Trong tiệm thực phẩm của ông Kosak. Một lần nữa ông này đang ngủ gối đầu trên tay. Cửa tiệm trông có vẻ nghèo nàn hơn trước. Rõ ràng gia đình đã ăn dần vào vốn. Cha Johnny bước vào một cách lặng lẽ gần như rụt rè. Ông Kosak ngẩng đầu lên chớp mắt rồi đứng dậy.
CHA JOHNNY:
(nói với giọng gần như tội lỗi) Tôi là cha của cháu Johnny.
Hai người đứng nhìn nhau một hồi, với những cảm nghĩ dồn dập; thích thú, lúng túng, cảm kích, hài lòng, rồi phẫn nộ về nhiều thứ ở trên thế gian này như là tính tham lam, xảo trá, khiếm nhã, bất công. Họ mỉm cười rồi nồng nhiệt bắt tay nhau. ÔNG KOSAK: Tôi nhận ra ông ngay. Johnny đã nói chuyện nhiều về ông. Thật hân hạnh cho tôi.
CHA JOHNNY: Ông tử tế quá.
ÔNG KOSAK: Không dám.
CHA JOHNNY:
(chậm rãi) Tôi tới từ biệt ông, đồng thời để xin lỗi và cám ơn ông.
ÔNG KOSAK:
(nói nhanh) Ông không bỏ đi chứ?
CHA JOHNNY: Rất tiếc tôi phải đi.
ÔNG KOSAK: Chúng tôi sẽ nhớ cháu Johnny.
CHA JOHNNY: Tôi không còn tiền. Xin khất nợ ông.
ÔNG KOSAK: Không đáng bao nhiêu.
CHA JOHNNY: Có lẽ tôi không được gặp ông nữa
(rút bản thảo tập thơ trong túi ra. Giọng oai nghiêm) Tôi là một thi sĩ. Đây là mấy bài thơ của tôi
(nói nhanh) Tôi không dám đưa ông để thế nợ. Tiền bạc là vấn đề khác
(giọng khẩn khoản) Xin ông giữ lấy để đền đáp lòng tử tế của ông!
ÔNG KOSAK:
(thành thật) Tôi không dám giữ những bài thơ của ông
(ngập ngừng)
CHA JOHNNY: Tôi hy vọng ông buôn bán phát đạt.
ÔNG KOSAK: Dân chúng không có tiền. Tôi không biết làm cách nào để mua thêm hàng nữa.
CHA JOHNNY: Tôi thông cảm với nỗi lo ngại của ông.
ÔNG KOSAK: Về mùa đông, tình trạng càng tệ hơn. Các nhà máy sản xuất đồ hộp đều đóng cửa. Không có việc làm. Tôi vui lòng giúp đỡ họ theo khả năng của tôi, nhưng mùa đông năm nay tôi hết tiền mua hàng rồi. Rất có thể tôi phải đóng cửa tiệm. Chỉ còn tạm đủ thực phẩm cho gia đình tôi ăn.
CHA JOHNNY:
(cảm động và giận dữ) Những bài thơ này. Tôi xin nói để ông hay rằng đây là những bài thơ tuyệt tác nhất mà tôi từng sáng tác. Tôi muốn ông giữ lấy chúng.
Esther, cô con gái xinh đẹp 7 tuổi của ông Kosak từ phía sau bước ra. ÔNG KOSAK: Esther, con gái tôi. Con a, Đây là cha của Johnny.
CHA JOHNNY: Johnny có nói chuyện nhiều về cháu.
ESTHER:
(thành thật vui vẻ nhưng e thẹn) Chào ông.
ÔNG KOSAK: Gia đình ông sắp sửa đi nơi khác.
ESTHER:
(giật mình) Thật thế sao?
CHA JOHNNY: Johnny sẽ rất nhớ con.
Môi đúa bé run run, nước mắt nó trào ra. Nó quay mặt đi rồi chạy ra ngoài. ÔNG KOSAK: Mọi việc trên đời đều như vậy.
CHA JOHNNY: Chúng còn nhỏ mà.
ÔNG KOSAK: Phải, mọi việc đều khởi đầu như vậy và sẽ không bao giờ thay đổi. Chỉ đàn bà không chịu tin.
CHA JOHNNY: Hay ông cho cháu giữ tập thơ?
ÔNG KOSAK: Ông đừng ngại. Không can gì đâu. Cháu khóc một thời gian rồi sẽ hết, không sao đâu.
CHA JOHNNY: Đây
(trao tập thơ cho ông Kosak) Xin ông làm ơn giữ lấy
(cao giọng như thể nói với Thượng đế và toàn thể nhân loại) Ông không thấy sao, thi ca phải đọc mới là thi ca. Có thể tôi chỉ xứng đáng có một được độc giả. Nếu thế thì tôi muốn độc giả đó là ông.
ÔNG KOSAK: Cám ơn. Tôi không xứng đáng.
CHA JOHNNY (
mìm cười): Chào ông.
ÔNG KOSAK: Chào ông.
Cha Johnny ra khỏi tiệm. Ông Kosak rút kính trong túi đeo lên mắt, mở tập thơ và đứng giữa nhà đọc nhè nhẹ, môi mấp máy. Gương mặt ông bắt đầu biến đổi. Mưa bắt đầu rơi. Esther con gái ông trở lại. ÔNG KOSAK:
(Đọc một một đoạn trong một bài thơ, giọng trầm tĩnh) Lòng đất sâu thẳm
Đại dương bao la
Nước xanh biển cả
Anh thương nhớ em.
Đứa bé sụt sùi nức nở thành tiếng, khi cha nó quay lại và tới gần nó.
Cảnh phòng khách ít lâu sau. Cha Johnny ngồi cạnh bàn, xem lại chồng bản thảo. Trời vẫn mưa. Một lúc sau ông đứng dậy và đi ra cửa sổ. CHA JOHNNY: Trời đất! Thằng nhỏ chắc gặp chuyện chẳng lành rồi.
Trở lại tập bản thảo đọc vài bài, bực tức, ném xuống bàn rồi lại đi ra cửa sổ nữa. Rồi ông bắt đầu đi tới đi lui, nóng lòng chờ đợi. Sau cùng Johnny ba chân bốn cẳng chạy lên bậc thềm, chạy vọt vào trong nhà, vội vã đóng rầm cửa rồi khóa trái lại. Nó thở hổn hển vì sợ hãi. Ai cũng có thể thấy nó bị người ta đuổi theo. Tay nó cầm bốn chùm nho đỏ loại trung bình, nửa tá vả đen và hai quả thạch lựu. JOHNNY:
(lo lắng, thở hổn hển) Giấu đâu được hở ba?
CHA JOHNNY: Chuyện gì vậy, Johnny?
JOHNNY: Ba nói không phải ăn cắp mà.
CHA JOHNNY:
(giận dữ và cáu kỉnh) Thì không phải chứ sao!
JOHNNY: Thế còn con chó bác chủ vườn thì sao?
CHA JOHNNY: Con nói gì? Chó nào của bác chủ vườn?
JOHNNY: Con chó nó đuổi con suốt từ đó tới đây.
CHA JOHNNY: Chó à? Con nói chó đuổi con hả? Chó loại nào?
JOHNNY: Con không kịp nhìn kỹ, nhưng con đoán nó phải to lắm
CHA JOHNNY:
(tức giận trước sự nhục mạ ghê gớm đó) Con vật khốn nạn kia tính cắn con sao, Johnny?
JOHNNY: Chưa cắn, nhưng lúc nào nó cũng như sắp vồ lấy con.
CHA JOHNNY: Nó gầm gừ con hả?
JOHNNY: Chưa đúng hẳn vậy.
CHA JOHNNY: Thế sao?
JOHNNY: Con chạy, nó theo sát gót con.
CHA JOHNNY: Giờ nó đâu?
JOHNNY: Chắc còn ở ngoài, ba ạ. Ba chắc chắn không phải ăn cắp chứ?
CHA JOHNNY:
(rất giận dữ nhặt ba bốn trái nho ăn) Dĩ nhiên không phải. Để ba trị nó cho. Johnny a, không có người hay vật nào có thể làm cho ba con sợ được. Con phải nhớ vậy
(thận trọng bước tới cửa sổ ngó ra ngoài)
JOHNNY: Nó có còn ngoài đó không ba?
CHA JOHNNY: Có một con chó nhỏ thôi con. Có lẽ nó ngủ.
JOHNNY:
(nhảy xuống một cách chua chát) Con biết rồi. Chó bác chủ vườn đó. Nó đang chờ con.
CHA JOHNNY: Johnny, Nó đâu có lớn.
JOHNNY: Vâng, nhưng nếu trường hợp con ăn cắp và nếu con chó là của bác chủ vườn thì sao ba?
CHA JOHNNY: Ừ, nhưng con chó con kia đâu có phải của ai. Ba đoán nó đang tìm bạn.
JOHNNY: Nó đuổi con từ đó tới đây. Ba chắc chắn không ba?
CHA JOHNNY: Chắc chắn. Ba chắc chắn lắm con ạ. Ba làm thi sĩ không phải là vô tích sự. Ba hiểu đời chứ
(Con chó gầm gừ rồi sủa. Cha Johnny giật mình nhảy lùi ra xa cửa sổ và có vẻ sợ hãi. Johnny kinh hoàng lặng lẽ lùi theo)
JOHNNY:
(giọng thì thầm) Gì thế ba?
CHA JOHNNY: Chắc có người tới.
JOHNNY: Ba thấy chưa? Đích thị là ăn cắp rồi. Bác chủ vườn đấy mà.
Nó chạy lại bàn ôm chùm nho vào tay. Bà nó chạy vào phòng BÀ JOHNNY:
(nói tiếng Armenia) Chuyện gì ồn ào huyên náo ngoài đó vậy?
JOHNNY: Suỵt!
Johnny vội vã mang trái cây ra khỏi phòng khách rồi trở lại, tỏ vẻ rất sợ sệt. Con chó tiếp tục gầm gừ và sủa lớn. Cha Johnny còn sợ hãi hơn Johnny nữa.
JOHNNY:
(đau đớn, nghi ngờ) Trời đất quỷ thần! Bây giờ ba thử nhìn tình trạng khốn đốn của chúng ta xem.
CHA JOHNNY: Giá kiếm được điếu thuốc nhỉ!
JOHNNY:
(lại lo lắng cho cha, nói với bà bằng tiếng Armenia) Có thuốc lá không bà?
Bà Johnny chạy sang phòng bên cạnh. Con chó thôi không gầm gừ nữa. JOHNNY: Thấy chưa ba? Bác chủ vườn đó. Con trốn đâu được? Đừng mở cửa.
CHA JOHNNY: Mở cửa à? Giúp ba khiêng chiếc bàn này đi.
Họ đẩy cái bàn ra chặn cửa rồi kiễng chân đi ra giữa nhà. Bà Johnny trở lại tay cầm điếu thuốc và bao diêm đưa cho ba Johnny. Ông đốt thuốc, hít một hơi dài rồi đứng thẳng người lên. CHA JOHNNY:
(giọng bi thảm) Ba mới là người lấy trái cây đó, hiểu chưa Johnny?
JOHNNY: Đừng mở cửa ba nhé.
Cha Johnny nhặt một cái ghế đẩu lặng lẽ đem lại cái bàn đang chắn ở cửa và để lên bàn cho bàn nặng hơn. Johnny nhặt một chiếc ghế để lên bàn. Bà già để cái bình lên bàn. Cha Johnny chồng thêm ba cuốn sách. Thật ra khi có người tiếp tục gõ cửa thì dần dần cả gia đình đã đem hết đồ đạc trong nhà ra làm chướng ngại vật. CHA JOHNNY: Đừng sợ con ạ.
JOHNNY: Họ đâu có vào được phải không ba?
CHA JOHNNY: Không vào được đâu con.
Bà già và hai cha con Johnny đứng sát nhau trong căn phòng trống lổng đồ đạc như thách thức cả nhân loại. Có một phút im lặng dài đầy nỗi sợ sệt khủng khiếp và vẻ thách thức giận dữ. Sau nửa phút im lặng thì bỗng có tiếng kèn trỗi lên. Đó là bản độc tấu “Hồn tôi ở tận miền sơn cước“ Mặt trời ló dạng. JOHNNY:
(la to) Ông MacGregor!
CHA JOHNNY:
(chạy ra kéo cửa sổ lên và lớn tiếng gọi ông MacGregor) Chào ông MacGregor. Johnny, con kéo đồ đạc ra đi.
Cha Johnny chạy lại đống chướng ngại vật, giúp Johnny và bà già sắp đặt lại bàn ghế. Sau cùng họ dọn dẹp xong mọi thứ ra khỏi cửa. Cha Johnny mở tung cửa ra. MacGregor vừa bước vào vừa tiếp tục bản độc tấu, con chó đi trước ông, đó là một loại chó nhỏ thường thấy trên các đường phố. Nó nhởn nhơ chạy nhảy ra chiều thích thú. Đôi mắt ông già vừa vui vừa buồn. Johnny chạy xuống bếp rồi trở lên, tay mang đĩa trái cây và bình nước. MacGregor thổi xong bài kèn. Mọi người kể cả con chó đứng yên lặng một lúc. Johnny trao bình nước cho ông Macgregor. MACGREGOR:
(mệt mỏi) Lần này già không đòi uống nước nữa cháu ạ.
CHA JOHNNY: Rất mừng thấy bác trở lại.
MACGREGOR: Tôi vừa trốn đi. Hiện họ vẫn đuổi theo, nhưng tôi sẽ không về. Họ dấu mất kèn của tôi đi. Họ buộc tôi nằm trên giường. Họ nói tôi đau ốm. Tôi chẳng ốm đau gì cả. Tôi già rồi. Tôi không còn sống được bao lâu nữa. Tôi muốn ở đây với các bạn. Xin đừng để họ bắt tôi trở về.
CHA JOHNNY: Không, nhất định tôi không để cho họ bắt ông về nữa
(kéo ghế cho ông già) Ngồi xuống đây, ông
(ai nấy cùng làm theo, MacGregor nhìn mọi người)
MACGREGOR: Thật hạnh phúc cho tôi được gặp lại các bạn.
JOHNNY: Hồn ông còn ở miền sơn cước không?
MACGREGOR:
(gật đầu) Vẫn ở đó con ạ.
CHA JOHNNY:
(giận dữ) Johnny!
JOHNNY:
(cũng đau buồn) Dạ!
CHA JOHNNY: Câm miệng đi!
JOHNNY: Tại sao thế ba?
CHA JOHNNY: Tại sao à? Thỉnh thoảng sao con lại ngu đần như vậy? Con không thấy ông MacGregor đang mệt mỏi đấy hả?
JOHNNY:
(với MacGregor) Phải thế không ông?
MACGREGOR:
(gật đầu) Nhưng má con đâu ?
JOHNNY: Má con qua đời rồi.
MACGREGOR:
(gần như nói một mình) Không phải bà ấy chết đâu, Johnny
(lắc đầu) Bà ấy ở miền sơn cước đấy.
BÀ JOHNNY:
(nói với cha Johnny) Ông ta nói gì?
CHA JOHNNY:
(lắc đầu) Không
(với MacGregor) Ông ăn chút gì nhé!
MACGREGOR:
(nhìn cái đĩa) Cho trái nho. Một trái thôi
(bứt một trái nho đưa lên miệng, bỗng giật mình quay lại) Họ tới hả?
CHA JOHNNY: Đừng sợ ông bạn ạ, cứ nằm xuống nghỉ.
Cha Johnny đưa ông già tới giường. Ông duỗi chân tay nằm ngửa mặt lên. Cha Johnny trở lại bàn. Không ai ăn uống gì cả. Bỗng nhiên ông già chồm dậy. Vẫn không có gì xảy ra. Ông đứng dậy đi về phía bàn. MACGREGOR: Các bạn không để họ bắt tôi trở về chứ?
CHA JOHNNY: Không
(bẻ đôi trái thạch lựu đưa ông già một nửa) Gắng ăn một chút đi.
MACGREGOR: Cám ơn bạn
(ăn vài miếng. Có tiếng gõ cửa, MacGregor giận dữ nhảy chồm lên) MACGREGOR:
(hét lên) Các người không bắt tôi được đâu. Tôi nói cho các người biết trước. Tôi sẽ ngã gục xuống mà chết ở đây. Tôi là người của gia đình này rồi.
CHA JOHNNY:
(sợ hãi) Nên mở cửa không?
JOHNNY:
(cũng sợ hãi) Có nên không?
MACGREGOR:
(giọng oai nghiêm) Dĩ nhiên phải mở chứ.
Ông ra mở cửa và thấy bác thợ mộc Rufe Apley. Bác hơi giật mình vì dáng điệu giận dữ của ông MacGregoe. RUFE APLEY: Chào ông MacGregor.
JOHNNY: Ai vậy?
RUFE APLEY: Tôi, Rufe Apley.
CHA JOHNNY: Mạnh giỏi không ông Rufe?
CHA JOHNNY:
(đứng bên cửa) Vào chơi, ông Rufe.
Ông Rufe bước vào. Tay xách ổ bánh mì, miếng xúc xích và vài cái trứng. RUFE: Tôi đang ngồi trong nhà bỗng tôi lại nghe thấy điệu nhạc. Tôi độ chừng ông MacGregor trở lại rồi.
MACGREGOR: Tôi mừng là bác còn nhớ.
RUFE APLEY: Không ai có thể quên bản nhạc đó bao giờ. Tôi có đem theo ít thức ăn.
MACGREGOR:
(cầm lấy đặt lên bàn) Cám ơn bạn, cám ơn.
Có tiếng gõ cửa nữa, Sam Wallace xuất hiện, bác là thợ điện, trên người còn đủ đồ nghề: áo choàng với tất cả các dụng cụ treo lòng thòng, băng keo, đai da tròng ở bắp chân, móc sắt... không thiếu thứ gì. Tuy nhiên tay bác vẫn xách thêm cà chua, pho mát và củ cải. WALLACE: Tôi đoán là ông MacGregor đã trở về. Tôi tự nhủ: Mình lại đó chơi đem chút đồ ăn.
MACGREGOR: Thật là ngạc nhiên thích thú cho tôi.
RUFE APLEY:
(dáng điệu tỏ ra cố gắng muốn trình bày điều gì) Này, ông MacGregor...
MACGREGOR: Bạn muốn gì ạ? Cứ nói lên đi. Tôi là một người mộc mạc như các bạn vậy, không khác chút nào.
RUFE APLEY: Chị vợ tôi và cả gia đình đang đứng ngoài kia. Tôi biết họ muốn nghe ông thổi kèn. Ngoài ra còn có mấy người khác nữa.
MACGREGOR:
(hãnh diện) Dĩ nhiên tôi sẽ thỏa mãn họ. Tôi đã 80 tuổi đầu rồi và không còn sống bao lâu nữa. Trước khi ra đi tôi muốn được nhập vào đại gia đình các bạn bởi vì các bạn sẽ còn sống sau khi tôi chết. Ngoài đó có trẻ con không?
RUFE APLEY: Có bảy đứa, con của chị vợ tôi.
Ba bốn người láng giềng nữa bước vào mang đồ ăn theo. MacGregor nhấc cây kèn lên. Ai nấy theo ông ra ngoài hiên trừ cha Johnny. MacGregor bắt đầu bản độc tấu. Lần này ông già yếu quá rồi không thể chơi cho đầy đủ phong độ được, nhưng ông vẫn cố hết sức hoàn thành bản độc tấu. Cha Johnny đi lại quanh phòng, mỉm cười rồi lại cau mày, tâm hồn quyến luyến căn nhà thân yêu. Cửa bếp lặng lẽ mở ra và người ta thấy cô bé Esther Kosak đứng ở cửa. Cha Johnny quay mặt lại nhìn. Cô bé không khóc nữa, tay cô nắm chặt cái gì không ai biết. CHA JOHNNY:
(điềm tĩnh) Esther đấy à?
ESTHER: Johnny đâu rồi?
CHA JOHNNY: Để bác tìm cho.
Ông ra ngoài hiên. Cô bé đứng một mình lộ vẻ sầu não và cô đơn khủng khiếp. Một lát sau, Johnny hớt hải chạy vào nhưng tĩnh trí lại rất nhanh khi nó bắt đầu cảm thấy tâm trạng của cô bé. JOHNNY: Chào Esther.
ESTHER: Chào Johnny.
JOHNNY: Có chuyện gì không?
ESTHER: Ba em đã đọc tập thơ cho em nghe rồi.
JOHNNY: Thế sao?
ESTHER:
(chìa tay ra) Đây cầm lấy. Tất cả gia tài em có bấy nhiêu đó (
Johnny giơ tay đỡ nắm tiền đồng) Em tính để dành mừng lễ Giáng sinh.
Nó bắt đầu khóc, quay mặt đi và chạy ra khỏi nhà. JOHNNY:
(rất cảm động nhưng giận dữ, như cảm thấy một cái gì sâu xa, cao đẹp và khủng khiếp) Trời đất ơi!
(với vẻ mặt thê thảm của một đứa trẻ đau buồn, nó cũng òa lên khóc và ném nắm tiền đồng vào tường rồi ngã vật xuống đất nức nở) Ai cần đến những thứ này?
Cha Johnny trở vào. CHA JOHNNY: Johnny!
(tới gần hơn) Johnny!
JOHNNY:
(nức nở và giận dữ) Esther đưa tiền cho con!
CHA JOHNNY: Khóc đâu có ích lợi gì đâu con!
JOHNNY:
(chồm dậy) Ai khóc
(nó càng khóc to hơn bao giờ hết)
CHA JOHNNY: Rửa mặt đi. Không sao con ạ.
JOHNNY:
(đi ra) Đâu đây chắc có điều gì lệch lạc.
MacGregor chấm dứt bản độc tấu, mọi người đứng im lặng, bàng hoàng, lo sợ vì biết rõ có chuyện gì không hay xẩy ra. Người ta nghe tiếng MacGregor nói một hồi. MACGREGOR:
(giọng mệt mỏi) Đời tôi, các bạn a, đời tôi đã gần tàn. Tôi rất tiếc không còn chơi nhạc cho các bạn nghe được nữa. Cám ơn các bạn, cám ơn.
Cha Johnny đi đi lại lại trong nhà. Ông ngồi xuống bàn và nhìn đồ ăn. MacGregor và bà Johnny cũng trở lại ngồi bên bàn. Con chó nằm xuống góc nhà. MACGREGOR:
(nâng bình nước lên uống một chút) Họ không để cho tôi thổi kèn nữa
(ông uống thêm chút nước) Họ giấu kèn của tôi
(uống thêm nước) Họ nói tôi ốm
(uống thêm) Tôi khỏe như voi. Nếu họ tới bắt tôi về, tôi sẽ giả vờ là tôi sắp chết. Tôi sẽ giả chết như trong vở kịch “Vua Lear“. Tôi sẽ đóng tất cả các vai giả chết.
Johnny long trọng trở về. Mọi người ngồi vào bàn. Không ai ăn được trừ bà già. Giây phút lặng lẽ kéo dài. Bà già ngừng ăn. BÀ JOHNNY: Có chuyện gì thế? Sao mọi người rầu rĩ quá vậy?
MacGregor đứng dậy.
MACGREGOR:
(ngâm nga thơ Shakespeare lẫn lộn với một số vần thơ do chính ông sáng tác) Cuồng phong hỡi, hãy trỗi lên! Hãy phùng mang trợn mắt thổi đến tan xương nát thịt ngươi! Hãy thổi như điên dại! Hãy thổi đi! Hỡi dông tố thác lũ, hãy dâng nước lên cho tràn ngập đình chúa tới tận tháp chuông cao ngất! Hỡi lửa diêm sinh phá hoại tư tưởng con người, hãy đốt cho cháy xém đầu bạc của ta. Hãy hạ mình xuống! Hãy phun lửa và phun nước mưa tuôn ra. Ta không bao giờ ban đất đai cho các người hay gọi các người là con dân ta. Bây giờ ta đứng nơi đây trở thành một tên nô lệ của các người, tàn tật đau khổ, yếu đuối già cả. Sông hoặc không sống.
..(giọng thê thảm) Sống! Sống! Làm gì? Là một tên khờ dại, một kẻ mặc cho số phận vùi dập. Một kẻ ly hương, không nhà cửa, thiếu tình thương. Ta ít phạm tội lỗi với ai mà chỉ là nạn nhân của những bàn tay tội lỗi. Vũ khí! Vũ khí! Gươm đao! Súng ống! Trần gian sa đọa! Kìa những con chó nhỏ, con Mực, con Vàng, con Vện! Thấy chưa? Chúng đang sủa tôi. Trời ơi! Điên dại ở đó - thôi, thế là đủ rồi hãy để tôi tránh ra xa. Tâm hồn tôi đang quay cuồng
(Johnny tới gần ông ta và quỳ gối xuống) Lại đây cháu ơi, cháu thế nào? Cháu lạnh ư? Thôi hãy để già yên thân! Cháu muốn dập nát tim già sao? Con người điên khùng trong tôi sắp chết rồi. Không, không còn sự sống nữa! Tại sao con chó, con ngựa, con chuột được sống mà ngươi không được sống? Không, hỡi tử thần, ngươi không bao giờ tới nữa, không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ! Ta van ngươi hãy cởi dùm cái nút áo này ra - Cám ơn ngươi
- (ông cầm cây kèn ở trước mặt) Ngươi thấy cái này không? Hãy nhìn coi. Hãy nhìn đi, nhìn đi!
Trong khi MacGregor đóng kịch thì Johnny trở về chỗ mấy đồng tiền nằm rải rác trên nền nhà, lượm lên từng đồng một rồi đưa lên mắt nhìn. Căn phòng hoàn toàn im lặng. Có tiếng xe ngựa đi ngoài phố rồi tiếng chân bước ngoài hiên và tiếng gõ cửa. Cha Johnny ra mở. Đó là Philip Carmichael và hai vệ sĩ từ nhà dưỡng lão tới. Hai vệ sĩ đứng nghiêm ở cửa.
CARMICHAE: Chúng tôi vừa nghe tiếng kèn của MacGregor. Ông ấy ốm nặng. Chúng tôi tới đưa ông về.
CHA JOHNNY: Xin mời vào trong nhà
(ông vào trước, nói với MacGregor) Ông MacGregor! Ông MacGregor!
(cao giọng hơn) Ông MacGregor! Ông MacGregor!
Carmichael vội vàng đến bên MacGregor quan sát. CARMICHAEL: Ông ta chết rồi!
JOHNNY: Không, chưa chết. Ông đóng kịch.
CHA JOHNNY: Trời ơi! Ông ta quả là kịch sĩ đóng kịch Shakespeare tài nhất của thời đại chúng ta.
CARMICHAEL: Tôi rất tiếc là sự việc đã xẩy ra ngay ở đây.
CHA JOHNNY: Tại sao không? Tại sao lại không ở đây nhỉ? Chính ông muốn chết ở đây mà lại.
JOHNNY: Ông chỉ mới đóng kịch thôi, ba ạ. Ông chưa chết đâu
(lại bên MacGregor) Có phải thế không ông MacGregor?
Dĩ nhiên không có tiếng trả lời. CARMICHAEL: Chúng tôi xin đưa ông về.
CHA JOHNNY: Đây cây kèn của ông đây. Hãy để cây kèn ở cạnh ông.
Cha Johnny nhấc bổng người ông MacGregor lên và đưa ra ngoài. Hai vệ sĩ khiêng ông đi ngược đường phố. Anh sáng buổi chiều tăng dần tới cùng một cường độ như lúc vở kịch bắt đầu. Chiếc xe ngựa đi khuất dạng.Có một phút im lặng kỳ dị, rồi từ xa xăm tiếng kèn độc tấu văng vẳng vọng lại. Có tiếng gõ cửa. Cha Johnny ra mở. Đó là đôi vợ chồng trẻ. Đứa con thơ đang khóc. Họ bước vào.
NGƯỜI VỢ: Cháu nhỏ mệt và buồn ngủ.
CHA JOHNNY: Nhà đã sẵn sàng
(nói với Johnny) Hãy lấy đồ đạc của con đi
(nói với bà già bằng tiếng Armenia) Chúng ta lên đường thôi.
Ông kéo chiếc va li dưới gầm giường ra rồi ném đại vào đó những tập thơ, sách vở, phong bì, ổ bánh và vài thức ăn khác. Bà già choàng khăn lên đầu và vai. Johnny bỏ lại tất cả và chỉ mang theo nắm tiền đồng. Đứa trẻ ngừng khóc. Con chó theo quanh Johnny. Tiếng nhạc trỗi lên cao thêm. NGƯỜI CHỒNG: Cám ơn các bạn rất nhiều.
NGƯỜi VỢ: Các bạn có chỗ ở rồi chứ?
CHA JOHNNY: Dạ có, thôi xin chào ông bà.
HAI VỢ CHỒNG : Xin chào ông.
Họ ra khỏi nhà, đi xuống đường phố. JOHNNY: Biết đi đâu giờ hả ba?
CHA JOHNNY : Đừng lo, Johnny ạ. Con cứ việc đi theo ba.
JOHNNY : Ba ơi, con không nói rõ ai cả, nhưng con cảm thấy có gì lệch lạc đâu đó!
Tiếng nhạc lớn hơn. Họ đi bộ ngược đường phố. HẾT