Về phần Hương Lan và Lam Hà bị bắt đem về trại lính giặc, hai nàng cai thấy mình đã rơi vào tay quân gian ác không còn hy vọng sống được.
Lam Hà tự bảo lòng :
- Dù sao ta cũng không bao giờ chịu thất tiết, ta sẽ chết lập tức nếu giặc chạm đến thân mình trong sạch của ta. Ta sẽ xứng đáng với tình chàng Từ Sinh, bao giờ ta cũng giữ lòng trong sạch cùng chàng . Hương Lan cũng thế, nàng nghĩ ngay đến cái chết để khỏi bị nhục nhã. Nàng không thể để cho một tên giặc nào làm nhơ bẩn đời nàng.
Ngồi trên lưng ngựa, vị võ sư nhìn hai nàng lão có vẻ nghĩ ngợi lung lắm. Ðã hứa với Từ Sinh bảo vệ hai nàng lão phải làm sao cho trọn lời hứa.
Thỉnh thoảng hai nàng nhìn vị vỏ sư mà giọt lệ không sao cầm được.
Từ nhà Từ Sinh về đến trại giặc ba người đã có ý định cả, họ đều bình tĩnh không có vẻ sợ hãi chi cả.
Ðến trại giặc tên tướng mời vị võ sư vào để yết kiến tướng Hoàng Thành.
Vị võ sư bảo tướng giặc:
- Tôi sẽ giúp cho tướng Hoàng Thành, nhưng xin ngài hãy giữ gìn hai cháu gái tôi thật cẩn thận. Nếu có một kẻ nào phạm đến, tôi sẽ thưa với tướng Hoàng Thành làm tội họ.
Tên tướng giặc nổi giận, hắn chưa kịp nói sao thì vị võ sư đã đi ngay vào công đường. Sự thật, tên Giáp Thủ và tên giặc đến hãm hiếp Hương Lan bị Từ sinh cho nếm mùi gươm, rồi lại bị tướng Sầm Hưng cản trở bênh vực Hương Lan. Tên giặc và tên Giáp thủ càng giận, chúng lập kế trả thù khi
Sầm Hưng đi nơi khác. Tên giặc cho tên tướng cao cấp hơn mình biết rõ Hương Lan đẹp để tướng giặc động lòng háo sắc đến bắt Hương Lan, nhưng rủi cho Lam Hà cũng bị hắn bắt luôn.
Trong khi ấy tướng giặc muốn lập công với đại tướng Hoàng Thành nên đem thầy địa lý về nào ngờ thầy địa lý chưa chi đã muốn lấy thế lực tướng Hoàng Thành dọa lại hắn.
Còn Lam Hà với Hương Lan thấy vị võ sư hăm dọa tên giặc có kết quả hai nàng yên lòng chờ đợi. Tên giặc căm tức làm sao, mồi ngon đến miệng mà không dược hưởng lại phập phồng lo sợ bị quở phạt là khác.
Hắn biết rõ tướng Hoàng Thành là tay háo sắc tham lam, xưa nay cưỡng ép bao thiếu nữ cô thế ông ta cũng đồng lõa với mình, nhưng ông ta đang tìm thầy địa lý hay thì sao cho khỏi bênh thầy địa lý mà xử hiếp mình để mua lòng kẻ giúp ông ta.
Trong khi ấy tướng Hoàng Thành không ngự ở công đường mà nằm trong phòng riêng bên cạnh mâm đèn thuốc phiện, ông ta nóng ruột chờ thầy địa lý do tướng cạnh của mình tìm được.
Bỗng thấy hai tướng hầu cận đưa vị võ sư vào là hắn ngồi ngay dậy, đưa mắt nhìn.
Thấy vị võ sư hiên ngang quắt thước, tuy đã già mà vẫn còn tráng kiện, phương phi đạo mạo, nên tướng Hoàng Thành đem lòng kính mến , bước xuống tiếp đón tử tế.
Vị võ sư được mời ngồi trên sạp đối diện với tướng Hoàng Thành, ông cất tiếng :
- Lão phu là người ở thôn quê dốt nát quê mùa nghe theo lời bộ tướng của ngài đến đây để vâng theo lời ngài dạy bảo. Vậy chẳng hay ngài muốn sai bảo lão phu điều chi.
Hoàng Thành nói tiếng ta giọng Tàu, hắn cố nói cho có lễ phép để mua lòng thầy địa lý:
- Tôi có ý tìm một thầy địa lý để mả cho cha tôi mà không gặp. Nghe đâu bên xứ ông có nhiêu long mạch muốn được cải táng cho cha tôi vào đấy.
- Nếu ông giúp cho thì tôi sẽ đền ơn vô cùng trọng hậu.
Vị võ sư ung dung đáp :
- Trông ngài lão phu đã thấy ngài là một vị quý nhân phúc tướng không biết đâu mà lường. Lão cũng xin vâng theo mệnh trời mà giúp tướng quân, nhưng xin tướng quân giúp cho lão việc nầy thì lão mới cố sức được.
- Ông muốn điều chi tôi có thể giúp cho ngay.
Vị võ sư nói:
- Xin tướng quân bắt ngay tên tướng khi nãy đem đi nơi khác tức tốc và chớ để hắn nói lộ ra. Ðến tướng Chu Kiệt, Trần Trí, Sơn Thọ, Mã Kỳ và các tướng khác mà hay được tôi để mả cho tướng quân thì tôi nguy mất và tướng quân cũng khó yên được. Nếu tướng quân có chí làm vua nước Nam nầy thì xin liệu lấy.
Hoàng Thành đáp ngay:
- Tôi xin vâng lời ông. Nhìn gương mặt Hoàng Thành có vẻ tham lam đến cực điểm, bị võ sư biết hắn đã bị mê hoặc liền nói:
- Tướng quân thi hành ngay là vừa. Ðể trể hắn sẽ nói lộ ra với người khác thì nguy.
Hoàng Thành nhìn ra ngoài và gọi lớn:
- Bộ tướng.
Tức thì hai tướng to lớn hiện ra, tay cầm giáo nhọn sắc như nước, đứng cúi đầu chờ lệnh.
Hoàng Thành ra lệnh:
- Mau mau bắt tất cả đội lính tám giam cả lại chờ lệnh ta. Tức thì hai tên bộ tướng quay lưng đi nhanh ra ngoài sau khi nói một câu: "Xin tuân thượng lệnh".
Lão võ sư thêm vào :
- Lúc nãy tên bộ tướng của ngài bắt hai cháu gái của tôi, xin ngài truyền tha cho. Chúng không làm tội chi cả.
Hoàng Thành vỗ tay là một tên lính chạy ra, hắn truyền:
- Mau đem hai thiếu nữ mà đội lính tám mới bắt về vào nhà khách của ta và phải đối đãi cho tử tế nhé.
- Xin vâng.
Tên giặc lui ra, Hoàng Thành mới nói với vị võ sư:
- Ông chớ lo. Chốc nữa ông sẽ ở nhà khách của tôi và sẽ gặp cháu ông. Tôi hứa sẽ bảo vệ gia đình ông, không một tên lính nào dám chạm đến.
Vị võ sư hơi an lòng, ông nói:
- Tướng quân có phúc tướng không ai bì kịp. Lão phu cả đời xem tướng cho thiên hạ mà không thấy một ai được như tướng quân. Lão phải theo mệnh trời giúp cho tướng quân lên làm vua đất An Nam nầy, nhưng tướng quân phải dấu kín tiếng mới thành sự được. Ðến lúc ngài lên làm vua rồi thì
xin chớ quên kẻ lão thần nầy đã hết lòng phù giúp ngài.
Tướng Hoàng Thành nói ngay:
- Ta đời nào quên công của ông. Nếu ta được làm vua thì ông sẽ là vị quân sư của ta. Nếu ta trái lời xin có quỷ thần làm chứng cho lòng ta.
- Xin ngài nhớ lời thề.
Vị võ sư nghiêm trang nói:
- Bây giờ ngài phải ăn chay tắm gội ba ngày cho thanh tĩnh. Lão phu sẽ đặt bàn cúng trời ba ngày cầu phúc cho ngài, rồi đến ngày thứ tư lão sẽ vẽ địa đồ khắp nơi và chỉ cho ngài xem long mạch mà lão tìm ra cho ngài thấy.
Vị võ sư nói với giọng nghiêm trọng:
- Ðây không phải là chuyện chơi. Trong ba ngày tới đây, ngài không được làm một điều gì cả. Phải cho binh lính nghỉ ngơi và cho dân chúng cúng chùa, nếu động binh thì tổn đức mà không thành việc sớm.
Hoàng Thành gật đầu, đáp:
- Quân sư không phải lo, tôi sẽ ân xá cho tù nhân thường, còn tù xử tử thì đồi lại đi đày . Truyền cho binh lính nghĩ ngơi trong ba ngày, cử sát sanh hại mạng.
- Ðược như vậy lão phu mới vững lòng mà làm việc cho thành công. Nhưng còn điều nầy nữa. Khi nào để mã cho cụ thân sinh Ngài thì trong vòng một trăm ngày đầu tướng quân phải ở trong nhà, không được làm điều dâm dục và hành hạ ai.
- Ðược lắm, ta xin vâng theo lời quân sư.
Vị võ sư nói :
- Lần đầu gặp tướng quân, được tướng quân biết tài và giao cho việc lớn, lão phu cảm nghĩa khôn cùng. Lão sẽ hết lòng phò tá tướng quân cho đến ngày nên việc lớn để nhờ về sau. Thời trời đến cho tướng quân, lão sẽ ứng theo mệnh trời mà giúp cho vị minh chủ sớm thành đạt.
Hoàng Thành là một tay võ tướng, nhưng có óc tin tưởng dị đoan, ông ta tin tưởng các thầy địa lý có thể giúp mình nên việc lớn.
Vả lại từ khi sang đánh chiếm nước Nam, Hoàng Thành tuy dưới tay tướng quân Trần Trí, nhưng có chí muốn làm chúa nước Nam. Hắn thấy nước Nam giàu có nên muốn thâu mối lợi to tát ấy, dù hắn cũng hơi sợ những tướng nỗi loạn. Hoàng Thành có mộng ấy nên khi nghe vị địa lý bảo tướng mình phúc đức nhứt thiên hạ và bảo sẽ giúp mình lên làm vua theo mệnh trời là Hoàng Thành tin và sung sướng lắm. Cái mộng anh ta nay đã có người giúp rập cho thành sự thật, sung sướng biết là bao. Hoàng Thành được người khiêu gợi lòng tham lam ham muốn nên trở nên tham lam hơn ngày xưa vạn phần.
Tranh đồ vương bá sôi nổi trong lông hắn khiến hắn càng tin yêu lão võ sư. Mà vị võ sư có vẻ là một tay địa lý nhứt đời. Chỉ trông vẻ tiên phong đạo cốt của ông ta, nhìn thoáng qua vẻ hiên ngang kỳ lạ của ông ta, ai mà không tin ông ta là tay địa lý giỏi.
Ở con người ông như có sự bí mật kỳ dị, toàn thân ông như thoát ra một sức mạnh làm ai cũng phải kính nể.
Vị võ sư thấy mình đã đánh trúng chổ yếu của Hoàng Thành, ông thấy lời nói của mình gỡ được sự chết chóc đau khổ cho bao nhiêu người nên tiếp có ý hăm dọa:
- Tướng quân hẳn biết tướng soái Hoàng Thúc, tướng Trần Trí đều có ý muốn làm vua nước Nam tôi mà không dám nói ra. Nếu họ biết tướng quân có ý ấy thì sao cho khỏi nguy cho tướng quân và tôi. Tướng quân chức tước nhỏ hơn họ cũng nên kín tiếng để tránh sự thù hằn.
Hoàng Thành nói ngay:
- Quân sư chớ lo, tôi sẽ khéo léo cho xong việc. Vả lại Trương Phụ và Mộc Thạch, hai vị thống binh ấy rất thương tôi. Tôi chắc bọn kia không dám làm gì tôi cả, nhưng dù vậy ta cũng phải đề phòng cẩn mật.
Suốt cả đêm đó vị võ sư nằm bên cạnh mâm đèn của tướng Hoàng Thành, bàn chuyện với hắn, để dò xét tâm lý hắn, dò xét tình hình chánh trị bí mật của quân giặc ra sao.
Hoàng Thành không dè vị võ sư là kẻ phản nghịch nên thật tình bàn bạc chuyện với ông ta. Nhân cơ hội đó, vị võ sư gây cho Hoàng Thành ác cảm với Trần Trí và Hoàng Thúc để giặc mâu thuẫn nhau, nghi kỵ nhau mà sanh loạn. Vị võ sư đã thành công vì Hoàng Thành không nghi kỵ chút gì cả.
Lam Hà ngồi một mình nhìn qua khung cửa sổ theo dõi những đám mây trắng trôi lờ lững về phía chân trời, thướt tha trên ngàn cây xanh lá.
Ðôi mắt đẹp dịu dàng của nàng buồn ủ rũ, ươn ướt màn lệ đau thương như sầu nhớ chàng tráng sĩ Lam Giang và chua xót cho phận mình sao gặp lắm điều ngang trái. Giờ nầy Từ Sinh ra sao? Lũ giặc có thể tha chàng không? Hay chúng hình hạ đánh đập chàng để rửa thù độ nọ.
Tội nghiệp cho chàng biết bao. Lam Hà đưa tay lau lệ, lòng tái tê chua xót lo lắng cho người trai mà nàng đã đặt hết tình thương vào đấy. Mặc dù vị võ sư hứa là sẽ gìn giữ tính mạng chàng, nhưng Lam Hà vẫn không yên dạ.
Bỗng có tiếng động sau lưng, khiến Lam Hà quay mình lại, nàng mừng rỡ vì người đi tìm Từ Sinh đã về.
Người ấy là một cô gái đẹp bị giặc bắt đem vào hầu hạ tướng Hoàng Thành và Hoàng Thành cắt cô ta ra săn sóc Hương Lan, Lam Hà với vị võ sư nơi nhà khách.
Lam Hà nhìn cô ta và hỏi:
- Thế nào cô, anh Từ Sinh vẫn còn ở nhà chứ?
Người tỳ nữ cúi đầu ấp úng:
- Thưa cô, ông Từ Sinh bị.bắt rồi. Cô Tâm bên cạnh nhà cô cho hay ông Từ Sinh bị bắt sau khi cô bị bắt một lúc mà thôi.
Lam Hà ngồi xuống ghế, gương mặt nàng tái xanh, môi nàng run run, giọt lệ trào ra khoé mắt.
Cô thị nữ không đứng lâu để nhìn cảnh ấy, cô lui vào trong để yên cho Lam Hà ngồi đấy.
Qua một phút bão lòng, Lam Hà hơi bình tĩnh lại, nàng đưa tay lau nước mắt và ra ngoài tìm vị võ sư báo tin buồn ấy.
Vị võ sư nghe xong, ông nói:
- Con yên tâm, ta sẽ làm cho Từ Sinh được tha ngay. Ngặt vì tướng Hoàng Thành hôm nay đi vắng, âu ta chờ đến ngày mai vậy.
Lam Hà sợ sệt nói:
- Có thể nguy cho chàng lắm. Bị bắt từ chiều hôm qua đến hôm nay có lẽ chàng bị chúng tra tấn đánh đập dã man. Nếu chàng còn phải ở đấy giờ nào là nguy tánh mạnh chàng giờ nấy.
Vị võ sư nói ngay:
- Con yên lòng, hôm nay ta quyết không có sự tra khảo tù nhơn đâu. Ðã có mật lệnh của tướng Hoàng Thành hoãn tất cả các việc ấy.
- Nhưng chiều hôm qua và đêm qua rất có thể Từ Sinh bị hành hình.
- Ta mong là không có, mà dù có cũng không đến đỗi nào đâu con ạ? Lúc nước nhà nguy vong nào có ai tránh khỏi cảnh ấy đâu mà sợ. Ta khuyên con bình tâm mà ở đây vì về nhà lúc bây giờ con có thể bị nguy hiểm bởi không ai bảo vệ.
- Không lẽ chúng ta ở chung với giặc sao? Thiên hạ sẽ nghĩ sao về ta.
- Con không cần phải lo điều ấy. Lòng ta trong như ngọc lành không viết, ai không rõ ta. Vả lại tuy ta nằm trong hang cọp nhưng vững như núi con ạ ! Ta có đủ cách bảo vệ ta. Từ nay con đừng nên làm rối lòng ta nữa. Hãy để ta yên mà lo tính chuyện lớn. Ngày ngày con chớ ra khỏi phòng làm gì, e tướng Hoàng Thành trông thấy mà ông ta sanh lòng khác thì nguy.
Lam Hà vâng dạ rồi lui vào trong phòng nằam im trên giường, lòng nàng tơi bời tan nát, nàng chỉ còn có khóc cho vơi lòng sầu muộn.
Về phần Từ Sinh nằm trong khám tù, tưởng đâu mình sẽ bị nguy vì đây là khám giam toàn là bọn tù ghê gớm.
Nhưng lạ lùng làm sao đến sáng hôm sau, cánh cửa tù bật mở, bọn lính giặc gọi tất cả mọi người ra ngoài rồi làm giấy đày họ đi lên rừng xuống bể.
Nhiều người mừng rỡ như chết đi sống lại, họ không hiểu sao mà quân giặc bỗng nhiên thay đổi lạ lùng làm vậy.
Có người chắc nay mai sẽ rơi đầu trước pháp trường nay bỗng được giảm án tử thành án lưu đày họ gần như phát điên lên vì sung sướng.
Riêng Từ Sinh chàng vẫn thản nhiên không vui tí nào cả vì chàng thấy lưu đày lên rừng xuống bể thì cũng như xử tử, có điều khác hơn là lũ tội nhân chết dần mòn sau khi đem hơi sức phụng sự cho lòng tham tàn của quân giặc.
Tuy đau đớn vì vết thương trên đầu và ngực. Từ Sinh cũng cố đi nối đoàn tù thẳng đường lên rừng sâu. Ðoàn người lưu đày bị bọn giặc áp giải đi, kẻ nào không tuân lịnh thì bị giết ngay tức khắc.
Thật tủi nhục đau đớn thay người dân bị mất nước phải khuất phục dưới sức mạnh cường quyền. Từ Sinh đi bên Nguyễn Lộc , chàng nhờ Nguyễn Lộc dìu đỡ nên mới tiến nổi trên đường gồ ghề, càng lúc càng sâu vào rừng rậm.
Từ sáng đoàn lưu đày đi đến lúc trời chỉnh bóng mà chưa được lệnh nghĩ . Còn bọn lính giặc ngồi trên mình ngựa đi chầm chậm với bọn dân ta theo chúng nên chúng nào có biết mỏi mệt nhiều.
Thỉnh thoảng chúng lấy món ăn ra nhai ngấu nghiến làm bọn tù thấy đói cào cả ruột, muốn dừng lại nghỉ mà không dám kêu ca. Bỗng một tên tướng giặc cầm đầu bọn áp giải tù nhơn quát to lên:
- Dừng lại. Cho phép nghỉ.
Ðoàn tù mừng rỡ vội chạy ùa ra suối cúi đầu xuống nước nốc nước uống và thấm vào tóc, họ không cần biết suối nước kia có độc hay không?
Bọn giặc ném cho họ một mớ bánh khô khiến họ chụp lấy nhai ngon lành, còn Từ Sinh vì vết thương hành hạ nên không làm sao nuốt nổi.
Nguyễn Lộc là người giàu kinh nghiệm, chàng lấy bánh khô nhún nước cho mềm và bảo Từ Sinh:
- Không ăn được cũng phải cố nuốt cho vững dạ để còn đi xa lắm. Nếu không ăn sẽ bị ngã dọc đường thì nguy.
Trong khi Từ Sinh cố nuốt miếng bánh thì Nguyễn Lộc đi tìm lá dấu về cột mấy vết thương cho chàng và nói:
- Anh đừng lo. Thứ lá nầy hay lắm. Trong vài ba ngày anh sẽ đỡ ngay.
- Sao hôm qua anh bảo hàng tháng mới lành.
- Trong nhà giam thì như thế, chứ ở ngoài nầy không đến đỗi như vậy. Ngày nay ta siêng giặt thuốc thì nó mau lành.
Từ Sinh ngã mình xuống đám cỏ dưới bóng cây và khẽ nói với Nguyễn Lộc:
- Ở đây toàn là rừng, mà bọn giặc lơ đểnh lắm. Có thể tù nhân lẻn trốn.
Nguyễn Lộc cười và đáp:
- Anh chưa đi đày lần nào nên chưa rõ. Bọn giặc không dại đâu, chúng lơ đểnh như vậy là vì nơi này không một ai lẻn trốn được. Xung quanh chúng có đồn canh cả vùng, mà trong rừng thì hổ báo không biết bao nhiêu, tù nhân nào trốn đi thì không chết về hổ cũng chết vì bọn lính canh. Anh đừng thấy bọn chúng không nhìn đến ta mà trốn nhé? Phải hỏi tôi mới được. Tôi rõ việc tù đày nầy hơn anh nhiều.
Tư Sinh bỗng hỏi:
- Anh bị đày lần nào chưa?
- Vài ba lần thôi anh ạ?
- Thì ra anh không phải là người buôn bán như anh nói với tôi đêm qua.
- Việc ấy anh cần biết lắm à? Anh đừng lấy làm lạ về tôi mà nên lấy làm lạ tại sao chúng đem ta đi đày mà không giết. Lẽ ra chúng ta phải bị hành hình xử trảm hết vì ta.bị giam nơi trại tử tù. Kể cũng lạ quá. Hay là chúng định đem ta lên rừng rồi giết đi.
Từ Sinh nói ngay:
- Khi nào thấy bọn chúng muốn thi hành việc ấy thì ta nổi loạn chống lại.
- Thì hẳn vậy rồi. Có lý nào ta chịu chết một cách yên lành như vậy sao? Phải chống may ra còn sống.
Vừa lúc đó hai người bỗng im bặt vì một tên lính giặc cầm giáo nhọn đi lại gần hai chàng và la to lên:
- Ðứng dậy hết, lên đường.
Tức thì những người nằm ngồi đều đứng ngay dậy không một ai dám chậm trễ vì ngại những mũi giáo đâm vào lưng, cán giáo đập vào đầu. Bọn giặc lên lưng ngựa đi chậm chậm và bọn tù đi theo sau.
Trời nắng nhưng không ấm lắm vì vào mua đông lạnh buốt xương. Ðoàn tù đi tràn trên đường, co ro ôm hai tay vào ngực, miệng thở phì phà hơi lạnh trong mồm ra như phun khói thuốc nhẹ.
Quần áo tả tơi để hở da thịt, lòi những lằn roi tái thâm lại bởi lạnh lẽo, đoàn tù lưu đày có vẻ xơ xác như một lũ chó rừng trụi lông bị loài người xua đi tìm thú.
Hai bên đường cây rừng cao vút lên, dây lcó bò khắp cả, có vẻ sầm uất như hang ổ của loài thú dữ, hơi lạnh buốt xương như muốn làm khô khan giòng máu lạnh đang chảy chầm chậm trong cơ thể đoàn tù.
Có tiếng vượn hú não nùng đâu đây loãng thanh âm buồn não nuột trong rừng âm u. Thỉnh thoảng vài cơn gió lướt qua đem niềm lạnh từ đâu về thấm ướt đoàn tù và xào xát lá rừng muôn sắc. Tiếng chim buồn hai bên đường như than thở cho số kiếp tù, như buồn thương cho kẻ mất tự do khổ não.
Ðoàn tù lạnh cóng nên chân họ tê đi, họ dẫm lên đá nhọn gồ ghề mà không thấy đau mấy. Ðường càng đi sâu vào rừng, cái lạnh càng thêm giá buốt. Khí lạnh của ngày đông tỏa khắp nơi như một màn sương giăng khắp núi sông, thấm thía vào da thịt tím của kẻ áo không lành, đầu không nón.
Từ Sinh bước bên Nguyễn Lộc, chàng nói:
- Lạnh thế nầy là cùng. Ban đêm còn lạnh đến đâu nữa. Sao lúc nãy không lạnh mà bây giờ lạnh quá như thế kia.
- Nơi nầy lam chướng nên lạnh như vậy. Chúng ta càng đi sâu vào càng lạnh thêm. Ban đêm thì lạnh không thể nào tả được.
Từ Sinh nhìn núi rừng mênh mông u tịch, nghe chim kêu vượn hú, trông xung quanh chỉ màu vàng xanh úa của cây rừng xơ xác mà chạnh lòng nhớ quê nhà mù mịt, tưởng đến hình bóng Lam Hà mà hồn sầu tê tái.
Giờ nầy không biết Lam Hà và Hương Lan ra sao? Họ còn sống hay chết. Còn Nguyễn Ðạt với các bạn mình ra sao? Không khéo họ bị bại lộ mà rồi lũ giặc không chừa cho mình sống.
Từ Sinh tiếc sao mình không còn ở lại quê nhà được để cùng Nguyễn Ðạt mưu việc khởi quân chống giặc, giúp tướng quân Trần Nhuế một tay.
Ðường lên rừng mù mịt, chàng đem thân vào đấy biết ngày nào mới thoát về, hay tháng năm sẽ chôn vùi thân chàng, mà chí trượng phu cũng đành theo bóng chiều quang tan biến.
Bỗng Nguyễn Lộc bảo chàng:
- Nầy anh Từ Sinh, anh có vợ con chi chưa?
- Không anh ạ!
- Nhưng chắc anh có người yêu.
Từ Sinh nhìn cây rừng một màu vàng úa, chàng có cảm tưởng tình chàng và Lam Hà cũng sắp tàn tạ như lá rừng kia.
Nguyễn Lộc mỉm cười tiếp:
- Có lẽ người yêu của anh đẹp và hiền lắm nên mới làm người anh hùng động lòng thương nhớ mà buồn được.
Từ Sinh quay nhìn Nguyễn Lộc, chàng ngầm cảm ơn người bạn đường đã giúp mình từ vật chất đến tinh thần và tự nhiên một thứ tình lạ nẩy ra trong lòng chàng.
Nhìn Nguyễn Lộc mặt khô như muốn nứt, da sù sì mốc trắng vì chúng ta gãi luôn tay đuổi lũ bù mắt cắn, môi tái thâm vì rét lạnh, da lưng, ngực chàng cũng mốc trắng sù sì lòi ra nơi lỗ áo rách, thế mà chàng ra vẫn cười nói thản nhiên như thường. Từ Sinh thầm kính và đâm ra mến con người ấy.
Một mối tình bạn chân thành đối với kẻ chung cảnh gian lao nẩy ra trong lòng Từ Sinh và cột chặt chàng với Nguyễn Lộc và đoàn tù viễn xứ.
Ðến lúc khốn cùng chung cảnh khổ sở đau đớn, con người đâm ra thương nhau lạ lùng, xem thân ai cũng như thân mình và vạn lòng như một không phân biệt chi cả.
Bỗng bọn lính quát to lên:
- Ði nhanh lên kẻo hổ nuốt đó.
Từ Sinh ngẩng đầu nhìn thì đoàn lính giặc tên nào cũng tuốt trần gươm trường, giáo mác sáng cả, chúng làm như sắp sửa xáp chiến vậy.
Chàng đưa mắt nhìn quanh thì Nguyễn Lộc nói:
- Có lẽ đây là đèo ông hổ đó. Lần nào giải tù qua đây cũng bị hổ vồ nên lần nầy chúng phòng bị.
Từ Sinh thản nhiên bảo Nguyễn Lộc:
- Hổ dù có dữ cũng không ác hơn bọn giặc. Ta đã không sợ giặc thì sợ gì hỗ .
Nguyễn Lộc cười và nói:
- Có điều chết vì hổ thì tức lắm. Chúng ta phải chết vì chiến đấu với giặc mới phải.
Tên tướng giặc quát to lên:
- Lũ khốn kia sao không đi nhanh lên. Muốn chết phải không? Hay muốn roi đòn.
Ðoàn tù lặng im bước dường như họ không còn biết sợ hổ dữ là gì, họ lầm lùi bước như thường vì họ không làm sao rán đi nhanh hơn được nữa.
- Thật là một lũ trâu. Bọn ngươi đi vậy à?
Tức thì những tên giặc vung roi đập tưới vào mình, vào đầu kẻ tù đày làm họ đau đớn nên họ cố sức chạy nhanh, nhưng chỉ một chốc là họ đi chậm lại, miệng thở phì phào, có kẻ kiệt sức muốn ngã bên đường. Lũ giặc lại thét mắng lại đánh đập, những ngọn roi ngựa vun vút vào lưng, vào đầu,
vào ngực lũ tù đày, nhưng đoàn tu cũng không làm sao đi nhanh như kẻ ngồi trên ngựa.
Nguyễn Lộc thấy bọn lính giặc bất lực, chàng sờ đầu và nói với Từ Sinh:
- Nghe đâu hổ ở đây xông ra cả bầy mấy chục con. Thật giống hổ đó ghê gớm thật. Không khéo chúng ta lại làm mồi cho hổ thì buồn lắm anh bạn ạ!
Những vết máu trên đất kia có lẽ là nơi ghi dấu bãi chiến trường giữa người và hổ.
Từ Sinh nhìn đám tù bất lực, chàng sờ vết thương trên ngực và nói:
- Chúng ta chết mất, làm sao chống lại cả bầy hổ. Lũ giặc kia là bọn hèn nhát, chắc gì chúng dám ở lại chống với thú dữ để bảo vệ ta. Vừa lúc đó một tiếng gầm rung chuyển cả ưng núi làm bọn giặc nhao nhao lên:
- Có nghe không bọn trâu kia. Chúng bây đi như rùa thì chết hết cả lũ đó. Ði mau lên không? Hay định cho thịt lũ cọp đói.
Từ Sinh cũng thấy nôn nao. Giá chàng còn mạnh khoẻ như thường và có khí giới cũng không lấy gì làm sợ, nhưng hiện giờ nếu có hổ thì chàng làm sao sống được để tranh sống. Vừa lúc đó tên giặc ra lệnh tức thì bọn lính đánh đồng la hò reo vang cả khu rừng có ý làm cho hổ sợ, một bọn thét
mắng đoàn tù đi mau mau.
Bỗng một tiếng rú kinh hồn làm bọn giặc và đoàn tù kinh sợ quay nhìn lại thì thấy một con hổ từ trong bụi nhảy ra vật một tên giặc và tha đi. Bỗng mọi người kinh sợ rú lên vì đoàn hổ xông ra từ ven rừng chụp người.
Một tên giặc ngã nhào bên cạnh Từ Sinh vì bị hổ chụp làm chàng té nhào theo. Con hổ khác phóng tới vươn móng nhọn như gươm chụp xuống người chàng .
Tuy bị thương, nhưng Từ Sinh còn tỉnh táo như thường chàng lăn mau qua một bên để tránh thì Nguyễn Lộc đã nhặt được cây giáo rơi của tên giặc đứng cạnh chàng bị hổ vồ tha đi, thẳng cánh đâm nhanh vào bụng hổ khiến hổ quay lại vồ Nguyễn Lộc.
Nguyễn Lộc không hề sợ, chàng rút nhanh cây giáo về làm ruột hổ đổ lòng thòng ra rồi nhanh như chớp đâm ngay vào họng hổ một nhát cực mạnh.
Thật khủng khiếp làm sao, hổ bị nhát đâm đó nên nhảy vòng lên làm gãy phăng cán giáo.
Nguyễn Lộc toan đâm cán giáo gãy vào mắt hổ vì lúc đó nó bị thương nặng, nhưng hổ vụt nhảy cồng cồng lên như điên cuộn và máu từ họng nó chảy tuông ra như suối.
Nó chàng nhảy mãi giáo càng xóc sâu vào yết hầu và chỉ trong một chốc hổ lăn ra nằm ngay.
Bây giờ Từ Sinh nhìn Nguyễn Lộc và hỏi mau;
- Chúng ta có nhân cơ hội nầy mà chạy không?
Nguyễn Lộc lắc đầu đáp:
- Không nên, đây hổ như chó đói. Ta đi là chết ngay.
Từ Sinh và Nguyễn Lộc nép vào nhau, hai người nhìn đàn hổ chiến đấu với lũ giặc.
Bọn giặc có đến ba bốn mươi tên, chúng bỏ ngựa nhảy xuống đánh giáo với hổ .
Thật là một trận ác chiến vô cùng ghê gớm, người và thú tranh sống phải cố giết nhau.
Thấy một con hổ to lớn đang cự nhau kịch liệt với tên cầm đầu bọn giặc.
Hổ và tướng giặc đều ngang nhau, nhưng hổ bị thương máu ra ướt cả lông, còn tướng giặc mệt mỏi tuy cố hết sức nhưng cũng không được hăng hái lắm.
Từ Sinh nhớ đến tên tướng giặc cầm đầu bọn lính giải tù là một tên ác khét tiếng, chính hắn mới đánh đập mình nên tức giận vô cùng. Thấy tên giặc bị hổ vồ tha đi còn bỏ lại dưới đất một cây cung và mấy mũi tên, chàng cầm ngay cung lên rồi lấp tên vào, nhắm ngay lưng tướng giặc bắn một mũi.
Tên giặc rú lên một tiếng ghê hồn, hắn vừa ngã xuống thì con hổ nhảy tới cắn ngay cổ hắn và lôi đi.
Nguyễn Lộc vừa sợ, vừa mừng, khen Từ Sinh:
- Khen anh đó. Anh bắn khá lắm. Còn hai mũi tên kia hãy xem tên nào ác mà thưởng cho nó giúp con hổ đói.
Từ Sinh cầm một mũi tên nữa đặt vào cung và bắn luôn vào ngực một tên, còn mũi tên sau lưng một tên khác.
Xong đâu đấy, chàng ném cung và nằm rạp xuống như kinh sợ, tuy đã đề phòng thú dữ chạy đến.
Sau một lúc giao chiến, bọn giặc không làm sao chống nổi đàn hổ, nhiều tên bị hổ vồ đem đi mất.
Từ Sinh và Nguyễn Lộc thấy thế nguy vì bọn giặc chống không nổi đàn hổ thì chúng xông tới giết đàn tù sạch hết, chàng lấy mấy quả pháo mà tên giặc bị giết còn để lại, đánh đá lửa chăm ngòi và ném vào đàn hổ.
Mấy tiếng nổ long trời phát lên làm đàn hổ kinh hoảng bỏ chạy vào rừng để lại mấy tướng giặc bị thương và đoàn tù yếu ớt. Bây giờ lũ giặc quay lại nhìn Từ Sinh như cám ơn, chúng không hề nói gì, chỉ nhìn nhau ra vẻ sợ hổ đến nữa.
Ðàn ngựa của lũ giặc vì sợ quá nên đã bỏ chạy không còn đến một con nào cả, chúng đành đi bộ như đoàn tù.
Sau khi kiểm điểm lại bên đoàn tù có năm người bị cọp tha, vài chục người bị thương nhẹ. Bên lũ giặc có đến hơn mười người bị cọp vồ đem đi.
Bây giờ tên tướng giặc cầm đầu, với tên cầm đầu bọn phản dân Nam đã chết nên lũ giặc còn lại có lẽ sợ và bối rối, chúng vội vã hò hét bọn tù lên đường vì sợ lũ hổ trở lại.
Thật ra, nếu tên cầm đầu bị chết mà khéo một chút thì cũng không đến nỗi nào bị như thế. Chỉ vì anh ta không có óc chỉ huy và quân lính nhát như thỏ chẳng có trí mưu, nên mới bị tan nát như vậy.
Giá hổ vừa mới xông ra, bọn nào cự thì cự còn bọn nào đốt pháo cho hổ sợ thì hổ đã bõ chạy lâu rồi đâu sát hại được bao nhiêu mạng người.
Từ Sinh nghĩ đến những người trong đoàn tù bị hổ tha, chàng nhủ thầm:
- Thật không may cho họ, rồi đây cha mẹ, vợ con thân thích của họ chờ đợi đến bao giờ mới trở về.
Chàng buồn bã khi nghĩ đến ngày chính thân mình, gặp cảnh gian truân như họ. Ngày ấy đáng buồn biết bao. Ðoàn tù khập khểnh bước đi, qua cảnh nguy nan vừa rồi thế mà họ không có vẻ chi là sợ sệt, trong khi lũ giặc mất vía chỉ mong sao áp giải xong đoàn tù về miền yên tịnh. Bây giờ lũ giặc
không còn hối thúc gầm thét đoàn tù đi mau nữa vì là chúng đi bộ không đi mau hơn đoàn tù.
Ðá gập ghềnh chcó lcó như cản trở người đi, phần thì qua một cơn mất vía kinh hồn bọn giặc thiếu tinh thần hăng hái, chúng không bước mau được.
Rừng núi vẫn một màu vàng úa . Khí lạnh bao trùm khắp nơi , như làm tê tái lòng đoàn tù trên đường nguy khốn .