Bắt đầu chúng tôi phá đội bóng chuyền của trường. Bóng chuyền trở thành môn thể thao phổ thông từ những ngày hậu phương kháng chiến. Chúng tôi không thích bóng chuyền mà chỉ thích bóng tròn. Vì bóng tròn là ngón thể thao duy nhất của chúng tôi. Buổi trưa, chúng tôi rủ nhau đi học sớm, khuân đá vất đầy vào sân bóng. Tan học, bọn tuyển thủ gà nòi của trường, trước khi tập luyện, phải dọn bãi mờ người. Chúng tôi ra xem, đứng cười thích thú. Như thế vẫn chưa đử, chúng tôi còn nhổ một cột căng lưới, đem thả xuông sông. Bọn ham bóng chuyền không nản, tìm cột khác. Chúng tôi thủ tiêu lưới, chúng nó đánh bóng bằng lưới tưởng tượng. Đến ngày chúng nó chịu hết nổi, chúng nó mách thầy Lô. Dĩ nhiên, tôi "ba gai" Hoàng Văn Lộc doạ đánh đứa nào mách. Thầy Lô xuề xoà bỏ qua.
Bất ngờ, trường Nguyễn Công Trứ mời trường Trần Lãm đấu giao hữu bóng chuyền. Trường tôi thua bét ti. Vì tự ái của trường chúng tôi thôi phá đội bóng chuyền và cổ võ nhiệt liệt. Tuy lớp tôi không có thằng nào được đại diện đấu bóng thi mà vẫn hy vọng bọn đàn em sẽ rửa cái nhục cho cả trường. Tôi bỗng yêu ngôi trường của tôi ghê quá. Tôi không muốn trường tôi thua trường Nguyễn Công Trứ. Tôi ghét cái ngôi trường công bệ vệ và hách dịch. So với trường tôi, nó là anh nhà giầu quyền thế. Còn trường tôi, ngôi trường mái rạ, vách bùn lụp xụp của tôi, khiêm tốn đến nỗi hèn mọn. Các ông thầy trường công chỉ dạy chúng tôi khi các ông ấy rảnh rang. Chúng tôi đúng là đứa con nuôi bị hắt hủi. Tôi chợt nhớ tiểu sử anh dũng của tướng quân Trần Lãm, người đã hùng cứ vùng Bố Khẩu, sau này Đinh Tiên Hoàng theo ngài, nối nghiệp ngài, dẹp tan mười hai sứ quân đẩ mở kỷ nguyên sáng tạo Đại Cồ Việt. Còn Nguyễn Công Trứ cũng đã xuống Tiền Hải khai hoang nhưng sự nghiệp của Nguyễn Công Trứ không huy hoàng bằng Trần Lãm. Nguyễn Công Trứ đâu dám nổi loạn mưu đồi đại sự, dọc ngang vùng vẫy một phương trời? Trần Lãm phải thắng Nguyễn Công Trứ. Trường tôi mang tên ngài, chúng tôi hãnh diện vì cái tên ấy.
Lớp đệ lục có vài anh lớn. Và "anh em thằng Phụ" đã là danh tài bóng chuyền. Hai đứa quê ở Kiến Xương lên tỉnh trọ học. Hồi Tây chưa về Thái Bình, làng thằng Phụ luôn luôn đạt giải nhất bóng chuyền tỉnh, được đại diện tỉnh và đoạt giải nhất bóng chuyền liên khu ba. Không ai dạy những thanh niên miền quê này nghệ thuật bóng chuyền. Họ nghĩ muốn thắng phải biết đập và đập bóng khiến đối phương hết đỡ. Và muốn đập mạnh, đập trúng, phải biết nhẩy cao. Họ đã đào lỗ, đứng dưới nhẩy lên.
Mới đầu, cái lỗ nông, sau cái lỗ sâu. Chưa thoả mãn, khi họ đập một người nằm cong lưng cho đồng đội đứng lên, nhẩy thật cao mà đập. Anh em thằng Phụ là hai cây đập trứ danh của đội bóng chuyền trường Trần Lãm. Chúng tôi cổ võ hai anh em nó. Ngày nào chúng tôi cũng ra sân coi lớp đệ lục trau dồi nghệ thuật, chờ ngày rửa cái nhục thảm bại. Ít tuần sau, Trần Lãm thắng Nguyễn Công Trứ. Kể từ đó, hai trường ghét nhau ra mặt, mời nhau đấu bóng chuyền mỗi tuần. Không làm sao có thể quên nổi quang cánh và không khí của từng trận đấu bóng thi giữa hai trường. Ở đó, tình yêu và lòng hiếu thắng nó ôm lấy nhau, quấn quýt nhau. Linh hồn vủa những kẻ đứng ngoài gửi cả vào những bàn tay của đám gà nòi. Những cú đập của thằng Phụ và anh nó làm cho trái tim Trần Lãm muốn tung khỏi ngực. Ôi, những quả bỏ nhỏ, những quả rốn dài phóng sâu sáng phía địch khiến địch chạy giật lùi ra khỏi vệt vôi dưới sân đỡ bóng một cách vất vả mà vẫn mô ve! Nhưng khi địch đập tàn nhẫn, trái bóng xoáy xuống sân đất, thằng Phụ ngã đỡ bóng không nổi, những trái tim đau nhói, tưởng chừng vừa bị ai đấm trúng ngực mình.
Hai trường găng nhau. Làng thằng Phụ có vài đứa học Nguyễn Công Trứ. Chúng nó bốc người lên đấu bóng chuyền. Thằng Phụ cũng bốc anh em ở làng nó lên. Thế là hai đội bóng rặt người làng thằng Phụ. Nhưng tranh đấu tận tình. Cổ võ biến thành đôi co, bới móc nhau. Rồi suýt ẩu đã. Trọng tài các trận đấu tranh giải là ông tú tài võ kiêm chủ hiệu đồng hồ Lâm Văn Ty. Ông này tốt nghiệp khoá thể dục thể thao hồi xưa. Tán cư, ông thất nghiệp. Về tề, ông mở hiệu sửa đồng hồ. Từ ngày thị xã mở trường trung học Nguyễn Công Trứ, ông được bổ vào dạy thể dục. Vì ông thổi còi bênh trường ông nên chúng tôi gọi ông là tú tài võ. Ông tú tài võ hay ăn gian lắm. Ông bị la ó tơi bời. Song Trần Lãm luôn luôn quật ngã Nguyễn Công Trứ về bóng chuyền dù nhiều bận đấu day go, thắng thua có hay ba trái.
Thất bại bóng chuyền, Nguyễn Công Trứ mời Trần Lãm đá bóng tròn. Nguyễn Công TRứ có thằng Hanh, thằng Chí - bây giờ làm báo, xếp sòng hãng thông tấn. Tin Việt, bút hiệu Anh Phan - đá bóng kền lắm. Dân An Tập mà. Chúng tôi có Trần Danh Môn, Trần văn Trúc, Lê Huy Luyến, Nguyễn Thịnh, Đàm Viết Minh. Con nhà Môn đã từng khoác áo đội bóng tròn thị xã, đá với Nam Định, sinh viên sĩ quan Nam Định thời mà những gôn Nhuận, gôn Lâm đã chìm trong quên lãng. Nguyễn Thịnh đứng đờ mi. Nó đá không hay song bóng trúng chân nó, nó đá thật mạnh. Trái bóng băng một tiếng, xé không khí vút đi. Thường là đi ra ngoài vệt vôi biền! A văng xăng Trần Danh Môn thao túng sân cỏ. Con nhà Hanh, con nhà Chí lâu lâu tống vài trái vào khung thành, đều bị Lê Huy Luyến tóm hết. Bóng tròn là nghề của Trần Lãm. Chúng tôi hạ Nguyễn Công Trứ tan tành. Về thể thao, Trẫn Lãm vô địch học sinh tỉnh. Văn phòng hiệu đàon của chúng tôi ngổn ngang cờ tặng và cúp. Bích báo do thằng Bính phở - nhà nó bán phơ nên mang tên Bính Phở - làm chủ bút, đa9ng toàn tin thắng giải. Nó viết bài tường thuật trận đá bóng, coi trường Nguyễn Công Trứ như đám tầu ô thất trận. Cụ cử Rư từng khen Bính phở là luận hay, sau này có thể viết báo được. Cụ đã đoán sai. Bính phở không bao giờ viết báo, viết văn như cụ đã hy vọng. Nó trông coi một tiệm phở ở lục tỉnh!
Các thầy cô giáo thường đoán sai về tương lai của học trò. Cụ cử Rư bảo sau này, Bính phở thành nhà báo, nhà văn, nó lại tiếp tục nghề của ông via nó. Tứ là thái thịt bò, nhúng bánh phở và thân thể sặc mùi gây. Cụ cử Rư quả quyết lớn lên, tôi đi làm tướng cướp, giết người đốt nhà, tội lại cưỡng định mệnh do cụ an bài để theo đuổi cái nghề viết báo cao quí của cụ. Tôi vẫn ân hận giá đủ tài làm tướng cướp, biên thùy một cõi vẫy vùng, chắc chắn trái trứng mộng ước dễ nở ra con gà èo ọt rồi chết cúm hơn là vẽ mộng ướng bằng văn chương. Để mộng ước khô queo rồi đọng thành mưa buồn rơi xuống lòng mình.
Nửa năm học đệ ngũ chỉ có thế. Sự ồn ào ở sân bóng chuyền, sân bóng tròn mất dần đi. Trần Lãm đã thắng. Không còn gì để thắng thêm. Quen thói pháp phách, nghịch ngợm, chúnng tôi bắt đầu phá các thầy. Nhưng chẳng quá gì cho nên trò trống, vì chưa thằng nào đủ tài chọc nổi thầy Quý cười. Chúng tôi đành đến nhà Thịnh, nhờ nó dạy đánh đàn măng đô lin, lục huyền cầm y pha nho. Những ngày ở hậu phương, Đặng Xuân Côn, Nguyễn Thịnh học nhạc ông Quýnh. Ông Quýnh từ Hà Nội tản cư về Ô Mễ. Ông dạy hai đứa lý thuyết âm nhạc và các thứ đàn giây. Côn chơi băng giô an tô, Thịnh vĩ cầm. Sau này, nó tự học lục huyền cầm và tập tễnh sáng tác nhạc. Bài lý thuyết đầu tiên Thịnh dạy chúng tôi là "Âm nhạc có bảy nốt là do, ré, mim sol, la, si. Âm nhạc là gì? Đó là nghệ thuật dụng thanh âm để diển tả tình cảm vui buồn của con người." Học xong khuôn nhạc, giòng nhạc, khoá nhạc, Thịnh "vỡ lòng" chúng tôi bản Lên Đường của Hùng Lân. Rồi nói bắt chúng tôi "đánh thuộc lòng các bài Tiếng Gọi Sinh Viên, Mặc Niệm Chiến Sĩ Trận Vong. Hồi ở hậu phương, Đặng Xuân Côn, Nguyễn Thịnh và ban nhạc của hai đứa chỉ cần chơi các bài Chào Cờ, Mặc Niệm Đuốc Gươm Thiêng, Chiến Sĩ Việt Nam, Giải Phóng Quân mà được trình diễn" lưu động khắp huyện mỗi khi có đại hội. BAn nhạc được ăn cơm với thịt kho tầu và ngồi chung bàn với cán bộ huyện!
Vào dịp này, những bản Lỡ Chuyến Đò, Bến Cũ, Một Chuyến Đi của nhạc sĩ Anh Việt bầy bán ở hai hiệu sách Đông A và Hoc Hải. Chúng tôi tập kỹ lưỡng. Thị xã càng ngày càng tấp nập. Hiệu thuốc Kim Thanh, nhãn hiệu Con Ngựa Hồng Phi Trình Tòa lên tận Hà Nội mua về cái máy hát có "ci cô" và "ô pác lơ" lớn treo ngoài cửa. Cái máy hát lải nhải suốt ngày Hoa Rơi Cửa Phật và dăm bản cải cách do Bích Thuận, Kim Chung hát. Đứng gần cầu Bo vẫn nghe thấy tiếng "mi cô" léo nhéo quảng cáo thuốc cao đan hàon tán của nhà thuốc Kim Thanh ở cổng chợ Vọng Cung. Chợ tỉnh đã rời về Vọng Cung. Thịnh mơ mộng lắm. Nó muốn biết nhà thuốc Kim Thanh thàn hđài phát thanh... thương mại thị xã.
Thịnh trổ tài ngoại giao với ông chủ nhà thuốc. Và bạn nhạc của chúng tôi được "trình bày" mỗi sáng chủ nhật. "Đàn hát vào mi cô, nghe hay lạ vô cùng". Tịnh nói thế. Chương trình của chúng tôi gồm có hòa tấu, đơn ca, hợp ca và xe giữa là đọc "phước thiện" những món thuốc của ông chủ Kim Thanh. Tôi lãnh nhiệm vụ xuống ngôn viên kiêm quảng cáo thuốc.
- Thưa đồng bào, đây là nhà thuốc Kim Thanh nhãn hiệu Con Ngựa Hồng Phi đã trình toà. Hôm nay, chúng tôi trân trọng giới thiệu bạn nhạc Nguyễn Thịnh trình bầy nhiều bản nhạc cải cách giúp vui. Mở đầu, ban nhạc hoà tấu bản Lên Đường.
Đàm Viết Minh đệm guitare. Nó tủ mỗi "ác co rê ma dzơ".
- Ré majeur về La 7 về Ré majeur, cứ thế mà đệm.
Giáo sư Thịnh "phán". Tất cả các bản nhạc đều về..."rê ma dzơ" như tất cả các con đường đều dẫn tới La Mã! Đôi khi MInh quên, nốt "rê" cuối cùng của câu nhạc, nó quể đổi "ác co" cư "la xết" mà quạt chát chinh, chát chình. Bản Lên Đường của Hùng Lân "làm thịt" xong, tôi phải đọc tờ giấy đánh máy:
- Kính thưa đồng bào các giới. Đây, nhà thuốc Kim Thanh, nhãn hiệu Con Ngựa Hồng Phi đã trình toà, số nhà 38 đường Lê Lợi, Thái Bình. Đàn bà kinh nguyệt không đều, bạch đái khí hư, hữu sinh vô dưỡng, hậu sản, hãy mua ngay "Điều kinh bổ huyết" của nhà thuốc Kim Thanh mà uống. Cam đoan sẽ dứt bệnh...
Tôi đã nín cười mỗi khi đọc tới chỗ "kinh nguyệt không đều, bạch đái khí hư" hay "mộng tinh, di tinh, hoạt tinh, lãnh tinh". Cứ alô, alô xong một món thuốc quái giở và tục tĩu, ban nhạc Nguyễn Thịnh lại chơi một bài nhạc.
- Sau đây, bạn Nguyễn Thịnh đơn ca bản Ai Về Sông Tương của Thông Đạt.
Thịnh đuổi chúng tôi ra đường nghe. Nó tay đàn, miệng ca. Chúng tôi bèn khen loạn cả lên. Chương trình tũan nào cũng từng ấy bài nhạc, từng ấy môn thuốc. Cho đến ngày tôi phá ra cười vì muôn thuốc "nhện nướng thành than, tán nhỏ, rây kỹ bào chế với món thuốc gia truyền chuyên trị đái dầm" thì ông chủ nhà thuốc Kim Thanh "bãi bỏ giao kèo". Ban nhạc Nguyễn Thịnh mất phô diễn nghệ thuật. Nhưng ban nhạc đã gây tiếng vang. Hôm ông tỉnh trưởng Nguyễn Đăng Viên chủ tọa một buổi lễ ở phòng thông tin đã mời ban nhạc Nguyễn Thịnh đến giúp vui. Các viên chức lớn, giáo sư, giáo viên đứng nghiêm chào cờ khi chúng tôi đánh bài Tiếng Gọi Sinh Viên. Rồi cúi đầu đến mỏi cổ chờ ban nhạc "quại" bài Mạc Niệm! Và, trong lúc quan khách Tây, ta nhồm nhoàm bánh ngọt, chúng tôi hợp ca bản Vượt Sóng Trên Sông Volga, dô tà, dố tà inh ỏi.
Tỉnh trưởng Nguyễn Đăng Viên vỗ tay lốp bốp khiến các quan Tây vỗ theo. Nguyễn Thịnh cao hứng, rút ống sáo dắt túi quần sau ra thôi một câu. Rồi gân cổ ngâm sa mạc "Quê tôi khói lửa ngút trời. Con tim se sắt trông vời quê tôi, lệ nhỏ tơi bời..." trước khi cất giọng "Ai qua miền quê binh khói, nhắn giúp rằng nơi xa xôi" của Hoàng Giác.
Nguyễn Thịnh có khuôn mặt gồ ghề, lỗi lõm. Tôi nghĩ nó phải đến thợ gò lại mặt hay để xe tăng đè lên mới phẳng phiu được. Nó bị cái sẹp to tướng đóng đô giữa đầu. Vì sợ câu sẹo đầu sẹp cổ ăn đổ tiền tao tànhh thử, Thịnh nuôi tóc rất dài, rậm. Nó chải cánh phượng, tóc lật trùm lấp cái sẹp. Thịnh là thằng học trò chải đầu "bi ăng tin" duy nhất của trường Trần Lãm. Nó hát gân xanh ở trán nổi hết lên, trông thật bẩn thỉu. Thế mà nó cũng được vỗ tay tán thưởng. Chắc giọng nó hay nhờ mỗi sáng sớm, thò đầu vào chum nước luyện giọng cho ấm!
Thầy Quý đi dự buổ lễ này. Thầy "chấm" ban nhạc của chúng tôi. Thế là ban nhạc được nhà trường "chiếu cố". Thầy Quý là giáo sư trường Nguyễn Công Trứ song thầy yêu trường Trần Lãm hơn. Học trò cả hai trường đều kính mến thầy. Ban nhạc Nguyễn Thịnh ra mắt học sinh toàn tỉnh vào một ngày đại hội cái trường tại sân vận động thị xã.