NHÂN VẬT
Johnny: 9 tuổi
Ba Johnny: Ben Alexander, thi sĩ
Bà nội Johnny
Jasper MacGregor: người mà tâm hồn ở tận miền sơn cước
Ông Kosak: chủ tiệm thực phẩm
Esther: con gái xinh đẹp của ông Kosak
Rufe Apley: thợ mộc
Philip Carmichael: nhân viên nhà dưỡng lão
Henry: em nhỏ bán báo buổi sáng
Ông Wiley: người phát thư
Ông Cunningham: người quản lý bất động sản
Một đôi vợ chồng trẻ và đứa con thơ
Các bạn hữu và láng giềng giầu lòng tử tế
Một con chó.
BỐI CẢNH
Một căn nhà ở đại lộ San Benito trong thành phố Fresno thuộc tiểu bang California.
Tiệm tạp hóa của ông Kosak.
THỜI GIAN
Tháng Tám và tháng Mười một dương lịch năm 1914.
Một căn nhà cũ bằng gỗ sơn trắng, đổ nát với một hàng hiên ở phía trước nằm trên đại lộ San Benito ở thành phố Fresno thuộc tiểu bang California. Không có nhà cửa nào khác quanh vùng đó, chỉ có một khu đất hoang vu lạnh lẽo và một bầu trời đỏ rực. Đó là một buổi chiều tà vào tháng Tám dương lịch 1914. Mặt trời đang xuống dần. Johnny, 9 tuổi, nhưng thật ra khôn ngoan già dặn trước tuổi, tính tình hoạt bát, thích nhảy nhót, đang ngồi trên bậc cửa hàng hiên - không chú ý gì đến thế giới bên ngoài, và đang đăm chiêu suy nghĩ đến một thế giới cao cả thiêng liêng. Từ xa vọng lại tiếng còi xe lửa thê lương. Bỗng nó giật mình lắng tai nghe, nghiêng đầu về một phía như con gà, cố gắng tìm hiểu ý nghĩa của tiếng còi thê lương và đồng thời tưởng tượng mọi việc xảy ra. Nó không hiểu được hoàn toàn và khi tiếng còi rên rỉ chấm dứt thì nó cũng hết chăm chú. Một cậu bé khác 14 tuổi cưỡi xe đạp, miệng ngậm kem, vai đeo túi báo, lặng lẽ đạp xe trên lề đường, hầu như không để ý gì đến sức nặng trên đôi vai và quên hẳn chiếc xe ọp ẹp mà nó đang cưỡi, vì nó còn đang mải mê thưởng thức cái thú của cà rem trên thế giới này. Johnny nhảy vội xuống đất, vẫy cậu bé bán báo, vùa vẫy vừa mỉm cười hồn nhiên nhưng cậu bé không chú ý tới nó. Nó lại ngồi xuống lắng nghe một con chim nhỏ ca hát véo von nhưng giọng ca có vẻ giận dữ. Sau một hồi ríu ra ríu rít những câu vô nghĩa, con chim bay đi. Từ trong nhà vọng ra giọng buồn bã của ba Johnny ngâm những vần thơ do chính ông sáng tác. CHA JOHNNY: Ngày dài kéo bước lê thê
Khiến hồn ai đó tái tê đau buồn
(
Ngưng tiếng để lộ niềm cay đắng) Thời gian sao chẳng trôi luôn
(
Giọng ai oán) Ngập hồn cay đắng nỗi buồn mông mênh
Một bàn tay giận dữ đẩy một chiếc bàn hay một chiếc ghế ra sân khấu. Văng vẳng nghe tiếng rên rỉ rồi im bặt. Đứa trẻ lắng tai nghe. Nó đứng dậy, thử dốc ngược đầu xuống, nhưng không được, lại thử lần nữa và thành công. Đang mải mê nhào lộn, bỗng nó nghe trỗi lên bản nhạc thơ mộng và kỳ diệu nhất thế giới, đó là một bản độc tấu bằng kèn, bản “Hồn tôi ở tận miền sơn cước “. Nghệ sĩ là một ông già gần đất xa trời. Ông thổi xong bản độc tấu ngay trên thềm cửa. Thằng bé vội vàng đứng thẳng lên và chạy lại chỗ ông già, nó ngạc nhiên thích thú và bối rối. JOHNNY: Cháu muốn nghe ông thổi một bản khác nữa.
MACGREGOR: Này cháu, cháu có thể kiếm cho lão một ly nước không? Lão là một ông già hồn không còn ở đây, mà ở mãi tận miền sơn cước.
JOHNNY: Miền sơn cước nào vậy ông ?
MACGREGOR: Miền sơn cước Tô cách lan, cháu ạ. Được không cháu?
JOHNNY: Hồn ông làm gì ở tận miền sơn cước Tô cách lan?
MACGREGOR: Hồn già đang đau khổ tại đó. Cháu có thể cho già một ly nước lạnh được không?
JOHNNY: Thế mẹ của ông đâu?
MACGREGOR:
(Bịa chuyện với thằng nhỏ) Má già ở Tulsa thuộc tiểu bang Oklahoma, nhưng hồn bà không ở đó.
JOHNNY: Vậy hồn bà ở đâu?
MACGREGOR:
(Cao giọng) Ở tận miền sơn cước Tô cách lan
(Dịu dàng) Già khát quá rồi cháu ơi!
JOHNNY: Tại sao tất cả gia đình già đều luôn luôn để tâm hồn tại miền sơn cước ?
MACGREGOR:
(Nói theo giọng Shakespeare) Gia đình lão như vậy đó: Nay sống gởi nơi đây, mai thác về quê cũ.
JOHNNY:
(nói một mình) Nay sống gởi nơi đây, mai thác về quê cũ
(với MacGregor) Thế nghĩa là gì?
MACGREGOR:
(giọng triết gia) Nghĩa là phút này còn sống mà phút sau đã thác.
JOHNNY: Thế má của má già đâu?
MACGREGOR:
(bịa chuyện nhưng giọng đã bực bội) Bà ở tận miền Vermont trong một tỉnh nhỏ gọi là Bạch Hà, nhưng hồn bà cũng không có đó.
JOHNNY: Phải chăng tâm hồn già nua cằn cỗi của bà cũng ở tận nơi sơn cước?
MACGREGOR: Ngay ở giữa miền sơn cước. Con ơi! Già sắp chết khát mất rồi.
Cha Johnny từ nhà trong nhảy xổ ra như vừa xổng ra khỏi lồng. Ông gầm thét với thằng nhỏ, giống hệt con hổ vừa tỉnh cơn ác mộng CHA JOHNNY: Johnny! sao mày cứ bám riết lấy ông già đáng thương đó vậy? Chạy đi múc cho ông một bình nước kẻo ông ngã xuống và chết vì khát bây giờ. Phép lịch sự của mày đâu cả rồi?
JOHNNY: Thỉnh thoảng con hỏi chuyện một du khách không được sao?
CHA JOHNNY: Kiếm cho ông già chút nước đã, thằng trời đánh này! Đừng đực mặt ra như phỗng đá vậy. Ba bảo lấy nước cho ông ấy uống kẻo ông ấy ngã chết bây giờ.
JOHNNY: Ba lấy nước cho ông già uống đi. Ba không làm gì cả mà.
CHA JOHNNY: Không làm gì à. Ủa Johnny, con biết ba đang nghĩ trong óc ba một bài thơ mới chứ?
JOHNNY: Làm sao mà ba nghĩ rằng con biết được, Ba đang xắn tay áo đứng ở hàng hiên mà.
CHA JOHNNY:
(giận dữ) Con phải biết chứ!
(rên rỉ) Con là con ba mà!
(ngạc nhiên) Nếu con không biết thì còn ai biết nữa.
MACGREGOR:
(vui vẻ) Chào ông. Cháu nhỏ ông vừa nói chuyện cho tôi hay khí hậu ở đây mát mẻ và trời đất ở đây sáng sủa biết bao.
JOHNNY:
(ngơ ngác nhưng rất muốn tìm hiểu, nói một mình) Trời đất! Ai nói gì về thời tiết khí hậu bao giờ đâu. Ông này kiếm đâu ra chuyện đó?
CHA JOHNNY:
(giọng trang trọng ra vẻ con người quý phái) Ông già mạnh giỏi không? Mời ông vào nhà nghỉ ngơi. Chúng tôi hân hạnh được ông chiếu cố dùng cơm với chúng tôi chiều nay.
MACGREGOR:
(thực tế) Vâng tôi đói quá ông ạ! Tôi xin vào ngay (
Đứng dậy vào nhà, Johnny đứng chắn lối đi, ngước nhìn ông.) JOHNNY:
(lãng mạn) Ông thổi cho cháu nghe bản “Hãy nâng ly mừng anh, hỡi người em gái có đôi mắt kiều diễm“. Cháu muốn nghe ông thổi kèn bài đó. Đó là bản nhạc mà cháu ưa nhất. Có lẽ cháu thích bài này hơn bất cứ bài nào khác.
MACGREGOR:
(thất vọng). Cháu ạ, tới tuổi ông, cháu sẽ thấy rằng ca hát không phải là chuyện cần, cơm gạo mới thật là quan trọng.
JOHNNY:
(vẫn trung thành) Dầu sao cháu cũng thích nghe ông thổi kèn bài đấy.
MacGregor bước lên lên hiên bắt tay cha Johnny MACGREGOR:
(giọng kể chuyện) Già tên là Jasper MacGregor, một tài tử sân khấu.
CHA JOHNNY:
(vui vẻ) Tôi rất vui mừng được quen biết ông
(giọng hách dịch như vị hoàng đế ra lệnh) Johnny, lấy ngay cho ông già bình nước đi con
(Johnny chạy quanh nhà). MACGREGOR:
(gần chết khát, thở dài, nhưng vẫn thành thật) Cháu nhỏ dễ thương quá!
CHA JOHNNY:
(giọng bình thường) Cũng như tôi, cháu là một thiên tài đó.
MACGREGOR:
(rên rỉ vì mệt nhọc) Chắc ông thương cháu lắm nhỉ.
CHA JOHNNY:
(hãnh diện) Hai tâm hồn cha con tôi như một. Cháu là hình ảnh tuổi thanh xuân của tôi. Ông có để ý đến tính tình hoạt bát của cháu không?
MACGREGOR:
(sung sướng vì mình vẫn còn sống) Tôi phải nhận rằng có.
CHA JOHNNY:
(hãnh diện và giận dữ) Tôi cũng giống hệt cháu, tuy già yếu và không xuất sắc bằng nó.
Johnny chạy trở về cầm bình nước trong tay và trao cho ông già, ông này ngả vai về phía sau, ngẩng đầu lên và lỗ mũi phồng lên thở phì phào. Mắt mở rộng, ông nâng bình nước lên môi. Ông uống một hơi cạn nước, còn cha con Johnny nhìn ông ngạc nhiên thán phục. Ông già thở mạnh, đưa mắt nhìn quang cảnh xung quanh, nhìn lên trời rồi lại nhìn về cuối đại lộ San Benito, nơi mặt trời chiều đang xuống dần MACGREGOR:
(giọng buồn bã lộ vẻ suy tư, rồi dịu dàng lộ vẻ mệt mỏi) Tính ra tôi đang sống tha hương cách xa quê nhà cả năm bảy ngàn dặm. Ông có thể cho tôi miếng bánh mì và pho mát để cho con người tôi tỉnh táo một chút được không?
CHA JOHNNY:
(nói như giọng hoàng đế Nã phá Luân) Johnny, con chạy ngay xuống tiệm thực phẩm kiếm cho ba ổ bánh mì và một lạng pho mát.
JOHNNY:
(giọng thê thảm như ngày tận thế) Ba đưa tiền cho con
CHA JOHNNY:
(giọng nhà thống kê, và giọng thi sĩ hãnh diện) Con biết ba không còn xu nhỏ nào, nói với ông Kosak bán chịu cho.
JOHNNY:
(miễn cưỡng phải làm bổn phận) Ông không bán chịu đâu ba ạ! Ông chán bán chịu cho mình rồi. Ông nói mình thất nghiệp hoài và không bao giờ có tiền trả. Mình còn nợ ông ta bốn cắc bạc nữa.
CHA JOHNNY:
(bực tức giận dữ) Thì cứ xuống đó thuyết phục ông ta xem. Con biết đó là bổn phận của con mà.
JOHNNY:
(vẫn tự bào chữa) Ông ta đâu có nghe lý luận. Ông nói ông không cần biết gì hết. Ông chỉ cần đòi nợ bốn cắc bạc thôi
CHA JOHNNY:
(giọng Nã Phá Luân chỉ huy) Con cứ xuống đó xin ông bán cho ổ bánh mì với lạng pho mát
(nhẹ nhàng, giọng cầu khẩn và nịnh con) Johnny, con làm được điều đó mà.
MACGREGOR:
(nóng nảy vì đói) Đi đi cháu, đi nói với ông Kosak bán cho ổ bánh mì và lạng pho mát.
CHA JOHNNY: Johnny, đi đi con. Từ trước tới giờ chưa bao giờ con chịu rời tiệm đó mà không mua được thức nọ thức kia. Mười phút nữa con trở về là sẽ có đồ ăn như đồ ăn ông hoàng cho mà coi
(đùa giỡn với chính mình) Hay ít nhất là đồ ăn của một quận công
JOHNNY: Chưa chắc. Ông Kosak nói mình có cả ngàn lẻ một lý do để bào chữa. Ông ta muốn biết ba làm nghề nghiệp gì.
CHA JOHNNY:
(giận dữ) Vậy con đi nói ngay cho ông ta biết
(giọng anh hùng) Ba không có gì phải dấu diếm cả. Ba làm thơ, cả ngày lẫn đêm.
JOHNNY:
(sau cùng nhượng bộ) Thì con đi, nhưng con không tin rằng ông ta chịu nghe đâu. Ông nói ba chẳng bao giờ chịu ra khỏi nhà để đi tìm công ăn việc làm. Ông còn chê ba lười biếng và ăn hại.
CHA JOHNNY:
(gào lên) Johnny, con chạy ngay xuống đó thưa với nhà hảo tâm gốc Tiệp khắc đó rằng ông ta điên rồi. Con đi xuống đó và nói ngay với vị bác học hào hiệp đó rằng ba con là một trong những thi sĩ vô danh vĩ đại nhất của thời đại chúng ta.
JOHNNY: Ông bất cần, ba ạ, nhưng dù sao con cũng đi. Con sẽ cố gắng hết sức. Mình không còn chút gì ăn trong nhà sao?
CHA JOHNNY:
(giả giọng bi kịch) Chỉ còn ngô rang
(nói với MacGregor) Chúng tôi ăn ngô rang bốn ngày liền rồi. Johnny, con phải kiếm cho ra bánh mì pho mát nếu con muốn ba sáng tác xong bài thơ trường thiên đó.
JOHNNY: Con sẽ gắng hết sức.
MACGREGOR: Đừng đi lâu quá, Johnny nhé. Già đang sống xa quê hương cả năm bảy ngàn dặm.
JOHNNY: Cháu sẽ chạy cho mau ông ạ.
CHA JOHNNY:
(đùa giỡn) Nếu dọc đường con có nhặt được tiền, nhớ chia đôi nghe con.
JOHNNY:
(thích thú vì lời khôi hài) Được rồi ba ạ.
Johnny chạy xuống phía dưới đường phố Bên trong tiệm thực phẩm của ông Kosak. Ông đang nằm ngủ gối đầu trên tay khi Johnny chạy vào. Ông ngẩng đầu lên. Ông là một người tử tế, hiền lành và đứng đắn, có bộ râu mép vĩ đại đỏ hoe để theo kiểu cổ. Ông lắc đầu cố gắng tỉnh dậy. JOHNNY:
(có thể nói là nhà ngoại giao) Ông Kosak ạ, nếu ông phải sống bên Tàu không bạn bè thân thuộc trên đời, và cũng không một xu dính túi, thì ông có ước mong gặp nhà hảo tâm nào đó giúp ông đồng tiền bát gạo không?
ÔNG KOSAK: Mày muốn gì ?
JOHNNY: Cháu chỉ muốn nói chuyện phiếm thôi. À như vậy ông có mong muốn gặp người đồng loại giúp đỡ ông không?
ÔNG KOSAK: Mày có bao nhiêu tiền?
JOHNNY: Cháu đâu có nói vấn đề tiền bạc. Cháu nói chuyện phiếm bên Tàu kia mà.
ÔNG KOSAK: Tao hoàn toàn mù tịt, không biết chuyện bên Tàu bên Tây nào cả.
JOHNNY: Nếu phải sống như vậy bên Tàu, ông sẽ cảm thấy thê nào, ông Kosak?
ÔNG KOSAK: Johnny, tao không biết, ở bên Tàu thì tao biết làm gì?
JOHNNY: Chẳng hạn ông du lịch sang đó rồi gặp cảnh đói khát lại sống xa quê hương cả năm bảy ngàn dặm không bạn bè thân thuộc. Chẳng lẽ ông mong ước mọi người ngoảnh mặt đi mà không giúp đỡ chút cơm gạo sao! Phải không ông Kosak ?
ÔNG KOSAK: Chắc không, nhưng Johnny ạ, mày đâu có ở bên Tàu, cả ba mày cũng vậy nữa. Mày hoặc ba mày phải đi kiếm công ăn việc làm, và bắt đầu ngay từ bây giờ đi là vừa. Tao nhất định không bán chịu đồ ăn nữa đâu. Tao biết ba con mày sẽ không trả tiền tao.
JOHNNY: Ông Kosak ơi! Ông hiểu lầm cháu rồi. Năm nay là năm 1914 chứ đâu phải 1913. Cháu không nói chuyện gì đến thức ăn cả. Cháu phiếm luận về dân tà giáo ở quanh ông ở Trung Hoa giữa lúc ông gặp cảnh đói khát đến gần chết.
ÔNG KOSAK: Đây không phải Trung Hoa. Các người phải đi kiếm kế sinh nhai ở xứ này. Bên Mỹ ai cũng phải làm việc cả. JOHNNY: Ông Kosak ạ, giả sử chỉ cần một ổ bánh mì với lạng pho mát để khỏi chết đói, hỏi ông có ngần ngại ngửa tay xin một vị giáo sĩ Gia tô giáo không?
ÔNG KOSAK: Phải, tao ngần ngại chứ. Ngửa tay xin tao thấy xấu hổ lắm.
JOHNNY: Mặc dầu ông biết sau này ông sẽ trả lại họ hai ổ bánh mì và hai lạng phó mát, mặc dầu vậy ông cũng ngần ngại ư ?
ÔNG KOSAK: Mặc dầu vậy tao vẫn ngần ngại.
JOHNNY: Đừng nên thế, ông Kosak ạ. Ông biết đó là tinh thần chủ bại. Như vậy thì chỉ có còn có chết. Như vậy ông sẽ phải chết bên Tàu ư?
ÔNG KOSAK: Có chết tao cũng không cần. Nhưng mày và ba mày phải trả tiền phó mát cho tao. Tại sao cha con các người không lo kiếm việc làm ăn?
JOHNNY:
(bỏ ngay lối tấn công trí thức mà quay sang lối tấn công thường tình của con người) Bác Kosak ơi, bác mạnh khỏe không?
ÔNG KOSAK: Cũng khá, còn cháu thế nào, Johnny?
JOHNNY: Không bao giờ cháu mạnh khỏe hơn lúc này, bác ạ. Thế các con của bác sao?
ÔNG KOSAK: Bình thường vậy. Thằng Stephan mới chập chững biết đi.
JOHNNY: Hay quá nhỉ ? Còn Angela?
ÔNG KOSAK: Angela đang tập hát. Bà nội cháu có khỏe không?
JOHNNY: Bà cháu khỏe. Bà cũng bắt đầu hát. Bà nói bà thích là ca sĩ của ban đại nhạc kịch hơn là làm nữ hoàng Anh quốc. Bác gái cũng mạnh khỏe chứ ?
ÔNG KOSAK: Ồ! khỏe lắm.
JOHNNY: Cháu sung sướng được biết cả gia đình bác đều mạnh khỏe và yên vui. Cháu biết thế nào một ngày kia Stephan cũng trở thành vĩ nhân.
ÔNG KOSAK: Bác hy vọng thế. Bác đang tính cho nó theo học trường trung học để thử thời vận xem nó có may mắn hơn bác ngày xưa không. Bác không muốn sau này nó phải gặp khó khăn suốt đời nó.
JOHNNY: Cháu tin tưởng vào anh Stephan lắm bác Kosak ạ.
ÔNG KOSAK: Mày muốn mua gì, Johnny, mày có bao nhiêu tiền trong túi?
JOHNNY: Bác Kosak, bác biết cháu tới đây không phải để mua bán gì hết. Bác biết cháu chỉ muốn thỉnh thoảng được đàm đạo với bác
(nói nhanh giọng khẩn khoản) Bác bán cho cháu ổ bánh mì với lạng pho mát.
ÔNG KOSAK: Trả tiền mặt đó nghe Johnny!
JOHNNY: Thế còn Esther, cô con gái xinh đẹp của bác ra sao?
ÔNG KOSAK: Nó vẫn mạnh khỏe. Nhưng mày phải trả tiền mặt đó nghe chưa Johnny. Cha con mày là dân lười biếng nhất tỉnh này.
JOHNNY: Cháu sung sướng nghe tin cô Esther mạnh khỏe, bác ạ, Ông Jasper MacGregor vùa tới thăm gia đình cháu. Ông là một tài tử sân khấu có hạng.
ÔNG KOSAK: Chưa nghe tên ông ta bao giờ!
JOHNNY: Bán cho cháu một chai bia cho ông MacGeregor nữa.
ÔNG KOSAK : Tao không bán bia cho mày được đâu.
JOHNNY: Được mà.
ÔNG KOSAK: Không được. Tao bán cho mày một ổ bánh mì và một lạng pho mát thế thôi. Johnny, khi ba mày làm việc thì ông ấy làm gì ?
JOHNNY: Bác ạ, ba cháu làm thơ. Đó là công việc duy nhất mà cháu làm. Ba cháu là một trong những thi sĩ hay nhất trên đời.
ÔNG KOSAK: Thế khi nào ông ấy lãnh tiền ?
JOHNNY: Ông không lãnh tiền bao giờ cả. Đâu có thể vừa ăn mà lại vừa để giành được.
ÔNG KOSAK: Tao không thích loại công việc đó. Tại sao ba mày không làm công việc như mọi người, hả Johnny?
JOHNNY: Công việc ông làm còn vất vả hơn bất cứ việc nào khác. Ba cháu làm gấp đôi người thường.
Ông Kosak trao cho Johnny ổ bánh mì và lạng phó mát. ÔNG KOSAK: Thế là mày nợ tao năm cắc rưỡi. Lần này tao bán cho mày. Nhưng từ nay không bao giờ tao bán nữa nhé. JOHNNY:
(đứng ngoài cửa) Bác nói với cô Esther rằng cháu mến cô ấy lắm bác nhé.
Johnny chạy ra khỏi tiệm. Ông Kosak đập con ruồi, nhưng không trúng, đập lần nữa, lại không trúng và hình như để trút nỗi bực tức với tất cả mọi người, ông đuổi theo con ruồi chung quanh nhà và giơ tay ráng đập thật mạnh. Trở về cảnh trong nhà. Cha Johnny và ông già đang nhìn xuống đường phố chờ xem Johnny có đem đồ ăn về không. Bà nó cũng đứng ở ngoài hiên nóng lòng muốn biết có thức ăn không.
MACGREGOR: Chắc cháu kiếm được đồ ăn đem về?
CHA JOHNNY:
(hãnh diện) Dĩ nhiên
(ông đưa tay vẫy bà già đứng ở hàng hiên, bà liền vào ngay trong nhà sửa soạn bàn ăn còn Johnny chạy tới trước mặt cha và ông MacGregor) Ba biết trước thế nào con cũng thành công mà!
MACGREGOR: Già cũng vậy.
JOHNNY: Ông ta nói mình phải trả ông ta năm cắc rưỡi. Ông nói từ rầy sẽ không còn bán chịu gì thêm cho mình nữa đâu.
CHA JOHNNY: Đó là ý kiến riêng của ông ta. Con nói chuyện gì với ông ta?
JOHNNY: Đầu tiên con nói về chuyện đói sắp chết ở bên Tàu. Sau đó con hỏi thăm sức khỏe gia đình ông.
CHA JOHNNY: Gia đình ông có mạnh khỏe không?
JOHNNY: Khỏe cả, nhưng con không nhặt được đồng xu nào trên đường.
CHA JOHNNY: Không cần. Tiền bạc đâu phải là tất cả.
(mọi người vào nhà) Trong phòng khách. Cơm chiều vừa xong, ai nấy còn ngồi ở bàn, MacGregor nhặt những mảnh bánh vụn và nhẹ nhàng đưa lên miệng, đảo mắt nhìn quanh phòng xem còn vật gì khả dĩ ăn được. MACGREGOR: Cái hộp xanh để trên kia, có gì trong đó không, Johnny?
JOHNNY: Mấy hòn bi.
MACGREGOR : Trong chạn có còn gì ăn được không Johnny?
JOHNNY: Chỉ có vài con dế.
MACGREGOR: Cái hũ trong góc nhà kia thì sao, có gì ăn được chăng?
JOHNNY: Con rắn đen của cháu nuôi trong đó mà.
MACGREGOR: Hay quá! Rắn làm thịt và nấu kỹ lưỡng ăn cũng ngon lắm.
JOHNNY:
(giọng thách thức của người bảo vệ súc vật) Không nên thế ông ạ.
MACGREGOR: Sao lại không, Johnny? Việc quỷ gì mà không? Già vẫn thường nghe thổ dân Borneo ăn rắn với cào cào. Cháu không có độ nửa tá cào cào mập mạp ở đây sao?
JOHNNY: Chỉ có bốn con thôi!
MACGREGOR: Tốt quá! Đem ngay chúng ra đây, cháu. Ăn xong già sẽ thổi bài “Hãy nâng ly mừng anh, hỡi người em gái có đôi mắt diễm kiều“ cho cháu nghe. Già còn đói lắm cháu ơi!
JOHNNY: Cháu cũng đói vậy, nhưng cháu không muốn ai giết những con vật tội nghiệp này. Chúng cũng có quyền sống như mọi người.
CHA JOHNNY:
(nói với MacGregor) Lão chơi một chút âm nhạc được chăng? Tôi tin thằng nhỏ sẽ mừng lắm.
JOHNNY:
(nhảy xuống đất) Chắc chắn cháu mừng lắm ông ạ.
MACGREGOR: Được lắm, Johnny. Nhưng mà bánh mì! Bánh mì! Trời ơi! Sao bánh mì xung đột dữ dội với tâm hồn tôi vậy?
MacGregor đứng dậy đưa kèn lên miệng thổi, ông thổi lớn hơn, hay hơn và não nùng hơn bất kỳ một ai đã từng thổi kèn. Mười tám người láng giềng tụ tập lại trước cửa nhà reo mừng hoan hô khi ông vừa dứt bản nhạc “Hãy nâng ly chúc mừng anh, hỡi người em gái có đôi mắt diễm kiều“. CHA JOHNNY:
(sung sướng, để đùa giỡn) Tôi muốn giới thiệu nhạc sĩ với thính giả (
Họ bước ra hiên) Cảnh trước nhà. Đám đông ngước mắt nhìn cha Johnny, MacGregor và Johnny. CHA JOHNNY: Bà con hàng xóm thân mến, tôi muốn giới thiệu với các bạn ông Jasper MacGregor, một diễn viên tài ba nhất trong các vở kịch của thi hào Shakespeare
(nghỉ) Tôi tin chắc như vậy.
MACGREGOR:
(kịch sĩ) Tôi còn nhớ ngày tôi xuất hiện lần đầu tiên trên sân khấu ở Luân đôn vào năm 1861 như thể là mới hôm qua. Bấy giờ tôi còn là một chú nhỏ 14 tuổi đầu, từ những khu phố lao động ở Glasgow tới. Tôi đóng vai một gã tùy phái trong vở kịch mà tôi đã quên mất tên.Tôi không phải nói một lời nào, chỉ chạy đưa thư từ vị sĩ quan này tới vị sĩ quan khác, từ cậu công tử tới cô nhân tình rồi lại đem thư trở về, đi đi lại lại không biết bao nhiêu lần...
RUFE APLEY, một bác thợ mộc:
(miễn cưỡng ngắt lời diễn giả) Xin ông thổi cho nghe một bản nhạc nữa, ông MacGregor.
MACGREGOR: Thế ở nhà ông có quả trứng nào không?
RUFE APLEY: Có chứ. Ở nhà tôi có cả tá trứng.
MACGREGOR: Ông cảm phiền chạy về kiếm cho tôi một quả được không? Khi ông trở lại đây tôi sẽ thổi cho ông nghe bản nhạc làm tâm hồn ông rung động vì vui buồn lẫn lộn.
RUFE APLEY: Tôi đi ngay đây
(đi về) MACGREGOR:
(nói với đám đông) Các bạn thân mến, tôi rất sung sướng thổi cho các bạn nghe một bài khác với cây kèn cổ vàng đây, nhưng thời gian và kiếp sống tha hương làm cho tôi mỏi mệt. Nếu các bạn giầu lòng tử tế các bạn hãy vui lòng, ai về nhà nấy, kiếm cho chút đồ ăn. Lát nữa các bạn trở lại, tôi sẽ tập trung nghị lực thổi cho các bạn nghe một bản nhạc mà tôi biết là sẽ thay đổi nếp sống của các bạn, và xin các bạn nhớ cho là thay đổi theo một chiều hướng tốt đẹp hơn!
Mọi người ra về. Người ra về cuối cùng là Esther Kosak, cô bé cố gắng nghe ông già nói hết rồi mới chạy đi. Còn lại MacGregor, cha Johnny và Johnny. Họ im lặng ngồi trên bậc cửa. Đám đông dần dần trở lại, mỗi người xách chút đồ ăn. Cái trứng, khúc giò, tá hành tươi, phô ma, bơ, bánh mì, khoai luộc, cà chua, dưa gang, trà và nhiều đồ ăn ngon lành khác. MACGREGOR: Cám ơn các bạn, cảm ơn
(trịnh trọng đứng lên chờ mọi người im lặng hoàn toàn, giận dữ nhìn chung quanh rồi nâng kèn lên môi, nhưng bỗng cau mày khó chịu vì đột ngột Esther Kosak chạy lại làm ầm ầm, tay xách túi cà. Khi im lặng vãn hồi ông bắt đầu thổi bài “Hồn tôi ở tận miền sơn cước, hồn tôi không ở nơi đây“. Đám đông sụt sùi khóc, mọi người quỳ gối hát theo, rồi ra về. MacGregor ngoảnh mặt nhìn cha con Johnny. Trịnh trọng) Thưa ông, nếu không phiền phức gì, tôi sẽ xin phép ông cho tôi được ở đây lâu lâu.
CHA JOHNNY:
(sung sướng, ngạc nhiên) Bác ạ, nhà tôi cũng là nhà bác.
Họ đi vào trong nhà. Cảnh phòng khách. Mười tám ngày sau, MacGregor nằm ngủ trên sàn, ngửa mặt lên. Johnny lặng lẽ đi lại xung quanh, đưa mắt nhìn mọi người. Cha nó ngồi làm thơ bên bàn. Bà nó ngồi ở ghế xích đu, và đang đu đưa chiếc ghế. Có tiếng gõ cửa. Trừ MacGregor, ai nấy đều chồm dậy chạy tới. CHA JOHNNY:
(lại bên cửa) Ai đấy?
THANH NIÊN: Tôi kiếm ông Jasper MacGregor, kịch sĩ.
CHA JOHNNY: Cậu muốn gì ?
JOHNNY: Dầu sao cũng nên mời họ vào trong nhà, ba ạ.
CHA JOHNNY: Dĩ nhiên rồi! Xin lỗi cậu nhé. Vui lòng quá bước vào trong này được không?
Thanh niên bước vào. THANH NIÊN: Tôi là Philip Carmichael ở Viện dưỡng lão tới. Tôi được Viện cho đi kiếm ông MacGregor và đưa ông về nhà.
MACGREGOR:
(thức dậy, ngồi lên) Nhà à? Ai vừa nói tới nhà phải không? Già đang sống xa nhà cả năm bảy ngàn dặm, trước kia già vẫn sống xa nhà và sau này cũng thế. Thanh niên này là ai?
THANH NIÊN: Thưa ông MacGregor, tôi là Philip Carmichael từ dưỡng lão viện tới đây đem ông về. Vài tuần nữa Viện sẽ diễn kịch trong buổi dạ hội thường niên và cần ông đóng vai chính.
MACGREGOR:
(hai cha con Johnny nâng ông đứng dậy) Vai gì vậy? Già không còn đóng những vai phiêu lưu trẻ trung được nữa đâu nhé!
THANH NIÊN: Vai Vua Lear, ông ạ. Thích hợp với ông lắm.
MACGREGOR:
(giọng kịch sĩ kiếm được việc làm) Thôi từ biệt các bạn thân mến.
MACGREGOR:
(từ hiên đi trở vào) Trong suốt đời tôi và ở mọi nơi mà tôi đặt chân tới, chưa bao giờ và không một nơi nào tôi có được niềm hân hạnh và thích thú là thông cảm với những tâm hồn cao thượng trong trắng, dễ thương như các bạn. Chào các bạn.
Ông già và thanh niên ra khỏi nhà. Một phút im lặng đầy luyến tiếc và cô đơn. CHA JOHNNY:
(đói, nói lớn) Johnny, con xuống ngay tiệm ông Kosak kiếm chút gì ăn. Ba biết con làm được việc đó, Johnny ạ. Kiếm bất cứ cái gì cũng được.
JOHNNY:
(Cũng đói, nói lớn và giận dữ) Ông Kosak đòi tám cắc rưỡi. Ông không bán chịu nữa đâu.
CHA JOHNNY: Johnny, con cứ xuống đi. Ba biết rằng con có thể thuyết phục nhà hảo tâm gốc Tiệp khắc đó bán cho ta chút gì ăn.
JOHNNY:
(thất vọng) Thôi ba ơi!
CHA JOHNNY:
(ngạc nhiên, hét lên) Sao? Con ba mà lại thất vọng như thế à? Hăng hái lên con! Trước khi sinh con ba đã chiến đấu với đời như vậy. Sau khi con ra đời, cha con mình cùng chung lưng phấn đấu và chúng ta sẽ tiếp tục phấn đấu. Người ta thích thi ca nhưng không hiểu biết thi ca, có thế thôi, không có trở ngại nào có thể ngăn cản chúng ta được, Johnny ạ. Bây giờ con hãy xuống đó kiếm chút gì ăn.
JOHNNY: Vâng ba ạ. Con sẽ cố gắng hết sức
(nó chạy ra cửa) Cảnh căn nhà. Giờ đây treo tấm bảng lớn có chữ “Cho thuê”. Sáng sớm một ngày đầu tháng Mười một, 1914. Nhiều dấu hiệu chứng tỏ mùa đông sắp tới. Cao tít trên nền trời xa thẳm, đàn ngỗng giương cánh bay về phía Nam thốt ra giọng kêu buồn thảm. Johnny ngồi trên bậc cửa hàng hiên trước, tay ôm cằm. Tiếng chim vọng lại làm nó lắng tai nghe và nhảy xuống đất, đứng nhìn không trung. Tiếng chim xa dần rồi im bặt. Johnny trở lại ngồi xuống thềm. Khi vầng thái dương lên cao, trên mặt nó xuất hiện một nụ cười trang trọng. Từ trong khoé mắt, nó nhìn ánh bình minh như thể đó là người bạn trầm lặng mà nó đã thông cảm được hoàn toàn. Khi ánh sáng rõ hơn thì niềm thông cảm giữa Johnny và mặt trời càng tăng như một bản nhạc thúc giục nó đứng dậy hướng về phía mặt trời. Nó giơ hai tay và bắt đầu nhào lộn một cách hết sức trịnh trọng. Nó mau lẹ chạy vòng quanh nhà rồi trở lại từ phía bên kia gần như vừa chạy vừa nhảy múa. Xe lửa chở hàng chạy qua, không xa lắm nên làm đất rung chuyển. Anh sáng bình minh vẫn tăng dần. Em bé bán báo đi bộ tới, miệng huýt sáo inh ỏi. Em là điển hình của một em bé bán báo ở tỉnh nhỏ: chừng 13 tuổi; buồn rầu và oai nghiêm như người lớn khi làm xong bổn phận. Mấy túi báo đã bán hết. Đêm tàn rồi, em đã kiếm đủ tiền công trong ngày rồi. Em bỏ báo ở cửa nhà mỗi độc giả. Một ngày nữa đã đến với mọi người. Em đã đi bộ hai tiếng đồng hồ qua các nẻo đường phố âm u mãi cho tới lúc thanh thiên bạch nhật. Bài hát em đang huýt sáo có vẻ êm dịu và đầy ý nghĩa, đó là bài hát do chính em sáng tác để chào mừng bình minh. JOHNNY: (
chạy xuống bậc cửa) Này anh!
EM BÉ BÁN BÁO:
(ngừng lại) Chào anh.
JOHNNY: Bài hát gì vậy?
EM BÉ BÁN BÁO: Bài nào?
JOHNNY: Bài anh vừa huýt sáo đó.
EM BÉ BÁN BÁO: Thế tôi vừa huýt sáo hả?
JOHNNY: Dĩ nhiên rồi. Anh không biết sao?
EM BÉ BÁN BÁO: Có lẽ tôi huýt sáo cả ngày.
JOHNNY: Bài gì?
EM BÉ BÁN BÁO: Tôi không biết nữa.
JOHNNY: Tôi muốn học huýt sáo.
EM BÉ BÁN BÁO: Ai chả huýt sáo được.
JOHNNY: Thế mà tôi không biết huýt sáo. Huýt thế nào?
EM BÉ BÁN BÁO: Không cần hỏi huýt thế nào cả. Cứ việc huýt đại lên.
JOHNNY: Nhưng huýt thế nào?
EM BÉ BÁN BÁO: Thế này
(nó huýt một hồi, ứng khẩu một điệu thật hay) JOHNNY:
(thán phục) Ước gì tôi huýt được như vậy.
EM BÉ BÁN BÁO:
(thích thú và hăng hái muốn làm cho Johnny thán phục hơn nữa) Điệu vừa rồi chưa thấm vào đâu. Nghe đây này
(nó huýt sáo điệu đó và thêm vào một loại đối vị âm, hai bè và một chút nhịp chắp...) JOHNNY: Anh vui lòng dạy tôi huýt sáo như vậy được không ?
EM BÉ BÁN BÁO: Không thể dậy huýt sáo được. Cứ việc huýt là được. Đây là cách huýt khác nữa
(nó huýt bài khác, một điệu rất nhộn của giới bán báo, nhưng nó cố giữ cho êm dịu) JOHNNY:
(thử huýt) Như thế này hả?
EM BÉ BÁN BÁO: Bắt đầu như vậy, phải rồi. Cứ tiếp tục một lúc là miệng anh sẽ quen và anh sẽ huýt sáo được mà không biết.
JOHNNY: Thật không?
EM BÉ BÁN BÁO: Thật mà.
JOHNNY: Má anh chết rồi hả?
EM BÉ BÁN BÁO: Sao anh biết?
JOHNNY: Má tôi cũng chết rồi.
EM BÉ BÁN BÁO: Vậy à?
JOHNNY:
(thở dài) Ừ, má tôi đã chết rồi.
EM BÉ BÁN BÁO: Tôi không còn nhớ hình ảnh má tôi như thế nào nữa. Anh có nhớ mặt má anh không?
JOHNNY: Tôi không nhớ rõ ràng lắm. Nhưng đôi khi tôi mơ thấy bà.
EM BÉ BÁN BÁO: Trước kia tôi cũng vậy.
JOHNNY: Bây giờ hết rồi sao?
EM BÉ BÁN BÁO:
(thất vọng) Ừ, mơ mộng như vậy đâu có ích lợi gì!
JOHNNY: Má tôi đẹp lắm.
EM BÉ BÁN BÁO: Ừ, tôi biết. Tôi nhớ ra rồi. Anh còn cha không ?
JOHNNY:
(hãnh diện) Còn chứ, Ba tôi đang ngủ trong nhà.
EM BÉ BÁN BÁO: Ba tôi thì chết rồi.
JOHNNY: Ba anh cũng chết ư ?
EM BÉ BÁN BÁO:
(thực tế) Ừ.
Hai em bắt đầu tung quả bóng cũ cho nhau JOHNNY: Thế họ hàng của anh không còn ai sao?
EM BÉ BÁN BÁO: Tôi còn người dì, nhưng thật ra không phải dì tôi. Đó là người nuôi dưỡng tôi ở trại mồ côi rồi nhận tôi làm con nuôi.
JOHNNY: Nhận làm con nuôi là thế nào?
EM BÉ BÁN BÁO: Thí dụ có người cần một đứa con trai hay đứa con gái. Họ tới viện mồ côi xem tất cả bọn trẻ ở đó và thích đứa nào thì đem đứa đó đi. Họ chọn ai thì người ấy được về ở với họ.
JOHNNY: Anh có thích thế không?
EM BÉ BÁN BÁO: Cũng thích
(nó cất quả bóng vào) JOHNNY: Tên anh là gì ?
EM BÉ BÁN BÁO: Henry, còn anh?
JOHNNY: Johnny.
EM BÉ BÁN BÁO: Anh có muốn lấy một tờ báo đọc không? Có tin chiến sự châu Au.
JOHNNY: Tôi không có tiền. Nhà tôi không giầu. Chúng tôi chẳng làm việc gì cả. Ba tôi là thi sĩ.
EM BÉ BÁN BÁO:
(trao tờ báo dư cho Johnny) Ồ, không sao! Anh không bao giờ có tiền hả ?
JOHNNY: Đôi khi cũng có. Một lần tôi nhặt được hai cắc rưỡi nằm bên lề đường, ngay trước mắt tôi. Lần khác ba tôi lãnh một ngân phiếu 10 Mỹ kim từ Nữu ước gởi tới. Ba tôi liền mua một con gà, rất nhiều tem giấy và phong bì. Con gà không chịu đẻ trứng thành thử bà tôi làm thịt nấu ăn. Anh ăn thịt gà lần nào chưa ?
EM BÉ BÁN BÁO: Ăn rồi. Có lẽ tới sáu bảy lần rồi.
JOHNNY: Lớn lên anh định làm nghề gì?
EM BÉ BÁN BÁO: Trời ơi! Làm sao biết được? Tôi không biết tôi sẽ làm gì nữa.
JOHNNY:
(hãnh diện) Tôi sẽ làm thi sĩ như ba tôi. Ông nói vậy đó.
EM BÉ BÁN BÁO: Có lẽ tôi còn phải đi bán một lát nữa
(sửa soạn đi) Thôi chào anh nhé.
JOHNNY: Anh có còn trở lại đây nữa không?
EM BÉ BÁN BÁO: Sáng nào tôi cũng đi qua đây vào giờ này. Nhưng sao tôi chưa bao giờ gặp anh cả?
JOHNNY: Tôi nằm mơ rồi thức giấc và không muốn ngủ thêm nữa nên tôi dậy và chạy ra đây. Tôi mơ thấy mẹ.
EM BÉ BÁN BÁO: Có lẽ tôi sẽ lại gặp anh một buổi sáng nào anh mất ngủ.
JOHNNY: Hy vọng vậy. Thôi chào anh nhé.
EM BÉ BÁN BÁO: Chào anh. Cứ cố gắng đi rồi sẽ huýt sáo được lúc nào không biết đấy !
JOHNNY: Cảm ơn.
Cậu bé bán báo vừa đi vừa huýt sáo. Johnny gấp tờ báo ném lên hiên và ngồi xuống bậc cửa. Bà nó ở trong nhà bước ra tay cầm cái chổi và bắt đầu quét. BÀ JOHNNY:
(nói bằng tiếng Armenia là ngôn ngữ duy nhất bà sử dụng được ngoài tiếng Thổ nhĩ kỳ, Kurdish và chút tiếng Ả rập là những thứ tiếng chung quanh bà hầu như không ai hiểu) Mạnh giỏi không cháu?
JOHNNY:
(hiểu tiếng Armenia nhưng gần như không bao giờ nói, trả lời bằng tiềng Anh) Cháu khỏe bà ạ.
BÀ JOHNNY: Ba cháu có mạnh giỏi không?
JOHNNY: Cháu không biết
(lớn tiếng gọi cha) Ba ơi, ba! Ba có mạnh khỏe không?
(nghỉ, cao giọng hơn) Ba!
(nghỉ, im lặng) Có lẽ ba cháu đang ngủ.
BÀ JOHNNY: Có tiền không?
JOHNNY: Tiền hả bà?
(lắc đầu) Không.
CHA JOHNNY:
(Từ trong nhà vọng ra) Johnny!
JOHNNY:
(đứng dậy) Ba!
CHA JOHNNY: Con gọi Ba hả?
JOHNNY: Vâng. Ba mạnh khỏe không?
CHA JOHNNY: Mạnh khỏe, con ạ. Còn con thế nào?
JOHNNY: Con cũng mạnh, ba ạ.
CHA JOHNNY: Con đánh thức ba dậy có chuyện đó thôi sao? JOHNNY:
(nói với bà) Ba con khỏe mạnh.
(cao giọng hơn, nói với cha) Bà già hỏi thăm ba.
CHA JOHNNY:
(nói tiếng Armenia với bà già) Má đấy hả má?
(nói với Johnny bằng tiếng Anh) Tại sao con nói già? Bà đâu đã già lắm?
JOHNNY: Con đâu nói già. Ba biết ý con muốn nói gì mà.
Cha Johnny vừa bước ra ngoài hiên vừa cài cúc áo và gật đầu chào bà già. Ông liếc mắt nhìn mặt trời, giống hệt cách nhìn của Johnny, cũng mỉm cười như vậy rồi duỗi chân tay, quay về phía mặt trời, nhảy xuống bậc cửa và nhào lộn một vòng, không đẹp lắm vì ông ngã ngửa xuống. JOHNNY: Ba nên tập chút thể dục nữa, ba ạ. Ba ngồi suốt ngày.
CHA JOHNNY:
(nằm ngửa) Johnny, ba con là một đại thi hào. Ba có lẽ không nhào lộn giỏi bằng con nhưng nếu con muốn biết ba thuộc loại lực sĩ nào, con cứ việc đọc bài thơ ba mới viết hôm qua.
JOHNNY: Thật hay lắm hả ba?
CHA JOHNNY: Hay à?
(nhảy chồm dậy như một nghệ sĩ nhào lộn) Phải nói là tuyệt diệu mới đúng. Ba sẽ gửi cho tờ nguyện san lớn là tờ Đại tây dương.
JOHNNY: Ồ! Con quên mất, ba ạ. Có tờ báo ngoài cửa kìa.
CHA JOHNNY:
(bước lên hiên) Con muốn nói báo buổi sáng phải không Johnny?
JOHNNY: Vâng.
CHA JOHNNY: Hay quá! Thật là một ngạc nhiên thích thú? Con đào đâu ra vậy?
JOHNNY: Henry cho con đó.
CHA JOHNNY: Henry? Henry là ai?
JOHNNY: Một thằng nhỏ không có mẹ mà cũng không có cha nữa. Nhưng nó huýt sáo rất giỏi.
CHA JOHNNY:
(nhặt tờ báo và mở ra) Nó thật tử tế
(mải mê đọc mấy hàng đầu) BÀ JOHNNY:
(nói với hai cha con Johnny, với chính bà và với tất cả mọi người) Ông đó đâu rồi?
CHA JOHNNY:
(mải đọc) Gì vậy ?
JOHNNY: Ai?
BÀ JOHNNY: Ông già thổi kèn chứ còn ai!
(bà bắt chước thổi kèn) JOHNNY: À, ông MacGregor hả? Họ đưa ông về Viện dưỡng lão rồi
CHA JOHNNY:
(đọc báo) Áo, Đức, Pháp, Anh, Nga. Xe tăng. Súng máy. Bom đạn
(lắc đầu) Con người nổi điên mất rồi.
BÀ JOHNNY:
(nói với Johnny, giọng trách móc) Tại sao cháu không nói được tiếng Armenia?
JOHNNY: Cháu không biết nói.
CHA JOHNNY:
(nói với Johnny) Chuyện gì thế?
JOHNNY: Bà hỏi thăm ông Mac Gregor.
BÀ JOHNNY:
(nói với cha Johnny) Ông ta đâu?
CHA JOHNNY:
(bằng tiếng Armenia) Ông ta về Viện dưỡng lão rồi.
BÀ JOHNNY:
(lắc đầu buồn bã) Trời đất ơi! Thân già ở đấy có khác nào như ở tù, thật tội nghiệp.
JOHNNY: Ở đó giống nhà tù hả ba?
CHA JOHNNY: Ba cũng không biết rõ lắm, Johnny ạ.
BÀ JOHNNY:
(nói bằng giọng giận dữ, như giọng của con và cháu bà mỗi khi họ tức giận) Tại sao ông ta không trở lại đây là nơi chẳng khác gì gia đình ông?
Bà đi vào trong JOHNNY: Đúng vậy, ba ạ. Tại sao ông MacGregor không trở lại đây? Ông ta có bị bắt buộc ở đó không, hở ba?
CHA JOHNNY: Johnny, nếu người ta già cả, thật già cả, lại không có bà con thân thuộc và không có tiền nong gì thì có lẽ người ta phải ở đó.
JOHNNY: Đôi khi con cảm thấy nhớ ông ấy quá! Ba có vậy không?
CHA JOHNN: Nói thật với con, ba cũng thấy nhớ ông ấy, Johnny ạ
JOHNNY: Lúc nào con cũng nhớ ông ấy, nhất là những bản nhạc của ông và cái cách ông ấy uống nước.
CHA JOHNNY: Ông đáng bậc vĩ nhân.
JOHNNY: Hồn ông có ở tận miền sơn cước như ông nói không ba?
CHA JOHNNY: Không hẳn đúng vậy.
JOHNNY: Ông có thật sự sống xa quê hương ông tới năm bảy ngàn dặm không ba.
CHA JOHNNY: Tối thiểu cũng chừng đó.
JOHNNY: Ba có nghĩ rằng một ngày kia ông sẽ trở về cố hương không?
CHA JOHNNY: Ông ta già rồi, Johnny ạ. Rồi ông sẽ trở về.
JOHNNY: Ý ba muốn nói ông sẽ đi xe lửa hoặc tàu thủy để trở về miền sơn cước hả ba?
CHA JOHNNY: Không phải thế đâu con ạ. Ý ba hơi khác điều đó. Ý ba muốn nói là ông sẽ chết.
JOHNNY: Phải chăng đấy là con đường duy nhất để trở về cố hương?
CHA JOHNNY: Phải, đấy là con đường duy nhất.
Dĩ nhiên, trong khoảng thời gian đó, cha Johnny vẫn tiếp tục giở các trang báo, còn Johnny làm đủ các trò nhào lộn, đi trên lan can hàng hiên rồi nhảy xuống, nhào lộn dốc ngược đầu... vân vân... Nó vừa dốc ngược đầu vừa hỏi chuyện ba nó. Người ta nghe tiếng còi lanh lảnh ở phía đằng xa. JOHNNY:
(hăng hái) Bác Wiley đưa thư đó ba a!
Cha Johnny chồm dậy đánh rơi tờ báo. JOHNNY: Ba có nghĩ rằng chúng ta nhận được thư từ Nữu Ước tới có kèm ngân phiếu không, hở ba?
CHA JOHNNY: Ba không biết, con ạ
Ông Wiley cưỡi xe đạp tới, gần như bị hai cha con Johnny làm ngã khỏi xe. ÔNG WILEY:
(nhảy xuống xe như nhảy xuống ngựa) Chào ông Alexander.
CHA JOHNNY: Chào ông Wiley.
JOHNNY: Có thư cho chúng tôi không, ông Wiley?
ÔNG WILEY:
(rút xấp thư trong bị ra, cởi dây và nhìn kỹ lưỡng) Để bác xem đã, Johnny ạ. Hình như có thư cho ba cháu thì phải.
JOHNNY: Nữu Ước gửi tới phải không?
ÔNG WILEY:
(tay cầm một phong bì xẹp lép) Phải, Johnny ạ. Này ông Alexander, hình như mùa đông sắp đến nữa rồi. Sáng nay đã thấy ngỗng bay trên trời.
CHA JOHNNY:
(xúc động, thần kinh căng thẳng nhưng cố gắng tỏ vẻ hững hờ) Phải, tôi biết
(nói với chính mình) Tôi biết, tôi biết.
JOHNNY: Nếu có bao giờ tôi nhận được thư từ Nữu Ước gửi tới, thì tôi sẽ giữ làm kỷ niệm.
ÔNG WILEY:
(muốn nói chuyện) Công việc ra sao, ông Alexander?
CHA JOHNNY: Cám ơn, công việc của tôi cũng may mắn, ông Wiley ạ.
JOHNNY: Ba tôi có đi Nữu Ước một lần rồi, phải thế không ba?
CHA JOHNNY: Ừ, con ạ. Gia đình ông thế nào, ông Wiley?
ÔNG WILEY: Vui vẻ cả, trừ đứa nhỏ nhất là thằng Joe. Nó cứ khóc luôn. Cái điều tôi không chịu nổi là có một đứa trẻ khóc suốt ngày. Tôi không hiểu điều đó ảnh hưởng thế nào tới tôi không, chứ nó làm tôi mất tin tưởng vào mọi sự. Mỗi khi nó khóc tôi lại tự nhủ: Khóc nào có lợi gì?
JOHNNY: Thế nào cũng có ngày tôi tới được Nữu Ước rồi có chết mới chết.
CHA JOHNNY: Không sao đâu, ông Wiley. Ít lâu nữa là nó hết khóc.
ÔNG WILEY: Tôi hy vọng vậy, và nó hết khóc càng sớm càng hay
(đi ra quên đưa lại chiếc phong bì) Chào ông Alexander. Bác đi đây, Johnny.
CHA JOHNNY: Này ông Wiley...
Ông Wiley nhớ ra và trao lại chiếc phong bì, mọi người chào ông ta và ông ta nhảy lên xe đạp đi mất dạng. Cha Johnny cầm chiếc phong bì trong tay, rõ ràng là muốn mở nhưng vẫn sợ sệt JOHNNY:
(nóng ruột) Được rồi ba ơi. Cứ mở đại ra xem. Ba còn đợi gì nữa?
CHA JOHNNY:
(giận dữ, nói lớn) Johnny, ba sợ lắm. Ba không hiểu tại sao ba của con mà lại có thể sợ hãi đến như vậy.
JOHNNY: Ba không có vẻ sợ hãi chút nào, ba ạ. Thư của ai vậy ba?
CHA JOHNNY: Đúng là của nguyệt san “Đại tây dương“ Con còn nhớ những bài thơ mà ba làm khi ông MacGregor ở đây không?
JOHNN : Có lẽ họ mua những bài thơ ấy rồi.
CHA JOHNNY: Mua rồi, trời ơi! Johnny, ai lại mua thơ. Họ làm ba sợ hãi đến chết được
(đọc tên và địa chỉ của mình một cách long trọng, âu yếm cuồng nhiệt) Ông Ben Alexander, 2226 Đại lộ San Benito, Fresno, tiểu bang California.
JOHNNY: Đúng địa chỉ ba rồi rồi còn gì. Tại sao ba không mở ra?
CHA JOHNNY:
(nói lớn) Ba đã nói ba sợ. Ba sợ hãi và xấu hổ. Những bài thơ đó thật vĩ đại. Tại sao ba có thể sợ hãi như vậy được?
JOHNNY:
(cũng bắt đầu nghi ngờ) Ba đừng sợ.
CHA JOHNNY:
(giận dữ) Tại sao họ lại đòi hỏi đủ thứ, ngoại trừ cái gì có giá trị nhất. Tại sao họ tự hủy hoại để đuổi theo những vật không hồn và loại trừ những gì tràn đầy sức sống. Ba không hiểu nổi nữa, không ai còn có thể hy vọng gì nữa.
JOHNNY: Có chứ ba
(giận dữ) Nguyệt san “Đại tây dương“ là kẻ nào mà kỳ cục thế hở ba?
CHA JOHNNY:
(giận dữ) Johnny, con đi ra chỗ khác đi. Đi ngay! Làm ơn đi ngay đi!
JOHNNY:
(cũng giận dữ) Thì con đi ngay!
Johnny chạy một vòng quanh nhà, rồi lại tới chỗ ba nó. Nó nhìn cha một hồi nhưng cảm thầy không nên tới gần. (Một sự thật hiển nhiên là cha Johnny biết rằng Nguyệt san “Đại tây dương“ gửi trả tập thơ cho ông. Một điều nữa cũng hiển nhiên như là ông không thể tin được rằng tập thơ đã bị gửi trả lại. Càng rõ ràng hơn nữa là tập thơ có tính cách vĩ đại như tác giả của nó. Ông nhấn bước đi lại quanh nhà không khác gì con sư tử, hình như ông muốn phân trần với tất cả mọi người măc dầu môi ông mím chặt lại. Sau cùng ông giận dữ xé chiếc phong bì và để nó rơi xuống đất. Ông mở bản thảo tập thơ. Một mảnh giấy trắng nặng nề rớt xuống hiên. Ông đứng sững người, cao lớn, hiên ngang, miệng lẩm nhẩm ngâm nga, bàn tay mau lẹ giở những trang giấy. CHA JOHNNY:
(giận dữ) Hỡi bọn người điên rồ khốn nạn!
(ngồi xuống bậc cửa hàng hiên vùi đầu vào hai tay. Bản thảo tập thơ nằm trên thềm. Nhiều phút sau ông đá tập thơ xuống đất, nhặt tờ báo buổi sáng lên, đọc mấy hàng đầu rồi nói bằng giọng bình thản, nhưng lộ vẻ rất giận dữ, tiếng nói lớn dần) Cứ tiếp tục đi. Hãy giết tất cả mọi người đi! Hãy tuyên chiến với nhau đi! Hãy đem ngàn vạn sinh linh ra mà xâu xé! Hãy dầy xéo lên tâm hồn, trí óc và thể xác tầm thường của họ! Hãy vùi dập, đầy đọa cho họ trở thành xấu xa! Hãy làm hoen ố những giấc mơ của họ đi! Hãy khủng bố họ, hãy gieo rắc thù hận giữa họ với nhau! Hãy bôi nhọ lịch sử của con người, hỡi những kẻ điên khùng đo lường danh vọng bằng số người mà các người tiêu diệt
(Johnny hiện ra cạnh nhà nhưng ba nó không trông thấy. Nó đứng nghe say mê thích thú. Bầu trời bắt đầu âm u) Ôi, những kẻ quỷ quyệt của trần gian! Ôi những kẻ khốn nạn, vô thần!
(ông đứng dậy, giơ ngón tay như chỉ sang phía bên kia của thế giới) Hãy tiếp tục đi! Hãy đem cây súng yếu ớt ra bắn đi! Các người không giết nổi ai đâu.
(bình thản mỉm cười) Thi sĩ sẽ luôn luôn có mặt trên đời!
Một luồng chớp lạnh lẽo xẹt qua. Cảnh căn nhà. Bầu trời âm u như sắp bắt đầu giông tố. Thỉnh thoảng nghe có tiếng sấm ầm ầm ở đằng xa và một luồng chớp lóe qua. Cha Johnny ngồi trên bậc cửa hàng hiên và mỉm cười, nụ cười điên khùng, thê lương, cô đơn và hiu quạnh. Cảnh vật như cũ, bản thảo tập thơ nằm dưới đất; chiếc phong bì nằm trên hiên. Tờ báo cũng vậy. Lúc đó là mấy giờ sau cảnh trước. CHA JOHNNY:
(lắc đầu một cách điên khùng, không thể chấp nhận được sự thật) Johnny
(ngừng một lát, rồi lớn tiếng hơn một chút) Johnny!
(ngừng một lát, lần này nói nhỏ hơn) Johnny!
(hét lớn) Johnny!
(thằng nhỏ nhút nhát đi vòng quanh nhà trở ra và dừng lại trước mặt cha nó. Ông ngẩng nhìn lên, đôi mắt long sòng sọc, vẻ ngờ vực, chua chát, bướng bỉnh và oai hùng) CHA JOHNNY:
(dịu dàng nhưng có vẻ rất oai nghiêm) Con ăn sáng chưa?
JOHNNY:
(rụt rè) Con không đói, ba ạ.
CHA JOHNNY: Con vào trong nhà ăn sáng đi.
JOHNNY: Con không đói.
CHA JOHNNY: Ba bảo gì thì con phải làm đi.
JOHNNY: Con không ăn nếu ba không ăn.
CHA JOHNNY: Ba không đói.
JOHNNY: Con xuống nhà ông Kosak xem có kiếm được gì không nhé!
CHA JOHNNY:
(chạm tự ái, cầm tay đứa nhỏ) Đừng, Johnny ạ.
(ngừng lại, cố kiếm ra lời để giải thích tình trạng hiện tại giữa hai cha con và ông chủ tiệm thực phẩm) Johnny, ba tưởng kiếm được chút tiền Ba không ngờ sự việc xẩy ra như thế này. Bây giờ con hãy vào ăn đi
(lên bậc thềm) Ba cũng cần phải ăn nữa
(vào trong nhà) Một tia chớp lặng lẽ lóe lên. Một người đàn ông ăn mặc kiểu nhà buôn và một đôi vợ chồng trẻ với đứa con thơ trên tay mẹ bước lại gần. VIÊN QUẢN LÝ BẤT ĐỘNG SẢN: Nhà đây. Giá tiền thuê là sáu đô la một tháng. Không lộng lẫy lắm nhưng ông bà khỏi lo mưa nắng.
Cha Johnny nhìn bọn họ, cặp mắt lạnh lùng. VIÊN QUẢN LÝ BẤT ĐỘNG SẢN:
(tiến lại gần cha Johnny, giơ tay bắt, trong khi những người khác đứng thành một nhóm ở phía sau) Ông có nhớ tôi không? Kỳ trước tôi tới treo bảng “Cho thuê“ ấy mà.
CHA JOHNNY:
(cao giọng) Nhớ, ông mạnh khỏe không?
VIÊN QUẢN LÝ BẤT ĐỘNG SẢN:
(lúng túng) Dạ khỏe. Ông Corey, chủ căn nhà này, hôm nay đi khỏi thành phố và mấy người này đang tìm nhà mướn. Ngay bây giờ.
CHA JOHNNY: Dĩ nhiên. Tôi có thể ra đi bất cứ lúc nào. Họ có đồ đạc không?
(quay về phía đôi vợ chồng nghèo) Ông bà có bàn ghế đồ đạc gì không?
NGƯỜI CHỒNG: Không ạ.
CHA JOHNNY:
(nói với đôi vợ chồng) Ông bà cứ lấy đồ đạc của tôi mà dùng. Không nhiều lắm, nhưng cũng đủ. Có cái bếp lò còn khá tốt.
NGƯỜI VỢ:
(để lộ phẩm cách của kẻ nghèo) Chúng tôi không dám lấy đồ đạc của ông đâu ạ.
CHA JOHNNY: Không sao. Đã ba tháng nay tôi chưa trả tiền nhà. Tôi thế đồ đạc lại vậy
(viên quản lý bất động sản toan nói) Được mà! Tôi rất tiếc không có 18 đô-la. Đồ đạc của tôi cũng giá chừng đó. Ông cứ để họ dùng đến khi ông Corey trở về sẽ hay
(nói với đôi vợ chồng) Ông bà có muốn đi xem nhà không?
NGƯỜI CHỒNG: Nhà trông vừa ý chúng tôi rồi.
VIÊN QUẢN LÝ BẤT ĐỘNG SẢN:
Thế là xong xuôi
(nói với mấy người thuê nhà) Sáu đô-la một tháng, kể cả tiền nước.
CHA JOHNNY: Ông bà có thể dọn tới bất cứ lúc nào.
NGƯỜI CHỒNG: Cám ơn ông nhiều. Chiều nay hoặc sáng mai chúng tôi quay lại.
Họ vừa ra thì Johnny vào, tay mang cái đĩa đựng hai miếng bánh mì và chùm nho.
JOHNNY: Ai vậy ba?
CHA JOHNNY: Khách qua đường ghé chơi.
JOHNNY: Họ nói chuyện gì ba?
CHA JOHNN : Chuyện phiếm lăng nhăng thôi con.
JOHNN :
(la hét, giận dữ) Đừng buồn, ba ạ.
CHA JOHNNY:
(quay nhìn con với tất cả lòng âu yếm đầy ngạc nhiên, thán phục, sung sướng và phá lên cười) Ba không đau buồn gì cả, Johnny. Hãy mặc kệ đời, đã có Thượng đế hằng yêu thương chúng ta.
JOHNNY:
(giiễu cợt) Vậy thì được. Chúng ta ăn đi, ba
(nó đặt đĩa bánh trên bậu cửa cao nhất, rồi hai cha con ngồi xuống ăn. Họ lặng lẽ vừa ăn vừa nhìn nhau. Thằng bé nhìn cha nó từ trong khóe mắt như trước kia nó đã từng nhìn mặt trời; cha nó cũng nhìn nó như vậy. Thằng bé mỉm cười. Cha nó cũng mỉm cười theo) JOHNNY: Ba thích nho không?
CHA JOHNNY: Dĩ nhiên ba thích.
JOHNNY: Ba ạ!
CHA JOHNN : Gì thế con?
JOHNNY:
(lại nói chuyện về ông MacGregor) Có thật giống nhà tù không ba?
CHA JOHNNY: Đôi khi ba tin chắc giống nhà tù. Đôi khi ba biết không bao giờ có thể là nhà tù được.
JOHNNY: Ba nói sao?
CHA JOHNNY: Ba đoán nửa giống nửa không giống. Có lẽ cả hai
JOHNNY: Ý con muốn hỏi là ba có nghĩ rằng đôi khi ông ấy thấy nhớ nhà không?
CHA JOHNNY: Chắc chắn có.
JOHNNY: Con ước mong ông ấy trở lại.
CHA JOHNNY: Ba cũng muốn gặp ông ấy.
JOHNNY: Lúc nào con cũng nhớ ông ấy.
CHA JOHNNY: Ba cũng vậy, ba sẽ nhớ ông ấy mãi.
JOHNNY: Con cũng vậy. Lúc bấy giờ ông ấy phải về hả ba?
CHA JOHNNY: Có lẽ ông ấy phải về.
JOHNNY: Chàng nhanh niên ấy có vẻ tử tế ba nhỉ.
CHA JOHNNY: Con muốn nói người thanh niên tới đưa ông lão về ấy hả?
JOHNNY: Vâng đúng vậy. Anh ấy nói tiếng lanh lảnh như nói trước một đám đông thính giả.
CHA JOHNNY: Anh ta có vẻ là ngưới đàng hoàng.
Còn một trái nho trên đĩa. JOHNNY: Ba ăn đi, cầm lấy, ba.
CHA JOHNNY:
(vui vẻ) Không, của con đấy, Johnny ạ. Ba đếm rồi
JOHNNY: Thì con ăn
(nó nhặt trái nho cuối cùng bỏ vào miệng) Như vậy có phải là ăn cắp không ba?
CHA JOHNNY:
(khôi hài) Người nói phải kẻ bảo không
(giọng bi thảm) Ba thì ba nói như thế không phải là ăn cắp
(la lớn) Con hái trên cây phải không?
JOHNNY: Vâng, con hái trên cây, ba ạ.
CHA JOHNNY:
(khôi hài) Như vậy rất có thể không phải là ăn cắp.
JOHNNY: Thế nào là ăn cắp hả ba?
CHA JOHNNY:
(giải thích mau lẹ, coi như không có gì đáng quan tâm) Johnny ạ, theo ý ba, ăn cắp tức là gây thiệt hại hay có những hành động tàn ác không cần thiết đối với người vô tội, làm cho kẻ phạm lỗi hưởng được một quyền lợi bất xứng.
JOHNNY: Thế ư?
(nghĩ) À nếu như thế không phải là ăn cắp thì con sẽ đi hái thêm
(nó đứng dậy) Chẳng bao lâu nữa thì họ sẽ hái hết
(đi ra) CHA JOHNNY:
(cười sau khi đứa trẻ đã khuất dạng) Johnny, con tôi. Trời ơi! Tôi may mắn biết bao! Tôi cám ơn Thượng đế biết bao!
(nhặt bản thảo tập thơ lên, bỏ vào túi áo rồi thả bộ xuồng phố)