Huyền chợt giật mình thức giấc, ánh nắng ban mai xuyên qua song cửa sổ soi sáng căn phòng ngủ nhỏ bé của Huyền.
Trời đã bắt đầu vào thu, học trò đã đi học trở lại hơn hai tuần rồi. Huyền rất vui khi gặp lại những người bạn gái cũ và những khuôn mặt mới như Hồng và Quyên, hai người con gái từ miền Bắc mới cùng với gia đình di cư vào Nam, theo học lớp đệ thất tại trường Bình Minh cùng với Huyền.
Ban đầu hai đứa này còn giữ gìn ý tứ và mắc cở khi Huyền giới thiệu tụi nó với Nguyên và Trung, nhưng chỉ sau vài ngày, Huyền đã nóng mặt và bực mình khi thấy con Hồng cứ kiếm chuyện để được gần Nguyên hoài.
Còn Quyên thì có vẻ thùy mị hơn, giọng nói thánh thót của người con gái Bắc với âm từ cao chứ không nặng như người Huế của mình. Quyên có nét đẹp dịu dàng, dáng người thanh cảnh, mái tóc dài xuống tận lưng, bay theo gió theo nhịp bước đi khoan thai không vội vã của cô.
Có lẽ vì vậy nên Huyền thích chơi với Quyên nhiều hơn với Hồng vì Huyền thấy con này lẳng lơ lắm, nghe đâu nó gần mười bốn tuổi ta rồi đó. Hèn gì mà thấy trai Huế khôi ngô, cao ráo là chập chộ.
Mà Nguyên cũng vậy, làm chi mà cứ một tiếng là Hồng, hai tiếng là Hồng, cứ như là chỉ có một đứa con gái tên Hồng trên đời này thôi, đôi khi Huyền thấy ghét Nguyên chi lạ, nhưng rồi lại thấy nhớ Nguyên dễ sợ trong những ngày cuối tuần như sáng hôm nay.
Huyền nhớ lại, cách đây khoảng hơn một tháng, sau một ngày hè nóng nực, trời mưa giông thật lớn vào buổi chiều.
Cũng như những lần trời mưa trước mà Huyền thường thích, lần này nàng cũng để nguyên cả bộ áo quần màu tím hoa cà đang mặc, đứng tắm dưới máng xối tại góc sau nhà. Nước mưa mát rượi chảy tuôn xối xả xuống thân hình bắt đầu nẩy nở của Huyền. Nàng thấy thích thú khi xoa hai tay dọc theo cơ thể của mình.
Huyền đang nhắm mắt, ngửa mặt lên và để mặc cho giòng nước chảy qua dưới chiếc áo mỏng nâng niu vuốt ve thân hình. Chợt nàng nghe tiếng động từ cửa nhà sau của Nguyên, nàng mở mắt ra quay nhìn về phía đó. Nàng thấy Nguyên cũng vừa đi ra, trong chiếc quần tắm màu xanh đậm, làm nổi bật thân hình trắng trẻo cân đối của cậu con trai đang lớn.
Nguyên cười và hỏi Huyền có lạnh không? rồi không chú ý gì đến thân hình của Huyền đang hiện ra dưới lớp áo quần dính sát vào người của cô bạn gái. Sau đó hai đứa đứng cạnh nhau dưới máng xối và vui vẻ đùa tắm với nhau như mọi lần.
Tuy nhiên đây là lần đầu tiên trong tâm tư của cô láng giềng, một cảm giác lạ lùng đang dâng lên, một thứ tình cảm tuyệt vời làm nàng đỏ mặt lúc Nguyên vô tình chạm phải người nàng, khi cậu cúi xuống lượm cục xà phòng bị tuộc khỏi tay rơi xuống đất.
Chiều hôm ấy sau khi tắm xong, hai đứa vào nhà thay áo quần rồi rủ nhau ra sau bờ hồ xem hoa sen đang nở đầy. Huyền ngồi cạnh Nguyên trầm ngâm không líu lo như mọi lần, đến nỗi Nguyên phải hỏi đi hỏi lại nhiều lần về đề tài một câu chuyện.
Huyền đang còn bị ám ảnh bởi sự đụng chạm vô tình hồi chiều khi hai đứa tắm dưới mưa. Nàng vẫn thắc mắc không biết có thật là Nguyên không chú ý hay là cậu ta giả vờ khi thấy Huyền có vẻ lúng túng đỏ mặt. Nếu là giả vờ vô tình trong khi Nguyên cố ý thì thiệt là dễ ghét.
Trên không trung, về phía bên kia hồ, cạnh bức thành xây bằng gạch đỏ chạy quanh bờ hồ, phân chia ngoại thành và nội thành, những con chim én bay lượn trong ánh tà dương. Từng bong bóng cá thỉnh thoảng gây thành những tiếng động nhỏ lách tách trên mặt hồ sen, thấp thoáng dưới mặt nước là những thân hình đen tuyền, dài bằng hai, ba gang bàn tay, đang lội tìm mồi. Đây là những con cá tràu lớn, thường nổi lên mặt nước hồ để kiếm muỗi và sâu bọ, đặc biệt sau những trận mưa giông như chiều hôm nay.
Từ xa thỉnh thoảng vọng lại những tiếng súng pháo binh bắn đi từ các đơn vị đồn trú chung quanh ngoại ô thành phố Huế, nhắc nhở cho mọi người Huế biết là quân đội viễn chinh Pháp đã trở lại vùng đất khô cằn này.
Cha Nguyên nói chiến tranh đã tiếp tục dữ dội và tàn khốc giữa Việt Minh và Pháp khắp toàn lảnh thổ, nhất là tại vùng thượng du Bắc Việt, sau khi Quân đội Pháp đổ bộ hai Sư đoàn lính từ Bắc chí Nam vào tháng 2 năm 1946 theo thỏa ước giữa quân đội giải giới Trung Hoa, Pháp và Việt Minh.
Tình hình an ninh chung quanh thành phố Huế cũng không được khả quan gì lắm, từng toán quân nhỏ của Việt Minh thường xuất hiện, phục kích và tấn công các đoàn công voa của Tây dọc theo quốc lộ Một trên lộ trình từ Huế đến Quảng Trị. Ngoài ra Việt Minh còn đặt mìn giật sập cầu cống và đường xe lửa Huế - Đà Nẳng, gây nhiều thiệt hại và kinh hoàng cho người dân Huế.
Huyền dự trù về thăm quê mẹ tại làng Mỹ Chánh trước khi tựu trường, nàng hỏi Nguyên:
- “ Nguyên ơi, thứ bảy này Huyền theo mẹ ra Mỹ Chánh thăm bà con, Nguyên muốn đi theo với Huyền cho vui không?”
- “ Thật à, Nguyên thích lắm nhưng phải xin phép cha đã, mà chắc thế nào ông cũng cho đi. Nguyên cũng muốn đi ngang qua An Hòa và An Lỗ để xem có gì thay đổi so với ba năm trước hay không. Mới đó mà mau ghê Huyền hí, Nguyên nhớ lại buổi đầu tiên mình mới quen nhau, Huyền bảo người bán chim thả mấy con bồ câu, thế mà đã hơn ba năm rồi.”
Huyền không trả lời, nàng đang vui khi nghe Nguyên đồng ý đi về làng với mình, để có thời giờ gần gũi nhau:
- “ Huyền còn nhớ cậu Tuấn của Nguyên không?” Nguyên vừa ném hòn đá sỏi xuống mặt hồ vừa nói tiếp:
- “ Cậu ấy đi kháng chiến cũng được hai năm rồi, Nguyên chưa gặp lại và cũng không biết cậu ấy đang ở đâu và làm gì.” Huyền ngồi yên lặng, nàng biết mỗi lần nhắc đến người cậu là Nguyên rất buồn.
- “ Cách đây một năm, cậu ấy về thăm ngoại trong một buổi tối, rồi vội vàng dẫn dì Bé đi với cậu luôn. Cậu ấy quá tệ, không ghé thăm mẹ và thăm Nguyên một phút nào cả.”
Nguyên ngừng nói, lượm một hòn đá khác tung mạnh ra xa làm nước văng lên tung tóe.
Mùi thơm của hoa sen đang nở đầy, thoang thoảng bay theo làn gió mát của buổi hoàng hôn. Bỗng nhiên đôi bạn trẻ nghe trên không trung văng vẳng tiếng sáo của ai thổi, trầm bổng réo rức với điệu nhạc buồn muôn thuở của quê hương. Nguyên lắng nghe, hình như là bản “Tiếng xưa” thì phải.
Nguyên cảm thấy mắt của mình hơi ươn ướt, Nguyên đang nhớ đến cây sáo tre của anh bạn tại làng La Chữ mà Nguyên đã tặng cho cậu Tuấn. Kỷ niệm và lòng thương nhớ làm cho Nguyên xúc động nhiều. Nguyên chợt thấy bàn tay của Huyền đang vỗ về trên vai mình như an ủi, cậu lấy tay gạt nhanh hai hàng nước mắt rồi nhìn Huyền cười gượng như thú thật và cám ơn.
Đột nhiên Huyền xoay người lại hôn nhẹ vào má Nguyên, rồi như thẹn thùng, nàng đứng nhanh dậy chạy về phía nhà của hai người.
Nguyên chậm rãi đứng dậy, nhìn về phía đông, về hướng vầng trăng mười bảy đang từ từ lên cao dần sau ngọn dừa bên cạnh hồ sen.
***
Những hồi còi xe lửa vang dội trên sân ga lớn, thúc dục hành khách đang vội vã leo lên cầu thang của những toa xe cũ kỹ.
Sau một hồi còi dài, chuyến tàu lửa đi Quảng Trị rời sân ga và xình xịch lăn trên con đường rầy sắt, nặng nề di chuyển về hướng bắc.
Hai mẹ con Huyền và Nguyên chọn chỗ ngồi ở giữa toa xe và gần cửa sổ nhìn ra ngoài. Tàu vừa đi ngang qua cầu Bạch Hổ trên sông Hương. Từng cơn gió mát rượi từ sông thổi lên làm tung mái tóc dài của Huyền vướng vào mặt Nguyên. Huyền nhìn bạn cười thích thú, bàn tay nàng đang rụt rè tìm bàn tay người bạn học quý mến, rồi siết chặt lại như muốn âu yếm tỏ một điều gì.
Chiếc xe lửa chạy một hồi rồi đừng lại tại ga An Hòa, ga An Lỗ, tại nhà ga người buôn kẻ bán thật là tấp nập, họ bán nào là hột vịt lộn, xôi đậu xanh, cam sành, mảng cầu..., thôi thì đủ thứ. Ba người mua một ít trái cây và vài gói xôi để ăn dằn bụng.
Những người dân quê khổ sở, khiêm nhượng buôn bán kiếm tiền nuôi gia đình qua ngày, thiếu ăn thiếu mặc hằng ngày, thỉnh thoảng lại phải trốn tránh bom nổ đạn bay, mạng sống bấp bênh vì bị giành giật giữa Cọng sản và thực dân Pháp.
Mặc dầu vậy họ vẫn không than thân trách phận mà luôn luôn cần cù, chịu đựng tranh sống với định mệnh an bài cho gia đình mình.
Nguyên đăm chiêu trong ý nghĩ, thẫn thờ nhìn những hàng cau, rặng dừa đang chạy thụt lùi về sau, trước dãy núi xanh tươi hùng vĩ của dãy Trường Sơn, nằm tận phía xa, bên trái quốc lộ Một. Phía bên tay mặt của quốc lộ là những đụn cát trắng xóa trải dài, sau lưng bãi cát này, là những làng đánh cá dọc theo bờ biển thuộc quận Hương Điền giữa làng Lại Hà và Vân Trình.
Những hồi còi tàu vang lên rộn rã, tàu sắp sửa đến ga xe lửa Mỹ Chánh. Hành khách đứng dậy chuẩn bị hành lý, Huyền ra dấu cho Nguyên cứ ngồi yên chỗ cũ, chờ cho xe lửa dừng hẳn và đợi hành khách xuống trước, sau đó cả ba người từ từ bước ra cầu thang và đi vào sân ga.
Trời đã xế trưa, trên trời từng đám mây trắng lờ lững bay cao dưới bầu trời xanh ngắt. Từng cơn gió thỉnh thoảng thổi nhẹ mang theo mùi lúa chín chưa gặt.
Nguyên cầm chiếc xách tay và chiếc giỏ đựng quà của mẹ Huyền mang về tặng bà con, sánh bước cạnh hai mẹ con Huyền, đi về phía cổng làng. Hai bên đường là ruộng lúa màu vàng đậm đang cuộn sóng theo ngọn gió của một ngày cuối mùa hè.
Gió mát dìu dịu làm giảm bớt cơn nóng của buổi trưa. Văng vẳng trong gió tiếng sáo diều đâu đây. Từ xa bên bờ đê của con sông Ô Lâu nhỏ cạnh làng Mỹ Chánh, chú mục đồng đang thơ thẩn trên mình trâu, thản nhiên chăn đàn trâu đang ăn cỏ bên cạnh bờ lau. Thiên nhiên là một bức tranh sống đang hiện ra trước mắt Nguyên, cậu thích thú và thầm cám ơn Huyền đã cho mình cơ hội được gần quê hương xinh đẹp của nàng.
Căn nhà của cậu mợ Huyền nằm gần cuối làng trên một khu đất thật lớn, có chuồng trâu phía sau nhà và vườn trồng trái cây đang nặng trĩu cành. Bên hông nhà là một vườn rau cải, bắp, bầu bí..., thôi thì đủ thứ rau cải, trái nào trái nấy mập tròn và dài tận xuống đất.
Cậu của Huyền vui vẻ ra đón ba người từ Huế về thăm, vợ của ông sau khi ra chào hỏi, hướng dẫn ba người để chỉ cho biết chỗ ngủ tạm sau nhà.
Hai đứa con trai vừa lên năm và bảy tuổi đến làm quen với Nguyên và hỏi chuyện líu lo. Chúng nó cầm tay Nguyên kéo ra sau chuồng trâu và khoe với Nguyên con trâu mẹ mập mạp trong chuồng, bên cạnh là con nghé đang chạy quanh mẹ tìm vú sữa để bú.
Sau khi ăn cơm chiều, Huyền dẫn Nguyên ra con đê bên cạnh nhà, đối diện với hàng dừa xanh, cạnh ruộng lúa của cậu. Đôi bạn trẻ tay trong tay, thảnh thơi rảo bước dọc theo bờ lau, thả hồn nhìn những con cò trắng đang bay lượn rồi đáp xuống ruộng lúa tìm mồi. Trời đã bắt đầu về chiều, từng đàn chim tung cánh về hướng núi, buông những tiếng kêu gọi đàn, bay trong đội hình hành dọc trong buổi hoàng hôn màu tím nhạt của miền quê thanh bình.
Tối hôm đó, một lần nữa, Nguyên trằn trọc không ngủ được, cậu đang nhớ lại những đêm dài, ba năm trước đây, khi theo cha mẹ tản cư trốn Tây tại căn nhà của bà mẹ cả. Nguyên nhớ ông thầy chùa và tiếng tụng kinh trầm bổng của ông. Không biết ông còn sống hay không và đang làm gì. Một con người thật là bí mật núp dưới chiếc áo nâu sồng.
Mặt trời đã lên cao trên ngọn tre trước nhà, Nguyên dụi mắt ngồi dậy, cậu đã ngủ mê và chìm đắm trong một cơn mộng ảo. Nguyên đi ra phía nhà sau, cạnh lu nước để đánh răng và rửa mặt. Nước mát lạnh làm Nguyên tỉnh hẳn và cảm thấy thoải mái.
Nguyên đi ra nhà trước, Huyền đang giúp mợ dọn thức ăn sáng ra bàn, nàng mĩm cười khi Nguyên đến gần, âu yếm nói:
- “ Thấy Nguyên ngủ ngon quá nên Huyền không thức Nguyên dậy, chắc tối qua thao thức hay sao mà ngủ dữ vậy.”
Nguyên gật đầu như thú nhận rồi chào mẹ và mợ Huyền.
Cậu Huyền và hai đứa con trai đã dậy sớm và dẫn trâu ra ruộng từ rạng đông như thường lệ. Hai đứa nhỏ nhờ nhắn lại với Nguyên là chúng nó sẽ dẫn Nguyên đi câu cá, trưa nay khi trở về nhà.
Sau khi ăn sáng, Huyền dẫn Nguyên ra chợ làng đang nhóm họp trước sân đình. Thật đúng là chợ miền quê vì hàng hóa là sản phẩm địa phương, rau cải, thịt heo, cá bắt được từ đìa như cà tràu, cá trê... tôm càng nước ngọt đánh được từ sông đang còn tươi xanh, nhảy lung tung trong chiếc rổ tre.
Hàng buôn bán áo quần chở ra từ Huế, ít được người dân quê tại đây chiếu cố nhiều, có lẽ vì họ đã an phận với những gì họ đang có và chỉ mua sắm áo quần mới trong những dịp đặc biệt như cưới hỏi hay Tết âm lịch mà thôi.
Nguyên và Huyền ghé lại cửa hàng bán thức ăn, mua một ít trái cây rồi thuê hai chiếc xe đạp. Hai đứa đạp xe song song bên cạnh nhau trên con đường làng, đi về hướng biển. Bầu trời trong xanh, không một gợn mây, gió từ đồng lúa thổi nhè nhẹ, chim én bay lượn bên giòng sông Ô Lâu chảy dọc theo con đường dẫn về làng Vân Trình.
Hai bạn trẻ thích thú chậm rãi trên bàn đạp, thưởng thức những giây phút thoải mái bên nhau với cảnh đẹp đồng quê.
Sau khi đạp xe độ một tiếng đồng hồ, lúc gần được nửa đường đến biển, phong cảnh hai bên dần dần đổi khác. Huyền và Nguyên bắt đầu nhận thấy những dấu vết của chiến tranh để lại trên miền quê yêu dấu. Những ngôi nhà cháy nám đen nằm thiểu não, trên bãi đất nhiều hoa màu, nay đã bị bỏ phế. Thỉnh thoảng, trên vệ đường, những gì còn lại của vài chiếc xe quân đội Pháp, nằm ngả nghiêng và bắt đầu rỉ sét, bên hông xe là những vết đạn không đều đặn và những lỗ hổng do mìn bẫy tạo ra.
Nguyên cảm thấy không được vui trước hình ảnh thực tại của đất nước, chiến tranh đã và đang tiếp tục dày xé quê hương Việt Nam, đang tiêu diệt những đồng lúa vàng nặng trĩu hạt, nuôi sống dân quê nghèo khổ và gieo tang tóc cho những người dân mộc mạc khắp từ thành thị đến thôn quê.
Nguyên nói với Huyền quay trở về Mỹ Chánh. Trên đoạn đường về, hai đứa không nói với nhau nhiều như hồi sáng và cảnh vật chung quanh cũng không còn làm cho họ vui thích như trước nữa.
Ba ngày trôi qua thật nhanh, sáng nay, Nguyên và hai mẹ con Huyền từ giã cậu mợ Huyền và hai đứa nhỏ để trở về Huế. Chuyến xe lửa rời ga Mỹ Chánh trong một buổi sáng nhiều mây. Khi xe chạy được một lúc, gần đến ga An Lỗ, Nguyên nhìn thấy từng đoàn công voa, chạy ngược chiều về hướng Quảng Trị. Xe chuyên chở đầy lính Lê Dương, trang bị đầy đủ súng ống như là đi hành quân lớn. Theo sau đoàn công voa là những xe tăng, xe thiết giáp chạy chậm hơn. Nhìn những khẩu đại pháo kéo sau xe mười bánh, Nguyên đoán biết lần này lính Tây đang đưa quân đi tham chiến lớn tại một nơi nào đó.
Đoàn công voa chạy ngược chiều chấm dứt với những chiếc xe mang cần câu dài, những xe truyền tin, đầu nảo liên lạc với đội quân viễn chinh.
Hành khách trên xe lửa nhìn theo đoàn công voa với ánh mắt lo âu và buồn bã. Mọi người không biết vùng đất nào sẽ trở thành tử địa trong những ngày sắp tới.
Chiến tranh phá nước và hại dân còn triền miên xảy ra hàng ngày trên quê hương Mẹ Việt nam đã làm cho biết bao nhiêu mầm non đất nước nằm xuống trong lòng đất lạnh cằn cỗi này.
***
Trường Trung học đệ nhất cấp được xây cạnh nhà máy đèn cũ phía nam cầu Thanh Long, cách trường Tiểu học Thanh Long chừng bốn trăm thước.
Trường Bình Minh được hướng dẫn bởi cha Thành, hiệu trưởng và một số nhiều giáo sư tiếng tăm tại Huế. Trường chỉ có sáu lớp, hai lớp đệ thất, hai lớp đệ lục, một lớp đệ ngũ và một lớp đệ tứ.
Đây là một trường tư nhưng tiền học phí rất rẻ so với những trường khác như là trường Thiên Hựu hay trường Bồ Đề.
Sáng nay như thường lệ, sau khi chào cờ xong, học sinh bắt đầu vào lớp học, đột nhiên cả trường nhốn nháo vì thấy xe của cảnh sát chạy vào đậu tại sân trường.
Nguyên và Huyền ngạc nhiên nhìn thấy ngoài những cảnh sát viên trong đồng phục, còn có những người đàn ông trong y phục dân sự, có lẽ là an ninh thì phải, mang những khẩu súng lục sau thắt lưng.
Những người này đi vào văn phòng của trường, một lúc sau mọi người thấy cha Thành ra nói chuyện với họ, trên tay ông là một xấp truyền đơn, ông đang đưa cho người trưởng toán cảnh sát.
Nói chuyện được một hồi, cha Thành hướng dẫn hai người, một người trong đồng phục, người kia mặc đồ dân sự đi vào từng lớp học như lùng kiếm ai.
Khi đến lớp đệ tứ, họ nói chuyện với vị giáo sư đang dạy tại đây và một lúc sau, Nguyên thấy họ còng tay hai nam học sinh, khoảng mười lăm, mười sáu tuổi, dẫn ra xe Jeep và chở hai học sinh này về bót cảnh sát.
Cha hiệu trưởng tập họp tất cả học sinh tại sân trường và thông báo cho biết những gì đã xẩy ra. Cha Thành nói là sáng hôm nay thầy giám thị đến trường rất sớm như mọi ngày và khi đi kiểm soát các lớp học để chuẩn bị trước khi học trò đến, thầy lượm nhiều truyền đơn của Việt Minh kêu gọi học trò hãy sẵn sàng tiếp tay với kháng chiến nổi dậy đánh đuổi thực dân và lật đổ chính phủ bù nhìn Bảo Đại. Thầy đã thông báo cho cơ quan chính quyền biết và hai học sinh liên hệ với Cọng sản đã bị bắt điều tra. Cha yêu cầu học trò nên chăm chú vào việc học vấn và đừng đem những việc làm chính trị vào trường học. Việc điều tra của cảnh sát vẫn còn tiếp tục và cha rất buồn về những biến cố đã xảy ra trong trường Bình Minh của cha.
Sau câu chuyện truyền đơn tại trường, Nguyên thấy Trung ít nói hơn thường lệ và nhiều lúc hắn thường ngồi một mình và có vẻ đăm chiêu suy nghĩ về một việc gì.
Hôm nay thứ bảy, ba đứa rủ nhau đi tắm biển Thuận An, cách Huế khoảng 10 cây số. Chúng nó dậy thật sớm và lên đường khi mặt trời sắp mọc. Ba chiếc xe đạp của ba người bạn qua cầu Trường Tiền trước đây có sáu vài, nay chỉ còn lại bốn vài và tám nhịp vì hai vài cầu đã bị sập vì phá hoại.
Sau khi qua khỏi Vĩ Dạ, rồi chợ Mai, cảnh vật miền quê bắt đầu hiện ra, nhà cửa thưa thớt dần dần. Những hàng dừa xanh rũ bóng trên nhánh sông nhỏ của giòng Hương Giang lờ lững, xen lẫn vào là những cây cau với chùm cau nặng trĩu trái. Cánh đồng lúa vừa gặt xong còn lại những đụn rơm rải rác chưa dọn.
Từng con cò trắng bay lên, đáp xuống thong thả rảo bước kiếm mồi. Xa xa về hướng biển, vừng dương vừa mọc, tỏa ra những tia sáng màu hồng nhạt trên vòm trời trong xanh của buổi sáng.
Muốn đến Thuận An, thuở ấy phải qua đò, chuyên chở khách từ Huế về chơi ngang qua phá Tam Giang, sông không rộng lắm nhưng đôi lúc mặt nước nổi sóng chập chùng, nhất là vào những buổi chiều nhiều gió.
Chiếc thuyền nhỏ chở Huyền, Trung, Nguyên và ba chiếc xe đạp do một cậu bé nhỏ hơn họ khoảng vài tuổi nhưng đã rất thành thạo lèo lái. Mạn của thuyền chỉ còn cao hơn mặt nước độ hai gang tay làm Huyền lo sợ nước vào chìm thuyền nên nàng ngồi yên không dám nhúc nhích.
Ba người trả tiền đò rồi dắt xe đạp lên khỏi bến, tiếp tục nhấn mạnh bàn đạp hướng về bãi tắm Thuận An cách đó không bao xa. Khách đi tắm biển rất đông, vì hôm nay cuối tuần trời đẹp, tiếng cười nói xôn xao vui vẻ.
Bãi cát trắng xóa trải dài đã hiện ra trước mắt mọi người. Từng tiếng sóng vỗ rì rào như thúc dục họ đạp xe nhanh hơn trên con đường đất dẫn đến bãi biển.
Ba người xuống xe, đi bộ ra bãi cát của bờ biển nổi tiếng miền Trung. Huyền quá thích thú, nàng nói với hai bạn đang cắm cúi dựng những chiếc xe đạp lại với nhau để làm giá dựng lều:
- “Này Nguyên và Trung ơi, đây là lần đầu tiên mình đi tắm biển đây nghe, chưa tắm mà đã thấy thích quá rồi, biển Thuận An quá đẹp phải không hai bạn?”
Trung nhanh nhẩu trả lời:
- “ Trung cũng vậy, đây cũng là lần đầu, may có Nguyên biết đường hướng dẫn nên hai đứa mình mới có một cơ hội đi xuống biển chơi như hôm nay.”
Nguyên tiếp lời hai bạn:
- “ Cha Nguyên đưa gia đình xuống đây mấy lần rồi, vì biết Nguyên thích biển, à mà lạ thật nghe, mỗi lần nói đến biển là Nguyên cảm thấy như được gần với một môi trường đem đến phấn khởi cho Nguyên.”
- “ Huyền nghe bác gái nói Nguyên say mê biển lắm, nhất là những lần xuống đây, Nguyên ở mãi dưới nước không thèm ăn uống chi cả, phải không?”
- “ Ừ đúng như vậy Huyền ơi, mình không thấy đói, chỉ ham mê được dầm mình dưới làn nước ấm của Thuận An là đã thấy no bụng rồi”
Nguyên vừa cười vừa trả lời người bạn gái rồi say sưa diễn tả tâm tư của một người yêu biển:
- “ Hai bạn chờ cho đến chiều, khi mặt trời sắp lặn, bãi biển nổi gió, để rồi ngồi nhìn ra biển màu xanh thẩm, nhìn những cơn sóng bạc đầu đuổi nhau cuồn cuộn vào bờ rồi vỗ mạnh trên bờ cát, làm văng tung tóe những bọt nước bay theo ngọn gió biển mang mùi thơm của đại dương, khi đó hai bạn mới thấy tại sao Nguyên thích xuống đây để được gần biển.”
Huyền ngồi trên cát, yên lặng đắm đuối nghe người bạn trai yêu mến của mình đang thả hồn trong câu chuyện nói về biển mà quên hết không gian chung quanh.
Nàng biết lòng mình thật nhiều. Một thứ cảm tình đặc biệt đã đến với người con gái mười bốn tuổi, lứa tuổi dậy thì, nhưng lớn hơn trong tình cảm gái trai. Không biết đây là tình thương hay chỉ là tình bạn, dù vậy nhưng Huyền cũng biết đời mình sẽ rất thiếu thốn nếu không có Nguyên bên cạnh. Mẹ thường nói con gái Huế lãng mạn lắm, có lẽ vì họ lớn lên trong hoàn cảnh chiến tranh và trong môi trường sống thơ mộng của miền sông Hương núi Ngự, với phong cảnh nên thơ và trữ tình chung quanh. Đặc biệt hơn nữa, những sách báo tiểu thuyết xuất bản, những sáng tác thơ và nhạc trong thời gian gần đây đều có khuynh hướng ca tụng về tình yêu trai gái đã ảnh hưởng rất nhiều tâm tư của gái trai trong lứa tuổi mười bốn mười lăm.
Ngoài ra với hoạt động và phương tiện di chuyển thiếu thốn, học trò đi bộ đến trường mỗi ngày, tập thể dục và giúp đỡ cha mẹ công việc đòi hỏi đến sự vận dụng tay chân, cơ thể của họ nẩy nở tự nhiên với những sinh hoạt hàng ngày.
Huyền còn nhớ chiều hôm qua, như thường lệ khi mẹ giúp kỳ cọ sau lưng trong lúc Huyền đang tắm, mẹ rất ngạc nhiên và làm cho Huyền đỏ mặt khi bà nhận xét về thân hình nẩy nở và thay đổi quá nhanh của nàng. Mẹ còn nói là thân hình Huyền có lẽ còn bự hơn thân hình của mẹ lúc bà lấy ba khi bà vừa hơn mười sáu tuổi một tí.
- “ Làm gì mà đăm chiêu giữ vậy? Chuẩn bị xuống tắm với tụi này đi chứ”
Trung vừa đến bên cạnh Huyền và đưa tâm tư nàng trở về với tiếng sóng rì rào lớn hơn lúc mới đến. Huyền nhìn quanh, những con hải âu màu trắng xám đang bay lượn kiếm mồi trên cơn sóng bạc đầu. Những cuộn mây hồng lơ lửng trên bầu trời. Từ xa những thuyền cá đang thấp thoáng nhấp nhô trên biển trời đã nối lại thành một bức thảm màu xanh dương trải dài đến nơi xa thẳm ngàn trùng, vô tận.
Nguyên đang vùng vẫy bơi lội trong dòng nước biển trong, cậu bơi dọc theo bờ biển thay vì bơi ra xa, có vẻ thích thú và quên hết những ưu tư của cuộc đời, của chiến tranh, mặc dù chỉ trong khoảng khắc này thôi.
Trung thì vẫn lăng xăng bên cạnh Huyền và như muốn gây sự chú ý của Huyền về sự hiện diện của cậu ta. Nhưng nào Huyền có để ý gì đến thân hình ốm nhom, trắng bệt của người bạn thư sinh này đâu, nàng đang theo dõi một thân hình đang trườn mình trên sóng và rồi Huyền đứng dậy, chạy nhanh trên cát như bị lôi cuốn bởi sự nung nấu của lòng mình, nhào xuống làn nước biển một cách vội vã như buông trôi, như thả lỏng tâm tình, để mặc cho cậu Trung đang đứng ngẩn ngơ nhìn theo thân hình tròn trịa dễ thương trong bộ áo màu tím nhạt của người bạn gái mà Trung thương mến nhiều. Thế rồi cậu ta cũng chạy xuống và nhào mình vào những cơn sóng đang cuộn vào bờ.
Ba người tung tăng trong sóng nước của đại dương mãi cho đến gần xế trưa, thỉnh thoảng Huyền thấm mệt chạy lên ngồi nghỉ trong căn lều vải khéo dựng lên bởi Trung, rồi sau đó lại chạy xuống hòa mình với dòng nước và với tình bạn thân thiết của ba người.
Tối hôm đó trăng mười bốn mọc sớm trên biển xanh đậm, ba người đến cạnh khán đài cất vội, nơi đang trình diễn văn nghệ dành cho du khách tắm biển của Bộ thông tin Huế. Ban nhạc đơn giản với ba người chơi nhạc cụ và vài nam nữ ca sĩ được biết tiếng tại Cố đô.
Nghe hát một lúc, họ rủ nhau lấy đèn bin để đi bắt mấy chú còng còng đang chạy trên cát. Chỉ trong một giờ rượt đuổi mà ba người đã chụp được gần ba chục con còng còng, mập ú giống như những con rạm đồng thường thấy bày bán ở chợ cá trên Huế.
Trung chạy quanh vào trong khu cây mọc phía sau những quán lá, lượm một ít cành cây khô và rong biển khô rồi cùng Nguyên nhúm lửa. Không biết cậu ta học được từ đâu mà rất thành thạo về việc này, Trung chất cành khô theo hình tam giác, quẹt diêm nhóm lửa và để lửa bắt mồi và cháy bùng từ các rêu biển, bắt vào cành cây khô. Trung lấy mấy que nhọn xâm vào vài con còng còng rồi nướng trên ngọn lửa đỏ. Thế là ba người bạn có một chầu còng còng nướng vỉ ngon ngọt tuyệt vời nhờ tài nấu nướng dã chiến của Trung.
Trời về khuya, trăng cũng đã lên cao rồi, nhẹ tỏa ánh sáng trắng đục xuống biển Thái Bình Dương, lóng lánh như suối vàng. Trên bãi biển, từng chiếc lều vải dựng cạnh nhau, bên trong lều, bập bùng ánh đèn sáp hay chập chờn ánh sáng đèn bin.
Cảnh vật quá nên thơ và đơn giản như cuộc sống của thanh thiếu nữ Việt Nam trong cuối năm bốn mươi và đang chuẩn bị đi vào thập niên mới, thập niên năm mươi, trong hoàn cảnh bấp bênh và không tương lai vì hậu quả chiến tranh đang tiếp tục xảy ra trên đất nước thân yêu của họ.
Những thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên trong cuộc chiến không trận tuyến, giữa những tranh giành quyền lực của đại cường quốc đang đi tìm thuộc địa tại các quốc gia nhược tiểu quật cường. Những người trẻ này chỉ muốn tìm quên định mệnh trong giây lát bên cạnh người thân, những người bạn đồng chí, đồng hành trong chuyến viễn du không định hướng của cuộc đời son trẻ và đã lớn trước tuổi, mang tâm trạng yêu cuồng sống vội.
***
Những cuộc điều tra và bắt bớ học sinh thân Cọng sản tại trường Trung học Bình Minh vẫn tiếp tục trong tuần lễ kế tiếp. Một bầu không khí lo sợ và nghi ngờ lẫn nhau luôn luôn bao trùm sinh hoạt của trường và ảnh hưởng rất nhiều đến tinh thần và sự học vấn của học sinh.
Trong lúc chiến cuộc lan tràn khắp miền Bắc, thì tại ngoại ô thành phố Huế, những cuộc chạm súng giữa Cộng sản và thực dân Pháp tăng dần lên đến cấp Tiểu đoàn, rồi Trung đoàn. Hằng đêm người dân hiền hòa nghe từng tiếng súng pháo binh vọng về càng gần hơn. Sau đêm ngủ trong phập phồng suy tư, họ tỉnh dậy với những tin tức chết chóc, thiệt hại của đôi bên, được thổi phồng bởi các nhà báo hoặc những phóng viên chiến trường.
Hằng ngày trên con đường đi về hướng phi trường Phú Bài, người dân ở dọc hai bên đường An Cựu nhìn thấy từng đoàn xe mười bánh của quân đội Tây, chở thi hài của lính bị tử thương trong các trận đánh, chạy về phi trường để máy bay mang họ về quê hương bên phương trời Tây.
Cuộc sống trong thành phố bề ngoài vẫn yên ổn nhưng trong thâm tâm ai cũng biết chỉ là giai đoạn, vì tình hình an ninh chung quanh Huế không mấy khả quan. Những chuyến tàu lửa đi Đà Nẳng thường bị giật mìn tại đèo Hải Vân; tàu đi Quảng Trị thì bị phục kích tại Mỹ Chánh, An Hòa ...
Đoạn đường ngày trước Nguyên và Huyền vui vẻ dạo chơi trên hai chiếc xe đạp cách đây một năm, nay đã trở thành huyết lộ với những trận chiến dữ dội cấp Trung đoàn, giữa đơn vị thuộc Trung đoàn 95 của Việt Minh và quân đội Pháp. Con đường này được các cấp chỉ huy của thực dân Tây đặt tên là “Con Đường Không Vui” để nói đến những nguy hiểm, lo âu, thiệt hại và ưu tiên quân sự của con đường “ thơ mộng” không còn nữa này, một con đường mang nhiều kỷ niệm ngày nào của hai cô cậu học trò nhỏ mà có tâm hồn người lớn.
Những địa danh như Vân Trình, Phò Trạch, sông Ô Lâu, Lại Hà, La Chữ thường được nhắc đến hằng ngày trong các bản tin tới tấp gửi về báo cáo và đăng tải trên báo chí tại Huế, liên quan đến các cuộc đụng độ giữa Việt Minh và Tây Lê Dương.
Mợ của Huyền đã đưa hai đứa con trai vào Huế và ở tại nhà của cha mẹ Huyền sau khi chồng của bà bị Việt Minh đưa ra đấu tố và kết án là điền chủ “bóc lột?” máu mủ của đồng bào. Cậu mợ của Huyền đã than khóc, năn nỉ và giải thích cho họ biết mình là người vô tội, cần cù lo việc đồng áng và mặc dù chỉ vừa đủ ăn, vẫn thường hay giúp đở những đồng bào thiếu thốn, chứ chưa lần nào bóc lột sức lao động như những lời buộc tội.
Sau khi lên án là địa chủ ngoan cố, nhưng với lòng khoan hồng của chính phủ “Cách mạng”, tòa án nhân dân tha cho vợ con của tội nhân và thi hành bản án tử hình tên địa chủ “ khát máu” đồng thời tịch biên nhà cửa, ruộng vườn kể cả hai con trâu của “kẻ thù nhân dân”. Chiếc hòm làm bằng gỗ thông được đóng sơ sài và vội vã bởi những người nông dân mà trước đây cậu mợ thường hay giúp đở. Đám táng đơn giản do những người bạn thân liều lĩnh tổ chức cho gia đình sau khi cán bộ Việt Minh niêm phong nhà của mợ và dẫn hai con trâu đi mất.
Mợ thu xếp vài áo quần cũ và những đồ kỷ niệm của hai vợ chồng, từ giã những người bạn đưa tiển tại sân ga Mỹ Chánh rồi gạt lệ cùng hai đứa con trai rời bỏ mảnh đất yêu dấu mà mợ đã lớn lên và chung sống với cậu trong tình thương vợ chồng, hơn ba mươi năm cần cù làm việc.
Nước mắt chảy dài trên gò má của người quả phụ, nạn nhân của chiến tranh và Cách mạng giải phóng dân tộc. Nhìn những hàng cau, rặng dừa chạy thụt lùi về phía sau, mợ đau buồn thương tiếc người chồng quá cố, chết tức tưởi không toàn thây, đang nằm cô đơn trong lòng đất lạnh nơi quê hương chôn nhau cắt rún của ông. Những mộng ước của cuộc đời, những đêm vắng cùng nhau ngồi nhìn trăng lên cao dần sau hàng cau trước sân nhà, trong đêm thâu tỉnh mịch với tiếng côn trùng hòa nhịp trong vùng quê hẻo lánh hiền hòa, nay chỉ là những kỷ niệm đau thương trong lòng người thiếu phụ, đang ôm chặt hai đứa con trai vừa mồ côi cha.
Huyền ngồi thờ thẫn bên cạnh Nguyên, nước mắt chảy dài xuống má, nàng cảm thấy oán ghét chiến tranh, hận thù Cách mạng, uất ức và giận dữ khi kể cho Nguyên nghe về câu chuyện đau buồn của gia đình cậu mình.