Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Kiếm Hiệp >> Bích Nhãn Thần Quân

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 133374 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Bích Nhãn Thần Quân
Ưu Đàm Hoa

Hồi 15
Lần này, vì vết thương nơi vai trái nên cước trình có chậm hơn lúc đi.
Mãi đến mười ngày sau, bọn Vân Long mới về đến Lạc Dương.
Trong khách sảnh tổng đà, hai chiếc bàn bát tiên đã bày biện sẵn cơm rượu. Thì ra, đệ tử Cái Bang thấy chàng xuất hiện ở cửa Nam thành, đã kịp thời phi báo về tổng đà.
Chàng bước vào, vui mừng khi thấy đông đủ anh hào, kể cả ba vị chưởng môn Hoa Sơn, Điểm Thương và Không Động, tất cả đều hoan hỉ đón chàng. Đáp lễ xong, chàng xin phép vào sau thay áo.
Vết thương chưa lành hẳn nên Ngọc Yến và Tố Tâm phải giúp chàng tắm rửa. Biết mọi người đang chờ, Vân Long nhanh chóng trở ra ngay.
Độc Cô Thiên thấy lớp áo ở bả vai trái u lên, hắn thất sắc hỏi dồn:
- Đại ca bị thương ư?
Quần hào giật mình đưa mắt nhìn. Chàng lắc đầu cười:
- Chỉ là vết thương ngoài da, xin chư vị yên tâm.
Hạ bang chủ bước đến kéo chàng ngồi xuống cạnh lão rồi cười ha hả:
- Long đệ quyết đấu với Thiên Ma Yêu Lão mà chỉ bị thương nhẹ thế này là may mắn lắm rồi. Xin mời Công Tôn tiền bối và chư vị huynh đệ nâng ly chúc mừng.
Tố Tâm, Ngọc Yến lúc này cũng đã ra đến, khép nép thi lễ rồi ngồi bên trượng phu.
Kiếm Ma uống cạn ly, bảo Vân Long:
- Long nhi! Ngươi hãy thuật lại trận tử chiến ở Thiếu Lâm tự cho bọn ta nghe xem.
Chàng tuần tự kể lại, đến đoạn chàng dùng mưu phóng linh xà đả thương Yêu Lão, cả bàn ồ lên thán phục. Quái Y vuốt râu cười khà khà:
- Thằng bé này quả là lợi hại! Đến Yêu Lão còn bị ngươi lừa.
Ba vị chưởng môn là Lã Thanh Vân, Lâm Thiện Đình và Hàn Vĩnh Lộc đồng thanh đứng dậy nâng ly. Họ Lâm thay mặt nói:
- Nhờ tài trí của công tử mà Thiên Ma Giáo mấy lần thảm bại, bọn lão hủ cũng được toàn mạng. Ba phái Điểm Thương, Hoa Sơn, Không Động xin đặt dưới quyền điều động của công tử, dẫu chết cũng không từ nan.
Lâm Thiện Đình nói dứt lời, cả ba cùng uống cạn chung.
Chàng cũng uống đáp lễ rồi quay sang hỏi Kiếm Ma:
- Bây giờ đến lượt lão tiền bối cho tiểu bối được nghe qua trận tập kích Tỏa Thiên sơn trang?
Kiếm Ma cười chỉ Hạ Khánh Dương bảo:
- Hôm ấy cũng có mặt lão ăn mày già kia, cứ để lão kể hay hơn.
Hạ bang chủ giả lả:
- Long đệ đừng trách ta hiếu sự. Ta biết chiến lược của ngươi là để Cái Bang đứng ngoài cuộc làm nhiệm vụ thông tin, tổ chức....
Vân Long xua tay, đỡ lời:
- Lão đại ca đừng áy náy, thực ra Thiên Ma Giáo đã biết vai trò của Cái Bang rồi. Nhưng đệ xin phép được nói rõ sách lược của mình cho chư vị được rõ.
Quần hào chú ý lắng nghe. Chàng uống một hớp rượu rồi nói tiếp:
- Cái Bang về bản chất là một bang hội khác hẳn với tất cả những môn phái khác. Được sáng lập và tồn tại vì kế mưu sinh của mấy chục vạn đệ tử hành nghề khất cái trên toàn đất nước. Hơn nữa, từ mấy trăm năm nay, Cái Bang tự lập, tự tồn, không để ý đến chuyện tranh giành danh lợi, hay xưng bá võ lâm. Điển hình là, chưa có cao thủ Cái Bang nào tham dự vào các kỳ Hoa Sơn đại hội, để giành lấy chức minh chủ. Do đó, tất cả những kẻ có dã tâm thống trị võ lâm đều đặt Cái Bang vào mục tiêu sau cùng. Ma Diện và Yêu Lão cũng hiểu được điều này. Vì vậy, nếu Cái Bang không chính thức xuất đầu lộ diện thì Thiên Ma Giáo cũng đành lờ đi, coi như nước sông, nước giếng chẳng phạm nhau. Kế sách của tại hạ là cố giữ Đào gia trang và Cái Bang đứng ngoài làm hậu thuẫn. Nhưng đến phút cuối, khi không cần giữ bí mật nữa, Cái Bang sẽ cùng hào kiệt võ lâm đánh trận cuối cùng, tiêu diệt tận gốc ma kiếp.
Mọi người không ngờ chàng còn trẻ tuổi mà tài trí công thể bao quát, tính toán đến cả hậu vận võ lâm. Họ vỗ tay khen ngợi.
Hai vị phu nhân thấy chàng được mọi người kính ngưỡng, lòng cũng vui sướng, mắt long lanh.
Hạ Khánh Dương hoan hỉ nói tiếp:
- Đến ta là bang chủ mà còn chưa được rõ tính cách và vai trò của bổn bang bằng ngươi. Ta sẽ kể cho Long đệ và Yến muội nghe cuộc chiến ở Tỏa Thiên sơn trang.
Lão hắng giọng rồi bắt đầu kể:
- Sau khi Long đệ đi rồi, chúng ta cho người đến đón hai đội quân Hoàng hà, Dương Tử đưa về rặng núi sau sơn trang. Nhưng ta thấy với hai trăm nhân thủ e không đủ sức, nên tuyển trong tổng đà và phân đà Lạc Dương thêm trăm tay đao thủ nữa. Cũng may, số y phục Kiếm môn không thiếu. Từ ngày Thiên Ma Giáo xuất hiện đến giờ, ta chưa được góp sức trận nào nên cũng ấm ức trong lòng, liền mặc bộ hắc y, bịt mặt trà trộn vào đám đệ tử. Chỉ có Công Tôn tiền bối là biết điều này. Lăng huynh đã âm thầm đột nhập vào trước. Hai mươi cung thủ và toàn quân nằm phục trên núi. Gọi là núi nhưng thực ra chỉ là ngọn đồi cao hơn trăm trượng, vách thẳng đứng. Trên đó cũng có một toán giáo chúng Thiên Ma canh giữ, nhưng đã bị chúng ta diệt gọn.
Chờ cho Yêu Lão xuất trang đi khỏi nửa ngày đường chúng ta mới tấn công. Phích Lịch Thần Lôi được hai mươi tay thần ti n ngoại Mông rải dài từ bìa rừng đến tận trung tâm. Sức công phá thật là khủng khiếp. Chỉ cần ba mươi trái đã đủ cày nát các cơ quan ám khí, mở ra một con đường thẳng tắp vào đến tận trong. Tiếng nổ làm bọn giáo chúng kinh hồn, bở vía, chạy tán loạn. Thấy đã xong một bước, Công Tôn tiền bối dẫn toàn quân dùng dây tuột xuống xông vào. Trên này các cung thủ cứ nhắm vào những toán giáo đồ trong lùm cây mà rót Thần Lôi.
Chúng ta nhanh chóng tiến đến khu trung tâm, bọn hộ pháp và giáo chúng quá khiếp sợ Thần Lôi nên không còn ý chí chiến đấu nữa. Chúng kéo nhau đào tẩu khỏi sơn trang. Cuối cùng Lăng huynh xuất hiện, chỉ chỗ giam giữ ba vị chưởng môn. Bọn ta còn cứu được cả hai cha con Tỏa Thiên lão nhân, họ bị cầm tù chung một chỗ.
Hạ Khánh Dương kể xong, khoan khoái nâng chung uống cạn.
Lữ trưởng lão hỏi chàng:
- Long đệ, trong ba tháng Yêu Lão ẩn mặt dưỡng thương, chúng ta sẽ làm gì?
Vân Long quay sang Kiếm Ma kính cẩn nói:
- Xin lão tiền bối chỉ giáo! Công Tôn Sửu tư lự hồi lâu rồi nói:
- Ta nên rằng nên dùng kế dĩ dật đãi lao. Trước khi Yêu Lão bình phục, phải củng cố Kiếm Môn, đổi tên thành Chính Nghĩa Minh, công khai tập hợp các phái dưới cờ, chính thức khiêu chiến với Yêu Lão. Đương nhiên, vì danh dự lão không thể không đến. Lúc đó, chúng ta sẽ đánh một trận cuối cùng. Địa thế Nga Mi d thủ khó công, chỉ cần bố trí cho tốt sẽ toàn thắng.
Quần hào đều tán đồng. Hạ bang chủ cười ha hả nói:
- Công Tôn tiền bối mà đứng ra lãnh đạo Chính Nghĩa Minh thì quần ma phải đại bại thôi.
Không ngờ Kiếm Ma lắc đầu:
- Không! Ta chỉ xin nhận chức phó minh chủ. Còn minh chủ thì giao cho các ngươi chọn lấy.
Quần hào bắt đầu hiểu ý lão, họ đồng thanh nhìn Vân Long.
Chàng bối rối, mặt đỏ bừng. Kiếm Ma liền nói:
- Ngươi vẫn thường nói bậc quân tử gánh nặng đường xa. Nay đã đến lúc phải gánh nặng oằn vai, sao ngươi không nhận? Ta bảo thật, nếu ta làm minh chủ thì võ lâm có nhiều người không phục. Ngược lại, nếu ngươi làm, cả thiên hạ ăn mừng.
Quần hào nhất loạt tán thành:
- Đúng lắm! Chàng nghiêm sắc mặt đứng dậy, vòng tay thưa:
- Chư vị có lòng yêu, tại hạ không dám chối từ. Nhưng sau khi đã diệt xong ác ma, tại hạ xin lập tức thoái ẩn. Nếu chư vị nhận lời thì kẻ hèn này mới dám đảm đương Chính Nghĩa Minh.
Thực ra, đám người này chưa phải là đại diện của toàn võ lâm. Nhưng sau lưng chàng còn có hậu thuẩn là Thiếu Lâm, Võ Đang, Nga Mi, Miêu Cương, quan ngoại.... Kết quả hôm nay chỉ là để hợp thức hóa vai trò lãnh tụ của chàng mà thôi.
Hạ Khánh Dương đâu cần biết chuyện mai sau, lão chỉ cần biết tiểu đệ của mình chịu nhận chức minh chủ là mãn nguyện lắm rồi.
Lão cao giọng hứa:
- Được, coi như chúng ta nhận lời.
Quái Y nhìn cháu mà nhớ đến bào đệ Nam Cung Phong xấu số. Lão rơi lệ lẩm bẩm:
- Phong đệ à! Cháu của ngươi đã thay ngươi làm minh chủ rồi đấy.
Kiếm Ma biến sắc hỏi lại:
- Quái Y, chẳng lẽ Vân Long lại là hậu duệ của Nam Cung Phong ư?
Xích Long gật đầu:
- Long nhi là ngoại tôn của Bích Nhãn Thần Quân.
Tam vị chưởng môn giật mình. Kiếm Ma bật cười lớn:
- Như vậy, chuyện làm minh chủ của Long nhi chẳng phải là thiên kinh địa nghĩa đấy sao?
Bỗng từ ngoài, Tiền Thông dắt một tên khất cái vào đến.
Cả hai sụp xuống thi lễ , Tiền Thông thưa rằng:
- Kính bẩm bang chủ và chư vị trưởng lão, có Trương Qúy ở phân đà Giang Tô về bái kiến.
Trương Qúy là một hán tử cao gầy, tuổi trạc tứ tuần. Gã móc trong lưng ra một phong thư rồi nói:
- Bẩm bang chủ, cách đây nửa tháng, có một ông già râu tóc bạc phơ, đến tổng đà tự xưng là Vô Cực Tẩu, bảo đệ tử phải cấp tốc mang ngay phong thư này về trình bang chủ, nhờ trao lại cho tiểu trưởng lão.
Hạ Khánh Dương cho họ lui ra rồi đưa phong thư cho Vân Long. Chàng mở xem, trầm ngâm suy nghĩ.
Lữ Quân hỏi:
- Chẳng hay Vô Cực Tẩu tiền bối nói gì trong thư vậy?
Chàng từ tốn đáp:
- Sư phụ truyền lệnh cho tiểu đệ và Ngọc Yến phải có mặt ở hòn đảo Ngân Ba ngoài khơi Đông Hải trước ngày trùng cửu. Sư phụ cùng Linh xà Miêu Quân và Đông Doanh Song Thần đang ở đấy. Phu thê đệ tử sẽ phải so tài với hai đệ tử của Song Thần.
Kiếm Ma thở dài tha rằng:
- Vô Cực Tẩu và Linh Xà Miêu Quân còn tại thế là đại phúc của võ lâm, song Đông Doanh Song Thần còn sống là còn tai họa lớn.
Chàng chưa hề được nghe nhắc đến Đông Doanh Song Thần nên ứng tiếng hỏi:
- Chẳng lẽ trước đây Song Thần đã từng vào Trung Nguyên?
Kiếm Ma gật đầu:
- Phải! Sáu mươi năm trước, hai lão vượt biển đưa thuyền vào đậu ở Thanh Đảo thuộc tỉnh Sơn Đông, khiêu chiến với toàn thể anh hùng Trung Nguyên. Song Thần tuyên bố võ học Trung Hoa không thể bằng võ học Đông Doanh được. Nếu trong ba tháng, không người nào thắng được một trong hai lão thì chức minh chủ võ lâm để cho Đông Doanh Song Thần đảm nhiệm.
Minh chủ đương thời ấy là Luân Hồi Kiếm Cổ Thượng Bạch cũng không qua được trăm chiêu. Vì vậy, giang hồ đã cầu cứu Vô Cực Tẩu và Linh Xà Miêu Quân. Hai vị tiền bối này đã đấu với Song Thần suốt một ngày đêm mới thắng được một chiêu. Song Thần không phục, hẹn rằng hai mươi năm sau sẽ tái đấu, địa điểm là Ngân Ba đảo. Trong bốn mươi năm qua, Song Thần đều bị bại và bây giờ đã đến kỳ phó ước cuối cùng, nếu lần này họ không giành được chiến thắng, sẽ chẳng bao giờ cầm đến kiếm nữa.
Công Tôn Sửu dừng lại thấm giọng bằng một chung rượu rồi nói tiếp:
- Có lẽ hai bên đã bất phân thắng bại nên đưa đệ tử của mình ra so tài.
Quần hào đều tán đồng phán đoán của lão.
Vân Long hỏi Hạ bang chủ:
- Chẳng hay Ngân Ba đảo ở chỗ nào mà ai là người có thể đưa tiểu đệ đến được nơi đó đúng hẹn?
Hạ lão đáp:
- Ngân Ba đảo nằm trong vùng Hoàng Hải, cách bờ chừng chín trăm dặm. Lữ trưởng lão có một người cháu giỏi nghề hàng hải, thường chở lương thực và vải vóc ra đó. Chỉ cần biết ngươi là trưởng lão Cái Bang thì gã sẽ tận tình giúp đỡ. Tên gã là Lữ Sa, biệt hiệu Hoàng Hải Nhất Giao.
Cuối cùng, mọi người nhất trí với nhau rằng Vân Long cùng hai phu nhân sẽ đi Đông Hải. Ba vị chưởng môn trở về củng cố lực lượng, hai tháng nữa sẽ kéo về Nam Nga Mi hội sư. Kiếm Ma cùng bọn Tả Phi, Tiểu Linh về thẳng tổng đàn Kiếm Môn. Hạ lão chịu trách nhiệm thông báo kế hoạch thành lập Chính Nghĩa Minh cho ba phái Thiếu Lâm, Võ Đang, Côn Luân và toàn thể võ lâm.
* * * Trưa hôm sau, bọn Vân Long, Độc Cô Thiên, Tố Tâm và Ngọc Yến lên thuyền xuôi dòng sông Hoài ra biển Đông.
Đông Hải là tên gọi chung của vùng biển phía đông Trung Hoa, gồm một phần ở phía trên, giáp Mãn Châu, Hà Bắc, Sơn Đông và Hoàng Hải ở dưới, giáp các tỉnh Giang Tô, Chiết Giang, Phước Kiến.
Vào mùa thu, gió tây thổi lồng lộng, chiếc thuyền lướt rất nhanh. Thỉnh thoảng có những cơn mưa ập đến, làm mặt sông nổi sóng. Bốn người ngồi ở trong khoang uống rượu, thưởng thức cảnh vật trên sông và hai bên bờ. Thấy hàng ngô đồng trơ trụi lá, Vân Long khẻ ngâm:
Ngô đồng nhất diệp lạc, Thiên hạ cộng tri thu.
Độc Cô Thiên cao hứng nâng chén:
- Tiểu đệ kính mời nhị vị đại tẩu một chung.
Hai nàng e lệ nâng chén rồi uống cạn.
Rượu phần Sơn Tây rất mạnh, lúc sau gương mặt họ đã đỏ hồng. Vân Long mỉm cười, bắt hai phu nhân phải uống thêm chung nữa.
Tố Tâm đôi mắt long lanh hỏi chàng:
- Tướng công! Chẳng hay Đông Doanh là xứ sở nào, có đặc điểm gì khác với chúng ta?
Vân Long quay sang hỏi nhị đệ:
- Ngươi đã đi nhiều nơi, vậy có biết gì về Đông Doanh thì nói cho mọi người thêm rộng kiến văn?
Độc Cô Thiên đưa tay cầm bình rượu rót đầy chén rồi đáp:
- Tiểu đệ không biết gì nhiều, chỉ nghe nói rằng Đông Doanh là một quần đảo gồm một ngàn đảo lớn nhỏ, nằm cách bờ biển Trung Hoa chùng bảy ngàn dặm, lãnh thổ nhỏ hơn nước ta chừng ba mươi lần, dân số khoảng sáu, bảy trăm vạn. Giới võ sĩ chuyên sử dụng trường kiếm, lưỡi hơi cong, chuôi kiếm dài có thể cầm cả hai tay, kiến thức của tiểu đệ chỉ có thế thôi.
Vân Long gật đầu đỡ lời nhị đệ:
- Thiên đệ nói rất đúng. Ta đã đọc được trong một cuốn sách rằng đa số dân Đông Doanh sống trên bốn hòn đảo lớn có tên là Phồn Tư, Phục Giới Đạo, Ký Tố và Tỉ Cốc Cứ. Cổ sử viết rằng vào đời Tần Thủy Hoàng, có một pháp sư tên gọi Từ Phúc, lấy cớ đi tìm thuốc trường sinh, đem theo năm trăm đồng nam, năm trăm đồng nữ lên thuyền vượt biển, đi Đông Doanh định cười không trở về nữa. Vì vậy, dung mạo và chữ viết của họ không khác gì Hán tộc. Từ đời Tần đến đời Minh Thành Tổ hiện nay, đã hơn một ngàn sáu trăm năm nên không biết sự thực thế nào?
Bốn người đàm đạo một hồi thì chủ thuyền cho dọn cơm chiều. Ăn xong Độc Cô Thiên biết ý, xin phép vào phòng đọc sách để đại ca và nhị vị phu nhân nghỉ sớm.
Chiếc thuyền buồm này rất lớn hơn bình thường. Có thể chở đến năm, sáu chục người. Nhưng Vân Long đã bao trọn với giá ba trăm lượng bạc, lại còn thưởng thêm hai trăm nữa nên chủ thuyền và bọn thủy thủ rất phấn khởi.
Hơn tháng nay, vì bận rộn bôn ba đối phó với quần ma nên phu thê chẳng có dịp cận kề.
Chàng giả đò vươn vai che miệng ngáp dài rồi bảo:
Hai nàng có hứng thú thì cứ ngồi lại đây ngắm cảnh. Ta vào trong nghỉ trước.
Tố Tâm, Ngọc Yến hiểu ý, thẹn thùng đứng dậy bước theo.
Gian phòng trên thuyền trang trí không đẹp nhưng rộng rãi và sạch sẽ.
Nệm trải giường bằng lông chim biển vô cùng êm ái.
Hai nàng tắm rửa xong bước ra đã thấy chàng nhắm mắt ngủ say. Họ lặng lẻ trèo lên giường nằm hai bên. Mùi da thịt thơm tho của mỹ nhân khiến chàng không nhịn được nữa, ngồi lên cởi y phục.
Ai bảo người quân tử không háo sắc? Qúy hồ đừng để cho sắc dục làm loạn tánh mà thôi.
Bảy ngày sau thuyền đã đến Giang Tô, chàng cảm tạ chủ thuyền rồi dẫn mọi người lên bến.
Bến cảng dù sông hay biển vẫn là nơi sầm uất, nhộn nhịp và đương nhiên phải có ăn mày. Tên khất cái ngồi trước cửa một tửu quán, mau mắn dẫn đường cho tiểu trưởng lão đến nhà Hoàng Hải Nhất Giao.
Lữ Sa không phải là đệ tử Cái Bang nhưng lại là cháu của Thần Hành Thiết Bổng Lữ Quân, vì vậy, hắn kính chàng như thúc bá.
Lữ Sa có mấy chiếc đại thuyền chở hàng hóa vượt biển, dù tuổi đã ngũ tuần nhưng còn rất tráng kiện, uy mãnh. Làn da đen sạm, bắp thịt nổi lên cuồn cuộn.
Chàng hỏi lão:
- Ngươi có chắc rằng chúng ta sẽ đến được Ngân Ba đảo trước tiết trùng cửu chứ?
Lão cười lớn, vỗ ngực tự hào:
- Trưởng lão chớ lo. Sa này hơn ba mươi năm ngang dọc vùng Hoàng Hải. Chín trăm dặm biển chỉ hơn mười ngày là tới. Như vậy sớm mấy ngày để trưởng lão và chư vị ngoạn cảnh Ngân Ba.
Vân Long đưa cho Lữ Sa tấm ngân phiếu năm ngàn lượng. Lão giật mình, không nhận:
- Xin trưởng lão đừng làm thế. Sự nghiệp của Sa này có được cũng là nhờ vào uy phong của Cái Bang. Nay được dịp đáp đền, lòng cao hứng, nói chi đến chuyện nhận công.
Chàng cười bảo:
- Ngươi không lấy cũng được, nhưng hãy cầm số tiền này thỉnh cho được một đầu bếp nổi tiếng, đem theo đồ nghề, gia vị. Tìm mua ba mươi vò Trúc Diệp Thanh lâu năm mang theo. Ta phải đổ cho đám người Đông Doanh say khướt mới được.
Lão Sa cũng là tay tửu quỷ nên phấn khởi vâng lời.
Sau khi trang bị đầy đủ theo yêu cầu của trưởng lão, giờ mùi ngày hôm sau, Lữ Sa giương buồm ra khơi.
Cả bọn chàng suốt đời mới đi biển lần đầu nên không khỏi choáng váng. Ngọc Yến vội cho mỗi người một viên thuốc nhỏ, nhờ vậy, chuyến hải trình không đến nỗi là một cực hình.
Dù võ công cái thế, ai cũng cảm thấy mình bé nhỏ, lạc lõng giữa vùng trời nước mênh mông. Những ngày mưa bảo, con thuyền lao đao như chiếc lá trước những đợt sóng biển dữ dội. Đến lúc ấy mới thấy hết được tài nghệ của Lữ Sa.
Cũng có lúc trời quang, mây tạnh, mặt biển êm đềm dưới ánh dương quang. Từng đàn cá phóng lao xao, đôi lúc có cả những con kình ngư khổng lồ lượn lờ đây đó. Khi hoàng hôn buông xuống, mặt nước lấp lánh, phản chiếu ánh vàng của vầng dương đỏ rực như đang chìm dần xuống biển sâu. Cành đẹp của Đông Hải không bút nào tả xiết.
Số bạc năm ngàn lượng dư giả cho Lữ Sa vung tay mua sắm. Khi biển lặng, lão thường trao tay lái cho thuộc hạ rồi cùng chàng và Độc Cô Thiên đối ẩm. Tính lão hào sảng, thẳng thắn và rất d mến.
Khi họ đến Ngân Ba đảo thì còn tới hai ngày nữa mới đến tiết trùng cửu.
Lữ Sa có vẻ quen thuộc với vùng đất này. Khi thuyền cập bến, lão dẫn bọn Vân Long đi thẳng vào thôn. Gọi là thôn nhưng chỉ có chừng trăm nóc nhà, tất cả đều là người Hán, sinh sống bằng nghề ngư phủ. Nhưng họ hoàn toàn không nghèo chút nào cả. Dưới lòng biển chung quanh có rất nhiều những con trai cho ngọc. Họ chỉ việc lặn xuống mà bắt lên rồi bán cho thương lái đem vào Trung Nguyên. Nhờ vậy, cuộc sống rất d chịu.
Lữ Sa bước vào một tửu quán hỏi thăm, lát sau lão bước ra bảo:
- Vô Cực Tẩu và Linh Xà Miêu Quân đang ở trong ngôi chùa của đảo, tên là Ngân Ba tự. Chỗ ấy cách đây chừng ba dặm, nằm sát ngay bãi biển.
Lão quay lại thuyền bảo thuộc hạ chuyển hành lý và rượu đến chùa, tất nhiên là có cả lão đầu bếp.
Lữ Sa dẫn bọn Vân Long đi thẳng lên hướng Bắc đảo, dọc theo bờ biển, chỉ lát sau đã thấy một ngôi chùa nhỏ bằng đá nằm sau một khoảnh rừng dương chắn gió.
Cạnh chính điện là một tiểu viện bằng gỗ, có vẻ như mới dựng chẳng bao lâu. Thoáng thấy trong tiểu viện có bóng người, cả bọn rão bước đến.
Tiếng cười quen thuộc của Vô Cực Tẩu khiến chàng xúc động, phi nhanh đến trước cửa, thấy lão đang ngồi uống rượu với một đạo sĩ hình hạc xương mai và một nhà sư già to béo.
Chàng sụp xuống thưa:
- Sư phụ! Đồ nhi mừng được gặp lại người.
Lúc này, bọn Tố Tâm, Ngọc Yến, Độc Cô Thiên cũng đã vào đến, họ nhất loạt quỳ xuống ra mắt. Ngọc Yến kêu lên mừng rỡ:
- Sư tổ, Yến nhi xin ra mắt.
Linh Xà Miêu Quân mỉm cười xua tay bảo:
- L nghi như thế là đủ rồi, mau ngồi vào đây để ta giới thiệu với chủ nhân.
Lúc này Lữ Sa đã cùng bọn thuộc hạ chuyển hành lý tới. Ba chục vò rượu Trúc Diệp Thanh mười cân được xếp ngay ngắn trước cửa tiểu viện.
Vô Cực Tẩu thấy rượu quý khà khà được tay vẫy nhẹ, vò rượu gần nhất từ từ bốc lên, bay thẳng vào tay lão. Lữ Sa và thủ hạ thấy Vô Cực Tẩu trổ thần công ngơ ngác lắc đầu, dụi mắt.
Vân Long cất tiếng thưa:
- Sư phụ! Đây là Tố Tâm và Ngọc Yến, nội nhân của Long nhi.
Vô Cực Tẩu quan sát hai nàng, rồi cười khà khà:
- Các ngươi đều có tướng sinh quý tử.
Hai nàng thẹn thùng nhưng lòng vô cùng mừng rỡ. Họ vẫn thầm lo sợ mình không sinh được người nối dõi tông đường cho họ Phạm, nay được Vô Cực Tẩu báo trước điềm lành, nỗi lo kia tan biến.
Linh Xà Miêu Quân quay sang lão hòa thượng già to béo nói:
- Các ngươi hãy đến ra mắt Tam Giới Hòa Thượng, trụ trì chùa Ngân Ba, cũng là hảo hữu lâu năm của ta và Vô Cực Tẩu. Lão này không kiêng rượu thịt.
Hòa thượng cười rung rinh bụng mỡ bảo họ:
- Chư vị thí chủ chớ đa lễ , xin cứ tự nhiên ngồi xuống bồi lão nạp vài chén là coi như đã có lòng thành rồi.
Mùi xào nấu ở đâu bay đến, Vô Cực Tẩu thích chí khen:
- Long nhi quả biết rõ gan ruột của ta.
Mọi người quây quần quanh chiếc bàn gỗ mộc, uống rượu và đàm đạo.
Lữ Sa liên tiếp bưng vào những dĩa thức ăn nóng hổi, thơm ngon. Lão đầu bếp này cũng là một tay thánh thủ, Vân Long bảo Lữ Sa ngồi vào bàn chung vui, việc phục vụ giao cho thuộc hạ. Họ Lữ được ngồi với các lão thần tiên lòng vô cùng phấn khởi và vinh hạnh. Lão thầm tự hào rằng trong võ lâm chua có ai được di m phúc này.
Kim Tuyến nhi bỗng rít lên, bò xuống bàn rồi leo lên vai Linh Xà Miêu Quân ghé vào tai lão thì thầm mấy tiếng. Miêu Quân thất sắc nhìn Vân Long bấm ngón tay tính toán rất nhanh. Lão lại thản nhiên tiếp tục ăn uống, linh xà bò lên quấn vào búi tóc lão.
Vân Long kể lại cuộc chiến với quần ma trong mấy tháng qua. Nghe nhắc đến Thiên Ma Yêu Lão, Vô Cực Tẩu chau mày:
- Lão quỷ này tuổi đã gần trăm mà còn vì chút hư danh náo loạn giang hồ.
Miêu Quân vuốt râu hỏi:
- Thiên Ma Chỉ uy lực nát đá tan vàng, ngươi liệu có địch nổi hay không?
Chàng kính cẩn thưa:
- Lon nhi tin rằng mình có thể vận dụng tâm cơ để bù vào sự yếu kém của võ công.
Lão hài lòng gật đầu:
- Ta và Vô Cực Tẩu là người hiểu rõ mệnh trời nên không dám cưỡng lại vận số của võ lâm. Chúng ta không thể tự tay diệt trừ Yêu Lão và cũng chẳng thể giúp ngươi một sớm một chiều trở thành thiên hạ đệ nhất nhân. Đi ngược lại thiên cơ, hậu quả khó lường. Bản thân ngươi phải tự cường, bất tức, đến ngày gặp cơ duyên ắt sẽ thành công.
Vô Cực Tẩu mời mọi người uống cạn rồi nói:
- Long nhi, cái hẹn hai mươi năm với Đông Doanh Song Thần lần này đã có sự cố mới, thành ra ta phải cho gọi các ngươi. Kỳ trước ta và Miêu Quân thắng được Song Thần nửa chiêu, nhưng lần này, sau ba tram chiêu vẫn bất phân thắng bại. Họ bèn đề nghị đưa đệ tử ra đấu thay. Vì vậy, ngày kia ngươi và Ngọc Yến phải so tài với đồ đệ của Song Thần. Cuộc đấu này quan hệ đến thanh danh của cả một nền võ học Trung Hoa, hai ngươi phải cố sức.
Ngày hôm sau, phu thê Vân Long ra sức ôn luyện. Vô Cực Tẩu và Miêu Quân rất hài lòng. Đầu giờ Mão ngày trùng cửu, mọi người kéo nhau xuống bãi biển trước chùa. Bãi cát ở đây bằng phẳng, sóng biển hiền hòa, lại có thể bầy tiệc rượu dưới hàng dương để cử tọa quan chiêm trận đấu.
Từ cuối chân trời, một chiếc thuyền buồm lớn xuất hiện, neo lại cách bờ vài trăm trượng. Có bốn bóng người nhảy xuống thuyền con tiến thẳng vào bờ.
Đó là hai lão già nhỏ bé, râu tóc bạc trắng và hai nam nữ trẻ tuổi.
Vô Cực Tẩu và mọi người đứng dậy chào đón:
- Xin mời quý sư đồ an tọa thưởng thức chén rượu Trung Thổ.
Song Thần thản nhiên cùng đệ tử ngồi xuống chiếu. Dưới gốc dương cạnh đó, lão đầu bếp già đang nhanh tay chế biến món ăn.
Miêu Quân giới thiệu:
- Đây là Vân Long, đệ tử của Vô Cực lão huynh và Ngọc Yến, đồ tôn của ta.
Lão già Đông Doanh có nốt ruồi ở trên sống mũi, cũng chỉ hai đồ đệ rồi nói:
- Hán tử này là đồ đệ của ta, tên gọi là Dã Mã Mộ Đồ, còn nữ nhi này là đệ tử của em ta, tên là Sương Mỵ Phương Tử.
Vân Long quan sát thấy Dã Mã Mộ Đồ tuổi quá tam tuần, mắt dài mà nhỏ, lông mày chữ nhất, mũi thẳng, mặt chữ điền vuông vức, trông lạnh lẽo và đầy sát khí.
Ngược lại, Sương Mỵ Phương Tử lại có vẻ nhu mì, thuần hậu. Mặt nàng tròn trịa, phúc hậu, không bằng bọn Tố Tâm nhưng cũng rất xinh đẹp.
Cả bốn người đều mặc y phục Đông Doanh, áo rộng không cổ, tay áo ngắn, hai vạt áo trắng viền đen khép lại ngay giữa ngực, búi tóc lệch về phía sau chứ không nằm giữa đỉnh đầu như người Hán.
Song Thần uống mấy chung rồi nói:
- Không nên kéo dài vô ích, để bọn đệ tử bắt đầu so kiếm là vừa, hai lão huynh thấy thế nào?
Hai lão này nói tiếng Hán rất lưu loát. Vô Cực Tẩu gật đầu cười khà khà:
- Được! Bọn già chúng ta sẽ cùng nhau đấu rượu và xem bọn trẻ trổ tài.
Dã Mã Mộ Đồ cùng Phương Tử lặng lẻ đứng dậy, cúi người chào rồi lặng lẻ bước ra bãi cát. Vân Long và Ngọc Yến cũng vậy.
Hai cặp đứng đối diện nhau, rút kiếm ra thủ thế. Kiếm của hai cao thủ Đông Doanh hơi cong và dài hơn kiếm Trung Nguyên. Chàng biết người Đông Doanh đã tìm ra phương pháp luyện thép lạnh, đúc nóng rồi làm lạnh đột ngột nên kiếm của họ sắc bén phi thường, không thua gì các bảo kiếm Trung Hoa.
Họ cầm kiếm bằng cả hai tay, thân kiếm dựng đứng trước mặt. Không dám coi thường đệ tử của song thần. Chàng quán chú công lực, chuẩn bị dùng Ngự Kiếm thuật. Thực ra, kiếm pháp của người Đông Doanh cũng tương tự như phép Ngự kiếm của Trung Nguyên. Chiêu nào cũng dùng nội lực toàn thân ra đòn như sấm sét. Đường kiếm đơn giản nhưng vô cùng bá đạo.
Dã Mã Mộ Đồ và Sương Mỵ Phương Tử hét lên một tiếng, đôi chân lướt nhanh trên mặt cát, kiếm vẫn giữ nguyên thế xông tới.
Chàng xuất chiêu Phong Vũ Thời Tai trong Giáng Ma chân giải, chủ yếu phòng thủ để tìm hiểu lộ số đối phương. Hai thanh kiếm chạm nhau vang rền, hai người đồng dội ra một bước. Chàng ước lượng công lực của hắn không thua gì chàng. Chiêu Tứ Lượng Phùng Xuân trong Thái Cực Tuệ Kiếm tung ra như rắc hoa quanh bóng địch. Mộ Đồ thấy chàng chưa dùng đến Vô Cực Tam Kiếm nên cũng bớt căng thẳng, cùng đối phương chiết chiêu. Càng đánh, hắn càng kinh ngạc trước sở học bao la, biến hóa của chàng. Song Thần trong suốt sáu mươi năm lao tâm khổ tứ tìm cách phá giải Vô Cực Tam Kiếm và Linh Xà Kiếm Pháp nên tự tin đệ tử mình không thể bại. Nay thấy Vân Long không dùng đến tuyệt kỹ của Vô Cực Tẩu mà bình thủ với Mộ Đồ nên cất tiếng hỏi:
- Vô Cực lão huynh, tên tiểu tử kia có thực là đệ tử của ông không? Tại sao kiếm pháp của hắn lại bá tạp như vậy?
Vô Cực Tẩu cười khà khà đáp:
- Long nhi là đại biểu tốt nhất của võ học Trung Hoa, ta chỉ là một trong nhiều sư phụ của hắn mà thôi.
Bên này, Ngọc Yến cùng Sương Mỵ cũng bất phân thắng bại, nhuy n kiếm sinh động như long xà vờn quanh đối thủ, ngay cả Miêu Quân cũng phải bất ngờ.
Dã Mã Mộ Đồ sau ba trăm chiêu vẫn chưa nhìn ra được sơ hở của đối phương, gã nổi sát khí thét lên ghê rợn dở tuyệt chiêu của Song Thần là Tuyết Nộ Sơn Đầu. Kiếm quang tỏa ra những bông hoa bạc trắng, cuồng loạn bay lượn phủ cả đấu trường. Vân Long cười khanh khách tung người lên không xuất chiêu Vô Cực Uyên Nguyên chụp xuống đầu Dã Mã. Kiếm khí chạm nhau nổ như sấm, hai người bị phản lực dội xa nhau hơn trượng. Không ai bị thương nhưng tay áo của kiếm sĩ Đông Doanh đã bị rách một đường. Hắn vẫn điềm nhiên hít một hơi chân khí định xuất chiêu thứ hai. Nhưng chàng đã nhanh hơn, dùng Lăng Vân Bộ Pháp lướt tới ra chiêu Vô Cực Chuyển Luân, thân ảnh chàng hòa với kiếm quang như một bánh xe cuốn đến. Dã Mã Mộ Đồ cười nhạt, dùng chiêu Hải Thượng Băng Ngưng. Chiêu này Song Thần đã khổ công nghiên cứu, chuyên dùng để phá chiêu Vô Cực Chuyển Luân.
Nhưng ngờ đâu, Mộ Đồ vừa vung kiếm đánh chưa hết nửa chiêu thì đối phương đã biến chiêu, một vòng hào quang sáng lòa xuất hiện, chiêu Vô Cực Quang Minh nuốt chửng lấy hắn. Mộ Đồ định biến chiêu nhưng không còn kịp nữa. Tiếng sắt thép va chạm nhau ngân dội. Hai bóng người tách ra rơi xuống.
Thân áo trước của Vân Long rách một đường dài từ vai trái xuống thắt lưng. Nhưng Mộ Đồ thì vô cùng thê thảm. Một vết kiếm thương kéo ngang người, máu tuôn nhuộm đỏ áo bào. Búi tóc bị cắt đứt rời rũ xuống quanh vai.
Có lẽ vết thương không nặng, hắn chống kiếm lạnh lùng nói:
- Hôm nay ta nhận bại, nhưng hẹn ngươi đúng ngày này năm sau tại bờ biển Thanh Đảo Sơn Đông.
Chàng nghiêm trang gật đầu:
- Tại hạ xin nhận lời.
Dã Mã Mộ Đồ không thèm vận công chỉ huyết, gã nghiến răng bước đến trước mặt Song Thần quỳ xuống thưa:
- Sư phụ! Đồ nhi đã tận lực.
Song Thần buồn bã, thấy Sương Mỵ Phương Tử cũng không cách nào thắng nổi Ngọc Yến nên quát lớn:
- Sương Mỵ đình thủ, chúng ta thua rồi! Ngọc Yến nghe vậy liền tung mình rời khỏi đấu trường. Sương Mỵ cúi đầu bước đến, quỳ bên cạnh Mộ Đồ.
Đông Doanh song lão quay sang nói với Vô Cực Tẩu và Miêu Quân:
- Không ngờ Trung Hoa lại nảy sinh ra một kỳ tài như gã tiểu tử kia.
Anh em chúng ta nhận bại, suốt đời không đặt chân vào Trung Thổ nữa.
Nhưng ước hẹn một năm sau của Dã Mã Mộ Đồ, chúng ta không có quyền ngăn cản.
Miêu Quân nghiêm sắc mặt bảo:
- Hai vị phá lệ của tạo hóa, sống đến từng tuổi này đã là có tội, sao lại còn cố cưỡng lại thiên lý, nuôi lòng hiếu thắng gây hại cho đời? Vạn vật còn có lúc thịnh, lúc suy. Võ học mỗi nước cũng vậy. Tranh dành hơn thua làm gì?
Song Thần phá lên cười ngạo ngh :
- Ngươi nói cũng phải, nhưng hàng ngàn năm nay Trung Hoa vẫn coi Đông Doanh là bọn man di, mọi rợ. Bọn ta quyết làm cho các ngươi sáng mắt ra rồi mới chịu rời bỏ cuộc đời.
Nói xong, hai lão dắt đệ tử xuống thuyền.
Tam giới hòa thượng thở dài than rằng:
- Phật chẳng độ kẻ vô duyên, Đông Doanh Song Thần còn chơi vơi giữa biển mê, võ lâm Trung Nguyên còn nhiều tai kiếp.
Ngay chiều hôm đó, đầu con nước, Lữ Sa cho thuyền ra khơi trở lại Trung Nguyên. Vô Cực Tẩu và Linh Xà Miêu Quân cũng có mặt trên thuyền. Bốn ngày sau, họ đã đi được gần ba trăm dặm. Độc Cô Thiên cho bày bàn tiệc trên mũi thuyền để mọi người ngắm cảnh hoàng hôn.
Trời trong vắt, gió biển hiền hòa thổi căng những cánh buồm. Chim hải âu lượn lờ trên mặt biển kiếm ăn. Vầng dương đang hạ dần cuối trời tây, cảnh vật vô cùng di m lệ.
Lữ Sa cũng buông tay lái vào chung vui. Tố Tâm, Ngọc Yến nhấm nháp chút rượu, say mê chiêm ngưỡng vẻ đẹp bao la, hùng vĩ của đại dương.
Bỗng chiếc thuyền bất ngờ khựng lại. Nhu bị đâm vào đá ngầm. Chén bát trên bàn bay về phía trước, Vân Long kịp thời đưa tay giữ chặt hai nàng.
Lữ Sa biến sắc chạy vào giành lấy tay lái, mọi người chưa kịp định thần thì trước mũi thuyền, một chiếc đầu rắn to bằng mảnh chiếu vươn lên, chiếc lưỡi dài thè ra thụt vào giữa hai hàm răng sắc nhọn trông thật kinh khiếp.
Vô Cực Tẩu quát lớn, phất một chưởng phách không vào đầu thủy quái.
Con vật trúng đòn, đau đớn rít lên, thân nó quấy động mặt biển làm thuyền lắc lư dữ dội. Thấy quái vật không hề hấn gì, Miêu Quân vung song chưởng quất thẳng vào cổ nó.
Mũi thuyền chật hẹp, chỉ đủ chỗ hai người đối mặt với con giao long khổng lồ này. Vân Long bảo hai nàng bám chặt vào vách thuyền rồi tiến lên định trợ giúp sư phụ. Ngờ đâu, thủy quái đã dùng đuôi quấn quang thuyền vặn mạnh, chiếc thuyền bất ngờ nghiêng hẳn sang bên tả. Ngọc Yến chưa tìm được chỗ bám nên bị hất tung về phía giao long, chiếc lưỡi dài của nó vươn ra đón lấy. Chàng thấy ái thê sắp rơi vào miệng quái vật, vận toàn lực tung mình lên không phất một chưởng đẩy Ngọc Yến rơi trở lại thuyền. Tay kia vỗ thẳng vào lưỡi giao long, mượn sức phản chấn, bốc lên cao phóng một đạo Niên Hoa Chỉ vào mắt nó. Thủy quái đau đớn nổi hung, mở to miệng định nuốt chửng con mồi.
Vân Long không còn cách nào khác, đành buông người rơi xuống nước.
Nhưng Vô Cực Tẩu đã quát lên, xô ra một đạo kình phong về phía đệ tử.
Chàng mừng rỡ lộn người xuất song chưởng chạm vào để mượn sức đẩy, bay vút lên cao, lần này chàng lượn ra sau đầu giao long, rút tiểu đao nhằm thất khiếu con vật mà cắm vào. Nhưng quái xà đột nhiên quay sang hướng khác nên lưỡi đao cắm phập vào sương sọ chứ không trúng yếu huyệt. Không ngờ giao long bị đau, sợ hãi lặn nhanh xuống đáy biển, vẫy đuôi bơi như tên bắn. Vân Long bất ngờ bị rơi xuống nơi có lực ép cao nên bất tỉnh, tay vẫn còn nắm chặt cán tiểu đao.
Biến cố này xảy ra trong chớp mắt nên chẳng ai kịp phản ứng gì. Họ đổ xô ra mạn thuyền thúc giục Lữ Sa lái theo hướng đào tẩu của thủy quái để vớt Vân Long.
Đã tàn một nén nhang mà vẫn không thấy tăm hơi. Vô Cực Tẩu thở dài buồn bã. Ngọc Yến và Tố Tâm gào khóc như điên loạn. Miêu Quân phải điểm huyệt ngủ cả hai.
Họ tiếp tục tìm kiếm suốt ba ngày đêm mà vẫn hoài công. Hai nàng không còn khóc lóc nữa nhưng thờ ơ như ngốc.
Miêu Quân và Vô Cực Tẩu nghiêm sắc mặt bảo:
- Kiếp nạn của Long nhi, cy đã biết trước, nhưng không có cách nào xoay chuyển nổi, các ngươi phải bình tâm tin tưởng vào hai lão già này.
Họa trung đắc phú, không bao lâu sau Long nhi sẽ trở lại.
Tố Tâm và Ngọc Yến biết họ là tiên ở chốn phàm gian, đoán được quá khứ vị lai nên cũng tạm yên lòng.
Thuyền quay lại trực chỉ Trung Thổ, không tìm kiếm nữa. Độc Cô Thiên bặm môi gạt nước mắt thầm gọi đại ca.
* * * Phần Vân Long dù bị ngất đi nhưng thần công Vô Tướng Bát Nhã vẫn bảo vệ tâm mạch nên đi vào trạng thái bế tức, đong đưa theo nhịp bơi của giao long. Con vật này bị đâm vào óc, theo bản năng cố chạy trốn, nhưng cuối cùng kiệt sức mà chết. Nó là loài lưỡng thể, thường nổi trên mặt nước, vì vậy mới bị thuyền của Lữ Sa đâm phải. Khi chết, xác giao long từ từ trồi lên dật dờ trôi theo sóng biển. Vân Long tiếp xúc với khí trời dần dần hồi tỉnh dưới ánh nắng gay gắt. Chàng mở mặt, thấy mình đang bám vào xác thủy quái, lờ mờ nhớ lại sự việc. Chàng trèo lên ngồi trên mình nó, đưa mắt dõi trông bốn phía, không hề thấy bóng thuyền.
Vầng thái dương và gió biển mau chóng hong khô quần áo và làm làn da nóng bỏng. Chàng lại phải nhảy xuống nước, nép mình vào thân thủy quái để tránh nắng, nhưng cơn khát thì chẳng cách nào tránh được.
Vân Long ngao ngán trèo lên, rút tiểu đao ra. Một luồng máu nóng tanh tưởi phun ra như suối. Chàng lấy tay bịt lại rồi ghé miệng vào nhăn mặt cố uống vài hớp. Hai ngày sau máu không còn chảy nữa, chàng đành phải moi óc mà ăn. Lần lựa đã bảy lần hoàng hôn, một sáng nọ chàng tỉnh giấc thấy xác giao long đã tắp vào một hòn đảo nhỏ, mắc kẹt vào mấy tảng đá quanh bãi biển.
Chàng mừng rỡ, rút tiểu đao nhảy lên bờ. Trên đảo có suối và cây cối nhưng không có trái, cũng chẳng có thú rừng, chim muông, chu việc chỉ chừng vài dặm, chàng chạy một vòng rồi quay trở lại chỗ cũ.
Suy nghĩ một hồi, chàng chạy vào rừng cắt một đống dây leo chắc chắn, trở xuống nước cột vào đầu giao long rồi lên bờ tìm chỗ vững chác, xuống tấn vận toàn lực kéo xác nó lên. Con vật nặng có đến hai, ba ngàn cân.
nhưng nhờ có nước và mặt cát mềm nên cũng có thể từ từ trượt đi.
Chàng nghỉ một lúc rồi nhanh tay lột da, trải lên phiến đá lớn trên bờ rồi lóc từng miếng thịt phơi trên đó. Trong lục phủ ngũ tạng, chàng chỉ lấy trái tim, to bằng trái dưa.
Khi làm xong thì trời đã về chiều, chàng xách trái tim xuống suối rửa sạch rồi trầm mình trong dòng nước ngọt ngào, mát lạnh.
Tắm xong, tinh thần sảng khoái, chàng gom ít củi khô, chọn một tảng đá bằng phẳng, vận công dùng tam muội chân hỏa đốt cháy chúng, ngọn lửa hồng bốc lên đem lại hơi ấm. Vân Long cắt trái tim ra thành những lát mỏng, nướng trên ngọn lửa. Vì không có gia vị nên chẳng thơm tho gì, nhưng sau mấy ngày ăn thịt sống, chàng cảm thấy vô cùng ngon miệng.
Trái tim tuy lớn nhưng lại rỗng, tính ra chỉ nặng độ ba cân. chàng sợ để mai sẽ hư nên cố ăn cho hết.
Tiếng sóng biển rì rào vỗ vào bờ chỉ làm cho không gian thêm phần tĩnh mịch. Chàng thở dài nhớ đến phụ mẫu và những người thân khác.
Từ ngày dấn thân vào gánh vác giang hồ, chuyện sinh tử đã gác ngoài tai nên hôm nay dù có lâm vào tuyệt cảnh, lòng chàng vẫn không hề nản chí.
Cơ thể rã rời vì những ngày gian khổ trên mặt biển. Chàng bỏ thêm củi vào đống lửa rồi thiếp đi. Đến nửa đêm, chàng bỗng nghe từ trong đan điền như có lửa cháy vội bật dậy vận công trấn áp. Cơ thể chàng nóng hừng hực, kinh mạch chàng căng phồng như muốn nổ tung. Chàng cố gắng dùng tâm pháp vô thượng chầm chậm dẫn khí đi qua các huyệt đạo.
Nừu bản thân chàng không có sáu thành Vô Tướng Bát Nhã thì luồng hơi nóng mãnh liệt kia đã như cơn lũ ồ ạt phá nát kinh mạch. Chàng đắm mình vào trạng thái vô ngã, cố dẫn dắt chân khí đi đúng đường. Không biết đã được mấy vòng chu thiên, hơi nóng hòa vào cơ thể dịu dần đi.
Chàng xả công, mở mắt ra thấy cảnh vật chung quanh đều sáng sủa, tinh thần sung mãn phi thường. Chàng vui mừng biết công lực mình đã đến mức Lư Hỏa Thuần Thanh.
Chàng thử búng một đạo Niêm Hoa Chỉ vào tảng đá trước mắt. Chỉ phong nhẹ nhàng êm ái xuyên vào lớp đá cứng, bụi bay mù mịt. Vân Long lấy một cành cây thẳng đút vào để Độc Cô Thiên. Chiều sâu hai tấc, quả là kết quả ngoài sức tưởng tượng.
Chàng vui mừng nên thao thức đến sáng. Trong những ngày sau đó, chàng đã ôn luyện lại sở học của mình. Một hôm, chàng bước đến chỗ chôn xương và ruột của giao long, thấy sóng biển đã làm trôi lớp cát, lộ ra một bộ xương dài và lẫn trong đó là một thanh kiếm đen như mực.
Chàng nhặt lên và hơi ngạc nhiên trước hình dạng lạ mắt của nó.
Thanh kiếm này dài hơn trường kiếm của Trung Nguyên một tấc, bản kiếm rất hẹp, chỉ bằng độ ngón tay người. Thân kiếm dẻo dai, có thể uống cong mà không gẫy. Chàng thử chặt vào đốt xương sống của quái xà, vết chém thẳng băng và nhẵn nhụi. Chàng vui mừng nắm chặt chuôi kiếm bằng ngà voi, xuất thử mấy chiêu, lưỡi kiếm ngân lên như tiếng đàn.
Vân Long cao hứng cố lợi dụng thời gian rãnh rỗi này để luyện võ. Phần chót của Giáng Ma chân giải nói về võ đạo và kiếm đạo, sau một tháng chàng đã hoàn toàn thấu hiểu, kiếm thuật tiến thêm một bước dài.
Sau này chàng ở luôn trong chiếc lều bằng da rắn tại bìa rừng để công thể quan sát được mặt biển, chờ đợi một cánh buồm đến vớt. Ban đêm chàng đốt một đống củi to để sưởi ấm và làm tín hiệu cầu cứu. Cũng may trên đảo có nhiều cây khô.
Một sáng kia, chàng ngủ dậy thấy cơ thể mình ngứa ngáy, nhìn xuống đôi tay thấy da nổi lên lớp vẫy đều đặn, chàng hoảng hốt cởi quần áo thấy toàn thân đều thế, trừ hai lòng bàn tay, bàn chân và dương vật. Nỗi khiếp sợ làm chàng choáng váng, cố định thần chạy vào rừng đến bên dòng suối. Cuối xuống soi rọi, cố nhìn xem dung mạo mình đã biến đổi đến đâu. Dưới nước hiện ra một khuôn mặt có làn da xanh xám trông vô cùng quái dị. Vân Long chợt nhớ đến thanh tiểu đao liền lấy ra soi lại. Lớp vảy trên mặt và cổ rất mịn nhưng cũng đủ biến chàng thành một người xa lạ.
Chàng tuyệt vọng, cười lên điên dại, lấy tiểu đao cố cạo sạch lớp vảy trên tay tả. Ngờ đâu thần vật này chỉ trượt đi trên mặt da mà không thể làm tróc được miếng vẩt nào. Chàng giận dữ cứa mạnh nhưng da chỉ lõm vào mà không đứt.
Vân Long biết thần công hộ thể của mình đã tự phát bảo vệ toàn thân.
chàng định dồn chân khí trở lại đan điền rồi dùng đao tự sát. Nhưng hình ảnh người thân và gánh nặng của võ lâm khiến chàng chùn tay.
Chàng vung chưởng bổ vào những thân cây chung quanh cho đến khi kiệt sức. Ngâm mình dưới lòng suối lạnh, chàng bắt đầu tỉnh táo lại, quyết định đem tấm thân bất hoại và xấu xí này quét sạch bọn ác ma rồi sẽ bỏ vào núi sâu rừng thẳm và ẩn dật. Đã có chủ ý, lòng chàng thư thái hơn, lại tiếp tục luyện võ.
Chàng nhớ lại nửa chiêu mà Kiếm Ma đã truyền dạy, cố tìm cách bổ xung cho trọn vẹn. Chàng cũng thử so sánh với nửa chiêu cuối cùng của Thái Cực Tuệ Kiếm, nhưng không hề ra manh mối.
Một đêm nọ, trời đổ mưa như thác, chàng công ro nằm trong lều da rắn, nước mưa tạt vào ướt sũng. Nhớ là tấm da giao long rất dài, dựng lều, trải nền vẫn còn dư một khúc, cuốn lại nằm sát chân lều. Cầm lấy tiểu đao, chàng lăn sang phía ấy rọc đứt phần dư, đem ra che kín cửa, làm xong, chàng khoan khoái nằm xuống. Tiếng mưa đập vào cửa lều bộp bộp làm giấc ngủ chập chờn, không chịu đến. Chàng mơ màng suy nghĩ về nửa chiêu kiếm, nhưng tiếng mưa lại gợi nhớ đến hình ảnh tấm da rắn che cửa lều. Bỗng nhiên, chàng cảm giác rằng mình đã thức ngộ được một điều gì ở đó? Kiếm chiêu và da rắn. Chàng cứ lẩm bẩm lập đi lập lại và cuối cùng bật dậy, phá lên cười sung sướng. Chàng đã tìm ra cách ráp nối hai nửa chiêu kiếm kia.
Không chần chờ, Vân Long xách hắc kiếm chui ra khỏi lều. Dưới cơn mưa tầm tả, chàng kết hợp hai bán chiêu thành một chiêu duy nhất.
Chính mảnh da rắn đã gợi cho chàng ý tưởng rằng hai bán chiêu kia đều có đoạn thừa. Có lẽ bậc tiền nhân ngày xưa cũng đã khổ công bổ khuyết, nhưng chỉ thêm được vài thế thức rồi truyền lại cho hậu thế. Cho nên nếu cứ ôm khư khư giữ lấy toàn vẹn các thế thức đã học thì không cách nào khớp với nhau được.
Đến gầnn sáng, cơn mưa tạnh hẳn thì chàng đã hoàn tất công việc, kiếm chiêu vốn không có tên, cảm khái vì thân phận của mình, chàng đặt cho nó cái tên là Vô Sở Nhi Quy. Bản thân chàng không chốn mà về thì địch thủ gặp chiêu này cũng chẳng có cách nào nhìn thấy cố hương. Uy Lực của nó hơn hẳn Vô Cực Tam Kiếm.
Vân Long tin tưởng vào sức chịu đựng của mình nên quyết định vượt biển. Hơn tháng qua không hề có bóng thuyền bè qua lại, có lẽ do vị trí hòn đảo này không nằm trên hải trình qua lại.
Chàng Độc Cô Thiên lại kích thước da giao long rồi vào rừng chặt cây, đóng thuyền. Nhờ thanh hắc kiếm sắc bén vô song nên sau mười ngày chàng đã làm xong một khung thuyền, tấm da quái xà rất bền chắc và không thấm nước được bọc quanh khung, còn dư để làm một cánh buồm và mái che mưa nắng.
Chàng dùng tấm da cửa lều túm lại, đựng được một lượng nước ngọt độ sáu mươi cân. Thịt rắn phơi khô cũng còn đủ ăn cả tháng. Hơn nữa, chàng có thể bắt cá dưới biển để ăn thêm. Với công lực hiện tại thì không có con cá nào trong vòng bốn trượng có thể thoát được. Một sợi dây da rắn cột vào chuôi tiểu đao còn lợi hại hơn loại cần câu tốt nhất.
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ, chàng cầm chèo cho thuyền ra khơi. Bây giờ đã là mùa đông, ngọn Bắc phong lạnh như cắt da làm căng cánh buồm tự chế, Ngày nhìn mặt trời, đêm ngắm Bắc đẩu, chàng chậm chạp tiến về hướng Tây, Có lúc biển lặng im không một chút gió, chàng phải dùng mái chèo đưa thuyền đi.
Đã tám lần hoàng hôn mà vẫn không gặp ai, chàng không khỏi thất vọng nhưng vẫn phải cắn răng chèo tiếp. Hai ngày sau, Vân Long thấy cuối chân trời thấp thoáng một cánh buồm. Chàng vui mừng khôn xiết, vận toàn lực chèo về hướng ấy. Lớp da giao long trơm láng và mềm mại nên lướt nhanh như gió. Thời gian chầm chậm trôi qua, chàng đã đuổi kịp chiếc thương thuyền. Ngươi trên thuyền lớn đã thấy nên hạ buồm chậm lại. Khi còn cách vài trượng, chàng xách kiếm rú lên một tiếng thánh thót rồi tung mình lên như cánh chim hạ xuống. Bọn thuyền phu thấy chàng mặt mũi quái dị, y phục tả tơi, râu tóc bù xù, sợ khiếp vía kêu cha gọi mẹ, chạy ngược vào trong, đóng cửa khoang lại.
Vân Long lắc đầu, nở một nụ cười chua chát rồi cao giọng bảo:
- Xin chư vị đừng sợ hãi, tại hạ cũng là người Trung thổ. Vì thưở nhỏ mắc quái tật nên dung mạo xấu xí, kỳ dị chứ không phải là kẻ ác. Mong chư vị vì đức hiếu sinh mà cứu giúp.
Bọn người trong khoang nghe lời nói lễ độ, ôn nhu nên bớt sợ. Một đại hán râu rồng, thân hình vạm vỡ mở cửa bước ra. Gã chăm chú quan sát rồi hỏi:
- Chẳng hay các hạ là ai mà lạc lõng giữa biển khơi như vậy?
Chàng vòng tay thi lễ rồi đáp:
- Tại hạ họ Sở tên Vô Quy. Vốn là người Hán. Năm mười tuổi mắc bệnh, hình hài thay đổi, song thân vì xấu hổ với xóm làng nên lên thuyền đưa tại hạ ẩn cười nơi một hòn đảo nhỏ, ngoài khơi Đông hải. Nay phụ mẫu không còn, tại hạ một mình trơ trọi nên gắng vượt biển trở về cố quận. Mong đại huynh thương tình giúp đỡ! Đại hán thấy chàng phong thái đường chính hiên ngang, đôi mắt trong sáng hiền hòa nên yên tâm. Gã vòng tay nói:
- Tại hạ là Phí Xuy Vân, chủ thuyền, chuyên nghề vận tải hàng hóa.
Thuyền này mới từ Cao Ly trở về, nơi đến là Giang Tô. Có lẽ khoảng bốn ngày nữa sẽ cặp bến. Mời các hạ vào trong tắm rửa, nghỉ ngơi rồi cùng tại hạ uống vài chén rượu.
Chàng cúi đầu cảm tạ rồi bước theo. Họ Phí thấy y phục chàng đã rách nát, gã vào phòng lấy riêng một bộ quần áo còn mới đưa ra:
- Xin kính tặng các hạ, gọi là chút duyên tương ngộ.
Chàng mỉm cười để lộ hàm răng trắng như ngọc, tương phản với khuông mặt xấu xa.
Bọn thuyền phu và khách thương sợ hãi, lấm lét liếc nhìn. chàng thản nhiên bước ra khoang trước ngồi xuống bàn ăn. Chỉ có Phí Xuy Vân và hai thủ hạ bồi tiếp.
Vân Long đã lâu không được uống rượu nên cao hứng rất nhiều. Họ Phí cũng là tay hảo tửu, phấn khởi cùng chàng đối ẩm. Thoáng đã hết vò rượu mười cân. Gã đưa ngón tay cái lên khen ngợi:
- Tửu lượng của các hạ ta xin bái phục.
Chàng lỡ nhận mình lưu lạc từ nhỏ chưa về Trung Nguyên nên không đề cập đến chuyện giang hồ. Thủ hạ họ Phí xin phép cao lui, chỉ còn lại hai người nhâm nhi, đàm đạo. Phí Xuy Vân đã ngà ngà, bắt đầu xưng huynh gọi đệ, chẳng còn khách sáo nữa.
- Sở đệ đeo kiếm, nhưng không biết kiếm thuật của ngươi tới đâu?
Chàng khiêm tốn đáp:
- Tiểu đệ học kiếm chưa được bao lâu, muốn nhân cơ hội này tìm một danh sư để thụ giáo.
Họ Phí thở dài, lắc đầu:
- Cao thủ Trung Nguyên nhiều như lá trong rừng, nhưng người đáng gọi là đệ nhất kiếm sĩ đã không còn nữa.
Chàng thắc mắc hỏi thì gã bùi ngùi nói:
- Người ta muốn nói đến chính là Tiêu Long Vân thiếu hiệp, hậu nnn của Bích Nhãn Thần Quân. Tiêu công tử kiếm thuật thông thần, tài trí vô song, một kiếm đã bại Ưng Ma, Ma Diện. Trước cửa chùa Thiếu Lâm đuổi chạy Thiên Ma Yêu Lão. Nhưng trời xanh không có mắt, trước đây ba tháng, họ Tiêu đã bị thủy quái kéo xuống đáy biển Đông hải bặt tăm.
Sự tình này được dấu kín, cho đến hai tháng sau, phu nhân của Tiêu công tử là Miêu Ngọc Yến, thánh nữ đất Miêu Cương, nhờ Lữ Sa thông báo cho tất cả thuyền bè ven bờ Hoàng Hải rằng, ai tìm được chàng sẽ được thưởng một vạn lượng vàng. Thuyền nào ra khơi tìm kiếm, cũng được họ Lữ cung cấp lương thực, nước uống, nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy tung tích vị kỳ hiệp ấy.
Thiên Ma Yêu Lão đã tái xuất giang hồ, tuyên bố sẽ thiêu hủy tổng đàn Kiếm Môn và tấn công thất đại môn phái. Hiện nay, Thiên Ma Giáo đã mở phân đàn tại các tỉnh ven Đông Hải như Quảng Đông, Phúc Kiến, Chiết Giang, Giang Tô và hai tỉnh nội địa là An Huy, Giang Tây. Phái Hoa Sơn đã phải bỏ chạy về kết hợp với Kiếm Môn và Nga Mi.
Hơn tháng nữa, nếu không tìm được Tiêu công tử, hào kiệt toàn võ lâm sẽ tập trung tại tổng đàn Kiếm Môn để làm lễ truy điệu chàng theo nghi l dành cho minh chủ võ lâm vào ngày rằm tháng hai tới.
Xuy Vân kể xong, uống cạn chung rồi bảo:
- Vài hôm nữa vào bờ, mời Sở đệ đến tệ xá. Ta sẽ nhờ đại tẩu mua thêm y phục cho ngươi.
Chàng cảm kích định vòng tay nói lời đa tạ thì họ Phí khoát tay nói:
- Sở đệ chớ để tâm chuyện ân nghĩa làm gì. Đạo nghĩa giang hồ, giúp nhau lúc hoạn nạn là thường. Ta lang bạt hai mươi năm, đến tuổi tứ tuần mới yên phận với nghề chở thuê, đã từng tiếp xúc với đủ nọi hạng người nên không thể xét lầm. Tuy ngươi hình dung cổ quái nhưng khí độ đường chính, trung hậu khiến ta yêu mến.
Vân Long thấy gã là một tay hảo hán, khoáng đại, trượng nghĩa, chàng tự nhủ sau này sẽ tìm cách báo đáp.
Bốn ngày sau, thuyền cập bến Giang Tô lúc xế chiều. Phí Xuy Vân giao thuyền và việc chuyển hàng hóa cho thủ hạ rồi dẫn chàng về nhà. Để tránh làm mọi người hoảng sợ, chàng chụp lên đầu chiếc nón rộng vành của một thủy thủ. Thê tử và gia nhân của họ Phí lúc đầu vô cùng kinh khiếp nhưng cũng quen dần.
Phí phu nhân là một người khéo tay, bà dùng da mỏng khâu cho chàng một đôi bao tay dài đến khuỷu, lại mua thêm mấy bộ võ phục và áo lông cừu. Xuy Vân cũng nhờ thợ giỏi làm vỏ cho thanh hắc kiếm.
Chàng thấy họ Phí chẳng phải là người giàu sang, dư dả nên lòng áy náy vô cùng. Bỗng nhớ tới những viên ngọc nạm trên vỏ tiểu đao, chàng mừng rỡ lấy ra xem. Bảy viên lam ngọc này có lẽ cũng bán được nhiều tiền. Chàng nhẹ nhàng dùng mũi đao nậy chúng ra, đem đưa cho Phí Xuy Vân:
- Phí huynh! Nhờ huynh bán giùm tiểu đệ số ngọc này. Đây là tài sản duy nhất mà song thân để lại.
Họ Phí lập tức lên ngựa vào thành Tô Châu, nửa buổi sau trở lại, gương mặt hớn hở. Gã trao cho chàng một xấp ngân phiếu, tươi cười bảo:
- Không ngờ mấy viên lam ngọc này lại có giá như vậy. Ta đem đến Đào Ký tiền trang gặp lão Vương Tiểu Duệ, vốn là chỗ quen biết. Họ Vương xem kỹ rồi trả bảy ngàn lượng. Ta biết tính lão không bao giờ nói hai lời nên đồng ý ngay, Sở đệ thấy thế nào?
Chàng tỏ vẻ hoan hỉ:
- Đệ cũng chẳng biết là chúng lại có giá trị đến thế.
Vân Long hiểu họ Phí là người khẳng khái, nếu chàng đưa bạc, chắc chắn gã sẽ không lấy mà còn phẩn nộ nữa. Chàng thản nhiên bỏ xấp ngân phiếu vào túi.
Sáng sớm hôm sau, chàng viết một phong thư để lại cùng với bốn ngàn lượng ngân phiếu, thu xếp hành trang, lẳng lặng lên đường bằng con ngựa của Xuy Vân.
Chỉ còn vài ngày nữa là đến tết Nguyên tiêu, chàng chạnh lòng nhớ đến song thân và bốn người vợ trẻ đang tựa cửa ngóng chờ. Nhưng Vân Long biết đâu Ngọc Yến phần vì quá nhớ thương trượng phu, phần vì nghĩ rằng chàng thất tung là do sự sơ xuất của mình nên đã dặn dò ba nàng kia ở lại phụng dưỡng cha mẹ chồng, rồi mang mặt nạ Miêu Hoa Diện, cỡi Phong nhi đi khắp chốn tìm chồng.
Linh Xà Miêu Quân xem thiên văn thấy tướng tinh chưa tắt, biết chàng còn sống, lão bấm độn rồi bảo Ngọc Yến không cần ra Đông Hải nữa, vì chàng đã vào trung thổ. Do đó, nàng chỉ quanh quẩn ở mấy tỉnh bên trong.
Nam Cung Sương cũng là người tinh thông dịch số, nên đoan chắc với Thần Tài là chàng chỉ bị tai kiếp một thời gian rồi sẽ bình yên. Nhờ vậy, Phi Vân cũng bớt u sầu, lo lắng.
Vô Cực Tẩu và Miêu Quân về ở tổng đà Cái Bang tại Lạc Dương để chờ tin tức Vân Long và động tịnh của Thiên Ma Giáo. Nừu chàng không xuất hiện kịp thời, hai lão thần tiên đành muối mặt mà ra tay diệt trừ Yêu Lão.
Hạ Khánh Dương dù đã được hai lão tiền bối trấn an, nhưng không vơi được nhớ thương nên mặt mày ủ dột, các trưởng lão cũng vậy.
Độc Cô Thiên và anh em họ Tả lại càng thê thảm hơn, ăn ít uống nhiều, gương mặt lúc nào cũng nặng nề như đưa đám. Vô Cực Tẩu bèn bắt chúng phái về Nam Nga Mi sơn để cùng Kiếm Ma củng cố lực lượng.

<< Hồi 14 | Hồi 16 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 535

Return to top