Những cô gái áo trắng
Thái Bá Tân
N.V. ngày 20 tháng 11 năm 197...
Rét! Rét quá! Ba đứa một giường ôm nhau, mình nằm giữa, hai chăn trùm kín đầu và chân, mà mãi không sao ngủ được. Có lẽ do trong hang ẩm và nước nhỉ bám đầy tường đá mới rét thế. Đêm nay ra bến phà gió mạnh, không hiểu sẽ thế nào?
Không ngủ được, nằm suy nghĩ vẩn vơ mãi cũng chán, đành dậy viết nhật ký. Xưa nay mình ít viết nhật ký, lại viết dở nên rất ngại, cả viết thư cũng thế. Nhưng lúc này... Biết làm gì cho hết thời gian lúc này?
Điều đầu tiên mình muốn viết là - nhớ nhà. Nhớ và thương mẹ quá! Mẹ bây giờ đang làm gì nhỉ? Chắc buồn và giận mình lắm. Hãy tha lỗi cho con mẹ nhé, vì con bỏ mẹ ở nhà một mình, già yếu không ai giúp đỡ. Hôm được tin con ghi tên đi thanh niên xung phong, mẹ không nói gì, còn cố gượng cười để con yên tâm, nhưng con biết trong lòng mẹ rất buồn và có thể còn trách con không hỏi ý kiến mẹ trước. Mẹ ơi, con hiểu lòng mẹ. Bản thân con, con cũng chẳng dễ gì khi phải xa mẹ, xa ngôi nhà tranh bé nhỏ, thân yêu của ta. Nhưng việc con ra đi là cần. Rất cần. Con tin mẹ hiểu điều đó...
Có nên cho mẹ biết sự thật về điều kiện sống và làm việc ở đây không nhỉ? Không! Chỉ làm mẹ thêm lo nghĩ. Vả lại, chắc gì mình ở lâu một chỗ? Mới tuần trước còn làm đường ở Trường Sơn, bây giờ đã ở đây, cao điểm phà sông L, cách biển chưa đầy hai chục cây số. Không hiểu nay mai còn đi những đâu nữa.
Nhớ cái Hòa và bọn bạn cùng đơn vị. Không được đi với mình lần này, chắc nó buồn lắm. Hai đứa cùng làng, cùng đi một ngày, cùng ở với nhau chừng ấy thời gian, thế mà... Biết làm thế nào được. Cả đội xung phong, người ta chỉ lấy năm. Năm người để dẫn đường cho ô-tô qua sông ở bến phà này, thay cho cả tổ, cũng nữ và đều là thanh niên xung phong, vừa hy sinh ba ngày trước đó. Những người được chọn là Vân, Yến, Lộc, mình và Út. Mỗi đứa một tính, một kiểu người, nhưng cùng còn trẻ và chưa chồng, chưa cả người yêu, trừ cái Yến, già nhất, hai mươi hai tuổi, nghe nói đã có "chàng" nào đấy. Cũng nghe nói thôi, chứ chưa bao giờ thấy cô nàng nhận thư hoặc nói chuyện về anh ấy. Nó kín lắm. Lại nghiêm khắc nữa. Tổ trưởng mà! Từ nãy đến giờ đã hai lần nhắc mình ngủ, đêm còn đi làm. Cả cái Út nữa (nó cũng là em Út của tổ), nó đã mấy lần cấu mình, bắt nằm xuống để ôm nó cho ấm. Cứ như con nít...
21 tháng 11
Ngày cũng như đêm, không lúc nào ngớt tiếng máy bay. Thỉnh thoảng lại còn pháo từ biển câu lên.
Tổ mình làm ở phía Bắc bến phà. Cả năm đứa đứng rải trên một đoạn đường dài, từ mặt nước tính lùi lại, mỗi đứa cách nhau hai trăm mét. Tổ trưởng Yến phân công Út đứng trên cùng, vì nó nhỏ nhất, lại mới ra chiến trường. Tiếp đến là Vân, rồi Lộc. Chặng cuối cùng phải hai người, là mình và Yến.
Đây là một trong những trọng điểm ác liệt nhất của mạch máu giao thông Bắc Nam. Cách sông còn những mấy cây số mà mặt đường đã bị bom và rốc-két địch cày tung, ô-tô không thể tự đi một mình, nếu không có người xi-nhan. Nhiệm vụ bọn mình là đi trước, dẫn xe men theo các miệng hố bom mới được lấp sơ sài, tránh những chỗ có cắm dấu bom nổ chậm, cho tới tận mép nước. Ở đấy sẽ có người xếp xe lên phà. Vì đêm không được đốt đèn, bọn mình đứa nào cũng phải mặc áo trắng để từ ca-bin, lái xe thấy mà đi theo. Những lúc có máy bay - ấy là nói khi chúng thả pháo sáng hoặc lao xuống bắn phá, chứ bay ngang hay vần lượn thì kệ - ai ở trên, có thể chạy lánh xa khu vực bến phà, còn người phía dưới thì ở nguyên tại chỗ, trú trong các hầm cá nhân được đào sẵn bên cạnh. Có lúc chúng bắn mặc chúng, phà cứ chạy, ô-tô cứ đi, tất nhiên con người cứ tiếp tục làm việc. Càng sáng! Càng không phải dò dẫm như trước!
Ban ngày, bến phà thật yên tĩnh, nhưng chỉ là cái yên tĩnh tương đối của chiến tranh. Không tiếng phà, không tiếng ô-tô, không có gì ngoài một dải đất nham nhở, màu sắc lẫn lộn, lổng chổng những xác xe bị lật hoặc bị bắn cháy chưa kịp thu dọn. Bên cạnh, giấu hết mọi sự khốc liệt của chiến tranh vào lòng, con sông vẫn không ngừng chảy, bình thản và hiền từ như nghìn năm nay. Thật khó tin rằng chỉ chốc nữa, khi mặt trời vừa lặn, là hàng đoàn ô-tô, hàng đoàn người sẽ từ đâu đó chui ra. Cả bến phà sẽ bừng tỉnh dậy, bắt đầu một "ngày" mới, một cuộc chiến đấu mới...
25 tháng 11
Hôm nay, cả hai phà cùng bị trúng bom một lúc. Gần mười chiếc xe được dẫn xuống tận sông phải đứng trơ trọi dưới ánh sáng chói rực của đèn dù, dưới làn bom và rốc-két máy bay địch.
Phòng không ta bắn rất dữ.
Tổn thất...
Mình có sợ chết không? Biết nói thế nào được nhỉ? Có. Sợ, nhất là những lúc thế này, khi suốt ngày nằm dài trong hang yên tĩnh và có quá nhiều thời gian để suy nghĩ. Ừ, có lẽ nói sợ cũng chưa thật đúng. Mình chỉ tiếc. Bây giờ mà phải chết thì tiếc lắm. Lại thương nữa. Thương mẹ ở nhà. Thương bọn bạn phải buồn, phải gánh thêm một phần việc.
Không hiểu sau khi chết thế nào nhỉ? Không lẽ mình sẽ chẳng còn biết gì nữa? Chẳng biết cả việc một ngày nào đó chiến tranh kết thúc, mọi người sẽ tìm gặp lại nhau, sẽ đi học, làm việc, hay chỉ đơn giản sẽ được sống hòa bình? Ôi, hòa bình!... Chết chắc phải đau lắm. Hẳn thế. Không đau sao được, khi cơ thể bị xé ra từng mảnh? Người khác nghĩ thế nào về cái chết? Cái Lộc và cái Vân, cái Út hay cái Yến chẳng hạn? Chúng có sợ như mình không? Chắc có. Nhưng chúng không bao giờ để lộ điều ấy ra ngoài. Chúng vẫn lặng lẽ làm việc, các tốp thanh niên xung phong chữa đường cũng thế. Anh em lái xe, lái phà cũng thế. Mình cũng thế.
27 tháng 11.
Đọc mấy trang vừa rồi, thấy buồn cười. Toàn chuyện vẩn vơ không đâu. Lúc nãy, tò mò, mình hỏi Út:
- Này Út, em có sợ chết không?
Út tư lự một lúc, rồi thay cho câu trả lời, nó hỏi lại:
- Em hỏi chị, chị phải nói thật nhé, chị Liên. Đã bao giờ có người con trai nào hôn chị chưa?
- Chưa... Sao em hỏi thế?
- Em cũng chưa. Con gái chết mà chưa được hôn kể cũng thế nào ấy, chị nhỉ? - nó nói, giọng mơ màng và hơi buồn, rồi lại rúc vào chăn, ôm mình đến nghẹt thở. Con bé rõ đến lạ.
1 tháng 12
Cả bọn được một phen hú vía. Chiều qua, một thằng "Con Ma" bất chợt phóng liền mấy quả tên lửa vào đúng cửa hang. May không ai việc gì. Lý do thật đơn giản: trước đó mấy đứa tắm xong, bao nhiêu đồ lót, đồ vệ sinh phơi tuốt cả một dây ngoài nắng. Tuy biết làm thế có thể nguy hiểm, nhưng kệ! Cứ trêu thằng Mĩ, xem hắn tồi đến mức nào. Và thằng Mĩ đã cho biết hắn tồi đến mức nào. "Cứ thấy xu-chiêng đàn bà là mò đến!", một đứa châm chọc.
Sau đó họp tổ, cái Yến cấm từ nay không được ai phơi bất cứ cái gì trắng ngoài cửa hang, thậm chí cả khăn mù- xoa. Nhưng ác thay, trong hang luôn ẩm ướt, không có gió, phơi bao nhiêu vẫn không khô. Mặc vào người thật khó chịu.
5 tháng 12
Nhớ nhà quá!
Thèm bữa canh rau mồng tơi. Hay rau ngót, rau bầu cũng được. Ở đây không chợ, không vườn, cái cần và khó kiếm hơn cả là rau xanh, vì miền Trung đất cát, quanh năm nắng nóng. Khắp nơi đất bị cày tung, có hôm đi suốt buổi chỉ nhặt được nhúm rau má già hoặc rau sam chua loét. Da cứ sùi lên như bị bệnh hủi...
6 tháng 12.
Cái Lộc có thư. Nét chữ trên phong bì nắn nót, lại không ghi tên người gửi. Cả bọn đoán chắc thư người yêu nên hồi lâu bắt nó phải khai thật hết mọi chuyện mới cho nhận. Cái Lộc nói ngay là chẳng có gì để khai, bảo cứ bóc tại chỗ, đọc to mọi người cùng nghe. Thì ra đó là thư một người bà con xa ở Hà Nội, nội dung khô khan và chỉ với những lời thăm hỏi bình thường. Không hiểu sao nghe xong, đứa nào cũng có vẻ như bị hẫng và hơi buồn, vì cứ tưởng và muốn đó là một bức thư loại khác, thư tình với những lời âu yếm dè dặt và kín đáo, dù những lời ấy không dành cho mình.
Một lát sau, nằm trong chăn, lại cái Út cấu vào tay:
- Chị Liên này, chị có người yêu chưa?
- Chị cũng không biết. Có lẽ chưa.
- Sao lại có lẽ? Có hay không thì chị phải biết chứ?
- Chuyện không đơn giản như thế... Mà thôi, Út ngủ đi.
Nhưng cái Út không chịu thôi. Tính nó thế, muốn biết cái gì là phải gạn hỏi bằng được.
- Anh ấy là ai? Ở đâu?
Mình buộc phải trả lời nó:
- Xa lắm. Anh ấy đang học ở nước ngoài. Nhưng từ ngày xa nhau, chị chưa bao giờ nhận được thư anh ấy. Còn chị thì không biết địa chỉ, mà có biết, cũng không gửi. Chị và anh ấy cùng làng.
- Thế anh ấy có yêu chị không?
- Chị không biết. Chắc anh ấy quên chị rồi.
- Còn chị.
- Đừng hỏi nữa. Út ngủ đi! Mà rồi giữa anh ấy và chị chưa có gì đặc biệt. Chỉ thế thôi.
Cái Út nằm im một lúc rồi bỗng nói, giọng hờn dỗi:
- Em là em chúa ghét những anh đi nước ngoài. Cứ tưởng như mình ghê lắm, mặt vênh lên, nhìn người khác bằng nửa con mắt...
- Ấy, em đừng nói thế. Không phải ai cũng như em nghĩ đâu.
Cái Út không nói gì thêm, nhưng chắc còn lâu nó mới ngủ được. Nó trong trắng, vô tư quá. Hôm nọ nó nói gì nhỉ? Ừ, "Con gái chết mà chưa được hôn kể cũng thế nào ấy...?" Ngộ thật.
- Cái này mãi gần hai năm sau khi nó hy sinh tôi mới nhận được. - Bà Nghĩa vừa nói, vừa hất đầu chỉ cuốn nhật ký tôi đang đọc dở. - Cùng ít quần áo và tư trang của nó. Tôi nhờ thằng lớn nhà Cả Chung bên cạnh đọc cho nghe. Tội nghiệp con bé. Tôi chỉ có mình nó. Nhiều khi nghĩ mà đứt ruột. Cậu xem, tôi già yếu thế này, vậy mà trời bắt phải sống lâu hơn con, sống để nghe những lời kia của nó...
Rồi bà thở dài, cúi xuống sàng nốt mẻ gạo mới giã.
Nhà bà Nghĩa và nhà tôi cùng chung một xóm, chỉ cách nhau mấy ngõ. Chồng chết sớm, bà chưa quá năm mươi mà trông như cụ già.
Năm nay tôi dành trọn cả mười ngày phép về thăm quê. Theo lời khuyên của mẹ tôi, tôi đi một vòng gọi là "thăm xã giao" các nhà trong xóm, một việc những lần trước, phần vì bận, phần vì ngài ngại, tôi vẫn chưa làm được. Tôi đến nhà bà Nghĩa, và bà đã cho xem cuốn nhật ký của Liên, con gái bà, để lại.
Bà Nghĩa có đoán ra tôi là "anh ấy" mà Liên đã nhắc trong nhật ký không? Có thể lắm. Vì vậy bà cho tôi xem để trách khéo việc tôi để con gái bà đau khổ chăng? Cũng có thể bà không biết gì. Xưa nay bà là người tốt bụng, chất phác, không quen suy xét sâu sắc kiểu ấy. Vả lại, trong xóm, tôi không là người duy nhất đi học nước ngoài những năm chiến tranh.
Còn tôi, tôi và Liên thì thế nào?
Không ngờ Liên tình cảm và sâu sắc đến thế. Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy lúc đó quả tôi là một cậu bé ngờ nghệch, vô tư đến tàn nhẫn. Chúng tôi là bạn thân, học cùng trường, tôi hơn một lớp. Trường xa, cùng đi, cùng về mà nào có bao giờ nói chuyện với nhau, hoặc giả có nói, cũng chỉ toàn chuyện bông đùa, trêu chọc, như phần lớn những đứa khác vào tuổi ấy. Tất nhiên, tôi không thể không nhận thấy Liên là một cô bé (trong ký ức tôi, bao giờ Liên cũng là cô bé) tốt, lại xinh. Nhưng lúc ấy, về tâm, sinh lý, tôi chưa phát triển đến tình cảm yêu đương, và tất nhiên không biết có thể Liên đã chú ý, hay thậm chí còn thầm yêu tôi.
Đêm trước hôm tôi đi, cùng một số bạn gái khác, Liên đến chia tay, uống nước chè xanh, ăn kẹo lạc và hát những bài ca cách mạng. Suốt buổi Liên im lặng. Rồi tình cờ hai đứa ngồi cạnh nhau. Lại im lặng. Có thể lúc ấy tôi lờ mờ đoán được tình cảm Liên với tôi, nhưng Liên không dám nói. Còn tôi, không hiểu tôi có nói điều gì không, để Liên hiểu theo cách mình và hy vọng, dù không đâu, mong manh, nhưng vẫn cứ là hy vọng?
Tôi xa nhà bảy năm. Có thể nói suốt thời gian ấy tôi quên hẳn Liên, không hỏi thăm hoặc viết cho Liên một bức thư nào. Khi Liên hy sinh, tôi được bố mẹ báo cho biết. Tôi buồn và thương Liên, hẳn thế, nhưng vẫn là cái buồn thương chung chung như khi nghe tin ai đấy trong xóm từ chiến trường không trở lại. Có lẽ tôi sẽ còn tiếp tục nghĩ như thế về Liên, nếu như hôm nay vô tình không được đọc cuốn nhật ký này.
Bà Nghĩa đã bỏ ra sân thái rau cho lợn. Tôi ngồi lại một mình bên chiếc bàn học của Liên ngày nào, xúc động lật tiếp những trang chữ li ti, đã ngả màu cùng năm tháng...
10 tháng 12.
Mỗi đứa được phát hai mét vải trắng. Pôpơlin pha ni-lông hẳn hỏi. Để may áo thay những chiếc đã ố màu, lái xe kêu họ cứ lẫn vào màu trắng của đất.
Cả hang sôi nổi hẳn lên. Đi làm về, vừa chợp mắt một chốc đã vùng dậy, đứa nào cũng hý hoáy may may cắt cắt.
Bỗng cái Vân ngừng tay, ngồi thừ một lúc, rồi nói:
- Kể cũng buồn cười thật đấy, chúng màỵ ạ. Bọn mình thì tỉ mẩn may móc từng mũi nhỏ, nhỡ một tý đã xuýt xoa, như thể may áo cưới không bằng, lại còn kiểu này, kiểu nọ nữa. Nhưng thử hỏi để làm gì? Ban ngày không dám mặc, mà cũng chẳng biết mặc cho ai, còn đêm, đêm thì thế nào chẳng được! Tớ ấy à, tớ thì muốn cứ để cả tấm mà khoác. Càng rõ! Càng khoẻ! Còn hơn phải vất vả thế này để làm duyên... làm duyên với những chiếc ô-tô mù!
Mắt cái Vân ươn ướt như muốn khóc. Nó nói là nói thế thôi, chứ cả tổ, nó vẫn là đứa ưa diện nhất, kỹ tính nhất trong chuyện ăn mặc, chắc chắn lần này áo của nó cũng được may cẩn thận và đẹp nhất.
- Cánh lái xe là chúa tếu đấy nhé. - Một chốc sau Lộc lên tiếng, có lẽ để xua đi sự im lặng bất tiện. - Một hôm có chàng bảo mình thế này, chúng mày nghe có được không? "Này, đồng chí áo trắng ơi, đồng chí có xinh không đấy?". "Không đến mức khó coi như anh tưởng", mình đáp. "Vì sao anh hỏi thế?". "Là vì cái xe của tôi ấy mà, không hiểu sao từ khi gặp cô, nó không chịu nghe theo tay lái của tôi nữa. Cô đi, nó đi, cô đứng, nó đứng. Tự nó quyết định. Còn tôi, tôi chỉ ngồi khoanh tay mà nghĩ rằng chắc cô phải xinh lắm nên mới thôi miên được nó như vậy. Tôi lo chốc nữa nó sẽ tự theo về lán của cô mất. Tôi không có lỗi đâu nhé! À mà lán các cô ở đâu đấy nhỉ?" Mình cũng không vừa, mình nói: "Nhà em ở kia, ở phía cái hang kia kìa. Hôm nào từ chiến trường quay ra, cứ để cái xe khó bảo của anh rẽ vào, chồng em sẽ cho nó một trận!..."
- Giỏi lắm! Rồi anh chàng đáp sao? - một đứa hỏi.
- Anh chàng im, nhưng chắc hiểu mình đùa. Anh ta thấy màu trắng áo mình. Còn mình thì chẳng thấy gì. Chỉ nghe giọng nói. ấy thế mà buồn cười lắm, chúng mày ạ. Xe đi rồi mà không hiểu sao mình cứ thấy bâng khuâng thế nào ấy... - Cái Lộc ngồi im một lúc rồi đột ngột hỏi: - Chúng mày có nghĩ một ngày nào đó anh ta sẽ vào đây không?
12 tháng 12.
Ngày đầu tiên cả năm đứa diện áo mới đi làm. Mỗi đứa mỗi kiểu, vuốt, gấp cẩn thận rồi đặt dưới lưng nằm suốt đêm cho thật phẳng, thành nếp hẳn hoi như được là kỹ. Ngay từ chiều, đứa nào cũng mặc áo mới, soi gương ngắm nghía, rồi cởi ra, rồi lại mặc vào, đổi áo, ướm thử áo nhau mãi. Khi không còn việc gì nữa để làm, cả bọn cứ mặc áo mới ngồi chờ đêm xuống để ra khỏi hang, bồn chồn và sung sương như chờ cái gì đấy thật hệ trọng.
Không biết hôm nay các chàng lái xe có nhận thấy sự kiện mới lạ này không?
15 tháng 12.
Mấy ngày nay thằng Mĩ hoạt động đặc biệt ác liệt. Nó quyết phá. Ta quyết giữ. Máy bay bay suốt đêm. Pháo từ biển câu vào không còn theo giờ như trước. Nhưng dòng xe không vì thế mà bị dừng lại. Bến phà phải đổi chỗ nhiều lần. Kể ra, gọi là chỗ vượt sông thì đúng hơn. Nhiều chỗ vượt sông như thế. Có cả chỗ để nghi binh. Thiếu người, tổ phải chia ra làm việc ở ba nơi.
Nhớ nhà quá. Nhớ mẹ quá.
Anh ấy có lúc nào nghĩ về mình không nhỉ?
16 tháng 12.
Út hy sinh! Ba giờ sáng hôm nay. Nó làm một chỗ với Vân. Một thằng lao xuống phóng rốc-két, như hàng trăm thằng trước đấy từng lao xuống phóng rốc-két. Tiếng nổ bình thường, trận đánh phá cũng bình thường, nghĩa là tất cả giống mọi ngày, thế mà sau đó Út không còn nữa. Một mảnh đạn cắm đúng tim nó. Một mảnh khác cắt đứt phần trên vú trái. Một tiếng sau khi nó chết, mình mới biết. Biết mà chẳng đến được, vì còn phải làm việc. Khi gặp Út thì trời đã sáng. Yến đã lau sạch máu và bụi bẩn trên người nó. Một đứa nào đó trong tổ cởi chiếc áo trắng mới còn nguyên lành của mình mặc cho Út. Khuôn mặt Út thật thanh thản. Đôi mắt vuốt mãi không chịu nhắm, như đang mơ màng nhìn một điểm nào đấy trước mặt. Nó chỉ ngạc nhiên, hơi buồn vì phải chết sớm và vô lý như vậy. Một bên miệng của nó hơi nhếch, thơ ngây, bẽn lẽn như hôm nào nó hỏi: "Con gái chết mà chưa được hôn, kể cũng buồn, chị Liên nhỉ?".
Mình cúi xuống, lặng lẽ hôn lên đôi môi của Út.
17 tháng 12.
Hôm nay đi làm về, thương Út, cả bốn đứa ngồi ôm nhau khóc.
20 tháng 12.
Vẫn ác liệt như trước. Xe vẫn thông.
24 tháng 12.
Thế là đã ở bến phà N.V. này hơn một tháng. Một tháng cộng với hai năm nay đây mai đó theo các con đường của khu Bốn khói lửa. Chỉ mấy ngày nữa là năm mới. Năm mới... mọi người sẽ già thêm một tuổi. Mình cũng thế.
Liệu mình phải già thêm bao nhiêu tuổi nữa trước khi chiến tranh kết thúc? Còn Út thì vĩnh viễn ở lại với cái tuổi mà bây giờ nó có, chiến tranh hay không chiến tranh cũng thế. Vĩnh viễn yên nghỉ với cảm giác thanh thản của một người đã cống hiến cho người khác cái quý nhất mình có. Đúng, thanh thản, nếu không kể nỗi sợ rất con gái kia mà nó vẫn cảm thấy đâu đó sâu trong lòng cho tới khi xuống mộ. Tội nghiệp con bé...
27 tháng 12.
Xe vào nhiều quá, có lẽ sắp đánh lớn. Ban ngày ít được ngủ hơn, vì thường đi chữa đường giúp các đội thanh niên xung phong.
Hàng ngày bốn đứa vẫn mặc áo từ chiều, những chiếc áo được may đẹp, gấp vuốt phẳng phiu, ngắm nghía, sửa sang cho nhau để tối đến, như cái Lộc một lần chua xót nói, "làm duyên với những chiếc xe mù". Kể cũng buồn cười, biết người khác không thấy mặt mình và mình không thấy người khác, chỉ những cuộc gặp gỡ thoáng qua mấy phÚt, lại trong hoàn cảnh ác liệt như hiện nay, thế mà cả tổ trước khi đi đứa nào cũng chăm chÚt vẻ ngoài như sắp làm dâu không bằng. Một bản năng rất con gái, có lẽ cũng chỉ con gái mới hiểu nổi. Chao, ước gì hoà bình! Ước gì được mặc những chiếc áo trắng này tự do đi lại giữa ban ngày...
28 tháng 12.
Hôm nay Yến hy sinh!...
Còn lại ba người: Vân, Lộc và mình. Mình được cử làm tổ trưởng.
Yến ơi, thương mày quá! Mày là đứa duy nhất có người yêu chờ đợi, thế mà mày hy sinh... Mày quá kín đáo, mày chẳng cho chúng tao biết người yêu của mày là ai, ở đâu, để chúng tao báo cho anh ấy biết mày là người thế nào.
31 tháng 12.
Hầu như đêm nào cũng có xe đổ và người chết. Mỗi lần ra phà, đâu đó sâu trong tim, một ý nghĩ nhỏ thôi, nhanh thôi, nhưng sắc như mũi dao lại nhói lên - ý nghĩ rằng hôm nay sẽ đến lượt ai đây? - mình, cái Vân, cái Lộc, hay thậm chí cả ba?
Trước khi bước ra khỏi hang, ba đứa nhìn nhau im lặng, nhưng rất hiểu...
Xe vẫn thông...
Nhật ký của Liên ghi đến đây thì dừng. Bất giác tôi ngước lên nhìn tấm bằng liệt sĩ lồng kínk treo trang nghiêm trên tường. Thì ra Liên hy sinh đúng vào ngày 31 tháng 12 năm 197..., ngày cuối cùng ghi trong nhật ký. Cũng là ngày cuối cùng trong năm. Tôi nhẩm tính - Liên đã không gắng sống thêm được mấy giờ nữa để bước sang năm thứ hai mươi đẹp đẽ của đời mình.
Từ trên tường, qua lớp kính phủ nhẹ một màng bụi mỏng, một cô bé tóc tết đuôi sam, khuôn mặt còn trẻ con với đôi mắt thơ ngây mở to đang nhìn tôi. Đó là Liên. Chắc đây là bức ảnh duy nhất của con gái bà Nghĩa còn giữ được, chụp vào dịp Liên tốt nghiệp lớp mười. Tôi không dám nhìn thẳng vào đôi mắt ấy; không dám nhìn cả vào đôi môi đang hé mở, đôi môi chưa một lần trong đời được biết cảm giác của cái hôn âu yếm.
Tôi lặng lẽ trả lại cuốn nhật ký cho bà Nghĩa, lơ đãng trao đổi thêm ít câu rồi ra về.
Sáng hôm sau, trước sự ngạc nhiên của mọi người, tôi thu gói đồ đạc ra đi, nhưng không phải đi Hà Nội, mà ngược lại, vào Vinh mua vé ô-tô đi Quảng Bình, tới bến phà N.V. mà Liên nói đến trong nhật ký.
Ở trụ sở Uỷ ban xã S. nơi có bến phà N.V. ngày nọ, sau khi nghe tôi tự giới thiệu và nói rõ mục đích chuyến đi của mình, người ta chỉ cho tôi đến gặp ông Nam, Phó chủ tịch xã.
Ông Nam là người vui tính và cởi mở. Ông nhìn qua một lượt suốt người tôi và hỏi:
- Anh là bà con cô Liên à? - Nhưng không chờ tôi trả lời, ông nói luôn: - Chính tôi là người tìm thấy và đọc cuốn nhật ký đó. Tội nghiệp các cô gái. Hồi ấy tôi là Trung đội trưởng dân quân xã. Tôi được lệnh điều các cô dân quân của tôi dẫn xe ở đoạn trên, còn ba cô thanh xung phong thì làm ngay sát bến phà. Vào cái đêm cuối năm đáng nhớ ấy, hình như độ mười giờ thì phải, bất ngờ một chiếc "Thần Sấm" từ đâu lao đến ném một loạt bom, không lượn vòng nào, cũng chẳng thèm bắn pháo sáng, thế mà trúng phà, trúng luôn cả ba cô gái. Anh xem thế có đau không ... - Ông Nam dừng lại, ngồi im một chốc như cố nhớ điều gì, rồi nói tiếp, giọng trầm hẳn xuống: - Thậm chí đêm ấy, bận việc thông xe, chúng tôi chẳng kịp nhặt hết các mẩu xác bị bom chặt đứt vung vãi khắp nơi. Mãi chiều hôm sau mới tìm được hết, xác định cái gì là của ai rồi làm lễ chôn cất. Sau này, chiến tranh kết thúc, khi người ta định đưa các cô - cả năm cô - vào nghĩa trang liệt sĩ xã, tôi đem chuyện nhật ký cô Liên ra kể, và đề nghị xây riêng mộ cho các cô ở cạnh bến phà cũ. Ý kiến của tôi được chấp nhận. Bây giờ ta ra đấy chứ?
Nói rồi, ông Phó chủ tịch xã hăm hở đi trước, tắt qua một cánh đồng lúa vừa trổ bông thoang thoảng hương thơm, về phía dòng sông L. đang trải rộng, trắng lóa dưới ánh mặt trời tháng Tư. Tôi lặng lẽ bước theo, với cảm giác hồi hộp như sắp được chứng kiến một cái gì đấy linh thiêng và vĩ đại.
Trên đỉnh một ngọn đồi xanh vươn sâu tận mép sông, người ta xây mộ năm cô gái thanh niên xung phong thành năm cánh của một bông hoa, đầu chụm vào nhau. Một bông hoa màu trắng - (vì mộ đều được quét vôi trắng). Các bia đứng hầu như kề nhau, tạo thành một hình tròn có trồng những bông hồng và cúc lẫn lộn, tức là làm nhị của bông hoa xi măng trắng vĩ đại. Trên những tấm bia ấy tôi đọc thấy tên cô Yến tổ trưởng nghiêm khắc; tên cô Vân ưa diện; tên cô Lộc mơ hồ chờ đợi một chàng lái xe mà cô chỉ mới trò chuyện một lần nhưng không thấy mặt; tên cô Út bé nhất tổ chỉ sợ duy nhất một điều là chết mà chưa được hôn. Và tất nhiên tôi thấy cả tên của Liên, cô hàng xóm, cô bạn cùng trường của tôi, người con gái đưa tôi vượt hàng trăm cây số đến đây, và quan trọng hơn là đã giúp tôi tự nhìn nhận lại mình, tự đánh giá ghiêm khắc những gì tôi đã, đang và sẽ làm trong đời.
- Nghĩ mà thương các cô gái, - vừa bật lửa châm hương, ông Nam vừa khe khẽ nói. - Đang tuổi ăn diện mà đến cái áo trắng cũng không được mặc ban ngày. Còn bây giờ thì...- ông ngập ngừng chốc lát rồi quay sang bảo tôi: - Những ngôi mộ này, anh ạ, cứ đều đặn nửa năm một lần tôi cho quét vôi mới…
Ông Nam còn nói thêm điều gì nữa nhưng tôi không nghe rõ, vì lúc ấy tôi đã bỏ đi xa, tìm nhặt những bông hoa bướm, hoa mua mọc nhiều quanh đấy. Một chốc sau, tôi quay lại với một bó lớn trong tay. Tôi chia đều thành năm phần, nhẹ nhàng đặt lên năm cánh trắng của bông hoa xi măng. Rồi vô tình như hẹn trước, cả tôi và ông Nam cùng cúi đầu đứng lặng mấy giây.
- Liên ơi, hãy tha lỗi cho tôi Liên nhé!
Sáng hôm sau, tôi lên đường ra Hà Nội. Từ ô-tô, tôi thò đầu qua cửa sổ, ngoái nhìn mãi những ngôi mộ màu trắng được xếp thành hình một bông hoa trên ngọn đồi xanh, trông xa như chiếc nơ trên đầu một cô gái. Suốt đường đi, những ý nghĩ đượm buồn cứ quanh quẩn trong đầu tôi, ý nghĩ rằng ngày xưa đã từng một thời có nhiều cô gái chỉ thèm được một lần mặc áo trắng tự do đi lại giữa ban ngày, ấy thế mà các cô chỉ được mặc vào ban đêm để làm nhiệm vụ, để "làm duyên với những chiếc xe mù". Và rồi các cô hy sinh, lặng lẽ mang theo xuống đất cùng tuổi trẻ là cái ước mơ tưởng vô cùng đơn giản ấy, cũng như các cô đã lặng lẽ lập những chiến công, lặng lẽ yêu, lặng lẽ ra đi để một ngày nọ, như trong câu chuyện cổ tích, lặng lẽ biến thành những cánh hoa màu trắng, cái màu trắng phải đổi bằng màu của máu...