Mặc dầu tất cả cuộc sống nội tâm của Vronxki đều bị mối tình say đắm thu hút, cuộc sống bên ngoài của chàng vẫn không thay đổi và cứ tuồn tuột trôi theo cái đà của những quyền lợi và những quan hệ cũ ở ngoài xã hội cũng như trong trung đoàn, lôi cuốn đi. Những quyền lợi của trung đoàn chiếm địa vị quan trọng trong cuộc đời Vronxki, vì chàng yêu mến trung đoàn và hơn nữa vì ở đó người ta cũng yêu mến, mà còn kính trọng, tự hào vì chàng, hãnh diện vì con người vô cùng giàu có ấy, có học thức, tài năng, có đủ phương tiện để tự thoả mãn mọi tham vọng và hư vinh, nhưng lại khinh rẻ mọi cái đó và đặt lợi ích của trung đoàn và của bạn bè lên trên mọi lợi ích phù hoa, Vronxki biết rõ bạn bè nghĩ gì về mình, và ngoài việc yêu thích cuộc sống đó, chàng còn thấy mình phải duy trì dư luận đó.
Dĩ nhiên, chàng không thổ lộ mối tình của mình cho ai biết; ngay trong những bữa rượu tuý luý nhất, chàng cũng không hề để lộ chút gì khiến bạn bè có thể nghi ngờ (vả lại chàng cũng không bao giờ say đến nỗi không kiềm chế được mình), và hễ có kẻ láu táu định nói bóng gió đến cuộc dan díu ấy là chàng bịt miệng ngay. Tuy vậy, cả thành phố đều biết mối tình đó: ít nhiều người ta đều đoán được quan hệ của chàng với Carenin: phần đông đám trai trẻ lại ghen tị với chàng về chính cái điều khiến chàng khổ tâm nhất: đó là địa vị cao sang của Carenin, nó góp phần làm cho cuộc dan díu đâm ra lộ liễu.
Phần đông thiếu phụ, vốn ghen ghét với Anna và từ lâu đã chán tai với những lời tán tụng nàng là người đàn bà đoan chính, mừng rơn khi thấy điều dự đoán của mình được xác minh và chỉ chờ dư luận xoay chuyển rõ rệt là sẽ vùi dập nàng xuống dưới tất cả trọng lượng của lòng khinh bỉ. Họ chuẩn bị sẵn sàng xẻng bùn để chờ dịp là hất tung lên người nàng. Phần đông người già và kẻ có địa vị cao sang thì lấy làm tiếc cho vụ tai tiếng đang sắp vỡ lở.
Bà mẹ Vronxki lúc đầu cũng hài lòng khi biết chuyện dan díu của con, vì, theo bà, không gì có thể điểm tô hoàn chỉnh cho một chàng thanh niên xuất sắc hơn là một vụ dan díu trong giới thượng lưu, và cũng vì nàng Carenina, người mà bà rất ưa thích, nhưng đã nói chuyện với bà khá lâu về đứa con trai nhỏ của mình, rốt cuộc cũng không khác gì (bà bá tước Vronxki nghĩ thế) mọi người đàn bà đẹp trong giới thượng lưu. Nhưng thời gian gần đây, bà được biết con trai đã từ chối một cương vị quan trọng cho bước đường sự nghiệp của chàng, chỉ cốt được ở lại trung đoàn và gần gũi Carenin cho nên các nhân vật cao cấp đã để bụng ghét chàng, và quan điểm của bà liền thay đổi. Bà cũng không vừa lòng ở chỗ việc dan díu này, theo bà nhận thấy, không phải là một vụ dan díu nổi bật, phù hoa, duyên dáng mà bà có thể tán thành, nhưng là một tấm tình si bi thảm, kiểu Vecte(1), có thể đưa con bà tới hành động dại dột. Bà chưa gặp lại con kể từ khi chàng đột ngột rời Moxcva và đã nhắn anh chàng bảo chàng về gặp bà.
Ông anh cả của Vronxki cũng bất bình với em trai. Ông không hề quan tâm tìm hiểu mối tình đó sâu sắc hay nông nổi, say mê hay không, vững bền hay không (bản thân ông ta, tuy đã có mấy con, vẫn bao một vũ nữ, cho nên cũng có chiều rộng lượng), nhưng ông biết mối tình đó làm phật lòng những người lẽ ra cần chiều ý, cho nên ông phản đối thái độ em trai.
Ngoài nhiệm vụ quân đội và công việc xã giao, Vronxki còn có một việc nữa: đó là đua ngựa, mà chàng rất ham thích.
Năm đó, các sĩ quan phải dự đua vượt chướng ngại. Vronxki đã nhờ ghi tên và mua một con ngựa cái giống Anh chính nòi; mặc dầu đang yêu, chàng vẫn say sưa chú ý đến việc chuẩn bị đua ngựa, tuy có ít nhiều dè dặt.
Hai thú ham mê đó không mâu thuẫn nhau. Trái lại, chàng cần giải trí, cần một sự tiêu khiển không dính dáng gì đến mối tình: nhờ nó chàng được nghỉ ngơi và khuây bớt những xúc cảm mãnh liệt đang khuấy động trong lòng.
(1) Vecte: nhân vật trong tiểu thuyết Nỗi đau khổ của chàng Vecte của Goethe (1774). Vecte yêu một người đàn bà có chồng và cuối cùng đã tự sát.