Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Ba Người bạn, một cuộc chiến

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 8206 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Ba Người bạn, một cuộc chiến
Lê Bá Thông

CHƯƠNG BẢY

Chiếc Bệnh Viện Hạm neo ngoài khơi cách bờ biển làng Vân Trình khoảng 5 hải lý, đang nhún nhảy nhẹ nhàng theo đợt sóng từ phía mũi tàu.
Thân tàu sơn màu trắng với dấu hiệu Hồng Thập tự đỏ chói hai bên tả và hữu hạm của đài chỉ huy. Đây là một loại tàu dùng cho khách du lịch được cải biến thành một bệnh viện nổi, trang bị dụng cụ Y khoa, giải phẫu ... và đầy đủ tiện nghi cho nhân viên cũng như bệnh nhân.
Mặt biển lặng êm dưới bầu trời trong xanh, ánh nắng vàng hoe soi hình chiếc trực thăng đang đậu trên bong phía sau lái tàu. Đây là chiếc trực thăng dùng để chuyên chở những thương bệnh binh từ chiến trường trong các cuộc hành quân đang diễn biến trong đất liền.
Từ loa phóng thanh, tiếng kêu gọi tên của Bác sĩ đến phòng giải phẫu nghe rõ ràng át hẳn đi tiếng rì rầm của máy tàu.
Trung úy Bác sĩ Maurice mở cửa bước vào phòng hồi sinh của thương binh, trên tầng thứ hai của bong tàu. Anh Y tá người Việt Nam đang kiểm soát giấy tờ theo dõi tình trạng của người bệnh, ngừng đọc, đứng dậy chào ông bác sĩ bằng tiếng Pháp:
-“Chào Bác sĩ Maurice, hôm nay ông mạnh khỏe không?”
-“Chào ông Quang, tôi mạnh khoẻ lắm, cám ơn, và ông ?”
-“Khỏe lắm, cám ơn Bác sĩ.”
Sau khi nói vài câu chào hỏi xã giao, người Y tá tên Quang hướng dẫn Bác sĩ Maurice đến cạnh chiếc giường bệnh trải tấm “drap” trắng tinh.
Trên giường bệnh, một người con gái trẻ đang nhắm mắt trong cơn mê, vầng trán quấn đầy băng trắng, che kín khuôn mặt ngâm đen duyên dáng, miệng phì phò thở qua ống dưỡng khí. Một bình nước biển treo tại đầu giường đang chuyền nước vào cánh tay trái của cô gái.
Thân hình của bệnh nhân được phủ bằng một chiếc mền mỏng màu xanh lục đậm của quân đội, chỉ chừa ra chiếc chân trái bị gảy, được băng bột đến tận đầu gối.
Bác sĩ Maurice quay lại hỏi người Y tá đang đứng bên cạnh:
-“Cô ấy thế nào, đã hồi tỉnh lần nào chưa?”
-“Dạ thưa Bác sĩ, đã hơn hai hôm nay, kể từ khi cô ấy được trực thăng tải thương về đây, chưa khi nào cô ấy tỉnh dậy cả. Vết thương trên đầu đã cầm máu, chân trái của cô ta bị gảy tại xương ống quyển. Tôi thấy cô bị thương rất nặng, may nhờ được chở ra Bệnh Viện Hạm để cấp cứu và giải phẫu kịp thời mới như vầy, chứ nếu trễ hơn một tí nữa thì không tài nào cứu sống được.”
Bác sĩ Maurice cầm tấm bảng nhỏ ghi nhiệt độ và áp huyết của bệnh nhân lên xem, rồi vừa lấy tay bắt mạch của cô bệnh nhân vừa hỏi anh Quang:
-“Ông Quang có biết cô này tên gì không? Cô ấy có mang giấy tờ gì trong người không?”
-“Thưa Bác sĩ, không ai biết cô ấy tên gì cả, vì khi vị Sĩ quan trưởng toán viễn thám “Commando” tìm thấy cô ấy bị thương nặng và bất tỉnh nằm bên vệ đường, họ gọi ngay trực thăng tản thương chở về đây, không có giấy tờ gì trên người ngoại trừ cánh hoa này trong túi áo của cô ấy.”
Anh Quang ngừng lại và kéo hộc bàn bên cạnh giường bệnh, lấy ra một cành hoa lan trắng đã héo úa và đưa cho Bác sĩ Maurice. Ông này cầm lấy, quan sát rồi khi thấy đây chỉ là một hoa lan trắng như hoa lan khác, ông đưa trả lại cho anh Quang, miệng lẩm bẩm “ Orchid, Orchid ”, sau đó vị Bác sĩ dặn dò người Y tá gọi ông nếu bệnh nhân tỉnh dậy, rồi đi ra khỏi phòng hồi sinh.
Anh Quang nhìn theo vị Bác sĩ người Pháp, rồi lẳng lặng đi vào, đến gần giường bệnh, đăm chiêu nhìn người thiếu nữ đồng hương không may mắn đang chìm đắm trong giấc “ coma ”, bất tỉnh mê man. Anh làm dấu thánh giá rồi lầm thầm cầu nguyện cho người con gái xấu số được phước lành qua khỏi hoạn nạn.
Quang là một người thanh niên khoảng chừng trên dưới ba mươi tuổi, người hơi gầy, sinh trưởng trong một gia đình Tây học, cha anh hiện nay là thư ký tòa án tại Sài Gòn.
Phục vụ trên Bệnh Viện Hạm với nhiệm vụ vừa là Y tá vừa là Thông dịch viên, Quang đã nhiều lần chứng kiến hậu quả do chiến tranh gây ra, qua các thương bệnh binh chửa trị trên tàu.
Nhìn những quân nhân quằn quại đau lớn, rên rỉ la khóc vì vết thương, quang cảnh chết chóc xảy ra hàng ngày trên bàn giải phẫu, người Y tá Việt Nam cảm thấy ưu tư trước sự tàn nhẫn của chiến tranh đang diễn tiến trên đất nước Việt Nam, đã mang lại biết bao đau thương cho nhiều gia đình có thân nhân tham chiến và tử trận trong cuộc chiến này.
Đọc qua các bản báo cáo hàng ngày, nhiều lúc Quang bàng hoàng trước con số thương vong lớn lao của quân đội Pháp cũng như của Việt Minh. Con số tổn thất này tăng lên khi các mặt trận từ Bắc chí Nam càng ngày càng sôi động trong thời gian vừa qua.
Quang xúc động nhiều khi nhìn thấy những thương binh bị giải phẫu cắt cụt tay chân, những thương phế binh còn trẻ măng trên chiếc xe lăn, trên đôi nạng gỗ, chiều chiều bên mạn tàu nhìn biển khơi với ánh mắt xa vời, trống vắng. Quang đã đau lòng đi đến kết luận:
“Chiến tranh đem đến tan vỡ cho nhân loại, gây cảnh điêu tàn và chết chóc cho quân nhân và dân lành vô tội để rồi cuối cùng không có ai là người thắng trận trong chiến tranh, tất cả đều là kẻ chiến bại ”.
Tiếng động cơ máy bay trực thăng nghe thật rõ đưa tâm tư Quang trở về với hiện tại, anh mở cửa bước ra ngoài lan can cạnh mạn tàu. Cơn gió từ phía đông biển Nam Hải mát dịu thổi vào phòng hồi sinh. Trên không trung, dưới bầu trời xanh dương, vần mây cao màu trắng lăn tăn như đợt sóng nhỏ cuồn cuộn về hướng đất liền.
Chiếc trực thăng cất cánh từ bong tàu phía sau lái, trực chỉ hướng tây bắc, bay nhanh về phía bờ biển nơi trận chiến vẫn đang còn tiếp diễn.
“Lại thêm một chuyến tản thương nữa.”
Quang bâng khuâng với ý nghĩ trong đầu, anh quay vào phòng bệnh, đóng cửa lại và sửa soạn giấy tờ để bàn giao cho người Y tá sắp đến thay thế phiên trực của anh.
Trên giường bệnh, cô gái tuổi chừng mười bảy, mười tám tiếp tục say sưa trong giấc ngủ dài.
Sau hơn bốn ngày neo tại một vùng biển êm trên Thái Bình Dương, để làm nhà thương nổi chữa trị và cứu cấp cho các binh lính bị thương được trực thăng vận ra tàu, sáng hôm nay, theo lệnh của Bộ Chỉ Huy hành quân, Bệnh Viện Hạm nhổ neo vượt biển trực chỉ về vịnh Đà Nẳng.
Cô bệnh nhân “ vô danh ” vẫn còn trong cơn mê, Bác sĩ Maurice khám bệnh hàng ngày và báo cáo lên cấp chỉ huy, tình trạng của bệnh nhân này, đề nghị đưa cô qua tiếp tục điều trị tại phòng bệnh đặc biệt có Y tá túc trực ngày đêm.
Vị Chỉ Huy Trưởng Quân Y sau khi đọc báo cáo, vì lý do nhân đạo, chấp thuận đề nghị của Bác sĩ Maurice và cho phép tiếp tục dùng tất cả phương tiện để cứu bệnh nhân này cho đến khi nào hoàn toàn bình phục, rồi mới chuyển giao lại cho chính quyền địa phương để sưu tầm tung tích của cô thiếu nữ “ vô danh ”.
Vì Y tá Quang là nhân viên người Việt Nam độc nhất thuộc ban Quân Y, lại vừa thông thạo hai thứ tiếng Việt Pháp, nên Quang được cấp chỉ huy chỉ định làm việc thường trực tại phòng chữa bệnh này.
Trên tàu còn có những nhân viên người Việt Nam làm bồi, phụ bếp và thủy thủ lái tàu... Những người này được biết về người nữ bệnh nhân Việt Nam đang say ngủ trong cơn “ coma ”, họ mang hoa đến để đầy trong phòng bệnh.
Hằng đêm mọi người cầu nguyện đức Phật tổ, Chúa Jesus phù hộ và ban phước lành cho người con gái bất hạnh được sớm hồi tỉnh.
Họ tổ chức quyên tiền để dành cho cô gái và rồi đồng ý đặt tên cho chương trình đóng góp này làø “ Một tấm lòng Việt Nam cho Bạch Lan ”.
Kể từ ngày đó, hồ sơ “ không tên ” của người nữ bệnh nhân đang say ngủ được đổi lại là “ Hồ sơ của Bạch Lan ”. Quang đã có ý nghĩ đó từ cành hoa lan trắng tìm được trong túi chiếc áo bà ba mà cô gái đã mặc khi bị thương trên con đường làng giữa Vân Trình và Mỹ Chánh, cạnh giòng sông Ô Lâu, vào buổi sáng trong ngày đầu tiên của cuộc hành quân quy mô cuối cùng của quân đội viễn chinh Pháp tại Huế và Quảng Trị.
Ngoài Y tá Quang còn nhiều nữ Y tá người Pháp có nhiệm vụ chăm sóc người nữ bệnh nhân “ vô danh ”, mà họ thương hại và càng ngày càng có cảm tình khi nhìn thấy một con người vô tội, nạn nhân của chiến tranh, bất lực đang nằm mê man trước mắt.
Sau hơn năm giờ hải hành Bệnh Viện Hạm thả neo tại vịnh Đà Nẳng, bên cạnh chân đèo Hải Vân mây vần phủ đỉnh núi cao, trong một buổi chiều âm u, không nắng, nhiều mây.
Sinh hoạt trên tàu lắng xuống, mọi người thở ra thoải mái trên bong trước, bong sau. Bệnh nhân với thương tích nhẹ, rảo bước ngắm nhìn những cánh chim biển đang bay lượn tìm mồi trên mặt biển. Từ xa, thấp thoáng dưới rặng dừa xanh của ngọn núi Sơn Chà là bãi biển Tiên Sa ít sóng.
***
Sân vận động đông nghẹt cả khán giả đang ồn ào cổ võ trận đấu bóng tròn giữa hai hội tuyển Cảnh sát Huế và hội tuyển của quân đội Pháp. Cuộc tranh tài đã gần hết hiệp đầu, với tỉ số Cảnh sát 2 và quân đội Pháp 1.
Trên khán đài chính, các Sĩ quan cao cấp Pháp ngồi tại dãy ghế hàng đầu bên cạnh các nhân viên cao cấp trong ngành Cảnh sát tại Huế. Mọi người sau những hàng ghế sau đều đứng dậy vỗ tay khi thủ môn Hào của Cảnh sát Huế tung mình lên cao dùng tay đánh mạnh ra khỏi vùng cấm địa, trái banh phạt góc được tả biên Pháp đá vào thật chính xác.
Chung quanh vòng chảo của sân vận động, khán giã bình dân lớn bé già trẻ đông đảo chật cứng, kẻ đứng người ngồi tựa vào lan can trước mặt, thả hai chân lòng thòng xuống vòng chảo xi măng mà trong chốt lát nữa đây, khi hiệp đầu chấm dứt, các xe mô tô Cảnh sát sẽ biểu diễn, tài xế nhào lộn khi xe chạy quanh trên vòng chảo này.
Trọng tài Xáng vừa thổi súp lê và khoát tay ra hiệu chấm dứt hiệp đầu, ôm quả bóng tròn chạy vào phòng nghỉ. Các cầu thủ của hai đội bóng cũng bước nhanh ra phía sau khán đài chính, trong khi cả vận động trường vang dội tiếng la ó và vỗ tay khi một đoàn bốn chiếc xe mô tô do những Cảnh sát viên trong bộ đồng phục ka ki vàng đậm, đeo mặt nạ như phi công lái máy bay, đầu đội nón sắt, đang nối đuôi chạy ra từ phía sau sân vận động rồi tăng tốc lực lên và lượn quanh vòng chảo trong đội hình hàng dọc rồi đổi qua hình thoi.
Khán giả reo hò, tán thưởng khi người Cảnh sát thả tay lái, lấy thăng bằng rồi đứng thẳng lên trên yên xe, hai tay dang thẳng ra, khi chiếc mô tô vẫn còn chạy với tốc độ thật nhanh trên vòng chảo. Kinh nghiệm và tài lái xe mô tô của những Cảnh sát viên Huế đã làm mọi người dân Huế hãnh diện mỗi lần xem họ biểu diễn và đã được báo chí toàn quốc ca ngợi rất nhiều.
Sau phần biểu diễn xe mô tô của Cảnh sát Huế là cuộc thi tài chạy đua 1500 thước vòng chung kết giữa lực sĩ các trường trung học tại Huế như trường Khải Định, Thiên Hựu, Bình Linh, Bồ Đề, Bình Minh, Nguyễn Du...
Nguyên đại diện trường của mình, trong chiếc quần sọt màu xanh Hải Quân, với chiếc áo “ maillot ” màu trắng mang số 32, khom mình chống tay trước vạch vôi đánh dấu đường khởi hành, bên cạnh những lực sĩ học sinh của trường bạn cũng đang trong tư thế sẵn sàng chờ phát súng ra hiệu của ông trọng tài.
Nguyên tập trung tư tưởng và dồn tất cả sức mạnh xuống đôi bàn chân, anh biết giây phút đầu của cuộc đua rất quan trọng và sẽ có nhiều lợi điểm nếu anh khởi hành đúng vào lúc tiếng súng báo hiệu nổ lên.
Người trọng tài cầm cây súng lục, chĩa lên trời và hô lớn:
-“ Vào chỗ, sẵn sàng...” rồi bấm cò
“ Đùng”, tiếng súng báo hiệu khởi hành vang dội cùng với tiếng reo hò và cổ võ của hàng ngàn khán giả bao quanh vận động trường.
Nguyên nhấn mạnh đôi bàn chân xuống nền đất đỏ, dùng hết sức lực của mình bung mạnh về phía trước, anh cắm đầu tung mình chạy nhanh, qua ngang khán đài, hướng về phía cổng chánh của vận động trường, vòng quanh sân điền kinh.
Nguyên giữ nhịp thở đều đặn và dẫn đầu toán lực sĩ chạy bộ gồm gần 15 học sinh đồng tuổi đang nối đuôi nhau, chạy vòng trước một rừng khán giả đang đứng dậy hoan hô, vỗ tay khi đoàn lực sĩ chạy ngang qua.
Chiều dài của đoạn đường tranh giải gồm ba vòng tròn của sân điền kinh. Khi qua vòng thứ hai Nguyên trụt xuống hàng thứ ba, chạy sau hai lực sĩ cao lớn của trường Thiên Hựu và Bình Linh.
Nguyên muốn giữ sức mạnh và giành cho những giây phút gần mức tới, vì thế anh chỉ chạy cầm chừng theo sát gót hai học sinh kia.
Vòng thứ ba bắt đầu, cả ba lực sĩ đều tăng thêm tốc độ, dồn hết sức mạnh lên đôi chân.
Trên khán đài chính, mọi người kể cả những Sĩ quan Pháp đều đứng dậy, miệng la to “ bravo... bravo... bravo...” khi ba lực sĩ này chạy ngang qua và bỏ xa toán thứ hai đang chạy theo sau cách xa gần hai mươi thước.
Chỉ còn ba trăm thước nữa là tới mức đến, Nguyên bặm miệng lại, bọc ra phía ngoài, chạy nhanh hơn, vượt qua Hoàng của trường Bình Linh rồi Lượng của trường Thiên Hựu, dẫn đầu toán. Nguyên thở đều, ưởn vòng ngực đôi chân thoăn thoắt vượt đoạn đường cuối, chỉ còn cách khoảng một trăm năm mươi thước. Từ xa trước khán đài, người trọng tài tay cầm lá cờ vẽ hình ca rô đen đỏ đang đứng sẳn chờ đợi.
Tiếng reo hò cổ võ vang rền, làm Nguyên lên tinh thần, anh liếc nhìn Lượng chạy chếch về phía sau, bên mặt đang cố gắng vượt lên.
Nguyên nhấn mạnh đôi chân, bỗng nhiên anh cảm thấy bắp vế của chân trái đau buốt như bị vọp bẻ. Anh giảm tốc độ nhăn mặt vì đau, hai lực sĩ thứ hai, thứ ba chạy vượt qua, liếc nhìn Nguyên với đôi mắt ngạc nhiên trong khi những tiếng “...ồ...ồ...”, bất mãn lẫn thương hại của khán giả vang dội khắp vận động trường. Họ thấy Nguyên, anh học sinh lực sĩ chạy bộ đang đi cà nhắc, rồi ngồi xuống bên vệ đường nhìn những người bạn trẻ khác đang lần lượt vượt mức đến cuối cùng của giải chạy đua.
Hai người Y tá trong ban tổ chức mang dụng cụ cứu thương chạy đến bên cạnh Nguyên, quỳ xuống nhấc chân trái lên khám xét, rồi lấy dầu nóng ra thoa bóp bắp vế đang đau nhiều của Nguyên.
Một lúc sau, khi cơn đau giảm dần, Nguyên cám ơn hai anh Y tá và đứng dậy đi lui đi tới để thử xem chân đã hết bị rút gân chưa, rồi buồn bực đi ra phía sau sân vận động để thay áo quần và không thèm để ý gì đến buổi lễ trao cúp đang diễn tiến trước khán đài.
Nguyên đi vào phòng vệ sinh công cọng, rửa mặt, cám ơn những khán giả gặp trong đó chia buồn với anh về sự thiếu may mắn trong cuộc chạy đua, rồi đi trở ra xem trận tranh tài giữa hai hội tuyển bóng tròn đang bắt đầu đá hiệp hai.
Khán giả một lần nữa đứng lên, vỗ tay reo hò ồn ào khi hậu vệ có tên “Được em” đón banh, lừa lên, vượt qua khỏi hai cầu thủ Pháp, đưa banh sâu xuống cho anh mình là trung phong “Được anh”, đang chạy nhanh vượt qua trung vệ địch, đón trái banh bằng chân trái, hất nhẹ qua đầu hậu vệ địch, lừa qua hàng phòng thủ Pháp, dùng chân mặt từ ngoài xa đá mạnh vào góc lưới.
Thủ môn Pháp phóng mình đở banh nhưng đã quá muộn, trái bóng hình tròn tung lưới giữa tiếng hoan hô vang dội ồn ào của khán giả.
Hội tuyển Pháp 1, hội tuyển Cảnh sát Huế 3.
Trái bóng tròn được trọng tài đặt giữa sân, ba cầu thủ Pháp sắp sửa đưa banh, bỗng mọi người nhốn nháo khi nghe tiếng súng lục “bốp...bốp... bốp”, tiếp theo là tiếng súng tiểu liên “tạch...tạch...tạch” từ phía sau khán đài chính.
Mọi người nhìn nhau nửa thắc mắc, nửa lo âu, khi thấy lính Hiến binh, tay cầm súng trường chạy ra bao vây chung quanh khán đài để bảo vệ những nhân vật cao cấp đang ngồi tại đây.
Nhưng khán giả không tỏ ra có dấu hiệu hoảng hốt vì đã quen với tiếng súng và sự khủng bố của đặc công Cọng sản đang tăng cường trong thời gian gần đây.
Tiếng nói của phát ngôn nhân trong ban tổ chức nghe vang dội lớn khắp vận động trường, giải thích biến cố vừa xảy ra:
-“A lô, A lô, xin chú ý, xin chú ý... chúng tôi thông báo cùng khán giả, lực lượng an ninh vừa bắn trọng thương và bắt sống một tên đặc công khủng bố Cọng sản trá hình len lỏi vào vận động trường với mưu đồ phá hoại. Yêu cầu khán giả bình tỉnh, tất cả mọi việc đã được chúng tôi thu xếp để bảo vệ an ninh cho khán giả, xin cám ơn quí vị.”
Khán giả vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt hòa lẫn với điệu nhạc quân hành trổi lên từ khán đài phụ, do ban nhạc của Bộ Chỉ Huy Cảnh sát giúp vui cho ngày hôm nay. Trận đấu bóng tròn tiếp tục nhưng không hào hứng như trước, vì trong thâm tâm mọi người, họ vẫn còn bị ám ảnh bởi bóng ma chiến tranh đang đe dọa đời sống của người dân hiền hòa tại xứ Huế.
Trận đá banh chấm dứt với cùng một tỉ số 3 –1, hội tuyển Cảnh sát Huế lại một lần nữa đá bại đội bóng khách từ xa tới và không bao lâu nữa sẽ lên đường vào Sài Gòn tranh giải vô địch toàn quốc với hội tuyển Tổng Tham Mưu, một đội bóng tròn có thành tích rất cao, được dân Sài Gòn ủng hộ và ngưỡng mộ nhiều.
Mọi người đổ xô ra hai cổng vận động trường, đi khắp bốn hướng, người đông chật cả đường về phía cầu Trường Tiền, cầu An Cựu, Bến Ngự, Vĩ Dạ ...
Nguyên đến chỗ giữ xe đạp, đưa giấy biên nhận cho người giữ xe, mở khóa lấy chiếc xe đạp hiệu Sterling màu đỏ. Anh đi tránh đám đông đang đổ dồn về hướng cầu Trường Tiền, đạp xe qua ngả đường Hàng Me, về phía Đập Đá đến bến đò cạn đưa hành khách qua chợ Đông Ba.
Khi chiếc đò nhỏ chở đầy hành khách và Trung ngồi bên cạnh chiếc xe Sterling đi ngang qua khu đất nhỏ bên tay mặt trên Cồn Hến, Nguyên thấy những người đồng bóng đang nhảy múa theo nhạc điệu chầu văn, lẫn tiếng kèn trống inh ỏi với khói hương mù mịt. Thấp thoáng bên trong đền là những người say mê lên đồng, trong y phục hoa hòe lộng lẫy, đang cúi xuống nghiêm trang khấn vái, chấp tay lạy liên tục trước bàn thờ “ Bà ”.
Chung quanh Cồn Hến, nhiều chiếc đò nhỏ, đậu chen chúc, người đi cúng bái thật là đông đảo. Những người có óc mê tín dị đoan thường tin vào sức mạnh thần thánh, vào ảo mộng có tính cách siêu phàm, nhất là tin vào một cái gì linh thiêng, để tìm quên đời sống cơ hàn, bấp bênh trong cuộc chiến tranh đang đe dọa dân chúng hàng ngày.
Những hiện tượng cầu cơ, lên đồng..., những câu chuyện về Đức Mẹ hiện xuống tại La Vang, Quảng Trị, hình ảnh Đức Quán Thế Âm với ánh hào quang sáng chói trong mây, trên bầu trời một buổi trưa, được mọi người truyền miệng đồn đãi và họ tiên đoán là phép lạ sắp xảy đến cho dân tộc Việt Nam.
Ngay cả trên các truyền đơn của Cọng sản lén lút phổ biến tại thành phố Huế trong thời gian gần đây, Việt Minh cũng đề cập đến hiện tượng trên và họ đi đến kết luận là phép lạ đã báo trước sự thành công của Cách mạng trong cuộc tranh đấu giành độc lập cho đất nước.
Cọng sản nói thành quả này sẽ đến nhanh hơn nếu toàn dân đoàn kết mạnh hơn sau lưng Cách mạng, tiếp tay với kháng chiến phá hoại cơ sở thực dân, gây khó khăn nhiều hơn cho chính phủ bù nhìn Ngô Đình Diệm tại Sài Gòn.
Chiếc đò đưa khách từ Đập Đá từ từ cặp vào bến đò cạnh bãi đậu xe buýt dưới chân cầu Gia Hội. Nguyên đưa cô lái đò 50 xu để trả tiền qua đò cho anh và chiếc xe đạp, rồi nhắc chiếc xe đạp Sterling lên bờ và đổi ý, thay vì vào chợ thăm mẹ tại cửa hàng trong chợ Đông Ba, Nguyên đạp xe trên con đường nhựa chạy vòng sau chợ, đi về hướng cầu Trường Tiền, qua sân bóng tròn trước rạp chiếu bóng Tân Tân, đến vườn hoa Nguyễn Hoàng.
Nguyên tìm một băng đá trên bồn cỏ cạnh bờ Hương Giang, dựng chiếc xe đạp trên cái càng xe, rồi ngồi xuống nhìn đoàn người đi coi đá banh về, vẫn còn rộn rịp, từ phía đài Phát thanh Huế, bên hữu ngạn sông Hương, qua cầu Trường Tiền, tiếp tục đổ xuống đường Trần Hưng Đạo.
Mặt trời đã khuất bóng sau Kỳ đài trước cửa Ngọ Môn, tia nắng vàng còn le lói trên bầu trời bắt đầu chuyển sang màu tím nhạt. Vài ba con dơi núi đang bay lượn bắt muỗi mòng trên vườn hoa, hoàng hôn đang xuống dần trên thành phố Huế.
Nguyên đăm chiêu suy nghĩ về người bạn gái thân yêu đã thất lạc hơn hai tháng nay. Huyền mất tích trong chuyến đi ra Vân Trình vào cuối tháng bảy vừa qua. Nguyên buồn rầu khi nhớ đến kỷ niệm của hai đứa trong tám năm vui đùa bên cạnh nhau.
Trong ngày đó gia đình Huyền chờ đón con gái tại sân ga Huế và khổ đau sau khi chờ mãi để rồi biết tin con gái không có mặt trên chuyến tàu lửa từ Mỹ Chánh vào.
Cha mẹ của Huyền phải chờ gần hơn một tuần lễ, cho đến khi con đường từ Huế, Mỹ Chánh đến Vân Trình giải tỏa mới được phép đi ra tìm kiếm đứa con gái thân yêu.
Họ cảm thấy tuyệt vọng sau nhiều ngày đi hỏi khắp mọi nơi, từ làng Lại Hà lên đến làng An Hội tại phía bắc Vân Trình. Không có người dân quê nào hay biết gì về tung tích của cô con gái 17 tuổi này cả.
Trong cuộc hành trình tìm con, họ chỉ thấy trước mắt sự tàn phá của chiến tranh, chứng kiến cảnh điêu tàn để lại từ cuộc tranh hùng giữa hai lực lượng thù nghịch bắn giết nhau.
Những căn nhà đổ nát tiêu điều không người ở, những nấm mộ đất còn mới của xác chết được chôn vội bên vệ đường làng, bên rặng tre già, bên bờ sông Ô Lâu nước cạn, lững lờ chảy xuôi giòng về phá Tam Giang.
Cha mẹ Huyền cũng còn thấy những người quả phụ, đầu quấn vành khăn tang trắng, bồng đứa con thơ với chiếc khăn nhỏ cũng màu trắng, rộng hơn cái đầu bé tí, đang tụt xuống tận đôi mắt đen tròn ngơ ngác, đang thẫn thờ lê đôi bàn chân không trên con đường làng, về hướng vô định.
Mợ cũng buồn khổ không kém, bà tự trách mình đã để cho Huyền về Huế một mình trên chuyến xe ngựa.
Trong đầu mợ luôn luôn bị ám ảnh bởi ý nghĩ tội lỗi mỗi khi nhớ đến hình dáng yêu kiều của Huyền trong chiếc áo bà ba màu hoa cà, miệng tươi cười với chiếc má lúm đồng tiền, đưa tay vẫy chào mợ trước khi chiếc xe ngựa lọc cọc xa dần trong buổi sáng nhiều sương mù hôm đó.
Quân đội Tây rút quân ra khỏi khu vực hành quân bắt theo thanh niên thiếu nữ, cùng với cán binh Cọng sản thuộc Trung đoàn 95 và du kích địa phương làm tù binh, tổng số lên đến gần 200 người, trong đó có cả người em trai út của mợ.
Sau đó dân làng mới ra khỏi hầm trú ẩn, dọn dẹp và thu nhặt những gì còn lại của căn nhà, của mảnh vườn thân yêu mà tổ tiên đã sinh sống trước đâyï và để lại cho con cháu.
Ban đầu mợ không hay biết gì về việc Huyền mất tích vì tưởng rằng Huyền đã đáp kịp chuyến tàu lửa và đã về đến Huế trước khi Tây đi lùng.
Mợ cũng buồn khi nghe dân làng nói về chuyện ông nài ngựa bị chết và chiếc xe ngựa bị tan tành mà họ cho là con ngựa đạp một quả mìn gài trên đường làng.
Cho đến khi cha mẹ Huyền ra gặp mợ, Huyền vẫn chưa về đến nhà.

Nguyên thở dài vươn vai đứng dậy, sương bắt đầu xuống trên vườn hoa Nguyễn Hoàng, gió từ sông Hương thổi lên mang theo làn hơi nước làm Nguyên cảm thấy lành lạnh. Anh leo lên chiếc xe đạp đi ra đường Trần Hưng Đạo, ghé lại tiệm bán thực phẩm Nam Thiên, mua 100 gram thịt Jambon cắt thật mỏng như tờ giấy và 50 gram Fromage của Pháp, loại mà mẹ rất thích ăn với bành mì Tây đang còn nóng và một chai bia hiệu bông hồng của Đức quốc đem về cho mẹ ăn uống tối nay.
Khi vừa về đến gần nhà, Nguyên thắc mắc và ngạc nhiên khi thấy đậu ngay trước cửa, một chiếc xe hơi “con cóc” màu xanh nhạt, mà Nguyên biết là loại Renault 4 rất được mọi người ưa chuộng và thông dụng hiện nay. Anh mở cửa hông đem chiếc xe đạp dựng dựa vào tường rồi đi vào phòng khách.
Hai đứa em họ đang ngồi nói chuyện với cha, đứng dậy khi thấy Nguyên đi vào:
-“ Xe của ai mà trông ngon lành vậy thưa ba, trông đẹp quá trời, ba mới thuê phải không?”
Cha Nguyên mĩm cười ngoắc tay ra hiệu cho con trai đi theo mình ra xem chiếc xe:
-“ Xe của mình đó, thích không, mẹ con cũng chưa biết, chút nữa hai cha con mình đi đón mẹ con ở chợ Đông Ba để làm mẹ con ngạc nhiên chơi”.
Nguyên ngẩn người ra, không tin những gì đang nghe, nhà mình có xe hơi thật à. Đã nhiều lần Nguyên nhận thấy tinh thần minh mẫn, quyết định sáng suốt và khả năng giao tế của cha cùng với sức chịu đựng, đức tính tháo vác và chịu khó của mẹ trong hơn mười năm qua, khi anh vừa bắt đầu biết nhận xét.
Nguyên rất vui khi thấy cha mẹ thành công và có ngày hôm nay, sau bao nhiêu năm cần cù buôn bán áo quần cũ, kể từ khi rời làng La Chữ hồi cư về lại Huế. Trong thời gian gần đây cửa hàng tạp hóa của mẹ càng ngày càng lớn hơn, bán đắt hơn cho nhiều khách hàng khác nhau.
Những người nhà quê vừa tản cư về thành phố tránh nạn chiến tranh, những người Thượng mang đồ thủ công nghệ, da thú về bán cho người Kinh, rồi mua đồ dùng đem lên núi...
Các ông Tây bà Đầm cũng đi mua sản phẩm địa phương, rất rẻ tiền so với đồ đạc bày bán tại các cửa hàng ở thủ đô Ba Lê của họ, có lẽ để đem về xứ vì biết sắp đến ngày họ phải rời Việt Nam khi Hiệp định Genève được ký kết trong tương lai.
Nguyên cảm thấy vui và thương cha mẹ thật nhiều, anh nhớ lại những buổi trưa hè, khi anh đang vừa mới hơn mười tuổi, ngồi nhổ vài sợi tóc bạc vừa mọc lưa thưa trên đầu của cha, Nguyên được nghe ông kể một cách hãnh diện về dòng giống Hoàng phái của gia đình.
Cha nói một cách say sưa về ông nội của mình, người anh hùng núi Voi, đã có công rất lớn với nhà Nguyễn, từng giữ chức Thượng Thư Bộ Binh triều Thiệu Trị, Đô Đốc Tổng Trấn thành Thuận An, được phong tước Tứ Phẩm triều vua Thiệu Trị và Nhị Phẩm triều vua Tự Đức và còn là Quan Án Sát tỉnh Quảng Bình dưới triều vua Thành Thái.
Một trong những người con của ngài tức là ông nội của Nguyên giữ chức Giám Thủ triều vua Khải Định và đã kết hôn với một bà Quận Chúa dòng dõi Công Tằng Tôn Nữ, thuộc Thoại Thái Vương phòng. Đây là bà nội của Nguyên, một người hiền mẫu mà cha nói đã bị gió thổi bay qua một bức tường cao hơn hai thước, trước Phủ Thoại Thái mà chỉ bị thương tích nhẹ, trong trận bão lớn nhất của thế kỷ tại Huế, đó là trận bão năm Thìn.
Nguyên lơ đãng vuốt nhẹ bàn tay phải dọc theo sườn chiếc xe hơi, nhìn khuôn mặt mình phản chiếu trên cái nắp xe vừa được chùi rửa bóng loáng.
***
Bàn tay của thằng Hoàng run run nắm nhẹ miếng gỗ nhỏ hình trái tim làm bằng tấm gỗ đóng hòm mà nó đã lén lút lấy từ sau nhà của bác Khang làm thợ mộc trong xóm, chuyên môn đóng bàn ghế, giường tủ và kể cả hòm đủ loại nữa. Nó không thể kiếm ra miếng ván hòm người chết thật sự.
Miếng gỗ dùng để cầu cơ đang lướt nhẹ trên tấm vải thô dày có viết chữ A B C D ... Mặt Hoàng đỏ hồng như vừa uống ly rượu mạnh, đôi mắt nó lim nhim, mồ hôi rịn ra ở trên vầng trán thấp.
Thằng Hoàng được các bạn cùng xóm đặt tên là “Hoàng ngông” vì tính nghịch ngợm và rất là gan dạ của nó.
Sau nhiều ngày tháng chờ đợi và tìm kiếm, gia đình của Huyền đi coi thầy bói, nhờ thầy cho biết là Huyền còn sống hay đã chết rồi, để lo việc tang chế cho hồn Huyền được siêu thoát. Họ thất vọng khi nghe mỗi thầy nói một khác, người thì nói còn sống và đang ở trong rừng với Việt Minh, ông khác nói là đã bị Tây bắn chết và dập thây bên vệ đường làng Mỹ Chánh.... Cả nhà khóc ròng và bạn bè của Huyền trở nên lo lắng và mất hy vọng, sợ rằng nàng thật sự đã chết, trong cuộc hành quân quy mô của Pháp tại vùng duyên hải phía bắc Thừa Thiên, ba tháng trước đây.
Trong một buổi tiệc ăn mừng ngày sinh nhật17 tuổi của Hồng, cô láng giềng người Bắc kỳ, khi nhắc đến Huyền, mọi người cảm thấy nhớ người bạn gái bất hạnh, mà các bạn trẻ rất mong vẫn còn sống sót và thất lạc tại một nơi nào đó. Thế rồi Hoàng đưa ra ý kiến cầu “ cơ ” tại nhà của Long, một người bạn ở tại ngả ba bùng binh đường Trung bộ, sau lưng chùa Diệu Đế, gần khuôn hội Phật giáo Thuận Hóa.
Con đường này nối liền đường Ngự Viên và bờ sông Hàng Bè, không những được biết đến vì nhà của hai chị em “song Mai” đẹp nổi tiếng ở tại đây, mà còn nghe nói là con đường có ma hiện ra hằng đêm.
Những mẫu chuyện được kể lại từ các chị bán hột vịt lộn, những anh bán bánh mì nóng, các em nhỏ bán đậu phụng rang về cô gái mặc đồ trắng mua đậu phụng, bánh mì... trả bằng tiền giấy vàng bạc đốt trong các đám kỵ giỗ.
Ngọn đèn bạch lạp nhấp nháy, khi sáng bùng lên, khi tối lại theo chiều cơn gió nhẹ thổi từ vườn hoa làm lung lay hình bóng chập chờn của năm bóng đen đang nhảy múa trên bức tường phía sau lưng.
Nguyên ngồi lặng yên bên cạnh Hồng, đang lợi dụng cơ hội nắm tay, dựa tấm thân mềm mại, nẩy nở vào đôi vai rắn chắc của người bạn trai như để được che chở. Thằng Nông cũng đang nổi da gà vì nhìn thấy miếng gỗ dừng tại chỗ chữ “ nữ ”, khi “ cơ ” trả lời về câu hỏi của Long về lý lịch của “ cơ ”.
Hoàng tiếp tục chất vấn và người của Hồng run nhẹ trên bờ vai của Nguyên, khi mọi người được “ cơ ” cho biết đây là hồn của một cô gái đã bị chết trôi trên sông Hàng Bè từ lâu, cho đến nay vẫn chưa được siêu thoát.
Nguyên đánh bạo hỏi hồn “ cơ ” về tình trạng của Huyền, hiện nay sống chết như thế nào và nếu còn sống “ cơ ” có biết Huyền đang ở đâu không?
Hoàng cảm thấy tay mình run nhè nhẹ, miếng gỗ có hình trái tim dường như ngập ngừng, di chuyển qua lại chậm rãi hơn những lần trước khi đáp các câu hỏi của mọi người.
Bỗng mọi người thở ra nhẹ nhõm khi “ cơ ” di chuyển đến chữ S rồi Ô.. N...G và dấu “ sắc ”, họ nín thở khi thấy trái tim gỗ tiếp tục đánh vần chữ H..A..I dấu “ hỏi ” rồi Đ..Ă..N..G, Hải Đăng, sao lại là Hải Đăng, thật không có nghĩa gì hết khi “ cơ ” trả lời về câu hỏi “ Huyền đang ở đâu? ”.
Nguyên lên tiếng định hỏi thêm cho rõ ràng hơn thì chợt thấy đầu thằng Hoàng gục lên gục xuống lia lịa, mặt mày có vẻ dữ tợn, rồi mảnh gỗ di chuyển đến chữ “ thăng ” và rồi thằng Hoàng thở mạnh ra như đang vừa tỉnh dậy từ một cơn mê.
“Hải Đăng, Hải Đăng, Huyền đang còn sống và ở tại một Hải Đăng, trên biển chăng? Hay là trên một bán đảo? Hoặc là tại một nơi nằm cạnh ven biển có ngọn đèn pha hướng dẫn đường cho tàu bè vào ra trong vịnh?”
Năm người bạn trẻ, một người một ý nghĩ, tranh luận với nhau về tung tích người bạn gái mà họ rất thương mến và mong rằng mọi việc sẽ đúng như lời hướng dẫn của một linh hồn đã khuất, qua cuộc cầu cơ đêm nay.
***
Bạch Lan mất hết trí nhớ khi nàng tỉnh dậy từ cơn mê sau gần hai tuần lễ điều trị trên tàu, trong một đêm mưa giông, biển động mạnh. Con tàu lắc lư trên triền sóng vượt nốt đoạn hải trình dài từ Đà Nẳng về Qui Nhơn.
Ngọn Hải Đăng trên đỉnh núi cao của vịnh Qui Nhơn chớp sáng theo chu kỳ quay của cây đèn pha thấp thoáng từ xa, làm mốc định vị trí của con tàu, đang hải hành trên biển trong cơn giông, sóng cuốn đập mạnh vào sườn tàu, phủ kín bong tàu của chiếc Bệnh Viện Hạm.
Bạch Lan cảm thấy nhức đầu kinh khủng, chiếc băng trắng bịt đầu được tháo bỏ vì vết thương trên vầng trán của nàng đã liền da, chỉ để lại một cái sẹo dài nhỏ màu hồng cạnh chân mày bên trái.
Trong cơn mê, Bạch Lan tưởng như thân hình đang bay bổng lên tận trời cao, theo vầng mây hồng nhạt, vượt qua ngàn vì sao lấp lánh, trôi về miền hư ảo. Với giải Ngân Hà trắng đục vắt ngang bầu trời xanh thẩm, linh hồn nàng nương theo cơn gió lộng, bồng bềnh trong cõi không trung im lặng.
Qua cuộc hành trình phiêu lưu của tâm linh, nàng tưởng như đã gặp lại hình ảnh thân yêu của người cậu trong bộ quần áo trắng phất phơ theo gió, đang mĩm cười vẫy vẫy tay xua đuổi nàng bay trở về vùng trời cũ.
Với vầng mây hồn nàng lờ lững, thoang thoáng bên tai nàng nghe tiếng ngựa hí, rồi chợt thấy trong sương mù, con ngựa già đang rảo bước trên tầng mây xám .
Những làn sấm sét nổ bùng lên trong tiềm thức làm tan biến tất cả dĩ vãng, hồn nàng bơ vơ trôi dạt về nơi vô định, hoàn toàn xa lạ,ï để lại cơn đau đớn dữ dội dằng xé tâm cang, làm nàng choáng váng, ngất ngư dật dờ như đang say sóng .
Quang ngồi bên chiếc ghế cạnh giường bệnh của người con gái “vô danh”, hai tay anh níu thành giường để giữ thăng bằng, mỗi khi chiếc tàu lắc lư theo ngọn sóng ngang và rồi dằn mạnh thân tàu xuống mặt biển, với cơn sóng ngược chiều đang gào thét phía bên ngoài.
Anh vén chiếc mền đắp ngang người Bạch Lan và kiểm soát sợi giây da buộc chặt thân hình bệnh nhân xuống khung giường, để giữ cho người bệnh khỏi bị lăn ra khỏi giường khi tàu lắc mạnh.
Khuôn mặt Bạch Lan bắt đầu thấy hồng hào hơn, đôi lông mày dài đậm nét nhướng lên xuống như suy nghĩ, làm cho Quang biết trong đầu cô gái đang bị khơi động mãnh liệt.
Một triệu chứng tốt vì nó cho biết người bệnh ở thời kỳ hồi sinh và có cơ hội sẽ hồi tĩnh lại trong thời gian rất gần.
Quả như dự đoán của người Y tá Việt Nam, Bạch Lan bỗng thở ra thật mạnh và từ từ mở đôi mắt vẫn còn mệt mỏi trong giấc ngủ quá dài. Nàng nhăn mặt vì còn thấy nhức đầu với vết thương mới lành trên trán, định đưa bàn tay lên dụi mắt nhưng không được vì bị vướng bởi những ống nhựa nhỏ nối chằng chịt quanh cánh tay.
Bạch Lan lim nhim mắt vì bị chói bởi ánh đèn sáng chói, rồi nàng ráng nhướng đôi mắt đen tròn lên, nhìn thấy trước mặt mình một người thanh niên xa lạ trong chiếc áo choàng trắng với cặp gương cận thị, đang tươi cười mừng rỡ khi thấy nàng tỉnh dậy.
Bạch Lan định cất tiếng hỏi thì người này lấy ngón tay trỏ để lên môi mình như muốn biểu im lặng vì sợ nàng đang còn mệt.
Chiếc tàu bỗng lắc mạnh, người thanh niên vội chống hai tay xuống thành giường, gần té trên người con gái.
Bạch Lan thấy ruột cồn cào như buồn nôn vì say sóng, nàng nghiêng người qua một bên để nôn. Quang lấy chiếc xô đựng nước dưới chân giường, một tay đỡ người của bệnh nhân, giúp cô này nôn trong chiếc xô, đặt nàng nằm xuống rồi lau miệng cho Bạch Lan.
Người thiếu nữ cảm động nhìn anh Y tá với ánh mắt biết ơn, đôi giòng lệ chợt chảy dài trên gò má. Nàng không nhớ một tí gì cả, tâm trí hoàn toàn trống vắng, cố gắng tìm lời giải đáp cho câu hỏi đang vương vấn trong đầu.
Quang nhấc cần máy điện thoại gọi cho Bác sĩ Maurice và thông báo cho vị này biết là người nữ bệnh nhân “ vô danh ” đã tỉnh giấc từ cơn mê “coma ”.
Mặc dù biển đang còn động mạnh, chiếc tàu nhồi lên nhồi xuống dữ dội, vị Bác sĩ người Pháp cũng lần đi theo hành lang tàu, chầm chậm đến ngay phòng bệnh của Bạch Lan.
-“Chào ông Quang. Cô ấy thế nào? Cô ta đã tỉnh dậy bao lâu rồi?”
-“Chào Bác sĩ Maurice. Tôi nghĩ rằng cô ấy còn mệt nhiều lắm, cô tỉnh dậy cũng gần nửa giờ rồi. Tôi đã gọi Bác sĩ ngay tức khắc.”
Bạch Lan trố mắt nằm yên lặng, ngạc nhiên nhìn người đàn ông tuổi chừng trên dưới ba mươi tóc vàng, mặc chiếc áo choàng màu trắng mà nàng đoán là Bác sĩ đang nói tiếng Tây với anh kia, mẫu đối thoại mà nàng chỉ đoán ý sơ sơ khi nghe những chữ như “ bonsoir, comment...”.
Bác sĩ Maurice đi đến cạnh giường, mỉm cười nhìn cô gái rồi cầm tay nàng bắt mạch trong khi anh Y tá đứng bên cạnh âu yếm nhìn người nữ bệnh nhân như trấn an và khuyến khích:
-“Chào cô, xin giới thiệu với cô đây là Bác sĩ Maurice và tôi là Quang, Thông dịch viên và Y tá của Bệnh Viện Hạm của Pháp quốc. Hiện nay tàu đang ở trong hải phận Qui Nhơn và ngày mai sẽ bỏ neo tại đây.”
Ông Bác sĩ tiếp tục khám sức khỏe của người nữ bệnh nhân trong khi Quang giải thích cho nàng:
-“Cô bị thương rất nặng, bị gãy ống quyển chân trái và đã hôn mê trong gần hai tuần nay rồi. Trực thăng tải thương đã đưa cô về tàu để chửa trị khi quân nhân Pháp tìm thấy cô bị thương người đầy máu, nằm bất tỉnh trên con đường đất giữa làng Vân Trình và Mỹ Chánh phía bắc thành phố Huế. Xin lỗi quý danh cô là gì và cô có nhớ chi về việc này không?”
Bạch Lan chăm chú nghe giọng nói trầm trầm của người thanh niên, nàng nhíu mày cố gắng tìm trong ký ức hình ảnh được diễn tả qua câu chuyện liên quan đến định mệnh của nàng, nhưng hoàn toàn không nhớ gì cả, kể cả tên của mình.
Bạch Lan nhìn người Y tá và lắc đầu thay cho câu trả lời.
Quang nhìn vị Bác sĩ đang chờ thông dịch lại sự đối thoại một chiều của hai người:
-“Cô ta không nhớ gì về biến cố này và ngay cả tên của cô, cô cũng không biết nữa.”
-“Tôi đoán chắc là vết thương ở đầu và cái “choke” mạnh đã làm cho cô ta mất hết trí nhớ. Phải cần một thời gian rất lâu họa may y khoa mới giúp cô ấy tìm lại được ký ức của mình. Giờ đây cô là một con người mang tung tích và lý lịch hoàn toàn mới.”
Bác sĩ Maurice lắc đầu và chép miệng như thương hại người con gái không may mắn. Ông nói tiếp:
-“Riêng về sức khỏe, cô ấy gần như hoàn toàn bình phục, nhịp tim đã trở lại bình thường, ngoại trừ chiếc chân trái phải chờ vài tháng cho xương liền lại, nhưng tôi nghĩ cũng nhanh vì cô ấy đang còn trẻ.”
Vừa nói Bác sĩ Maurice vừa biên toa thuốc đưa cho Quang để anh Y tá xuống dược phòng lấy thuốc cho bệnh nhân uống, rồi ông ta bước đến gần cầm tay Bạch Lan, nói đôi câu tiếng Pháp như vỗ về trấn an nàng và sau đó ông rời phòng bệnh.
Bạch Lan nằm yên, nhìn bốn bức tường sắt sơn trắng của căn phòng với những chiếc cửa sổ tròn bằng gương có then gài của chiếc tàu.
Bên cạnh cái giường bệnh của nàng là một hệ thống máy đo, giăng đầy chằng chịt ống nhựa với những nút xanh trắng. Cánh tay trái của nàng cũng được nối vào một ống nhỏ để chuyền nước biển vào cơ thể và nàng cảm thấy hơi đau nhói vì chiếc kim dài xuyên vào mạch máu tại cổ tay mình .
Gần đó là một chiếc bàn giấy bằng sắt sơn màu xám gắn vào tường phía dưới một máy điện thoại và một chiếc ghế sắt bọc da cũng màu xám.
Trận mưa giông có lẽ đã tan dần, gió biển bắt đầu không còn nghe hú nhiều như trước nữa và con tàu cũng lắc lư nhẹ hơn.
Người nữ bệnh nhân “vô danh” cảm thấy choáng váng và mệt mõi, đôi mắt nhắm lại và thiu thiu ngủ, bên tai nàng nghe thoang thoáng tiếng người mở cửa và tiếng chân nhè nhẹ tiến đến gần giường bệnh.
Quang đứng nhìn người con gái có làn da đẹp mặn mà đang say ngủ, anh để bao dựng thuốc uống vào hộc bàn, tắt ngọn đèn trên đầu nằm của người nữ bệnh nhân rồi lặng lẽ bước ra khỏi phòng, đi về phía chiếc máy bán cà phê và nước ngọt tại hành lang.
***
Quang vội vã cùng với những nhân viên và thủy thủ khác, lên chiếc cầu thang bắt từ chiếc tàu máy “ho bo” lên bong Bệnh Viện Hạm. Họ vừa đi “ bờ ” dạo phố tại Nha Trang về.
Chiếc tàu đã rời vịnh Qui Nhơn hơn một tháng nay và đang neo tại vịnh Nha Trang, cạnh Cầu Đá cách Hòn Lớn không xa lắm, gần một tuần lễ rồi.
Tàu có nhiệm vụ lo chăm sóc thương binh từ các mặt trận trong vùng hành quân của Pháp tại “Plateaux Montagnards”.
Chiến trường tại cao nguyên trung phần trở nên khốc liệt giữa chiến đoàn thuộc Lực lượng đặc nhiệm lưu động Pháp và các đơn vị của hai trung đoàn 804, 108 của Việt Minh tại Sông Ba, Chéo réo, Buôn Hô chung quanh Pleiku, Kontum và ngã ba biên giới Việt Miên Lào.
Trung Úy Bác sĩ Maurice cũng đã rời tàu theo đơn vị Quân Y biệt phái cho đơn vị Dã chiến của chiến đoàn Pháp đang bảo vệ Quốc lộ 19.
Chiếc bao giấy đựng quà mua tại chợ Nha Trang được Quang để tạm tại chiếc bàn trong phòng ngủ. Anh lấy ra một khung hình nhỏ, mở hộc tủ tìm cành hoa lan mà anh đã ướp khô từ hơn hai tháng nay, cẩn thận đóng khung đóa hoa, cầm lên đưa ra xa ngắm nghía. Anh mĩm cười vừa ý với việc làm của mình.
Quang cầm chiếc khung hình và một gói kẹo Tây, vừa huýt gió bâng quơ, đi về phía phòng bệnh của Bạch Lan.
Anh dừng lại trước cửa phòng, gõ cửa bước vào, chợt nghe tiếng bà Y tá Catherine la lên rối rít:
-“Đừng vào, đi ra, đi ra khỏi chỗ này... Chúng tôi rất bận rộn với cô Bạch Lan. Mời anh vui lòng đi ra khỏi chỗ này nhanh lên.
Quang đứng khựng lại, nhưng đã trễ, mặt anh nóng bừng lên rồi ấp úng xin lỗi:
-“Xin lỗi cô Catherine, tôi không biết...ồ...ồ... xin làm ơn thứ lỗi cho tôi.”
Quang quay lưng lại và đi ra, nửa bối rối ngượng ngùng, nửa nuối tiếc tò mò, mắt vẫn còn liếc về phía chiếc giường của cô nữ bệnh nhân, nơi bà Y tá Catherine đang dùng khăn lau khô thân mình và thay áo quần cho Bạch Lan.
Trống ngực anh đập mạnh khi thoáng thấy qua khóe mắt, một thân hình xinh đẹp nõn nà của người con gái, đang phơi bày, không che dấu dưới ánh đèn sáng trưng của căn phòng bệnh.
Bạch Lan cũng thẹn thùng không kém, nàng kéo vội tấm “drap” che ngực mình lại, nhìn theo người Y tá Việt Nam vội vã đi ra khỏi phòng.
Tối hôm đó, Quang trở lại phòng bệnh của Bạch Lan, xin lỗi nàng về sự đường đột hồi chiều của mình và đưa cho nàng xem khung hình có cành lan trắng và một gói kẹo Tây:
-“Cám ơn anh Quang, nhờ anh để khung hình này trên bàn hộ cho Lan, trông đẹp quá, hoa lan khô ở đâu mà anh có vậy?”
Quang không trả lời ngay, anh biết Bạch Lan không nhớ đây là cành hoa lan mà anh đã tìm thấy trong túi áo bà ba trong ngày đầu tiên khi nàng được chiếc trực thăng tải thương về Bệnh Viện Hạm.
Anh vừa sửa lại cọng gương cận thị vừa đặt chiếc khung hình bên bàn ngủ cạnh giường:
-“ À.. à... Quang thấy cành hoa này đẹp, mà lại có tên giống như là của Lan nên Quang đóng khung để tặng em đo.ù”
Bạch Lan nhìn xuống chân trái băng bột đầy chữ ký của người đến thăm viếng mà nàng không biết tên, không biết mặt mũi như thế nào cả:
-“Khi nào chân em mới lành hẳn vậy anh Quang? Em muốn ra khỏi phòng này để nhìn trời, nhìn nước một tí chứ nằm đây hoài chán chết.”
-“Bác sĩ cho biết kể từ ngày mai, Bạch Lan sẽ bắt đầu được ngồi trên xe lăn và di chuyển qua phòng bệnh khác vì bệnh tình của Bạch Lan đã cải tiến và thuyên giảm nhiều lắm rồi.”
Quang ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh giường bệnh, âu yếm cầm bàn tay thon mềm của người con gái trẻ đẹp mà anh đã đặt tên và yêu mến.

<< CHƯƠNG SÁU | CHƯƠNG TÁM >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 611

Return to top