Hồi tôi còn bé, có lần anh tôi đặt tôi ngồi lên một tấm tôn nóng bỏng. Điều đó đã sớm gây cho tôi niềm hứng thú đi vào nghiên cứu vấn đề “con người và thiên nhiên”. Nhiệt độ tác động đến thái độ của chúng ta, chính điều này đã trở thành nguồn kích thích, khiến cho tôi không bao giờ cạn các câu hỏi mà tôi quyết tìm cho bằng được câu trả lời. Vị trí của con người trong cái guồng khổng lồ của thiên nhiên là gì? Vai trò của nó ra sao? Suất calo mà tôi nhận được lúc bấy giờ, ở đó, trên tấm tôn, tôi lại trả về cho bầu khí quyển sau khi biến nhiệt năng thành giọng, tức thị, theo tôi nghĩ, động năng, bởi xét thấy rằng tiếng nói có được là nhờ các dao động, tức chuyển động. Như vậy, từ thuở nhỏ, một thực tế đã đập vào mắt tôi bảo rằng, tôi là một mắt xích trong chu trình tự nhiên. Khi nào con người nhập cuộc với thiên nhiên để rồi trở thành một phần nhỏ nhoi của nó, còn khi nào thì con người giữ sự tách biệt? Tóm lại - đối với tôi, cái ranh giới giữa sự ràng buộc và sự hòa nhập của con người và tự nhiên đã phải trở thành, do ông anh, niềm đam mê ngay từ thuở nhỏ.
Phải có nhiều nỗ lực sát thực tế và phải nắm được tri thức thì mới mong thỏa mãn được điều này. Chẳng phải đi tìm đâu xa, tôi lấy ngay thực vật học, mà trước hết là động vật học là biểu tượng cho thiên nhiên. Những nỗ lực phấn đấu bền bỉ, những kinh nghiệm thực tế và những cố gắng mà động lực là sự đam mê thầm kín chỉ mình tôi hay đã mang lại cho tôi, trước thiên hạ, niềm vinh quang lớn lao của một nhà bác học. Tuy nhiên, còn lâu mới đạt được thỏa mãn, nên tôi chưa dừng lại. Cho đến nay không một lời giải nào của mình, tôi cho đã đầy đủ. Cái chưa đầy đủ đó và việc lúc nào cũng cảm thấy thiếu những câu trả lời vừa ý là nguyên do khiến tôi đã ở tuổi năm mươi mà còn lặn lội đến làm việc ở một cơ quan nghiên cứu khoa học mới, nằm tít trong một vùng hoang sơ, chỉ có độc một bạn đồng sự đi cùng.
Ở nơi đó khí hậu vô cùng khắc nghiệt. Các quần thể động vật và thực vật cực kỳ phong phú. Một ngôi nhà sàn nhỏ dựng bên một vùng đầm lầy nằm giữa rừng hoang được dùng làm trụ sở của chúng tôi. Cùng với người trợ lý duy nhất, trung úy C., tôi bám trụ ở đó từ mấy tháng nay, chống chọi với cả ngàn tai họa của vùng này và kiên trì tiến hành nghiên cứu đề tài mà tôi thực sự đam mê - bí mật của cộng sinh và sự lệ thuộc lẫn nhau của muôn loài.
Trung úy C. là một chàng trai quả cảm. Anh ta chịu được gian lao, vất vả và dám đối mặt với mọi hiểm nguy, thêm nữa, anh ta tỏ ra là một nhà quan sát tinh khôn. Chúng tôi phải sống trong những điều kiện thật đáng sợ. Nóng bức, chướng khí bốc lên từ đầm lầy gần đó, những trận mưa rào bất chợt, đầy rẫy nhưng loài động vật độc hại, đủ loại bệnh tật, không một liên hệ nào với thế giới con người, lắm thú dữ - trong những hoàn cảnh như vậy chúng tôi không chỉ có sống mà còn phải tiến hành hàng loạt nghiên cứu công phu.
Ít lâu sau, dù muốn hay không, chúng tôi buộc phải thích nghi với môi trường chung quanh, phải hòa đồng và xích lại gần - cả bên ngoài lẫn bên trong - với thiên nhiên. Lông mọc đầy mặt. Móng tay, móng chân không cắt nom tựa móng vuốt. Giọng nói trở nên khàn khàn, lắp bắp, thiếu rành mạch. Còn về trí lực thì chúng tôi đã quên đi cái tinh tế của trí não, chỉ còn giữ được những kiến thức chuyên môn bất biến. Để chiếm đoạt các bí mật của tự nhiên chúng tôi đành phải xóa đi một phần những khác biệt giữa chúng tôi và thiên nhiên. Lúc bấy giờ tôi vẫn chưa có sự thỏa hiệp nhất thời này. Tôi những tưởng rằng, lúc nào rồi cũng sẽ có thì giờ mà quay lại, nghĩa là sau khi làm tròn nhiệm vụ chúng tôi sẽ biết quay về với nền văn minh của con người.
Chúng tôi bị hành hạ ghê gớm nhất là vào quãng từ mười một giờ sáng đến ba giờ chiều; vào giờ đó, vì trời nóng bức không chịu nổi, chúng tôi phải ngừng việc. Mỗi người sử dụng thời gian nhàn rỗi này theo kiểu của mình. Tôi, mệt lử, lăn kềnh trên phản, còn anh bạn trẻ của tôi lánh đi kiếm một bụi cây, vì, như anh ta bảo, ở đó mát hơn chút đỉnh.
Như đã nói ở trên, chúng tôi nghiên cứu sự cộng sinh của các loài động vật. Công việc quan sát của chúng tôi chủ yếu tập trung vào một loài tê giác đã bị tuyệt chủng ở vùng khác. Còn một con mẫu duy nhất hiện đang sống ở khu đầm lầy gần cơ quan chúng tôi. Đó là một cá thể đơn côi, to kềnh, và theo những miêu tả ngày trước cũng như theo quan sát thực tế của bản thân chúng tôi - rất hoang dã và dữ tợn. Bởi vậy chúng tôi chỉ có thể quan sát con vật từ xa, bằng ống nhòm và phải hết mực canh chừng.
Chẳng mấy chốc chúng tôi nhận thấy có một chú cáo đực, nhỏ xíu và xấu xí vốn thường hay vụt biến về phía đầm lầy, cứ lượn quanh con tê giác. Rồi sau đó thấy chúng kề bên nhau khi chúng di chuyển về phía rừng già. Chúng tôi phải bỏ ra mấy tuần lễ để tìm lời giải cho câu đố này. Như vậy là, chú cáo đực lăng xăng chạy đằng trước để chỉ cho con kềnh thú những chỗ dưới đất có mọc củ riềng dại, một món ăn tuyệt hảo mà con tê giác khổng lồ rất ưa dùng. Con tê giác nện một nhát chân, chọc thủng lớp đất, đồng thời mở lối vào hang chồn. Lúc này con cáo đực nhẩy phắt vào hang rồi nhanh nhẩu giao hợp với con chồn cái, lợi dụng chồn đực vắng nhà, vì lúc này nó đang ở tít trong rừng già.
Bằng cách như vậy con tê giác kiếm được món riềng dại ưa thích, còn chú cáo đực trốn được trách nhiệm có liên quan tới việc gây dựng gia đình của mình. Tôi thực sự hết đỗi ngạc nhiên.
Là nhà động vật học tôi thừa biết thói tàn nhẫn và vô liêm sỉ của thiên nhiên, có điều ở đây, trong những điều kiện hoang sơ, chúng kinh khủng tới mức thật khó mà chịu nổi. Tôi vạch tiếp kế hoạch hành động.
- Cần phải dò xét, làm sao con cáo đực lại biết được vào giờ nào thì chồn đực rời hang ổ. Chưa giải thích được điều này thì chúng tôi sẽ không nhích tiếp, dù chỉ là một bước.
Thoạt đầu chúng tôi giả định, những con chuột rừng bằng cách nào đó đã báo cho cáo đực biết, vì chúng hiểu là chúng sẽ được lợi khi cuộc tình choán sao cho thật nhiều thì giờ của con cáo đực, khiến nó không còn để tâm vào việc ăn uống đều đặn nữa. Như ta biết, cáo còn ăn cả chuột. Nhưng giả định đó đã nhầm. Hóa ra thiên nhiên thật là tinh tế. Chính những con khỉ đầu chó giống cái đã báo cho cáo đực biết. Lũ khỉ cái láu cá này đã mách cho nó mọi cơ hội, vì biết các đức ông chồng của mình có bản năng bắt chước phát triển cao, nên lũ khỉ cái tạo cho chúng mọi cơ hội bắt chước nguyên xi các hành động của con cáo đực.
- Thật đáng sợ! - Tối hôm đó tôi nói với anh bạn đồng sự - Trong tôi lâng lâng hai cảm giác. Thứ nhất - ghê tởm và khiếp đảm, tiếp nữa - cực kỳ khâm phục sự tổ chức đến tuyệt hảo của thiên nhiên.
- Tôi phục nhất là sự tổ chức - anh bạn trung úy trẻ vẻ suy tư nói.
- Đến lúc nào đó - tôi nói tiếp - rồi con người sẽ bước vào cái chuỗi phụ thuộc đó trong thiên nhiên. Con người sẽ đóng góp yếu tố giá trị tinh thần vào phần vô tư của bản năng. Không xâm phạm chu trình tự nhiên, ngược lại: trở thành một mắt xích hữu ý của nó, con người ắt ban cho nó một nội dung cao quý hơn nhiều.
Câu hỏi tiếp theo chẳng để cho chúng tôi được yên. Cớ sao lũ chồn đực lại hay bỏ vào rừng làm vậy khi chúng có thể nghĩ rằng, việc chúng vắng nhà hẳn dẫn tới những hậu họa tệ hại, nếu nhìn từ góc độ phát triển sinh học giống nòi của chúng? Câu hỏi này lại càng khó gấp bội khi tôi thường phải làm việc một mình. Anh bạn trung úy than phiền hồi này hay bị đau, chóng mặt, nói năng lúng búng tựa hồ người lên cơn sốt rét hoặc bị bóng đè, ngủ thì như chết, ngáy khò khò. Tôi chẳng thể bận tâm chuyện đó được lâu, bởi lẽ chúng tôi lại khám phá ra một chuyện ly kỳ. Số là thế này: một con trăn lợi dụng sự lơ đễnh của lũ khỉ do hành động ô danh của con cáo đực tạo nên liền lẻn vào bắt bầy khỉ con.
- Kỳ quặc đến thế là cùng! - buổi tối hôm đó tôi nhận xét như vậy. Trung úy nằm dài trên phản. Ngày hôm đó anh chàng cảm thấy khó ở trong người, thậm chí vào giờ nhẽ ra anh ta thường đi dạo trong rừng sâu - từ mười một đến ba giờ - thì lần đầu tiên lại thấy anh ta ở trong lều. Quả tôi không tài nào hiểu nổi. Tôi nói - Chao ôi, giá mà tôi biết được, ở đâu trong cái thế giới đầy khát vọng và đói kém này còn chỗ cho con người. Anh bạn nghĩ sao về điều này nào?
- Tôi biết đâu đấy... - trung úy đáp trong mơ màng.
Bỗng một tiếng rầm dữ dội làm lung lay căn lều của chúng tôi. Tôi vớ vội khẩu súng săn hạng nặng đoạn ngó ra ngoài: dưới ánh trăng thấy một con tê giác to kềnh đang húc mạnh vào cột nhà, nâng toàn bộ ngôi nhà lên. Chẳng thể chần chừ được nữa, tôi ngắm bắn...
- Đừng bắn! - chàng trung úy thét lên hốt hoảng, đoạn hất nòng súng lên cao - Anh có nghe nói về chú chim nhỏ gọi là ugupu?
- Cậu điên rồi hả?
- Anh mà bắn con tê giác thì chú chim ugupu sẽ bị thiệt thân đó!
- Chuyện vô lý.
- Trăn ăn thịt chim nhỏ ugupu, trừ phi nó bận bịu với việc chén thịt lũ khỉ con.
- Vậy thì sao nào?
- Con tê giác mà không còn cùng với cáo đực đi kiếm củ riềng dại nữa thì lũ khỉ sẽ có nhiều thì giờ hơn để trông nom đàn con và như vậy trăn ắt ăn thịt chim nhỏ ugupu!
- Thôi, đủ rồi. Ông nghe đây! - tôi quát - Tôi cần quái gì phải lưu tâm đến con chim ugupu nào? Chỉ trong chốc lát là con tê giác lật nhào ngôi nhà của chúng ta cho mà coi!
- Chim ugupu đâu phải là loài chim bình thường. Nó ăn một thứ lá đặc biệt mà sau khi tiêu hóa...
Giọng anh ta bị ngắt quãng.
-... Cho rượu - chàng trung úy thì thào tiếp - Một hoa phân khô của chim ugupu đem hòa với nửa lít nước...
Trong đầu tôi lóe lên một ý nghĩ.
- Vậy với thứ rượu đó thì cậu làm gì nổi con tê giác nào? - tôi quát to, dí súng vào ngực anh chàng. - Nói đi, nói ngay!
- Hằng ngày tôi vẫn xoa bóp cho nó mà, từ mười một giờ sáng đến ba giờ chiều. Cứ sau mỗi lần mát-xa như vậy là nó thèm ăn củ riềng dại.
Tôi hiểu ra rồi. Ngày hôm đó chàng trung úy mải chơi với chú chim ugupu mà quên việc chăm sóc tê giác. Con tê giác bị mất bữa tẩm quất thân chinh đến đòi. Nửa giờ sau đó, con kềnh thú ra đi, vẻ hài lòng.
Thế rồi, chàng trung úy không quay trở về với nền văn minh của con người nữa. Thiên nhiên đã nuốt mất anh ta.
Còn tôi, mãi sau này tôi mới rõ, cớ sao chồn đực lại hay bỏ hang ổ vào rừng làm vậy: để được yên thân.
Người dịch: Lê Bá Thự