1. Vai trò của Họa đồ sư
Có lẽ cần nói qua về vai trò của Họa đồ sư trong xã hội chúng ta ngày nay.
Trước hết, ta phải hiểu bản chất của cuộc thống kê hàng năm, một biểu hiện lòng mong mỏi của chúng ta luôn muốn biết chính xác chúng ta đang ở đâu. Thoạt tiên chỉ để điều tra dân số, cuộc thống kê dần dần được mở rộng rồi trở thành một cuộc tổng kiểm kê mọi lĩnh vực của quốc gia, một công việc đồ sộ luôn luôn tiếp diễn, kết quả thống kê năm nay chưa được công bố thì công việc cho năm kế tiếp đã phải bắt đầu.
Kết quả thống kê đóng vai trò quan trọng trong đời sống toàn quốc, và từ lâu đã trở thành tâm điểm của “Lễ hội Ngô” hàng năm (một lễ hội cổ xưa về sự thịnh vượng của đất).
Chúng tôi đam mê việc kê khai. Và điều này thể hiện rõ nhất trong Lễ hội Ngô diễn ra vào giữa mùa hè, khi trời luôn đẹp và ấm áp. Vào đêm lễ hội, nhà nhà mang hàng hóa và đồ đạc, bàn tủ, đồ điện, quần áo, thảm, đồ dùng làm bếp, áo choàng tắm, dép, đệm, máy cắt cỏ, màn, đồ chặn cửa, của gia truyền, máy ảnh, và tất cả những thứ có thể khênh được ra đường cho các nhân viên thống kê dễ dàng kiểm tra tài sản từng nhà hơn.
Nhưng Lễ hội Ngô không chỉ có công việc ghi chép kiểm kê. Khi đêm đến, các nhà mời nhau xem tài sản của mình mà vào đêm này họ gọi là quà tặng. Cứ như là một bữa tiệc cưới, có thật nhiều đồ ăn, tất cả các món ăn truyền thống, rượu vang ngon, rượu mạnh, nhạc được chơi thật to trong những vùng vốn yên ắng, khách lạ kết đôi với nhau, đàn ông nhảy nhót với nhau, các thiếu nữ mặc váy vàng phân phát những mẩu lõi ngô tẩm đường lúa mạch cho khắp mọi người già trẻ lớn bé.
Và trong mọi việc có lẽ vai trò của Họa đồ sư là quan trọng bậc nhất, bởi vì dân chúng khao khát, hơn bất cứ thứ gì khác, muốn biết sự rộng hẹp của quốc gia, muốn biết chính xác hình dáng của bờ biển, muốn nghe vùng đất nào đã bị biển xâm lấn, muốn biết vùng nào đã được khẩn hoang và vùng nào còn chưa rõ. Nếu năm ấy tường trình của các Họa đồ sư tốt, Lễ hội Ngô sẽ là một lễ hội vui vẻ. Nếu tường trình xấu, người ta luôn có thể cảm thấy trong các cuộc nhảy nhót nhậu nhẹt một cảm giác lo sợ, bất an từ những người tham dự, một cảm giác tuyệt vọng. Những năm tường trình của các Họa đồ sư xấu thế nào cũng có đánh nhau, đôi khi đồ đạc bị chôm chỉa vì các công dân cố bù đắp cảm giác mất mát cho chính họ.
Vì tầm quan trọng của công việc mà các Họa đồ sư trở thành một tầng lớp đặc quyền - họ lĩnh lương cao, được trọng vọng, bị ganh tị và rất mực kiêu kỳ. Một số người cho rằng họ kiêu hãnh quá mức, vô luân, ngạo mạn và tự tung tự tác, và có lẽ cáo buộc cuối (chả oan tí nào) là nguyên nhân của những cái khác. Vì các Họa đồ sư bỏ ra hàng năm trời ngược xuôi miền biển, dọc theo những con sông lớn, vượt qua những dãy núi hùng vĩ và những sa mạc mênh mông. Họ đi thành từng nhóm ba, bốn hoặc đôi khi năm người, chủ động về thời gian, làm việc khi thích, bởi vì cuối cùng chính họ là những người chịu trách nhiệm để công việc của nhóm họ hoàn tất đúng hạn định.
Chính cha tôi, một Họa đồ sư, thường kể tôi nghe những câu chuyện về bản thân ông hay về những đồng nghiệp và những cuộc phiêu lưu của họ ở những miền đất hoang vu.
Tuy nhiên cũng có những câu chuyện khác đọng mãi trong trí óc tôi khi còn nhỏ, từng khiến tôi xiết bao lo sợ. Đó là chuyện về những vùng hoang địa mà tôi ngờ rằng chẳng ai biết đến ngoại trừ giới Họa đồ sư và các viên chức chính phủ. Là một đứa trẻ con trong một ngôi nhà thường được các Họa đồ sư thăm viếng, tôi thường nghe những câu chuyện mà lúc nào cũng làm tôi bám chặt lấy váy mẹ.
Hình như đã từ lâu một số vùng đất đã dần trở nên hư ảo mà ngay cả các Họa đồ sư vốn tự hào về lòng can đảm cũng coi những vùng này là đáng sợ. Những vùng đất này thường không có người cư trú, mà cũng chẳng được canh tác hoặc sản xuất gì. Đã có vài phần của rặng Halverson, những dải lớn của Đại sa mạc, và những chặng dài bờ biển bắt đầu từ từ biến mất như những hình ảnh trên một tấm ảnh hãm màu không đúng cách.
Chính vì những vùng u ám này mà người ta tạo ra Xuyên vọng kính. Về mặt nguyên tắc, Xuyên vọng kính không khác mấy ra-đa, nó có khả năng dò được sự hiện hữu của bất cứ vật thể nào, cho dù nó đã bị phi vật chất hóa hoặc phi thực đến mấy. Bằng cách này các Họa đồ sư vẫn có thể vẽ được những hoang địa đáng ngờ. Quay về với những chỗ bỏ trắng trên bản đồ sẽ khiến cho công chúng hoang mang mà không ai dám nghĩ rằng điều đó sẽ ảnh hưởng thế nào đến sự ổn định của xã hội. Bây giờ tôi có lý do để tin rằng có những vùng đất đã hoàn toàn biến mất mà ngay cả Xuyên vọng kính cũng không thể dò ra, và các Họa đồ sư do sức ép chính trị đã sử dụng những bản đồ cũ để giả vờ vẽ vào những phần còn thiếu. Nếu lý thuyết của tôi có cơ sở, mà tôi tin chắc là có, nó sẽ giải thích cho những lời giễu cợt của cha tôi về Lễ hội Ngô.
2. Họa đồ sư kiểu mẫu
Cha tôi hơn năm mươi tuổi nhưng vẫn còn giữ được vẻ rắn chắc. Da ông nâu và cơ bắp hãy còn căng. Ông cao, tóc muối tiêu rậm, ria mép đen hơn tóc một chút và có một cái mũi khoằm dài. Ngồi trên lưng ngựa, trông ông kiêu hãnh và hung hãn như Thành Cát Tư Hãn. Nằm trên bãi biển chỉ vận quần tắm và kính mát, ông vẫn giữ được phong thái oai vệ.
Bên cạnh ông, tôi luôn có cảm giác như thể tôi đã phản bội ông. Tôi mảnh khảnh, giống mẹ hơn.
Hôm đó là ngày trước khi diễn ra lễ hội, chúng tôi gồm cha tôi, mẹ, bạn gái tôi và tôi nằm trên bãi biển. Như thường lệ, trong những trường hợp như thế này cha tôi thường nói chuyện với Karen. Ông không bao giờ coi các thành viên trong gia đình đáng để nói chuyện. Tôi hay có cảm giác khó chịu rằng ông tán tỉnh các bạn gái của tôi mà tôi không biết phải làm gì.
Người ta nằm thành từng nhóm rải rác trên bãi biển. Một gia đình năm người đang chơi đùa với một quả bóng lớn gần chúng tôi.
“Trông lũ ngốc kìa”, cha tôi nói với Karen.
“Sao họ lại ngốc?”, Karen hỏi.
“Chúng nó ngốc”, cha tôi nói. “Chúng nó sinh ra là những đứa ngốc và chết đi vẫn là những đứa ngốc. Ngày mai chúng sẽ nhảy múa ngoài đường và sẽ quá chén”.
“Như vậy”, Karen nói với vẻ đắc thắng thường thấy khi người ta được chia sẻ một thông tin bí mật, “bản tường trình Họa đồ sư sẽ tốt chứ?”.
Cha tôi cười rộ.
Karen có vẻ tự ái và dỗi. “Em ngốc lắm à?”.“Không”, cha tôi nói, “thật ra em khá là sáng sủa”.
3. Lễ hội nổi tiếng nhất
Lễ hội bỗng hóa thành tai họa lớn nhất trong trí nhớ con người.
Bản tường trình của các Họa đồ sư tuyệt vời, thời tiết đẹp, nhưng ở một nơi nào đó một cái gì đó trở nên sai lệch.
Tin tức lẫn lộn. Truyền hình đưa tin rằng bất chấp bản tường trình tốt nhiều đồ vật đã bị mất cắp từ đầu hôm. Chốc sau có tin khẩn rằng một ngôi nhà lớn ở phố Howie biến mất hoàn toàn.
Tuy nhiên một lúc sau chúng tôi nhìn ra cửa sổ thấy một đoàn người mang theo đuốc cháy hừng hực. Có nhiều tiếng la hét. Hình ảnh này được đưa lên truyền hình, bình luận viên giải thích rằng đội dân phòng đó đang tìm kiếm bọn trộm.
Cha tôi đứng bên cửa sổ, tay cầm ly martini, nhìn đám dân phòng châm lửa đốt ngôi nhà đối diện.
Mẹ tôi hỏi chúng tôi nên làm gì.
“Lại đây mà xem lũ ngốc”, cha tôi nói, “chúng nó thật là kinh dị.”
4. Sự cố ICI
Ngày hôm sau tòa nhà ICI biến mất ngay trước mũi một đám đông khoảng hai nghìn người. Trong vòng hai tiếng đồng hồ. Đám đông đứng lặng khi cả một khối lớn kính và thép phai nhạt dần trước mặt họ.
Những nhân viên được sơ tán trông nhợt nhạt và run rấy. Người trông coi tòa nhà, một trong những người cuối cùng rời khỏi tòa nhà, trông gần như nhạt nhòa. Những ngày sau đó ông ta tự xưng mình là thần linh, phán rằng ông ta có thể nhìn thấy những thế giới khác, tầng này nằm trên tầng kia, xuyên qua kết cấu của thế giới hiện tại hiện hữu.
5. Phản ứng trước sự phi vật chất hóa
Sự giận dữ của dân chúng trước những hành vi trộm cắp thì ai cũng đã biết và dĩ nhiên được những sự cố xảy ra trong đêm lễ hội làm cho nổi bật.
Nhưng cơn thịnh nộ biểu lộ trong cái đêm nổi tiếng này không thể so sánh được với cường độ xúc cảm mà những người chứng kiến những cảnh phi vật chất hóa đầu tiên phô bày ra.
Đám đông im lặng quan sát tòa nhà ICI đột ngột phát cuồng khi họ nhận ra rằng tòa nhà cuối cùng đã biến mất và không có vẻ gì sẽ quay lại.
Sự cố này giống như một vụ trộm khổng lồ mà hình phạt nhất định phải được ban bố.
Họ tràn vào tòa nhà Shell bên cạnh, đập phá bàn, kéo đổ những vách ngăn văn phòng. Cánh nhà báo có mặt tại hiện trường cũng chẳng phải là những người quan sát vô tư, nhưng một trong những người tỉnh táo hơn trong giới báo chí đã bình luận về con số lớn những người kêu khóc quẳng máy đánh chữ qua các ô cửa sổ và vung hồ sơ tung tóe ra đám nhân viên văn phòng đang hoảng sợ.
Năm ngày sau đó họ lại giận dữ hệt như vậy khi chính tòa nhà Shell biến mất.
6. Phản ứng của những người phi vật chất hóa
Nói chung người ta không tin những tin tức đầu tiên về phi vật chất hóa ở người, và các phương tiện truyền thông ỉm đi những tin này. Nhưng mọi người nhanh chóng biết những sự việc đó và hầu như không gia đình nào không xáo động. Rõ ràng những sự kiện đó không phải đều giống nhau, nhưng ở nhiều nạn nhân người ta thấy họ có khuynh hướng biểu lộ sự hùng hổ tột độ đối với những người xung quanh. Các vụ giết người và hành hung do những kẻ bất hạnh này gây ra không phải là không phổ biến và trong hầu hết các trường hợp họ bộc lộ sự thịnh nộ gần như không thể tin nổi, như thể họ là nạn nhân của một sự phản bội tồi tệ nào đó.
Một lần anh bạn tôi James Bray bị một phụ nữ xinh đẹp chặn lại giữa đường, cào cấu vào mặt anh và nói: “Thằng khốn nạn, mày làm cho tao thế này đây, mày làm cho tao thế này đây.”
Trước đó anh chưa bao giờ gặp cô ta nhưng anh thú nhận rằng, một cách phi lý, anh cảm thấy mình có trách nhiệm nên đã không tự vệ. May cho anh, cô ta tan biến mất khi chưa kịp làm anh trầy trụa nhiều.
7. Vài lý thuyết được đưa ra vào thời đó
(i) Thế giới chẳng qua chỉ là một giấc mơ của một vị thần và ngài đang tỉnh giấc sau một giấc ngủ dài. Khi ngài tỉnh hẳn thế giới sẽ hoàn toàn biến mất. Khi thế giới biến mất chúng ta sẽ biến mất cùng với thế giới và thảy đều vui vẻ.
(ii) Thế giới đã trở nên nhạy cảm đối với ánh sáng. Cũng như việc dùng penicillin kéo dài chẳng hạn có thể đột nhiên dẫn đến chứng dị ứng nguy hiểm, việc thế giới bị phơi bày dưới ánh mặt trời quá lâu làm cho nó nhạy cảm đối với ánh sáng.
Có thể thấy những người theo thuyết này hối hả giữa những đám đông trong thành phố trong những chiếc áo thụng đen dài phủ kín người.
(iii) Thế giới đang biến mất do sự cẩu thả của các Họa đồ sư và các nhân viên thống kê. Những người nào điền bản kê khai không chính xác sẽ bị mất những món mà họ sơ ý không liệt kê. Những người nào bị các viên chức kém nhẫn nại bỏ qua trong khi thống kê cũng sẽ biến mất. Có một nhóm đang gây sức ép mạnh mẽ yêu cầu phải nhanh chóng tiến hành một cuộc thống kê khác trước khi tình hình trở nên tồi tệ hơn.
8. Lý thuyết của cha tôi
Theo cha tôi, thế giới này cũng hệt như cơ thể con người ở chỗ nó có cơ chế tự vệ cho phép nó tự bảo vệ mình khi có bất cứ điều gì đe dọa nó hoặc thừa thãi đối với nó. Tòa nhà ICI và công ty ICI hiển nhiên đã cấu thành một mối đe dọa đối với thế giới hoặc đơn giản chỉ là không còn phù hợp. Đó là lý do tại sao nó biến mất mà không phải do bất cứ một lão thần thánh chết tiệt nào đó đang tỉnh giấc và dụi mắt.
Cha tôi nói: “Tao không tin có thần thánh. Loài người chính là thần thánh. Loài người là thứ thần thánh duy nhất mà tao biết. Nếu loài người không cần đến thứ gì thứ ấy sẽ biến mất. Những người không được yêu thương sẽ biến mất. Tất cả những gì không được yêu thương sẽ biến mất khỏi mặt đất. Chúng ta chỉ có thể tồn tại nhờ vào tình thương yêu của người khác và tất cả chỉ có thế.”
9. Một mâu thuẫn
Cha tôi nói: “Trông lũ ngốc kia. Chúng nó không biết chính chúng nó cũng sẽ tàn đời.”
10. Một cảnh tượng không vui
Vào thời điểm này thế giới đầy những cảnh tượng không vui và bực bội. Một cảnh mà tôi còn nhớ rõ diễn ra ngay giữa thành phố trong một chiều thứ ba oi bức. Lúc đó khoảng một giờ rưỡi, tôi đang đợi Karen chỗ bưu điện thì một người khoảng bốn mươi tuổi chạy ngang qua. Ông ta đang tan biến một cách nhanh chóng. Mọi người đều có vẻ cố tình nhìn ra chỗ khác, điều này có vẻ còn làm ông tan biến nhanh hơn. Tôi nhìn ông chằm chằm, hy vọng tôi có thể làm một điều gì đó để giữ ông ta lại đến khi được cứu. Tôi cố gắng yêu thương ông, vì tôi tin vào lý thuyết của cha tôi. Tôi nghĩ tôi phải yêu thương người này. Nhưng mà gương mặt của ông ta chọc tức tôi. Yêu thương một người xa lạ thật không dễ dàng tí nào, và tôi phải xấu hổ mà thừa nhận rằng ông ta có cái miệng nhỏ và cặp măt ti hí mà tôi vốn rất không ưa. Tôi cố gắng yêu thương ông ta nhưng hẳn đã thất bại.
Trong khi đó ông cố gắng vẫy taxi. Nhưng những tài xế taxi quá biết những gì đang diễn ra nên hoàn toàn không có ý chở một người khách có thể ngưng tồn tại vào bất cứ lúc nào. Họ nhìn ra hướng khác hoặc kéo bảng KHÔNG CHO THUÊ lên.
Cuối cùng ông ta tóm được một chiếc taxi ở chỗ đèn xanh đèn đỏ. Đến lúc này ông ta mỏng mảnh đến nỗi tôi có thể nhìn xuyên qua người ông. Ông ta bắt đầu gào lên. Một tiếng kêu yếu ớt, rờn rợn, the thé. Ông ta cố mở cửa xe, nhưng anh tài xế đã khóa chặt cửa. Tôi nghe giọng ông ta cao và nhói: “Cho tôi về nhà.” Ông ta lặp đi lặp lại: “Cho tôi về nhà với vợ.”
Khi đèn xanh bật lên chiếc taxi chồm lên. Xe cộ chợt lắng đi. Mọi người đều lẩn đi chỗ khác, chỉ còn có tôi đứng nhìn người đàn ông tan biến hoàn toàn.
Tôi cảm thấy choáng váng.
Năm phút sau Karen đến, thấy tôi nhợt nhạt và run rấy, nàng lo lắng: “Anh có sao không?”
“Em có yêu anh không?”, tôi hỏi.
11. Những vùng hoang địa
Cha tôi có cái kiểu giải thích cho tôi về những việc mà tôi đã biết một cách rất bực mình, ông thường không chịu ngừng lại dù tôi có lặp đi lặp lại “Con biết” hay “Bố đã bảo con rồi” bao nhiêu lần chăng nữa.
Thế nên ông giảng giải về ý nghĩa quan trọng của những vùng hoang địa bằng cái giọng của giáo viên giảng bài cho trẻ em cá biệt.
Ông nói: “Mày biết không, những vùng hoang địa là những vùng đầu tiên bị biến mất mà bản thân điều này có ý nghĩa quan trọng. Những vùng này, tao nghĩ mày đã biết, con người ít khi bén mảng đến, và chỉ có những người như tao mới đến đó chỉ để bảo đảm rằng chúng vẫn còn ở đó. Chúng ta không sử dụng những vùng này, những sa mạc, đầm lầy và bờ biển này, và dĩ nhiên đó là lý do chúng biến mất. Chúng chẳng qua chỉ là thứ thuộc về chúng ta và nếu chúng ta có sử dụng chúng chẳng qua chỉ là hình tượng cho các nhà thơ, nhà văn và nhà làm phim. Chúng được sử dụng làm biểu tượng của sự xa lánh, ruồng bỏ, cô độc, vô dụng và đại loại như thế. Mày có hiểu tao nói gì không?”
“Vâng”, tôi nói, “con hiểu bố nói gì ạ.”
“Hiểu thật không”, ông nhấn mạnh. “Tao không biết mày có thật sự hiểu không?”. Ông dò xét tôi nghiêm nhặt, ngờ vực khả năng tôi hiểu ông. “Mày bao nhiêu tuổi rồi nhỉ?”
“Hai mươi”, tôi nói.
“Dĩ nhiên, tao biết”, ông nói. “Mày có hiểu ý nghĩa quan trọng của những vùng hoang địa không?”
Tôi thở dài, hơi to một tí khiến cha tôi nhíu mày. Tôi nói nhanh: “Chúng cũng giống những nơi khác thôi. Chúng giống như các thành phố. Các thành phố cũng là những sa mạc mà ở đó người ta lẻ loi và cô độc. Người ta không yêu thương nhau.”
“Không yêu thương nhau”, cha tôi kéo dài giọng, rồi thở dài. “Chúng ta không còn yêu thương nhau nữa. Khi chúng ta nhận ra rằng chúng ta cần có nhau thì chúng ta sẽ không phải biến mất nữa. Đây là bài học cho chúng ta. Một bài học khó khăn nhưng hy vọng là có ích.”
Cha tôi tiếp tục nói, tôi nhìn ông nhưng không lắng nghe. Mấy phút sau ông đột ngột ngưng lại: “Mày có đang nghe tao không đấy?”. Tôi ngạc nhiên khi nhận thấy sự lo lắng thực sự trong giọng nói của ông. Ông nhìn tôi một cách ngờ vực, nói: “Tao luôn luôn chăm sóc mày, từ khi mày còn bé tí”.
12. Sự suy thoái của các Họa đồ sư
Tôi không biết từ khi nào tôi nhận thấy cha tôi bắt đầu trầm uất. Có thể nó diễn ra từ từ nên cả tôi lẫn mẹ đều không nhận thấy.
Ngay cả khi tôi nhận thấy điều này, tôi cho là tại đàn bà. Cha tôi có khá nhiều người tình và tính khí ông thường phản ánh sự thành công hay thất bại trong những mối quan hệ đó.
Nhưng tôi biết rằng ông đã nghe tin về Hurst và Jamov, hai Họa đồ sư đầu tiên biến mất. Tin này bị ỉm đi trong nhiều tuần rồi không hiểu bằng cách nào rò rỉ ra giới báo chí. Cố nhiên các Họa đồ sư có kẻ thù trong số các công chức, những người cho rằng họ quá kiêu ngạo và lĩnh lương quá nhiều, và có lẽ là giới báo chí biết tin từ một trong những công chức này.
Khi tin tức rốt cụôc cũng bùng ra, tôi hiểu sự trầm uất của cha và cảm thấy tội nghiệp ông.
Tôi không biết phải giúp ông thế nào. Tôi hết sức muốn làm ông vui vẻ. Tôi chưa bao giờ có thể mang lại cho ông thứ gì hoặc làm điều gì cho ông mà bản thân ông không thể làm tốt hơn. Giờ đây tôi muốn giúp ông, để chứng tỏ với ông rằng tôi thấu hiểu.
Một tối nọ khi từ văn phòng về nhà tôi thấy ông đang ngồi trước ti vi, tôi lặng lẽ ngồi xuống cạnh ông. Lúc này ông có vẻ dịu dàng hơn, ông đặt tay lên đầu gối tôi và vỗ nhè nhẹ.
Tôi ngồi đó một lúc, hân hoan với sự ấm áp mới mẻ trong mối quan hệ cha con và rồi không ngăn được cảm xúc của mình nữa, tôi buột miệng: “Bố đổi nghề đi.”
Cha tôi cứng người lại rồi ngồi bật dậy. Ông bóp chặt đầu gối tôi khiến tôi kêu lên đau đớn, nhưng ông vẫn tiếp tục bóp, làm tôi đau kinh khủng.
“Mày ngốc lắm con ạ”, ông nói, “mày không biết rồi chính mày cũng sẽ tàn đời”.
Tôi cảm thấy mức độ sợ hãi của cha qua chỗ đau trong chân tôi.
13. Tại sao thế giới cần có Họa đồ sư
Cha tôi đánh thức tôi dậy lúc 3 giờ sáng để nói với tôi tại sao thế giới cần có Họa đồ sư. Người ông đầy mùi whisky, một lần nữa có vẻ rất dịu dàng.
“Thế giới cần có Họa đồ sư”, ông khẽ nói, “bởi vì nếu không có Họa đồ sư, lũ ngốc ấy sẽ chẳng biết chúng đang ở đâu. Nếu như không có một Họa đồ sư bảo chúng cái gì đang diễn ra, chúng sẽ chẳng biết rồi chúng cũng tàn đời. Thế giới cần có Họa đồ sư, thế giới dứt khoát cần có Họa đồ sư .”
14. Cảnh cuối cùng
Hãy để tôi tả cảnh cuối cùng cho các bạn: Tôi đang ngồi trên ghế sô-pha mà cha tôi mang về nhà khi tôi năm tuổi. Tôi xem tivi. Cha tôi ngồi trên chiếc ghế da có chỗ gác tay vốn thuộc về ông nội và luôn luôn dành riêng cho ông. Mẹ tôi ngồi chỗ bàn ăn, bộ bài trải khắp mặt bàn, một lần nữa chơi trò patience bất tận.
Tôi liếc sang tôi xem ông có làm gì ngoài việc nhìn trừng trừng vào khoảng không hay không, và hãi hùng nhận thấy ông đang có những dấu hiệu đầu tiên của sự tan biến.
“Mày nhìn cái gì?”. Thật ra cha tôi đang chằm chằm nhìn tôi.
“Không nhìn gì cả ạ.”
“Hừm, đừng nhìn.”
Hoảng sợ, tôi quay mắt lại nhìn cái tivi một cách vô nghĩa. Tôi không biết phải làm gì. Liệu tôi có nên nói với cha tôi rằng ông đang tan biến không? Nếu tôi không nói liệu ông có biết không? Tôi cảm thấy tôi nên làm một điều gì đó, nhưng tôi đã bắt đầu cảm thấy sự giận dữ trong giọng nói của ông. Sự giận dữ của ông thì không có gì lạ. Nhưng có thể đây là khởi đầu của một cơn thịnh nộ không thể kiềm chế được. Nếu ông biết ông đang tan biến, ông sẽ nghĩ rằng tôi không yêu thương ông. Ông sẽ trách cứ tôi. Ông sẽ tấn công tôi. Mặc dù ông già như thế, ông vẫn khỏe hơn tôi nhiều và ông có thể tẩn tôi ra trò. Tôi cố ý nhìn chằm chằm vào tivi và cảm thấy ánh mắt của cha tôi nhìn tôi.
Tôi cố cảm thấy yêu thương cha tôi, tôi cố, cố hết sức.
Tôi thử nhớ lại tôi đã cảm thấy như thế nào về ông khi tôi còn bé, thời mà thỉnh thoảng ông vẫn dịu dàng với tôi.
Nhưng vô hiệu.
Bới vì tôi chỉ có thể nhớ ông đã đánh tôi như thế nào, làm tôi đau như thế nào, khinh thường tôi và tán tỉnh các bạn gái tôi như thế nào. Trong cơn hãi hùng và cảm giác tội lỗi, tôi nhận ra tôi không hề yêu ông. Mặc dù vậy tôi vẫn nói: “Con yêu bố”.
Mẹ tôi rời mắt khỏi đống bài, ngẩng nhìn lên và bật kêu thảng thốt.
Tôi quay lại nhìn cha. Ông hầu như đã biến mất. Tôi có thể nhìn thấy lớp da của chiếc ghế xuyên qua bụng ông. Tôi không rõ lời bày tỏ tình yêu thương thiếu thuyết phục của tôi hay tiếng kêu thảng thốt của mẹ khiến cha tôi cười vang. Không hiểu tại sao ông bắt đầu cười sằng sặc: “Các người ngốc lắm”, ông hổn hển, “ta ước gì các người có thể nhìn thấy cái vẻ ngờ nghệch của chính các người”.
Và thế là ông biến mất.
Mẹ tôi nhìn sang tôi hốt hoảng, trong tay vẫn cầm một quân bài. Bà hỏi: “Con có yêu mẹ không?”.
Lâm Vũ Thao dịch từ nguyên bản tiếng Anh Do you love me?