Hai ngày sau khi chúng tôi tới Hà Nội, anh Ba Duẩn gặp cả đoàn cán bộ B2. Anh Ba và các anh trong Bộ Chính trị muốn tranh thủ nghe ý kiến của cán bộ chiến trường để chuẩn bị cho hội nghị tháng sau.
Chúng tôi đến, Anh Ba thân thiết bắt tay, hỏi thăm sức khỏe từng người. Anh cho biết cuộc gặp mặt sáng ngày 3 tháng 4 này chưa phải là cuộc họp chính thức, nhiều vấn đề rất lớn cần có thời gian suy nghĩ, trao đổi, bàn bạc kỹ để có nghị quyết xác đáng. Bởi vậy, anh sẽ chỉ nêu một số vấn đề để chúng tôi suy nghĩ, chuẩn bị trước khi chính thức làm việc vào tuần sau. Những vấn đề anh nêu ra có những điểm trùng hợp với những điều mà chúng tôi còn băn khoăn, đã từng trao đổi với nhau trong tháng qua, nhất là trong suốt cả cuộc hành trình ra Bắc, để cố tìm ra đầy đủ đáp số.
Anh Ba vào đề ngay, nói thẳng những vấn đề mà anh dự định gợi ý để chúng tôi suy nghĩ, chuẩn bị ý kiến. Đại ý anh nói:
Trước hết, đánh giá thắng lợi của Hiệp định Paris thế nào? Đó là thắng lợi, là thành quả của cả quá trình kháng chiến chống Mỹ lâu dài. Mỹ đã chịu ký kết, đã buộc phải rút quân nhưng Thiệu còn, nguỵ quân, nguỵ quyền còn, quân địch còn đông, trang bị còn nhiều. Vậy ý đồ của Mỹ là gì, của Thiệu là gì? Chúng mạnh ở chỗ nào, yếu ở chỗ nào? Ta cũng vậy, mạnh yếu ra sao? Cần dựa vào thực tế chiến trường mà phản ảnh đầy đủ. Ngay cả cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân cũng cần được đánh giá cho rõ, cả thắng lợi và cả khuyết điểm.
Hai là, cách mạng miền Nam đã chuyển sang giai đoạn mới chưa? Nếu đã chuyển thì nội dung thời kỳ chuyển tiếp này là gì phương châm, phương thức đấu tranh phải như thế nào cho phù hợp?
Ba là, trên cơ sở dó, cần xem lúc này đường lối cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam cần giải quyết vấn đề gì, cần nắm những khâu gì, nhất là trong thời kỳ chuyển tiếp, để đi đến thắng lợi cuối cùng?
Bốn là, những vấn đề cấp bách trước mắt mà chỉ đạo cần quan tâm là gì? vấn đề quan trọng nhất có phải là giành dân, giành quyền làm chủ, xây dựng cơ sở xã, xây dựng huyện hay không?
Riêng về mặt quân sự, cần xem phải xây dựng lực lượng vũ trang địa phương thế nào, xây dựng quả đấm chủ lực ra sao, biên chế thế nào để chủ lực có sức mạnh? Cần kiên quyết tổ chức lại cho tinh. Trước hết, từ tiểu đội đến tiểu đoàn, quân số phải đủ. Muốn vậy, có nên thu bớt đầu mối đơn vị, bổ sung quân cho các đơn vị còn lại và rút bớt cán bộ xuống cơ sớ để làm công tác vận động quần chúng, giúp đỡ phong trào không?
Anh cho biết thêm: Tháng 4, Bộ Chính trị chưa họp. Các anh còn nghe ý kiến và tiếp tục suy nghĩ, chuẩn bị nội dung cho kỹ để họp vào tháng 5 và sau đó, họp. Hội nghị Trung ương lần thứ 21 vào tháng 6. Trước khi chia tay, anh nhắc lại:
- Suy nghĩ kỹ đi, chuẩn bị ý kiến chu đáo, tuần sau sẽ trao đổi, thảo luận.
Tôi thấy cách làm việc của anh Ba rất linh hoạt, năng động, tạo cho cán bộ có hướng suy nghĩ để rồi cùng nhau bàn bạc cặn kẽ, tìm ra chân lý, tạo nên nhất trí.
Cách làm đó giúp cho Trung ương và Bộ Chính trị nắm chắc hơn nữa tình hình các chiến trường, trên cơ sở đó đề ra phương hướng đúng đắn, đưa cách mạng miền Nam tiến lên.
Hôm sau chúng tôi họp đoàn, phân công ai tập trung vấn đề gì; những nội dung gì cần trao đổi chung, những vấn đề gì cần đề nghị cơ quan Bộ Quốc phòng cung cấp cho rõ hơn.
Chúng tôi được Bộ Tổng Tham mưu cho biết thêm về tình hình địch, cả Mỹ và tay sai, cả ở nước Mỹ và Đông Nam Á; về nội dung cuộc gặp gỡ Mỹ - Trung; về kết quả tuyển quân.
Các anh bên Tổng cục Hậu cần cho biết về tình hình chi viện các mặt trong ba tháng đầu năm nay và những tháng còn lại của năm 1973. Tôi cũng làm việc với Tổng cục Chính trị, phản ánh tình hình chính trị tư tưởng của cán bộ và bộ đội sau Hiệp định Paris và tìm hiểu khả năng bổ sung cán bộ cho chiến trường.
Chúng tôi dùng điện đài của Bộ, trao đổi ý kiến với anh Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục và các anh "Ở nhà", về những vấn đề cần thiết và nắm thêm tình hình chiến trường từ ngày chúng tôi lên đường.
Thế là, với ý kiến gợi ý của anh Ba và tình hình do các cơ quan Bộ cho biết, lại có ý kiến trao đổi của các anh ở Miền, đoàn chúng tôi có cơ sở để bàn bạc kỹ về những vấn đề cần báo cáo với Bộ Chính trị. Tuy còn có những vấn đề chưa hoàn toàn nhất trí nhưng qua các cuộc trao đổi thảo luận trong đoàn, bước đầu đã giúp chúng tôi sáng thêm nhiều vấn đề quan trọng.
Ngày 4 tháng 4, chúng tôi nhận điện của anh Nguyễn Chức, phụ trách phòng tác chiến, sau đó là điện của anh Lê Đức Anh, Tư lệnh Quân khu 9, cho biết tổng quát tình hình tháng 3. Trên địa bàn quân khu, địch mở hơn một nghìn cuộc hành quân cấp đại đội và tiểu đoàn, tập trung vào Chương Thiện. Như vậy là so với những tháng trước, số lượng cuộc hành quân của nguỵ đã tăng lên gấp rưỡi, nhưng phi pháo có giảm hơn trước, hiệu quả các cuộc hành quân cũng không kém hơn. Quân và dân Khu 9 kiên quyết phản công và tiến công địch, chúng phải co lại. Số đồn ta gỡ nhiều hơn số đồn địch lấn chiếm.
Thực tế đó, đối chiếu với những điều anh Ba gợi ý, vấn đề đặt ra với chúng tôi là phương châm, phương thức đấu tranh nên như thế nào cho sát với tình hình chiến trường, khi địch ngày càng công khai vi phạm Hiệp định, đẩy mạnh bình định, lấn chiếm.
Từ ngày 12 tháng 4, anh Ba và một số anh trong Bộ Chính trị làm việc với đoàn, những ngày làm việc không mang tính chất một cuộc hội nghị chính thức. Đoàn chúng tôi báo cáo, các anh vừa nghe, vừa trao đổi ý kiến hoặc hỏi thêm những điều chưa rõ, gợi những vấn đề cần suy nghĩ thêm.
Tôi báo cáo tình hình chung về mặt quân sự, một bản báo cáo vừa mang tính chất tổng kết năm 1972, vừa nhận định về hình thái địch, ta từ ngày ký Hiệp định Paris. Anh Sáu Đường (Nguyễn Minh Đường) báo cáo các mặt chính trị và quân sự Khu 8, anh Sáu Dân (Võ Văn Kiệt) báo cáo tình hình Khu 9, anh Năm Nga (Trần Nam Trung) báo cáo về miền Đông và ngày 19 đến lượt anh Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh) báo cáo về lực lượng chính trị và phong trào đô thị.
Nghe đến đâu, anh Ba thường cho dừng lại để hỏi thêm, gợi ý thêm. Có khi anh phát biểu luôn suy nghĩ của mình về một mặt nào đó để cùng chúng tôi trao đổi ý kiến.
Anh quan tâm hỏi về hệ thống kìm kẹp của chính quyền Thiệu, về vấn đề giành dân, giành quyền làm chủ; về chính sách dân tộc, tôn giáo; về khả năng tuyển quân tại chỗ; về vận dụng tư tưởng tiến công địch cả về quân sự, chính trị, binh vận, pháp lý; về phương châm, phương thức đấu tranh nhằm làm thất bại âm mưu bình định, lấn chiếm của địch.
Ngày chủ nhật, 15 tháng 4, gọi là nghỉ vì không làm việc với anh Ba, nhưng thực ra những vấn đề từ thực tiễn đặt ra, cũng như những gợi ý của anh Ba và các anh trong Bộ Chính trị, vẫn tiếp tục bám lấy luồng suy nghĩ của chúng tôi. Nhiều vấn đề lớn, phức tạp, không thể suy nghĩ giản đơn mà có thể tìm ra đáp số. Tôi dành thêm thời gian xem lại những ghi chép của mình, tiếp tục suy nghĩ chuẩn bị thêm ý kiến.
Mấy ngày tiếp theo, trước khi nghe anh Mười Cúc báo cáo, anh Ba lại nêu thêm ý kiến của anh, những ý kiến như tạm gói lại bước đầu, sau mấy ngày làm việc. Đại ý anh nói:
- Mấy hôm nay nghe các anh báo cáo, tôi suy nghĩ dữ lắm. Hôm nay tôi phát biểu một số vấn đề.
Trước hết: Về âm mưu của Mỹ. Đế quốc Mỹ đã chịu thua, phải ký Hiệp định để rút quân, lấy tù binh. Nhưng Mỹ còn thực hiện học thuyết Ních-xơn, còn can thiệp vào Nam Việt Nam, song can thiệp chỉ có mức độ. Có thể rồi đây Mỹ không dám can thiệp trở lại nữa vì nội bộ nước Mỹ rối loạn, lủng củng lắm, nó can thiệp có mức độ là thế nào, là tiếp tục viện trợ để nguỵ tự lực được, để Thiệu đứng vững. Mỹ chưa chịu từ bỏ Thiệu, miền Nam còn trong tình trạng chiến tranh, chưa có hoà bình. Thiệu không chịu thi hành Hiệp định, không chịu chính phủ liên hiệp ba thành phần, không chịu hoà hợp dân tộc, dân chủ, dân sinh. Nó sợ tình hình ổn định thì ta mạnh lên.
Mỹ muốn hạn chế ta đánh lớn, nên vừa để cho Thiệu phá hoại Hiệp định, vừa gò Thiệu thi hành những điều khoản nào đó của Hiệp định để ta không có cớ đánh lớn. Học thuyết Ních-xơn bị Hiệp định ràng buộc. Thiệu lại bị Mỹ ràng buộc.
Thực tế bốn năm qua cho thấy mọi âm mưu của Ních-xơn đều bị thất bại. Hơn 50 vạn quân Mỹ ở đây mà quân nguỵ không làm gì được thì sau khi Mỹ rút quân, Thiệu làm sao "tự lực" được. Nhưng phải thấy rằng nếu ta không đưa được thế đấu tranh lên thì địch sẽ tăng cường phá hoại Hiệp định, tình hình sẽ càng thêm phức tạp.
Vấn đề thứ hai: Làm thế nào để ta có thể mạnh về chính trị, đó là vấn đề khẩu hiệu đấu tranh để tập hợp quần chúng lúc này. Hiệp định có đề cập đến vấn đề hoà bình, hoà hợp dân tộc. Điều đó ngược với ý muốn của Thiệu. Hắn lo tình hình ổn định, lo dân được tự do đi lại làm ăn. Rõ ràng là hoà bình, độc lập, hoà hợp dân tộc, dân chủ, dân sinh, lúc này là ý muốn của quảng đại quần chúng.
Chúng ta nhớ lại ở nước Nga sau Cách mạng tháng Hai (1917) những người Bôn-sê-vích mới chỉ thu hút được 17% quần chúng. Nhưng do Lê-nin đề ra khẩu hiệu dân tộc đúng lúc, tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng, nên đã tranh thủ tập họp được 80% quần chúng khi nổ ra Cách mạng tháng Mười.
Ở miền Nam hiện nay, cần nghiên cứu vấn đề dân tộc cho rõ. Trong thời gian tới, khẩu hiệu chính trị chủ yếu phải chăng là hoà bình, hoà hợp dân tộc, dân chủ, dân sinh. Khẩu hiệu đó đã có sức mạnh lớn chưa; điều này cần suy nghĩ kỹ.
Vấn đề thứ ba: Giành dân. Muốn tạo thế mạnh để tiến công địch phải giành được dân. Điều đáng suy nghĩ là địch thì chỉ đạo rất tập trung thống nhất: lấn đất, lập đồn, giành dân, bắt lính.
Mấy việc đó liên quan hỗ trợ lẫn nhau để nhằm mục đích là đánh ta, làm cho ta suy yếu. Còn về phía ta, trong thời gian qua, ta đã tiêu diệt được một bộ phận quan trọng lực lượng địch, giữ vững vùng giải phóng và căn cứ địa. Nhưng do có những cấp lãnh đạo và chỉ huy không đánh giá hết âm mưu cơ bản của địch sau khi ký Hiệp định Paris, không có sự chỉ đạo nhất quán từ đầu nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp để đánh bại âm mưu của địch trong tình hình mới, cho nên ta đã để cho địch lấn chiếm được một số vùng ta mới mở và còn để mất thêm một phần đất và dân trong vùng giải phóng cũ.
Giành dân là một vấn đề khoa học, là một nghệ thuật, phải có nhiều phương pháp rất tổng hợp, phải biết cách làm chủ từng vùng, từng địa phương, trong từng giới thanh niên, phụ nữ, nông hội, công đoàn. Phải tạo thành một lực lượng chống Thiệu ngày càng đông đảo, nhất là ở thành thị, phải phá thế kìm kẹp của địch ở nông thôn. Ở nông thôn, phải giành lại ấp xã, phải đưa cán bộ xuống nắm tình hình cụ thể, quán triệt trong nhân dân và giúp đỡ phong trào, tạo nên sức mạnh. Sức mạnh đó chính là bạo lực ở xã Muốn vậy phải kiện toàn huyện, nắm cho được xã. Ở đô thị phải giành được tầng lớp lao động và tầng lớp trung gian.
Phải đưa lực lượng thứ ba lên. Hiện nay Mỹ chưa bỏ Thiệu, nhưng nếu có vài chục vạn người xuống đường, đòi đánh đổ Thiệu, thì tình hình có thể thay đổi nhiều.
Vấn đề thứ tư. Chuyển giai đoạn. Hiện nay cách mạng miền Nam đã bước sang giai đoạn mới. Vậy cần có bước chuyển tiếp như thế nào. Giai đoạn này là một bước thử thách lớn về chiến lược giữa ta và Mỹ - nguỵ. Đây là bước quá độ diễn ra trong bối cảnh miền Nam có hai chính quyền, hai quân đội. Muốn thắng địch phải xây dựng cả hai lực lượng vũ trang và chính trị mạnh.
Về chính trị, phải tổ chức quần chúng thành một đội quân cùng lực lượng vũ trang đánh giặc. Về vũ trang, phải nắm khâu xây dựng quân đội mạnh để đánh, khi đánh thì đánh cho đau, đánh được đồng thời giữ và phát triển được. Trong việc xây dựng lực lượng vũ trang, phải thấy hiện đang còn nhược điểm lớn: lực lượng địa phương, dân quân du kích còn yếu; chủ lực không phải do lực lượng tại chỗ phát triển lên.
Do đó, vấn đề củng cố huyện, nắm vững xã, tổ chức quần chúng, xây dựng dân quân du kích rộng rãi có ý nghĩa quan trọng đối với vấn đề xây dựng cả hai lực lượng vũ trang và chính trị.
Về phương châm, ta nói quân sự chính trị kết hợp, quân sự chính trị song song, cũng chính là nói hai đội quân cùng đánh giặc, nhưng không nên nói cái nào chính, cái nào phụ. Từng địa phương phải xem xét vận dụng cho linh hoạt trong tiến công địch.
Như vậy, đến ngày 19 tháng 4, tôi nhận thấy cuộc trao đổi đã dần dần nổi lên mấy vấn đề:
- Khả năng can thiệp của Mỹ đã hạn chế, nhưng hạn chế với mức nào và có thể tác động tới nguỵ Thiệu ra sao?
- Trong giai đoạn chuyển tiếp này, giành dân là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt ở cả thành thị và nông thôn. Đó cũng là cuộc đấu tranh gay gắt nhất đang diễn ra hiện nay. Nhưng khẩu hiệu, phương châm, phương thức đấu tranh nên như thế nào cho thích hợp, trong điều kiện địch đang dùng quân sự để công khai trắng trợn phá hoại Hiệp định?
- Nếu thực hiện được khẩu hiệu hoà bình, hoà hợp dân tộc, dân chủ, đân sinh, rõ ràng sẽ đỡ tốn xương máu. Nhưng phải gây được phong trào chống Thiệu mạnh mẽ, phải chăng chỉ có lật đổ
Thiệu, mới có khả năng thành lập chính phủ liên hiệp ba thành phần, khả năng biến khẩu hiệu này thành hiện thực.
- Việc xây dựng lực lượng cả chính trị và vũ trang hiện rất cáp thiết, trong đó vấn đề phải chú ý là chất lượng, là "tinh", nhất là đối với bộ đội chủ lực. Chỉ có quả đấm chủ lực mạnh, mới có hể sẵn sàng phản công và tiến công, nhất là khi có thời cơ chiến lược. Mặt khác, phải nhanh chóng phát triển lực lượng vũ trang địa phương.
Những vấn đề trên mới dừng lại ở mức gợi ý, trao đổi, chưa phải đã kết luận. Có nhiều vấn đề tôi thấy phù hợp với suy nghĩ của mình, nhưng cũng còn những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu sâu thêm nữa.
Từ đầu tháng 4 lại đây, thực tế chiến trường cho thấy địch vẫn tiếp tục các cuộc hành quân cảnh sát, hành quân bình định, lấn chiếm. Đáng chú ý là địch đang tập trung tiến công vùng Chương Thiện và gần đây, ngay chỗ đứng chân của ta trên đường 7, Ri-nét, cũng gặp nhiều khó khăn.
Chỉ thị 02 của Trung ương Cục đã kịp thời uốn nắn những sai sót, lệch lạc trên chiến trường, nhưng việc vận dụng kinh nghiệm kiên quyết đánh trá địch của Khu 9 chưa phải đã thực hiện tốt.
Điều quan tâm của chúng tôi là trước mắt phải tập trung phá được kế hoạch bình định lấn chiếm của địch; đó là biện pháp lùên quyết nhất để giành dân và giữ dân.
Anh Võ Văn Kiệt đã điện cho anh Lê Đức Anh những ý kiến bước đầu của anh Ba.
Sáng 19 tháng 4, anh Mười Cúc báo cáo. Báo cáo của anh đề cập nhiều vấn đề chủ yếu là phong trào quần chúng cả ở đô thị và nông thôn Nam Bộ, nhất là nội đô và ven đô Sài Gòn (hai năm qua, anh trực tiếp chỉ đạo phong trào Sài Gòn). Đánh giá đúng đắn thái độ chính trị của các tầng lớp, các giai cấp qua từng thời kỳ, tính phản động của các đảng phái chính trị do địch lập ra ở miền Nam những năm qua và hiện nay, là cơ sở đề ra chính sách đúng đắn của Mặt trận, để tranh thủ các tầng lớp quần chúng đông đảo cùng đứng vào trận tuyến đấu tranh cách mạng.
Mười tám năm qua, đời sống kinh tế và thái độ chính trị của các giai cấp ở miền Nam đã có nhiều biến động sâu sắc, do tác động tổng hợp và mạnh mẽ của nhiều nhân tố cả về phía ta và phía địch, của cả ba nước Đông Dương và trên thế giới.
Về giai cấp, các lực lượng cách mạng, anh Mười Cúc nêu rõ:
- Gần hai chục năm qua, nhất là khi quân Mỹ ồ ạt vào miền Nam, ra sức tiến hành "chiến tranh cục bộ", cùng với sự phát triển công nghiệp, chủ yếu là công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp phục vụ chiến tranh, đội ngũ công nhân phát triển nhanh về số lượng nhưng thành phần cũng phức tạp hơn. Số công nhân già tương đối hiểu về địch, vẫn giữ được ý chí cách mạng, truyền thống giai cấp. Còn phần đông số công nhân trẻ mới từ nông thôn ra, tuy bị áp bức bóc lột nhiều, rất hăng hái trong đấu tranh kinh tế nhưng trình độ giác ngộ về giai cấp còn thấp. Tổ chức công đoàn của ta hiện nay còn nhiều nhược điểm thiếu sót, chưa làm được nòng cốt cho phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng ở đô thị đúng với vai trò tiên phong của mình.
Lớp nghèo thành thị có quyền lợi rất gần với công nhân. Họ bị áp bức, bóc lột, khủng bố, bắt lính, nên rất căm thù Mỹ và tay sai, tích cực đấu tranh chống lại chúng. Cùng với công nhân, họ là chỗ dựa của cách mạng ở thành thị, là một lực lượng đông đảo chống Mỹ-Thiệu. Đây là một lực lượng khá đông nhưng lao động và sinh hoạt rất phân tán ở nhiều ngành, nhiều nghề khác nhau, chưa có tổ chức chặt chẽ, tinh thần đấu tranh tuy hăng hái nhưng hoạt động thường tự phát, rời rạc.
Nông dân, nhất là ở những người từng được cách mạng cấp ruộng đất, đã đóng vai trò chủ lực trong "đồng khởi", là lực lượng chủ yếu trong đấu tranh chính trị, vũ trang và binh vận, là nguồn chủ yếu cung cấp sức người, sức của cho kháng chiến. Nông dân đã tỏ ra rất mưu lược, anh dũng, kiên cường bền bỉ, đấu tranh, xứng đáng là đồng minh rất đáng tin cậy của công nhân, cùng giai cấp công nhân hợp thành lực lượng chủ lực của cách mạng.
Do tác động của chiến tranh kéo dài, lại do chính sách thực dân mới của Mỹ, giai cấp công nhân miền Nam có bị phân hoá. Từ sau Hiệp định, do chính sách tàn bạo qua các cuộc hành quân lấn chiếm, bình định của nguỵ, phong trào đấu tranh của nông dân, kể cả một số vùng phong trào trước đây còn yếu, đã có những bước phát triển mới.
Sau khi có Hiệp định, các tầng lớp tiểu thương, tiểu chủ, học sinh, sinh viên rất phấn khởi trước thắng lợi vĩ đại của dân tộc.
Phong trào đấu tranh của các tầng lớp này ở thành thị đang phát triển, chống lại hành động trắng trợn phá hoại Hiệp định của chính quyền Thiệu, đòi thực hiện hoà bình, độc lập, dân chủ, cải thiện đời sống. Cùng với lớp nghèo thành thị, trước sau họ vẫn tỏ ra là bạn đồng minh đáng tin cậy của giai cấp công nhân. Tuy nhiên, đây cũng là lực lượng đông đảo nhưng cũng chưa được tổ chức chặt chẽ, đôi khi còn bị ảnh hưởng đấu tranh theo kiểu dân chủ tư sản.
Tầng lớp trí thức miền Nam hoan nghênh Hiệp định Paris, muốn giải quyết các vấn đề nội bộ của miền Nam trên tinh thần hoà giải, hoà hợp dân tộc. Một bộ phận muốn được tham gia hội đồng hoà giải, hoà hợp dân tộc với tư cách là lực lượng thứ ba và đại biểu chính trị của tư sản dân tộc. Họ muốn miền Nam được độc lập về chính trị và tiến lên theo con đường dân chủ tư sản. Họ đang cố tập hợp lực lượng với nhiều màu sắc chính trị khác nhau, hình thành lực lượng thứ ba, đối lập với Thiệu; đồng thời gây ảnh hưởng trong các tầng lớp tiểu tư sản với tham vọng chia quyền lãnh đạo với ta trong chính phủ liên hiệp sau này. Một bộ phận khác được ảnh hưởng tốt của phong trào cách mạng của toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trở thành nhân tố tích cực trong giới trí thức ở miền Nam. Ta cần và có điều kiện tranh thủ một bộ phận quan trọng tham gia Mặt trận và chính quyền liên hiệp để thống nhất hành động, nhằm tiến tới đánh đổ tập đoàn Nguyễn Văn Thiệu.
Sau Hiệp định Paris, giai cấp tư sản dân tộc tỏ ra tán thành hoà bình, độc lập, dân chủ, hoà hợp dân tộc, muốn được tham gia hội đồng hoà giải, hoà hợp dân tộc và chính quyền liên hiệp ba thành phần, trong đó, họ cùng chia quyền lãnh đạo với ta, cố hướng miền Nam đi lên theo ý đồ của họ. Ta có thể phát huy mặt tích cực của họ, liên hiệp với họ để chống Mỹ, cô lập Thiệu, lập chính phủ liên hiệp dân tộc, dân chủ thực sự ở miền Nam.
Bản báo cáo của anh Mười Cúc còn đề cập tới lực lượng và khả năng các tầng lớp xã hội đồng đảo khác. Đó là hàng triệu đồng bào các tôn giáo, các dân tộc ít người, hàng triệu đồng bào di cư, hàng chục vạn Hoa kiều, số đỏng thương, phế binh, binh lính và sĩ quan nguỵ, nhân viên nguỵ quyền và gia đình họ. Anh phân tích các mặt, các nhân tố mới từ sau Hiệp định Paris tác động đến thái độ chính trị của họ, những điều kiện và khả năng tập hợp họ vào mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi chống Mỹ - Thiệu trong thời gian tới.
Vừa nghe anh Mười Cúc báo cáo, anh Ba vừa gợi mấy ý chính để chúng tôi đi sâu nghiên cứu thêm:
- Cần tìm hiểu thêm hiện nay ý đồ của CIA nắm thành phần trung gian, sinh viên, phật tử, công giáo như thế nào?
- Ở miền Nam hiện nay có phải có mấy loại lực lượng quần chúng ta cần nắm: 1. Quần chúng trong vùng địch kiểm soát đã được tổ chức từ trước, nay vẫn theo cách mạng; 2. Lực lượng thứ ba (nhất là tiểu tư sản, tư sản dân tộc có xu hướng hoà bình trung lập); 3. Nhân dân trong các vùng giải phóng.
- Phải xây dựng tinh thần dân tộc, ý thức dân chủ như thế nào để đánh bại tư tưởng, văn hoá phản động, đồi truỵ của địch?
- v.v…
Sau mấy ngày vừa nghe chúng tôi báo cáo, vừa trao đổi ý kiến, ngày 25 tháng 4, anh Ba nhắc chúng tôi tiếp tục suy nghĩ về nội dung của một số công tác chính trong thời gian tới, như công tác dân vận, giành dân trong cả ba vùng; công tác xây dựng lực lượng vũ trang cả ba thứ quân; công tác đô thị; công tác binh vận; công tác chính quyền và mặt trận; công tác xây dựng căn cứ địa, hậu phương; công tác xây dựng Đảng.
Lúc này anh Trần Văn Trà cũng từ Sài Gòn ra Hà Nội. Anh dành một số thời gian sang làm việc với các cơ quan ngoại giao về cuộc đấu tranh trong Uỷ ban liên hiệp đình chiến bốn bên, về tình hình thi hành Hiệp định. Tôi tranh thủ trao đổi với anh về những vấn đề chúng tôi đã bàn và cùng nhau chuẩn bị thêm bản báo cáo quân sự, chuẩn bị làm việc với Quân uỷ Trung ương.
Trước khi ra Bắc, ngày 27 tháng 2 tôi đã điện báo cáo tóm tắt với Quân uỷ Trung ương nhận định sơ bộ tình hình một tháng từ sau ngày ngừng bắn. Mười ngày sau đó, anh Văn điện cho biết nội dung cần báo cáo khi ra họp. Thực tế ba tháng qua, tôi thấy có nhiều vấn đề cần bổ sung vào bản báo cáo. Khách quan mà xét, tình hình chiến trường vừa qua cho thấy có những phát triển mới.
Sau khi Hiệp định được ký kết, khâu công tác trọng tâm trước mắt không phải chỉ là phát động cao trào đấu tranh chính trị rộng khắp xoay quanh khẩu hiệu hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, cơm áo, hoà hợp dân tộc mà trước hết là phải đánh địch bình định, lấn chiếm, phá thế kìm kẹp của chúng để giành dân, tạo điều kiện để nhân dân bung ra giành quyền làm chủ.
Mấy ngày đầu tháng 5, Quân uỷ mời Đoàn cán bộ B2 chúng tôi sang làm việc. Các anh Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Song Hào, Lê Trọng Tấn, Trần Quý Hai, Lê Quang Đạo đều có mặt.
Ngay hôm ở chiến trường ra, tôi đã dành thời gian đến thăm sức khỏe từng anh. Còn cuộc họp mặt đông đủ như thế này đối với tôi là lần đầu, kể từ khi tôi ra Bắc hồi năm 1969. Về mặt công việc các anh trong Quân uỷ Trung ương là một tập thể thống nhất, giúp Trung ương, Bộ Chính trị chỉ đạo mặt quân sự. Còn về mặt tình cảm, trong căn phòng thân quen ấm cúng này, trước mắt tôi là những đồng chí đã cùng nhau chung lưng đấu cật mấy chục năm qua, từ những ngày cách mạng còn trứng nước. Được họp mặt đông đủ sau những năm xa cách, lòng tôi thật xúc động.
Tôi rất tin rằng, làm việc dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương, có tầm nhìn xa rộng, chúng tôi sẽ được các anh giúp đỡ những ý kiến xác đáng, nhất là đối với những vấn đề còn đang suy nghĩ, nghiên cứu.
Tôi đã thay mặt đoàn báo cáo với Quân uỷ về tình hình B2.
Nội dung bản báo cáo, chúng tôi đã bàn bạc thống nhất.
Trong năm 1972, quân và dân trên chiến trường B2 đã giành được thắng lợi to lớn, có ý nghĩa chiến lược quan trọng. Một trong những yếu tố tạo nên thắng lợi đó là Trung ương, Quân uỷ Trung ương đã hạ quyết tâm sớm, xác định phương hướng tác chiến đúng, nhất là chỉ đạo phương châm, phương thức đánh phá bình định của địch. Nhưng những thắng lợi đó còn hạn chế, phản ánh tương quan lực lượng địch, ta. Địch còn những mặt mạnh nhất định. Ta cũng còn nhiều mặt yếu chưa khắc phục được. Riêng về "kế hoạch thời cơ", ta dự kiến kết quả sẽ lớn hơn nhưng thực ra địch đã đề phòng. Chúng kìm kẹp quần chúng rất chặt, khiến dân không "bung" ra được, ấy là chưa nói chỉ đạo trên chiến trường còn nhiều mặt yếu, chủ quan đơn giản, công tác tư tưởng và tổ chức còn chưa tốt.
Lực lượng so sánh địch, ta hiện nay ở B2 cho thấy: Mặc dù tình hình không đều giữa các chiến trường, nhưng một điểm chung nổi lên là địch còn hơn ta cả về quân số và trang bị, trong đó chúng hơn hẳn về phi pháo, cơ giới và thông tin chỉ huy. Riêng về số quân, nhìn chung toàn B2 là ta 1, địch 2,5.
Tôi cũng báo cáo với Quân uỷ nội dung những ngày làm việc vừa qua và những ý kiến bước đầu của anh Ba, trong đó dự kiến những khả năng có thể diễn ra ở miền Nam là một vấn đề rất quan trọng, cần nghiên cứu kỹ. Khi Hiệp định chưa được ký kết, ta dự kiến hai khả năng. Một là: Chiến tranh có thể tiếp tục trong mấy năm nữa. Hai là: Chiến tranh có thể kết thúc trong thời gian tương đối sớm.
Còn từ sau Hiệp định Paris, ở miền Nam không phải chiến tranh đang diễn ra như trước, nhưng cũng chưa phải đã có hoà bình. Thực tế ngày càng chỉ rõ: Bản chất của địch rất phản động ngoan cố; khả năng thành lập chính phủ liên hiệp ba thành phần và thực hiện dân chủ, hoà hợp dân tộc là điều không dễ dàng. Như nhận định của hội nghị Trung ương Cục trung tuần tháng 8, nhất là gợi ý mới đây của anh Ba, ta phải luôn luôn nắm vững quan điểm cách mạng bạo lực và tư tưởng chiến lược tiến công tích cực xây dựng thực lực cách mạng, đẩy mạnh tiến công về cả quân sự, chính trị và pháp lý, ngoại giao. Lại phải căn cứ vào đặc điểm và tính chất của từng địa phương mà vận dụng hình thức tiến công nào là chủ yếu, kiên quyết làm thất bại kế hoạch bình định, lấn chiếm của địch, giữ đất, giành dân, mở rộng quyền làm chủ của ta.
Qua tài liệu của địch mà ta bắt được, âm mưu của Thiệu trên chiến trường B2 rất tàn bạo và thâm độc. Bản kế hoạch mang số hiệu AB.148 (đây là một bộ phận của kế hoạch Lý Thường Kiệt vận dụng trong năm 1973) là một kế hoạch bình định đặc biệt núp dưới danh nghĩa "tái thiết nông thôn". Nội dung chủ yếu là liên tục mở các cuộc hành quân hòng diệt hạ tầng cơ sở của ta trong vùng chúng kiểm soát để khống chế quần chúng; lấn chiếm vùng giải phóng và "líp" vùng tranh chấp hòng xoá thế da báo; đẩy mạnh chiến tranh tâm lý, xuyên tạc Hiệp định, tiếp tục khủng bố các gia đình cách mạng, kháng chiến, yêu nước. Chúng hy vọng ổn định vùng chúng kiểm soát, hòng phát triển lực lượng chính trị phản động trong đảng dân chủ của Thiệu, trong "mặt trận nhân dân tranh thủ hoà bình" để phân loại cử tri, khống chế quần chúng phòng khi có tuyển cử.
Do đó, về phương châm hoạt động, tôi đề nghị:
- Trong vùng giải phóng: Phải kiên quyết giữ vững và không ngừng củng cố vững chắc về mọi mặt, cả xây dựng lực lượng chính trị lực lượng vũ trang và phát triển kinh tế; phải sẵn sàng về mọi mặt, kiên quyết tiêu diệt địch khi chúng hành quân lấn chiếm vùng giải phóng.
Trong vùng tranh chấp, nơi mà hiện nay ta làm chủ với nhiều mức độ, phải đẩy mạnh đấu tranh chính trị và vũ trang song song, kết hợp với tiến công về mặt pháp lý, nhằm giữ vững và mở rộng quyền làm chủ của ta. Nếu địch lấn chiếm hòng xoá bỏ nơi ta làm chủ thì phải kiên quyết đánh trả để giữ vững thế đứng của ta.
Trong vùng địch kiểm soát, các đô thị và thị trấn nơi địch kìm kẹp chặt, phải kết hợp với đấu tranh chính trị, vũ trang và pháp lý, đồng thời phải kịp thời trừng trị bọn ác ôn ngoan cố.
Về bố trí và sử dụng lực lượng, tôi đề nghị: Nắm vững ba sư đoàn chủ lực của Miền, vừa tranh thủ xây dựng, vừa sẵn sàng cơ động chiến đấu trên hai hướng, miền Đông và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Chủ lực của quân khu triển khai trên các địa bàn trọng điểm của từng quân khu: Khu 8 - nam, bắc đường 4; Khu 9- vùng Chương Thiện; miền Đông - đánh mở đường tiếp tế xuống Biên Hoà, Bà Rịa. Chủ lực quân khu vừa sẵn sàng chiến đấu, vừa phải luân phiên xây dựng thành lực lượng mạnh.
Vấn đề tôi chú ý báo cáo cụ thể là trọng tâm hoạt động phối hợp của toàn B2 trong trường hợp địch tập trung lực lượng đánh vùng đồng bằng sông Cửu Long; lực lượng của Khu 8 ở nam, bắc đường 4; lực lượng của Khu 9 ở vùng Chương Thiện; lực lượng của miền Đông trên đường 13; bộ đội đặc công đánh các căn cứ hậu cần và sân bay địch.
Về xây dựng lực lượng, việc bổ sung quân cho cả chủ lực Miền và quân khu là một yêu cầu rất cấp bách, cần được Quân uỷ quan tâm chỉ đạo các cơ quan giúp đỡ. Nội dung cụ thể, chúng tôi sẽ làm việc với Bộ Tổng Tham mưu.
Tiếp đó, anh Sáu Dân, anh Sáu Đường, những đồng chí lãnh đạo chủ chốt các khu thuộc đồng bằng sông Cửu Long, báo cáo thêm về sự cần thiết và có thể giữ vững thế làm chủ mạnh tại những địa bàn trọng điểm ở Khu 8, về mối quan hệ phối hợp giữa hai chiến trường Khu 8 và Khu 9, về những biện pháp và khả năng của Khu 9 mở rộng vùng giải phóng theo chỉ tiêu 1,8 triệu dân mà Khu uỷ đã quyết nghị.
Anh Văn, anh Dũng gợi ý chúng tôi: Hãy từ thực tế chiến trường, tập trung suy nghĩ một số vấn đề mà Bộ Chính trị sẽ bàn kỹ trong hội nghị sắp tới.
Về khả năng, hiện vẫn dự kiến: 1) Ta có khả năng kéo địch xuống để ổn định tình hình. 2) Do bản chất của địch nên tình hình không ổn định được; nhưng thế giằng co cũng không thể kéo dài. Vấn đề quan trọng có ý nghĩa quyết định là phải làm thế nào đưa được phong trào cả đô thị và nông thôn lên.
Về lực lượng so sánh hiện nay, các anh nhắc lại chung trên toàn chiến trường miền Nam trong những năm 1963-1964: địch 5/ta 1; 1967-1968: địch 4/ta 1: và hiện nay quân Mỹ và quân chư hầu đã rút hết, quân nguỵ tụt hẳn xuống so với trước. Rõ ràng, năm 1973 ta mạnh hơn trước, địch yếu hơn trước, cần đánh giá kỹ hơn nữa.
Về phương châm đấu tranh quân sự chính trị song song, cần phải vận dụng cụ thể trong từng vùng, kết hợp vũ trang, chính trị và pháp lý thế nào là thích hợp nhất, có hiệu quả nhất.
Về xây dựng lực lượng: Cố nhiên ta phải có lực lượng ngày càng mạnh hơn, nhưng xây dựng thế nào? Miền Bắc nhất định chi viện rất lớn, nhưng B2 cần phấn đấu bảo đảm xây dựng lực lượng vũ trang địa phương đủ số quân và dân quân du kích phải mạnh lên hơn nữa.
Cuộc họp giữa Thường trực Quân uỷ Trung ương với chúng tôi vẫn mang tính chất trao đổi ý kiến như những ngày làm việc với anh Ba tháng trước. Những vấn đề chúng tôi nêu lên và những vấn đề các anh gợi ý, đều được thảỏ luận, bàn bạc ngày càng rõ thêm, nhưng chưa có kết luận. Mọi người chờ đợi ý kiến cuối cùng của hội nghị Bộ Chính trị mở rộng sắp tới.
Trong những ngày làm việc với Quân uỷ, chúng tôi nhận được điện của anh Lê Đức Anh cho biết thêm tình hình Khu 9 trong tháng 4.
Địch mở chiến dịch "Đồng khởi-Quyết tiến" tập trung lực lượng đánh phá các xã trọng điểm ở Sóc Trăng, Trà Vinh. Song điều đáng chú ý là số đồn địch mới đóng ít hơn số đồn bị ta tiêu diệt hoặc bứt rút. Địch vẫn coi trọng việc bắt lính, đôn quân. Nhân dân vừa đấu tranh chính trị, pháp lý, binh vận, chống địch bắt lính, vừa đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến. Việc uốn nắn những hiện tượng lệch lạc cả trong lãnh đạo và quần chúng đối với Hiệp định đã đem lại kết quả tốt.
Giữa tháng 5, tôi và anh Trần Văn Trà làm việc với các anh Lê Trọng Tấn và Trần Sâm, Phó Tổng Tham mưu trưởng. Vấn đề chủ yếu là thảo luận việc tổ chức và xây dựng lực lượng ở B2 sao cho phù hợp với tình hình mới.
Qua bàn bạc, chung tôi nắm được tình hình chung trong phạm vi cả nước và đi đến con số thống nhất cần đề đạt lên Bộ Chính trị trong việc động viên tuyển quân năm 1973 này.
Là người đã từng công tác lâu năm ở Bộ, tôi hiểu những khó khăn của Bộ Tổng Tham mưu trong việc động viên và tổ chức lực lượng trong cuộc chiến đấu lâu dài, liên tục.
Chỉ tính từ khi Mỹ ồ ạt đưa quân vào đến nay, cuộc kháng chiến đã kéo dài tám năm; về thời gian, thì gần bằng cuộc kháng chiến chống Pháp, nhưng về quy mô, lực lượng thì gấp nhiều lần.
Trong tám năm đó, chúng ta đã động viên gần một triệu rưỡi thanh niên miền Bắc vào bộ đội và hầu hết là đưa vào chiến trường miền Nam, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng lớn của chiến tranh. Năm động viên cao nhất lên tới 1,6% số dân.
Phần lớn số chiến sĩ mới được tuyển là thanh niên vùng xuôi, chiếm tỷ lệ 7,5% số dân ở đồng bằng; cao nhất là Thái Bình, trên 8% số dân (cho tới năm 1972).
Làm sao tiếp tục duy trì số quân ở mức cần thiết khi mà cuộc chiến tranh vẫn đang tiếp diễn; đồng thời bảo đảm sức lao động để miền Bắc hàn gắn vết thương chiến tranh, phục hồi và phát triển kinh tế, tăng cường tiềm lực chi viện miền Nam. Các anh cho biết sẽ cố gắng hạn chế huy động trong khối công nhân và viên chức nhà nước, cố gắng đảm bảo chất lượng tuyển quân, để vừa bảo đảm hậu phương vững mạnh, vừa bảo đảm chất lượng bộ đội ở tiền tuyến.
Số quân B2 hiện nay đã chiếm khoảng 11 phần trăm binh lực cả nước. Nhìn vào khả năng động viên năm 1973 này, chúng tôi xin được bổ sung cho B2 từ 12 ngàn tới 15 ngàn quân. Đối với bộ đội chủ lực, sẽ điều chỉnh lại số đầu đơn vị, tăng lực lượng chiến đấu bảo đảm mỗi trung đoàn đủ 1.500 quân, mỗi tiểu đoàn từ 300 đến 350 quân, đồng thời động viên lực lượng tại chỗ ở mức cao nhất để tăng cường lực lượng vũ trang địa phương, bảo đảm sự cân đối giữa ba thứ quân trong phạm vi khả năng cho phép.
Về trang bị, khó khăn nổi lên ở B2 là đạn pháo. Có đủ đạn pháo đảm bảo yêu cầu đánh lớn là vấn đề đang được đặt ra đối với hai cơ quan tham mưu và hậu cần chiến lược.
Một ngày làm việc đã giúp chúng tôi nắm được tình hình chung và những khó khăn chung, đồng thời cũng giúp cơ quan Bộ nắm được lực lượng cụ thể của B2, yêu cầu cấp thiết của chiến trường.
Với ý thức trách nhiệm chung, chúng tôi nhanh chóng thống nhất những vấn đề cần giải quyết. Đối với tôi, một điều luôn luôn được khẳng định: Nếu thiếu sự giúp đỡ tận tình của các cơ quan Bộ, chiến trường sẽ gặp biết bao khó khăn trong việc hoàn thành nhiệm vụ. Hậu phương lớn thật sự là một trong những nhân tố chủ yếu quyết định đối với thắng lợi của tiền tuyền lớn. Nhưng nhân tố thắng lợi đó chỉ biến thành hiện thực thông qua các cơ quan chiến lược của Đảng, trong đó có Bộ Tổng Tham mưu, các tổng cục trong Bộ Quốc phòng.
***
Hội nghị mở rộng của Bộ Chính trị họp ngày 24 tháng 5.
Tham dự hội nghị lần này có các đồng chí uỷ viên Bộ Chính trị. Đoàn cán bộ các chiến trường có các anh Trần Hữu Dực (Trị Thiên); Võ Chí Công, Chu Huy Mân (Khu 5); Nguyễn Văn Linh, Trần Văn Trà, Trần Nam Trung, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Minh Đường và tôi (B2). Cơ quan Bộ có các anh Lê Trọng Tấn, Song Hào, Lê Quang Đạo.
Ngay từ buổi đầu, không khí hội nghị làm tôi nhớ lại những ngày cách đây 20 năm. Hội nghị mở rộng của Bộ Chính trị hồi ấy, họp tháng 9 năm 1953, quyết định phương hướng chiến lược mùa khô cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Pháp và đã dẫn đến thắng lợi trong Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.
Quá trình đấu tranh anh dũng kiên cường của dân tộc ta trong mấy thập kỷ qua cho thấy, trước mỗi bước ngoặt lịch sử, sự thống nhất ý chí và quyết tâm của Trung ương và Bộ Chính trị là nhân tố rất quyết định, là tiền đề cho những thắng lợi có ý nghĩa lịch sử. Trong hoạt động thực tiễn của mình, Bộ Chính trị thực sự là Bộ Thống soái tối cao, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng trực tiếp chỉ đạo quân và dân ta tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác ngày càng to lớn.
Lần này cũng vậy, các anh trong Bộ Chính trị cũng như chúng tôi các cán bộ từ chiến trường được triệu tập về họp, đều có chung một niềm tin sâu sắc: Trí tuệ tập thể của Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ đánh giá đúng tình hình mọi mặt, xác định chính xác con đường tiến lên của cách mạng miền Nam.
Văn phòng Trung ương đã chuẩn bị sẵn bản dự thảo báo cáo của Bộ Chính trị để các thành viên hội nghị tập trung chuẩn bị thảo luận những vấn đề quan trọng, chủ yếu nhất.
Mở đầu cuộc họp, đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn nêu một số vấn đề hội nghị cần đi sâu nghiên cứu, trao đổi ý kiến. Để thảo luận và quyết nghị những vấn đề đường lối của cách mạng miền Nam hiện nay, đồng chí nói rõ thêm quá trình phát triển về địch, về ta trong 18 năm qua, kể từ khi đế quốc Mỹ trực tiếp xâm lược miền Nam nước ta. Đồng chí nói, đại ý: Âm mưu của đế quốc Mỹ là ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản, ngăn chặn phong trào giải phóng dân tộc. Sau khi thắng Pháp, ta ký Hiệp định Giơ-ne-vơ trong điều kiện tình hình thế giới đã khá phức tạp. Ta ký là dúng, giải phóng nửa nước là thắng lợi rất to lớn có ý nghĩa lịch sử đối với dân tộc và thời đại. Tuy nhiên, hồi đó ta đánh giá chưa hết bản chất và âm mưu của địch. Thật ra đế quốc Mỹ thay chân Pháp, nhảy vào miền Nam Việt Nam không phải chỉ nhằm ngăn chặn nhân dân ta ở miền Nam nổi dậy mà còn nhằm thực hiện một bộ phận rất quan trọng trong chiến lược toàn cầu phản cách mạng của chúng. Nhân dân ta quyết tâm hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Từ đó, mâu thuẫn chủ yếu của thời đại tập trung ở Việt Nam và nước ta trở thành vị trí tuyến đầu trong phong trào giải phóng dân tộc.
Trải qua 18 năm, dân tộc Việt Nam ta đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Nghị quyết 15 ra đời trong bối cảnh quốc tế không thuận lợi.
Nhưng Đảng ta đã đánh giá đúng lực lượng so sánh, quyết tâm đưa cách mạng miền Nam tiến lên. Thực tế đã chứng minh Nghị quyết 15 là đúng đắn, do đó mà cách mạng miền Nam phát triển mạnh. Khi địch tiến hành "chiến tranh đặc biệt", lúc đầu ta không khỏi lúng túng. Nhưng lại do đánh giá đúng tình hình, đánh giá đúng âm mưu, thủ đoạn và khả năng của địch, với chiến thắng Ấp Bắc, Bình Giã, Ba Gia, ta từng bước đánh bại chiến lược "chiến tranh đặc biệt" của Mỹ-nguỵ. Khi Mỹ ồ ạt đưa quân vào, 20 vạn, 30 vạn rồi 50 vạn để tiến hành "chiến tranh cục bộ", một lần nữa, cũng do đánh giá đúng lực lượng so sánh, ta chủ trương tiếp tục phản công và tiến công. Cần nói thêm về cuộc tiến công và nổi dậy đồng loạt Tết Mậu Thân 1968. Chủ trương tiến công nổi dậy đồng loạt ở đô thị để mở rộng nông thôn là đúng. Nhưng sau đợt tiến công thứ nhất, do ta đánh giá tình hình không đúng, chuyển hướng không kịp thời, nên địch phản kích chiếm lại nhiều vùng nông thôn, gây cho ta khó khăn, tổn thất. Nhưng sau đó, khi địch thực hành chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh", ta đã nhạy bén khoét sâu sai lầm của Mỹ khi Ních-xơn đem quân tiến công sang Campuchia. Ta kịp thời phản công địch, giúp nhân dân Campuchia nổi dậy, chi trong một thời gian ngắn đã giải phóng hai phần ba đất đai và gần ba phần tư số dân, buộc chúng phải sa lầy. Cách mạng Campuchia phát triển mạnh. Tiếp đến là thắng lợi ở Đường 9 - Nam Lào, đánh bại đội quân chủ lực nguỵ mà địch coi là "xương sống của Việt Nam hoá", rồi tiếp đến là thắng lợi trên toàn chiến trường của cuộc tiến công chiến lược năm 1972, thắng lợi của trận Điện Biên Phủ trên không đánh thắng cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B. 52 vào Hà Nội và Hải Phòng tháng Chạp 1972, làm cho chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh" bị phá sản, Mỹ buộc phải ký Hiệp định Paris về Việt Nam.
Hiệp định Paris là một thắng lợi rất to lớn. Theo Hiệp định đó, Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam, rút hết quân Mỹ và chư hầu khỏi miền Nam nước ta, cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam là độc lập chủ quyền thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, cam kết tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam, chấm dứt dính líu quân sự và can thiệp vào nội bộ miền Nam nước ta, thừa nhận thực tế ở miền Nam có hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát và ba lực lượng chính trị.
Từ thực tế 18 năm qua, chúng ta khẳng định đường lối của Đảng ta là đúng đắn, độc lập, sáng tạo, trong điều kiện quốc tế phức tạp. Đường lối của Đảng đúng đắn, vì nó phản ánh đúng nguyện vọng độc lập dân tộc, tiến lên chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta và phù hợp với mục tiêu cách mạng của thời đại, được nhân dân thế giới đồng tình, ủng hộ.
Trải qua 18 năm đánh Mỹ và thắng Mỹ ta đã có được những bài học kinh nghiệm quý báu. Cần tiếp tục nghiên cứu nghiêm túc rút ra những kết luận chính xác để chỉ đạo cách mạng miền Nam ngày nay tiếp tục tiến lên.
Sau Hiệp định Paris, âm mưu của địch thế nào, chúng định làm gì và có làm được không? Cần đánh giá đúng âm mưu địch, đánh giá đúng lực lượng so sánh hiện nay giữa ta và địch. Muốn đánh giá đúng, vừa phải nắm vững lý luận, vừa phải dựa vào thực tế.
Phải khẳng định địch còn những chỗ mạnh, nhưng chỗ mạnh đó nằm trong thế thất bại, thế đi xuống, chứ không phải trong thế thắng lợi, thế đi lên.
Trước đây Mỹ vào, ta đã thắng. Nay Mỹ thua, đã phải rút hết quân, chỉ còn lại quân nguỵ; tuy hiện nay, nguỵ quyền Nguyễn Văn Thiệu vẫn còn được Mỹ viện trợ, nhưng rõ ràng là ta đã có điều kiện thuận lợi rất lớn và nhất định ta sẽ thắng. Nhưng thắng thế nào, bao giờ thắng?
Thực tế tình hình miền Nam hiện nay cho thấy, trước âm mưu Mỹ - nguỵ công khai trắng trợn phá hoại Hiệp định, tiếp tục chiến tranh, thì cách mạng miền Nam nhất định phải tiến lên bằng con đường bạo lực, không có con đường nào khác. Vấn đề quân sự phải được đặt lên hàng đầu; còn đấu tranh chính trị lúc này phải kết hợp với đấu tranh quân sự, binh vận và pháp lý để giành dân, giành quyền làm chủ.
Cuộc họp lần này nhằm đánh giá tình hình từ sau Hiệp định Paris đến nay, đánh giá lực lượng so sánh chỗ mạnh, chỗ yếu của ta và của địch, làm cơ sở xác định phương châm, phương thức đưa cách mạng miền Nam tiếp tục tiến lên.
Để đánh giá đúng tình hình, thực tế chiến trường rất quan trọng. Các đồng chí lãnh đạo các chiến trường nên phát biểu trước. Chúng ta sẽ thảo luận thống nhất rồi đưa ra báo cáo trước Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 21 sắp tới.
Anh Mười Cúc, anh Trà (B2), anh Năm Công (Khu 5), anh Trần Hữu Dực (Trị-Thiên), anh Sáu Dân (Khu 9), anh Sáu Đường (Khu 8). lần lượt phát biểu ý kiến. Trước hết, các anh đều biểu thị sự nhất trí rất cao với những nhận định và chủ trương trong bản dự thảo báo cáo của Bộ Chính trị cũng như với những gợi ý của đồng chí Bí thư thứ nhất mở đầu hội nghị. Mỗi anh đều dành một phần thời gian quan trọng báo cáo sâu hơn về tình hình chiến trường mình đang phụ trách, sơ bộ nêu lên những ưu khuyết điểm và kinh nghiệm bước đầu trong chỉ đạo. Các anh cũng bổ sung thêm những nhận định về thắng lợi của quân và dân ta trong 18 năm đánh Mỹ, về hướng đi lên của cách mạng miền Nam hiện nay. Tôi báo cáo thêm về tình hình quân sự trên chiến trường B2 và đề nghị thêm một số vấn đề phương châm, phương thức đấu tranh hiện nay và sắp tới.
Sau khi nghe những ý kiến phát biểu của các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy chiến trường, các anh trong Bộ Chính trị bổ sung hoặc nhấn mạnh thêm một số điểm trong dự thảo báo cáo mà các anh từng suy nghĩ thảo luận, nhất trí.
Đánh giá ý nghĩa cuộc tiến công và nổi dậy đồng loạt Tết Mậu Thân 1968, anh Trường Chinh nhấn mạnh tác động lớn lao của thắng lợi đó của ta đối với địch, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, đánh dấu sự phá sản chiến lược "chiến tranh cục bộ" của chúng. Tuy nhiên, thắng lợi đó còn bị hạn chế, không phải vì địch mạnh, mà do thiếu sót trong chỉ đạo của ta, chưa đánh giá hết tình hình sau đợt tiến công đầu, nên chuyển hướng không kịp thời.
Anh nói tiếp về tình hình. Mới chỉ bốn tháng qua, ta thấy âm mưu và thủ đoạn của địch phá hoại Hiệp định ngày càng trắng trợn. Ở miền Nam hiện nay, vừa có chiến tranh, vừa có hoà bình, nhưng hoà bình chưa vững chắc và chiến tranh còn ở mức hạn chế. Tình hình này không thể kéo dài mà sẽ phải phát triển theo hai khả năng: Hoặc hoà bình được lập lại thực sự, hoặc chiến tranh sẽ mở rộng. Cuộc đấu tranh đang tiếp diễn gay gắt, ta phải thật linh hoạt, không cứng nhắc.
Anh Phạm Văn Đồng tập trung phân tích về mưu đồ của Mỹ và khả năng của chúng hiện nay, về phương hướng, phương châm, phương thức đấu tranh của ta sắp tới. Anh nói: Mỹ muốn gì? Họ muốn tiếp tục thực hiện chính sách thực dân kiểu mới ở miền Nam trong hoàn cảnh mới. Nhưng muốn là một chuyện, còn khả năng thực tế của họ lại là chuyện khác. Nước Mỹ hiện đang bê bối về nhiều mặt. Cần khẳng định: Hiện nay Mỹ đã yếu hơn trước. Họ không thể xoay chuyển được tình thế ở miền Nam Việt Nam. Nhưng đế quốc Mỹ là kẻ thù hung dữ, cực kỳ phản động và còn tiềm lực lớn. Cần theo dõi thật sát âm mưu và thủ đoạn của cả Mỹ và nguỵ. Phải biết "bắt mạch" địch để thắng nó một cách khôn khéo và vững chắc sau khi đã xác định đường lối đúng đắn để đi tới thắng lợi cuối cùng.
Anh nói tiếp: Hiện nay muốn kéo địch xuống phải dùng sức mạnh, dùng bạo lực, phải đánh cho chúng bị tiêu hao, mệt mỏi để từng bước thắng nó, từng bước làm thất bại âm mưu của nó. Vì vậy, phải đặt vấn đề quán sự lên trên. Nói: "quân sự chính trị song song" là đúng, nhưng lúc này quân sự phải là trụ cột, chỗ dựa cho đấu tranh chính trị. Nói như vậy, không loại trừ sức mạnh chính trị, một sức mạnh có tổ chức chặt chẽ và có vai trò lớn trong chiến tranh cách mạng ở miền Nam. Trong bố trí và sử dụng lực lượng phải luôn luôn thể hiện được sức mạnh; bố trí lực lượng quân sự phải tạo được thế mạnh cho đấu tranh chính trị, làm trụ cột cho đấu tranh chính trị.
Tiếp đó, anh Nguyễn Duy Trinh, anh Võ Nguyên Giáp, anh Văn Tiến Dũng, anh Lê Thanh Nghị, anh Lê Văn Lương đều lần lượt phát biểu ý kiến, biểu thị sự nhất trí với những nhận định và chủ trương mà hội nghị đã thảo luận, đồng thời bổ sung nhiều ý kiến quan trọng vào bản dự thảo báo cáo sau khi các đồng chí lãnh đạo chỉ huy chiến trường phát biểu.
Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng đã trải qua một tuần làm việc liên tục khẩn trương, rất sôi nổi hào hứng. Với trí tuệ tập thể của hầu hết các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và các đồng chí trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy các chiến trường, hội nghị đã phân tích đầy đủ tình hình các mặt và đã nhất trí về những vấn đề được nêu lên.
Ngày 1 tháng 6, đồng chí Bí thư thứ nhất kết luận những vấn đề mà hội nghị đã thảo luận và nhất trí. Mở đầu, anh Ba vui vẻ nhận xét:
- Không khí sôi nổi và kết quả thảo luận của hội nghị lần này nói lên sự nhất trí cao trong lãnh đạo về nhiều vấn đề quan trọng, nói lên bước trưởng thành vững chắc của Đảng trong thực tế đấu tranh.
Tiếp đó, anh nói, đại ý:
- Hội nghị chúng ta đã nhất trí đánh giá thắng lợi của 18 năm đánh Mỹ vừa qua là rất to lớn, có ý nghĩa lịch sử vĩ đại và có tính chất thời đại sâu sắc. Trải qua 18 năm đấu tranh kiên cường và sáng tạo, đồng bào và chiến sĩ miền Nam, quân và dân cả nước ta đã liên tiếp đánh bại các chiến lược của mấy đời tổng thống Mỹ kế tiếp nhau xâm lược nước ta. Dân tộc Việt Nam ta đã đánh thắng rất oanh liệt cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, ác liệt và tàn bạo nhất của tên đế quốc đầu sỏ trên thế giới ngày nay, làm thất bại một bước quan trọng chiến lược quân sự "phản ứng linh hoạt" của đế quốc Mỹ.
Thất bại của Mỹ ở Việt Nam là một đòn nặng giáng vào vai trò sen đầm quốc tế của tên đế quốc đầu sỏ, làm suy yếu một bước nghiêm trọng cả lực lượng quân sự, chính trị, kinh tế, tài chính của Mỹ cũng như uy tín và vị trí của chúng trên thế giới; do đó làm cho lực lượng so sánh trên phạm vi thế giới tiếp tục thay đổi có lợi hơn nữa cho cách mạng.
Hội nghị khẳng định: luôn luôn giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, gắn chặt hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng ở hai miền Nam-Bắc, nhằm mục tiêu chung hoàn thành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Đó là đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta, là quy luật phát triển của cách mạng nước ta và của sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam trong 18 năm qua cũng như trong giai đoạn sắp tới. Trải qua 18 năm đánh Mỹ và thắng Mỹ, ta cũng rút được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh, cần phải tổng kết kịp thời để vận dụng và phát triển trong cuộc đấu tranh hiện nay.
Hội nghị cũng đã nhất trí đánh giá tình hình miền Nam từ sau Hiệp định Paris. Từ sau khi Hiệp định Paris về Việt Nam được ký đến nay (từ 28 tháng 1 đến 1 tháng 6), tuy đế quốc Mỹ đã phải chấm dứt chiến tranh xâm lược, rút hết quân Mỹ và quân chư hầu ra khỏi miền Nam, chấm dứt chiến tranh phá hoại và phong toả đối với miền Bắc; nhưng ở miền Nam vẫn chưa hẳn có ngừng bắn, hoà bình vẫn chưa được lập lại thật sự, nguỵ quyền Sài Gòn được Mỹ giúp sức vẫn tiếp tục chiến tranh ở nhiều nơi, có lúc có nơi chiến sự vẫn diễn ra ác liệt, tuy cường độ và quy mô chiến tranh nói chung không bằng lúc còn quân Mỹ. Đồng thời, chúng vẫn liên tiếp tiến hành "bình định", đàn áp, khủng bố rất dã man nhân dân trong vùng chúng kiểm soát. Hiệp định Paris về Việt Nam đã và đang bị địch vi phạm hết sức nghiêm trọng và trắng trợn. Hội nghị khẳng định kẻ thù chính của cách mạng miền Nam hiện nay là Mỹ-nguỵ. Nguỵ quyền Sài Gòn, một tập đoàn tư sản mại bản, quan liêu, quân phiệt, phát-xít tàn bạo, một chính quyền tay sai dùng bạo lực phản cách mạng để củng cố ách thống trị thực dân mới của Mỹ. là kẻ thù trực tiếp của cách mạng miền Nam ngày nay.
Đánh giá so sánh lực lượng địch ta ở miền Nam hiện nay, hội nghị nhận định: Nguỵ còn có những chỗ mạnh: còn quân đông, trang bị hiện đại, còn kiểm soát nhiều thành thị, nhiều địa bàn đông dân, lắm của, nhiều trục giao thông quan trọng, còn được Mỹ tiếp tục viện trợ cả về quân sự và kinh tế. Nhưng bọn nguỵ đã có nhiều chỗ yếu rất nghiêm trọng: chỗ yếu nhất là chính trị, ngày càng bị nhân dân bất bình và chống lại; về quân sự, quân nguỵ vốn đã sa sút về tinh thần và sức chiến đấu, nay lại mất hẳn chỗ dựa quan trọng nhất là trên nửa triệu quân Mỹ và chư hầu nên càng sa sút hơn nữa; về kinh tế, tài chính, bọn nguỵ cũng ngày càng gặp khó khăn chồng chất. Về phía ta, thế và lực của cách mạng miền Nam hiện nay mạnh hơn bất cứ thời kỳ nào từ năm 1954 đến nay. Ta có lực lượng chính trị mạnh mẽ và rộng khắp có bộ đội chủ lực đã trường thành, có lực lượng vũ trang địa phương khá mạnh. Ta đã làm chủ nhiều vùng ở cả rừng núi và nông thôn đồng bằng, đã có thế trận ngay trong thành thị. Tuy nhiên, phong trào chính trị của ta phát triển chưa đều, ở đô thị còn yếu; các mũi tiến công chính trị, quân sự binh vận chưa đủ mạnh; lực lượng vũ trang phát triển chưa cân đối, bộ đội địa phương và dân quân du kích nhiều nơi còn mỏng; sau Hiệp định Paris, có nơi, có lúc còn hữu khuynh trong chủ trương đối phó với địch; cơ sở của ta trong vùng kiểm soát trải qua đấu tranh bị hao hụt, chưa được phục hồi, củng cố và phát triển kịp yêu cầu. Nhìn tổng quát ở miền Nam ta đã mạnh lên nhiều, trên phạm vi cả nước ta đã mạnh hơn địch.
Hội nghị đã thống nhất dự kiến khả năng phát triển của tình hình miền Nam hiện nay. Khả năng thứ nhất: Do đấu tranh tích cực trên các mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao, pháp lý, ta từng bước buộc địch phải thi hành Hiệp định Paris về Việt Nam, hoà bình được lập lại thật sự. Khả năng thứ hai: Do âm mưu và bản chất cực kỳ phản động của Mỹ - nguỵ, chúng vẫn cố tình tiếp tục vi phạm và phá hoại Hiệp định, xung đột quân sự ngày càng tăng, quy mô chiến tranh ngày càng mở rộng, ta phải tiếp tục chiến tranh cách mạng một thời gian nữa để đánh bại địch, giành thắng lợi hoàn toàn. Ta cố gắng tranh thủ thực hiện khả năng thứ nhất, đồng thời sẵn sàng chuẩn bị đối phó với khả năng thứ hai.
Hai khả năng này đều đang tồn tại, đang diễn biến và đang trong quá trình phát triển, ta phải chủ động, kiên quyết và linh hoạt.
Hội nghị đã khẳng định: Dù khả năng nào, con đường của cách mạng miền Nam cũng chỉ có thể giành được thắng lợi bằng con đường bạo lực cách mạng, bất kỳ trong tình huống nào ta cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công và chỉ đạo linh hoạt để đưa cách mạng miền Nam tiến lên. Vấn đề giành dân, giành quyền làm chủ, phát triển thực lực của cách mạng là yêu cầu vừa bức thiết, vừa cơ bản của cách mạng miền Nam hiện nay.
Hội nghị nhất trí xác định nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới là tiếp tục thực hiện đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân; nhiệm vụ cơ bản trong thời gian trước mắt của cách mạng miền Nam là: đoàn kết toàn dàn, đấu tranh trên ba mặt chính trị, quân sự, ngoại giao, tùy từng lúc từng nơi mà kết hợp các mặt trận với nhau một cách hết sức chủ động và linh hoạt, nắm vững và giương cao ngọn cờ hoà bình, độc lập hoà hợp dân tộc, kiên quyết đánh bại mọi âm mưu và hành động của địch phá hoại Hiệp định Paris. Đồng thời giữ vững và phát triển lực lượng cách mạng về mọi mặt, thắng địch từng bước, chuẩn bị điều kiện đầy đủ nhất để có thể chủ động đối phó với địch trong mọi tình huống, sẵn sàng đưa cách mạng miền Nam tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.
Ta vẫn lấy khẩu hiệu hoà bình, độc lập, hoà hợp dân tộc để tập hợp rộng rãi mọi lực lượng dân tộc, dân chủ; song địch đang dùng hành động quân sự vi phạm Hiệp định một cách có hệ thống, nên ta phải kiên quyết phản công và tiến công địch, giữ vững và phát huy thế chủ động về mọi mặt của ta, đánh bại mọi hành động bạo lực phản cách mạng của địch; đồng thời phải kết hợp chặt chẽ đấu tranh quân sự, đấu tranh chính trị với đấu tranh ngoại giao; thống nhất vận dụng phương châm, phương thức đấu tranh khác nhau trên các vùng khác nhau: vùng giải phóng, vùng tranh chấp, vùng địch kiểm soát.
Hội nghị nhất trí xác định nhiệm vụ của miền Bắc đối với cách mạng miền Nam, vấn đề đoàn kết quốc tế giữa ba nước Đông Dương, đoàn kết với các nước anh em trong hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa và phong trào cách mạng thế giới.
Hội nghị đã thảo luận và nhất trí những công tác chính cần nắm vững như: Xây dựng và sử dụng lực lượng vũ trang, giành dân và giành quyền làm chủ của nhân dân, công tác binh vận, công tác đô thị, xây dựng và củng cố vùng giải phóng, công tác mặt trận, công tác ngoại giao, công tác Đảng.
Sau khi kết luận những vấn đề lớn đã được hội nghị thảo luận và nhất trí, đồng chí Bí thư thứ nhất nhấn mạnh thêm một số điểm về kinh nghiệm đã qua và nhiệm vụ sắp tới.
Đồng chí nói, đại ý:
- Kịp thời tổng kết những kinh nghiệm lãnh đạo chiến tranh của Đảng, những kinh nghiệm đã tạo ra cho chiến tranh nhân dân Việt Nam sức mạnh tổng hợp lớn nhất để đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới của đế quốc Mỹ và tay sai, để vận dụng và phát triển trong giai đoạn mới, là rất cần thiết. Đó là kinh nghiệm kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị kết hợp khởi nghĩa vũ trang với chiến tranh cách mạng, tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công; đánh địch bằng ba mũi quân sự, chính trị và binh vận; đánh trên cả ba vùng chiến lược rừng núi, nông thôn đồng bằng và thành thị; giành quyền làm chủ để tiêu diệt địch, tiêu diệt địch để giành quyền làm chủ; kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, đánh nhỏ, đánh vừa và đánh lớn, đánh lâu dài càng đánh càng mạnh, vừa đánh vừa xây dựng, phát triển lực lượng; tiến công địch từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao, đánh bại từng âm mưu, thủ đoạn của địch, giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn…
Hiện nay địch đang dùng hành động quân sự vi phạm Hiệp định một cách có hệ thống. Ta phải kiên quyết phản công và tiến công địch, giữ vững và phát huy thế chủ động về mọi mặt của ta; phải đánh bại các cuộc hành quân bình định lấn chiếm của địch, phải phối hợp giữa ba thứ quân, ba mũi giáp công, giữa ba vùng chiến lược, giữa các chiến trường, để đánh địch những đòn thật đau; phải thu hồi những vùng đã bị địch lấn chiếm, thu hẹp phạm vi kiểm soát của chúng.
Về phương châm, phương thức đấu tranh trong giai đoạn mới:
- Phải nắm vững tư tưởng chiến lược tiến công, nhưng phải căn cứ vào từng hoàn cảnh cụ thể mà vận dụng cho thật linh hoạt, sắc bén. Phải giữ vững và phát triển lực lượng về mọi mặt của ta, làm suy yếu và tan rã lực lượng quân sự và chính trị của địch, làm cho so sánh lực lượng ngày càng thay đổi có lợi cho ta. Phải làm cho ta mạnh lên cả về quân sự và chính trị trên cả ba vùng chiến lược; có lực lượng vũ trang câ ba thứ quân mạnh, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu giỏi, phải kết hợp chặt chẽ ba mặt đấu tranh quân sự, chính trị và ngoại giao, gắn với yêu cầu giành dân, giành quyền làm chủ, tức là giành thế mạnh để thắng địch.
Về công tác chính hiện nay, đồng chí nhấn mạnh phải nắm vững lực lượng vũ trang; củng cố, phát triển và tăng cường ba thứ quân thật mạnh: khắc phục tình trạng mất cân đối hiện nay; bố trí lực lượng phái tạo ra thế căng kéo địch, không để chúng tập trung lấn ta ở từng khu vực; phải coi nhiệm vụ chính trị hàng đầu của cách mạng mièn Nam hiện nay là giành dân, giành quyền làm chủ của nhân dân.
Những vấn đề quan trọng thảo luận nhất trí trong hội nghị Bộ Chính trị mở rộng lấn này và những ý kiến kết luận của đồng chí Bí thư thứ nhất sau đó đã trở thành nội dung chủ yếu của bản dự tháo mà Bộ Chính trị đưa ra Hội nghị lần thứ 21 của Ban chấp hành Trung ương tháng 6 và được chính thức thành Nghị quyết 21, tháng 10 năm 1973.
***
Hội nghị kết thúc. Phương hướng chiến lược đã được Bộ Chính trị xác định: Đồng chí Bộ trưởng Quốc phòng chỉ thị cho chúng tôi chuẩn bị để làm việc với Bộ về những vấn đề cụ thể cần phải giải quyết cho chiến trường B2.
Cuộc họp giữa các đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng với Đoàn cán bộ B2 diễn ra ngày 11 tháng 6 nhằm cụ thể hoá phương hướng đã được kết luận trong hội nghị Bộ Chính trị.
Chúng tôi phân tích âm mưu cơ bản của địch và dự đoán những hoạt động cụ thể của chúng trong mùa mưn này. Trọng điểm bình định của địch sẽ là đồng bằng sông Cứu Long. Chúng có thể đánh chiếm một số vùng giải phóng của ta nhất là khi chúng điều bớt được lực lượng dự bị chiến lược từ Trị Thiên về. Nguỵ Sài Gòn sẽ tiếp tục đôn quân bắt lính để phát triển cả lực lượng chủ lực và địa phương. Nếu nguỵ quyền Lon Non đứng trước nguy cơ suy sụp, cũng có thể Mỹ sẽ ép Thiệu và bọn phản động Thái phối hợp lên ứng cứu như trước đây ta đã từng dự kiến.
Quán triệt tư tưởng chiến lược tiến công, chúng tôi khẳng định nhiệm vụ hàng đầu của B2 trong thời gian tới là kiên quyết đánh bại các cuộc hành quân lấn chiếm của địch, bảo vệ và giữ vững vùng giải phóng, vùng tranh chấp và các căn cứ lõm trong vùng sâu. Phải căn bản giành lại số dân vừa bị địch tập trung từ sau ngày 28 tháng 1 (nam, bắc lộ 4, Bến Tre, vùng trung tuyến chung quanh Sài Gòn - Chợ Lớn) và tích cực mở rộng diện tranh chấp, diện làm chủ, từng bước mở thêm diện giải phóng ở những nơi có điều kiện.
Trong việc chuẩn bị kế hoạch tác chiến mùa khô phải đảm bảo đánh những trận tiêu diệt địch nhanh, gọn, đau; ta vừa sẵn sàng đánh bại các cuộc hành quân lấn chiếm vùng giải phóng miền Đông, vừa chuẩn bị tiêu diệt các chi khu Bù Đăng, Bù Na, để mở rộng và hoàn chỉnh căn cứ miền Đông Nam Bộ.
Về củng cố và xây dựng lực lượng, chúng tôi nhất trí cần khắc phục nhược điểm kéo dài là thiếu cân đôi giữa bộ đội địa phương với bộ đội chủ lực. Trước mắt cần tập trung vào một số tỉnh trọng yếu nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long. Biện pháp tốt nhất là tinh giản cơ quan và đơn vị phía sau để tăng thành phần chiến đấu giảm bớt một số đơn vị chủ lực tăng cường cho bộ đội địa phương. Chúng tôi bàn nhiều biện pháp bảo đảm số quân chiến đấu của bộ đội chủ lực đủ theo biên chế tổ chức, tăng khả năng cơ động và sức đột phá công sự vững chắc, tăng khả năng diệt cơ giới và bắn máy bay địch. Công tác huấn luyện phải nhằm nhanh chóng nâng cao trình độ tổ chức, chỉ huy, tác chiến hiệp đồng binh chủng, bảo đảm đủ sức đột phá hệ thống phòng ngự cỡ trung đoàn hoặc trung đoàn tăng cường của địch có pháo binh, xe tăng, máy bay yểm trợ, tiêu diệt chiến đoàn hoặc sư đoàn địch trong đánh vận động.
Cân nhắc khả năng đất nước và nhu cầu các chiến trường, Bộ chấp nhận bổ sung thêm 17.000 quân cho B2. Riêng với lực lượng vũ trang địa phương cần phát triển lên gấp đôi (từ 6,4 vạn hiện nay lên 12 vạn). Vào đầu mùa khô, Bộ sẽ bổ sung 10.000 quân cho B2.
Chúng tôi bàn bạc kỹ một công tác chuẩn bị chiến lược quan trọng là việc xây dựng mạng đường sá (từ Ô Răng-Bù Gia Mập, Bù Đốp, Lộc Ninh qua bắc Tây Ninh và mở con đường mới từ Bù Gia Mập xuống Tà Lài, chiến khu Đ). Phấn đấu trong vòng 2-3 năm xây dựng xong tuyến đường dọc và từ một đến hai tuyến đường ngang có thể sử dụng được xe cơ giới trong mọi thời tiết.
Để giúp cho Trung ương Cục và Bộ chỉ huy Miền kịp nắm được nội dung công việc, ngay sau cuộc họp, anh Lê Trọng Tấn đã điện vào B2 những vấn đề Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng đã thống nhất với Đoàn cán bộ B2.
Đoàn cán bộ B2 còn ở lại họp Hội nghị Trung ương lần thứ 21, anh Mười Cúc được Bộ Chính trị chỉ thị về trước để cùng các anh ở nhà chuẩn bị hội nghị Trung ương Cục.
***
Kể từ ngày đoàn cán bộ B2 ra tới Hà Nội, bắt đầu làm việc với anh Ba, đến cuộc họp vừa rồi với các đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng, chúng tôi đã trải qua 70 ngày lưu lại ở hậu phương lớn miền Bắc, giữa Thủ đô, trái tim của cả nước.
Nếu khi lên đường ra Bắc, trong lòng mỗi người chúng tôi còn biết bao điều lo lắng, biết bao suy nghĩ về hướng đi sắp tới của cách mạng miền Nam sau khi Mỹ rút quân, thì sau hơn hai tháng, nhiều vấn đề đã được sáng tỏ.
Từ những ngày làm việc bước đầu với các anh trong Bộ Chính trị đến cuộc hội nghị chính thức cuối tháng 5, từ những cuộc trao đổi ý kiến với các anh trong Quân uỷ Trung ương đến cuộc họp vừa qua với các anh trong Bộ Quốc phòng, trí tuệ tập thể đã giúp chúng tôi tìm thấy đáp số của những "bài toán chiến lược" được dặt ra sau Hiệp định Paris, khi mà hành động phá hoại Hiệp định của Mỹ-nguỵ ngày càng công khai trấng trợn.
Vài ba tháng trước, chúng tôi còn băn khoăn trước các khả năng phát triển của tình hình. Đến nay, thực tế đòi hỏi phải hướng suy nghĩ và hành động vào khả năng dùng bạo lực cách mạng, chiến tranh cách mạng để giải quyết cuộc đấu tranh một mất một còn giữa cách mạng và phản cách mạng ở miền Nam Việt Nam, nhằm hoàn thành sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thực hiện thống nhất đất nước.
Trước âm mưu của Mỹ-Thiệu đã rõ ràng, nhiệm vụ trung tâm trước mắt của ta là phải nhanh chóng phát triển lực lượng, cả chính trị và vũ trang, phải kiên quyết và chủ động đánh bại kế hoạch bình định và lấn chiếm của đích, giành dân và giữ dân, bảo vệ và phát triển thành quả của cách mạng, từng bước tạo nên thế mới và lực mới.
Sự tồn tại của hai lực lượng vũ trang đối kháng ở miền Nam, cuộc đụng đầu lớn khó tránh khỏi giữa quân ta và quân nguỵ, đòi hỏi lực lượng vũ trang của ta phải được phát triển nhanh hơn, phải có lực lượng vũ trang tại chỗ mạnh hơn và nhất là phải có quả đấm chiến lược thật mạnh, đử sức tiêu diệt địch trong những chiến dịch quy mô lớn. Tiềm lực về người và cơ sở vật chất của hậu phương lớn miền Bắc, tầm vóc của đường vận chuyển chiến lược Bắc-Nam đang được phát triển ngày càng hoàn chỉnh, cho phép ta có thể đẩy nhanh hơn nữa việc tăng cường lực lượng vũ trang ở miền Nam theo yêu cầu tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô ngày càng lớn.
Một buổi chiều trung tuần tháng 6, trước khi anh Mười Cúc lên đường trở về chiến trường, Đoàn cán bộ B2 chúng tôi ngồi lại tâm sự với nhau. Mọi việc đã được bàn bạc kỹ lưỡng. Nhiều anh trong đoàn biên thư gửi về anh Phạm Hùng. Chúng tôi biết anh đang nóng lòng chờ đợi. Thư viết cả về công việc và tình cảm, việc chung có, việc riêng tư có. Ai cũng muốn bày tỏ với anh Hùng và các anh trong Trung ương Cục điều suy nghĩ tâm đắc nhất của mình. Đó là niềm vui trước hướng đi lên của cách mạng miền Nam đã rõ ràng, là niềm tin vào tiền đồ của sự nghiệp cách mạng mà mỗi người đang cùng nhau ghé vai gánh vác là quyết tâm và khả năng tạo nên thế mới, lực mới cho cách mạng và chiến tranh cách mạng miền Nam để tiến lên giành thắng lợi cuối cùng.