Đôly sắp đi nằm thì Anna bước vào trong bộ quần áo ngủ.
Ban ngày, Anna đã mấy lần mon men đến những chuyện tâm tình nhưng mỗi lần, cứ nói được vài câu, nàng lại ngừng bặt. "Ta sẽ trở lại những chuyện ấy sau, khi chỉ có hai chị em mình với nhau. Em có nhiều điều cần nói với chị", nàng đã nói vậy.
Vậy mà giờ đây, còn có hai người, Anna cũng chẳng biết nói gì. Nàng ngồi bên cửa sổ, nhìn Đôly, điểm lại trong trí nhớ tất cả những chuyện tâm tình dự trữ sẵn định thổ lộ tưởng như không bao giờ cạn và chẳng moi ra được điều gì cần nói. Hình như mọi chuyện đều nói cả rồi.
- Kitty có khoẻ không? - nàng vừa nói, vừa thở dài đánh thượt và nhìn Đôly, vẻ phạm lỗi. - Chị Đôly, chị hãy nói thật với em: cô ấy có giận em không?
- Giận cô ư? Ồ, không đâu! - Đarya Alecxandrovna mỉm cười nói.
- Nhưng cô ấy ghét em, khinh em phải không?
- Không! Nhưng cô biết đấy, chuyện đó không thể tha thứ được.
- Phải, phải, Anna vừa nói vừa, quay mặt đi và nhìn qua cửa sổ. - Nhưng, em đâu có tội. Mà ai là kẻ có tội kia chứ? Thế nghĩa là thế nào? Có cách nào khác không ? Chị nghĩ thế nào về chuyện đó? Có thể nào chị lại không phải là vợ anh Xtiva được?
- Thật tình, tôi chẳng biết gì cả. Nhưng cô hãy nói cho tôi hay…
- Vâng, vâng, nhưng ta chưa nói xong chuyện Kitty. Cô ấy có sung sướng không? Nghe nói Levin là người khá lắm thì phải.
- Nói vậy còn chưa đủ. Tôi chưa từng thấy người đàn ông nào tốt hơn.
- Ôi! Thật đáng mừng! Em rất mừng! Nói đó là người khá lắm còn chưa đủ, - nàng nhắc lại.
Đôly mỉm cười.
- Nào cô kể về mình đi. Tôi với cô còn phải nói chuyện dài. Tôi đã nói chuyện với… - Đôly không biết nên gọi chàng thế nào. Gọi là "bá tước" hay "Alecxei Kirilovich", bà đều thấy ngượng mồm.
- Với Alecxei, - Anna đỡ lời. - Em biết chị và anh ấy đã nói chuyện với nhau. Nhưng em muốn hỏi thật chị nghĩ thế nào về em, về cuộc đời em?
- Làm thế nào bất mà chợt nói ngay được? Thật tình, tôi không biết đâu.
- Không, dù sao chị cũng cứ nói cho em nghe… Chị đã thấy em sống như thế nào rồi đó. Có điều chị nên nhớ là chị đến thăm chúng em vào mùa hè, giữa lúc không phải chỉ có hai chúng em thôi… Nhưng chúng em đến ở đây từ đầu xuân, sống hoàn toàn chỉ có hai đứa với nhau, rồi sẽ lại chỉ còn hai đứa với nhau và em không mong muốn gì khác nữa. Tuy nhiên, chị hãy hình dung đôi khi em phải lẻ loi ở đây, không có anh ấy và điều đó sẽ còn tái diễn… Mọi cái đều khiến em nhìn thấy trước là điều đó sẽ còn lặp đi lặp lại luôn và anh ấy sẽ sống nửa thời gian ngoài nhà mình, - nàng vừa nói, vừa đứng dậy và lại ngồi bên Đôly.
- Tất nhiên, - nàng chặn trước không để cho Đôly kịp vặn lại, tất nhiên, em không muốn cưỡng bức giữ anh ấy đâu. Phải, em chả giữ anh ấy đâu. Bây giờ là mùa đua, đàn ngựa của anh ấy sẽ dự cuộc, anh ấy sẽ đi. Em rất mừng cho anh ấy. Nhưng chị hãy nghĩ đến em, hãy hình dung hoàn cảnh em… Vả lại nói chuyện ấy thì ích gì? - nàng mỉm cười. - Anh ấy nói với chị chuyện gì vậy?
- Nói đúng vấn đề chính tôi đang định bàn với cô, nên tôi sẽ dễ dàng biện hộ cho anh ấy: về những biện pháp để… (Đarya Alecxandrovna ngần ngừ) để bình thường hoá, để cải thiện hoàn cảnh của cô… Cô biết tôi nhìn nhận sự việc thế nào rồi đó… nhưng dù sao, nếu có thể thì tốt hơn hết là cô chú cưới nhau đi.
- Chuyện li dị ư? - Anna nói. - Chị có biết người đàn bà độc nhất đến thăm em ở Petersburg là Betxy Tvecxkaia không? Em chắc chị biết bà ta chứ? Nói cho cùng, đấy là người đàn bà truỵ lạc nhất trên đời. Mụ ta dan díu với Tuskievich và lừa dối chồng một cách bỉ ổi nhất. Thế mà mụ ta còn mở mồm bảo là không muốn đi lại với em chừng nào tình cảnh em chưa hợp pháp. Chị đừng tưởng em so sánh. Em hiểu rõ chị, chị thân mến ạ. Nhưng muốn hay không, em cũng vẫn nhớ đến chuyện ấy… Thế anh ấy nói với chị những gì vậy? - nàng nhắc lại.
- Nói rằng anh ấy đau khổ cho cô và cho bản thân. Có thể cô sẽ nói đó là ích kỉ, nhưng sự ích kỉ ấy mới cao quý và chính đáng biết bao! Trước hết anh ấy muốn hợp pháp hoá con gái mình, sau nữa, trở thành chồng cô, có quyền đối với cô.
- Còn có người đàn bà nào nô lệ đến như em trong tình cảnh này nữa? - Anna buồn bã ngắt lời bà.
- Và nhất là, anh ấy muốn… cô không phải đau khổ.
- Không thể được. Rồi sao nữa?
- Sau nữa anh ấy muốn các con của cô với anh ấy được mang họ bố, điều này rất chính đáng.
- Con nào? - Anna lim dim mắt hỏi và không nhìn Đôly.
- Anna và các cháu sau này…
- Về vấn đề đó, anh ấy có thể yên tâm: em sẽ không có đứa con nào khác nữa.
- Làm sao cô có thể nói thế được?
- Em sẽ không có con vì em không muốn có nữa. Và mặc dầu đang xúc động, Anna vẫn tủm tỉm cười khi thấy trên mặt Đôly một vẻ tò mò ngây thơ pha lẫn kinh ngạc và sợ hãi.
- Khi em ốm dậy, bác sĩ đã bảo…
…
- Không thể thế được! - Đôly tròn xoe mắt, nói. Đối với bà, đây là một phát hiện có hậu quả và ảnh hưởng to lớn đến nỗi, thoạt đầu, bà chỉ cảm thấy mình không đủ sức hiểu hết mà cần suy đi nghĩ lại thật kĩ mới vỡ lẽ được.
Phát hiện này đột nhiên cắt nghĩa cho bà hiểu tại sao một số gia đình chỉ có một hai đứa con (điều bà chưa bao giờ hiểu nổi), khuấy động trong bà biết bao tư tưởng, suy nghĩ và tình cảm trái ngược nhau đến nỗi bà không còn biết nói gì mà chỉ đăm đăm nhìn Anna bằng đôi mắt mở to kinh ngạc. Đây chính là điều bà hằng mơ ước, nhưng giờ đây khi biết có thể làm được thế, bà lại sợ. Bà cảm thấy đó là giải pháp quá đơn giản đối với một vấn đề quá phức tạp.
- Như thế có trái đạo đức không? - bà chỉ hỏi thế sau một lúc yên lặng.
- Tại sao? Chị hãy nghĩ xem, em phải chọn một trong hai con đường: hoặc có mang, nghĩa là ốm đau, hoặc được là người thân yêu, là bạn của chồng em - gọi thế cũng được chứ sao, - Anna nói cố ý dùng một giọng hời hợt và phù phiếm.
- Phải, phải, - Đarya Alecxandrovna nói, thừa nhận lí lẽ của chính mình nhưng không thấy nó có sức mạnh thuyết phục như trước.
- Chị hay người khác, - Anna nói như đoán được ý nghĩ của bà, - thì còn có thể hồ nghi, nhưng đối với em… chị nên hiểu em chỉ là vợ anh ấy chừng nào anh ấy còn yêu em thôi. Và làm thế nào duy trì được tình yêu của anh ấy? Như thế này ư?
Nàng vòng đôi bàn tay trắng nõn ra đằng trước bụng.
Như vẫn xảy ra trong lúc xúc động, những ý nghĩ và kỉ niệm dồn dập đến trong tâm trí Đarya Alecxandrovna nhanh kì lạ.
- Mình không biết giữ Xtiva, bà nghĩ bụng, anh ấy đã rời khỏi mình; nhưng người đàn bà đầu tiên đã khiến anh ấy phụ mình, cũng không biết giữ anh ấy nốt, tuy ả thật vui tươi, xinh đẹp. Anh ấy đã bỏ ả để vớ con khác. Liệu Anna có giữ được Vronxki bằng cách này không? Nếu chỉ nhắm nhe có thế thôi hẳn y sẽ tìm thấy những trang phục và điệu bộ quyến rũ hơn. Dù cô ấy có những cánh tay trần trắng, đẹp đến đâu, thân hình có thanh tú đến đâu, vẻ mặt linh hoạt giữa mớ tóc đen nhánh có duyên dáng đến đâu, y cũng sẽ tìm thấy những cái mĩ miều hơn, hệt như đức ông chồng thân yêu, đáng thương và vô tư cách của mình".
Đôly không trả lời và chỉ thở dài. Anna nhận thấy tiếng thở dài đó hàm ý không đồng tình, bèn nói tiếp. Nàng còn dự trữ những lí lẽ sắc bén không thể bác bỏ được.
- Chị bảo thế là xấu ư? Nhưng cần phải suy lí mới ra nhẽ, nàng nói tiếp. Chị quên mất hoàn cảnh em. Làm sao em lại mong có con được? Em không nói đến những đau đớn, em không sợ đau đâu. Nhưng chị thử nghĩ xem các con em rồi sẽ ra sao? Những đứa trẻ bất hạnh không được mang họ bố. Nguyên việc sinh ra trên đời cũng đủ khiến chúng phải xấu hổ vì mẹ, vì bố, vì nguồn gốc sinh thành.
- Chính vì thế mới cần phải li dị.
Nhưng Anna không nghe bà. Nàng muốn diễn đạt đến đầu đến đũa những lí lẽ mà đã bao lần nàng tự nhủ với mình.
- Trời cho em lí trí làm gì nếu không đem vận dụng nó để khỏi phải sinh ra đời những đứa trẻ bất hạnh? Nàng nhìn Đôly, nhưng không đợi trả lời, nàng lại tiếp - Em sẽ mãi mãi cảm thấy có tội với những đứa con xấu số đó. Nếu không ra đời thì ít ra chúng cũng không khổ sở. Còn nếu chúng khổ thì em sẽ là người duy nhất chịu trách nhiệm.
Đó chính là những lí lẽ mà Đarya Alecxandrovna từng viện ra; nhưng bây giờ bà nghe nói vậy mà chẳng hiểu gì. "Làm sao có thể mang tội với những kẻ không có trên đời?", bà tự hỏi. Và một ý nghĩ chợt đến: nếu như không hề có Grisa, đứa con cưng của bà, thì liệu có hơn không? Bà thấy điều đó thật kì lạ, thật phi lí đến nỗi phải lắc đầu xua tan mớ ý nghĩ điên rồ và quay cuồng đó.
- Phải, tôi cho thế là xấu, bà nói, vẻ ghê tởm lộ rõ trên nét mặt.
- Chị đừng quên chị là người thế nào và em là người thế nào… Vả lại, - Anna nói thêm như cũng cảm thấy thế là xấu, mặc dầu lí lẽ của nàng rất vững trong khi Đôly thì đuối lí, chị đừng quên điều cốt yếu là em không ở cùng hoàn cảnh như chị. Đối với chị, vấn đề đặt ra là chị có muốn thôi có con không; với em, là em có muốn có con nữa không. Và hai điều đó thật khác xa nhau. Chị nên hiểu, trong hoàn cảnh em, em không thể mong muốn điều đó được.
Đarya Alecxandrovna không đáp lại. Thốt nhiên, bà cảm thấy cách biệt với Anna đến nỗi có những vấn đề hai người sẽ chẳng bao giờ nhất trí được và tốt hơn hết là đừng nói đến chuyện đó.
24
- Chính vì thế càng cần phải bình thường hoá hoàn cảnh cô, nếu có thể được, - Đôly nói.
- Vâng, nếu có thể, Anna đáp, giọng đột nhiên đổi khác, trầm tĩnh và buồn bã.
- Phải chăng không thể li dị được? Nghe nói là chồng cô đồng ý mà.
- Chị Đôly, em muốn ta đừng nói chuyện đó.
- Ừ thôi, không nói chuyện ấy nữa, - Đarya Alecxandrovna vội nói khi thấy vẻ đau đớn trên mặt Anna.
- Nhưng chị thấy hình như cô coi chuyện đó quá bi thảm.
- Em ấy à? Tuyệt nhiên không. Em hoàn toàn bằng lòng và mãn nguyện. Chị thấy đó: em khiến người ta mê mệt, Vexlovxki…
- Phải, nói thật tình, điệu bộ Vexlovxki làm tôi khó chịu. – Đarya Alecxandrovna nói, định chuyển sang chuyện khác.
- Tại sao vậy? Điều đó chỉ khiến Alecxei khoái chí thôi, không có gì khác cả; đó là một chú bé, em nắm gọn hắn trong tay; em muốn làm gì hắn thì làm. Y như thằng cháu Grisa.. Chị Đôly! - nàng nói tiếp, đột nhiên đổi giọng, - chị bảo em nhìn sự việc quá bi thảm. Chị không hiểu được đâu. Thật ghê sợ quá. Em cố để khỏi nhìn thấy…
- Tuy nhiên, cần phải thấy! Phải làm tất cả những gì cô có thể làm.
- Nhưng cái gì là cái em có thể làm? Chẳng có gì cả. Chị bảo em phải kết hôn với Alecxei, tưởng như em không nghĩ đến chuyện ấy. Em không nghĩ đến chuyện ấy! - nàng nhắc lại, mặt đỏ dừ. Nàng đứng dậy, dướn thẳng người, thở dài và nhẹ nhàng dạo quanh phòng, thỉnh thoảng lại dừng bước. - Em không nghĩ đến chuyện đó ư. Không ngày nào, giờ nào em không nghĩ đến rồi lại tự trách mình về ý nghĩ đó… vì nó có thể làm em phát điên. Làm em phát điên lên, - nàng nhắc lại. - Cứ nghĩ đến chuyện đó là em không tài nào ngủ được nếu không uống moóc phin. Nhưng thôi được. Ta hãy bình tĩnh nói chuyện. Người ta bảo em li dị. Trước hết, lão ta không thuận đâu. Hiện nay, lão ta đang bị nữ bá tước Lidia Ivanovna mê hoặc.
Đarya Alecxandrovna, ngồi rất thẳng trên ghế tựa, ái ngại nhìn Anna đi ngang đi dọc.
- Cần phải thử xem, - bà dịu dàng nói.
- Cứ cho là thế đi. Chị có biết thế nghĩa là thế nào không? – nàng nói, rõ ràng đang phát biểu một ý nghĩ đã nghiền ngẫm hàng nghìn lần và thuộc lòng. - Thế nghĩa là em sẽ phải hạ mình viết thư cho lão ta, trong khi vẫn ghét lão mà lại phải nhận lỗi với lão… Nhưng cứ giả sử là em cố làm thế. Hoặc giả em sẽ được lão ưng thuận. Giả sử em nhận được sự đồng ý… - Lúc này Anna dừng bước ở đầu phòng đằng kia, sửa lại rèm. - Em được lão ta đồng ý: còn… còn con trai em thì sao? Họ sẽ không trả nó cho em đâu. Nó sẽ lớn lên trong nhà bố nó mà em đã bỏ, vừa lớn lên vừa khinh miệt em. Chị nên hiểu em yêu hai người như nhau, mà cả hai, em đều yêu hơn chính bản thân mình: Xerioja và Alecxei.
Nàng đến giữa phòng và dừng lại trước mặt Đôly, hai tay ép chặt vào ngực. Trong chiếc áo choàng trắng, vóc dáng nàng có vẻ cao lớn lạ thường. Nàng cúi đầu, cặp mắt ướt long lanh nhìn Đôly, gầy bé, yếu ớt, run run xúc động trong chiếc áo ngắn vá víu, với chiếc mũ đêm chùm đầu.
- Trên đời, em chỉ yêu hai người đó và có người này thì không thể có người kia. Em không thể liên kết hai người lại được, mà đó lại là mong ước duy nhất của em. Và nếu không đạt được điều đó thì mọi cái khác đối với em đều chẳng quan trọng. Tất cả, tất cả đều không quan trọng gì đối với em. Chuyện này trước sau sẽ kết thúc bằng cách này hay cách khác, cho nên em không thể, em không muốn nói đến nó. Chị đừng trách em, đừng chỉ trích em. Chị trong trắng quá nên không thể hiểu hết những đau khổ của em.
Nàng lại gần Đôly, ngồi xuống cạnh và vừa cầm tay vừa nhìn bà, vẻ phạm lỗi.
- Chị nghĩ thế nào? Chị nghĩ thế nào về em? Đừng khinh em nhé. Em không đáng khinh đâu. Em chỉ là một kẻ bất hạnh. Trên đời này, nếu có ai bất hạnh thì đó chính là em, - nàng nói và quay đi, nước mắt giàn giụa.
Còn lại một mình, Đôly cầu kinh và đi nằm. Bà thương hại Anna hết lòng trong khi nói chuyện với nàng; nhưng bây giờ, bà không thể buộc mình nghĩ đến nàng. Gia đình bà, các con bà hiện lên trong kí ức với một sức quyến rũ mới, một ánh hào quang mới. Cái thế giới riêng của bà ấy, giờ đây sao mà thân thiết, êm đềm đến nỗi bà không muốn xa nó thêm ngày nào nữa; cho nên bà quyết định hôm sau phải ra về.
Trong khi đó, Anna đã trở về phòng riêng. Nàng lấy một cái cốc nhỏ, rót vài giọt thuốc gồm chủ yếu là moóc phin, rồi sau khi uống xong và nằm yên không động đậy một lúc, nàng sang buồng ngủ, bình thản và thư thái.
Khi Anna bước vào, Vronxki chăm chú nhìn nàng. Chàng dõi tìm dấu vết của câu chuyện mà chàng biết nàng đã trao đổi với Đôly vì thấy nàng nán lại phòng bà ta lâu đến thế. Nhưng trên vẻ mặt bừng bừng một nỗi xúc động cố nén và hơi bí ẩn của nàng, chàng không thấy gì ngoài cái sắc đẹp tuy đã quen thuộc, đã biết rõ cùng niềm dục vọng do nó gợi lên, mà bao giờ cũng vẫn làm chàng say đắm. Chàng không muốn hỏi hai chị em nói chuyện gì, hi vọng nàng sẽ nói ra trước. Thế nhưng nàng chỉ bảo:
- Em thật hài lòng thấy chị Đôly làm mình vừa ý. Có đúng thế không mình?
- Anh quen chị ấy đã lâu. Đó là một người đàn bà rất tốt, nhưng quá đỗi tầm thường. Dù sao, anh cũng rất mừng khi thấy chị ấy đến chơi.
Chàng cầm tay Anna và đăm đăm nhìn nàng, vẻ dò hỏi.
Nàng hiểu cái nhìn ấy theo một nghĩa khác và trả lời bằng một nụ cười.
Sáng hôm sau, mặc dầu chủ nhân năn nỉ giữ lại, Đarya Alecxandrovna vẫn sửa soạn lên đường. Gã xà ích của Levin, mặt lầm lầm và quả quyết, mình mặc áo choàng cũ và đầu đội mũ giống như của cánh giữ ngựa trạm, đánh chiếc xe có những cái chắn bùn vá víu với cỗ ngựa thắng xộc xệch đi vào con đường rải cát dẫn đến thềm nhà phủ thảm.
Cuộc chia tay với Vacvara và toán đàn ông thật khó chịu cho Đarya Alecxandrovna. Sau một ngày, cả khách lẫn chủ đều cảm thấy rõ họ không hợp nhau và tốt hơn hết là nên chia tay nhau. Duy chỉ có Anna là buồn. Nàng biết sau khi Đôly về, sẽ chẳng còn ai đến đánh thức dậy những tình cảm mà cuộc gặp gỡ này đã khuấy động trong tâm hồn nàng. Những tình cảm đó thật đau xót nhưng nàng biết đó là phần tốt đẹp nhất của tâm hồn mình và chẳng bao lâu nữa, phần tâm hồn đó sẽ bị cảnh sống hiện thời tràn lấn mất.
Khi tới giữa cánh đồng, Đarya Alecxandrovna cảm thấy khoan khoái như trút được gánh nặng. Bà vừa định hỏi những người đồng hành xem họ có vừa ý khi ở nhà Vronxki không, thì gã xà ích Filip đã lên tiếng trước.
- Nói là trọc phú thì họ quả là trọc phú đấy, nhưng họ chỉ cho tôi tất tần tật có ba đấu lúa mạch. Tội nghiệp mấy con ngựa, gà chưa gáy sáng, đã ngốn hết sạch. Ba đấu, thật có cũng bằng không! Vừa đủ để bắt đầu thấy ngon miệng! Hiện nay, ở các trạm thay ngựa, người ta tính bốn lăm kôpêch một đấu lúa mạch. Ở ta, tôi chắc chả ai chi li từng đấu lúa với ngựa của khách.
- Phải, vị lãnh chúa quả có khắt khe thật, - gã thủ hạ tán thành.
- Còn đàn ngựa, anh thấy có đẹp không? - Đôly hỏi,
- À, ngựa của họ thì không chê vào đâu được. Và đồ ăn thức uống cũng tốt. Tuy vậy, cháu vẫn thấy không thoải mái, bà Đarya Alecxandrovna ạ; cháu không biết bà có nghĩ như cháu không, - gã nói, bộ mặt đẹp và đôn hậu quay về phía bà.
- Ừ, tôi cũng thế. Này anh, liệu ta có tới nơi trước khi trời tối không?
- Chúng cháu sẽ cố hết sức.
Về đến nhà, Đarya Alecxandrovna thấy các con mạnh khoẻ và xinh xắn hơn bao giờ hết. Bà sôi nổi tả lại chuyến đi, nào người ta đón tiếp bà ra sao, nào sự tráng lệ, sang trọng, những trò tiêu khiển của gia đình Vronxki và bà không cho phép ai bình phẩm họ.
- Phải hiểu Anna và Vronxki - và bây giờ tôi hiểu họ kĩ hơn - mới thấy họ dễ mến, dễ thương biết bao, - bà nói, lần này hết sức thành thật, quên bẵng cái cảm giác bất mãn và khó chịu không xác định nổi đã xâm chiếm bà khi ở nhà họ.