Nhờ có lương thực ngựa xe, Từ Sinh đem đoàn quân về căn cứ mới ở giữa khu rừng Ác Lâm kín đáo trong Châu Trà Long gần Lam Giang để mưu đồ đánh chiếm thành Trà Long.
Rừng Ác Lâm là một khu rừng vô cùng hiểm trở, nổi tiếng là nguy hiểm, ma thiêng nước độc. Khu rừng to lớn không biết bao nhiêu, có núi đèo vây bọc , có đường truông nhỏ thông thương xuống Lam thôn.
Ðoàn nghĩa quân đóng trong khu rừng Ác Lâm thì quân giặc dù có muôn ngàn tai mắt cũng không sao thấu nổi vì đoàn nghĩa quân xuất hiện khéo léo mà lại được dân chúng quanh vùng ngầm giúp đỡ.
Trước ngày kéo quân về vùng nầy, Từ Sinh đã được Nguyễn Ðạt lo chuyên chở lương thực khí giới vào dự trữ nên ngày nay đoàn nghĩa quân sống không lo đói, họ yên lòng phá rùng lấy đất trồng trọt và luyện tập gươm đao, kiếm kích, trận thế để chờ ngày xua quân thù ra khỏi non sông.
Từ Sinh hôm nay một mình đi xem những đường truông trong rừng để xem lính canh có cẩn mật không?.Chàng vui vẻ nên đi quá xa vùng mình cũng không hay, đến lúc nhớ đến về thì trời gần sụp tối mà ngựa đã mệt nhừ.
Từ Sinh đến suối cho ngựa uống nước thì từ đâu một mũi tên bay vụt đến xuyên qua chiếc khăn vũ sinh của chàng.
Giật mình kinh sợ, Từ sinh tuốt gươm ra.
Chàng vung gươm loang loáng bảo vệ mình và ngựa, đôi mắt sáng rực lên nhìn tứ phía để tìm kẻ thù nhưng bốn phía một màn lá rừng xanh xám, tuyệt nhiên không một bóng người thấp thoáng.
Từ Sinh dừng tay gươm chàng tin dù kẻ địch có dùng cung tên thì mình cũng tránh được vì đã để ý đề phòng.
Con ngựa uống nước xong, nó ngẩng đầu lên hí một tiếng dài và đưa mỏ về phía một mô đá hai lỗ mũi nở ra như đánh hơi và hí lên một tiếng nữa, dậm chân như mừng.
Từ Sinh hiểu ngay có một người cỡi ngựa núp sau mô đá nên con ngựa mình đánh hơi được giống của nó. Chàng một tay dắt cương ngựa, một tay cầm cương đi ngay lại phía đó nói to:
- Vị nào đó, hãy bước ra. Nếu không chớ trách tôi sao vô lễ.
Không nghe một ai trả lời, Từ Sinh lấy trên lưng ngựa một quả pháo, đánh đá lửa cho cháy bùi nhùi và châm ngòi rồi ném về phía mô đá.
Một tiếng nổ vang động rừng chiều mờ mịt làm con ngựa sau mô đá kinh hoảng vụt chạy ra khiến người giữ cương nó cũng phải chạy ra níu lại.
Thoáng thấy người ấy Từ Sinh mừng rỡ, trên đôi môi nghiêm khắc của chàng nở một nụ cười tha thứ , chàng bước đến cúi chào, rút mũi tên trên khăn xuống đưa trả người kia và nói:
- Kính chào cô nương Bạch Phượng. Xinh trao mũi tên nầy lại cô nương và xin người xá cho tội lỗ mãng.
Người kia chính là Bạch Phượng, người thiếu nữ giả trai bị quân giặc bắn bị thương, nhờ Từ Sinh cứu chữa săn sóc nàng đến lúc mạnh.
Nàng từ giả chàng để đi và đến ngày nay, nàng mới lại gặp chàng trong cảnh nầy.
Bạch phượng thẹn, nàng không lấy lại mũi tên chỉ vuốt tóc và cúi đầu chào chàng, ấp úng nói:
- Kính lạy ân huynh, tiểu muội mừng mà được gặp ân huynh ở đây? Xin ân huynh tha cho tội đùa nghịch của Tiểu muội.
Từ Sinh cầm mũi tên xem, chàng thấy chữ Bạch viết trên chuôi mũi tên rất đẹp nên cho vào túi tên và nhìn Bạch Phượng rồi hỏi:
- Tiểu thư đi đâu mà lặn lội trong rừng già thế nầy? Có lẽ tiểu thư còn có người hộ vệ.
- Không ân huynh ạ! Em chỉ đi một mình.
Từ Sinh buột miệng khen:
- Cô nương quả là một trang nữ hào kiệt, tài sức can đảm còn hơn bọn tu mi.
Bạch Phượng hổ thẹn nói:
- Ân huynh chớ khen em làm gì. Không nhờ ân huynh em đã chết từ lâu.
Từ Sinh mỉm cười và bảo nàng:
- Chớ nói đến ơn nghĩa lâm chi. Tôi làm dân phải giúp những chiến sĩ cứu nước đấy là bổn phận. Ngày nay vô tình gặp nhau đây thật vạn hạnh.
Bạch Phượng nhìn trời và nói:
- Trời tối rồi. Ta không thể đi đâu được nữa rồi. Ðêm nay có lẽ phải ngủ bên bờ suối nầy.
Từ Sinh cũng nhận thấy lời nàng là đúng. Bây giờ chàng về căn cứ cũng là một sự nguy hiểm và lại đưa Bạch Phượng về đó không phải là ý chàng.
Chàng không muốn bộc lộ bí mật nên gật đầu nói:
- Tôi bị lạc trong rừng chưa tìm lối ra. Gặp tiểu thư à may mắn, ngày mai tiểu thư sẽ chỉ tôi lối ra.
Bạch Phượng.chỉ cười chím cười mà không nói chi cả. Côn Từ Sinh thấy bóng tối xuống rất mau nên lật đật quơ một mớ củi và nổi lửa lên để thú dữ sợ mà không dám đến.
Ngồi đối diện nhau bên đống lửa hồng, Từ Sinh nhìn Bạch Phượng và tự nhiên chàng lảng đi nơi khác. Bên đống lửa Bạch Phượng đẹp lạ lùng, vẻ đẹp của nàng có sức lôi cuốn lòng những chàng trai trẻ.
Tự nhiên Từ Sinh buồn vô hạn, chàng nhớ đến Lam Hà và nhủ thầm: Giá Lam Hà mạnh khoẻ, có chí khí quật cường như Bạch Phượng thì ta và nàng đã sống trong hạnh phúc lâu rồi. Chỉ vì nàng yếu đuối sợ sệt mà ngày nầy nàng còn nằm trong dinh giặc. Biết chừng đâu nàng đã hết yêu ta và có ngày nào đó nàng sẽ là vợ của một tướng giặc thì tình ta và nàng tan mất.
Chao ôi ! Lam Hà sao đành quên bao kỹ niệm mà nàng đã chung sống vui buồn khổ trong gia đình ta. Giá hôm nọ mà nàng theo ta đi thì ngày nay làm gì ta còn để lòng thương nhớ sầu khổ theo nàng.
Gương mặt của Từ Sinh lúc buồn nó có vẻ khắc khổ làm sao, khiến Bạch Phượng nao nao vì thương chàng. Nàng độ chừng chàng có việc gì không vui, có lẽ chàng đau khổ là khác.
Từ Sinh giận Lam Hà thì ít mà thương nàng thì nhiều, thương giận xáo trộn trong lòng chàng, nhưng cuối cùng tình thương lấn áp cả giận. Từ Sinh tha thứ cả cho Lam Hà, chàng chỉ mong sao có ngày nàng sẽ tìm cách lẻn trốn về với chàng và lúc ấy chàng sẽ nói thật lòng yêu của mình đối với nàng, chứ không im lặng như trước nữa để nàng tự thấy từ phút ấy nàng là vợ chàng mà phải sống, phải xử thế giống như chàng.
Hình bóng cô thôn nữ xinh đẹp hiền lành, chiều chiều ngồi bên dòng Lam Giang, in hình trong đáy nước như sống mạnh trong hồn chàng, khiến Từ Sinh càng nhớ mong khao khát gặp mặt người yêu.
Chàng mong có dịp nào là đến phá tan dinh Hoàng Thành để cướp đoạt người yêu ra khỏi đấy và để người yêu chàng tin ở sức mạnh của dân Nam mà không còn sống dựa quân giặc cho qua ngày.
Từ Sinh không bao giờ nghi ngờ Lam Hà có thể phản bội dân mà theo giặc chẳng qua nàng mất cả tinh thần nên chỉ nghĩ đến yên thân trong một lúc mà thôi. Tội nghiệp nàng đã bị giặc làm tan mất tinh thần, mà cũng tại ta làm trai không đủ sức làm cho người yêu thấy rõ tài sức hơn giặc để cứu vững tinh thần nàng. Từ Sinh buồn, chàng càng thương yêu Lam Hà bao nhiêu thì càng nhớ mong nàng bấy nhiêu.
Bạch Phượng bỏ vào đống lửa mấy gốc củi to và cất giọng vui vẻ:
- Ân huynh không vui mừng ngày gặp tiểu muội sao?
Từ Sinh như chợt tỉnh cơn mê, chàng cười và nói:
- Sao lại không vui mừng. Cô nương ngày nay trông mạnh khoẻ và hơn xưa nhiều.
- Em hơn xưa à? Hơn gì đấy hở ân huynh?
Từ Sinh cười và đáp:
- Tài trí cô đều hơn xưa nhiều.
Bạch Phượng nhìn chàng và hỏi làm chàng bối rối:
- Tại sao ân huynh không gọi em là em. Hay là Bạch Phượng không đáng là em anh chăng?
Từ Sinh nói ngay:
- Tôi là một kẻ cày cuốc không đáng địa vị cao trọng đó. Xin tiểu thư chớ nói thế.
Bạch Phương ngắt lời chàng:
- Chúng ta đều là người ra giúp nước. Ai cũng như nhau, anh nói chi đến điều ấy . Vả lại ân huynh nào biết tiểu muội là người chi đâu. Dù sao em cũng đinh ninh em là em của anh từ lâu rồi.
Tư Sinh không nói gì, chàng bỏ thêm củi vài lửa và bảo Bạch Phượng:
- Cô ngủ đi. Tôi canh chừng thú dữ.
Bạch Phượng cười và nói:
- Thú dữ nào dám đến đống lửa cháy thế nầy.
- Ở đây có nhiều hổ lắm, không thể khinh thường được.
Vừa lúc đó tiếng hổ gầm vang động cả khu rừng, một cơn giờ từ đâu lùa hơi lạnh tràn khắp nơi, lá rừng xào xạc đầy vẻ bí mật âm u như dọa kẻ lạc loài trong rừng vắng.
Bạch Phượng nhìn Từ Sinh, nàng nói:
- Hổ tuy đáng sợ, nhưng không qua trí khôn của người. Có đống lửa thế nầy chúng không bao giờ bén mảng tới. Bây giờ ân huynh nói chuyện từ ngày xa cách em cho em nghe với.
Từ Sinh không muốn Bạch Phượng biết mình làm gì, chàng đáp:
- Phần tôi nào có gì đáng kể đâu. Không tiền đóng thuế cho giặc tôi phải bị tù đày và may mà trốn khỏi núp trong rừng để lần về nhà.
Bạch Phượng nhìn chàng và nói:
- Anh nói thật chứ?
Từ Sinh cười mà không nói gì cả làm Bạch Phượng khó chịu bảo chứng:
- Anh khó tánh mà không tin ai cả. Ðến em mà anh cũng nghi ngờ nên không nói thật.
Từ Sinh thản nhiên nói:
- Biết nói sao cho vừa lòng cô? Tôi nói thế là sự thật đó.
Bạch Phượng mỉm cười nhìn chàng và hỏi:
- Nghĩa là ngay bây giờ ân huynh đi mênh mông bốn bể là nhà?
- Ðúng vậy.
- Ân huynh có định tìm một nơi nào yên thân hay định tìm tướng Trần Nhuế chăng?
- Tôi chưa định.
Bạch Phượng thành thật bảo chàng:
- Nếu vậy tiểu muội mong ân huynh theo lời nầy.
Từ Sinh đáp ngay.
- Nếu lời phải tôi xin theo.
- Em hiện đang định đến Lam Giang để liên lạc với tất cả những tổ chức nhân dân chống giặc. Ân huynh nên nhập với tiểu muội, giúp tiểu muội còn hơn.
Từ Sinh thấy nàng thật lòng, chàng thầm mến người thiếu nữ can trường, nhưng thử nói:
- Việc ấy khó khăn tôi đương không nổi rồi. Thân làm một thợ săn sống qua ngày, quên danh lợi mà yên thân hơn.
Nghe giọng ấy, Bạch Phượng ngạc nhiên nhìn Từ Sinh và nhủ thầm: Lạ quá, Từ Sinh hôm nào oai dũng hiên ngang, thà chết chứ không khuất phục kẻ thù, sao nay lại nói giọng ông cụ tám mươi như vậy. Hay chàng chán nản khi bị tù đày chăng? Thật lạ lùng, có lẽ chàng giấu ta việc gì đây?
Nghĩ vậy, Bạch Phượng cười và nói:
- Ân huynh tóc chưa bạc, lòng chưa mềm cớ sao nói giọng cụ chín mươi vậy . Anh quên ta đang sống trong thời loạn sao?
- Tôi không còn ham danh vọng chi cả cô ạ. Yên thân ngày nào hay ngày ấy .
- Việc ta làm đâu phải vi ham danh vọng. Còn ân huynh muốn yên thân mà không tranh đấu thì sao yên được kìa. Ân huynh nói đùa sao chứ?
Từ Sinh làm như ngao ngán nói:
- Tôi xem.sự đời như không dính dáng chi với cả. Từ nay tôi sẽ làm một anh thợ săn sống mãi nơi rừng nầy.
Bạch Phượng cười và nói:
- Ân huynh chắc không muốn cùng tiểu muội bàn đại sự vì không tin nên mới nói vậy, ân huynh không xem tiểu muội là tri kỷ sao?
- Chúng ta khác nhau xa tiểu thư à!
Bạch Phượng không ưa giọng nói của Từ Sinh, nàng kéo chàng về mặt tình cảm.
- Ngày xưa chính anh đã cứu em, đã săn sóc cho em được sống, đã giết giặc tham tàn cứu em.
Tự nhiên Từ Sinh thẹn, chàng quay nhín nơi khác khi nghĩ đến lúc mình đụng chạm đến thân hình Bạch Phượng để băng bó vết thương nàng, chàng nhớ đến những giờ phút chàng và nàng sống bên nhau bàn chuyện diệt thù .
Có những đêm buồn mưa gió, chàng và Bạch Phượng nằm trên gian chòi nhỏ hẹp, nghe tiếng mưa rơi để lòng buồn tê tái nỗi hờn vong quốc. Giá không gặp Lam Hà từ thuở trước có lẽ chàng đã yêu Bạch Phượng rồi. Ngày nay gặp trở lại nàng, chàng đành xem nàng như người lạ ư?
Bạch Phượng nhìn cây rừng run lá, nàng khẽ nói bằng giọng êm đềm:
- Em còn nhớ chúng ta sống bên nhau những đêm buồn mưa gió. Anh đã nói gì với em, chắc anh còn nhớ. Giặc còn bên ta, mà anh đã quên rồi sao?
Từ Sinh khen nàng biết khuyến khích chàng, nhưng chàng lạnh lùng nói:
- Ngày nay xa. Nó đã chết trong lòng tôi.
Bạch Phượng ngồi gần vào Từ Sinh và nói bằng giọng âu yếm:
- Ðừng buồn anh ạ? Chúng ta phải phấn đấu mà sống. Anh đừng làm em thất vọng vì anh.
Tự nhiên Từ Sinh thấy sợ giọng nói ấy, chàng có cảm tưởng như Bạch Phượng nói với chàng những lời yêu đương tha thiết.
Lúc bây giờ gương mặt nàng trở nên dịu dàng đôi mắt nàng hiền từ như anh ủi, giọng nói của nàng như vuốt ve lòng chàng.
Bạch Phượng quả là một cô gái khôn ngoan. Nếu ta là kẻ mất tinh thần thật thì có lẽ ta sẽ mạnh bạo trở lại nhờ nàng. Nhưng ta nào phải thế mà nàng an ủi ta.
Nghĩ vậy, Từ Sinh mỉm cười bảo nàng:
- Cô nói những việc cao xa mà tôi không thấy nổi. Xin cô ngủ đi để rồi ngày mai còn lên đường.
- Anh nhứt định không giúp em?
- Tôi giúp gì cho cô được? Tôi kém tài thấp trí.
Bạch Phượng buồn rầu nói:
- Lần đi nầy em ngỡ đến anh sẽ được anh giúp cho nhiều việc không ngờ em thất vọng quá. Bây giờ em còn nên đến nhờ chị Hương Lan và cô Lam Hà chăng?
Từ Sinh hờ hững nói:
- Chị tôi trôi nổi nơi nào, còn Lam Hà hiện còn trong tư dinh tướng Hoàng Thành.
Một ý nghĩ thoáng qua trong óc Bạch Phượng, nàng nói mau, đôi mắt nhìn thẳng vào mặt Từ Sinh:
- Em đem cô Lam Hà về cho anh.
Từ Sinh cười thầm, chàng biết Bạch Phượng tưởng lầm mình thất tình và thất chí nên vẫn lạnh lùng nói:
- Ðể cô ấy ở đấy mà yên thân được. Cô lo cho cô là hơn, còn lo chi việc ấy cho bận.
Bạch Phượng không nói nữa, nàng nằm xuống bên cạnh Từ Sinh và nói:
- Anh cũng nên ngủ cho khoẻ để ngày mai đi săn thịt rừng. Một mình và đi săn cũng là khó lắm đó.
Nàng nhắm mắt lại không nói gì nữa.
Từ Sinh nhìn nàng, chàng vẫn giữ vẻ mặt lạnh lùng tuy lòng chàng rất cai tình với người thiếu nữ đáng mến ấy.
Ánh lửa bập bùng cháy, thỉnh thoảng nổ khẽ một tiếng, nút những khói than hồng ra nhiều mảnh làm tan lớp tro bao ngoài.
Vài trận gió đôi lúc ào tới làm đống lửa vươn ngọn reo vui và dịu xuống, lúc lá cành đứng im.
Ngồi một lúc. khá lâu, Từ Sinh mỏi lưng, chàng cho thêm vào lửa vài khúc củi to và nằm nhẹ xuống để nghỉ lưng, nhưng vì mệt quá nên chàng dần dần thiếp đi.
Sương đêm lắng xuống bao phủ núi rừng, khắp đó đây tiếng côn trùng rả rích hòa với tiếng chim đêm, tiếng dã thú, tiếng mối đổ lá run làm thành một khúc nhạc buồn âm u, ru hồn hai kẻ lạc loài đi sâu vào cõi mộng.
Tiếng cú cầm canh thỉnh thoảng rúc lên. Sao lưỡi cày lên cao và hạ thấp xuống dần dần .
Bỗng nhiên Bạch Phượng rú lên làm Từ Sinh kinh sợ choàng ngay dậy và vớ lấy thanh gươm.
Nhưng không phải thú dữ làm hại nàng mà nàng mơ hoảng trong cơn mê ngủ.
Từ Sinh vỗ nhẹ vào đất bên cạnh nàng để đánh thức nàng dậy, nhưng Bạch Phượng chờn vờn đôi tay và quờ quạng vào đống lửa. Từ Sinh giật mình chụp lấy tay nàng làm nàng thức giấc, ngồi ngay dậy và khi biết mình mơ hoảng nàng thẹn thùng nói:
- Tánh em nhát sợ lúc ngủ nơi rừng sâu. Cám ơn ân huynh.
Từ Sinh không đáp, chàng nhìn sao tên trời và khẽ nói:
- Bây giờ có lẽ đầu giờ Dần. Chúng ta nên nghĩ .
Bạch Phượng nằm trở lại. Từ Sinh cũng nằm chổ cũ nhưng từ đây cả hai không còn ngủ được nữa.
Bạch Phượng nằm im một lúc, nàng hỏi:
- Ân huynh không hỏi gì đến tiểu muội sao?
Từ Sinh không lẽ làm thinh, chàng đáp:
- Tánh tôi không tò mò, vả lại hỏi đến quân cơ đại sự của cô không nên.
Bạch Phượng cười và nói:
- Anh thật khéo quá. Anh là người tốt mà quá dè dặt, có lúc hỏng sự chớ chẳng không?
Từ Sinh không nói gì cả, chàng lặng im, nhưng Bạch Phượng lại hỏi:
- Nầy anh, anh nhứt định không giúp em à?
- Tôi giúp cô việc gì được trong khi tôi kém quá. theo cô chỉ làm bận chân cô mà thôi.
Bạch Phượng cười và hỏi:
- Lưỡi gươm của tướng Trần Nhuế giao cho anh chắc anh còn giữ chớ.
- Có giữ cũng chẳng làm gì?
- Thế mà tôi tưởng anh mang nó ra để cứu quốc chứ? Lưỡi gươm ấy thật tốt, quả là một lưỡi gươm quý nhất thời bây giờ.
Cô nói quá chăng? Hay cô muốn dùng , tôi xin giao nó lại cho cô.
Bạch Phượng nói ngay:
- Tôi không đủ tài đức giữ lưỡi gươm ấy. Vả lại người giao nó cho anh không muốn để lọt vào tay kẻ nào khác.
Từ đấy Bạch Phượng cứ hạch hỏi từ Sinh đủ mọi việc, hết chuyện nầy đến chuyện nọ làm Từ Sinh phải giữ gìn ý tứ trong những câu đáp, chàng sợ bại lộ sự bí mật của mình.
Hai người hỏi chuyện nhau cho đến lúc gà rừng gáy sáng, Từ Sinh ngồi dậy và đốt thêm lửa rồi nói:
- Lật bật mà sáng rồi.
Bạch Phượng ngồi dậy, nàng lấy nước trong quả bầu khô rửa mặt và nhìn quanh.
Rừng vẫn một màu âm u đen tối, sương giăng màn khắp nơi mù mịt cả.
Hai con ngựa đứng sát bên nhau, dựa đầu vào nhau có vẻ thân yêu, tự nhiên Bạch Phượng thẹn đỏ mặt, nàng nhìn lảng đi và nói bâng quơ:
- Lại một đêm qua. Năm giảm đi một ngày.
Từ Sinh cười thầm, chàng thấy Bạch Phượng là một nữ tướng giỏi nhưng nàng có lúc mơ mộng hơn cả Lam Hà, bản tính đàn bà có lẽ như vậy cả.
Chàng cảm thấy giữa mình và Bạch Phượng có vẻ thân nhau lắm, những sự vô tình đã run rủi cho hai người gần nhau trong cảnh buồn vui khổ cực nên làm lòng mình và nàng hiểu nhau hơn người khác.
Tự nhiên Từ Sinh có ý nghĩ Bạch Phượng sẽ giúp mình, nàng luôn luôn sống trong đoàn nghĩa quân để giúp bao kẻ khác. Chàng độ chừng có lẽ chữ nghĩa nàng hơn mình nhiều lắm, nàng không thua Lam Hà mà có lẽ hơn là khác, nhưng ý nghĩ ấy tan ngay khi Từ Sinh nhớ đến nàng đã ở trong một tổ chức nào khác rồi. Nàng cũng có bổn phận rồi, chàng còn nghĩ chi đến sự nhờ nàng giúp đoàn quân mình.
Bỗng Bạch Phượng ngồi gần vào chàng và hỏi:
- Anh có hiểu việc ở Châu Trà Long nầy chăng?
Từ Sinh cười và đáp:
- Tôi sống trong rừng nào thông việc xảy ra ngoài dân thôn được.
Bạch Phượng nhìn vào mặt Từ Sinh để dò xét, một lúc lâu nàng nói:
- Thế ra anh đã ở trong một tổ chức nào rồi à? Anh sợ lộ bí mật với cả tôi nữa sao? anh không xem tôi là tri kỷ à?
Nàng không thấy Từ Sinh đáp ngay nên tiếp :
- Tốt lắm, có ngày anh sẽ tiếc vì việc anh làm. Anh nên biết tướng Trần Nhuế và các tướng trong Châu Trà Long nầy không phải là những người có thể làm được việc lớn. Bất quá họ chỉ làm được người anh hùng nghĩa sĩ, hành động được việc kẻ anh hùng, nhưng cứu dân ra khỏi vòng nước lửa lập nên công trạng to lớn để muôn đời, đem vinh quang về cho đất nước thì họ
không làm nổi đâu.
Từ Sinh ngạc nhiên khi nghe nàng nói thế, chàng tuy chạm lòng tự ái vì mình tuy đứng đơn độc một mình, nhưng cũng có dinh dáng đến tướng Trần Nhuế ở Hoàng Giang, được vị võ sư của ông ta truyền dạy võ nghệ và phép dùng quân. Tuy vậy chàng không tỏ vẻ giận hờn mà chỉ hỏi:
- Nếu vậy theo cô, ai là người có thể cứu dân ra nước lửa, đem vinh quang cho dân tộc, lập công lớn để tiếng muôn đời?
Bạch Phượng cười và đáp :
- Ðấy mới là chuyện đại sự không thể bàn được cho rõ ràng, nhưng anh nên biết người anh hùng đó rất có tài vương bá, được lòng dân suốt một vùng Tây Ðô, có lực lượng mạnh hơn các tổ chức khác.
Từ Sinh thản nhiên nói:
- Vị anh hùng đó là Lê Lợi. Tôi nghe danh ông ta đã từ lâu, gần đây nghe đâu quân thế của ông nổi dậy nhưng nghe dường như giặc mời ông ta ra làm quan to .
Bạch Phượng cười và đáp:
- Người anh hùng nghĩa sĩ có khi nào lại chịu theo giặc sao. Người thường nói: "Làm trai sinh ở trên đời, nên giúp nạn lớn lập công to, để tiếng thơm muôn đời, chứ sao lại chịu bo bo làm đầy tớ người ? "
- theo cô, người anh hùng ấy mới có thể làm nên việc lớn à?
- Ngoài ông ra còn ai hơn nữa. Ân huynh nên biết chính ông ta chiêu tập anh hùng lưu vong trong thiên hạ từ năm Giáp Ngọ đến nay đã bốn năm rồi. Quân sĩ theo rất nhiều, quân lương cũng không thiếu, lại được địa thế rừng rậm núi cao che chở làm chổ ẩn núp tập luyện. Thử hỏi còn vị anh hùng nào trong nước ta hiện giờ hơn nữa được.
Từ Sinh nhìn Bạch Phượng và hỏi:
- Chính cô là người của vị anh hùng ấy chăng?
- Trong nước ta, ai là kẻ thức thời đều theo về nơi vị anh hùng đất Lam Sơn cả . Rồi đây các tướng ở Châu Trà Long nầy cũng sẽ theo ngài.
Từ Sinh không tỏ vẻ gì cả, chàng nói:
- Tôi cũng mong các vị anh hùng hợp lại đánh đuổi giặc để dân được yên ổn về nhà cày cấy làm ăn. Ruộng nương của tôi lâu nay phải bỏ hoang, đáng buồn thật.
- Như vậy anh nên theo giúp tôi một tay để cho chóng xong việc lớn rồi về cày ruộng.
Từ Sinh chưa kịp đáp thì chàng nghe có tiếng vó ngựa dồn dập từ xa vẳng lại.
Bạch phượng lật đật cùng chàng rời khỏi đóng lửa chạy núp vào mô đá gần đấy.
Bạch Phượng nói:
- Giặc đời nào đi vào rừng này được. Có lẽ người trong tổ chức chống giặc đi canh rừng đấy.
- Sao cô biết?
- Chứ ngoài họ ra giặc làm gì vào được đến chổ nguy hiểm nầy kìa? Anh có vui lòng theo tôi để sớm về cày ruộng chứ.
Từ Sinh cười và nói:
- Cô nên lo chuyện ta đang trốn là hơn.
Bây giờ Từ Sinh hiểu ngay người ngựa đó chính lính mình đi tìm mình, chàng muốn không lộ bí mật với Bạch Phượng nên nhìn về phía vó ngựa nhịp đều và nói:
- Chúng ta nên đi là hơn. Nhỡ giặc đến phiền lắm cô ạ! Ngày nay tôi không đủ sức cự với giặc đến một hiệp nữa.
Bạch Phượng nhìn chàng và cười nói:
- Anh không ngại. Em sẽ chống giặc cho. Dù sao em cũng quyết hạ chúng cho được.
Từ Sinh đã rõ tài võ dũng của nàng lúc nàng chiến đấu với bọn Hoàng Thành, trên đồi Bửu Minh, chàng e ngại nếu để lại mà mình không ra mặt thì quân của mình và nàng sẽ chiến đấu mà phần thắng về nàng rồi, chắc bị thương tổn tình thân ái.
Nghĩ vậy, chàng nói mau:
- Vó ngựa còn xa lắm. Chúng ta còn thừa thì giờ đi cô ạ! Tôi sẽ đưa cô đến Lam Thôn cho xong việc cô.
Bạch Phượng cười và nói:
- Ðược vậy còn chi hơn nữa.
Hai người lật đật lên ngựa và chạy nhanh vào đường truông chen trong sương mù dày đặt.
Từ Sinh thấy sương mù quá nhiều nên ngại sự nguy hiểm lúc đi đường nên nói :
- Cô đi chậm lại.
Hai người cỡi ngựa đi song nhau tay cầm giáo nhọn phòng sự nguy hiểm rất có thể xảy ra.
Chàng nhìn Bạch Phượng và bỗng hỏi:
- Cô làm sao mà thông thuộc tất cả đường lối trong rừng như vậy?
Có gì đâu. Em theo các bạn len lỏi đi lại luôn luôn nên thuộc lòng cả lối
Nàng ngừng giây lát rồi tiếp:
- Không người buộc lòng phải làm anh ạ? Em là gái yếu đuối đi một mình trong rừng sâu thật nhọc mệt mà sợ sệt làm sao?
Từ Sinh tự nhiên thương hại nàng, chàng muốn tìm cách giúp nàng nhưng chàng hiểu ra ngay câu nói vừa rồi là nàng có ý làm chuyển lòng chàng.
Từ Sinh thúc ngựa đi sát bên nàng và nói:
- Nghe đâu vùng Lam Thôn bây giờ lộn xộn lắm. Cô xuống đó phải khéo léo mới được. Bây giờ khác hơn xưa nhiều lắm. Quân giặc dữ như hùm bcó, hễ thấy đàn bà con gái là tìm đủ cách hãm hại.
Tự nhiên Từ Sinh đâm ra lo ngại cho Bạch Phượng, chàng thương nàng là gái mà không quản gian nan nguy khốn đi làm việc mà có kẻ nam nhi không dám làm.
Hai người đi một lúc khá lâu, cho đến khi mặt trời ửng lên, ngàn tia sáng chiếu lên không đánh tan cả màn sương giá lạnh thì họ mới dừng ngựa lại.
Từ Sinh nhìn quanh và nói:
- Ðường truông nầy có tiếng là nguy hiểm. Hổ báo có rất nhiều. Những kẽ tiều phu thường bị hại nơi truông nầy.
Bạch Phượng không nói gì, nàng đưa mắt nhìn ngàn vạn tia nắng lung linh khắp ngàn cây trong rưng, gương mặt trầm lặng như suy nghĩ đâu đâu.
Nhìn nàng Từ Sinh cảm thấy nàng đẹp, trong vẻ đẹp của nàng có vẻ gì oai nghiêm trong sạch đáng cho chàng kính mến.
Ðôi mắt nàng đen và sáng, ẩn vẻ cương quyết nhẫn nại làm sao, vầng trán nàng cao đầy vẻ thông minh, chỉ có đôi má nàng mịn màng hồng thắm có vẻ thơ ngây làm sau lòng bất cứ gã con trai nào.
Từ Sinh càng nhìn Bạch Phượng càng cảm thấy nàng hơn Lam Hà, ở nàng sức sống tươi lành sáng sủa như tràn ra làm tươi sáng đời chàng, gieo cho chàng sức tranh đấu mãnh liệt làm chàng vui tươi quên cả buồn khổ.
Lam Hà thì khác, ở nàng lúc nào cũng rũ, cái buồn của nàng như ăn sâu vào đồi Từ Sinh, như tràn ngập lòng chàng. Nó đưa đời chàng vào một trời thu lạnh lùng tê tái và hòa hợp với đời nàng.
Tình chàng yêu Lam Hà sâu sắc cũng là do đấy mà ra. Hai người càng yêu nhau chừng nào càng khổ vì nhau chừng ấy. Không không rõ tình yêu với nàng mà nàng cũng im lặng. Cả hai ngấm ngầm chịu gian khổ mà yêu thương nhau trong lúc đời cả hai chìm trong bóng tối, lặn hụp trong bể tang thương của lũ giặc tham tàn.
Càng yêu nàng , Từ Sinh càng thấy lúng túng trong sự căm hờn lũ giặc, chàng chỉ lo sao cho chàng và nàng được yên thân chứ không nghĩ nổi phải vùng lên giết giặc rồi cùng nàng sống vui ở ngày mai. Cũng may mà quân giặc đã xô đẩy chàng ra chống chúng, nếu không có lẽ chàng và Lam Hà cũng còn sống mãi nơi Lam Thôn, chịu cực khổ làm lụng ngày đêm để đủ đóng góp cho giặc mà được gần nhau dù trong cảnh sống tủi nhục đau lòng.
Từ Sinh buồn và tự nhiên ý nghĩ : Tại sao Lam Hà không được như Bạch Phượng. Giá nàng như Bạch Phượng đời chàng sung sướng biết bao. Nàng sẽ mang gươm lên ngựa, sống hiên ngang bên cạnh chàng, cùng với đoàn nghĩa quân xông pha trong những trận chiến đấu với quân thù. Sao Lam Hà chỉ có buồn khổ khóc than, chỉ có làm cho lòng ta tê tái vì nàng, mà không
có gan chung thủy cùng ta trên bước đường chiến đấu. Một ý nghĩ thoáng qua óc Từ Sinh làm chàng khó chịu: Lam Hà như thế có xứng đáng với ta chăng?
Lòng Từ Sinh buồn vô hạn, chàng không đành nghĩ đến điều ấy nữa, mà cũng không nỡ so sánh nàng với Bạch Phượng là một cô gái ngang tàng, chỉ biết chống lại kẻ thù mà không bao giờ để rơi một giọt lệ sầu vì tủi nhục hãi hùng.
Nỗi buồn mênh mang dâng ngập lòng Từ Sinh mà cảnh bình minh của ưng núi hùng vĩ không làm vơi đi được. Ngàn cây lấp lánh sáng khoe màu dưới nắng sớm lung linh, hương rừng thoáng thoảng trong giờ mai thắm đượm lòng kẻ mang gươm ra cứu quốc.
Bạch Phượng cất tiếng hát một khúc hùng ca. Giọng hát của nàng trong trẻo vang khắp rừng như khuyến khích lòng kẻ trượng phu, làm rừng núi như sáng lên bởi chí khí người không khuất phục.
Từ Sinh nhìn nàng, chàng cảm thấy tình yêu đất nước giống nòi của nàng như tràn lên gương mặt, tinh thần quật cường của nàng như thoát lên không theo gió ngàn trùm khắp lên giành sự sống.
Bạch Phượng nhìn chàng, đôi mắt nàng trở nên dịu dàng như muốn nói với chàng vạn lời tha thiết, gương mặt nàng đẹp hiền từ ẩn hiện bên trong sự tinh khiết oai nghiêm, đôi môi đỏ hồng tự nhiên của nàng như nở một nụ cười tươi thắm, khiến lòng chàng hướng về nàng như hoa quỳ hướng dương.
Bạch Phượng bỗng hỏi Từ Sinh:
- Ân huynh nghĩ gì mà có vẻ buồn thế?
Từ Sinh như chợt tỉnh giấc mê, chàng đáp:
- Nào có nghĩ gì đâu.
Bạch Phượng nhìn chàng như muốn dò xét được tư tưởng của chàng nông dân kín đáo. Nàng khẽ hỏi:
- Có lẽ ân huynh đang nghĩ đến ngày chúng ta cùng sống dưới mái chòi bên thửa ruộng?
Từ Sinh mỉm cười, chàng đáp:
- Ngày ấy qua rồi. Cũng may mà ta khỏi chết về tay lũ giặc.
- Ðấy không phải may mà nhờ ta cố sức phấn đấu với giặc để tranh sống, chỉ tiếc là anh không được hưởng mùa ruộng ấy.
Từ Sinh cười và nói:
- Bây giờ tôi thành thợ săn.
Bạch Phượng nhìn quanh một lúc, nàng nói:
- Ta lên đường anh nhỉ?
- Phải, ta lên đường là vừa. Ngựa cũng đã khoẻ rồi.
Hai người tiếp tục lên đường, đôi ngựa lại bước đi tiến qua những đường truông đầy gai góc. Cho đến trưa hôm ấy, Từ Sinh và Bạch Phượng đến một vùng rừng thưa cây. Bên cạnh đường truông là một ngọn suối chảy mạnh.
Từ Sinh dừng lại và bảo Bạch Phượng:
- Ta nên nghỉ nơi đây chờ tối đến sẽ vào Lam Thôn. Từ đây đến đó cũng chẳng xa xôi gì, đi vài giờ là đến rồi, cuối giờ thân chúng ta sẽ lên đường thì đến cuối giờ tuất ta sẽ đến Lam Thôn. Giờ ấy quân giặc đã không còn đi đâu trừ ra bọn canh gác xoàng thôi. cô lên đồi Bửu Minh, ở tạm chùa Bửu Minh để rồi sẽ tính chuyện khác tuỳ cô. Sư cụ Bửu Minh là một người rất tốt. Ngày xưa cô đã làm ngôi chùa Bửu Minh bị cháy một lần. Nay cô khéo hơn kẻo nó cháy nốt thì uổng một ngôi chùa cổ của ta.
Bạch Phượng vụt hỏi:
- Anh có đạo Phật không?
Từ Sinh lắc đầu đáp:
- Tôi không đạo nào cả. Chỉ có theo một đạo làm người mà chưa xong, còn hòng theo đạo nào.
Bạch Phượng cùng chàng xuống ngựa, cho ngựa uống nước còn Từ Sinh cắt cỏ cho ngựa ăn. Xong đâu đấy, hai người ngồi núp mát dưới bóng cây bên bờ suối. Gió lùa hơi nước mát thấm dịu lòng hai kẻ mệt nhọc trên đường xa, nhưng không thể xua đuổi được cái đói của họ.
Từ Sinh hỏi Bạch Phượng:
- Cô đói không?
Bạch Phượng gật đầu không đáp. Từ Sinh lại hỏi:
- Cô có đem theo lương thực?
- Ðã hết sạch từ chiều hôm qua.
- Nếu vậy thì ta nhịn đói sao nổi.
Bạch Phượng cười và nói:
- Anh nên trổ tài thợ săn ra. Ðây không thiếu gì hươu nai chim chóc.
Từ Sinh ngồi im một lúc, chàng nói:
- Ðây gần suối, bờ kia lại sầm uất là chổ hươu nai hay đến, nhưng mũi tên mà chạy luôn thì ta chẳng làm sao đuổi kịp , tìm quả gì ăn cho đỡ đói còn hơn.
Vừa lúc đó có một đàn gà rừng bay qua kêu quang quác khi thấy người. Chúng đáp xuống bờ suối cách chổ hai người không xa mấy.
Bạch Phượng tươi cười nói:
- Xin ân huynh ra tài thần tiễn.
- Tôi làm sao hơn được cô. Cô có gan bắn vào khăn tôi thì tài nghệ cô hơn tôi xa lắm.
Bạch Phượng lấy cung xuống khỏi vai và lấp tên vào rồi nói:
- Ân huynh và em cùng bắn. May được vài con ta có thể đỡ đói buổi nay.
Từ Sinh vâng lời nàng, chàng cầm cung lấp tên nhưng không bắn. Còn Bạch Phượng kéo vành cung và buông tên.
Chỉ một tiếng nghe tách, mũi tên bay vụt đi không trông kịp. Con gà rừng đứng trên mô đá quác lên mấy tiếng vì bị tên, nó ngã lăn xuống đất giẫy dụa làm cả đàn kinh sợ bay vụt lên.
Nhanh như chớp Từ Sinh buông tên khi đàn gà xòe cánh. Mũi tên chàng xuyên vào cánh con gà đầu đàn làm nó rơi xuống đất. Bạch Phượng nhìn chàng với đôi mắt ngạc nhiên, nàng khen:
- Ân huynh ngày nay hơn xưa. Thần tiễn thế không ai hơn được.
Từ Sinh cười và bảo nàng:
- Ðã làm nghề thợ săn thì bắn cung hay nào có gì lạ, có khác chi người thợ rèn đập búa giỏi. Quen tay rồi cô ạ?
Bạch Phượng lượm hai con gà bị tên đem về nhổ tên ra và vặt sạch lông.
Từ Sinh lấy củi rừng và nhóm lửa lên, nướng đôi gà trong khi Bạch Phượng lấy muối trong bao trên lưng ngựa đem đến.
Cả hai dùng bữa trưa giữa rừng thật ngon lành làm sao, dù món ăn chỉ có một món thịt gà rừng.
Xong bữa, Từ Sinh nhìn mặt trời và bảo Bạch Phượng:
- Cô nên nghỉ mệt để chiều lên đường cho khoẻ.
Bạch Phượng dựa lưng vào thân cây, nàng nhìn giòng suối trắng xóa đổ xuống và khẽ đáp lời chàng.
- Em không mệt.
Ngàn cây ngả mình trong gió xào xát cành lá dưới nắng trưa, chim chóc ca hót không ngừng mờ vẳng trong tiếng suối liên hồi nghe buồn thấm thía.
Ðôi mắt Bạch Phượng tự nhiên trầm lặng u buồn, nó có vẻ thẫn thờ mơ mộng, khiến Từ Sinh ngạc nhiên với sự thay đổi ấy, chàng nhủ thầm: - Bạch Phượng cũng có lúc mơ mộng như Lam Hà. Có lẽ nàng đang nhớ nhà, nhớ ngày xa vắng đã qua.
Ánh nắng qua khe lá chiếu những tia dài xuống những đám cỏ cao làm thành những hoa vàng nhạt úa lẫn lộn trong hoa dại lung linh, quyến rũ đàn bướm đangg chập chờn đôi cánh vờn hoa.
Thỉnh thoảng từ dưới cỏ một cánh chim nhỏ vụt bay lên làm đàn bướm hoảng sợ túa lên, nhưng rồi chúng lại đáp xuống những đóa hoa nở đầy đặn nhiều nhụy hương quyến rũ .
Bạch Phượng rủ Từ Sinh ra ngồi nơi ven suối cho mát. Cả hai đến ngồi nơi một phiến đá bằng phẳng dưới những tàng cây to rậm lá, sát bên bờ suối và nhìn suối nước trắng xoá lộn nhào như giòng thác .
Bạch Phượng bảo Từ Sinh:
- Ở đây cảnh đẹp anh nhỉ ?
Từ Sinh biết nàng nói, nhưng không nghe gì cả bởi tiếng suối đổ mạnh, chàng cười và trỏ tay ra giòng suối tỏ ý không nghe gì cả.
Bạch Phượng mỉm cười, nàng ngồi gần vào Từ Sinh, ngả đầu gần tai chàng và nói:
- Cảnh vật ở đây đẹp lắm. Uớc gì ngày yên ổn ta được một ngôi nhà nơi này.
Trong phút êm đềm thơ mộng ấy, lòng Từ Sinh tự nhiên rộn rã lên như giòng suối chạy mạnh. Giọng nói êm ái của Bạch Phượng sát bên tai chàng có mãnh lực làm xao xuyến tim chàng.
Không hiểu sao Từ Sinh có cảm tưởng như Bạch Phượng tỏ tình yêu với chàng , nàng mong yên ổn chàng và nàng sẽ có một ngôi nhà bên bờ suối nầy, sống yên vui trong cảnh hùng vĩ của thiên nhiên. Lòng gã con trai bị xáo trộn, Từ Sinh không còn đủ sáng suốt xét đoán lòng mình nữa. Chàng ngồi im lặng để những cảm giác kỳ thú xâm chiếm mình trong cảnh lạnh thường nầy.
Còn Bạch Phượng cũng thẹn thùng khi nói lỡ lời, nàng thấy đấy là một câu tỏ tình tự thâm tâm mình mà ra. Có lẽ cảnh thơ mộng đã đánh thức lòng yêu người con trai anh dũng nơi tiềm thức của lòng nàng lên, và tự nhiên nàng nói thế.
Một luồng máu nóng chạy khắp nơi cơ thể làm nàng nóng bừng mặt, má nàng ửng như đoá hường nhung và lúc bây giờ nàng là một cô gái e thẹn tự nhiên, một cô gái như muôn ngàn cô gái trong trời đất, cũng say sưa trong cảm tình thơ mộng, cũng thà chết với yêu đương và cũng mong muốn một cuộc đời hạnh phúc bên ngươi mình yêu dấu kính phục.
Bạch Phượng bỗng ngước nhìn Từ Sinh, nàng tự nhủ thầm: Chàng nông dân có vầng trán cao, có gương mặt đáng mến làm sao? Ai dám bảo giai cấp ấy là hèn mạt nếu hiểu Từ Sinh. Nhờ chống giặc ta mới thật rõ đâu là người anh hùng đâu là kẻ tiểu nhơn. Ngày xưa ta lầm trong việc xét người.
Thật ra Bạch Phượng là con một vị quan đại thần trong triều Hồ Quý Ly. Gia đinh nàng bị tàn phá khi quân giặc kéo sang chiếm nước non. Cha nàng tử trận, mẹ bị chết trong đám loạn quân, nàng chạy theo hai người chú họ từ Ðông Ðô vào Tây Ðô và theo giúp Lê Lợi mưu đồ khởi nghĩa.
Không may hai người chú nàng bị giặc bắt trên đồi Bửu Minh và bị giết chết. Còn lại một mình nàng vẫn xông pha chiến đấu với kẻ thù và hiện giờ nàng là một tay do thám đắc lực của người anh hùng đất Lam Sơn.
Ngày xưa nàng còn là một tiểu thư đài các có khi nào nàng nghĩ đến giai cấp nông dân. Không bao giờ nàng hạ mình nói chuyện với họ, nàng cho họ là kẻ tầm thường. Trong gia đình nàng chỉ có hàng vương tôn công tử mới là đáng kể.
Từ ngày ra thân cứu nước trả thù nhà, Bạch Phượng mới gần gũi nông dân và nàng mới thấy chính họ mới là những người anh hùng bảo vệ đất nước, chính họ là lực lượng to lớn giữ nước và làm cho nước giàu mạnh hay không là ở họ.
Ðược Từ Sinh cứu, chàng quên mạng sống giúp nàng, đem nàng ra khỏi vòng nguy hiểm của giặc là cảm phục chàng vô cùng.
Những lúc sống bên chàng, vì hoàn cảnh để chàng đụng chạm vào người mình, Bạch Phượng không khỏi nghĩ nhiều về việc ấy.
Mặc dù chàng săn sóc vết thương nàng để cứu nàng sống nhưng một khi mà tấm thân trong trắng như tuyết của nàng lần đầu tiên phải phô bày với một đàn ông sao cho khỏi nàng thẹn và nghĩ ngợi.
Lòng nàng hướng về Từ Sinh một cách tự nhiên mà nàng không tự biết, cho đến lúc xa nhau nàng mới thấy mình quá nghĩ nhiều về chàng.
Sau những lúc yên công việc là nàng nhớ chàng, mong gặp chàng, rồi dần dần nàng thấy Từ Sinh là một người rất cần cho đời sống mình, nhưng nàng cố gạt ý nghĩ về chàng ra khỏi óc để mưu đồ việc lớn theo người anh hùng đất Lam Sơn.
Ngày nay gặp lại chàng, lòng Bạch Phượng sanh nhiều cảm mến tự nhiên mà nàng không làm sao hiểu rõ mình được. Nàng hiểu chàng và Lam Hà yêu nhau nhưng nàng tin Lam Hà không thể đem hạnh phúc lại cho chàng rồi đây mối tình mơ mộng ấy sẽ tan rã.
Sự im lặng của hai người gây ra một luồng không khí khách thường, gây cho nhau những cảm giác lạ lùng kỳ thú.
Bạch Phượng nhìn Từ Sinh, nàng cảm thấy kính chàng làm sao nên cúi đầu nhìn xuống như không dám nói lời gì.
Còn Từ sinh nhìn nàng, Chàng cảm thấy nàng là người cao đẹp tài ba mà chàng không đáng là bạn của nàng huống chi là anh nên chàng không muốn nói gì cả. Từ Sinh nghĩ đến Lam Hà, mong chờ hình bóng người yêu cũ để xua tan những ý nghĩ mới mẻ xâm chiếm chàng, nhưng chàng thấy Lam Hà mười phần thua kém Bạch Phượng.
Chàng đâm ra so sánh hai người, và rồi bóng hình Lam Hà chỉ là một hình bóng mờ trong dĩ vãng. Chàng ngậm ngùi đau khổ tự nhủ thầm: Giá Lam Hà được như Bạch Phượng. Lẽ ra nàng phải mạnh bạo liều chết trả thù cho mẹ cha, chứ sao lại trốn trong dinh giặc cầu yên thân cấp thời như vậy.
Nhưng rồi Từ Sinh thấy thương hại nàng vì hoàn cảnh làm nàng trở nên như thế. Xưa kia còn có chàng bên cạnh, chàng giúp đỡ nàng, khuyến khích nàng, nâng đỡ tinh thần nâng nên nàng không đến đỗi như ngày nay. Bây giờ nàng có còn ai, nàng có hoàn cảnh sống yên trong dinh giặc, nàng lo sợ phải sống những ngày hãi hùng đói khát của cảnh trốn lánh nên nàng không can đảm theo ta. Gần bên giặc sao cho khỏi nàng thấy chúng tàn ác mà rồi tinh thần nào chống lại nổi, chỉ cần được yên thân qua ngày thôi. Ta trách nàng làm chi cho tội nghiệp. Chỉ vì ta không đủ sức mạnh bảo vệ nàng, gây cho nàng sức sống mãnh liệt khiến nàng thấy rõ ở với ta là yên ổn thì có lý đâu nàng theo giặc.
Từ Sinh buồn thêm, chàng muốn quên Lam Hà, nghĩ như nàng là kẻ đã chết rồi, để từ đây yên lòng mà làm việc chung, nhưng tự nhiên chàng không thể nào yên lòng được.
Nghĩ đến ngày mà Lam Hà phải thất thân với giặc, Từ Sinh đau đớn làm sao, tim chàng như bị ai cấu xé, chàng tức tối giận nàng và lòng thoáng một chút vừa khinh khi vừa thương hại.
Bạch Phượng thấy Từ Sinh có vẻ buồn, nàng cười và hỏi với giọng dịu dàng:
- Ân huynh hẳn có tâm sự gì nên thỉnh thoảng hay buồn và tư lự. Em tưởng một người như anh không nên buồn mới phải.
Từ Sinh như dịu được bao nỗi sầu muộn, chàng nhìn Bạch Phượng như cám ơn nàng.
Hơi mát của giòng suối như ru hồn hai kẻ đường xa, xua tan nỗi nhọc mệt của họ. Tinh thần cả hai sảng khoái lên, họ cùng nghĩ đến ngày mai huy hoàng sẽ đến với đời họ.
Bóng trưa đã hơi chính, giòng suối lấp lánh ánh phản chiếu trông đẹp làm sao, ngàn cây xanh bên bờ xanh mát màu tươi lung linh dưới nắng vàng.
Ngoài đám cỏ xanh đôi ngựa đứng gần nhau âu yếm, chúng đưa vào nhau dưới bóng rậm như hưởng cảnh nhàn nhã sau một ngày mệt nhọc.
Bạch Phượng nhìn đôi ngựa và nhìn Từ Sinh, nàng khẽ mỉm cười khiến cho Từ Sinh có cảm tưởng nàng ngầm bảo với mình đôi ngựa chúng và nàng thân yêu nhau như chủ chúng.
Chàng nói lảng đi:
- Cô nằm nghi một chút cho khoẻ. Chiều nay còn phải đi khá xa.
Bạch Phượng gật đầu, nàng dựa vào thân cây nhắm mắt lại trong khi Từ Sinh nhìn ra suối quay lưng lại phía nàng. Hơi mát của suối như ru hồn nàng vào cõi mộng, Bạch Phượng dần dần thiếp đi. Cho đến lúc nàng tỉnh dậy thì bóng chiều gần khuất núi.
Từ Sinh vẫn ngồi bên cạnh nàng với mấy con gà rừng nướng vàng tươm và một mớ múi ớt.
Thấy nàng dậy, Từ Sinh nói:
- Cô rửa mặt rồi dùng bữa để ta còn lên đường. Bây giờ ta đi là vừa lắm.
Bạch Phượng ra bờ suối rửa mặt rồi vào dùng bữa chiều với Từ Sinh.
Bữa ăn giống như bữa ăn sớm, nhưng chiều nay Từ Sinh là gà thật khéo, ướp muối với lá rừng mà nướng nên gà ngon làm sao?
Ăn xong hai người lên ngựa rồi phóng nước đại về hướng Lam Thôn.
Cho đến lúc trời sụp tối họ vẫn đi không ngừng, cả hai thúc ngựa đi nhanh không quản ngại rừng đêm nguy hiểm. Họ đi đến lúc mồ hôi thấm ướt cả áo, ngựa mệt lả thì mới đến Lam Thôn gần cuối giờ Tuất.
Từ Sinh nhìn ngọn đồi Bửu Minh và nói:
- Ðến đây tôi xin từ giả. Cô nương đi đương bình an.
Lòng Bạch Phượng bối rối lúc chia tay, nàng cố cầu khẩn Từ Sinh:
- Ân huynh không thể nào giúp tiểu muội được sao?
Ðến lúc nầy Từ Sinh mới cảm thương Bạch Phượng nhiều hơn lúc nào hết. Ðêm khuya thân gái dậm trường nguy hiểm, phải xông pha vào cảnh hãi hùng mà không một ai giúp sức.
Chàng muốn giúp nàng lắm, nhưng nhớ đến việc mình cũng không kém quan hệ nên đành phải nói:
- Cô nương nên lên đường. Từ Sinh nầy bất tài theo cô nương e bận chân ngựa. Còn non nước lẽ đâu không còn ngày tái ngộ.
Bạch Phượng không giận hờn Từ Sinh, nàng bùi ngùi nói:
- Ơn ân huynh ngàn đời em xin ghi nhớ. Mong có ngày em được đáp đền trong muôn một mới thỏa tấc lòng. Em đã vô duyên không được ân huynh cùng chung công việc ngày nay thì rất mong ngày sau ta sẽ được gần bên nhau lo nghĩa lớn.
Nói xong nàng cúi rạp đầu:
- Kính lạy ân huynh ở lại bình an.
Từ Sinh cảm xúc, chàng chưa biết nói chi thì Bạch Phượng đã phi ngựa thẳng về phía đồi Bửu Minh, tiếng vó ngựa dồn dập trong đêm thâu nghe buồn lạnh âm thầm.
Nhìn bóng nàng khuất trong trời sương trắng nhạt bóng trăng, Từ Sinh ngậm ngùi thương lo cho người thiếu nữ chung chí nguyện với mình. Chàng nghĩ ngợi giây lâu và giục ngựa thẳng về phía Lam Thôn tìm Nguyễn Ðạt để gởi gấm nàng.