Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tuổi Học Trò >> Trường Cũ

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 8022 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Trường Cũ
Duyên Anh

Chương 8

Nhưng không chán yêu thầm "con đẹp quá". Nàng vẫn là niềm mơ ước chung của bốn đứa chúng tôi.. Mỗi đứa đều thầm đọc ca dao Ước nàng là quả dưa hồng. Để ta được bế, được bồng, được mang... Đàm Viết Minh thích đọc những câu thơ không rõ xuất xứ:
- Thấy gái hồng nhan bỗng chốc mà
Hỏi thăm cô ấy chưa hay đà
Ăn mặc ra phường người ở chốn
Nói năng phải lễ giống con nhà
Ước gì ta đựợc mà ta để
Ta để đem về để nữa ta...
Tôi hỏi Minh:
- Để nữa ta.. làm gì?
Minh đáp:
- Chúng ta sẽ bàn tính sau. Có phải của riêng tao đâu.
Minh cảm khái:
- Kim Liên, em hỡi Kim Liên
Anh đưa em đến một miền yêu đương
Nếu nàng của riêng tao, tao sẽ đưa nàng đi thật xa. Tao là nhà cách mạng mà.
Minh đã vì nàng mà làm nhiều bài thơ. Còn Thịnh thì vừa sáng tác bản Chợ chiều mà lời diễn tả cô em trong chợ chiều chờ chàng trai qua lai.
Bây giờ, Thịnh thích ôm đàn lục huyền nghêu ngao Ai có về bên bến sông Tương, nhắn người duyên dáng tôi thương, mối tình tôi vẫn cô đơn... Chúng tôi cũng không thích cái trò bắn giây thép vào nón nữ sinh của Lộc nữa. Những giờ Việt văn bỗng thích thú quá. Năm nay học Đọan Trường Tân Thanh của Nguyễn Du và Tỳ bà hành của Bạch cơ Dị. Hôm thi đệ nhất lục cá nguyệt, thầy Đàn ra đề luận về nàng kỹ nữ trên bến Tầm Dương. Đặng Xuân Côn đã đọc ở Tiểu thuyết thứ bẩy một cái tùy bút của tác giả nào đó, để tặng Nguyễn Tuân, mở đầu bằng hai câu thơ:
- Khóm trúc thêm tuôn giòng lệ cũ
Con thuyền buộc chặt mối tình già
Côn ta khen hay rối rít. Nó xin phép thầy, về nhà xé bài bùy bút trong bộ Tiểu thuyết thư bẩy cũ kỹ, đem đến lớp ngồi chép lia lịa. Bửu bối làm luận của chúng tôi là những cuốn sách Luận đề về... của hai ông Nguyễn Sĩ Tế và Nguyễn Duy Diễn vừa tung ra thị trường... thi cử. Chúng tôi phục hai ông này lắm. Hễ thầy cho đề luận về Nguyễn Công Trứ, chúng tôi tra cuốn Luận đề về Nguyễn Công Trứ chép vài đọan. Và vài đọan chép này thường bị thầy gạch bỏ. Thầy tôi biết ngay chúng tôi chép ở sách nào. Thầy không đồng quan niệm văn học với hai ông Nguyễn Sĩ Tế, Nguyễn Duy Diễn. Thầy bảo loại sách này chỉ giúp học sinh học tử. Đó là quan niệm sư phạm của thầy. Sau này, có dịp đọc lại lọai sách Luận đề về... tôi thấy mình phục thiên hạ một cách rất nhảm! Tôi còn buồn cười khi viết thơ văn của Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương bị ví như những lá số tử vi. Và mỗi ông giáo sư luận giải một kiểu như thầy đóan số. Tôi không tin rằng câu Cái nóng nung người nóng nóng ghê của Nguyễn Khuyến diễn ý dân tộc khao khác cuộc nổi dậy diệt thực dân Pháp. Tôi đã viết nhiều bài "nặng" lắm, có vẻ cách mạng lắm. Nếu chó ngáp phải ruồi, tôi được cuốc bộ vào văn học sử và nếu tôi chưa kịp chết, người ta đã vội kết luận văn tức là người và vu vạ tôi cái tội có tư tưởng cách mạng thì tôi sẽ cười bò ra. Tôi biết, khi tôi viết văn chương đao búa là lúc tôi bốc nhằng. Tôi chả có tâm hồn cách mạng tí ti ông cụ nào.
Vì thầy Đàm đọc nhiều, nhớ kỹ nên bài luận thi lục cá nguyệt của Đặng Xuân Côn chỉ được có 5 điểm gọi là điểm... chép truyện của thiên hạ. Số điểm của tôi cũng lem nhem. Nhưng tôi đã cười bò ra khi thầy khen bài của Nguyễn Minh Định mở đầu bằng câu Từ ngày bị biếm... Ôi, bài luận lời văn quê mùa quá thể. Chữ con nhà Định lại to bằng con ruồi. Thế mà, sau này, nó đậu cử nhân văn chương giáo khoa, tốt nghiệp đại học sư phạm, bằng ngôn ngữ Anh văn Oxford, bằng văn chương Mỹ-Michigan. Ái chà, thằng này bằng cấp cả đống, kể ra không xuể. Nó học đến nỗi phải ép phổi mà chẳng biết tí "hương đêm" nào của cuộc đời. Con nhà Định có máu quân tử Tầu. Ông anh nó là lính nhẩy dù Nguyễn Minh Tiến, chiến đấu cho quê hương mất một mắt, một chân, đã nhiều lần khuyên nó... tiểu nhân một ly thôi. Cho đời đỡ khổ. Nó nhìn bốt phía, chỉ thấy thầy Khổng thầy Mạnh.
Nó bị đời đá lên đá xuống vì "thói" quân tử. Bằng cấp đông thế, tốt nghiệp đại học sư phạm điểm cao, hạng cao, mà Định vẫn được phút xuống Gò Công dạy học. Một năm, nó là chánh chủ khảo kỳ thi vào đệ thất, do cái sự đông bằng lớn. Ông hiệu trưởng của nó đã "hứa" tuyển một số học trò vào trường công.
Và bảo nó "thông cảm" thì sẽ được "thông cảm". Nó không nghe. Thi xong, kết quả công bố đàng hoàng, người quân tử Nguyễn Minh Định hủy bỏ cuộc thi, bắt thi lại. Dĩ nhiên, những cậu đã được ông hiệu trưởng hứa hẹn đi đoong hết. Và sau đó, quân tử Định đi về... Bạc Liêu! Bộ xử kiện, nó thua.
Người quân tử của nền giáo dục thua đau đớn. Không oán hận, nó vẫn dạy học trò tận tâm, thừa thì giờ dạy thêm hay bầy trò văn nghệ, nhất định chẳng đánh bạc, la cà các quán rượu. Nguyễn Minh Định xứng đáng là học trò của thầy Lâm Hữu Bàng, Nguyễn Cao Đàn. Học đường không phải là chỗ tập ăn cắp hay âm mưu ăn cắp. Bây giờ Định được mò về Phú Lâm, dạy ở trường Mạc Đĩnh Chi. Tôi phục nó lắm. Nếu ta không thể làm quân tử, ta nên phục những người quân tử trong thiên hạ. Trường Trần Lãm không đào tạo ra những người xuất chúng nhưng đã đào tạo ra những người đầu đủ thiện lương. Trường của tôi đã có Hà văn Uông gửi hai cái chân xuống lòng đất quê hương, ngày ngày ngồi cô đơn trên xe, mơ chuyện lấy vợ và hồi tưởng thuở đeo lon đại uý dọc ngang khắp chiến trường. Trường của tôi có Trần Danh Môn, Đào Vũ Điến, Vũ Tiến Mẫn, Phạm Thế Ph., Đào văn Lượng, Vũ Khắc Niệm, Bùi Thọ Ngọc vân vân đang ở các binh chủng trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Những người đó chưa đánh bóng ngôi sao của mình song đều đã làm đầy đủ bổn phận. Và tôi, tôi cũng có bổn phận nói cho họ nhớ rằng họ là học trò trường Trần Lãm.
Môn học Anh văn, Việt văn, Pháp văn đối với tôi đều vô tích sự. Tôi biết thưởng thức những bài thơ tình của Nguyễn Bính, Xuân Diệu từ thuở "a dua" Thịnh, yêu Lê Thùy Kim Liên. Tôi đã chép vô khối thơ và thuộc bộn. Nhờ thuộc thơ tình, ra đời tôi đỡ vất vả. Nói chuyện với con gái, không thể đem định lý Thalès, hệ thức Chales hay đường... phân giác ra được.
Chẳng lẽ bắt các em nghe cái sự tam giác quay chung quanh một trục thì biến thành cái khối! Hay lôi cụ Cao Bá Quát bàn về vụ uống rượu tiêu sầu? Không, cần đem thơ Xuân Diệu ngâm nga các em mới cảm, mới khấm khá nổi. Món toán tủa thầy Lô, do đó, cũng vô tích sự. Thầy Lô, như tôi đã nói, có một trăm bài toán hình học với bài giải đầy đủ mà thầy sưu tầm từ những năm còn học trường Bưởi. Những bài toán này "nhà nước bảo hộ" đã dùng làm đề thi trung học ở Đông Dương. Thầy Lô ghi cả năm thi và nơi thi như Nam Vang, Vạn Tượng, SàiGòn, Huế, Hà Nội dưới đề thi. Hoàng văn Lộc đến mượn thầy về chép hết cả bài giải. Nó nại cớ nghiên cứu trước, làm đi làm lại hoài cho... trúng tủ. Thầy khoái lắm và cho mượn luôn. Vậy là bài tập hình học nào Lộc cũng mười chín điểm. Nhưng hôm trả Bài tập, nó phủ lỉnh. Vì thằng nào điểm cao, thằng ấy phải lên bảng chữa bài làm mẫu. Mà Lộc lại chỉ... chép bài giảng sẵn.
Dạo đó, trường mượn một anh thư ký. Anh chàng này giống hệt nhân vật Le petit chose. Chúng tôi gọi hắn là Petit chose. Hắn đã khổ sở vì chúng ôi mỗi lần vào lớp đọc thông cáo dục đóng tiền học phí và mời một lô học trò chầy học phí lên văn phòng.
Chúng tôi chơi thân với Petit chose. Các bài thi lục cá nguyệt về toán lý hóa, tôi và Lộc chỉ cần vẽ hươu vẽ vượn. Và chờ phút chót, nhét dưới bài của Lê Huy Luyến, nộp cho thầy Lô. Thầy giáo sấp bài thi cho Petit chose cất vào tủ ở văn phòng, đợi ngày thầy chấm. Nhưng thầy chưa kịp chấm, Hoàng văn Lộc đã dùng "áp lực" bắt Petit chose phải để nó rút bài của nó và tôi ra.
Chúng tôi đem về cứ các bài giải mẫu của thầy Lô mà "tương" vào bài của mình. Lại đóng khung đóng khiếc đàng hoàng, sạch sẽ lắm. Thầy Lô hài lòng. Thầy phê "giỏi" và tặng mười chín điểm. Chỉ tiếc, hôm trả bài thi, Hoàng văn Lộc và tôi cùng phú lỉnh. Hậu quả của sự phú lỉnh các giờ học là hôm nay, tôi lêu bêu ngoài cuộc đời, sống vất vưởng bằng ngòi bút của mình và không bao giờ được làm... công chức chính ngạch! Dẫu loay hoai "tham chính", chạy vạy mỏi chân, đời chỉ phát cho tí "khế ước" không thì "phù động". Bởi vì tôi không có mẫu bằng lớn nào. Còn Hoàng Văn Lộc, bị động viên vô Thủ Đức, bỗng bùi tai nghe tiếng gọi cách mạng, đào ngũ, vào chiến khu Nam Ngãi chống ông Diệm. Bây giờ nó sắm vai trung sĩ, vai đeo máy ảnh, chạy lăng xăng dưới quyền sai phái của các xếp. Hào khí thuở học trò của nó đã chết. Tôi thương nó nhất.
Ôi, chuyện hôm nay kể ra làm chi nhỉ? Ngôi trường cũ, cái nôi êm ái của thời niên thiếu, đâu nỡ ru đám học trò tỉnh lỵ ngủ đi trong giấc mơ oan nghiệt. Tại cuộc đời, tại số phận cả. Vậy đừng trách thầy cũ, trường xưa. Hãy tự an ủi mình bằng... số tử vi và đừng quá "phẫn" làm liều hay hủy diệt thiên lương của mình, hỡi những người học tro Trần Lãm, hỡi những người học trò đã rời trường cũ, sắp rời trường cũ!

<< Chương 7 | Chương 9 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 333

Return to top