Mười năm đã trôi qua. Vậy mà trong trí nhớ của tôi còn lắng đọng lại bao nhiêu hình ảnh con người, sự kiện trong tháng Ba đáng ghi nhớ ấy, không khí nhộp nhịp trong cơ quan tham mưu chiến lược, những bức điện tới tấp từ chiến trường bay về chứa nặng tin chiến thắng, những buổi giao ban đầy hào hứng phấn khởi. Đúng, tất cả đều đúng. Nhưng ấn tượng sâu sắc đối với tôi là những cuộc hội nghị của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương, những cuộc họp vạch đường cho quân và dân ta đi từ chiến thắng này đến chiến thắng khác ngay trong tháng Ba và cũng là vạch đường cho dân tộc ta giành thắng lợi trọn vẹn, cuối tháng Tư.
Một tháng sau chiến thắng Phước Long, ngày 5 tháng 2, anh Văn Tiến Dũng lên đường vào Tây Nguyên. Theo quyết định của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương, anh cùng các anh Đinh Đức Thiện, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần; Lê Ngọc Hiền, Phó Tổng Tham mưu trưởng và một số cán bộ của cơ quan Bộ Tổng Tham mưu, các quân chủng, binh chủng, tổ chức thành bộ phận đại diện của Bộ Tổng tư lệnh và Quân uỷ Trung ương mang bí danh Đoàn A.75. Tham gia đoàn không những gồm những cán bộ chỉ huy, tham mưu có kinh nghiệm mà còn cả những cán bộ, nhân viên thông tin, cơ yếu có trình độ nghiệp vụ cao, đã tích luỹ nhiều kinh nghiệm công tác.
Bộ Tổng Tham mưu theo dõi hành trình của đoàn và được biết ngày 13 tháng 2, các anh đã đến Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên.
Anh Lê Ngọc Hiền vào trước để nghiên cứu chiến trường và chuẩn bị kế hoạch tác chiến.
Khi Đoàn A.75 đang lên đường, để giữ bí mật, hàng ngày chúng tôi không dùng điện đài liên lạc với đoàn. Nhưng để anh Dũng và Đoàn A.75 có những tin tức mới nhất, cần thiết cho việc thảo luận kế hoạch tác chiến sắp tới, Bộ Tổng Tham mưu đã liên lạc với đài của Bộ tư lệnh B8, thường xuyên thông báo những tin tức mới nhận được, nhất là tin về địch, về vận chuyển hậu cần bảo đảm cho chiến dịch, để B3 báo cáo lại khi Đoàn A.75 vào đến Tây Nguyên.
Về tình hình địch, qua tin kỹ thuật, chúng tôi đặc biệt chú ý đến cuộc họp ngày 18 tháng 2 giữa Thiệu và các tướng nguỵ ở Sài Gòn. Hai kết luận của bọn cầm đầu quân nguỵ trong cuộc họp này khiến chúng tôi quan tâm:
- Một là, chúng phán đoán ta mở cuộc tiến công Xuân Hè trong tương lai, gần với mục tiêu là đánh phá bình định, giành đất, giành dân trên chiến trường trọng điểm là quân khu 2.
Hai là, Thiệu nhắc đề phòng ta đánh Quảng Đức, Pleiku, Công Tum, đó là mục tiêu "điểm"; còn Buôn Ma Thuột nếu có bị tiến công cũng chỉ là "diện".
Ngày 22 tháng 2, sau cuộc họp của cơ quan Bộ Tổng Tham mưu tổng hợp tình hình địch và công tác chuẩn bị của ta để báo cáo Thường trực Quân uỷ, chúng tôi lại điện tiếp vào B3 những tin tức mới nhất về địch đã được cơ quan tổng hợp và đánh giá, kể từ đầu năm đến trung tuần tháng 2.
Sau khi nêu những điểm chính về tổng số quân và hai khối cơ động chiến lược của địch ở nam quân khu 1 (Quảng Đà) và chung quanh Sài Gòn, về lực lượng tại chỗ ở mỗi quân khu, về thất bại của địch trong các chiến dịch "đồng khởi đặc biệt" nhất là trên các hướng trọng điểm ở Khu 5, miền Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, chúng tôi nói về âm mưu của Mỹ, sự phán đoán của bộ Tổng Tham mưu nguỵ đối với chủ trương chiến lược của ta, nhất là những tin tức liên quan đến chiến trường Tây Nguyên.
Chính phủ Mỹ đang vận động quốc hội để xin thêm viện trợ cho nguỵ. Họ đã đưa thêm nhân viên quân sự Mỹ vào miền Nam, trong đó có 340 nhân viên không quân; đã bí mật đưa thêm vũ khí đạn dược cho nguỵ và tăng thêm máy bay B.52 vào Thái Lan. Có tin Mỹ mở cầu hàng không để trực tiếp tăng viện vũ khí xuống các sân bay Pleiku, Công Tum; riêng ở sân bay Công Tum, cứ ba ngày lại có ba đến bốn chiếc máy bay C.141 hạ cánh ban đêm.
Về chủ trương chiến lược của ta, địch cho rằng ta sẽ đẩy mạnh tiến công quy mô lớn hơn năm 1974, nhưng có thể chưa bằng năm 1972; rằng ta sẽ chiếm thêm một số chi khu quận lỵ, một số thị trấn, thị xã, nhưng cố tránh không để Mỹ can thiệp trở lại. Ta sẽ đánh cả ở bốn quân khu, nhưng hướng chính là quân khu 2, nhằm giải phóng các thị xã Pleiku, Công Tum trước mùa mưa. Địch cũng phát hiện ta đang tích cực chuẩn bị ở vùng Quảng Đức, Buôn Ma Thuột, chúng phán đoán ta đã đưa sư đoàn 968 vào Pleiku và sư đoàn 320 xuống Đắc Lắc. Địch cũng dự kiến ta sẽ hoạt động mạnh trên các hướng nam Trị Thiên và tây-nam Đà Nẵng. Đáng chú ý là địch vẫn đang ra sức tìm hiểu ý định chiến lược và việc điều động lực lượng chiến lược của ta, về thời gian tiến công, địch phán đoán ta sẽ bắt đầu vào dịp tết cho đến hết tháng 6 năm 1975. Vì vậy, trước tết, chúng điều chỉnh lực lượng cơ động chiến trường ở Bắc Tây Nguyên và tây- nam Đà Nẵng. Còn khối cơ động chiến lược thì vẫn bố trí như cũ.
Chúng tôi cũng thông báo tình hình chuẩn bị và lực lượng không quân của địch ở khu vực Đông Nam châu Á, về cuộc diễn tập sắp tới của hải quân khối SEATO.
Về ta, chúng tôi thông báo tóm tắt công tác chuẩn bị trên các chiến trường Nam Bộ, Khu 5, Tây Nguyên và Trị Thiên, cả về tình hình củng cố lực lượng, về kết quả tuyển quân, mặc dù trước khi lên đường, Đoàn A.75 đã được biết kết quả bước đầu của các mặt công tác này.
Ngay từ đợt đầu, công tác tuyển quân năm nay đã báo hiệu nhiều thuận lợi. Từ cuối năm 1974, đầu năm 1975, khi quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị và kết quả hội nghị quân sự địa phương được phổ biến xuống các quân khu, các tỉnh ở miền Bắc, khắp các địa phương, từ vùng đồng bằng đến rừng núi đã dấy lên một phong trào tòng quân rầm rộ chưa từng thấy. Nhiều nam nữ thanh niên xin hoãn ngày cưới, hoãn ngày vào trường đại học hoặc đi học ở nước ngoài để được vào bộ đội ngay trong đợt đầu năm. Một khí thế "cả nước ra quân" rầm rộ từ thành thị đến nông thôn. Đó là khí thế sôi nổi của thanh niên nô nức đi đăng ký tòng quân, của cả các chiến sĩ cũ đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự lên xã huyện tình nguyện xin trở lại đội ngũ vào chiến trường. Toàn dân nhất trí rất cao với quyết tâm chiến lược của Đảng. Tấm lòng người dân từng làng bản, phố phường ở hậu phương lớn vẫn ngày đêm hướng ra tiền tuyến lớn, một lòng, một dạ sắt son, quyết cùng đồng bào miền Nam ruột thịt đi tới đích tròng chặng đường cuối cùng của sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Từ thực tế số liệu báo cáo của từng địa phương, cơ quan tham mưu dự tính đến cuối tháng 4 sẽ tuyển hết số quân của năm 1975, và đến cuối năm 1975 đầu năm 1976 sẽ tuyển hết số quân của năm 1976 để có thời gian huấn luyện.
Về mặt bảo đảm hậu cần cho chiến trường Tây Nguyên, khi vào tới nơi, trong một bức điện gửi ra, anh Dũng cho biết:
"Mọi yêu cầu của chiến dịch đều được bảo đảm; Đoàn 559 phục vụ rất tích cực cho chiến dịch; quân no, lực lượng lớn, vũ khí đầy đủ tinh thần phấn chấn, khí thế cao. Chưa bao giờ ta ra quân mạnh và đánh tập trung lớn ở Tây Nguyên như năm 1975 này".
Nhận được tin này, những cán bộ tham mưu và hậu cần được giao nhiệm vụ chuẩn bị lực lượng cho Tây Nguyên đều rất phấn khởi. Anh em thấy kết quả sự đóng góp công sức của mình vào hướng chiến trường trọng điểm của đợt tiến công đầu, vào thắng lợi sắp tới.
Ngày 17, Bộ Tổng Tham mưu nhận được điện của anh Dũng cùng dịp với phái viên Đoàn A. 75 ra Bộ báo cáo kế hoạch tác chiến.
Trước hôm Đoàn A.75 lên đường, chúng tôi được tham gia cuộc trao đổi ý kiến giữa anh Văn và anh Dũng chung quanh cách đánh trong chiến dịch Tây Nguyên. Ý kiến thống nhất là mạnh bạo giải quyết Buôn Ma Thuột trước, nếu địch ở đây sơ hở, ta có điều kiện giành thắng lợi bất ngờ; tiếp đó nhanh chóng phát triển thắng lợi. Tranh thủ bất ngờ cao độ là điều được các anh nhấn mạnh để bảo đảm trận đấu thắng giòn giã. Dự kiến kế hoạch phát triển thắng lợi phải kịp thời nhằm diệt thật nhiều sinh lực địch, đồng thời giải phóng được những địa bàn chiến lược quan trọng, cũng được các anh bàn bạc kỹ.
Cần nhắc lại rằng, theo kế hoạch chiến lược cơ bản, chúng ta trù tính giải phóng Tây Nguyên trong năm 1975, tức là trong bước một của kế hoạch hai năm, đi đôi với việc bóc một loạt các cứ điểm ở miền Đông và mở mảng, mở vùng ở đồng bằng sông Cửu Long, phát huy thắng lợi Tây Nguyên mở mảng mở vùng ở đồng bằng Khu 5 và Trị Thiên.
Thực tế tình hình bố trí lực lượng ta ở chiến trường Tây Nguyên có khác với dự kiến của cơ quan chiến lược. Khi Đoàn A.75 vào tới nơi thì phần lớn lực lượng đã được bố trí từ Đức Lập tới Đắc Soong, nhằm tiêu diệt địch và giải phóng đoạn đường 14, mở thông hành lang vận chuyển chiến lược vào B2.
Tại mặt trận, sau khi thảo luận, nhận thấy do lực lượng bố trí đã bị chéo, khó điều chỉnh (vừa mất thời gian, vừa khó giữ bí mật), nên các anh chủ trương đánh Đức Lập trước, rồi hôm sau đánh ngay Buôn Ma Thuột, địch chưa thể kịp đề phòng. Do hoạt động trên các hướng tốt, ta đã làm lạc hướng phán đoán của địch.
Đến chiều ngày 9 tháng 3, khi ta đã đánh Đức Lập, địch mới báo động, nhưng chúng cũng chưa kịp khằng định mục tiêu chủ yếu của ta; lại do ta cài thế chắc trên ba trục đường 19, 14 và 21, nên địch không dùng được đường bộ tăng cường cho Buôn Ma Thuột.
Trong thành Hà Nội, qua cổng khu A, nếu chú ý quan sát, người ta có thể thấy từ đầu tháng Ba, nhất là từ ngày 9, không khí làm việc trong các cục Tác chiến, Tình báo, cơ quan thông tin, cơ yêu nhộn nhịp khác thường.
Từ khi quân ta nổ súng tiến công Đức Lập, bộ phận trinh sát kỹ thuật của Cục Tình báo tập trung tinh lực bám sát từng động tĩnh của địch. Các phương tiện thu tin đều được triển khai. Tin mật, tin công khai của đài Mỹ, đài Anh, đều được phòng 70 của Cục Tình báo thu lượm, sàng lọc, phán đoán. Cán bộ hai cơ quan Tác chiến và Tình báo trực 24/24 giờ.
Buổi giao ban trong khu "Nhà con rồng" sáng ngày 10 diễn ra trong không khí thật phấn khởi. Tin tức đầu tiên cho biết, ta đã đánh chiếm Đức Lập, Đắc Soong, Núi Lửa ở Khu 5, đánh thông đường chiến lược Đông Trường Sơn. Phía bắc, ta tiêu diệt quận lỵ Thanh An. Trên đường 19, ta áp sát phía tây thị xã Pleiku. Một thói quen trong các buổi giao ban là tin tức về sự đối phó của địch thường được mọi người quan tâm theo dõi với thái độ chăm chú. Lần này cũng vậy, ta được biết, trong một cuộc họp lúc 11 giờ ngày hôm trước, 9 tháng 3, các tướng nguỵ chỉ huy ở Tây Nguyên vẫn cho rằng: Ta đánh Quảng Đức, uy hiếp Buôn Ma Thuột để nghi binh. Có thể vài ngày tới, ta sẽ tập trung đánh mạnh Pleiku - Công Tum. Vì vậy, việc chính hiện nay của chúng tôi là tăng cường mọi khả năng đối phó ở hướng Bắc Tây Nguyên.
Thế là bọn cầm đầu quân nguỵ tiếp tục phán đoán sai lầm, do đó tiếp tục đối phó sai lầm. Chúng lại rút bớt lực lượng từ Nam Tây Nguyên đưa lên tăng viện cho Pleiku, khiến cho Buôn Ma Thuột càng trở nên sơ hở và cô lập. Trong cuộc đấu trí đấu tiên trong mùa khô này trên chiến trường Tây Nguyên, cái đúng, cái thắng của ta, cái sai, cái bại của địch đang diễn ra từng ngày, từng giờ.
Mấy hôm trước, trong cơ quan tham mưu thoáng có biểu hiện băn khoăn lo ngại. Có tin một vài chiến sĩ ta bị thương rồi bị bắt; địch lại nhặt được một số đồ dùng cá nhân của anh em rơi rớt trên đường 14, khi luồn vào phía nam Buôn Ma Thuột. Nhưng đến hôm nay, nhận được báo cáo tình hình địch, mối lo đó không còn nữa. Hoạt động quân báo của ta đánh lạc hướng phán đoán của địch đã phát huy tác dụng.
Điều khiến chúng tôi chú ý là tinh thần quân địch sa sút nhanh, hiện tượng rã nhanh của chúng trong cuộc thử sức 10 ngày đầu tháng 3. Chúng không chịu nổi cách đánh của ta vào các chi khu quận lỵ. Do đó, ta chủ trương cần mạnh dạn phát triển tiến công.
Sau khi nghe báo cáo tình hình chiến trường Tây Nguyên, anh Văn hỏi kỹ về các chiến trường phối hợp, nhất là đồng bằng sông Cửu Long. Ở đây, có nhiều triệu chứng cho thấy địch vẫn cố sức đôn lực lượng bảo an, dân vệ lên, nhưng do khả năng bắt lính ngày càng hạn chế nên lực lượng địch ở cơ sở bị hẫng. Đây là một tình hình mới khiến các anh trong Quân uỷ quan tâm. Về phía ta, do chuẩn bị chu đáo và phối hợp chặt chẽ giữa ba mũi giáp công, nên trong đợt vừa qua, hoạt động của các lực lượng vùng châu thổ sông Cửu Long khá tốt: nhiều đồn bốt bị gỡ, nhiều xã được giải phóng, hàng nghìn gia đình binh sĩ nguỵ tham gia công tác binh vận; lính nguỵ đào, rã ngũ được nhân dân che chở và đưa về quê quán; hàng ngàn cuộc đấu tranh trực diện với địch; hàng ngàn nhân dân cùng với du kích cắt từng quãng lộ 4.
Cục Tình báo và trực ban tác chiến được chỉ thị nắm chắc diễn biến ở Tây Nguyên và các chiến trường phối hợp. Trận Buôn Ma Thuột đã bắt đầu từ rạng sáng ngày 10 tháng 3. Và khi chúng tôi đang ngồi nghe tình hình trong buổi giao ban hàng ngày, thì tin tức đầu tiên cho biết trận đánh đang phát triển thuận lợi. Từng "nhịp thở" của chiến trường được trực ban tác chiến theo dõi chặt chẽ; từng bước tiến của bộ đội được kịp thời ghi lên bản đồ. Chiến sự Tây Nguyên mà trung tâm là Buôn Ma Thuột, lúc này đang là đối tượng quan tâm nhất của Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương, những người có trách nhiệm trọng Bộ Tổng Tham mưu và trong các tổng cục.
Sáng ngày 11 tháng 3, các anh trong Bộ Chính trị đến Khu A trong thành vừa để biết sớm tin trận Buôn Ma Thuột, vừa để cùng với Quân uỷ Trung ương tiến hành cuộc họp quan trọng đầu tiên kể từ khi chiến dịch Tây Nguyên mở màn và đang báo hiệu diễn biến thuận lợi.
Sau khi nghe Bộ Tổng tham mưu báo cáo diễn biến 10 ngày đầu của chiến trường Tây Nguyên và các chiến trường phối hợp, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương trao đổi ý kiến về hướng phát triển của chiến dịch Tây Nguyên, một vấn đề đã từng được bàn tới trước đây.
Vấn đề được các anh nhanh chóng nhất trí: về địch, tinh thần sa sút, khả năng chiến đấu hạn chế, thế phòng ngự cô lập, trong khi ta còn sung sức, khả năng hậu cần bảo đảm, thời tiết thuận lợi Ta cần nhanh chóng củng cố vùng mới giải phóng sẵn sàng đánh địch phản kích, tiếp tục mở rộng tiến công ra chung quanh, sau khi làm chủ Buôn Ma Thuột, làm chủ hoàn toàn tỉnh Đắc Lắc; đồng thời phát triển lên hướng Cheo Reo mà chưa vội phát triển vào phía nam.
Thắng lợi trong 10 ngày đầu tháng 3 khiến các anh rất vui và hầu như ai cũng hướng suy nghĩ về khả năng giành thắng lợi lớn hơn dự kiến ban đầu.
Các anh Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Lê Thanh Nghị, đều thấy phải nghĩ đến Huế - Đà Nẵng. Các anh thấy cần phải nhắc Trị Thiên mạnh dạn đẩy tới hơn nữa, "ta xuống đồng bằng là địch chạy thôi".
Anh Phạm Văn Đồng và anh Võ Nguyên Giáp nêu lên những nhân tố mới đã và đang xuất hiện, cục diện chiến trường đang chuyển biến mau lẹ, cần nhanh chóng nắm bắt cho kịp thời cơ.
Cuối cùng anh Ba kết luận. Anh nói, đại ý:
- Năm qua ta đánh cả mùa mưa. Cần xem đấy có phải là một nếp "làm ăn" mới không? Mùa khô đánh, mùa mưa cũng đánh! Cái mới nữa là chiến thắng Buôn Ma Thuột đã diễn ra nhanh, gọn.
Thắng lợi này cho thấy tình hình khách quan đòi hỏi phải chuẩn bị nhanh hơn về mọi mặt. Trước đây ta đề ra kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam trong hai năm. Vừa qua có Phước Long, nay có Buôn Ma Thuột. Vậy ta có thể đẩy mạnh hơn nữa được không?
Buôn Ma Thuột đã phải là mở đầu của cuộc tổng tiến công chiến lược chưa? Chúng ta cần suy nghĩ. Ở miền Nam, hiện ta đã có 2 quân đoàn. Ở miền Bắc, ta cũng còn 1 quân đoàn. Phải sử dụng thế nào cho rất linh hoạt, rất tập trung, không nên phân tán. Phải có quả đấm mạnh để khi có thời cơ, đập mạnh vào Sài Gòn.
Chiều hôm đó, đồng chí trực ban tác chiến trao cho tôi một bức điện. Nhìn nét mặt rạng rỡ của anh, tôi đoán là có tin vui. Anh Dũng từ chiến trường Tây Nguyên điện ra cho biết: Ta đã hoàn toàn làm chủ thị xã Buôn Ma Thuột và khu vực từ Đức Lập đến Đắc Soong. Địch bị bất ngờ vì đòn điểm trúng huyệt. Ta bắt gần 1.000 tù binh, thu một số lớn chiến lợi phẩm, trong đó có 12 khẩu pháo và gần 100 tấn đạn pháo. Quân ta đang phát triển, tiêu diệt các mục tiêu chung quanh.
Tôi nghĩ thầm: Có lẽ các anh trong đó thông cảm với một trong những điều lo lắng nhất bấy lâu nay của cơ quan tham mưu ở ngoài này, nên đã sớm cho biết rõ số đạn pháo chiến lợi phẩm bước đầu thu được. Trận đánh chưa hoàn toàn kết thúc, khi dứt diểm chiến dịch Tây Nguyên, số lượng đạn pháo ta thu được chắc chắn còn nhiều hơn. Dù sao, 100 tấn cũng là con số rất đáng mừng!
Điện của anh Dũng còn cho biết ý định sơ bộ về hướng phát triển của chiến dịch sau chiến thắng Buôn Ma Thuột.
Ngay chiều hôm đó, anh Văn điện cho anh Dũng. Sau khi bày tỏ sự vui mừng và phấn khởi trước thắng lợi lớn và giòn giã của quân ta ở hướng chính cũng như ở hướng phối hợp, bức điện viết:
"Sáng nay trước khi nhận được điện của anh, Bộ Chính trị và Quân uỷ đã họp, nhận định tình hình, có mấy điểm chính sau đây:
a) Kế hoạch chiến lược và chiến dịcỉl do Bộ Chính trị và Quân uỷ đề ra là chính xác, công tác chuẩn bị làm tương đối tốt, vì vậy ngay trong những ngày đầu đã giành được thắng lợi lớn. b) Thắng lợi Buôn Ma Thuột - Đức Lập, trên đường 19 và ở các hướng khác chứng tỏ ta có khả năng giành thắng lợi to lớn với nhịp độ nhanh hơn dự kiến. Đặc điểm nổi bậc là tinh thần địch rất sa sút, c) Trước tình hình đó, ngay trong đợt hoạt độ ng này và kể cả trong kế hoạch tiếp theo của ta, cần có tinh thần khẩn trương và mạnh bạo. Kịp thời lợi dụng thời cơ mới, glành thắng lợi lớn.
Sau khi tỏ rõ sự nhất trí hoàn toàn với chủ trương trong điện của anh Dũng và nhắc lại các hướng phát triển của chiến dịch, bức điện viết:
"Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương nhiệt liệt khen ngợi toàn thể cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, đoàn viên, anh chị em công nhân viên và các lực lượng vũ trang địa phương đã nêu cao tinh thần quyết thắng, anh dũng, mưu trí và sáng tạo, táo bạo và khẩn trương giành thắng lợi lớn ngay trong những ngày đầu của chiến dịch. Cần kịp thời nắm thời cơ thuận lợi giành thắng lợi to lớn hơn nữa.
Cuối điện ký tên "Chiến"(1)
Cục Tình báo nắm khá sớm phản ứng của địch. Từ chỗ phán đoán sai lầm, chúng bắt đầu bị động đối phó.
Trưa ngày 12 tháng 3, Bộ Tổng tư lệnh thông báo cho anh Văn Tiến Dũng, anh Hoàng Minh Thảo và Thường vụ Quân khu uỷ Tây Nguyên: Theo tin cuối cùng, địch đang có ý định dựa vào các lực lượng còn lại và các điểm phụ cận của Buôn Ma Thuột cùng với lực lượng sẽ điều thêm đến, có không quân yểm trợ, phản kích hòng chiếm lại Buôn Ma Thuột. Tin cho biết chiến đoàn 45 cùng sở chỉ huy cơ bản của sư đoàn 23 nguỵ đã được trực thăng đổ xuống Buôn Hồ trưa ngày 11 tháng 8, không quân nguỵ đang được huy động ở mức độ cao. Cấn nhanh chóng tập trung lực lượng hơn nữa, nhanh chóng tiêu diệt các đơn vị và các căn cứ địch chung quanh Buôn Ma Thuột, tiêu diệt viện binh của chúng. Điều đó có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của chiến dịch. Cần theo dõi và chỉ đạo mọi hoạt động trên các hướng phát triển đã dự định (Cheo Reo, Pleiku, Đường 19).
Đồng thời Bộ Tổng Tham mưu cũng thông báo cho Khu 5, B2, Trị Thiên và Quân đoàn 2 nội dung nhận định của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương trong cuộc họp sáng ngày 11 tháng 3 về thắng lợi to lớn trong đợt tiến công mới của ta trên tất cả các chiến trường kể từ ngày 4, về dự kiến đối phó của địch sau thất bại ở Buôn Ma Thuột và về phương hướng hoạt động tiếp theo của các chiến trường. Bức điện chỉ rõ:
"Ngay trong đợt hoạt động này và kể cả kế hoạch tiếp theo của ta, cần quán triệt tinh thần khấn trương và mạnh bạo, kịp thời lợi dụng điều kiện thuận lợi mới giành thắng lợi to lớn hơn. Cần hết sức coi trọng tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch trong khi chúng rút chạy hoặc trong khi chúng viện lớn. Đồng thời trên đà thắng lợi mới, kịp thời phát triển theo những hướng đã dự kiến. Trên từng chiến trường cụ thể, dựa vào quyết tâm cơ bản đã đề ra, nay cần thực hiện với một tinh thần kiên quyết và mạnh bạo".
Trong buổi giao ban sáng ngày 13 tháng 3, dựa vào tin tức mới nhận được, Bộ Tổng Tham mưu dự kiến: Trường hợp địch bị tiêu diệt một bộ phận sinh lực lớn, mất thị xã Buôn Ma Thuột và nhiều quận lỵ, việc chia cắt chiến lược trên đường 19 thực hiện tốt có khả năng địch tập trung các lực lượng còn lại ở Tây Nguyên về Pleiku, cũng có khả năng chúng buộc phải thực hiện rút lui chiến lược.
Chúng tôi thông báo nhận định trên đây đến các anh ở B3 và Khu 5, nói rõ ý kiến đã trao đổi nhất trí trong Quân uỷ là: Cần hình thành bao vây Pleiku với các thứ hoả lực kể cả các loại pháo cao xạ nhằm triệt đường tiếp tế của địch, chuẩn bị tốt để tiêu diệt địch trong cả hai tình huống: địch co cụm ở Pleiku hoặc rút chạy khỏi Tây Nguyên.
Sáng ngày 15 tháng 3, theo báo cáo của Cục Tình báo, ý định đối phó của địch đã rõ rệt. Thiệu trưc tiếp ra lệnh cho tướng Phạm Văn Phú phải cố giữ cho được các vị trí chung quanh thị xã Buôn Ma Thuột để làm bàn đạp phản kích chiếm lại thị xã này bằng liên đoàn biệt động 21, hai trung đoàn 44 và 45 thuộc sư đoàn 23, với sự yểm trợ của sư đoàn không quân 3 ở sân bay Thành Sơn (Phan Rang); liên đoàn biệt động 7 được điều từ Sài Gòn ra thay thế sư đoàn 23 ở Pleiku.
Kế hoạch của địch vừa triển khai thì liên đoàn 21 bị ta vây đánh thiệt hại nặng; đến ngày 13 tháng 3 địch phải dùng trên 200 chiếc máy bay lên thẳng và máy bay yểm trợ để đổ trung đoàn 45 xuống đông Buôn Ma Thuột, nhưng bị ta ép mạnh, chúng không có chỗ đứng chân nên buộc phải chuyển xuống khu nông trại Phước An. Hôm sau, ngày 14 tháng 3, hai tiểu đoàn của trung đoàn này bị ta tiêu diệt.
Ngoài tin tức trên, trong cuộc hội báo ngày 15, Cục Tình báo còn báo cáo: Qua tin tức, địch đã thấy hướng tiến công chiến lược chính của ta là Tây Nguyên, thấy tương đối rõ lực lượng của ta trên chiến trường này và cho rằng hoạt động của ta ở các hướng khác chỉ có mức độ. Vì vậy, địch chủ trương điều động lực lượng cơ động chiến lược (các lữ dù) và một số thiết đoàn mở cuộc hành quân tương đối lớn (có thể theo đường 21) hòng giành lại Buôn Ma Thuột.
Sau khi trao đổi ý kiến với anh Ba và anh Thọ, anh Văn thông báo cho anh Dũng tình hình trên đây và nói rõ: trước mắt, ta cần tập trung lực lượng đầy đủ ở vùng Buôn Ma Thuột và phụ cận, chấn chỉnh và nắm chắc lực lượng dự bị trong tay nhanh chóng tập trung binh hoả lực, khẩn trương tranh thủ thời gian tiêu diệt từng cánh quân của địch trước hết là trên hướng Phước An, sẵn sàng tiêu diệt viện binh đường không và đường bộ của địch. Bước tiếp theo sê chuyển lực lượng lên tiêu diệt địch ở Cheo Reo. Trận Buôn Ma Thuộc đang phát triển thành một trận đánh quy mô lớn nhằm tiêu diệt trên hai sư đoàn địch.
Bức điện được chuyển đi, anh chị em cơ yếu đang phân công dịch thì đồng chí trực ban đến mượn lại. Anh Văn thêm vào một đoạn:
"Viết xong điện này thì nhận được điện số 05 của anh. Chúng tôi nhất trí nhận định: Ta sẽ hoàn thành vượt thời gian rất nhiều so với kế hoạch chung đã định. Hiện đang nghiên cứu và gấp rút chuẩn bị theo phương án đó. Đầu tuần tới, sau khi xin chỉ thị Bộ Chính trị, sẽ có điện cho anh".
Trong bức điện số 05 (đề ngày 14 tháng 3) nói trên, anh Dũng cho biết anh em trong chiến trường B3 rất phấn khởi về tinh thần và chủ trương phát triển chiến dịch của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương. "Chúng tôi sẽ nỗ lực tổ chức chỉ đạo thực hiện nhằm đạt yêu cầu trên, rút ngắn thời gian, vượt kế hoạch của năm 1975".
Anh Dũng cũng cho biết thêm là tình hình phát triển nhanh quá, phức tạp quá, trong khi cung cách làm ăn "rị mọ"(2) của cán bộ ta không tiến kịp. Tình hình đó cần nhanh chóng khắc phục.
Theo tình hình địch mấy ngày giữa tháng 3, chúng tôi chú ý một hiện tượng mới trên đường số 1. Vài ngày sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, Cục Tình báo báo cáo có hiện tượng địch chuyển quân từ Trị Thiên vào Đà Nẵng. Chúng đưa liên đoàn biệt động quân 14 ra Quảng Trị thay thế cho sư đoàn lính thuỷ đánh bộ vào Đà Nẵng. Chúng tôi thấy ngoài hoả lực các đơn vị tại chỗ, cần có thêm trận địa hoả lực mạnh, bố trí vững chắc, để khống chế dọc đường số 1 từ Trị Thiên trở vào, hạn chế hoạt động của địch, nhất là ngăn chặn các cuộc chuyển quân của chúng. Anh Doãn Tuế, Tư lệnh Pháo binh, đã được điều lên tham gia trong Tổ trung tâm của Bộ Tổng Tham mưu từ đầu tháng 3 năm 1974, được chỉ thị tổ chức ngay một đoàn cán bộ pháo binh do đồng chí Lê Hường phụ trách và bàn bạc với anh Hoàng Đan, Phó tư lệnh Quân đoàn 2, chuẩn bị trận địa pháo ở tây Trị Thiên, bám trụ đánh địch dọc đường 1 từ Quảng Trị đến Thừa Thiên. Sau khi chúng tôi trao đổi và thống nhất ý kiến, anh Lê Trọng Tấn chỉ thị cho tiền phương B4(3) và B5(4): Cần đánh mạnh, tiêu diệt sinh lực địch; đánh mạnh giao thông dọc đường 1 và đẩy mạnh chiến tranh du kích ở đồng bằng phải được coi là những nhiệm vụ trước mắt rất quan trọng.
Riêng trên chiến trường Khu 5, ngày 15 tháng 8, trong một bức điện gửi Bộ Tổng Tham mưu, anh Chu Huy Mân cũng cho rằng tình hình phát triển nhanh và thuận lợi. Anh đề nghị sau Buôn Ma Thuột, nên phát triển lên hướng Cheo Reo và Pleiku (diệt hoặc bao vây, triệt tiếp tế). Ở vùng ven Khu 5, sẽ diệt địch ở Tam Kỳ, Trà Bồng, Sơn Hà rồi phát triển xuống đường 1, giải phóng căn bản bắc Quãng Ngãi cô lập thị xã, đánh mạnh ở phía nam giáp Bình Định, còn thị xã sẽ giải quyết sau. Trên hướng Bình Định, sư đoàn 3 của ta đang tập trung lực lượng diệt trung đoàn 42 nguỵ, sau đó phát triển xuống nam Bình Định, làm mất khả năng cơ động của sư đoàn 22 địch tạo điều kiện cho đồng bằng mở mảng, giành dân, đồng thời có một bộ phận diệt ngoại vi và bao vây An Khê, tạo thời cơ dứt điểm.
Ngày 17, khi trên chiến trường Tây Nguyên, quân ta đã cơ bản đánh bại cuộc phản kích của địch hòng chiếm lại Buôn Ma Thuột, Bộ Tổng Tham mưu nhận chỉ thị tổng hợp tình hình chuẩn bị cho cuộc họp sắp tới của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương. Chúng tôi được biết đây là một cuộc họp quan trọng tiếp theo cuộc họp ngày 11 tháng 3 nhằm đánh giá toàn bộ tình hình, xác định phương hướng phát triển cuộc tiến công chiến lược sau chiến thắng Buôn Ma Thuột.
Được biết có cuộc họp quan trọng này, ngày 16, anh Dũng điện ra Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương "báo cáo tóm tắt tình hình và chủ trương tiếp tục giành thắng lợi trong mùa khô này".
Sau khi nhắc lại phán đoán sai lầm của Mỹ-nguỵ cả về phương hướng chiến lược và khả năng đánh lớn của ta; đánh giá thắng lợi to lớn trên chiến trường Tây Nguyên và những mặt còn hạn chế của bộ đội cần khắc phục, nhất là nhận thức về địch, ta trong điều kiện mới, về tổ chức và chỉ huy chiến đấu còn mang cung cách cũ, lối làm ăn còn lề mề, anh Dũng đề nghị mấy nhiệm vụ lớn cần làm cho được trong mùa khô này:
1. Bảo vệ, củng cố vững chắc vùng mới giải phóng.
2. Diệt viện binh, diệt nốt hai quận còn lại của Đắc Lắc và quận Đức Xuyên, giữ vững đường 21 không cho địch giải toả.
3. Phát triển tiến công Cheo Reo và bao vây dồn hẹp địch ở Pleiku, cắt rời Pleiku với Công Tum.
4. Đề nghị với B2 phối hợp tiến công về hướng Quảng Đức, đánh chiếm Nhân Cơ, bao vây và tiêu diệt Gia Nghĩa; Khu 5 tiến công tiêu diệt An Khê, cắt đứt hoàn toàn đường 19; B4 và B5 thực hiện chia cắt Huế-Đà Nẵng, uy hiếp các thành phố này.
Cục Tác chiến cho sao gấp bức điện của anh Dũng để gửi ngay đến các anh trong Bộ Chính trị và Quân uỷ, vì bức điện đến vào lúc cuộc giao ban sáng 17 đã xong. Vấn đề mới nổi lên được nhận định trong giao ban sáng hôm đó là địch đang thực hiện co cụm chiến lược sớm hơn ta dự kiến. Trước sự phát triển tiến công của ta sắp tới, quá trình co cụm chiến lược của nguỵ sẽ tiếp tục, phương hướng của chúng là tập trung về Sài Gòn, Cam Ranh, có thể cả Đà Nẵng. Đây là thời cơ lớn, xuất hiện sớm hơn dự kiến của ta. Vấn đề đặt ra lúc này là phát triển tiến công theo hướng nào là chủ yếu? Dự kiến hai phương án:
Phương án một, sau khi Tây Nguyên đã được giải phóng, hoặc cơ bản giải phóng, phát triển theo hai hướng: Hướng chủ yếu, phần lớn lực lượng B3 phát triển vào miền Đông; hướng thứ hai phát triển xuống đồng bằng Khu 5 với lực lượng hiện có, có thể tăng cường sư đoàn 968 và binh khí kỹ thuật.
Phương án hai, dùng phần lớn chủ lực ở Tây Nguyên, phát triển về hướng đồng bằng Khu 5, giải phóng Bình Định, Phú Yên đến Nha Trang, sau đó mới phát triển vào miền Đông.
So sánh hai phương án trên, anh Văn và các anh chủ trì trong Bộ Tổng Tham mưu nhất trí đề nghị với Bộ Chính trị cho hành động theo phương án một.
Một công tác quan trọng khác mà chúng tôi thấy cần khẩn trương triển khai sau khi đã được các anh đồng ý: Chuyển cả tuyến 559 sang đường 14, tăng cường trang bị để vừa làm công tác vận chuyển, vừa giữ vững hành lang, củng cố vùng giải phóng(5).
Cùng ngày 17, trong điện gửi Thường vụ Quân khu uỷ Quân khu 4, Quân khu Trị Thiên, Quân uỷ Trung ương nhấn mạnh:
- Tình hình phát triển nhanh và thời cơ lớn đang đến sớm hơn ta dự kiến; địch đang phải đối phó với Nam Tây Nguyên, Khu 5, Nam Bộ và bắt đầu co cụm chiến lược. Trước tình hình đó, Trị Thiên có những thuận lợi mới để đẩy mạnh hoạt động về mọi mặt. Cụ thể là cần đẩy mạnh tiến công của chủ lực từ phía tây, thực hành chia cắt chiến lược giữa Huế-Đà Nẵng, mạnh dạn đưa lực lượng xuống đồng bằng, phát động quần chúng, đẩy mạnh chiến tranh du kích, áp sát các tuyến ngăn chặn của địch, kết hợp chặt chẽ chiến tranh du kích của quân và dân ở đồng bằng với tiến công của chủ lực từ phía tây xuống.
Ngay đêm hôm đó, khi tin địch rút khỏi Pleiku - Công Tum đã khá rõ rệt, chúng tôi trao đổi ý kiến và anh Tấn điện chỉ thị ngay cho Quân khu Trị Thiên và Khu 5 đưa lực lượng xuống đồng bằng, không phải quy mô tiểu đoàn mà chuẩn bị đưa cả trung đoàn xuống, cùng bộ đội địa phương, dân quân du kích, các đội công tác và nhân dân diệt ác, phá kìm, đánh chiếm và làm chủ các khu vực ở vùng sâu, khẩn trương tiêu diệt quận lỵ Phú Lộc và cắt đường 1, đồng thời chuẩn bị gấp hoả lực đánh vào Đà Nẵng.
Hôm sau, ngày 18 tháng 3, được tin sư đoàn dù ở Đà Nẵng đang rút về Sài Gòn và thay thế bằng sư đoàn lính thuỷ đánh bộ; lại có hiện tượng cho thấy địch có thể từ bỏ bắc Huế đến sông Thạch Hãn. Chúng tôi nhận định, thế là địch bắt đầu thực hiện kế hoạch co cụm chiến lược lớn trên toàn miền Nam, và đây là một bước suy sụp mới rất nghiêm trọng của Mỹ-nguỵ. Sau buổi giao ban sáng, Bộ Tổng Tham mưu điện cho B4 và B5: Cần hoạt động táo bạo, khẩn trương, không để cho địch rút lui an toàn hoặc bỏ vùng bắc Huế co cụm về Đà Nẵng; phải đánh ngay xuống đông đường số 1 và cắt đường, dùng pháo binh đánh sâu vào sân bay, kho tàng ở Phú Bài.
Cùng ngày, anh Văn Tiến Dũng từ Tây Nguyên điện cho biết địch đã rút khỏi Công Tum và Pleiku từ sáng 16 theo đường số 7 qua Cheo Reo. Bộ đội đã được lệnh tập trung mọi khả năng cắt đường số 7 diệt quân địch tháo chạy, đồng thời tiếp tục phát triển xuống Khánh Dương, diệt lực lượng sư đoàn 23 địch.
Cuộc họp của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương ngày 18 tháng 3 diễn ra trong bối cảnh cục diện chiến trường đang chuyển biến rất nhanh. Mở đầu, anh Ba vui vẻ thốt lên: "Tình hình phát triển nhanh quá". Đó dường như là suy nghĩ chung của các anh có mặt trong cuộc họp. Anh Ba nói tiếp: Tây Nguyên là một mốc quan trọng để đánh giá địch. Vừa qua, chúng bị bốn bất ngờ:
1. Bất ngờ vì không phá được Hiệp định mà còn bị ta kiên quyết đánh lại.
2. Bất ngờ về quy mô tác chiến của ta, chúng cho rằng đến năm 1976 ta mới đánh lớn, chứ không phải năm 1975.
3. Bất ngờ vì hướng tiến công của ta ở Tây Nguyên.
4. Bất ngờ vì Tây Nguyên vỡ quá nhanh.
Tiếp đó, anh nói về đánh địch co cụm và hướng phát triển tiến công về Sài Gòn.
Theo anh, nếu để cho địch co cụm được, chúng sẽ mạnh. Phải làm sao cho địch suy yếu ngay trong quá trình co cụm, ngay khi chúng còn đang phân tán cả ở Khu 5, đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông. Địch co cụm vì chúng thấy phân tán binh lực thì sẽ yếu Nhưng ta khẳng định: Chúng càng co cụm càng bị tiêu diệt lớn hơn. Ta phải tạo ba quả đấm: chủ lực, nông thôn và đô thị, cả ba đều phải mạnh. Phải tạo nên binh biến. Phải tập trung 9 sư đoàn vào hướng Sài Gòn và phía sau phải có 4 đến 5 sư đoàn dự bị. Như vậy sẽ tạo được bất ngờ và sức mạnh sẽ tăng lên gấp ba đến bốn lần. Đánh Sàì Gòn là khó. Phải diệt cho được ít nhất là ba sư đoàn địch. Lực lượng quân sự phải tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch.
Bộ Tổng Tham mưu báo cáo tổng hợp về tình hình B2 và riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thời gian qua, tin tức về B2 nhận được còn ít. Nhưng nổi lên trong tháng 3 là nghị quyết của Trung ương Cục về nhiệm vụ của B2 phối hợp với chiến trường chính và chuẩn bị cho đồng bằng sông Cửu Long phối hợp với Sài Gòn.
Trung ương Cục đã có chủ trương:
1. Cắt lộ 4, trên hướng Mỹ Tho đi Cần Thơ, cắt kênh Chợ Gạo.
2. Tiến công mạnh vào lực lượng của sư đoàn 21 và sư đoàn 7 địch, không cho chúng tăng viện cho Sài Gòn, đồng thời ngăn chặn và tiêu diệt lực lượng địch từ Sài Gòn có thể co cụm về đồng bằng.
3. Khống chế sân bay Trà Nóc (Cần Thơ) không cho không quân địch dùng để yểm trợ cho chiến trường chính ở Sài Gòn.
4. Khẩn trương chuẩn bị để kịp thời phát động quần chúng nổi dậy, tận dụng thời cơ khi ta đánh Sài Gòn để thực hành tiến công và nổi dậy đồng loạt theo phương châm: xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh bằng lực lượng của chính mình. Vùng trọng điểm cần tập trung chỉ đạo là Mỹ Tho, Cần Thơ và Bến Tre.
Trong quá trình thảo luận, đồng chí Bí thư Quân uỷ Trung ương đề nghị Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong vòng năm nay (1975). Tình hình đang chuyển biến nhanh.
Mới 10 ngày, kể từ trận tìến công Đức Lập, đã xuất hiện địch co cụm lớn. Lực lượng so sánh đã thay đổi. Nguỵ suy yếu rõ rệt. Tuy có triệu chứng Mỹ chuẩn bị lực lượng không quân nhưng chúng khó khăn về nhiều mặt và tình hình diễn biến nhanh, quân nguỵ có hiện tượng suy sụp nhanh, nên Mỹ có thể không dám can thiệp nữa. Địch co cụm sớm hơn ta dự kiến, tinh thần chúng sa sút khá mạnh; ta sung sức, lực lượng tập trung, khí thế mạnh mẽ. Đề nghị triển khai lực lượng trên ba hướng: Hướng chủ yếu là Sài Gòn, nhưng đồng bằng sông Cửu Long vẫn là hướng rất quan trọng.
Hai hướng khác là Trị Thiên - Đà Nẵng và đồng bằng Khu 5. Đưa các sư đoàn ở mặt trận Tây Nguyên vào Sài Gòn, tăng cường binh khí kỹ thuật và pháo cao xạ cho các sư đoàn này bằng biện pháp lấy của địch để tăng cường bổ sung cho ta. Quân khu Trị Thiên thực hành cắt ngang đường số 1 và cô lập Huế - Đà Nẵng. Đề nghị cho Quân đoàn 1 lên đường. Phương châm là "táo bạo, khẩn trương, chắc thắng". Tiến hành đồng thời hay trước sau một cách linh hoạt nhằm cả ba yêu cầu: bao vây, chia cắt và tiêu diệt địch.
Trong tháng 4, phải hình thành bao vây chia cắt về chiến lược, tạo biến động về cục diện chiến lược. Đồng bằng sông Cửu Long và Khu 5 đánh mạnh quân địch bình định, đẩy mạnh việc giành dân. Cho thành lập thêm một số tiểu đoàn của huyện, tỉnh, xây dựng và huấn luyện, sẵn sàng bổ sung.
Anh Lê Đức Thọ đi sâu đánh giá khả năng can thiệp trở lại của Mỹ. Anh khẳng định sự suy sụp của quân nguỵ trên chiến trường lần này là rất cơ bản vì không còn quân Mỹ làm chỗ dựa. Vấn đề đặt ra là Mỹ có trở lại không, chúng có dám liều không? Những khó khăn của Mỹ vượt ngoài cả sự suy nghĩ của ta. Chúng không còn khả năng trở lại can thiệp. Từ khi quân Mỹ trực tiếp nhảy vào đến nay (từ 1965 đến 1975), tức là 10 năm qua, chưa lúc nào ta có thời cơ tốt đẹp như hiện nay. Ta đã dự kiến địch co cụm, nay nó co cụm sớm hơn. Nó mong giữ được lực lượng để co cụm, co cụm để giữ được lực lượng, nhưng chúng lại bị thiệt hại nặng nề. Ta phải đánh ngay trong lúc địch co cụm để chúng tiếp tục suy yếu đi Nó co cụm ở đâu? Ta phá thế nào? Nó co về giữ đường chiến lược và các căn cứ chiến lược dọc bờ biển và đồng bằng. Ta phá trên hai mặt trận: tiến công của chủ lực và đòn nông thôn đồng bằng, phá bằng bao vây, chia cắt và tiêu diệt. Như anh Văn nói, ta có cơ sở để dứt điểm trong năm 1975. Vấn đề là tổ chức, là hậu cần, là cán bộ.
Anh Trường Chinh, anh Phạm Văn Đồng và các anh khác nói thêm nhiều khía cạnh về đánh giá thế địch đi xuống toàn diện, về ý đồ co cụm chiến lược của chúng, về cách đánh chiến lược của ta trên các hướng. Ý kiến của các anh đều thể hiện tinh thần phải nắm thời cơ, quyết giành thắng lợi càng nhanh càng tốt.
Cuộc thảo luận thật sôi nổi, hào hứng, phấn khởi, liên tục suốt cả buổi sáng, kể cả trong giờ nghl.
Cuối cùng Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương nhất trí hạ quyết tâm hoàn thành kế hoạch hai năm ngay trong năm 1975; xác định phương hướng tiến công chiến lược chủ yếu là Sài Gòn và trước mắt cần phải tiêu diệt ngay toàn bộ lực lượng địch trong quân khu 1 của chúng. Với quyết tâm đó, trên thực tế, cuộc tiến công chiến lược đã chuyển thành cuộc tổng tiến công chiến lược.
Bộ Chính trị giao cho Quân uỷ Trung ương làm kế hoạch thực hiện quyết tâm mới đó.
Thế là tiếp theo cuộc họp hôm 11 tháng 3, cuộc họp ngày 18 tháng 3 này lại cho tôi ấn tượng sâu sắc về sự phát triển mới và lớn của quyết tâm chiến lược, kế hoạch chiến lược. Thứ ba tuần trước, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương mới dự kiến chung là có thể giành thắng lợi sớm hơn thời gian đề ra trong kế hoạch hai năm. Thứ ba tuần này, đã khẳng định: Quyết tâm giành thắng lợi trong năm 1975. Rõ ràng một trong những nét đặc sắc trong chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta, không chỉ dừng lại ở bước nắm đúng thời cơ hạ quyết tâm chiến lược đúng đắn, mà khi thời cơ chiến lược xuất hiện nhanh hơn dự kiến, đã kịp thời nắm bắt, chì đạo chiến lược sắc bén, kịp thời giành thắng lợi lớn hơn, nhanh hơn.
Sau hội nghị, anh Văn gửi điện thông báo với anh Dũng nhận định của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương: Về thắng lợi to lớn có ý nghĩa chiến lược của ta (đánh dấu một bước phát triển rất mới trong cục diện chung, một bước suy sụp mới của Mỹ - nguỵ); về ý đồ thực hiện co cụm chiến lược quy mô lớn của địch, nhằm tập trung lực lượng ở vùng Sài Gòn và một phần ở đồng bằng sông Cửu Long, có thể ở cả Đà Nẵng và Cam Ranh, với âm mưu tạo một thế tương đối vững để đi đến một giải pháp chính trị hoặc tiếp tục chia cắt một phần miền Nam. Vì vậy ta cần tranh thủ thời gian cao độ, cần khẩn trương hành động hết sức bất ngờ (về thời gian, về phương hướng, về lực lượng) hết sức táo bạo, đồng thời bảo đảm chắc thắng. Theo tinh thần đó, Bộ Chính trị đã cân nhắc mọi mặt và hạ quyết tâm thực hiện phương án 1(6). Sau khi hoàn thành giải phóng Tây Nguyên, ta cần nhanh chóng chấn chỉnh bộ đội chủ lực, đồng thời khẩn trương triển khai mọi công tác chuẩn bị theo Phương án một. Tuần sau, anh Lê Trọng Tấn sẽ vào gặp anh Văn Tiến Dũng, anh Võ Chí Công và các anh ở B2 ra (đã điện triệu tập) để báo cáo quyết tâm của Bộ Chính trị vả góp ý kiến xây dựng kế hoạch thực hiện.
Bức điện vừa gửi đi thì Bộ Tổng Tham mưu nhận được điện của anh Dũng, cũng đề ngày 19 tháng 3. Hai bức điện cùng một lúc bay trên không trung và cùng chứa đựng một nội dung: Hướng phát triển tiến công chiến lược trong thời gian tới.
Anh Dũng nói về thất bại của địch trong và sau chiến dịch Tây Nguyên, mà nổi lên là quân khu 2 địch, "một quân khu đang bị bối rối nhất vì bị tiêu diệt nhiều và bị mất tinh thần nhất vì phải bỏ Tây Nguyên".
Sau khi phân tích về nhiều điều kiện để ta có thể tiếp tục phát triển thắng lợi, phân tích những yêu cầu chiến lược cần đạt được trong thời gian tới, anh Dũng cho biết ý định của các anh trong đó là đưa lực lượng Tây Nguyên cùng với Khu 5 phát triển xuống Bình Định, Phú Yên và một phần Khánh Hoà, tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng trên một triệu dân. Ngoài ra cũng tính đến việc đánh với hai, ba trung đoàn, lữ đoàn địch, tức là cơ bản đánh quy quân đoàn 2 nguỵ, giải phóng hầu hết vùng chiến thuật 2 và không cho quân đoàn 2 khôi phục, đồng thời đánh tụt tổng số quân nguỵ xuống từ 20% đến 25%. Đó cũng là vấn đề tiêu diệt chiến lược.
Hôm sau, ngày 20 tháng 3, khi quân ta ở Tây Nguyên đang truy kích địch tháo chạy trên ba hướng (đường 7 về Phú Túc, đường 21 về Khánh Dương và đường 19 về An Khê), qua bức điện số 57, anh Dũng cho biết dự kiến trong vài ba ngày nữa bộ đội ở Tây Nguyên sẽ bám sát địch xuống đồng bằng theo ba đường trên (đường 7 xuống Phú Yên, đường 21 xuống Ninh Hoà rồi Nha Trang, Cam Ranh, đường 19 xuống Bình Định).
Anh cũng đề nghị chỉ điều sư đoàn 316 khi B2 cần thêm lực lượng, và đề nghị: Vì tình hình hiện nay đang biến động từng giờ, không nên tổ chức cuộc họp chung (B3, Khu 5 và Nam Bộ), mà nên điện tóm tắt chỉ thị của Bộ Chính trị và Quân uỷ
Trung ương và cử người đi gấp vào phổ biến cho từng chiến trường.
Cùng ngày, sau khi đã nhận được điện về quyết tâm của Bộ Chính trị theo phương án một, anh Dũng lại trả lời:
"Về thời cơ và phương hướng chiến lược thì hoàn toàn nhất trí(7), song có những điểm về tổ chức thực hiện thì chưa rõ yêu cầu đạt tới và thời gian thực hiện, vì hiện nay bộ đội còn đang bám sát địch tháo chạy, truy kích chúng về hướng đông. Chúng tôi đang bàn cách thực hiện quyết tâm nẫy nhưng phải tính tới thời gian rút được bộ đội về chấn chỉnh nghiên cứu kế hoạch tác chiến, chuẩn bị chiến trường và tính đến cả thời gian còn hoạt động được của lực lượng Tây Nguyên vào chiến trường mới, trước mùa mưa?".
Bức điện của anh Dũng đến chậm. Để không ảnh hưởng đến hoạt động của bộ đội, ngày 22 tháng 3, Bộ Tổng Tham mưu chuyển đi liền hai bức điện của Quân uỷ Trung ương gửi vào Tây Nguyên.
Điện đầu ngắn gọn để anh Dũng yên tâm về hướng phát triển tiến công của bộ đội B3 đã được Bộ Chính trị nhất trí. Ngay sau đó là một bức điện dài, nhắc lại nhận định của Bộ Chính trị về âm mưu địch và quyết tâm ngày 18 tháng 8 của Bộ Chính trị nhằm đánh bại kế hoạch của địch, nhanh chóng thực hiện chủ trương chiến lược ở hướng trọng điểm.
Tiếp đó, điện của đồng chí Bí thư Quân uỷ Trung ương viết:
"Sau khi nhận được điện của anh (ý nói bức điện số 57 của anh Dũng), tôi đã bàn với anh Sáu Thọ và xin ý kiến anh Ba, trước mắt nhất trí với kế hoạch phát triển và sử dụng lực lượng như trong điện của anh.
"Động viên cán bộ và chiến sĩ có quyết tâm thật lớn truy kích tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng các tỉnh ven biển, kể cả Nha Trang và Cam Ranh; cần có kế hoạch tăng cường cán bộ và trang bị, nhanh chóng phát triển các lực lượng tại địa phương đã giải phóng, giao việc củng cố địa phương cho lực lượng tại chỗ, tập trung lực lượng lại càng sớm càng tốt để củng cố, đồng thời khẩn trương triển khai việc chuẩn bị mọi mặt ở hướng trọng điểm".
Anh Văn cũng thông báo để anh Dũng biết những nét lớn về chủ trương tác chiến trên các hướng và đã cử cán bộ vào phổ biến quyết tâm của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương cho các anh Phạm Hùng (B2), Võ Chí Công (Khu 5) và căn cứ vào tình hình cụ thể bàn kế hoạch thực hiện.
Từ cuối trung tuần tháng 3, cục diện chiến trường càng chuyển biến hết sức mau lẹ, chứng minh nhận định đúng đắn của Bộ Chính trị trong cuộc họp ngày 18.
Chiến dịch Tây Nguyên đã cơ bản kết thúc thắng lợi. Đến ngày 23 tháng 3, trên chiến trường quan trọng này đã gần sạch bóng quân thù.
Ở chiến trường phía bắc vùng 1, địch đã phải rút bỏ Quảng Trị, co về giữ tuyến sông Mỹ Chánh.
Tin chiến thắng bay về cơ quan Tổng hành dinh dồn dập.
Không kể sớm khuya, nhân viên thông tin, cơ yếu được phân công vào trực trong khu A đã nhận và dịch các bức điện với tinh thần khẩn trương nhất, yêu cầu chính xác nhất, để kịp đưa đồng chí trực ban tác chiến bất kỳ lúc nào. Anh chị em thông tin, cơ yếu đã được giáo dục quán triệt tầm quan trọng việc làm của từng người, từng bộ phận trong những ngày tháng khẩn trương và chiến thắng liên tiếp này.
Chính trong những ngày đầy tin vui dồn dập đó, anh chị em thấy như đã thành lệ, cứ chiều tối, anh Văn lại qua đường Hoàng Diệu vào hướng cửa Tây, đến phòng trực ban tác chiến và ở đó đến khuya, có khi anh ngủ lại trong phòng họp của Quân uỷ. Buổi tối, anh nắm lại những tin tức mới nhất từ chiến trường gửi về, trao đổi ý kiến với chúng tôi và các đồng chí trực ban, thăm hỏi nhân viên thông tin, cơ yếu trực ở đó. Có khi anh đứng im lặng rất lâu trước tấm bản đồ chiến sự treo trên tường phòng trực ban hoặc đi lại trên sân "Nhà con rồng". Đó là những phút suy nghĩ, nhận định, đánh giá, chuẩn bị ý kiến để báo cáo, trao đổi với các anh trong Bộ Chính trị và Quân uỷ buổi sáng hôm sau.
Cũng đã thành lệ, vào những ngày cuối tháng Ba đáng ghi nhớ này, hầu như sáng nào các anh trong Bộ Chính trị cũng vào khu "Nhà con rồng " ở khu A trong thành để gặp gỡ nhau. Tình hình chuyển biến nhanh quá, sự kiện diễn ra đồn dập và phong phú quá khiến chúng tôi có cảm giác từng giờ, từng buổi đều có những vấn đề mới được đặt ra, các anh cần theo dõi chặt chẽ, trao đổi tập thể và chỉ đạo kịp thời. Những cuộc trao đổi ý kiến tay đôi, tay ba thường xen kẽ với những cuộc hội ý, hội báo.
Mấy hôm nay, chúng tôi trong Quân uỷ Trung ương đã trao đổi ý kiến về việc giải phóng Đà Nẵng. Địch đang trong quá trình co cụm. Tình hình diễn biến rất khẩn trương; phải tận dụng thời cơ chiến lược, khi lực lượng ta ở Tây Nguyên đang trên đường truy kích địch. Dự kiến có thể tiến công Đà Nẵng theo hai phương án: 1) Địch rút: nhanh sau khi tháo chạy khỏi Huế; 2) Chúng sẽ rút nhưng qua bước quá độ, co cụm rồi rút. Bước đầu trao đổi ý kiến, phương án một được lựa chọn. Sử dụng lực lượng thế nào, ngoài những sư đoàn tại chỗ? Có nên đưa Quân đoàn 1 vào Đà Nẵng không và có kịp không?. Anh Tấn đang chuẩn bị để báo cáo tại cuộc họp Bộ Chính trị ngày 25. Nhưng sáng ngày 24, tin tức từ chiến trường Trị Thiên và Quảng Đà bay về khiến cả Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương đều thấy nên họp sớm hơn, ngay chiều hôm đó, 24 tháng 3.
Trị Thiên đã bắt đầu bước hai, đợt hai của chiến dịch Xuân Hè được ba ngày. Ở phía bắc Đà Nẵng,. Quân đoàn 2 và Quân khu Trị Thiên đã chấp hành mệnh lệnh của Bộ, đưa quân thọc xuống đồng bằng đánh chiếm các mục tiêu đã định, cắt đường số 1, áp sát sân bay Phú Bài và thành phố Huế. Có nhiều triệu chứng cho thấy địch rục rịch rút chạy khỏi cố đô Huế.
Khu 5 cũng bắt đầu đợt hai chiến dịch Xuân Hè được ba ngày.
Ở phía nam Đà Nẵng, ta đã đánh chiếm một số mục tiêu ở đông Thăng Bình, giải phóng hoàn chỉnh vùng nông thôn hai huyện Sơn Tịnh và Bình Sơn, đang phát triển tiến công giải phóng thị xã Tam Kỳ.
Trong cuộc họp chiều ngày 24 tháng 3, sau khi nghe chúng tôi báo cáo tổng hợp tình hình từ sau cuộc họp ngày 18 tháng 3, anh Ba nhắc lại tóm tắt những mốc lớn trong mấy năm qua, từ khi có Hiệp định Paris. Ngay từ đầu, Khu 9 đã biết giương cao ngọn cờ tiến công, không có ảo tưởng, kiên quyết bám trụ địa bàn, góp một kinh nghiệm quý báu về quyết tâm đánh bại âm mưu bình định, lấn chiếm của địch. Tiếp đến là chiến thắng Thượng Đức (Khu 5), lực lượng cơ động chiến lược của địch bị đánh một đòn nặng; so sánh lực lượng đã thay đổi. Rồi Phước Long (miền Đông Nam Bộ), rồi Tây Nguyên, địch đang thực hiện co cụm chiến lược, hướng cuối cùng vào việc giữ Sài Gòn.
Tiếp đó anh Ba đặt vấn đề và các anh thảo luận. Hướng suy nghĩ đã tập trung rõ rệt vào mục tiêu chiến lược cuối cùng là Sài Gòn.
Hướng Nam Bộ, cụ thể là Sài Gòn, có nên đợi điều động đủ lực lượng, trước hết là chủ lực từ B3 vào mới bắt đấu, hay chì với lực lượng của 3 sư đoàn chủ lực và các đơn vị tại chỗ? Huế, chỉ ít ngày nữa là xong. Đà Nẵng, cũng là một trận quyết chiến lớn diệt 3 đến 4 sư đoàn địch. Không nên đợi xong Huế mới bắt đầu Đà Nẵng. Phải dùng ngay lực lượng tại chỗ của ta (sư đoàn 711) chiếm ngay bàn đạp, áp sát. Sau Huế, địch sẽ phải rút khỏi Đà Nẵng. Rõ ràng là phải thực hành tiến công theo phương án địch rút nhanh.
Các khía cạnh dự kiến và gợi ra đều liên quan đến đề án mà Bộ Tổng Tham mưu chuẩn bị báo cáo trong cuộc họp chính thức hôm sau, ngày 25 tháng 8.
Trong cuộc họp này, các anh trong Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương đều có mặt đông đủ.
Vào cuộc họp, anh Lê Trọng Tấn thay mặt Bộ Tổng Tham mưu báo cáo về khả năng sớm dứt điểm Trị Thiên - Huế. Với việc tiêu diệt 3 đến 4 trung đoàn và làm tan rã toàn bộ lực lượng còn lại thu toàn bộ tranh bị nặng của địch, đây sẽ là một chiến thắng lớn. Lực lượng địch co cụm về Đà Nẵng gồm 2 sư đoàn (thuỷ quân lục chiến và sư đoàn 3), 2 đến 3 liên đoàn biệt động quân, tất cả tương đương 10 trung đoàn. Chúng có thể co về Đà Nẵng nhanh hơn. Ta phải nhanh chóng tiến công Đà Nẵng, diệt 2 đến 3 sư đoàn địch nữa trong tháng 4 mới phá được co cụm của địch về hướng Sài Gòn. Nhìn chung, có thể hoàn thành nhiệm vụ giải phóng miền Nam trước dự kiến, giỏi và tốt nhất là mùa thu năm 1975.
Anh Văn phát biểu thêm vế vấn đề địch co cụm hay sẽ rút chạy khỏi Đà Nẵng. Trước đây ta dự kiến hai khả năng. Nay triệu chứng địch rút chạy đã rõ, nhưng rút chậm hay rút nhanh? Ta cần chuẩn bị đánh trong trường hợp địch rút nhanh. Không cần đợi xong Huế mới bắt đầu tiến công Đà Nẵng. Phải xem như đã bắt đầu tiến công Đà Nẵng rồi. Phải nhanh chiếm các điểm cao. Xe tăng phải thọc sâu.
Pháo binh phải triển khai các trận địa nhanh nhất. Ở hướng Sài Gòn, trước đây dự kiến dùng 7 sư đoàn. Nay trước mắt, trong tay tham mưu đã có 9 sư đoàn. Sau thêm 1 quân đoàn nữa là 12 sư đoàn.
Và sau Đà Nẵng lại thêm một quân đoàn nữa là 15 sư đoàn. Yêu cầu trong tháng 5 phải giải quyết xong Sài Gòn. Lực lượng từ Long An ép Sài Gòn ở phía tây-nam. Hướng tây-bắc phải thêm lực lượng mạnh hơn, nhanh hơn, không thể như hiện nay. Nên và có thể dứt điểm trong tháng 5, vì tháng 4 xong Đà Nẵng thì địch càng suy sụp.
Anh Phạm Văn Đồng đặt vấn đề: Phải đánh nhanh, thắng nhanh. Muốn nhanh, binh khí kỹ thuật là quan trọng nhưng lực lượng phải tinh và gọn. Phải phát huy vai trò đòn bẩy của lực lượng quân sự là cần thiết, nhưng không nên giải quyết đơn thuần bằng quân sự. Tốt nhất là kết hợp tiến công của lực lượng quân sự với nổi dậy của quần chúng, đó là thượng sách.
Anh Lê Đức Thọ nhắc lại quyết tâm chiến lược của ta trước đây là hoàn thành giải phóng miền Nam trong hai năm. Nay nội dung đó không thay đổi, nhưng nhịp độ phải nhanh hơn, phải làm cho Tây Nguyên, Đà Nẵng và Sài Gòn là ba đòn liên tiếp không đầy một năm. Cuộc tổng tiến công đã bắt đấu từ Tây Nguyên và kết thúc với Sài Gòn. Sau Đà Nẵng, ta còn 2 quân đoàn dự bị, đạn còn nhiều, vận chuyển nhanh. Phải bắt đầu Sài Gòn từ bây giờ. Hiện nay B2 đã hình thành thế bao vây Sài Gòn. Chỉ có một điều là lực lượng tại chỗ chưa đúng mức thôi.
Anh Trường Chinh đồng ý với kế hoạch của tham mưu nhưng cho rằng phải tích cực hơn. Phải rất khẩn trương, phải tiến nhảy vọt không thể bình thường. Tiến công và nổi dậy là tốt nhất.
Thắng lợi hôm nay là kế kế tiếp của mùa Xuân năm 1968, của tiến công chiến lược năm 1972, là kế tiếp của mười mấy năm chống Mỹ.
Anh Ba nhấn mạnh yêu cầu khẩn trương chuẩn bị cho quần chúng nổi dậy. Nếu Đà Nẵng, quần chúng nổi dậy, địch suy sụp thì Sài Gòn sẽ nguy ngập lắm.
Sau khi phân tích sâu sắc các khía cạnh về tình hình địch, ta và cục diện chiến trường, cuối cùng Bộ Chính trị khẳng định:
- Thời cơ chiến lược lớn đã tới. Trong suốt 20 năm chống Mỹ, cứu nước, chưa bao giờ thuận lợi bằng lúc này. Cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt. Hội nghị dự kiến có thể giành thắng lợi sớm hơn rất nhiều so với kế hoạch trước. Phải lợi dụng mấy tháng thời tiết còn tốt, kéo dài sẽ không có lợi.
Từ nhận định trên đây, dẫn đến quyết tâm mới: Nắm vững thời cơ chiến lược, tranh thủ thời gian cao độ, nhanh chóng tập trung lực lượng vào phương hướng chủ yếu hành động táo bạo, bất ngờ, làm cho địch không kịp dự kiến, không kịp trở tay, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa.
Muốn vậy, cần thực hiện hai trận quyết chiến chiến lược nữa là Huế - Đà Nẵng và Sài Gòn. Trận Đà Nẵng tạo thêm điều kiện cho trận quyết định cuối cùng là Sài Gòn.
Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương quyết định mở mặt trận Quảng Đà, chỉ định anh Lê Trọng Tấn làm tư lệnh, anh Chu Huy Mân làm chính uỷ; quyết định thành lập Quân đoàn 3, do anh Vũ Lăng làm tư lệnh, anh Đặng Vũ Hiệp làm chính uỷ.
Cơ quan tham mưu gấp rút hoàn chỉnh kế hoạch chiến đấu giải phóng Đà Nẵng để Thường trực Quân uỷ thông qua vào ngày hôm sau, 26 tháng 3, và cùng cơ quan hậu cần điều động lực lượng, cả binh lực và vật chất kỹ thuật bảo đảm cho chiến dịch. Riêng về vật chất, do dự kiến trước nên chúng tôi đã hiệp đồng với Tổng cục Hậu cần từ ngày 20 tháng 3, cố gắng bảo đảm cho chiến dịch 26.000 tấn hàng các loại.
Một thuận lợi lớn lúc này là Hội đồng chi viện miền Nam đã được thành lập do anh Phạm Văn Đồng làm chủ tịch. Nhớ lại một sự kiện tương tự diễn ra cách đó hơn hai mươi năm. Khi cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 đã phát triển lên đỉnh cao, Bộ Chính trị đã hạ quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Hội đồng chi viện tiền tuyến đã được thành lập và cũng do anh Phạm Văn Đồng phụ trách, để động viên sức người, sức của ra mặt trận, theo khẩu hiệu "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng". Và chiến dịch ìịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Lần này cũng vậy. Quyết tâm giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa là một quyết tâm đúng đắn, rất táo bạo trên cơ sở phân tích khách quan, khoa học cục diện chiến trường, so sánh lực lượng địch, ta, thời cơ chiến lược lớn đã xuất hiện. Quyết tâm chiến lược đó đáp ứng nguyện vọng và tình cảm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Vì thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp giải phóng dân tộc, nhân dân hậu phương lớn miền Bắc sẵn sàng tiếp tục đem hết sức người, sức của chi viện tiền tuyến lớn miền Nam.
Phải có một tổ chức rộng lớn và mạnh mẽ, do một đồng chí lãnh đạo có uy tín và kinh nghiệm, thay mặt Đảng và Nhà nước đảm nhiệm, để động viên và tổ chức sức mạnh của toàn dân, hướng vào một dích chung là giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam.
Hội đồng chi viện miền Nam càng có tầm quan trọng đặc biệt khi mà quy mô động viên đã rất to lớn lại phải hoàn thành trong một thời gian rất ngắn để tiền tuyến kịp dứt điểm trước mùa mưa. Một vấn đề cụ thể khác khiến các cơ quan tham mưu, hậu cần trước dây rất lo lắng thì nay yên tâm là đạn pháo chiến lợi phẩm đến lúc này đã rất dồi dào. Các đơn vị đã nhận chỉ thị triệt để thu hồi, bàn giao và bảo quản chu đáo, chuẩn bị tốt nhất cho hướng trọng điểm.
Các cục trong Bộ Tổng Tham mưu cử những cán bộ có kinh nghiệm và năng lực đi giúp anh Tấn trong việc chỉ đạo, chỉ huy mặt trận Quảng Đà.
Điều lo lắng của chúng tôi lúc này lả, mặc dù kế hoạch chiến dịch đã được thông qua, anh Tấn chuẩn bị gấp rút để lên đường nhưng tình hình đang diễn biến rất nhanh, bội đội đã và đang vào thành phố Huế. Làm thế nào để anh Tấn gặp anh Mân (đang từ Khu 5 ra) để bàn bạc kế hoạch chỉ đạo, chỉ huy chiến dịch, để thực hiện được yêu cầu "kịp thời nhất, nhanh chóng nhất, táo bạo nhất, bất ngờ nhất và chắc thắng".
Cục Tác chiến được chỉ thị bám sát tình hình, bám sát bước đi của các lực lượng được điều động cho mặt trận Quảng Đà, kịp thời báo cáo để Bộ Tổng Tham mưu ở phía sau giúp Bộ tư lệnh Quảng Đà chỉ huy các hướng, cho khỏi lỡ thời cơ, khi mà Bộ tư lệnh mặt trận chưa kịp triển khai công tác tổ chức, chỉ huy.
Từ trung tuần tháng 3, trước tình hình phát triển thuận lợi của chiến dịch Tây Nguyên, Bộ Tổng Tham mưu đã truyền đạt chỉ thị của Quân uỷ Trung ương gửi Khu 5: Phải đẩy mạnh cuộc tiến công ở phía bắc quân khu, nhanh chóng tiến xuống đường 1 sau khi giải quyết một số vị trí ở giáp ranh, đồng thời chuẩn bị khẩn trương cho bước phát triển tiếp theo.
Khi phát hiện địch điều động lực lượng lính thuỷ đánh bộ vào Đà Nẵng để rút sư dù vào Nam Bộ làm lực lượng cơ động, Bộ Tổng Tham mưu đã liên tiếp truyền lệnh cho Quân khu Trị Thiên và Quân đoàn 2, đưa bộ đội vượt qua tuyến phòng thủ bên ngoài, táo bạo đưa lực lượng thọc xuống đồng bằng, diệt ác phá kìm, cắt đường 1, đánh chiếm các quận lỵ Phú Lộc và Hướng Điền, không được dừng lại ở Mỹ Chánh, mà gấp rút thọc ra Cửa Thuận, khống chế sân bay, áp sát và giải phóng Huế, không cho sư 1 địch chạy thoát.
Trong những ngày từ 22 đến 26 tháng 3 (khi quân ta đã giải phóng Huế và khoá chặt địch ở Cửa Thuận và Cửa Tư Hiền, uy hiếp Đà Nẵng từ hướng bắc), Bộ Tổng Tham mưu truyền đạt chỉ thị ngày 24 của Quân uỷ Trung ương gửi Quân khu 5: Cần tiến về phía Đà Nẵng, phối hợp với Quân đoàn 2 hình thành thế bao vây từ nhiều hướng. Bộ còn ra lệnh cho Quân đoàn 2 kiểm tra trận địa pháo ở đông đèo Mũi Trâu, gấp rút chuẩn bị hoả lực chu đáo, bảo đảm ngày 27 bắn được vào sân bay và bến cảng Đà Nẵng, đồng thời đánh chiếm khu đèo Hải Vân chuẩn bị bàn đạp tiến công chiếm kho xăng Liên Chiểu, tiến vào tiêu diệt địch đang co cụm ở Đà Nẵng.
Những bức điện liên tiếp dồn dập trong những ngày này từ Bộ gửi đến các chiến trường Trị Thiên và Quảng Đà đều toát lên yêu cầu hết sức khẩn trương, nhanh chóng áp sát, bao vây, chia cắt, tiến công tiêu diệt địch trong đòn chiến lược thứ hai này.
Các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy các chiến trường miền Trung đã động viên và tổ chức bộ đội vượt qua mọi khó khăn, tranh thủ thời cơ thuận lợi, kiên quyết xốc tới giành thắng lợi to lớn trên đìa bàn từng quân khu.
Ở Trị Thiên, trong cuộc họp ngày 17 tháng 3, Thường vụ Quân khu uỷ và Thường vụ Đảng uỷ Mặt trận họp đã nhận định: Địch đang dao động mạnh, thời cơ thuận lợi mới đã xuất hiện. Hội nghị hạ quyết tâm khẩn trương và mạnh bạo dùng lực lượng tại chỗ đánh mạnh vào phòng tuyến của địch, đồng thời đưa lực lượng chủ lực xuống cùng lực lượng vũ trang địa phương và nhân dân kiên quyết cắt đường 1, chia cắt và phá thế co cụm của địch, giành thắng lợi ở đồng bằng, bao vây cô lập Huế. Ngày 19, các lực lượng vũ trang Quảng Trị tiến công giải phóng hoàn toàn phần đất còn lại trong tỉnh. Hôm sau, 20 tháng 3, Thường vụ Khu uỷ Trị Thiên hạ quyết tâm tranh thủ thời cơ; dốc toàn lực cùng với một bộ phận của Quân đoàn 2 giải phóng Thừa Thiên - Huế bằng chiến dịch tiến công tổng hợp, toàn diện, lấy chia cắt và bao vây kết hợp với các mũi thọc sâu của chủ lực làm biện pháp then chất, đồng thời dùng lực lượng vũ trang địa phương tiến công hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy. Từ ngày 21 đến ngày 23 tháng 3, bộ đội Quân đoàn 2 và Quân khu Trị Thiên thọc thẳng xuống đồng bằng, đánh chiếm các mục tiêu đã định, cắt đứt đường 1, áp sát thành Huế. Trước sức mạnh tiến công của ta, đêm ngày 24, địch từ Huế rút chạy về Cửa Thuận và Cửa Tư Hiền. Ngày hôm sau, cơ sở nội thành và lực lượng biệt động đã vận động quần chúng nổi dậy xoá bỏ chính quyền địch và hướng dẫn bộ đội chủ lực đánh chiếm các mục tiêu quan trọng trong thành phố. Ngày 25 tháng 3, các cánh quân của ta, kết hợp với pháo lớn, khoá chặt Cửa Thuận, Cửa Tư Hiền từ trước, tiêu diệt, bắt sống và làm tan rã phần lớn quân địch định rút chạy theo đường biển.
Tại Khu 5, hội nghị ngày 16 tháng 3 của Thường vụ Quân uỷ và Bộ tư lệnh Quân khu đã xác định mục tiêu đợt 2 chiến dịch Xuân Hè là giải phóng hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định, giành đại bộ phận nông thôn đồng bằng. Bảy ngày sau, 23 tháng 3, sau khi ta giải phóng một số vùng đông Thăng Bình và đồng bằng hai huyện Sơn Tịnh và Bình Sơn, Thường vụ Khu uỷ nhanh chóng hạ quyết tâm "giải phóng toàn Khu 5 trong thời gian ngắn nhất".
Sau 5 ngày chiến đấu, ta đã giải phóng thị xã Tam Kỳ, đánh chiếm căn cứ Tuần Dưỡng, mở rộng bàn đạp phía đông Quảng Nam, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Ngãi, tiến công chiếm căn cứ Chu Lai, tiêu diệt sư đoàn 2 nguỵ. Phần đất phía nam quân khu 1 của địch được giải phóng, căn cứ Đà Nẵng đã bị uy hiếp cả phía bắc và phía nam.
Thế là, quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương, các mặt trận Trị Thiên và Khu 5, cùng với Quân đoàn 2, đã đẩy mạnh hoạt động, phối hợp đắc lực và có hiệu quả với chiến trường Tây Nguyên, đã tiến công tiêu diệt một bộ phận quan trọng lực lượng địch trong quân khu 1 của chúng, và chuẩn bị khẩn trương cho bước phát triển tiếp theo, tiêu diệt và đánh chiếm căn cứ quân sự liên hợp Đà Nẵng.
Với việc giải phóng Huế, Tam Kỳ và Chu Lai, tiêu diệt và làm tan rã lực lượng chủ yếu của quân đoàn 1 nguỵ, ta đã phá một phần quan trọng kế hoạch co cụm chiến lược của địch ở ven biển miền Trung, hình thành thế bao vây uy hiếp Đà Nẵng từ nhiều hướng. Địch buộc phải bỏ kế hoạch rút sư đoàn thuỷ quân lục chiến từ Đà Nẵng đi và phải co các lực lượng còn lại về cố giữ Đà Nẵng, căn cứ cuối cùng và quan trọng nhất của chúng ở quân khu 1 hòng kìm chân chủ lực ta ở phía bắc để có thời gian bố trí lại thế phòng thủ chiến lược ở phía nam. Quân địch ở đây còn khoảng 10 vạn tên, nhưng đã bị cô lập, tinh thần suy sụp, tổ chức chỉ huy rối loạn. Hàng vạn dân từ Trị Thiên - Huế bị dồn, kéo về Đà Nẵng càng làm chỏ địch thêm khó khăn gấp bội.
Do hoạt động khẩn trương và táo bạo của ta, đến ngày 27, tình hình Đà Nẵng trở nên rất sôi động. Bộ Tổng Tham mưu thông báo cho Khu 5 biết nhận định và lệnh của Quân uỷ Trung ương là phải có những biện pháp đặc biệt nhanh chóng tiến công địch từ phía nam, bỏ qua những mục tiêu dọc đường, đánh thắng vào Đà Nẵng nhanh nhất, kịp thời nhất, táo bạo nhất với những lực lượng có thể chuyển tới sớm nhất. Bộ cũng ra lệnh cho Quân đoàn 2 nhanh chóng tăng cường lực lượng từ phía tây-bắc xuống, triển khai thêm các trận địa pháo khống chế sân bay chính, bến cảng, tàu biển, không cho địch rút; tập trung lực lượng đột kích theo hướng 14 và đường 1, tiêu diệt địch, đánh chiếm khu vực tây và tây-bắc thành phố, thọc sâu nhanh chóng chiếm cầu Trịnh Minh Thế, không cho địch rút qua bán đảo Sơn Trà.
Chấp hành lệnh của Bộ Tổng tư lệnh, Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 và Quân khu 5 đã nhanh chóng triển khai thực hành tiến công vào Đà Nẵng từ nhiều hướng. Quân đoàn 2 trên các hướng bắc, tây bắc và tây nam. Sư đoàn 2 Quân khu 5 trên các hướng nam và đông- nam. Quần chúng trong thành phố dưới sự lãnh đạo của tỉnh uỷ và thành uỷ đã nổi dậy hỗ trợ các cánh quân của chủ lực đang tiến quân về hướng thành phố Đà Nẵng. Hàng ngàn đồng bào Đà Nẵng đưa xe khách, xe đò, xe lam, cả xe hon-đa toả ra các hướng chở bộ đội ta tiến nhanh vào nội đô. Hàng vạn đồng bào vùng ven mang cơm nước, quà bánh tiếp tế cho bộ đội đang tiến trên các trục đường vào Đà Nẵng. Tự vệ Đà Nẵng đã hướng dẫn bộ đội đánh thẳng vào các mục tiêu chủ yếu trong thành phố như toà thị chính, sân bay, bộ tư lệnh không quân, bộ tư lệnh quân đoàn 1 nguỵ và phát triển sang bán đảo Sơn Trà. Các lực lượng biệt động, tự vệ và du kích mật, kết hợp với cơ sở bên trong tận dụng thời cơ địch hoảng loạn và tan rã trước sức tiến công mạnh mẽ của bộ đội chủ lực, nhanh chóng chiếm các mục tiêu quan trọng trong thành phố. Cán bộ và chiến sĩ ta bị địch giam trong nhà lao Non Nước đã nổi dậy phá nhà lao, phối hợp với nhân dân gọi hàng binh sĩ dịch, cùng công nhân bảo vệ các cơ sở kinh tế trong thành phố.
Do sự chỉ đạo kịp thời, nhạy bén của Bộ, do hành động khẩn trương, táo bạo của bộ dội trên từng hướng, từng mũi, được sự phối hợp chặt chẽ của quần chúng kịp thời nổi dậy, đến 15 giờ ngày 29 tháng 8, quân và dân ta đã tiêu diệt và làm tan rã hơn 10 vạn tên địch trên căn cứ quân sự liên hợp Đà Nẵng, hoàn toàn làm chủ thành phố Đà Nẵng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến lược mà Bộ Chính trị đề ra cho đòn tiến công chiến lược thứ hai.
Nghe báo cáo về chiến dịch giải phóng Đà Nẵng, Quân uỷ Trung ương nhận thấy có những nhân tố mới đã xuất hiện trong chỉ đạo thực hành tiến công và nổi dậy. Ngày 30 tháng 3, một đoàn cán bộ tham mưu, gồm cán bộ Viện Khoa học quân sự, Cục Tác chiến, Cục Tình báo và Cục Dân quân, được lệnh vào ngay Đà Nẵng để nghiên cứu, rút kinh nghiệm chỉ đạo vận dụng phương thức tiến công của bộ đội chủ lực kết hợp với tổ chức quần chúng nổi dậy trong một chiến dịch tiến công giải phóng thành phố lớn.
Đã bị chấn động dữ dội bởi đòn sấm sét của ta trên Tây Nguyên, lúc này sau chiến thắng vang dội của ta ở Đà Nẵng, bọn cầm đầu nguỵ quyền ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà rục rịch bỏ chạy. Bọn Mỹ bắt đầu rút các cơ quan và lãnh sự quán ở Nha Trang chuyển hàng ở Cam Ranh đi Sài Gòn. Qua tin tức, ta dự kiến địch có thể bỏ cả Cam Ranh.
Quân đoàn 3 và các đơn vị khác của ta, sau khi hoàn thành nhiệm vụ giải phóng Tây Nguyên, được lệnh nhanh chóng phát triển xuống giải phóng các tỉnh đồng bằng ven biển phía nam Khu 5. Từ ngày 26 tháng 3 đến ngày 3 tháng 4, bộ đội chủ lực đã phối hợp với các lực lượng vũ trang tại chỗ và nhân dân địa phương, tiêu diệt và làm tan rã bộ phận còn lại của quân đoàn 2 nguỵ, giải phóng Bình Định (ngày 31-3-1975, riêng thị xã Quy Nhơn ngày 1-4-1975), Phú Yên (kể cả thị xã Tuy Hoà ngày 1-4-1975) và Khánh Hoà (kể cả thành phố Nha Trang và quân cảng Cam Ranh ngày 1-4-1975).
Cũng trong thời gian trên, tại chiến trường B2, quân ta bao vây, buộc ầịch rút khỏi An Lộc, Châu Thành, Gia Nghĩa. Sư đoàn 7, chủ lực của Miền, phát triển tiến công lên đường 20, kết hợp với lực lượng Khu 6 giải phóng Di Linh, Bảo Lộc và thành phố Đà Lạt.
Tình hình tiếp tục chuyển biến rất nhanh. Thời cơ chiến lược vô cùng thuận lợi. Trong bối cảnh lịch sử đó, ngày 31 tháng 3 Bộ Chính trị họp bàn quyết tâm giành thắng lợi trên hướng trọng điểm: Sài Gòn.
Trong cuộc họp này, Bộ Chính trị đã nghe Quân uỷ báo cáo tình hình phát triển của cuộc tổng tiến công của quân và dân ta trong mấy tuần qua, nhất là những ngày cuối tháng 3.
Tiếp theo chiến thắng Phước Long, với thắng lợi to lớn trên chiến trường Tây Nguyên, cuộc tổng tiến công chiến lược của ta trên thực tế đã bắt đầu. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, khoảng hơn một tháng, ta đã giành được những thắng lợi cực kỳ to lớn.
Trên các chiến trường từ Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng đến các chiến trường phối hợp, ta đã tiêu diệt và làm tan rã trên 35% lực lượng địch. Lần đầu tiên ta tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu 2 quân khu, 2 quân đoàn nguỵ, với chừng 40% các binh chủng kỹ thuật hiện đại, thu và phá trên 40% cơ sở vật chất và hậu cần của chúng, giải phóng 12 tỉnh, đưa tổng số dân vùng giải phóng lên gần tám triệu.
Hội nghị nhất trí nhận định rằng những nhân tố mới đã xuất hiện rõ rệt trong trận Đà Nẵng. Tiến công quân sự đã kết hợp được với nổi dậy của quần chúng, khi nhân dân đã căm phẫn địch cao độ chi chờ có cơ hội là đứng lên giành lấy chính quyền, phần lớn sĩ quan và binh lính địch mất hẳn tinh thần chiến đấu. Điều đó giải thích vì sao, chỉ trong 32 giờ, với một lực lượng vũ trang ít hơn so với địch ta đã nhanh chóng tiêu diệt được căn cứ quân sự liên hợp lớn vào bậc nhất của quân nguỵ ở miền Trung.
Về lực lượng vũ trang ta, sau mấy tuần của cuộc tổng tiến công, Bộ Chính trị đánh giá có một bước trường thành vượt bậc. Bộ đội thương vong ít, vũ khí đạn được sừ dụng đúng mức, tiết kiệm, tinh thần quyết chiến, quyết thắng, kinh nghiệm chỉ huy, chiến đấu tăng thêm. Ta đã thu được một khối lượng rất lớn vũ khí đạn dược của địch, khả năng cơ động của khối chủ lực ta tăng lên gấp bội.
Bộ Chính trị khẳng định: Cả về thế chiến lược và lực lượng quân sự, chính trị, ta đã có sức mạnh áp đảo quân địch. Bọn nguỵ đang đứng trước nguy cơ sụp đổ. Mỹ tỏ ra hoàn toàn bất lực, lúc này dù chúng có tăng viện cũng không thể cứu vãn nổi tình thế sụp đổ đến nơi của nguỵ. Cách mạng nước ta đang phát triển sôỉ nổi nhất, với nhịp độ một ngày bằng hai mươi năm. Cuộc chiến tranh cách mạng ở miển Nam không những đã bước vào giai đoạn phàt triển nhảy vọt, mà thời cơ chiến lược để tiến hành cuộc tổng công kích, tổng khới nghĩa đã chín muồi. Từ giờ phút này, trận quyết chiến chiến lược của quân và dân ta đánh vào sào huyệt cuối cùng của địch đã bắt đầu, nhằm hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thực hiện thống nhất Tổ quốc.
Bộ Chính trị quyết định: Nắm vững thời cơ chiến lược hơn nữa, với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, quyết tâm thực hiện tổng công kích, tổng khới nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng tư, không thể để chậm.
Chắc thắng và bất ngờ hiện nay chủ yếu là ở khâu tranh thủ thời gian, tiến công địch vào lúc chúng đang hoang mang suy sụp, tập trung lực lượng hơn nữa vào những mục tiêu chủ yếu trong từng lúc, trên từng hướng. Lúc này thời gian lầ lực lượng.
Bộ Chính trị xác định phương thức tác chiến chiến được của ta trong thời gian tới là phát huy sức mạnh của ba đòn chiến lược (chủ lực, nông thôn và đô thị), kết hợp tiến công và nổi dậy, từ ngoài đánh vào, từ trong đánh ra; trên mỗi hướng và trong từng lúc đều tập trung lực lượng áp đảo quân địch, nhanh chóng tạo nên thuận lợi mới và nhanh chóng lợi dụng thời cơ mà dồn dập phát triển thắng lợi.
Về triển khai bố trí lực lượng chiến lược, Bộ Chính trị chủ trương thực hiện sớm hơn ý định trước đây là gấp rút tăng thêm lực lượng ở hướng tây Sài Gòn, nhanh chóng thực hiện nhiệm vụ chia cắt và bao vây chiến lược trên hướng tây-nam, áp sát Sài Gòn, triệt hẳn đường 4, cô lập Sài Gòn yới những đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời nhanh chóng tập trung lực lượng phía đông, đánh chiếm những mục tiêu quan trọng, thực hiện bao vây cô lập hoàn toàn Sài Gòn từ Bà Rịa, Vũng Tàu; sẵn sàng quả đấm chủ lực thật mạnh, kể cả binh khí kỹ thuật, để lúc thời cơ xuất hiện, lập tức đánh thẳng vào những mục tiêu hiểm yếu và quan trọng nhất của địch ở ngay trung tâm thành phố Sài Gòn. Trong lúc đó, đôn đốc các lực lượng quân sự, chính trị của ta ở đồng bằng sông Cửu Long hoạt động mạnh bạo, kết hợp tiến công và nổi dậy, giải phóng các địa phương.
Để kịp triển khai lực lượng theo phương hướng tác chiến chiến lược trên đây cho kịp yêu cầu về thời gian, ngay từ bây giờ cần có kế hoạch hành động táo bạo với lực lượng sẵn có trên chiến trường miền Đông. Bộ Chính trị quyết định phải nhanh chóng điều Quân đoàn 3 và binh khí kỹ thuật từ Tây Nguyên xuống, đồng thời điều Quân đoàn 1 - dự bị chiến lược - từ ngoài Bắc vào.
Nhưng để tranh thủ thời gian cao độ, không nên hoàn toàn chờ đợi lực lượng tăng cường đến nơi thật đầy đủ; cũng tránh việc điều động không hợp lý, ảnh hưởng đến thời gian hành động.
Về tổ chức chỉ huy, Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ chì huy và Đảng uỷ Mặt trận Sài Gòn để tập trung và thống nhất lãnh đạo, chỉ huy; Trung ương Cục và Quân uỷ Miền vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ như hiện nay. Phạm vi B2 vẫn do Trung ương Cục và Quân uỷ Miền phụ trách.
Ngày cuối cùng của tháng Ba kết thúc với cuộc họp lịch sử có tầm quan trọng đặc biệt của Bộ Chính trị. Quyết tâm và phương hướng chiến lược đã được xác định rõ ràng và dứt khoát.
***
Trong cuộc đời chiến đấu của mình, chưa bao giờ tôi được sống những ngày thắng lợi dồn dập và phát triển "thần tốc" như trong tháng Ba đáng ghi nhớ ấy. Khi xây dựng kế hoạch chiến lược cơ bản hai năm dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương, chúng tôi không hề nghĩ rằng chỉ trong đợt 2 của kế hoạch chiến lược năm 1975, cục diện chiến trưừng đã có thể chuyển biến nhanh chóng đến thế. Thắng lợi to lớn và dồn dập đã vượt xa dự kiến ban đầu.
Sự chỉ đạo nhạy bén và kịp thời trong tổ chức thực hiện của tất cả các cấp của Đảng ta, từ Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương đến các chiến trường, các địa phương, cộng với hoạt động bí mật, bất ngờ, khẩn trương, mau lẹ và cách đánh dũng cảm, kiên cường, thông minh sáng tạo của ta đã đẩy địch vào sai lầm. Ta kịp thời khoét sâu sai lầm của chúng, làm cho thế trận của địch, từ Tây Nguyên đến Huế - Đà Nẵng bị đảo lộn, đập tan ý đồ co cụm chiến lược của chúng, tiêu diệt và làm tan rã hàng chục vạn quân nguỵ, giải phóng một vùng đất đai rộng lớn gồm 16 tỉnh, 6 thành phố và thị xã trên địa bàn 2 quân khu của địch. Thật rõ ràng, chỉ đạo chiến tranh, chỉ huy chiến dịch, chiến đấu đều phải biết tìm mưu hay, bày kế khéo để lừa địch, làm cho địch mắc sai lầm và khi địch đã mắc sai lầm phải kịp thời nắm lấy thời cơ, thúc đẩy thời cơ giành lấy thắng lợi lớn nhất.
Thế là hậu phương trực tiếp của ta ở miền Nam đã mở rất rộng, lại nối liền với hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Quân và dân ta có ưu thế áp đảo quân địch, sức chiến đấu của bộ đội ta mạnh hơn bao giờ hết. Từ chỗ tiêu diệt từng sư đoàn địch, chủ lực của ta đã có khả năng tiêu diệt từng quân đoàn của chúng. Tháng Ba, với mấy trận quyết chiến chiến lược diễn ra liên tiếp, đánh dấu bước phát triển rất cao nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng, đánh dấu một bước trường thành vượt bậc về trình độ và khả năng tác chiến của bộ đội ta; đồng thời cũng đánh dấu sự thay đổi hẳn lực lượng so sánh địch, ta và cục diện chiến trường, đánh dấu bước ngoặt căn bản của chiến tranh cách mạng miền Nam sắp sửa bước vào trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.
Tháng Ba năm 1975, có thể nói là một tháng kỳ diệu trong lịch sử cách mạng và chiến tranh cách mạng miền Nam, một tháng có những bước tiến "thần tốc" một ngày bằng hai mươi năm; một tháng - với bốn cuộc họp liên tiếp của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương, sự chỉ đạo chiến lược của Đảng ta phát triển lên một đỉnh cao mới.
Nhưng tháng Ba đáng ghi nhớ ấy đã sắp qua. Tháng Tư lịch sử sắp bắt đầu. Còn một tháng nữa, mùa mưa sẽ đến. Thời gian là lực lượng. Thực tiễn đó không những thôi thúc chiến trường mà thôi thúc tất cả chúng tôi, những người trong cơ quan Tổng hành dinh của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương.
Vào những ngày này, dường như tất cả các cấp, các ngành, mọi cơ quan, đơn vị, địa phương trên cả nước, nhất là ở cơ quan chiến lược của Bộ Thống soái tối cao, đều đang hướng về chiến trường trọng điểm: Sài Gòn. Khẩu hiệu chung "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng" thực tế đã trở thành khẩu hiệu cụ thể của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta: "Tất cả cho chiến trường trọng điểm".
Chú thích: (1) Chiến là bí danh đồng chí Võ Nguyên Giáp. Tuấn là bí danh đồng chí Văn Tiến Dũng trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
(2) Theo tiếng địa phương Khu 5, có nghĩa là cách làm ăn theo đưởng mòn lối cũ, chậm chạp, lề mề.
(3) Quân khu Trị Thiên.
(4) Lực lượng của Mặt trận Đường 9-Bắc Quảng Trị cũ, lúc đó ở tây Trị Thiên - Huế
(5) Từ hạ tuần tháng 3, Đoàn 559 đã chuyển sang đường 14: 3 trung đoàn công binh, 3 trung đoàn cao xạ và đưa 5 đại đội công binh vào Pleiku, Công Tum.
(6) Tức phương án đưa phần lớn lực lượng ở B3 phát triển vào miền Đông, đổng thời mở rộng vùng giải phóng đồng bằng Khu 5 với lực lượng hiện có, có thề tăng cường sư đoàn 968 và binh khí kỹ thuật.
(7) Tức nhất trí với phương án một.