Anh Dũng Cảm và anh Hèn
Thái Bá Tân
Ông Sêkhốp có một truyện độc đáo và thú vị, là Anh Béo và anh Gầy. Câu chuyện đang viết đây, vốn bị hoãn nhiều lần chỉ vì không tìm được cái tên vừa ý, tôi bắt chước ông, gọi là anh Dũng Cảm và anh Hèn.
Xin bắt đầu câu chuyện, trước hết về anh Dũng Cảm.
Ở huyện ngoại thành Hà Nội nọ có một người nổi tiếng dũng cảm, không phải chuyện chiến trường hoặc săn bắt cướp, dù cả hai việc này anh từng trải qua. Dũng cảm với nghĩa đấu tranh chống những điều chướng tai gai mắt, được gọi là hiện tượng tiêu cực, đang đầy rẫy khắp nơi, đến mức nhiều người cũng dũng cảm như anh đâm nản. Nhưng anh thì không, cương quyết không. Anh đã qua tuổi ba lăm, to con, khỏe mạnh, từng là lính đặc công nên giỏi võ. Tiếc là trong cuộc chiến này anh không được phát huy những sở trường đó.
Hóa ra ở đời làm người tử tế và dũng cảm thật khó. Cái giá phải trả cho sự dũng cảm cũng không nhỏ. Từ chiến trường trở về với đủ loại huân huy chương, các bằng dũng sĩ, anh được hồ hởi chào đón và bố trí một chân trong chính quyền địa phương, phù hợp với công trạng. Nhưng rồi dần dần, người ta đã khéo léo gạt anh ra ngoài, trù dập anh một cách tinh tế, khiến anh dù biết mà không bắt bẻ vào đâu được. Cuối cùng, anh chỉ còn là một lực điền cày sâu cuốc bẫm như bao người khác, để nuôi cô vợ hay đau ốm và ba đứa con còn nhỏ. Tất cả chỉ vì anh không giống các cán bộ khác - quá thẳng thắn, quá thật thà, quá yêu công lý và quá dũng cảm.
Làm ruộng là sở trường của anh, vì anh vốn từ đồng ruộng mà lớn lên rồi ra trận. Anh tháo vát, biết lo toan, lại chịu khó nên nói chung cuộc sống không đến nỗi. Anh chẳng có gì để phàn nàn. Cái làm anh khó chịu là những chuyện bất công xung quanh, "những việc đâu đâu" như vợ anh nói. Dù không phải lúc nào chúng cũng liên quan đến anh, nhưng hễ thấy là anh cứ lao vào đấu tranh, theo kiểu "đâu có giặc là ta cứ đi” ngày trước. Mà anh đấu tranh mạnh mẽ, trực diện, không chút khoan nhượng, đôi lúc thiếu mất sự tế nhị cần thiết. Nhiều khi anh làm quá, không chỉ không mang lại hiệu quả mà còn bị coi là hâm gàn và không hiểu thời cuộc. Một kiểu Đông Kisốt mà người ta thấy vừa đáng yêu vừa tội nghiệp.
Một hôm, vợ anh lên cơn hen nặng, phải đi bệnh viện cấp cứu. Việc này năm nào cũng xảy ra, ít thì một, nhiều có khi ba bốn lần, nên anh có chút kinh nghiệm, ít ra cũng biết phải làm gì.
Giống mọi lần, người ta cho vợ anh hít thở qua một loại máy đặc biệt ba ống Ventolin Nebule, loại 5mg. Thuốc được một cô bác sĩ trẻ viết lên tờ giấy rồi chỉ cho anh sang phòng bên mua. Ngồi trong phòng cấp cứu, dẫu lo lắng và thương vợ, anh vẫn giữ được vẻ bình tĩnh. Anh biết chốc nữa vợ anh sẽ tỉnh lại, thở được, và nếu không có gì nghiêm trọng thì sau mấy tiếng họ có thể về nhà tự điều trị tiếp. Bệnh hen là vậy.
Anh lặng lẽ đưa mắt nhìn quanh. Vẫn những cảnh quen thuộc. Phần lớn bệnh nhân là dân quê, với vẻ ngơ ngác sợ sệt thường trực trên mặt và sự khúm núm trong thái độ. Lo cho bệnh tình đã khổ, họ còn bị ám ảnh bởi một cái khổ khác còn ghê gớm hơn, là tờ phiếu thanh toán viện phí và thuốc men đang đợi. Tờ phiếu với những con số đáng sợ, nhất là khi quy ra thóc, thứ hàng duy nhất họ có mà lại đang ngày càng xuống giá.
Các nhân viên y tế thì vẫn cái vẻ bình tĩnh nghề nghiệp, bình tĩnh đến mức người nhà bệnh nhân cảm thấy sốt ruột và nghĩ hay vì mình chưa làm đủ những thủ tục bất thành văn nào đó. Anh quá quen với cảnh này, luôn nhắc mình kiềm chế không đấu tranh vì lẽ phải cùng những thiên thần áo trắng ở bệnh viện. Họ có chuyên môn, cũng phải làm việc vất vả, và từng cứu sống nhiều người, trong đó có vợ anh. Đây là lĩnh vực tế nhị, anh thầm nghĩ, có tiêu cực chút ít cũng không nên cố chấp. Đạo làm người không cho phép lấy oán trả ân. Xưa nay anh chưa bao giờ to tiếng ở bệnh viện, và theo lệ chung, người ta làm gì anh làm nấy, cả những việc mà ở nơi khác, anh nhất định không bỏ qua. Tất nhiên anh cảm thấy chút ít bứt rứt, khó chịu.
Ba tiếng sau, cũng tại phòng cấp cứu, anh được yêu cầu thanh toán để xuất viện. Anh bình tĩnh, lặng lẽ thực hiện yêu cầu chính đáng đó. Nhưng anh bỗng nhíu mày nhìn tờ giấy thanh toán. Đắn đo một lúc, anh hỏi người thu tiền:
- Xin lỗi cho tôi hỏi. Loại thuốc Ventolin Nebule này ngoài quầy thuốc giá bốn mươi nghìn một vỉ năm ống, sao ở đây ghi hai mươi nghìn một ống? Tức là đắt hơn sáu mươi nghìn...
- Tôi không biết - Người kia khó chịu đáp - Tôi chỉ thu tiền.
- Vậy ai biết? - Anh hỏi lại, cố giữ giọng nhẹ nhàng.
- Tôi đã bảo không biết mà. Cứu được người rồi, không lo mà về, còn thắc mắc rách việc.
Anh lại đứng suy nghĩ, đắn đo hồi lâu, rồi đi tìm cô bác sĩ trẻ. Anh nhắc lại thắc mắc của mình một cách mềm mỏng và lịch sự.
- Anh này hay nhỉ - cô ta đáp, hình như cố tình to tiếng để làm anh phải xấu hổ - Anh biết thế sao không ra hiệu thuốc mua, để bây giờ khỏi mè nheo vì tiếc tiền. Đã tiếc tiền sao còn đưa vợ đến đây cấp cứu?
Anh thấy nóng mặt vì thái độ của cô, nhưng vẫn cố giữ bình tĩnh.
- Nhưng chính chị chỉ cho tôi sang phòng kia mua, chứ không bảo ra quầy thuốc chỉ cách đây vài chục bước. Tôi xin hỏi chị: giá này do bệnh viện quy định hay các chị tự đặt ra, thích bao nhiêu thì bán bấy nhiêu?
Thấy giọng anh cứng rắn, lập luận chắc chắn, khác hẳn những ông bà nông dân khác, cô bác sĩ thoáng chút bối rối, nhưng cố nói át:
- Thời buổi thị trường, mỗi nơi một giá. Giữa cái sống cái chết mà anh còn so đo vài chục nghìn! Tiếc đắt thì lần sau tự chữa lấy ở nhà, đừng đến đây nữa.
- Vậy là các người thông đồng với nhau, lợi dụng điều mà các người gọi là giữa cái sống cái chết ấy để bắt chẹt, ăn chặn những bệnh nhân nghèo, là những người nhà quê như tôi - Anh nói to, rành rọt. Anh đã không còn giữ được bình tĩnh và quên hẳn sự kiềm chế vẫn luôn tự nhắc mình khi vào bệnh viện - Các người là một lũ ăn cắp!
- Anh nói sao? Anh dám bảo chúng tôi ăn cắp? - Cô kia lu loa.
- Đúng thế - anh hạ giọng, cúi sát mặt cô ta - Tôi xin nhắc lại rằng cô là một con ăn cắp, trắng trợn vô liêm sỉ. Cô ăn cắp ngày này sang ngày khác. Nhưng hôm nay tôi bắt quả tang. Và theo luật, tôi phải đưa cô đến đồn công an để giải quyết như với những con ăn cắp khác. Bây giờ cô phải đi theo tôi - Anh túm chặt tay cô ta, định lôi đi.
- Ối làng nước ơi, cứu tôi với! - Cô kia la lên- Thằng điên, thằng mất dạy này đang làm nhục tôi.
- Câm mồm! Nếu mày không phải đàn bà thì tao đánh vỡ mặt. Ăn cắp còn già mồm.
Thấy động, mọi người nhanh chóng kéo lại. Khi biết chuyện, nhiều bệnh nhân và người nhà tỏ ý đồng tình. Họ mừng ra mặt vì bỗng dưng có anh chàng lập dị nói hộ điều họ vẫn ấm ức mà không dám nói.
- Xưa nay họ vẫn thế mà nào ai dám nói!
- Lương y như từ mẫu. Đẹp gớm!
- Phải trị cho chúng một trận!
- Trả tiền lại cho người ta, không nuốt được đâu!
- Nhưng cái ông kia cũng quá đáng. Phải cho người ta sống với chứ. Làm vất vả, lương ít. Có mấy đồng bạc...
- Bà nói sai bỏ mẹ. Việc gì ra việc ấy. Lương ít thì đòi nhà nước tăng. Bà tính, một người chúng ăn chẹt mấy chục nghìn như thế, mỗi ngày cấp cứu bao nhiêu người, chia nhau mỗi đứa bao nhiêu?
- Đánh bỏ mẹ nó đi!
Một thanh niên mặc áo trắng hùng hổ đi lại, xô mạnh vào ngực anh Dũng Cảm, định gỡ cô bác sĩ vẫn bị anh túm chặt cổ tay.
- Bỏ ra. Bỏ ra ngay! Anh định gây rối à?
- Câm mồm! Nó thì tao không đánh, chứ mày thì tao đánh đấy - Anh quắc mắt, bóp mạnh vào vai hắn bằng bàn tay còn lại, khiến hắn đứng đờ ra bất động, chẳng nói được lời nào nữa - Bây giờ thì mày phải theo tao ra đồn công an, con ăn cắp!
Anh kéo cô bác sĩ, lúc này đang khóc vì đã bắt đầu hiểu rõ mức độ nghiêm trọng của vấn đề.
- Chúng tôi là công an đây. Anh cần gì? Có chuyện gì vậy? - Hai anh công an vừa vội vã bước lại, vừa nói.
- Thế thì hay quá. Các anh đến thật đúng lúc - Anh Dũng Cảm sung sướng nói. Rồi anh vắn tắt kể lại những gì đã xảy ra - Bây giờ nhờ các anh đưa hộ con ăn cắp này về đồn xử lý theo đúng luật pháp nhà nước. Các anh có mang còng theo không. Cần nhiều đấy, không phải một đâu.
Hai anh kia tỏ vẻ lúng túng. Họ không thể không nhận thấy anh Dũng Cảm nói có lý. Xung quanh nhao nhao tiếng đồng tình của nhiều người.
- Chúng tôi chỉ là công an bảo vệ bệnh viện - một người nói - Vả lại, theo tôi, gọi đây là hành vi tiêu cực thì đúng hơn, chứ anh bảo là ăn cắp kể cũng hơi quá...
- Ăn cắp, theo tôi, là lợi dụng lúc người khác không để ý hoặc cả tin, không hiểu biết để lấy tiền. Vậy đây là hành vi ăn cắp chứ không phải tiêu cực.
- Đành thế, nhưng dẫu sao... Biết nói với anh thế nào nhỉ?
- Các anh là người đại diện và bảo vệ pháp luật. Các anh biết phải xử lý thế nào - Anh Dũng Cảm hạ giọng - Tôi đã bắt quả tang. Giấy thanh toán đây, thuốc đây, giá đây. Bây giờ các anh định giải quyết thế nào?
Một chốc sau, cả bọn, gồm anh Dũng Cảm, hai nhân viên công an và cô bác sĩ, cùng lên phòng giám đốc bệnh viện.
Ông giám đốc là một người nghiêm khắc, một giáo sư nổi tiếng và đáng kính. Ông chăm chú nghe anh Dũng Cảm, chốc chốc lại gật đầu tỏ vẻ đồng ý. Nghe xong, ông ngồi im lúc lâu, mặt ửng đỏ, một bên má giật giật. Cuối cùng ông nói, thong thả và dứt khoát trong khi cô bác sĩ - ăn cắp cúi nhìn xuống đất, và vẫn còn khóc.
- Thứ nhất, thay mặt toàn bệnh viện, tôi thành thật xin lỗi anh và những người như anh. Với tư cách là thủ trưởng cơ quan, tôi cũng có lỗi, vì vậy tôi xin lỗi anh. Thứ hai, tôi đồng ý khi anh gọi việc làm đáng xấu hổ này là hành vi ăn cắp, một cách có hệ thống, hằng ngày. Tôi thực sự đau lòng và xấu hổ vì việc làm này của các nhân viên tôi.
Rồi ông cho người gọi trưởng khoa cấp cứu đến, bắt lập tức mang tiền chênh lệch trả lại.
- Tôi hứa sẽ kỷ luật nghiêm khắc những người có lỗi, và sẽ không để lặp lại hiện tượng này.
- Cảm ơn giáo sư - anh Dũng Cảm nói - Xin giáo sư cho biết bệnh viện sẽ kỷ luật như thế nào?
- Chúng tôi sẽ đem vụ này ra hội đồng kỷ luật của bệnh viện và xử lý theo quy định của bộ.
- Nhưng đây là hành vi ăn cắp như chính giáo sư đã thừa nhận. Mà tội ăn cắp, thì phải truy cứu hình sự, tức là phải xử ở tòa án chứ không giải quyết nội bộ qua hội đồng kỷ luật.
Đến lượt ông giáo sư lúng túng:
- Vâng, có lẽ anh nói đúng. Quả thật đây là lần đầu tôi gặp người nhìn nhận sự việc theo hướng này. Mà tôi lại không am hiểu lắm về luật pháp. Tôi sẽ nêu ý kiến của anh trước hội đồng kỷ luật và các cơ quan chức năng. Anh biết đấy, ở đâu cũng có người tốt, người xấu. Tôi rất mong và hy vọng không vì việc này mà anh mất niềm tin vào bệnh viện chúng tôi. Xin anh cho biết địa chỉ. Tôi sẽ đích thân thông báo kết quả xử lý vụ này cho anh.
Rồi anh Dũng Cảm, nhân vật của chúng ta, đưa vợ về nhà. Dọc đường đi, không hiểu sao anh bỗng thấy thật buồn. Anh đạt được cái anh muốn, vợ anh đã qua cơn nguy hiểm, ấy vậy mà anh vẫn cảm thấy buồn, như có cái gì đấy hẫng hụt trong lòng. Anh không hiểu và không thể xác định rõ đó là cái gì. Anh căm ghét tất cả bọn ăn cắp, nhất là bọn ăn cắp mặc áo blu trắng. Nhưng chính cái bọn ăn cắp thứ hai ấy lại vừa cứu vợ anh thoát chết. Anh có làm quá không, có thực sự anh đã lấy oán trả ân không? Nếu con bé ăn cắp kia bị đuổi việc, bị tù tội thật thì sao? Chuyện gì sẽ xảy ra với nó và gia đình nó? Càng nghĩ, anh càng thấy rối. Suốt đêm anh cứ quẩn quanh mãi với những suy nghĩ chẳng vui vẻ này. Cuối cùng, anh quyết định khi nhận được tin báo của giáo sư giám đốc bệnh viện, anh sẽ tự mình xin tha cho cô kia, nếu mức độ trừng phạt quá nặng.
Đấy, chuyện anh Dũng Cảm là như thế. Bây giờ chắc các bạn sẽ hỏi: Còn chuyện anh Hèn thì sao?
***
Anh Hèn là tôi. Tôi phải xin lỗi bạn đọc rằng chẳng hề có anh Dũng Cảm nào cả. Cũng như không hề có chuyện anh ta sống ở ngoại thành, đưa vợ cấp cứu cùng những việc làm đáng khen của anh. Tất cả đều do tôi hư cấu, hay phịa ra như người ta vẫn nói. Tôi là nhà văn mà. Phịa, nhưng trên cơ sở những chuyện có thật.
Sự thật đó là: cách đây không lâu tôi phải đưa vợ tôi vào bệnh viện cấp cứu. Cũng bệnh hen, cũng bị nhân viên phòng cấp cứu thông đồng nhau bắt mua mỗi ống Ventolin Nebule với giá hai mươi nghìn, trong khi chính quầy thuốc bệnh viện ấy bán vỉ năm ống giá bốn mươi nghìn. Tôi cũng ngạc nhiên và bất bình không kém. Thậm chí tôi suýt làm ầm lên, tất nhiên không ở mức như anh Dũng Cảm. Nhưng tôi đã nhẫn nhục im lặng chẳng nói gì. Thứ nhất vì vợ tôi ngăn không cho làm. Bà ấy đang ốm nặng, lại dễ xúc động, làm sao tôi có thể hy sinh mạng sống vợ vì cái công lý trừu tượng nào đó? Sau nữa, mà đây mới là lý do quan trọng nhất: tôi hèn.
Trong ý nghĩ, tôi hình dung, tôi muốn tôi phải là anh Dũng Cảm kia, phải làm đúng những việc anh đã làm. Nhưng trong thực tế tôi lại không có được sự dũng cảm ấy. Tôi sợ làm vợ buồn, sợ mất thời gian, sợ căng thẳng thần kinh, sợ người khác cười chê vì tiếc mấy nghìn bạc mà làm ầm ĩ, sợ mình có nói cũng chẳng giải quyết được gì. Chính cô nhân viên quầy thuốc bệnh viện bảo tôi rằng việc ấy vẫn xảy ra thường xuyên, trước đây cũng như bây giờ và có lẽ cả sau này nữa. Đâu cũng thế. Tóm lại là tôi hèn, và có cớ xác đáng để hèn.
Chẳng ai đem cái hèn của mình ra khoe. Tôi cũng vậy. Nhưng sự thật thế nào thì phải công nhận đúng thế ấy. Thế mà trước đây, các bạn biết không, tôi cũng thuộc loại người hễ thấy bất công ở đâu là xông vào cơ đấy. Và tất nhiên, cũng lãnh đủ, nhưng tôi chưa một lần hối tiếc về việc mình làm. Chẳng qua mỗi tuổi một cách suy nghĩ, hành động, hay sông có khúc, người có lúc như các cụ nói.
Bây giờ tôi đã già, an phận với vị trí yếm thế của người về hưu. Tôi viết văn, suốt ngày gõ gõ bên chiếc máy vi tính. Trọng lượng cơ thể cứ như kéo tôi dính chặt vào ghế, không cho bay lên cao như ngày nào. Các hoài bão, ham muốn, cả thể xác lẫn tinh thần, cứ teo dần, teo dần, và cùng với nó là cái quyết tâm đấu tranh vì công lý và lẽ phải. Nghĩa là trong chừng mực nào đó, tôi đã là kẻ thoái hóa. Tuy nhiên, tôi vẫn luôn cố cưỡng lại không đầu hàng, chừng nào còn có thể. Truyện ngắn này tôi viết cũng nhằm mục đích ấy. Tôi hy vọng nó đến được tay những người cần đến. Biết đâu họ sẽ làm cái gì đó để ngăn chặn hiện tượng tiêu cực trên. Đã biết phận mình hèn thì chỉ dám đặt mục tiêu khiêm tốn thế thôi.
Vì không muốn biến truyện ngắn của mình thành bài phóng sự, tôi xin phép không nêu đích danh tên người, tên bệnh viện cùng ngày giờ xảy ra những việc có thật. Tuy nhiên, dẫu hèn, tôi vẫn không có ý định giấu tên mình. Như các bạn thấy, tôi vẫn còn đủ dũng cảm để viết ra câu chuyện này.