Việt của ba anh lập. Công ty này làm ăn có lãi, nhưng chẳng hiểu sao lại nợ ngân hàng con số khổng lồ. Về sau, Văn biết, do mẹ con Hường nắm kế toán, tài chánh thao rúng tất cả khoản tiền, anh đổi ra ngoại tệ đưa vào ngân hàng, tiền lãi hàng tháng lấy về giao Võ quản lý chi dùng. Anh chỉ giữ lại chiếc Toyota đời cũ này. Vì cần thiết cho bịnh tình của ba anh. Nhưng giờ ba đã mất. Võ hè nay thi đại học, tính sao đây? Chẳng lẽ bán luôn cả nhà, mẹ một đời tâm huyết xây dựng? Không được.
- Anh Hai! Sài Gòn Times có văn phòng ở miền Trung chưa?
Cái thằng này nó "ngon" hơn mình nhiều. -- Văn nghĩ.
- Em không thích Sài Gòn hay vì mình anh về giữ ngôi nhà của ba mẹ?
- Quê mình lẫn căn nhà, chú Hồ và bà con láng giềng bè bạn... tất cả em đều không nỡ xa lìa. Em sẽ đi học và về lại Đà Nẵng làm việc. Anh Hai...
- Được. Lúc đó anh Hai cùng về với em.
Mắt Văn cay cay, bồi hồi xúc động:
- Võ ơi. Em hơn anh nhiều lắm, anh thật tự hào về em. Và mai sau còn tự hào hơn nữa, nhất định vậy.
Bất giác Văn siết vai Võ chặt cứng.
Chàng trai chúi đầu vào lòng anh như thuở nhỏ, mỗi khi anh về thăm và nói:
- Cảm ơn anh Hai. Vậy giao căn nhà cho chú Hồ giữ.
Xe vào khu nghĩa địa Gò Gà, rẽ trái đến ngôi mộ còn ướt nước vôi, nằm trên mảnh đất sát con suối nhỏ và hàng phi lao đang reo ca trong gió.
Ông Hồ nhanh nhẹn trải chiếu, sắp đồ cúng cùng Võ. Văn gọi người trông coi mồ mả lại, đưa cho anh ta tờ giấy vẽ, nói:
- Đây là hình vẽ lăng mộ, anh về tính toán giá cả xong gọi cho tôi. Thỏa thuận được, tôi chồng tiền cho xây ngay.
Người kia đi rồi, Võ đốt hương đưa cho Văn, nói:
- Anh Hai cúng đi. Nghe em đọc rồi đọc theo nghen.
Võ đọc rõ ràng mạch lạc một bài cúng kêu gọi đủ tên các Phật tiên, thần, thánh. Văn đọc theo rồi lạy. Cắm hương. Cả ba im lặng ngồi bên mộ đợi hương tàn. Văn chợt nói với ông Hồ:
- Chú Hồ, con làm chuyển nhượng xe qua chú, chú đăng ý taxi tư nhân để kiếm tiền sinh sống, luôn tiện chăm nom nhà cửa giùm tụi con được không?
Ông Hồ rớm nước mắt, còn mong gì hơn.
Một đời không chữ nghĩa, theo tiếng gọi non sông cứu nước, bảy lần bị thương, thời bình lập lại không đủ công, để có được việc làm nuôi thân, may mà gần mười lăm năm nay "bảo vệ" Võ, mới được ba bữa.
- Sao không được? -- Giọng ông Hồ nghèn nghẹn -- Tao còn nhà cửa gì đâu, bốn mươi năm phiêu bạt.
- Hay quá anh Hai! -- Võ vỗ tay đôm đốp.
Cả ba đứng lên, Võ thành thạo pha thêm tuần trà xong, xá ba xá, đem giấy ra đốt. Gió thổi mạnh, tro giấy bay tung, lẫn trong gió. Văn nghe được tiếng nói ra rá của đài phát thanh xã gần đó.
- Võ. Em nghe rõ không?
- Dạ rõ. Nội dung nhắn một bà mẹ nào đó tên Lê Thị Huyền Vi, bỏ nhà đi từ năm 1990, nay ở đâu, con là... Cái Chuông, tên gì kỳ vậy anh Hai? Đã biết lỗi lầm, mong mẹ tha thứ quay về. Ai biết mẹ tôi ở đâu, xin gọi về số... 091... tôi xin cảm ơn và hậu tạ. Kèm theo lời nhắn là chân dung bà Huyền Vi.
Ông Hồ gầm gừ:
- Làm con mà bất hiếu vậy đó, trời không đánh chết cũng sinh lên xộp xuống, ngóc đầu không nổi.
Võ dọn đồ vào giỏ, ngoắc đám thợ xây mả gần đó cho chai rượu, xôi, thịt... chỉ giữ lại con gà và đĩa nhãn. Văn hỏi em:
- Sao không cho hết.
- Phải anh không? Để về nấu miến ăn trưa chứ.
Văn lắc đầu dù thương em chất ngất.
- Cái thằng!
Về đến nhà, Văn thay đồ xuống bếp theo yêu cầu của Võ. Và anh phục thằng em sát đất khi thấy nó chặt gà, ướp gia vị, bắc bếp, lấy nước luộc gà làm nước nấu miến. Hai mươi phút sau, cả ba đề huề ngồi xuống bàn ăn trước ba tô miến và đĩa thịt gà rắc lá chanh béo ngậy. Văn ăn một hơi hết tô miến, khen đôi lúc ăn gà chấm muối tiêu chanh.
- Anh không ngờ em giỏi vậy.
Võ hết cười, nói:
- Biết làm sao. Hai mẹ con bả hết tới công ty thì đi shop hoặc gầy sòng bạc rồi lên đồng hầu thánh. Còn ba thì kén ăn, chú Hồ lại không biết nấu ngon. Em đành học nấu thôi. Dễ lắm anh Hai.
Văn nhón trái nhãn, lột vỏ cho vào miệng:
- Anh không thích em thành bà nội trợ đâu, phải ra dáng tu mi nam tử chứ.
- Trời. Em mọc râu rồi anh còn chê chỗ nào?
Cả ba cười khà. Văn nhìn kỹ thằng em. Nó bảnh trai thật. Hàng ria mép lông tơ lún phún, tay chân cao, dài, lông đen mượt. Nó đẹp trai hơn cả... mình mới chết.
Văn bàn chuyện nhà nhanh chóng, lúc anh đứng lên, ông Hồ nói:
- Văn à. Buồn thì cứ đi giải khuây, đừng uống rượu nhiều như hôm qua, rủi xa nhà, một mình...
- Con biết. Cảm ơn chú.
Nhưng đến tối, khi kiểm tra xong bài vở Võ, Văn lại buồn rũ, anh nhìn ảnh cha mẹ chua xót nghĩ rằng, mình quá bất hiếu, rác rưởi. Văn liền gọi taxi đến thẳng bar rượu khách sạn Faito.
Bar rượu Faito nổi tiếng tài pha chế rượu. Nhưng bar lại vắng khách vãng lai. Hầu hết phục vụ cho khách ở khách sạn. Văn đi vào và bị một người chạy ra đâm sầm suýt té. Anh ta thấy anh, mừng quíu liền hỏi:
- Anh thấy sếp tôi đâu không? Bả có đi với anh không?
Hình như anh ta hỏi Hoán Vân. Văn nghĩ bụng, hỏi lại:
- Cậu nói Hoán Vân à? Cô ấy chưa về sao?
Mặt anh chàng tái mét:
- Chết rồi. Từ chiều tới giờ gọi bả không được. Bả căt liên lạc mất tiêu. Giờ còn chưa về, chắc có tai nạn xảy ra, làm sao đây?
Văn lại nghĩ khác. Đêm qua, trong say, anh vẫn tỉnh để biết người con gái ấy rất độc lập và có cá tính. Cô ta đang làm gì đó và không muốn bị quấy rầy, thế thôi. Người như cô ta, xe ủi lô cán cũng khó chết được. Văn hậm hực nghĩ đến cú lăng cù đèo đêm qua. Mình khen cô ta thật quá đáng. Nhưng phải công nhận, cô ta dường như cố nhẹ tay để mình không ê ẩm.
- Cậu đừng lo -- Văn vỗ vai anh chàng -- Cô ấy chắc đi xa chưa về kịp thôi. Có thể đang ở ngoài vùng phủ sóng nên không gọi được.
- Hôm nay bả đi Đại Lộc với người điều tra thị trường, người kia về rồi, đang chờ gặp bả để giao hồ sơ, mà chờ cả năm tiếng đồng hồ rồi.
- Thì cậu thay cổ nhận đi.
Anh chàng nhăn nhó:
- Không được. Nguyên tắc mật, bả đề ra tôi đâu dám phạm. Bả dũa te tua liền.
Anh chàng bức tóc chạy qua khu lễ tân, Văn chẳng hiểu sao lại đi theo, anh thấy anh chàng đang năn nỉ cô gái ngồi quay lưng về phía anh, cô gái có dáng quen thuộc.
- Hân! -- Văn gọi.
Cô gái quay lại, đúng là Hân. Vẫn duyên dáng dù hơi cứng hơn trong độ tuổi ba mươi nhiều thăng trầm.
- Anh Văn -- Hân thấy Văn, tươi lên qua nụ cười.
Đông thở phào xoa tay tía lia:
- Ổn rồi. Ổn rồi. Bạn cũ gặp nhau chắc cần vài... ba giờ tâm sự. Trong thời gian đó, nhất định sếp về.
Hân lắc đầu cười nhìn Văn, anh nói:
- Hoán Vân là bạn anh, chắc có sự cố gì mới chậm trễ thôi. Vầy đi, anh đang rảnh, Hân có thể ngồi với anh tối nay không?
- Vì anh và Hân hay vì cô Hoán Vân đây?
- Vì cả ba.
Văn nheo mắt cười cười, anh cố làm lơ trước nét buồn thoáng qua mặt Hân. Tình yêu là thế đó, như mọi cuộc đua giữa đời, kẻ chạy người đuổi theo. Họ là bạn nhau thời sinh viên, cách nhau hai lớp, đồng cảm với nhau hết mọi chuyện trừ trái tim. Chẳng hiểu sao Văn không yêu được Hân. Trong khi cô lại làm hàng tá gã con trai điên đảo, thế rồi cô trốn chạy anh, trốn chạy mọi kỷ niệm thời con gái ra tận Hà Nội làm cho một công ty lớn về điều tra thị trường. Nghe bảo cô đã lấy chồng, rồi lại nghe cô ly dị, nghe cô từng bị điều tra suốt cả năm về một vụ án kinh tế lớn nào đó, và giờ gặp cô ở đây, trong vai trò cũ, thời mới ra trường. Em sao hả Hân? Sao đầy mệt mỏi thế kia? Có phải là lỗi anh đã làm cho con tim em tan nát, khiến em điên rồ phiêu lưu vào mọi lối đường tăm tối gian lao.
- Sao anh không nói gì hết vậy?
- Lâu quá không gặp em, gặp lại thật bất ngờ. Hân. Em khác quá, ngay cả bảy năm xa cách cũng chỉ khiến em tặng anh mỗi nụ cười ngày gặp lại.
- Vậy phải làm sao? -- Hân khuấy đều ly nước người phục vụ vừa bưng đến, hớp một ngụm, đặt xuống -- Phải nhảy nhổm lên, ôm anh, khóc lên à? Điều ấy, bảy năm trước em không làm được, lẽ nào bảy năm sau em làm?
- Em vẫn thế, dù bây giờ có thẳng hơn, chín chắn hơn. Hân. Em sống thế nào?
Cô nhìn anh, buộc miệng:
- Sao anh không hút thuốc. Hân muốn thấy anh của bảy năm trước, chỉ một làn khói thuốc đủ làm con gái si mê.
Khi anh thả khói thuốc bay từng vòng tròn ra khoảng không gian, Hân ngơ ngác nhìn rồi nói:
- Em làm việc ở công ty cũ, sau vụ điều tra sáng tỏ, họ biết em bị vu oan -- Cô cười cay đắng. -- Thằng Vũ, chồng cũ em, ăn ốc bắt em đổ vỏ đấy. Thật khốn khiếp! Hắn có một trái tim chó sói, một cái đầu chồn cáo và gương mặt của anh.
Văn nhói đau. Nghĩa là một phần trách nhiệm thuộc về anh. Hân buông câu kết luận buồn tênh:
- Giờ em lại là của bảy năm trước, tệ hại hơn là đã mất luôn niềm tin vào cuộc đời.
Văn đắng ngắt miệng, dù ly cà phê có khá nhiều đường. Anh vụng về, nắm tay Hân bóp nhẹ:
- Đừng thế Hân. Hãy hướng về tương lai và tạo ước mơ. Người đàn bà bắt đầu cuộc đời bằng tuổi bốn mươi Hân ạ. Em chỉ mới ba mươi, em sẽ tìm được hạnh phúc cho mình.
Mặt Hân rạng rỡ hơn, qua nụ cười rộng mở và Văn chỉ lấy bàn tay lại khi Hoán Vân đứng trước họ, mệt mỏi, đầy bụi đường. Cô nói ngay:
- Xin lỗi để cô phải đợi. Tôi xin tính tiền công tác cho thời gian cô chờ. Mong cô thông cảm.
Hân mỉm cười nhìn Vân:
- Cô ngồi xuống nghỉ một chút, chắc cô mệt lắm?
- Vâng. Tôi ngỡ chỉ chạy xe trong hai giờ đi và về.
Hoán Vân ngồi xuống. Đông ngồi theo, nháy nhó với Văn. Anh nói:
- Hân à, cô Vân cần tắm rửa nghỉ ngơi, em giao hồ sơ cho cô ấy, còn có gì để sáng mai nói.
Hoán Vân nhìn đống hồ sơ rồi nói:
- Tôi làm phiền cô Hân mười lăm phút cho xong việc hôm nay. Ngày mai có phần việc khác.
Hân gật đầu nhìn Văn. Anh tế nhị đứng lên:
- Anh qua bar rượu chờ Hân.
Đông cũng đứng lên, Hoán Vân lấy từ túi quần ra viên thuốc cho vào miệng xong ra hiệu Hân để tập hồ sơ lên bàn. Hoán Vân lấy ra xem, thỉnh thoảng cô đặt câu hỏi, Hân trả lời rành rọt. Đúng mười lăm phút, Vân gấp hồ sơ đứng lên chìa tay:
- Tôi rất vui mừng vì gặp người cộng tác giỏi như cô. Hy vọng, cô không có trở ngại gì để giúp tôi thêm một tuần nữa.
- Đồng ý -- Hân vui vẻ -- Tôi cũng thích lối làm việc của cô lắm. Tạm biệt.
Nhưng cả hai cùng đi qua quầy bar, Hoán Vân đứng lại quầy, uống liền ba séc rượu. Cô chống khuỷu tay xuống quầy, hai tay bưng vầng trán, đứng bất động khoảng năm phút rồi trả tiền, quay lên khách sạn.
- Cô ta cứ như đang gánh hết mọi tội lỗi thế gian trên đôi vai vậy.
- Sức làm việc cô ta rất phi thường, anh nói là bạn mà sao cổ không nhìn anh vậy? -- Hân nghi ngờ hỏi.
- Bạn tình cờ thôi. Cách đây năm ngày cổ từ công ty cũ qua làm một chỗ mới, anh gặp lần này mới lần thứ tư.
- Anh có vẻ chú ý đến cô ta lắm -- Hân cười cười hỏi.
- Cô ta như bợm ấy. Em lo làm quái gì -- Văn giở giọng nửa thật nửa đùa -- Anh không thể yêu em, làm sao có thể cảm nổi cô gái như đàn ông đó.
Anh ấy cố ý khẳng định một lần nữa cho mình biết đấy. Hân chua chát nghĩ và cô chợt muốn vượt rào một lần trong đời. Cô uống rượu như Văn và chỉ vài séc là gục. Gã trưởng quầy nheo mắt, nhún vai và nhìn anh, Văn tỉnh bơ một tay choàng qua eo cô, một tay kéo tay cô choàng qua vai mình. Anh dìu cô ra taxi, hỏi vào tai cô:
- Hân. Em ở khách sạn nào. Anh đưa về.
- Chưa... thuê... em mới bay vô mà.
Thế đấy. Văn nói địa chỉ nhà mình. Nghĩ thầm lúc xe chạy: "Mặc sức chú Hồ với thằng Võ tra khảo ngày mai". Té ra cả hai đều đi ngủ. Văn mở khóa cửa, dìu Hân vào nhà, đưa thẳng lên phòng Hướng ở lúc trước, đặt cô lên giường, đắp mền cẩn thận rồi về phòng mình. Cởi hết áo quần, mặc độc quần short sau khi tắm. Văn ngần ngừ một chút rồi bấm mobilphone gọi qua khách sạn, lễ tân nối máy lên phòng Hoán Vân, cô bất ngờ khi nghe Văn gọi đến, anh hỏi:
- Còn làm việc sao Hoán Vân?
- Sao có vẻ thân tình vậy? -- Hoán Vân nhíu mày, suy nghĩ và trả lời:
- Phải. Hồ sơ phải được fax về công ty trước tám giờ sáng mai. Anh cần gì ở tôi?
- Không. Tôi tưởng cô không khỏe. Hoán Vân. Công việc có đến ba, bốn chục năm để làm. Còn sức khỏe...
- Nếu không có gì, tôi cúp máy đây.
Văn nhìn chiếc máy mình cầm ngơ ngẩn. Cô ta là sắt đá hay sao? Phòng bên kia, dường như Hân đang kêu la. Văn chạy qua, anh thấy Hân chệnh choạng nhổm lên từ nền nhà. Văn đỡ cô lên, hỏi:
- Có sao không Hân?
Cô gục đầu vào vai anh, thay vì trả lời, tấm thân thanh mảnh ép sát vào anh, hơi thở cô thơm rượu và nồng nàn hương vị đàn bà. Văn phát sốt, anh chẳng phải thanh cao gì ở lứa tuổi ngoài ba mươi, chưa có người yêu, nhưng gối chăn qua đường chẳng thiếu. Anh đã là đàn ông và cô là đàn bà từng đi qua hương lửa, nhưng Văn không muốn đó là Hân. Anh vùng ra, cô quấn chặt, thì thầm mê người:
- Đừng anh. Em muốn anh chỉ một đêm nay, anh và em bây giờ chẳng còn gì gìn giữ. Nửa đời rồi anh Văn ơi.
Và cô tìm môi anh cuống quýt đê mê. Cô hôn thật điêu luyện, thật nồng cháy.
Văn bừng lên dữ dội, anh đáp trả hối hả, có chút thô bạo.
- Hân. Có nên không -- Anh thì thầm -- Anh không có gì trao em ngoài...
- Em hiểu. Em không đòi hỏi gì đâu. Văn...
Văn cho cô điều cô muốn trong đam mê với chút xót xa. Và cô ngủ thiếp, đầy mãn nguyện thỏa thê. Văn lẳng lặng về phòng, đêm ấy anh thao thức.