Trong mấy tháng cuối năm 1972, không khí làm việc trong các cơ quan Trung ương Cục và Bộ tư lệnh Miền thật khẩn trương và căng thẳng.
Chúng tôi ở B2(1) thường xuyên nhận được thông báo của Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương và của anh Sáu Thọ(2), anh Xuân Thuỷ ở Paris cho biết từng bước phát triển cuộc đấu tranh ngoại giao giữa ta và địch.
Ta và Mỹ đồng ý ngày 31-10-1972 sẽ ký tắt vào văn bản Hiệp định mà hai bên đã thoả thuận.
Bộ Chính trị cũng chỉ thị cho chúng tôi phương hướng tổ chức các ban liên hợp quân sự bốn bên, hai bên và, thông báo về vai trò của Uỷ ban kiểm soát và giám sát quốc tế, về hội đồng hoà giải và hoà hợp dân tộc gồm ba thành phần ngang nhau, đồng thời chỉ thị những việc cần triển khai chuẩn bị để thi hành Hiệp định.
Như mọi người đều biết, phía Mỹ đã lật lọng không chịu ký tắt vào thời gian đã định. Sau khi Ních-xơn trúng cứ tổng thống nhiệm kỳ hai, Mỹ đòi sửa nhiều điểm thuộc thực chất của bản Hiệp định mà hai bên đã thoả thuận. Họ vẫn đòi "rút quân miền Bắc".
Rõ ràng là cần đẩy mạnh hoạt động quân sự hơn nữa theo tinh thần bức điện anh Ba(3) gửi cho chúng tôi hồi tháng 8, không những nhằm hậu thuẫn cho cuộc đàm phán mà còn tạo thế có lợi cho ta khi Hiệp định được ký kết.
Trong bức điện gửi cho Trung ương Cục và Bộ tư lệnh Miền đề ngày 8-11-1972, anh Văn(4) đã nhắc lại nhận định của Bộ Chính trị về hai khả năng (chiến tranh có thể tiếp tục trong mấy năm nữa hoặc có thể kết thúc trong thời gian tương đối sớm); ta phải chuẩn bị sẵn sàng cho cả hai khả năng đó.
Các anh dự kiến: Trước sau phía Mỹ cũng phải ký kết và trong điều kiện đó thì phức tạp nhất là những vấn đề ngừng bắn, quy định vùng kiểm soát, thể thức đóng quân của hai bên. Bức điện cũng gợi ý chúng tôi những vấn đề cụ thể cần suy nghĩ và báo cáo để Bộ Chính trị và Quân uỷ xem xét.
Cuối tháng 11 năm 1972, chúng tôi vừa theo dõi trên chiến trường, vừa được Bộ Tổng Tham mưu thông báo, ngày càng thấy rõ: trong hai tháng vừa qua, Mỹ đã và đang tranh thủ tăng cường lực lượng cho nguỵ đưa ồ ạt vũ khí và dụng cụ chiến tranh vào miền Nam Việt Nam(5). Chúng ra sức yểm trợ cho quân nguỵ đẩy mạnh hoạt động lấn chiếm và khủng bố, nhằm tạo thế cho nguỵ.
Rõ ràng Mỹ ở vào thế phải rút quân khỏi miền Nam Việt Nam nhưng lại muốn kết thúc chiến tranh thế giới mạnh, muốn bọn tay sai đứng vững và mạnh lên.
Ít ngày sau đó, Bộ Chính trị lại khẳng định: Trên thực tế, Mỹ âm mưu tiếp tục dính líu dưới hình thức mới và tăng cường thực lực cho nguỵ ở thế lợi hơn ta, đồng thời ra sức làm yếu lực lượng ta. Và ngay khi ta và Mỹ chưa thoả thuận được văn bản Hiệp định, Mỹ đã dùng chính quyền Thiệu chuẩn bị phá hoại Hiệp định.
Ngày 27-11-1972, chúng tôi được Quân uỷ Trung ương thông báo: Có nhiều khả năng địch sẽ đánh phá trở lại miền Bắc với mức độ ác liệt hơn, kể cả việc dùng B.52 đánh phá ồ ạt Hà Nội, Hải Phòng. Một tuần sau, Bộ Chính trị chỉ thị cho chúng tôi: Ngay từ bây giờ, ta cần chuẩn bị sẵn sàng đối phó với trường hợp Mỹ liều lĩnh đánh phá trở lại trên toàn miền Bắc và cuộc đàm phán lại bị gián đoạn.
Chúng tôi nhận được tin anh Sáu Thọ trở về Hà Nội gần như đồng thời với tin Mỹ dùng máy bay B.52 ném bom miền Bắc.
Thật ra ngay lúc đó chúng tôi rất tin ta sẽ đánh thắng nhưng chưa hình dung hết khả năng quân và dân ta ở ngoài Bắc sẽ đánh trả cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của địch như thế nào. Một số đồng chí cán bộ tuyên huấn được giao nhiệm vụ theo dõi hoạt động của đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, theo dõi tin bộ đội phòng không và không quân của ta ở miền Bắc đánh trả máy bay B.52 địch.
Trong hai ngày đầu (18 và 19 tháng 12), chúng tôi cảm thấy đài phát thanh có phút như trục trặc. Những phút lo lắng như 25 năm trước, lại trở lại trong ký ức của tôi. Hồi đó, cuối năm 1947, địch đem hai vạn quân tiến công căn cứ địa Việt Bắc, trong đó có khu đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Bộ Tổng chỉ huy nhận được chi thị của Bác Hồ phải bằng mọì cách bảo vệ đài an toàn, bảo đảm tiếng nói kháng chiến không bị ngắt quãng. Chiến dịch Việt Bắc kết thúc thắng lợi. Anh chị em đài phát thanh đã bảo đảm hoạt động của đài được liên tục.
Và bây giờ, trong những ngày cuối năm 1972 đáng ghi nhớ này, chúng tôi xúc động biết bao khi những phút lo lắng qua đi, chúng tôi vẫn không ngừng được nghe tiếng nói thân quen và rành rọt của phát thanh viên từ Thủ đô vọng vào: "Đây là tiếng nói Việt Nam! Phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hoà". Tin ngày 18 tháng 12, tám máy bay địch bị hạ trên bầu trời miền Bắc, trong đó có ba chiếc B.52, hai chiếc rơi tại chỗ, làm náo nức lòng người.
Không khí trong cơ quan Bộ tư lệnh Miền náo nhiệt hẳn lên.
Thế là pháo đài bay của không quân Mỹ vừa lao sâu ra hậu phương lớn, ngay trận đầu đã bị trừng trị đích đáng. Thêm những bài báo, những bức tranh đả kích uy thế của không lực Hoa Kỳ được dán lên tờ báo tường của cơ quan.
Mấy ngày sau, hãng thông tấn AP (Mỹ) thú nhận: "Số phi công Mỹ bị mất trong năm ngày (từ 18 tháng 12 đến 22 tháng 12) bằng 13 phần trăm tổng số phi công đang bị giam ở Bắc Việt Nam".
Tiếp đến hãng Roi-tơ (Anh) bình luận: "Các nhà quan sát quân sự ở Oa-sinh-tơn ước tính rằng với mức độ bị bắn rơi như hiện nay, chi trong vòng ba tháng nữa, Mỹ có thể hết nhẵn B.52".
Phía Mỹ bắt đầu hạ giọng. Ních-xơn phải tuyên bố ngừng ném bom, bắn pháo, thả mìn, phong toả bờ biển từ vĩ tuyến 20 trở ra.
Kissinger lại lên đường đi Paris, tiếp tục cuộc đàm phán. Một sự thú nhận thất bại của mưu đồ gây sức ép lớn với ta.
Tuy nhiên cuộc đấu tranh ngoại giao cũng còn gặp không ít khó khăn. Sau cuộc họp riêng với Kissinger và khi bản dự thảo Hiệp định về cơ bản đã được hai bên thoả thuận và sẽ được ký vào ngày 23-1-1973, anh Sáu Thọ điện về cho anh Phạm Hùng và Trung ương Cục biết: Cần dự kiến ba vấn đề lớn nổi lên trong việc thi hành Hiệp định sắp tới ở miền Nam:
1. Về quân sự, thế nào bọn nguỵ cũng còn đòi "rút quân miền Bắc".
2. Về chính trị, có vấn đề thành lập hội đồng hoà giải và hoà hợp dân tộc.
3. Vấn đề thả những người bị bắt của hai bên.
Chúng tôi suy nghĩ và trao đổi ý kiến ngay về những vấn đề này.
***
Mấy tháng cuối năm, theo chủ trương của Trung ương Cục, một bộ phận gồm các anh Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Trần Bửu Kiếm và tôi cùng một số cán bộ giúp việc, có nhiệm vụ tập trung nghiên cứu, chuẩn bị cho việc thành lập hội đồng hoà giải và hoà hợp dân tộc, nghiên cứu các thành viên của ta trong chính phủ liên hợp ba thành phần theo tinh thần dự thảo Hiệp định mà ta và Mỹ đã thoả thuận, dự kiến những nhân vật trong thành phần thứ ba có thể hợp tác với ta. Chúng tôi nghiên cứu tổ chức và chức trách từng cấp trong hệ thống chính quyền, làm sao giữ vững và phát triển được lực lượng của cách mạng trong chính quyền, trong các đoàn thể quần chúng, xây dựng được lực lượng vũ trang, tranh thủ được thành phần trung gian và các nhân sĩ tiến bộ về phía cách mạng, tạo nên ưu thế trong tương quan lực lượng giữa ta và đối phương.
Từ trước ngày Hiệp định được ký cho đến những tháng sau này, ta vẫn chủ trương kiên trì đấu tranh tiến tới thành lập chính phủ liên hiệp ba thành phần sau khi Mỹ rút quân. Chúng tôi cũng được thông báo tin tức về cuộc sang thăm Việt Nam của Chu Ân Lai.
Về việc thành lập ban liên hợp quân sự, Trung ương Cục đã trao đổi ý kiến và đề nghị lên Bộ Chính trị. Ngày 9 tháng 1, đồng chí Nguyễn Duy Trinh, uỷ viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Bộ trưởng Ngoại giao điện cho biết: Bộ Chính trị cho rằng cuộc đấu tranh sắp tới có thể sẽ khó khăn phức tạp. Vì vậy Trung ương Cục nên cử Trung tướng Trần Văn Trà, với cương vị là phó tư lệnh, làm trưởng đoàn của miền Nam trong Ban liên hợp quân sự bốn bên. Khi Uỷ ban quân sự hai bên thành lập thì sẽ làm trưởng đoàn của các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam trong Uỷ ban đó. Giúp việc anh Trà là hai đồng chí phó đoàn sẽ từ Paris về thẳng miền Nam Việt Nam. Mọi việc tổ chức cần thiết và phương hướng hoạt động của đoàn đều được bàn bạc khẩn trương vì chỉ còn vài tuần nữa, tức là ngày 28 tháng 1, phái đoàn ta sẽ đối mặt với những người mà chúng ta đã biết trước rằng họ không có gì là thiện chí.
Dựa vào điện chỉ đạo của Bộ Chính trị, qua nhiều cuộc trao đổi ý kiến và thảo luận trong Trung ương Cục, chúng tôi nhận thấy điều cốt yếu trước mắt là làm sao chấm dứt sự dính líu của Mỹ; toàn bộ quân Mỹ và chư hầu phải rút khỏi miền Nam. Đạt được yêu cầu đó chính là tạo cơ sở để đưa cách mạng miền Nam tiến lên một bước mới.
Theo dự thảo Hiệp định đã được ta và Mỹ thoả thuận thì tại miền Nam vẫn tồn tại hai chính quyền, hai quân đội và hai vùng kiểm soát. Về phía địch, bọn nguỵ còn có lợi thế ở chỗ vẫn nắm được các đô thị, các đường giao thông chiến lược, Mỹ vẫn bám lấy chính quyền Thiệu để thực hiện chủ nghĩa thực dân mới. Ta đã làm chủ vùng rừng núi và nhiều vùng quan trọng ở nông thôn; có tổ chức chính trị rộng lớn trong quần chúng, lại có lực lượng vũ trang khá mạnh đứng vững trên nhiều địa bàn. Tuy vậy, số dân trong vùng giải phóng chưa nhiều; lực lượng vũ trang trên các vùng phát triển chưa đều. Nếu có những vùng, như ở đồng bằng sông Cửu Long, lực lượng chính trị và vũ trang khá mạnh, áp sát vị trí địch trước ngày ký Hiệp định thì, ngược lại, còn có những vùng lực lượng vũ trang ta còn yếu hơn địch. Nhiều đơn vị bộ đội ta trải qua chiến đấu liên tục trong năm 1972, chưa kịp củng cố tổ chức, bổ sung quân và trang bị vũ khí. Lực lượng so sánh trên đây cho thấy cuộc đấu tranh sắp tới tuy nhiều thuận lợi nhưng cũng còn không ít khó khăn và sẽ rất phức tạp.
Chúng tôi nhất trí với ý kiến của anh Sáu Thọ tử Paris điện về ngày 17 tháng 1 nói rằng cần đề phòng chiến tranh có thể trở lại do địch gây chiến ở một số khu vực nào đó, thậm chí chiến tranh có khả năng lan rộng. Bởi vậy, đi đôi với đấu tranh chính trị, ngoại giao và pháp lý, việc tranh thủ thời gian củng cố và xây dựng lực lượng, nhất là lực lượng vũ trang trong các vùng căn cứ và giải phóng, là cấp thiết để sẵn sàng đối phó với tình huống chiến tranh trở lại. Trước mắt, địch có thể tập trung lực lượng đánh ra để giành lợi thế trước khi có ký kết. Vấn đề sẵn sàng chiến đấu, tích cực đánh trả địch, giữ vững vị trí, giữ các vùng căn cứ và giải phóng của ta, cũng như vấn đề tranh thủ thời cơ nhanh chóng xây dựng và phát triển các cơ sở hậu cần kỹ thuật là hết sức quan trọng, cần được quán triệt xuống tận cơ sở.
Nhờ tích cực chuẩn bị triển khai "kế hoạch thời cơ" của Bộ Tổng tư lệnh mà trong những ngày cuối tháng 1 năm 1973, trước khi Hiệp định được ký kết, Trung ương Cục và Bộ tư lệnh Miền đã chỉ đạo các chiến trường tiêu diệt hoặc bức hàng, bức rút hàng trăm đồn bốt, giành thế làm chủ hàng trăm ấp trên một số địa bàn có lợi, mở ra thêm nhiều mảng, nhiều vùng quan trọng, cắt đứt và làm chủ nhiều đoạn trên các trục đường chiến lược, chia cắt địch ở nhiều nơi sâu hơn và lớn hơn trước.
Cái vui trong cơ quan Trung ương Cục và Bộ tư lệnh Miền cuối tháng 1 đầu tháng 2 năm 1973 là cái vui chiến thắng mới giành được ở Paris: Phía Mỹ đã phải ký vào bản Hiệp định, Mỹ sẽ rút hết quân khỏi miền Nam nước ta. Thế là sau hơn một trăm năm, sắp đến ngày đất nước ta sạch bóng quán xâm lược nước ngoài. Đó là cái vui của Xuân mới, của việc tổ chức ăn Tết trước để tiễn phái đoàn anh Trần Văn Trà lên đường, bước vào cuộc đấu tranh mới.
Tin nhận được cho thấy trong những ngày sau khi ký Hiệp định Paris, bọn nguỵ quân, nguỵ quyền tỏ ra hoang mang. Do bị thất bại và bế tắc trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, chủ Mỹ đã vượt lên đầu nguỵ Thiệu mà ký với ta một bản Hiệp định ngoài ý muốn của bọn tay sai.
Tại nhiều nơi phong trào ta mạnh, binh sĩ địch dao động, sợ hãi, ta đã dựa vào pháp lý của Hiệp định, kịp thời đẩy mạnh đấu tranh chính trị và binh vận, giành thêm thắng lợi mới. Điều mà bọn nguỵ Sài Gòn cho là bất hạnh đối với chúng là Mỹ đã "không ép được ta rút quân miền Bắc khỏi miền Nam"; do đó sau khi Mỹ rút, một mình quân nguỵ sẽ phải đối mặt với quân ta trên chiến trường trong thế da báo, xen kẽ cài răng lược, một thế trận mà Thiệu rất không muốn, rất lo sợ.
Nhưng rồi Mỹ - nguỵ tạm dẹp mâu thuẫn, cùng nhau thực hiện mưu đồ đã thống nhất: Một tay ký, một tay phá. Bọn tay sai ở Sài Gòn theo lệnh Mỹ, đã chuẩn bị trước và bắt đầu thực hiện kế hoạch Lý Thường Kiệt 1973, tung quân đi thực hiện kế hoạch "tràn ngập lãnh thổ" trên toàn miền Nam.
Ở B2, trọng điểm đánh phá của địch là đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh quanh Sài Gòn. Từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 3 năm 1973, ở đồng bằng sông Cửu Long, địch phân tán quân chủ lực kết hợp với bọn bảo an, dân vệ thực hiện lấn chiếm, cắm cờ giành đất hết sức quyết liệt ở Cai Lậy, Cái Bè (Mỹ Tho), Tân Châu, Hồng Ngự (Kiến Phong), Châu Đốc, Chương Thiện, Phong Dinh, Ba Xuyên thuộc miền Tây Nam Bộ. Tại miền Đông, địch tranh chấp quyết liệt với ta ở Long An, Hậu Nghĩa, Bình Dương, Gia Định, Biên Hoà.
Chúng dùng chủ lực, có cả không quân yểm trợ, đánh mạnh khu tiếp giáp vùng giải phóng Phước Vĩnh - Đồng Xoài, Lộc Tấn (Bình Long), Xa Mát (Tây Ninh); dùng biệt kích và bảo an chốt khu vực Bu Prăng và ngã ba Tuy Đức, hòng chặn phá hành lang của ta. Tại Khu 6, địch dùng bộ binh, có xe tăng, pháo binh, không quân yểm trợ, đánh vào nhiều nơi ở Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Tuy, Lâm Đồng, Tuyên Đức; dùng phi pháo đánh phá vùng giáp ranh để ngăn chặn ta và giải toả thế bị vây ép.
Trong vòng hơn một tháng sau khi ký Hiệp định, địch đã giải toả và lấn chiếm nhiều khu vực, đặc biệt là quanh các thị xã, thị trấn, ven các trục giao thông quan trọng. Chúng đã chiếm lại gần như toàn bộ 394 ấp mà ta đã giải phóng trước ngày ký.
Về phía ta, sau khi Hiệp định Paris có hiệu lực, mặc dù ta đã có dự kiến địch phá hoại Hiệp định, nhưng công tác chính trị, tư tưởng và tổ chức còn nhiều sơ hở. Chiều hướng tư tưởng khá phổ biến là tin vào khả năng thi hành Hiệp định, tin vào vai trò của Uỷ ban giám sát và kiểm soát quốc tế, Uỷ ban quân sự liên hiệp, tin vào khả năng thành lập hội đồng hoà giải, hoà hợp dân tộc và chính phủ liên hiệp ba thành phần, v.v. Nhưng thực tế đã chứng minh: Do hành động của địch công khai trắng trợn phá hoại Hiệp định ngay từ đầu, nên chiến trường vẫn chưa im tiếng súng.
Chi riêng Khu 8, từ tháng 1 đến tháng 3 năm 1973, địch đã lấn chiếm 24 xã, 120 ấp, đóng 287 đồn. Về cơ bản, chúng đã "líp" các vùng ta mới mở trước Hiệp định và lấn thêm một số vùng giải phóng cũ. Sau khi Trung ương Cục uốn nắn, từ tháng 4 trở đi, tình trạng lệch lạc nói trên mới được khắc phục, tình hình mới dần dần chuyển biến theo chiều hướng tốt.
Tại Khu 9, trước và sau khi ký Hiệp định, cũng xuất hiện tương đối phổ biến tư tưởng hoà bình, mất cảnh giác. Đảng bộ Khu 9 đã kịp thời ngăn chặn được chiều hướng tiêu cực ấy. Chỉ gần một tuần sau khi Hiệp định Paris có hiệu lực, ngày 3 tháng 2 Thường vụ Khu uỷ đã họp hội nghị mở rộng. Hội nghị đánh giá thắng lợi to lớn của việc ký Hiệp định. Quần chúng rất phấn khởi, phong trào đã chuyển lên khí thế mới, tinh thần quân nguỵ sa sút, phong trào ba mũi giáp công của quần chúng có khả năng đẩy lên được. Hội nghị dự kiến: Đứng trước tình hình đó, nhất định địch sẽ phá hoại Hiệp định và thủ đoạn đầu tiên của dịch là tiếp tục bình định lấn chiếm. Chúng sẽ phản kích chiếm lại những vùng đã mất sau ngày 27 tháng 1, nhất là những nơi ta sơ hở; đồng thời dùng hành động phát xít ngăn chặn quần chúng nổi dậy. Hội nghị nhất trí đề nghị lên Trung ương Cục giữ vững thế tiến công, kiên quyết đánh trả địch lấn chiếm, bình định, đồng thời đẩy mạnh đấu tranh chính trị, tăng cường công tác binh vận, nhằm giữ vững thành quả cách mạng đã giành được và đưa phong trào tiếp tục tiến lên. Đến khi nào địch chịu thi hành Hiệp định, nhất là chịu thi hành các điều khoản ngừng bắn và thực hành tự do dân chủ thì ta sẽ đưa đấu tranh chính trị và binh vận lên hàng đầu, còn mũi tiến công quân sự thì tùy tình hình cụ thể mà vận dụng cho thích hợp. Hội nghị xác định phương thức tiến công là đánh không để cho địch có cớ tố cáo ta, đánh mà tranh thủ được sự đồng tình của đông đảo binh sĩ nguỵ, cô lập được bọn ác ôn và được nhân dân hưởng ứng; đánh để tạo điều kiện đẩy mạnh được phong trào chính trị của quần chúng, công tác binh vận, giành thêm dân, đánh cho địch thấm đòn mà không ảnh hưởng đến đấu tranh ngoại giao của ta. Hướng tiến công chủ yếu là vùng tranh chấp và vùng bị địch kìm kẹp, vùng đông dân nhiều của, nhằm từng bước chuyển vùng tranh chấp lên vùng giải phóng, vùng địch kìm kẹp lên vùng tranh chấp.
Nhờ nhạy bén về chỉ đạo chiến lược, kịp thời đánh giá đúng âm mưu và thủ đoạn của địch, chỗ mạnh, chỗ yếu của địch và của ta, xác định đúng phương châm, phương thức hoạt động, chỉ đạo, chỉ huy cụ thể, trên đưới nhất trí, các lực lượng phối hợp hoạt động ăn khớp, cho nên quân và dân Khu 9 đã từng bước giành thắng lợi, đánh bại kế hoạch bình định, lấn chiếm của địch, giữ vững vùng giải phóng.
Kinh nghiệm chỉ đạo của Khu 9 là bài học về nắm vững quan điểm bạo lực, quán triệt tư tưởng tiến công, chủ động phản công và tiến công địch để bảo vệ thành quả cách mạng đã giành được.
Sau thời gian tập trung làm việc với các anh Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Trần Bửu Kiếm về công tác chính quyền, từ ngày 20-1-1973, tôi trở lại với công tác quân sự. Công tác này, trong thời gian tôi được Trung ương Cục phân công sang làm việc bên Chính phủ cách mạng lâm thời, do anh Trần Văn Trà, Phó tư lệnh. Lúc này anh Trà đang chuẩn bị gấp để lên đường ngày 28-1-1973, đồng chí Trưởng đoàn quân sự miền Nam đã có mặt ở Tân Sơn Nhất.
Thường xuyên báo cáo tình hình và nghiên cứu ý kiến chi đạo của Bộ Chính trị về phương châm, phương thức đấu tranh, chăm chú nghe kinh nghiệm của Khu 9, Khu 8 và những thông báo của trên về tình hình chiến trường Khu 5, Tây Nguyên, chúng tôi chuẩn bị cuộc họp của Thường vụ Trung ương Cục vào trung tuần tháng 3.
Vào những ngày đầu năm 1973 này, công việc thật bề bộn.
Từ việc triển khai "kế hoạch thời cơ" nhằm giành thêm thắng lợi trước khi có giải pháp chính trị, việc bám sát diễn biến của các chiến trường để rút ra kết luận xác đáng, định ra phương thức hoạt động đúng đắn, đến việc chuyển cơ quan lãnh đạo lên gần phía trước hơn nữa để kịp chỉ đạo các địa phương triển khai tổ chức đấu tranh, chỉ đạo việc trao trả tù binh địch và tiếp nhận người của ta, tất cả đều diễn ra hết sức khẩn trương.
Một tháng sau khi ký Hiệp định, ngày 27 tháng 2 chúng tôi đã tổng hợp tình hình, kiểm điểm công tác chỉ đạo các mặt để báo cáo ra Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương, đồng thời thảo luận đi đến thống nhất trong Thường vụ Trung ương Cục, xác định phương hướng chỉ đạo các địa phương vận dụng phương châm, phương thức đấu tranh và vận dụng kinh nghiệm về đánh địch bình định, lấn chiếm, bảo vệ nhân dân, về củng cố và phát triển lực lượng cách mạng.
Bản chỉ thị số 02 của Trung ương Cục thể hiện tinh thần cuộc trao đổi ý kiến trên đã giúp các địa phương có cơ sở để xác định phương thức đấu tranh trong tình hình mới.
Ngày 2-3-1973, trong cuộc hội nghị quân sự địa phương ở Bù Đốp, có đủ các tỉnh và một số huyện về dự, thay mặt Trung ương Cục, tôi truyền đạt tinh thần bản chỉ thị nói trên: Khẳng dịnh thắng lợi có ý nghĩa lịch sử của dân tộc ta sau gần 20 năm chống Mỹ; âm mưu mới của Mỹ - nguỵ; đặc điểm và khả năng phát triển của tình hình; chủ trương, phương châm, phương thức đấu tranh của ta trong tình hình mới.
Điều mà anh em thảo luận sôi nổi nhất trong cuộc họp này là: Sử dụng lực lượng vũ trang như thế nào cho đúng mức, có lợi nhất, trong điều kiện ta phấn đấu củng cố hoà bình, còn địch thì công khai phá hoại Hiệp định; phối hợp đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang và đấu tranh pháp lý như thế nào để phát huy được sức mạnh tổng hợp, giữ vững thế tiến công trong điều kiện mới. Hội nghị nhất trí chống hai khuynh hướng cực đoan: Một là: coi như không có Hiệp định, cứ "làm tới". Hai là: không dám cầm súng đánh lại địch khi chúng tiến công ta, tự trói buộc vào các điều khoản của Hiệp định mà chính kẻ địch đã phá hoại ngay từ đầu.
Từ Bù Đốp, ngày 7 tháng 3 tôi về tới cơ quan Bộ tư lệnh Miền thì được tin có điện gọi ra Hà Nội họp. Tôi rất mừng, vì sau hơn một tháng thi hành Hiệp định, biết bao vấn đề mới nảy sinh, cần được trao đổi, thảo luận, cần phải xin ý kiến Trung ương để xác định đường đi nước bước trong tình hình mới, tình hình Mỹ - nguỵ đang công khai trắng trợn vi phạm Hiệp định.
Thế là sau bốn năm, tôi lại có dịp ra Bắc. Cả năm 1972 vừa qua, tôi ít bị sốt rét, sức khỏe tốt, huyết áp tương đối ổn định nên làm việc được liên tục.
Thời gian chuẩn bị lên đường rất khẩn trương, chúng tôi họp các cơ quan trong Bộ tư lệnh Miền, tổng kết phần quân sự năm 1972 và bàn kế hoạch công tác sắp tới.
Hội nghị mở rộng Thường vụ Trung ương Cục họp hai ngày 16 và 17 tháng 3, trước hôm chúng tôi lên đường. Sau khi thông qua báo cáo tổng kết năm 1972, Chúng tôi đi sâu vào việc đánh giá tình hình, xác định phương hướng, chuẩn bị ý kiến báo cáo Bộ Chính trị.
Điếu khiến chúng tôi đặc biệt quan tâm là: Đánh giá thế và lực của ta trên chiến trường và so sánh lực lượng giữa ta và địch. Mỹ và chư hầu đã rút hết quân, nhưng quân nguỵ còn đông, chúng vẫn kìm kẹp được dân, bắt được lính, vẫn được Mỹ viện trợ cả về quân sự và kinh tế. Nơi nào ta mạnh thì binh sĩ nguỵ tỏ ra hoà hoãn. Nơi nào ta yếu và sơ hở thì chúng tập trung lấn chiếm.
Vấn đề đặt ra trong cuộc họp lần này là xác định cách mạng miền Nam phát triển như thế nào? Địch có chịu chấp nhận việc thành lập chính phủ liên hiệp ba thành phần hay chúng tiếp tục phá hoại Hiệp định?
Phân tích tư tưởng cán bộ và nhân dân mấy tháng qua, chúng tôi thấy hai khuynh hướng rõ rệt. Một là: Quá tin vào khả năng thi hành Hiệp định dẫn tới lơ là cảnh giác, để địch lấn chiếm, không bảo vệ được thành quả cách mạng. Hai là: Không thấy hết ý nghĩa thắng lợi của việc ký kết, không biết dựa vào Hiệp định để vận dụng phương châm, phương thức đấu tranh thích hợp với điều kiện từng nơi, từng lúc.
Chúng tôi thấy cần kịp thời chỉ đạo các địa phương khắc phục những biểu hiện lệch lạc giữa hoà bình và chiến tranh, khẳng định quyết tâm vận dụng mọi phương thức đấu tranh để giữ vững và phát huy thắng lợi của Hiệp định, đồng thời kiên quyết đánh trả địch lấn chiếm, bình định. Cần chỉ đạo các địa phương, đơn vị đánh giá đúng tình hình chung và tình hình cụ thể trên từng địa bàn, dự kiến đúng âm mtâl và thủ đoạn của địch, chỗ mạnh, chỗ yếu của địch và của ta, để vận dụng hình thức đấu tranh thích hợp, đồng thời không ngừng củng cố và phát triển thực lực, củng cố vùng giải phóng, bổ sung quân và trang bị vũ khí, bảo đảm cho lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống.
Cuối cùng, hai vấn đề được hội nghị nhất trí và anh Phạm Hùng kết luận: 1) Trước mắt, chỉ đạo các địa phương dựa vào tình hình thực tế mà chuyển hướng đấu tranh cho phù hợp, kết hợp các mặt quân sự, chính trị, binh vận, pháp lý, để làm chuyển biến tình hình. 2) Về lâu dài, tình hình có thể phát triển theo hai khả năng, hoặc địch chịu thi hành Hiệp định, thành lập được chính phủ liên hiệp ba thành phần, hoặc địch phá hoại, chiến tranh sẽ mở rộng. Phải chuẩn bị cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức để luôn chủ động trong cả hai khả năng đó.
Cuộc họp chính thức của Thường vụ Trung ương Cục kết thúc chiều ngày 17. Nhưng sau bữa cơm tối, chúng tôi vẫn ngồi lại với nhau đến khuya. Có thêm cả một số anh không dự hội nghị thường vụ hai ngày qua. Chúng tôi vừa trao đổi ý kiến, vừa tâm tình cởi mở giữa những người sắp lên đường và những người ở lại.
Tình hình đang diễn biến phức tạp và cho thấy có nhiều khả năng chiến tranh sẽ diễn ra quy mô ngày càng lớn. Ta quyết giữ vững và phát triển thành quả cách mạng đã giành được sau gần 20 năm kháng chiến chống Mỹ để đi tới thắng lợi trọn vẹn; còn kẻ địch thì ngoan cố tiếp tục con đường "Việt Nam hoá chiến tranh", cố giữ cho miền Nam Việt Nam trong quỹ đạo thực dân mới của Mỹ. Cuộc đấu tranh một mất một còn giữa cách mạng và phản cách mạng tất yếu diễn ra. Đó cũng chính là phương hướng chúng tôi dự kiến đề đạt với Trung ương và Bộ Chính trị, đồng thời đề ra để các ngành triển khai trong những ngày tháng tới.
Đoàn cán bộ B2 ra Trung ương họp gồm các anh Nguyễn Văn Linh, Phó bí thư Trung ương Cục phụ trách khu vực Sài Gòn-Gia Định, Võ Văn Kiệt, Bí thư Khu uỷ Khu 9, Trần Nam Trung, phụ trách các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Nguyễn Minh Đường, Bí thư Khu uỷ Khu 8 và tôi, Phó bí thư Trung ương Cục, Tư lệnh B2. Bộ Chính trị đã triệu tập ra họp với thành phần khá đầy đủ.
Lần này ra Bắc, chúng tôi vẫn phải đi vòng qua hướng Campuchia. Tối 18 tháng 3 lên đường, ngày 19 tới Cra-chi-ê(6) là binh trạm cuối của sư đoàn 470 thuộc Binh đoàn Trường Sơn. Hôm sau, đến binh trạm 53 ở nam Xtung-treng(7). Gặp anh Ất và anh Tuyết chỉ huy binh trạm, chúng tôi được biết các anh đã nhận được chỉ thị của Bộ và anh Đồng Sĩ Nguyên(8) về việc tổ chức bảo đảm cho Đoàn cán bộ B2 ra Bắc. Từ sau Hiệp định Paris, Mỹ tiếp tục đánh phá tuyến vận chuyển chiến lược của ta từ Cra-chi-ê tới biên giới Lào. Chúng tôi tìm hiểu tình hình trên đường đi và việc chuyển hàng của ta. Hàng vẫn vào đều. Các anh đã được thông báo sắp có một đoàn mấy ngàn chiến sĩ mới bổ sung cho chiến trường B2.
Chúng tôi rất mừng. Hàng vào, người vào không những đáp ứng yêu cầu của chiến trường, mà qua đó còn đoán được ý đồ chiến lược của trên trong tình hình mới.
Mấy hôm nay, máy bay địch hoạt động mạnh dọc sông Mê Công và đường 13 trên đất Campuchia, nhất là ngã ba sông Xê Kông và Xê- rê-pốc gần Xtung-treng. Chúng tôi phải dừng lại gần hai đêm vì địch đánh phá liên tục không ghép được phà. Lợi dụng khoảng thời gian buộc phải chờ đợi trong hầm mà anh em công binh làm để đón khách, cách bến chừng ba ki-lô-mét, tôi tranh thủ hoàn thành bản báo cáo quân sự. Từ đầu tháng 3, ngoài Bộ đã giục gửi các báo cáo tổng kết ra, kể cả báo cáo tổng kết chiến dịch Nguyễn Huệ(9), nhưng chúng tôi chưa kịp làm.
Đêm 22 tháng 3, chúng tôi mới qua sông an toàn. Suốt dọc đường, địch vẫn đánh phá liên tục. Xe đi đêm rất căng thẳng.
Đêm 23, đoàn xe chúng tôi đến Tà Ngâu, gần giáp biên giới Lào - Campuchia, nơi sư đoàn 470 đặt sở chỉ huy.
Nhiệm vụ của sư đoàn là vận chuyển từ nam Xa-ra-van trở vào Phi Hà. Từ đó một cánh vận chuyển vào hướng B2, một cánh vào Tà Xẻng cho B3(10), cho cả nam và bắc Tây Nguyên. Đoàn chúng tôi gặp anh Nguyễn Lang, đại tá Tư lệnh sư đoàn 470 và nhiều anh em quen biết cũ, được nghe báo cáo về tình hình tuyến đường do sư đoàn phụ trách. Các anh rất phấn khởi cho biết lực lượng vận chuyển và bảo đảm đã được chấn chỉnh và tăng cường mạnh hơn nhiều so với mấy năm trước. Các lực lượng vận tải thuỷ bộ, thông tin liên lạc, phòng không, công binh đều được củng cố, bổ sung. Việc tiếp tế khá đầy đủ. Hơn nữa từ Lào trở ra, sau Hiệp định Paris, địch đánh phá ít hơn nên ta đã tổ chức sản xuất được rau xanh. Đời sống bộ đội các binh đoàn dọc đường được cải thiện hơn nhiều hơn so với trước. Sức khỏe anh em tốt.
Anh Nguyễn Lang bố trí cho tôi gặp và nói chuyện với cán bộ thuộc cơ quan sư đoàn bộ. Thay mặt cán bộ và chiến sĩ B2, tôi nói lên lòng biết ơn của chiến trường đối với anh em trên đường vận chuyển chiến lược, đã góp bao công sức và xương máu để tăng thêm sức mạnh chiến đấu cho quân và dân miền Nam. Tôi cũng phác lại bộ mặt của con đường này bảy năm về trước khi tôi vào Tây Nguyên. Hồi đó đường đang được khai phá còn nhỏ hẹp, nay đã trở thành con đường rộng lớn, con đường huyết mạch chuyển nguồn sức mạnh của hậu phương lớn ra tiền tuyến lớn, cho các mặt trận Quân khu 5, Tây Nguyên, Nam Bộ và vận chuyển cho bạn ở chiến trường Campuchia. Giới thiệu cục diện chiến trường mấy tháng sau Hiệp định Paris, âm mưu và thủ đoạn của địch, yêu cầu tăng cường lực lượng và sẵn sàng chiến đấu của ta, tôi tỏ lòng mong đợi anh em tiếp tục cố gắng chỉ đạo vận chuyển, bảo đảm kế hoạch chi viện của hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn. Một trong những điều tôi lưu ý anh em là cần hạn chế đến mức thấp nhất sự tiêu hao, nhất là tránh lãng phí sức người, sức của trên đường vận chuyển.
Hôm sau, 24 tháng 3, chúng tôi đến binh trạm 37 ở ngã ba Phi Hà. Đây được coi là "ngã ba chiến lược" về mặt vận chuyển, không phải vì nó ở gần Tà Xẻng (biên giới ba nước Đông Dương) mà nó là điểm phân ranh giới vận chuyển: phía tây-nam cho B2 và sang phía đông cho B3. Nhớ lại năm 1966 khi vào chiến trường B3 tôi cũng dừng chân lại đây, khi ấy còn là một rừng cây rậm rạp, và gặp đoàn cán bộ y tế do anh Vũ Văn Cẩn, Cục trưởng Cục Quân y phụ trách, được Quân uỷ phái vào để nghiên cứu khắc phục bệnh sốt rét ở B3. Lúc đó, sức khỏe của bộ đội chiến trường này đang là vấn đề nóng bỏng. Lần này trở lại đây, Phi Hà đã thành một nơi trống trải, bị bom Mỹ cày phá khắp vùng.
Từ Phi Hà trở ra, chúng tôi không đi qua bến Bạc mà theo con đường mới qua sông Xê Kông ngược lên Xa-ra-van. Đường này kín đáo hơn, địch đánh phá cũng ít hơn, nên chúng tôi có thể tranh thủ đi ban ngày. Chiều 24 đã vượt được sông Xê Kông. Sau khi sang sông, trong khi chờ xe sau, tôi gặp mấy đồng chí bạn Lào trong Tỉnh uỷ A-tô-pơ cũng đi công tác qua đây. Chúng tôi gặp nhau, thăm hỏi sức khỏe, thăm hỏi tình hình. Các đồng chí bạn rất vui vẻ, lạc quan. Có đồng chí nói tiếng Việt khá sõi. Từ ngày địa phương được giải phóng, chính quyền đã được củng cố, nhưng bọn phỉ vẫn hoạt động khá mạnh, nhất là trên vùng cao nguyên Bô-lô-ven. Thật cảm động được gặp những người bạn chiến đấu ngay trên con đường Trường Sơn này, con đường đã gắn bó ba dân tộc Đông Dương anh em trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung.
Chia tay với các đồng chí bạn, chúng tôi tiếp tục lên đường và tối 25 đến binh trạm Xê Nọi ở chân phía bắc cao nguyên Bô-lô- ven. Đây là một nơi đã được chuẩn bị chu đáo để đón tiếp phái đoàn Xi-ha-núc trên đường từ miền Bắc nước ta về vùng giải phóng Campuchia sau ngày ký Hiệp định Paris, nay dùng làm doanh trại của một đơn vị công binh làm đường. Khu nhà được xây trên một đồi cây cao, to và thưa nhưng rất kín đáo. Cảnh thiên nhiên rất đẹp, nhà cửa xây dựng bằng tre, gỗ nhưng khá khang trang. Ban đêm có cả ánh sáng điện.
Sau hơn một tuần đi liên tục khá căng thẳng, chúng tôi quyết định dừng lại nghỉ ở đây một ngày cho lại sức. Anh em ở trạm tổ chức đi săn, bắn được một con nai. Hôm đó chúng tôi được tắm rửa thoải mái, lại được chiêu đãi một bữa thịt nai tươi nên người tỉnh táo hẳn lại. Những ý kiến trao đổi không chính thức trong Đoàn cán bộ B2 diễn ra mấy ngày qua, nay lại được tiếp tục, khi thì tay đôi, tay ba, có khi cả đoàn. Tình hình chiến trường, công việc sắp tới những vấn đề sẽ báo cáo và xin ý kiến Trung ương. luôn luôn chi phối luồng suy nghĩ của chúng tôi.
Ở miền Nam hiện nay là chiến tranh hay hoà bình? Rõ ràng không phải chiến tranh đang diễn ra như trước, nhưng cũng không phải chiến trường đã im tiếng súng. Làm thế nào để đánh giá tình hình đúng đắn nhất, để đề đạt phương hướng nhiệm vụ, phương châm, phương thức thích hợp nhất trong cuộc hội nghị quan trọng sắp tới của Bộ Chính trị.
Trong buổi trao đổi sáng hôm nay, 26 tháng 3, các anh Võ Văn Kiệt và Nguyễn Minh Đường cho biết rõ thêm về tình hình vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhất là âm mưu của địch trên chiến trường vùng 4 chiến thuật (11).
Trải rộng tấm bản đồ trên mặt bàn, các anh nói về âm mưu của địch trên địa bàn vùng 4 chiến thuật. Dựa vào so sánh lực lượng đang còn có lợi cho chúng (có nơi địch năm, ta một) địch chủ trương thực hiện điều mà anh Võ Văn Kiệt khái quát lên gọi là "ba ngăn" (ngăn quần chúng nổi dậy; ngăn chính quyền nguỵ sụp đổ; ngăn quân nguỵ tan rã). Từ đầu tháng 3, ta được biết chúng đề ra kế hoạch cụ thể bình định vùng 4 chiến thuật trong năm 1973, nhằm mấy mục tiêu: 1) Chiếm 85% đất; 2) Kìm kẹp 95% dân; 3) Khôi phục lại tình hình như trước tháng 3 năm 1972. Chúng hy vọng hoàn thành kế hoạch này trong vòng một năm, tức là vào cuối tháng 2 năm 1974. Địch chia kế hoạch ra làm ba bước. Bước thứ nhất (từ tháng 3 đến tháng 5 năm 1973), chúng sẽ bình định, lấn chiếm vùng Chương Thiện; bước thứ hai (từ tháng 6 đến tháng 9) sẽ bình định, lấn chiếm U Minh; bước thứ ba (từ tháng 10 năm 1973 đến tháng 2 năm 1974) sẽ bình định nam Cà Mau và củng cố các vùng mới kiểm soát. Trong các vùng nói trên, địch coi Chương Thiện là mục tiêu hàng đầu.
Chương Thiện gồm các huyện Vĩnh Thuận, Gò Quao và một phần Giồng Riềng (Rạch Giá), Long Mỹ (Cần Thơ), Ngang Dừa (địch gọi là Kiến Thiện, thuộc Bạc Liêu). Đây là một địa bàn cơ động, nằm giữa một vùng ruột các tỉnh sông Hậu. Địch hy vọng dùng địa bàn này làm bàn đạp tiến công căn cứ U Minh và làm nơi án ngữ, bảo vệ thành phố Cần Thơ, mà chúng thường gọi là Tây Đô của đồng bằng sông Cửu Long.
Qua trao đổi ý kiến, chúng tôi phán đoán địch sẽ tập trung lực lượng lớn, gồm cá binh chủng kỹ thuật yểm trợ, trước hết tiến công lấn chiếm địa bàn Chương Thiện, rồi vào căn cứ U Minh và lấn xuống Cà Mau, nhằm các mục tiêu giành đất, giành dân đã đề ra.
Quân và dân Khu 9 đã nhận được chỉ thị của Trung ương Cục xây dựng kế hoạch sẵn sàng đánh địch, làm thất bại ý đồ của chúng tiến công lấn chiếm vùng châu thổ.
Càng trao đổi ý kiến, phân tích tình hình chiến trường, càng thấy âm mưu thâm độc của địch, thấy phấn đấu nhằm thực hiện khả năng giữ vững hoà bình là cuộc đấu tranh còn vô cùng phức tạp và khó khăn.
Ta mong muốn thực hiện Hiệp định, nhưng địch không ngừng vi phạm và phá hoại ngày càng trắng trợn.
Chiến tranh lan rộng, phải chăng là điều khó tránh khỏi?
Buổi chiều, tôi lững thững ra thăm lại đoạn đường mà năm 1966 tôi đã từng qua, khi đi trên tuyến Trường Sơn này để vào chiến trường Tây Nguyên và Khu 5. Hồi bấy giờ, những đoạn đường mới đang mở ra ở phía nam sông Bạc, do bộ đội công binh làm dưới sự chỉ huy của anh Nguyễn Văn Nhạn, đang còn là những con đường quân sự làm gấp, nhưng địch đã đánh hơi thấy và dùng máy bay đánh phá ác liệt suốt ngày đêm.
Bộ đội công binh và thanh niên xung phong mở đường dọc Trường Sơn trong những ngày đầu đánh Mỹ đã trải qua những năm tháng gian khổ hơn nhiều so với hồi mở đường lên Tây Bắc. Ăn uống thiếu thốn, sốt rét lao động khẩn trương, địch đánh phá ác liệt. Không có lòng yêu nước rất nồng nàn, ý chí quyết chiến quyết thắng rất cao của quân đội cách mạng, tinh thần "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", thì làm sao vượt qua được những thử thách, gian lao đến với mỗi người từng ngày, từng giờ.
Những cây chuối rừng bên đường dần dần xơ xác. Có những đơn vị bộ đội hành quân qua đây đã phải lấy nõn chuối chấm muối hoặc nấu với mắm khô và nước suối. Có khi cơm cũng không đủ no, muối cũng không đủ mặn. Nhiều chiến sĩ bị sốt trên đường hành quân đã phải gửi lại dọc đường. Ngay trong đoàn chúng tôi trên đường vào Nam hồi đó cũng có đồng chí cảnh vệ phải ở lại. Sức thanh niên cường tráng mà có người cũng không chịu nổi những cơn sốt rét rừng.
Chi mấy năm sau, bộ mặt tuyến đường Trường Sơn từ Lộc Ninh trở ra đã khác hẳn. Địch vẫn tiếp tục đánh phá ngày càng ác liệt hơn. Chúng đã dùng các loại máy bay, kể cả B.52 đánh phá, dùng chất độc hoá học làm trụi lá cây, bom na-pan đất cháy rừng, thả các loại mìn sát thương, dùng cả khí tài điện tử để phát hiện phương tiện và người qua. nhưng đều vô hiệu. Đường ta vẫn tiếp tục mở, ngoài trục đường chính lớn hơn, còn có biết bao đường vòng, đường tránh. Vận chuyển cơ giới cả hai chiều. Xe vào chở hàng, chở bộ đội, xe ra chở thương binh. Ô tô lấy xăng dầu ngay gần đường, ống dẫn dầu đã vào tới bản Phồn, nam Xa-ra-van.
Tuyến đường đã nối liền hậu phương lớn với là tiền tuyến lớn. Bằng mồ hôi và cả máu đổ trên con đường này, quân và dân hai miền Nam-Bắc, với sự giúp đỡ của nhân Lào và Campuchia anh em, đã sát cánh bên nhau vượt qua những tháng năm khó khăn gian khổ ngoài sức tưởng tượng, để có được thắng lợi hôm nay. Từ đây đến ngày toàn thắng, tuyến đường kỳ diệu này - Tuyến đường Hồ Chí Minh - mà biết bao báo chí trên thế giới luôn luôn ca ngợi như những con đường trong thần thoại, mãi mãi vẫn là mạch máu tiếp nguồn sức sống bất tận cho chiến trường.
Ngày 27 tháng 3, chúng tôi lại lên đường và dừng chân ở cơ quan đoàn bộ sư đoàn 471 trong một khu rừng thưa, kín đáo, có dòng suối trong vắt chảy dưới chân đồi, ở phía nam huyện Mường Noòng. Đoàn được anh em tiếp đón chu đáo và tối hôm đó xem bộ phim màu, vở chèo Trần Quốc Toản ra quân.
Từ đây đường đi an toàn hơn. Chúng tôi càng có điều kiện tranh thủ đi ban ngày.
Chiều 28, tới K94, một binh trạm trực thuộc sư đoàn 471 cũng là nơi đón đoàn khách chính phủ Campuchia tháng trước. Tối hôm đó, anh Đặng Tính, Chính uỷ Đoàn 559, từ ngoài Bắc vào cũng vừa tới đây. Anh mới nhận công tác ở đường Trường Sơn sau Hiệp định Paris. Chúng tôi quen biết nhau từ lâu. Trong kháng chiến chống Pháp, anh ở Tả Ngạn rồi về Cục Tác chiến và trước khi vào Trường Sơn, anh là Chính uỷ Quân chủng Phòng không - Không quân. Một con người luôn luôn lạc quan, yêu đời, sâu sát cán bộ, chiến sĩ và phát huy sức mạnh của tập thể để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ. Mọi người yêu mến anh còn vì anh vui tính, cởi mở. Anh yêu thích văn nghệ, biết hát chèo và hay làm thơ. Dọc đường Trường Sơn, các chiến sĩ lái xe thường kể về những bài thơ của anh, trong đó có bài mà anh em gọi là "đầy bụi bậm":
Chào những đoàn dũng sĩ
Lái xe trên Trường Sơn!
Đầu xanh mà tóc bạc
Vì lớp lớp bụi đường
Chào những đoàn ngựa sắt
Mình đầy lá nguỵ trang
Xanh màu xanh Trường Sơn
Mà sao đầu vẫn bạc
Anh kể với chúng tôi về tình hình miền Bắc, về trận Điện Biên Phủ trên không ở Hà Nội và tình hình dọc đường từ ngoài vào.
Điều không ngờ tới là chỉ vài ngày sau, khi đoàn chúng tôi ra tới Hà Nội, thì được tin xe của anh bị mìn trên đường 23 xuống Xa-ra-van và anh đã hy sinh. Máy bay lên thẳng đưa thi hài anh ra Hà Nội. Tôi đã đến viếng anh, cố nén xúc động trước linh cữu một người đồng chí thân thiết, quý mến, rất trung thực, nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm rất cao.
Ngày 29, chúng tôi từ K94 tiếp tục cuộc hành trình ra Bắc. Đường được mở rất rộng, nhất là đoạn từ Mường Noòng đến Bản Đông- đường số 9. Có đoạn trước đây chỉ là một cái "ngầm" luôn bị đánh phá, nay được sửa và mở rộng thành bến bãi hoặc đã trở thành quãng đường bằng phẳng, ba xe tránh nhau dễ dàng.
Từ Bản Đông đi về Lao Bảo, chúng tôi dừng lại đôi chỗ để nghe các đồng chí cán bộ dẫn đường giới thiệu cuộc phản công của ta đánh bại cuộc hành quân "Lam Sơn 719" với trên 70 tiểu đoàn địch, trong mùa xuân 1971. Hồi đó Ních-xơn và Thiệu đều coi cuộc tiến công này "có tính chất quyết định". Địch đặt hy vọng "cắt đứt cổ họng Việt cộng", tức là cắt đường vận chuyển chiến lược của ta. Vậy mà chỉ sau hai tháng, ta đã đánh thắng nhiều trận lớn, chúng phải rút lui với những thất bại nặng nề.
Trên suốt dọc con đường dài gần 20 ki-lô-mét, trước mắt chúng tôi còn nhiều chiếc xe tăng, xe thiết giáp của địch phơi xác bên đường, xích sắt đã hoen gỉ.
Tới Hướng Hoá trời còn sớm, chúng tôi tranh thủ xem xét chiến trường Khe Sanh mà trung tâm là sân bay Tà Cơn. Những địa danh Khe Sanh, Làng Vây, Tà Cơn đã một thời là đề tài của những bài hát của nhiều nhạc sĩ và cũng là đề tài mà báo chí Mỹ và phương Tây hàng ngày nói đến, hồi xuân hè năm 1968. Các tướng lĩnh Mỹ đã không giữ được lời cam kết với tổng thống của họ, buộc phải đưa lính thuỷ đánh bộ lên rừng "sống chết với Khe Sanh".
Nhưng rồi quân Mỹ phải tháo chạy khỏi cứ điểm này sau năm tháng bị tiến công và vây hãm "để tránh một trận Điện Biên Phủ thứ hai". Mặt trận Khe Sanh, với trận tiêu diệt cứ điểm Làng Vây, đánh dấu mốc đầu tiên của xe tăng ta xuất hiện đối mặt với quân Mỹ trên chiến trường miền Nam. Binh chủng thiết giáp vừa ra quân đã đánh thắng trận đầu.
Sân bay Tà Cơn còn tốt, bộ đội ta vừa bảo vệ sân bay vừa quản lý kho tàng, một "chân hàng" lớn của ta được bố trí ở đây, có bộ đội phòng không bảo vệ để "rót" dần vào chiến trường.
Lúc này Tỉnh uỷ Quảng Trị ở phía bắc đường số 9, giữa Cam Lộ và Đông Hà. Chúng tôi tới cơ quan Tỉnh uỷ chập tối ngày 30 tháng 3. Anh Thản, trước là Bí thư Vĩnh Linh, nay là Bí thư Tinh uỷ Quảng Trị và anh Bình, Tỉnh đội trưởng ra tận đường cái đón đoàn. Các anh cho biết về tình hình vùng giải phóng sau ngày ký Hiệp định. Ngay từ đầu câu chuyện, điều khiến chúng tôi chú ý là vấn đề phân vùng, nhất là ở Quảng Trị -Thừa Thiên, nơi đất hẹp, quân nguỵ còn đông. Rõ ràng nếu phân vùng đồng bằng cho địch, còn ta ở vùng ven và rừng núi thì chỉ lợi cho chúng. Phải giữ cho được thế xen kẽ cài răng lược ở cả phía tây và đông đường số 1, dù ở đưới đồng bằng ta chỉ có những lõm nhỏ, lực lượng còn yếu, phong trào quần chúng chưa phát triển, đấu tranh hợp pháp còn khó khăn, nhưng là điều rất quan trọng để ta giành thế thuận lợi, giữ vững và phát triển phong trào.
Các anh nói lại những ngày căng thẳng kéo dài khi địch phản kích lấn chiếm cảng Cửa Việt. Một cuộc giành giật gay gắt diễn ra liên tục nhiều ngày đêm trước và sau khi ký Hiệp định. Địch bốn lần tung quân mở mấy cuộc càn lớn mang tên "Sóng thần" để cố lấn chiếm cho được bến cảng tiếp giáp hai miền, một cửa khẩu quan trọng đối với việc chi viện tuyến lớn của ta. Chúng tôi được biết các anh ở Hà Nội đã không yên tâm ăn Tết cũng vì cuộc tranh chấp kéo dài này. Trong trận cuối cùng, Quân uỷ Trung ương đã phái anh Lê Trọng Tấn vào trực tiếp chỉ huy và sau đó ta tiêu diệt phần lớn chiến đoàn thiết giáp của địch và thắng lợi đã thuộc về ta.
Sáng hôm sau, xe chúng tôi ra đường số 1. Anh Đồng, Bí thư Vĩnh Linh ra tận cầu Hiền Lương đón đoàn.
Tôi cố nén xúc động đặt chân lên cầu, chiếc cầu mới tạm ghép bằng phà nhưng đã vĩnh viễn nối liền hai miền đất nước. Hai chục năm qua, kẻ thù muốn chặt đứt cầu Hiền Lương, ngăn dòng sông Bến Hải, nhằm mãi mãi chia cắt đất nước, chỉa rẽ Bắc - Nam. Nhưng đất nước ta là một, dân tộc ta là một. Quyết tâm sắt đá và ý chí ngoan cường của nhân hai miền Nam - Bắc đã nối thông nhịp cầu Hiền Lương, nối liền hai bờ sông Bến Hải.
Chúng tôi qua thị trấn Hồ Xá. Mười năm liền, thị trấn nhỏ bé này đã gan góc đối mặt hằng ngày, hằng giờ với bom đạn địch. Phố xá bị phá huỷ, chỉ còn lại những đống gạch vụn, những cột xi măng cốt thép gãy đổ. Hai bên bờ sông và dọc cầu Hiền Lương đến Hồ Xá, lác đác đã có những căn nhà lá mới được dựng nên.
Dừng lại một đêm trên đất Vĩnh Linh kiên cường, chúng tôi được nghe chuyện Vĩnh Linh đất thép, nghe chuyện Cồn Cỏ anh hùng.
Qua bao nhiêu ngày địch đánh phá ác liệt nhất, cán bộ chiến sĩ, nhân dân Vĩnh Linh vẫn kiên cường bám trụ. Từ đầu năm nay, một số cụ già trẻ em trước đây sơ tán mới bắt đầu trở về. Lúa xuân đã trổ bông. Cánh đồng đã dần dần trở lại xanh tươi bát ngát.
Trong căn hầm rộng rãi, kiên cố cách thị trấn Hồ Xá vài ki-lô-mét, vốn là cơ quan cấp uỷ, là cơ sở chỉ huy tiền phương của khu Vĩnh Linh, chúng tôi cùng các đồng chí lãnh đạo địa phương nói chuyện rất khuya. Suốt mấy năm qua, từ căn hầm này, mọi mệnh lệnh chiến đấu, nhiều tin chiến thắng đã được phát ra, động viên khí thế chiến đấu và tinh thần bám trụ của Vĩnh Linh đất thép, của Cồn Cỏ anh hùng. Trước đây, chúng tôi chỉ biết tin chiến thắng của quân và dân Vĩnh Linh, Cồn Cỏ qua đài, qua báo, nay ngồi nghe chính những đồng chí lãnh đạo và chỉ huy quân sự ở địa phương kể chuyện, chúng tôi càng xúc động và cảm phục. Tháng 6 năm 1968, Bác Hồ đã gửi thư khen Vĩnh Linh hạ chiếc máy bay thứ 200 của giặc Mỹ. Hai tháng sau, Bác lại gửi thư khen Cồn Cỏ, trong một giờ hạ liền ba máy bay địch. Nói về công việc trước mắt, các anh thấy nhiệm vụ mảnh đất tuyến đầu này của hậu phương lớn còn rất nặng nề. San lấp hố bom, phục hoá đồng ruộng, xây dựng trường học và bệnh xá, củng cố lực lượng vũ trang bảo đảm sẵn sàng chiến đấu, tiếp tục phát huy vị trí tuyến đầu của hậu phương lớn miễn Bắc đối với tiền tuyến lớn miền Nam, tất cả đã được đặt ra và đang khẩn trương thực hiện nhám làm cho cuộc sống của nhân dân và chiến sĩ mau chóng trở lại bình thường.
Sáng sớm hôm sau chúng tôi tiếp tục lên đường và tới Đoàn bộ 559. Anh Đồng Sĩ Nguyên đi công tác vắng, gặp anh Phan Khắc Hy và các anh trong Bộ tư lệnh, được nghe các anh nói một cách khái quát về tuyến đường vận chuyển chiến lược.
Mười bốn năm trước, con đường đã ra đời, từ khi Quân uỷ Trung ương giao nhiệm vụ chỉ huy đội quân mở đường cho đồng chí Võ Bẩm, nhiều quãng lần theo những vết chân đầu tiên từng đặt lên đây từ cuộc kháng chiến trước. Đến nay con đường đã hinh thành ngày càng rõ nét cả trên bản đồ và trên thực địa.
Cuộc sống chiến đấu kiên cường của hàng chục vạn người con ưu tú của Tổ quốc, đã từ các nẻo đường của đất nước về đây, khảo sát, mở đường, vận chuyển, giao liên, chiến đấu bảo vệ đường, chung sức chung lòng lập nên công trình chiến lược quan trọng góp phần quyết định thắng lợi đối với công cuộc giải phóng miền Nam, với cả sự nghiệp cách mạng của cả ba dân tộc Đông Dương.
Từ những bước chân đầu tiên của một đơn vị giao liên, của đội vận tải đường bộ mới được thành lập, vận chuyển thô sơ (gùi thồ), với yêu cầu tuyệt đối bí mật "đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng", đến ngày nay, đường vận chuyển chiến lược không còn là cái mà kẻ địch gọi là "đường mòn" nữa. Từ đầu năm 1965, địch cứ đánh ta cứ mở, đến nay nó đã trở thành hệ thống đường vận chuyển cơ giới, đường bộ, đường sông, đường ống, hệ thống kho tàng, bến bãi, hệ thống trận địa hoả lực binh lực bảo vệ đường - với hàng chục vạn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong - nối liền Bắc Đông Dương với Nam Đông Dương.
Nói về binh đoàn xây dựng và bảo vệ con đường lịch sử này, đồng chí Tổng bí thư Lê Duẩn đã khẳng định: "Thắng lợi to lớn của cách mạng miền Nam không tách rời hoạt động của Đoàn 559. Thắng lợi của miền Nam và hoạt động của Đoàn 559 là hai sự kiện vĩ đại của dân tộc ta".
Do bộ đội rút kinh nghiệm bảo vệ đường ngày càng tốt và kiên quyết đánh trả địch một cách có hiệu quả, nên đến nay (1972-1973) tính ra tỷ lệ bom của địch trúng mặt đường đã giảm xuống chỉ còn 0,18 phần trăm số bom chúng ném xuống tuyến đường này.
Mạng đường tiếp tục vươn xa, tiến sâu hơn nữa vào chiến trường. Đến nay (1973), ta đã có nhiều trục đường dọc, đường ngang, đường tránh, đi vào các hướng của chiến trường với độ dài hơn 10.000 ki-lô-mét.
Kết quả mạng đường mở ra ngày càng hoàn chỉnh, lượng hàng và binh lực vào chiến trường ngày càng nhiều, càng nhanh, đã chứng minh sự lớn mạnh cả về thế và lực của ta từ hậu phương đến tiền tuyến. Kẻ địch đã phải thừa nhận sự thất bại của bom đạn và máy bay trinh sát điện tử, của các loại bom ném rải khắp dọc đường, trước sức mạnh ngày càng nhân lên của con đường kỳ diệu. Nói về sức sống mãnh liệt của con đường này, báo chí Mỹ đã phải thừa nhận: "Chúng ta chỉ có thể làm cho việc vận chuyển chi viện của họ chậm lại, bắt họ phải trả giá cao, nhưng chắc chắn chúng ta không ngăn chặn được họ" (Tạp chí Mỹ Tuần tin tức ngày 31-3-1969).
Chia tay với các anh trong Bộ tư lệnh Đoàn 559, 14 giờ hôm đó (ngày 1 tháng 4) chúng tôi ra sân bay Đồng Hới. Chiếc máy bay IL.14 đã chờ sẵn.
Trời về chiều. Từ trên máy bay nhìn xuống, chúng tôi vẫn thấy khá rõ những hố bom lỗ chỗ, nhất là bên những nút giao thông, những bến phà. Nhưng nổi lên vẫn là màu xanh bát ngát của đồng lúa xuân dưới ánh nắng chiều đầu hè. Màu xanh đó cũng chính là màu xanh bất diệt của dân tộc. Hai lần chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đã bị quân và dân ta đánh bại. Vết thương chiến tranh còn rớt máu, nhưng miền Bắc nhất định không và sẽ mãi mãi không bao giờ "trở lại thời kỳ đồ đá" như bọn hiếu chiến Mỹ mong đợi.
Trái lại, chính vì leo thang chiến tranh ra miền Bắc mà giới cầm quyền Mỹ đã bị cả loài người lên án, đã làm cho nước Mỹ "trở thành một nước mất lòng người rất nhiều, một nước đáng ghét nhất thế giới" như Mông-gô-mê-ry, thống chế Anh đã nhận xét (trên tờ Thời báo Niu Y-oóc ngày 5-7-1968).
17 giờ, máy bay chúng tôi bay trên bầu trời Hà Nội, một Hà Nội anh dũng kiên cường và thông minh sáng tạo, một Hà Nội rất đẹp và đáng yêu, Thủ đô trái tim của cả nước.
Một trong những nguyện vọng đầu tiên của Đoàn cán bộ B2 là sớm được đi viếng Bác. Lăng Bác đang chuẩn bị khởi công xây dựng. Thi hài Bác được các bác sĩ bảo vệ chăm sóc tại một địa điểm nay thuộc ngoại thành Hà Nội.
Mấy ngày sau khi ra tới Thủ đô, chúng tôi được anh Vũ Kỳ tổ chức cho cả đoàn lên viếng Bác. Ngồi trên xe, tôi nhớ lại hai lần cuối được gặp Bác những năm qua.
Lần thứ nhất vào đầu năm 1966, khi tôi đang chuẩn bị lên đường vào chiến trường Khu 5 để truyền đạt nghị quyết Hội nghị lần thứ 12 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bác cho gọi tôi lên. Nhiều đồng chí trong Bộ Chính trị cũng có mặt hôm đó tại căn nhà đơn sơ, nơi Bác làm việc. Bác hỏi thăm sức khỏe, hỏi việc thu xếp gia đình ở hậu phương, Bác căn dặn việc đi đường và cuối cùng Bác trao nhiệm vụ, chuyển lời thăm của Bác và Ban Chấp hành Trung ương Đảng tới cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam. Rồi đột nhiên, Bác quay lại hỏi các anh trong Bộ Chính trị:
- Đã bao lần tôi yêu cầu vào Nam sao các chú không thu xếp cho tôi đi? Bao nhiêu cán bộ khác như chú Thái đây đi được, sao các chú không để tôi đi?
Tôi còn nhớ Bác tỏ ra không đồng tình khi các anh báo cáo vì lý do sức khỏe của Bác. Năm đó Bác đã 76 tuổi.
Lần thứ hai, vào tháng 4 năm 1969, khi tôi đã vào công tác ở Nam Bộ. Anh Phạm Hùng và tôi được triệu tập ra dự Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng để quán triệt việc đánh giá tình hình và nắm vững chủ trương lãnh đạo của Trung ương trước âm mưu chiến lược mới của địch.
Một buổi, Bác cho gọi hai chúng tôi đến. Bác đã yếu nhiều so với ba năm trước. Các anh trong Bộ Chính trị dặn chúng tôi: Để giữ sức khỏe cho Bác nên không để Bác làm việc; các anh đến gặp Bác chỉ nên báo cáo trong phạm vi một giờ và chỉ báo cáo với Bác những tin vui, tránh không để Bác buồn và phải suy nghĩ.
Chúng tôi đã chấp hành nghiêm chỉnh chỉ thị đó. Buổi đầu đến gặp, Bác ân cần tiếp chúng tôi, hỏi thăm sức khỏe, tình hình đi đường, tình hình đồng bào và bộ đội ở miền Nam.
Trước ngày chúng tôi trở lại chiến trường, Bác lại cho gọi anh Phạm Hùng và tôi đến. Chúng tôi được ăn cơm cùng với Bác. Bữa đó Bác ăn hết một bát cơm đầy. Thấy vậy, chúng tôi rất vui.
Khi chúng tôi ra về, Bác bắt tay và đột nhiên hỏi lại điều mà năm xưa tôi đã được nghe:
- Thế bao giờ các chú thu xếp cho Bác vào Nam?
Chúng tôi nhìn nhau, vừa cảm động, vừa không biết trả lời Bác thế nào. Chúng tôi hiểu rằng Bác đã yếu nhiều. Việc Bác vào Nam không chỉ là nguyện vọng của Bác mà còn là điều mong ước ngày đêm của 14 triệu đồng bào trong đó. Chúng tôi cũng hiểu rằng câu hỏi của Bác còn bao hàm ý nghĩa một nhiệm vụ mà Trung ương và Bác trao cho. Quân và dân miền Nam phải ráng sức hoàn thành sớm nhiệm vụ Bác đề ra trong Thư chúc Tết năm nay là "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào", hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam để đồng bào sớm được đón Bác vào thăm.
Cuối cùng, anh Phạm Hùng thưa với Bác điều suy nghĩ đó. Bác tỏ ra vui lòng, căn dặn chúng tôi đi đường, động viên chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ và không quên nhắc chúng tôi chuyển lời Bác thăm hỏi cán bộ, đồng bào chiến sĩ miền Nam.
Chúng tôi không hề nghĩ rằng, sau khi trở lại chiến trường, và khi đợt 1 của chiến dịch Bình Long năm 1969 vừa kết thúc (tháng 5 năm 1969) lại chính là lúc Bác viết Lời Di chúc. Vào cuối đợt 2 của chiến dịch (cuối tháng 8 năm 1969) chúng tôi nhận được bức điện của đồng chí Bí thư Quân uỷ Trung ương cho biết Bác mệt. Điện nói: Bác hỏi chiến dịch Bình Long thế nào? Các anh trong Quân uỷ thưa với Bác: Bộ đội miền Đông đánh tốt. Đến đầu tháng 9, khi tôi cùng các anh trong Bộ tư lệnh Miền đang chỉ huy đợt 3 của chiến dịch thì Trung ương Cục nhận được tin Bác đã đi xa.
Kể sao cho xiết nỗi xúc động của chúng tôi, những người từng được sống gần Bác trong nhiều năm, vừa thấy sự vĩ đại, cao cả của Bác, vừa thấy sự giản dị, thân thương của Người, lại mới được gặp Người cách đây không lâu. Tôi sang gặp anh Phạm Hùng. Anh đang bị sốt. Báo tin buồn xong, chúng tôi ngồi lặng hồi lâu. Không ai ngờ rằng, gặp Bác hồi tháng 4 lại là lần gặp cuối cùng.
Anh Hùng bảo tôi cùng Ban Tuyên huấn Trung ương Cục thảo bức điện gửi ra Hà Nội. Trong đời, chưa bao giờ cầm bút mà trong lòng xúc động mạnh như lần này. Thảo xong, chúng tôi đưa anh Phạm Hùng và các anh trong Trung ương Cục, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam thông qua. Điện có những đoạn sau:
"Trong giờ phút đau thương và xúc động này của cả nước, miền Nam ân hận chưa hoàn thành thắng lợi triệt để sự nghiệp giải phóng dân tộc để đón Người vào thăm, thoả lòng mong ước bấy lâu của Người và thoả lòng mong ước bấy lâu của toàn thể đồng bào, cán bộ và chiến sĩ đã theo lời kêu gọi thiêng liêng của Người mà anh dũng và bền bỉ chiến đấu ròng rã trên hai mươi năm nay.
Để xứng đáng với công ơn trời biển của Hồ Chủ tịch, xứng đáng với sự chăm lo, săn sóc của Người, đồng thời cũng để thực hiện ước mong cao đẹp của Người, theo con đường mà Người đã vạch ra cho toàn dân và toàn quân ta, 14 triệu đồng bào miền Nam xin hứa với 17 triệu đồng bào miền Bắc ruột thịt, nguyện đoàn kết sắt son, triệu người như một, biến đau thương thành sức mạnh, quyết kiên trì và đẩy mạnh cuộc kháng chiến, quyết chiến, quyết thắng đánh cho quân Mỹ phải rút hết sạch, đánh cho nguỵ quân, nguỵ quyền sụp đổ hết, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hoà bình thống nhất Tổ quốc".
Anh Nguyễn Hữu Thọ được Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam cử dẫn đầu Đoàn cán bộ miền Nam ra dự lễ tang Bác.
Trên chiến trường, bộ đội đã biến đau thương thành sức mạnh, liên tiếp giành thắng lợi giòn giã trong đợt 3 của chiến dịch Bình Long.
Thấm thoát bốn năm đã trôi qua. Lần này ra Bắc, chúng tôi không còn được nắm bàn tay của Bác và nghe lời nói ân cần, ấm cúng của Bác mà chỉ được chiếm ngưỡng Người đang yên nghỉ.
Vẫn vầng trán cao, nét mặt tươi, da hồng hào. Chúng tôi đứng hồi lâu không đồng chí nào cầm được nước mắt, tự thấy ân hận chưa thực hiện được điều mong ước sâu xa của Bác.
Hai nhiệm vụ Bác giao, đồng bào và chiến sĩ cả nước mới làm được một nửa: đã "đánh cho Mỹ cút", nhưng chưa hoàn thành "đánh cho nguỵ nhào". Phải đi nốt chặng đường còn lại để thoả lòng Bác khi Người đi xa và để đồng bào miền Nam sớm được ra viếng Bác.
Ngồi trên xe trở về Hà Nội, chúng tôi im lặng hồi lâu. Ai cũng muốn ghì sâu hình ảnh của Bác đã suy nghĩ về những bước đi sắp tới của cách mạng miền Nam.
Quân đội nguỵ được Mỹ khuyến khích và hỗ trợ đang thực hiện "ngừng chiến nhưng không ngừng bắn". Hiệp định đã được ký kết nhưng kẻ thù vẫn hàng ngày gây tội ác. Máu đồng bào, đồng chí vẫn tiếp tục đổ. Tiếng súng trên chiến trường miền Nam không những chưa im, mà đang có chiều hướng ngày càng tăng lên rõ rệt. Xác định đúng hướng đi lên của cách mạng miền Nam, đã và đang trở thành một vấn đề rất cấp bách.
Chú thích: (1) Chiến trường từ Khu 6 vào Nam Bộ.
(2) Đồng chí Lê Đức Thọ, uỷ viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng.
(3) Đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
(4) Đồng chí Võ Nguyên Giáp, uỷ viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Bí thư Quân uỷ Trung ương, Bộ trưởng Bộ quốc phòng.
(5) Trước khi rút quân ra, Mỹ đã đưa vào miền Nam gần 700 máy bay các loại. 500 khẩu pháo, 400 trăm xe tăng, xe bọc thép và rất nhiều tàu chiến, dự kiến đưa thêm một số lớn binh khí kỹ thuật, tăng dự trữ vật tư chiến tranh của quân nguỵ lên mức tương đối cao, gần 2 triệu tấn.
(6, 7) Hai tỉnh thuộc vùng đông bắc Campuchia.
(8) Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn (Đoàn 559).
(9) Chiến dịch đánh Lộc Ninh, Bình Long và dọc đường 13 năm 1972.
(10) Chiến trường Tây Nguyên.
(11) Do địch phân chia, gồm hầu hết các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long hiện nay.