Ngày Bốn * Mục tiêu của bạn: Kiểm soát tương lai tài chánh của bạn bằng cách
học những yếu tố cơ bản của việc thiết lập của cải. Tiền! Đó là một trong những vấn đề gây cảm xúc nhiều nhất trong đời người ta. Nhiều người sẵn sàng từ bỏ nhiều điều quí giá gấp bội để có được thêm nhiều tiền. Họ cố gắng quá mức khả năng trước kia của mình, lấy đi thời gian dành cho gia đình và bạn bè, hoặc thậm chí phá hoại sức khoẻ của mình. Tiền là một nguồn gốc mãnh liệt tạo ra đau khổ cũng như vui sướng trong xã hội chúng ta. Lắm khi tiền được dùng làm thuớc đo phẩm chất đời sống con người, mở rộng hố ngăn cách giữa những người có của và những người không có.
Một số người cố gắng đối phó với vấn đề tiền bạc bằng cách coi nó không quan trọng, nhưng sức ép tài chánh là điều ảnh hưởng tới mọi người chúng ta hằng ngày. Đặc biệt đối với những người lớn tuổi, thiếu tiền thường được coi như thiếu những nguồn lực chủ yếu quan trọng. Với một số người, tiền bạc là cái gì bí nhiệm. Với một số khác, tiền là nguồn gốc của dục vọng, kiêu ngạo, ganh tị và thậm chí sự khinh bỉ. Thực ra tiền là gì vậy? Phải chăng nó là người làm cho các giấc mơ của con người thành hiện thực, hay nó là nguồn gốc của mọi tội ác? Nó là dụng cụ hay vũ khí? Là nguồn của tự do, quyền lực, an toàn? Hay nó chỉ là một phương tiện cho một mục đích?
Trên lý thuyết, cả bạn và tôi đều hiểu tiền bạc như một phương tiện trao đổi. Nó cho phép chúng ta đơn giản hóa qui trình sáng tạo, chuyển đổi và chia sẻ giá trị trong xã hội. Nó là một tiện nghi mà chúng ta đã cùng nhau tạo ra để giúp chúng ta có sự tự do chuyên hóa trong công việc mà không cần lo ngại việc người khác có coi công việc của chúng ta có giá trị trao đổi hay không.
Chúng ta đã quen gắn liền những đau khổ trong đời sống chúng ta vào việc thiếu tiền: lo âu, thất vọng, sợ hãi, thiếu ổn định, tức giận, nhục nhã, căng thẳng và nhiều thứ đau khổ khác. Bạn có thể nghĩ đến đời sống của một quốc gia nào, tổ chức nào, hay cá nhân nào mà không gặp những căng thẳng về tiền bạc không?
Nhiều người lầm tưởng rằng mọi khó khăn trong đời họ sẽ tan biến nếu họ có đủ tiền. Không gì sai lạc bằng. tự nó việc kiếm ra thật nhiều tiền ít khi làm cho người ta tự do. Nhưng đồng thời cũng là điều ngớ ngẩn nếu bạn cho rằng có nhiều tiền và làm chủ nền tài chánh của mình không đem lại cho bạn nhiều cơ hội để phát triển, chia sẻ và sáng tạo những giá trị cho mình và cho người khác.
Vậy tại sao nhiều người không đạt được sự sung túc về tài chánh trong xã hội hôm nay? Trên thế giới hôm nay, có những người chỉ cần có một ý tưởng nhỏ bé về chiếc máy tính họ làm thử trong nhà để xe của họ mà đã làm giàu đến hàng trăn triệu đôla! Cũng có những người có những khả năng không thể tin nổi đã biết cách làm ra vô số của cải và duy trì được nó. Vậy thì cái gì đã cản trở chúng ta không làm ra được của cải?
Khi tôi đi tìm những bí quyết để làm ra của cải bền vững, tôi thấy rõ một điều; làm ra của cải là chuyện đơn giản. Thế nhưng nhiều người không bao giờ làm ra của cải bởi vì họ có
những lỗ hổng trong nền móng tài chánh của họ. Đó là những xung đột về giá trị và niềm tin, cũng như những kế hoạch kém cỏi khiến hầu như luôn luôn bảo đảm sự thất bại về tài chánh. Chương này sẽ không cung cấp cho bạn tất cả những gì bạn cần biết để làm chủ toàn thể đời sống tài chánh của bạn. Một chương sách không tài nào nói hết được! Nhưng chương này muốn cống hiến cho bạn một ít yếu tố căn bản mà bạn có thể sử dụng để
kiểm soát ngay lãnh vực hết sức quan trọng này trong đời sống. Chúng ta bắt đầu bằng cách nhớ đến sức mạnh mà niềm tin của chúng ta phải có để kiểm soát hành vi của mình. Lý do phổ biến nhất cắt nghĩa tại sao nhiều người không thành công về tài chánh, đó là họ có những liên tưởng lẫn lộn về việc cần phải làm gì để có nhiều tiền, cũng như về ý nghĩa của việc có tiền bạc dư thừa, nghĩa là tiền bạc vượt quá nhu cầu cuộc sống hàng ngày của họ. Như bạn đã học ở chương 5, trí óc chúng ta chỉ biết phải làm gì khi nó có ý tưởng rõ rệt cần phải tránh gì và cần phải đi đến đâu. Đối với tiền bạc, chúng ta có những
kết quả lẫn lộn. Chúng ta tự nhủ rằng tiền sẽ cho chúng ta tự do, có cơ hội cống hiến cho những người chúng ta yêu, cơ hội làm tất cả những gì chúng ta mơ ước, cơ hội có thời gian thư thả. Nhưng đồng thời chúng ta lại có thể tin rằng để tích lũy được nhiều tiền, chúng ta phải làm việc vất vả hơn nhiều, phải dành quá nhiều thời giờ đến nỗi có thể chúng ta đã quá già để có thể hưởng thụ. Hoặc chúng ta có thể tin rằng nếu chúng ta có tiền bạc thừa thãi, chúng ta sẽ không là con người đạo đức, chúng ta sẽ bị chê trách, hoặc có thể bị người khác lường gạt để cướp mất. Vậy thì cố gắng làm ra nhiều tiền để làm gì?
Những liên tưởng tiêu cực này không chỉ giới hạn nơi chúng ta. Một số người cảm thấy đố kỵ đối với những ai thành công về tài chánh và thường nghĩ rằng nếu ai làm ra quá nhiều tiền, chắc hẳn họ đã phải làm một điều gì đó để giành giật với những người khác. Thế là họ có liên tưởng đại khái rằng, " Có quá nhiều tiền là điều xấu". Liên tưởng này có thể làm bạn đi đến kết luận rằng làm giàu sẽ làm bạn thành người xấu. Bằng cách đố kỵ sự giàu sang của người khác, chúng ta dễ kích động mình để xa tránh chính sự đầy đủ về của cải mà mình cần và ao ước cho đời sống.
Lý do phổ biến thứ hai khiến nhiều người không bao giờ làm chủ được tiền bạc là vì họ
nghĩ việc này quá phức tạp. Họ cần có một "chuyên gia" giúp xử lý vấn đề này cho họ. Tuy sự hướng dẫn của chuyên gia trong vấn đề này là điều quý báu, nhưng tất cả chúng ta phải học tập để hiểu rõ những hậu quả của các quyết định tài chánh của mình. Nếu bạn chỉ biết nhờ vả vào một ai khác, thì dù họ có tài giỏi đến đâu, bạn cũng sẽ luôn luôn đỗ lỗi cho họ về bất cứ điều gì xảy ra. Nhưng nếu bạn tự gánh lấy trách nhiệm hiểu biết nền tài chánh của mình, bạn có thể bắt đầu điều khiển số mệnh của mình.
Lý do lớn thứ ba khiến nhiều người không thành công về tài chánh là
quan niệm về sự khan hiếm. Nhiều người tin rằng chúng ta sống trong một thế giới mà cái gì cũng giới hạn; thực ra là còn biết bao nhiêu đất trống, biết bao nhiêu dầu lửa, biết bao căn nhà chất lượng, biết bao cơ hội, biết bao thời gian. Với não trạng tin ở sự khan hiếm, thì nếu bạn muốn thắng, một ai khác phải thua. Đó là trò chơi có tổng số zero.
Thực tế cho thấy quan niệm khan hiếm của cải là một quan niệm ngăn cản việc làm ra của cải. Một người bạn thân của tôi, nhà kinh tế học Paul Pilzer, đưa ra một lý thuyết kinh tế rất nổi tiếng gọi là lý thuyết hóa kim. Theo anh, của cải thực sự là do khả năng áp dụng lý thuyết "hóa kinh kinh tế", đó là
khả năng tận dụng một điều gì rất ít giá trị và biến đổi thành một điều gì có giá trị to lớn hơn nhiều. Thời trung cổ, những người thực hành thuật hóa kim đã cố gắng hóa chì thành vàng. Họ đã thất bại. Nhưng nhờ cố gắng này của họ, họ đã đặt nền móng cho khoa hóa học ngày nay. Những người giàu có ngày nay thực sự là những người hóa kim hiện đại. Họ đã học cách biến đổi những gì tầm thường thành những gì quí giá và đã đạt được những phần thưởng kinh tế nhờ sự biến đổi này.
Mọi của cải đều bắt đầu từ khối óc! Thuật hóa kim hiện đại đã là nguồn gốc của những thành công kinh tế cho những người giàu nhất thế giới hiện nay, như Bill Gates, Ross Pero, Sam Walton hay Steven Jobs. Tất cả những người này đều đã tìm cách để lợi dụng những vật có giá trị tiềm ẩn- ý tưởng, thông tin, hệ thống -và tổ chức chúng sao cho nhiều người hơn có thể sử dụng chúng. Và khi họ tăng thêm giá trị này, họ bắt đầu tạo dựng những vương quốc kinh tế khổng lồ.
Chúng ta lược qua 5 bài học cơ bản để tạo dựng của cải lâu dài. Sau đó chúng ta sẽ hành động ngay để bắt đầu kiểm soát số mệnh tài chánh của mình.
1. CHÌA KHÓA THỨ NHẤT LÀ
KHẢ NĂNG LUÔN KIẾM ĐƯỢC
THU NHẬP NHIỀU HƠN TRƯỚC,
KHẢ NĂNG TẠO RA CỦA CẢI.
Tôi xin đặt cho bạn một câu hỏi đơn giản. Bạn có thể kiếm được gấp đôi số tiền bạn đang kiếm được bây giờ với cùng một lượng thời gian không? Bạn có thể kiếm được gấp ba không? Gấp 10? gấp một trăm? Dứt khoát là được- nếu bạn biết cách để làm cho mình có giá trị hơn 100 lần cho công ty của bạn hay cho người thân của bạn.
Bí quyết của sự giàu sang là tăng thêm giá trị của mình. Nếu bạn có nhiều tài hơn, nhiều năng khiếu hơn, nhiều thông minh hơn, nhiều kiến thức hơn, khả năng làm những cái mà ít người biết làm, bạn có thề kiếm được nhiều tiền hơn là bạn nghĩ.
Một cách quan trọng nhất và hiệu quả nhất để tăng thu nhập của bạn, đó là
tìm ra phương pháp để luôn luôn tăng thêm giá trị thực cho đời sống con người. Tại sao những nhà doanh nghiệp thành công lớn trên thế giới đạt được nhiều của cải như thế trong xã hội chúng ta? Chính là vì họ tăng thêm nhiều giá trị hơn hầu hết những người khác quanh họ. Có hai ích lợi lớn mà các nhà doanh nghiệp này tạo ra. Thứ nhất, họ tăng thêm giá trị cho khách hàng bằng cách tăng chất lượng đời sống của khách hàng qua việc sử dụng sản phẩm của họ. Mục đích thực sự của một công ty không phải chỉ là thêm lợi nhuận, mà là tạo ra những sản phẩm và dịch vụ giúp gia tăng chất lượng đời sống của mọi khách hàng mà họ phục vụ.
Lợi ích thứ hai mà những nhà doanh nghiệp mang lại là, trong khi tạo ra sản phẩm, họ tạo ra việc làm. Vì có việc làm, các con cái của công nhân có thể được đi học đầy đủ, học lên cao để trở thành những bác sĩ, luật sư, giáo sư, những nhà hoạt động xã hội và tăng thêm giá trị cho toàn xã hội. Khi Ross perot được hỏi về bí quyết làm giàu của mình, ông nói, "Điều tôi làm được cho đất nước này là tạo ra công ăn việc làm. Tôi khá giỏi về việc này và Chúa biết rằng chúng ta cần đến chúng". Ta càng cống hiến được nhiều giá trị, ta càng kiếm được nhiều tiền hơn nếu ta chú tâm làm việc đó.
Làn sóng phân phối của tương lai Một trong những cách mạnh nhất để tăng giá trị trong thập niên 90 trở đi là hiểu rằng
trong xã hội hôm nay, của cải được tạo ra nhờ việc phân phối. Các sản phẩm và dịch vụ thay đổi liên tục, nhưng những ai biết tìm ra cách làm ra giá trị to lớn và cung cấp cho số lượng lớn khách hàng sẽ phát đạt. Đây đã là bí quyết thành công của người giàu nhất nước Mỹ, Sam Walton. Ông trở nên giàu có nhờ đã sáng tạo ra một hệ thống phân phối. Ross Perot cũng đã làm chuyện đó với ngành thông tin ở EDS. nếu bạn biết nghĩ ra cách sử dụng những gì có sẵn giá trị lớn và phân phối cho dân chúng, hay phân phối với giá thấp, là bạn đã tìm ra một cách nữa để tăng thêm giá trị. Tăng giá trị không chỉ là tạo ra sản phẩm, mà là
tìm ra một cách để bảo đảm người ta gia tăng chất lượng của đời sống. Đương nhiên xét kỹ ra, bạn và tôi đều hiểu tại sao người ta không thành công về tài chánh. Lý do là họ có những niềm tin hạn hẹp. Nhưng quan trọng hơn nữa, hầu hết người ta có niềm tin cố hữu là muốn đón nhận mà không phải bỏ ra cái gì. Ví dụ, nhiều người muốn tăng thu nhập mỗi năm một nhiều hơn, bất kể là họ có tăng phần đóng góp cho công ty của mình hay không.
Việc tăng thu nhập phải gắn liền với tăng giá trị và chúng ta có thể dễ dàng tăng giá trị của mình nếu chúng ta chịu khó học hỏi và gia tăng khả năng của mình.
Với các công ty cũng thế. Paul Pilzer nói,
lao động là vốn. Nếu một người có thu nhập hàng năm là 50 ngàn đôla và có thể tạo ra 500 ngàn đôla giá trị, thì tại sao không nhận người này và đầu tư để gia tăng tài năng, hiểu biết, thái độ và trình độ của họ, để họ có thể tăng thêm 1 triệu đôla không phải là một tài sản quí báu lắm sao? Không có sự đầu tư nào tốt hơn là sự đầu tư của công ty cho việc đào tạo và phát triển nhân viên của chính công ty.
"Của cải là sản phẩm của
khả năng tư duy của con người"
-ANY RAND
2.CHÌA KHÓA THỨ HAI LÀ
DUY TRÌ CỦA CẢI
Sau khi bạn đã có một chiến lược hiệu quả để tích lũy tiền của, để kiếm được một lượng tiền lớn, bạn sẽ duy trì nó thế nào? trái với suy nghĩ của nhiều người, bạn không thể không duy trì của cải bằng cách chỉ việc tiếp tục kiếm tiền. Chúng ta từng nghe nói về những người nổi tiếng đã tích lũy được một tài sản khổng lồ để rồi bị mất trắng tay trong chốc lát, ví dụ những ngôi sao điền kinh nhờ tài năng đã tạo được một tài sản lớn nhưng đã tạo ra một nếp sống làm tiêu tán tài sản ấy khi thu nhập của họ thay đổi. Khi thu nhập sa sút, họ thường có những đòi hỏi to lớn mà họ không đáp ứng nổi, thế là họ mất trắng tay.
Chỉ có một cách để duy trì tài sản của mình, một cách đơn giản thôi: tiêu ít hơn số tiền bạn kiếm được và đem phần thặng dư vào đầu tư. Rõ ràng nguyên tắc này không hấp dẫn mấy, nhưng nó là cách duy nhất để bảo đảm duy trì lâu dài tài sản của bạn. Tuy nhiên, điều chúng ta luôn lấy làm lạ là người ta dù kiếm được nhiều tiền bao nhiêu đi nữa, họ hình như luôn tìm cách để tiêu số tiền đó. Ngay cả những người thuộc loại kiếm ra tiền nhiều nhất cũng thường rơi vào cảnh "phá sản". Tại sao? Vì họ làm mọi quyết định kinh tế của mình dựa trên tiêu chuẩn ngắn hạn chứ không dài hạn. Họ không có một kế hoạch chi tiêu rõ rệt, càng không có một kế hoạch đầu tư. Họ đi vào con đường tuộc dốc.
Cách duy nhất để tạo dựng của cải là rút ra một tỷ lệ phần trăm số thu nhập của mình và đem đầu tư trước cho mỗi năm. Thật ra nhiều người biết điều này, nhưng ít người áp dụng và vì thế có ít người trở nên giàu. Phương pháp tốt nhất để bảo vệ bạn duy trì được của cải của mình là dành riêng 10% số tiền mình kiếm được để đầu tư ngay cả trước khi bạn nhận được số tiền ấy. Để duy trì của cải, bạn phải kiểm soát việc chi tiêu của mình. Nhưng đừng khai triển một ngân sách; hãy khai triển một kế hoạch chi tiêu. Hãy tỏ ra thông minh: chi tiêu ít hơn là số tiền bạn kiếm được và bạn sẽ duy trì được của cải của mình.
3. CHÌA KHÓA THỨ BA LÀ
TĂNG THÊM CỦA CẢI
Làm thế nào? Bạn hãy thêm một yếu tố đơn sơ nhưng hiệu quả nữa vào phương trình mà tôi vừa cắt nghĩa: Bạn phải chi tiêu ít hơn bạn kiếm được, đầu tư số thặng dư và tái đầu tư số tiền lời phát sinh.
Nhiều người nghe nói về số gia tăng lũy tiến của tiền lời, nhưng rất ít người hiểu nó. Tiền lời phát sinh giúp bạn sử dụng số tiền đó để sinh lời tiếp theo thay cho bạn. Những người thành công về tài chánh là những người dành ra một tỷ lệ phần trăm số tiền của họ, đầu tư nó và tiếp tục tái đầu tư số tiền lời cho tới khi nó tạo ra một nguồn thu nhập khá lớn để cung cấp những nhu cầu của họ mà họ không làm lại.
Nhưng phải đầu tư thế nào và vào cái gì? Không có câu trả lời đơn sơ cho câu hỏi này. Trước tiên bạn phải quyết định mục tiêu tài chánh của bạn là gì. Bạn muốn đạt tới điều gì và trong thời gian nào? Đâu là những rủi ro có thể chấp nhận, sự rủi ro không gây nhiều rắc rối cho bạn? Nếu không hiểu rõ bạn muốn gì, cần gì và những mối quan tâm của bạn về những điều có thể xảy ra, thì bạn sẽ không rõ được phải đầu tư vào cái gì. Điều quan trọng nhất trong đời sống tài chánh của bạn là quyết định hiểu rõ những loại đầu tư khác nhau và những rủi ro cũng như lợi tức có thể có của những loại đầu tư đó. Các nhà tư vấn kinh tế sẽ giúp bạn hiểu rõ những loại đầu tư khác nhau cùng với những lợi tức và rủi ro có thể có. Bạn cũng có thể đọc các sách của các tác giả chuyên môn về vấn đề này. Nhưng điều quan trọng là bạn hiểu rõ và quyết định chịu trách nhiệm về những kế hoạch tài chánh của chính mình.
4. CHÌA KHÓA THỨ TƯ LÀ
BẢO VỆ CỦA CẢI CỦA BẠN
Nhiều người khi đã có nhiều của cải lại vẫn cảm thấy bất ổn định như trước và thậm chí hơn trước khi họ có của cải. Người ta thường cảm thấy ít an toàn hơn khi họ nghĩ họ sẽ có nhiều của cải hơn để mất. Tại sao? Vì họ biết là bất cứ lúc nào cũng có thể có người kiện tụng họ một cách vô cớ hay vô lý và hậu quả là bạn bị mất của cải.
Ví dụ, một chuyện xãy ra đã được báo the Wall Street Journal thuật lại. Một người đàn ông lái xe trong lúc say rượu, đã cầm vào khẩu súng để ở ghế bên cạnh và vô ý khẩu súng bị cướp cò đã giết chết ông ta. Vợ ông, thay vì nhìn nhận lỗi của chồng mình là ở trong tình trạng say rượu, đã kiện hãng chế tạo khẩu súng là không có bộ phận an toàn cho người say rượu, bà đòi hãng bồi thường 4 triệu đôla và bà đã thắng kiện!
Một sự ngộ nhận phổ biến là muốn bảo vệ tài sản, người ta phải kín đáo và dối trá. Thực ra thành thật vẫn là chính sách tốt nhất. Bạn không cần che giấu tài sản, mà chỉ cần bảo vệ nó. Nếu hôm nay bạn chưa thấy nhu cầu này bao nhiêu, thì một ngày kia bạn sẽ thấy khi bạn đã tích lũy được nhiều của cải.
5. CHÌA KHÓA THỨ NĂM LÀ
HƯỞNG CỦA CẢI MÌNH LÀM RA
Nhiều người có thật nhiều của cải nhưng vẫn không cảm thấy hạnh phúc; họ cảm thấy trống rỗng. Lý do là họ chưa hiểu được rằng tiền bạc không phải là mục đích mà chỉ là phương tiện. Bạn và tôi phải bảo đảm mình tìm ra cách để chia sẻ với người khác những lợi ích mà tiền của mang lại cho chúng ta, bằng không, tiền bạc chẳng có giá trị gì. Khi bạn khám phá ra cách để cống hiến cân xứng với thu nhập của bạn, bạn sẽ cảm nhận được những niềm vui to lớn của cuộc đời.
Bạn hãy nhớ tới sức mạnh và giá trị của việc bố thí. Tôi có thể kể cho bạn về bước ngoặt trong quan niệm tài chánh của tôi vào ngày tôi cho một người hơn 20 đôla trong lúc tôi thật sự không có đủ 20 đôla để cho. Hôm ấy, tôi thấy thoải mái vô cùng và nguyên chỉ những cảm giác ấy đã giúp tôi làm việc tốt hơn và kiếm được nhiều tiền hơn. Nhiều người sẽ nói, "Đợi bao giờ có tiền tôi sẽ bố thí". Nhưng bạn thử nghĩ coi, cho mười xu khi bạn có 1 đôla thì khó hơn, hay cho 100 ngàn đôla khi bạn có 1 triệu thì khó hơn? Câu trả lời đã rõ ràng, phải không bạn? Tôi không ngụ ý bạn phải dành 10 % để cho người khác, nhưng bạn cần có quyết tâm luôn luôn dành ra một phần tỷ lệ số tiền bạn kiếm được và cho đi một phần bạn kiếm được, nó sẽ tạo ra cho đầu óc của bạn ý tưởng là bạn luôn luôn có đủ rồi. Bạn sẽ không cảm thấy túng thiếu và cách tin tưởng này sẽ thay đổi đời bạn.
Tôi xin kết thúc chương này bằng câu nói đơn giản với bạn: thay đổi các lối tin tưởng của bạn và làm chủ tài chánh của bạn có thể là một kinh nghiệm làm hài lòng bạn trong việc phát triển con người mình. Bạn hãy quyết tâm bước vào con đường này ngay bây giờ.