Trong những ngày này, Dũng sống trong tâm trạng bồn chồn không yên. Dũng cảm thấy nhớ chị Lan. Đã lâu mình không đến thăm chị. Mình đối xử với chị như thế có nghiêm khắc quá không? Hơn nữa, Dũng cũng không còn nhận được tiền của ân nhân gửi đều đặn mỗi tháng như trước. Anh cứ áy náy có thể ân nhân ấy trong công việc làm ăn có gì trục trặc chăng? Nhất là không biết người đó là ai để sau này mình còn phải tạ Ơn...
Tan trường, Dũng không về ký túc xá ngay mà đến nơi trọ cũ nhưng nhà khóa cửa. Lá rụng đầy sân. Người chủ nhà chạy ra vồn vã:
- Cậu Dũng đó hả? Cậu phát tài phát lộc ở đâu mà không ghé thăm xóm nghèo này?â
Dũng cười:
- Thế chị Lan đâu mà để sân đầy lá rụng như thế này hả bác?
Bà chủ nhà ngạc nhiên:
- Ủa! Thế cậu chưa biết gì à?
Dung giật mình:
- Chuyện gì vậy hả bác?
Bà chủ nhà trách:
- Trời đất, cô Lan bị thương, nằm bệnh viện đã gần hai tháng rồi. Cậu không biết thật à? Vào thăm ngay đi!
Dũng bủn rủn cả tay chân, chỉ kịp nói:
- Dạ, cảm ơn bác!
Rồi anh phóng xe đi ngay. Nhưng được một đoạn, xe hết hơi. Túi không còn một xu, Dũng lo lắm. Anh sực nhớ đến báo Tuổi Xanh. Đã hai tháng nay, Dũng chưa nhận được tiền, có thể ân nhân không còn gửi nữa nhưng cũng có thể tòa soạn quên chăng? Ừ! Biết đâu tòa soạn quên thì sao? Dũng xuống xe dắt bộ đi chậm rãi với hy vọng mong manh. Trời nắng chói chang.
Tại báo Tuổi Xanh, người phát tiền là một cô gái khác. Dũng ngập ngừng:
- Chị Ơi, có thể cho em nhận ít tiền để em vào bệnh viện thăm chị em được không?
Cô gái ngừng đọc báo, ngước mặt hiền hậu nhìn Dũng:
- Tiền gì nhỉ?
Dũng đưa thẻ sinh viên ra và nói:
- Em là Đặng Quang Dũng, được một ân nhân giấu tên gửi cho tiền học, nhận vào ngày 15 mỗi tháng.
Cô gái phát tiền lấy sổ ra xem rồi nói:
- Hai tháng nay, ân nhân của bạn không còn gửi tiền cho bạn nữa.
Dũng ngạc nhiên:
- Sao vậy chị?
- Tôi không rõ bạn ạ! Chỉ biết đã hai tháng này không có ai gửi tiền cho bạn nữa.
Dũng thất vọng:
- Vậy chị có thể cho em biết địa chỉ người gởi tiền cho em được không?
Cô phát tiền nói đùa:
- Bạn tính đến tận nơi để xin tiền à?
Dù biết cô gái trêu mình, nhưng Dũng cũng nghiêm nét mặt:
- Không! Tôi tính đến đó để cảm ơn.
Cô gái lục túi hồ sơ, rồi đưa cho Dũng tờ giấy:
- Địa chỉ không có. Chỉ có tên người gởi ký dưới đây thôi.
Dũng run rẩy cầm lấy xem. Nhìn chữ ký ở dưới, Dũng bàng hoàng kêu lên:
- Trời! Chị Lan!
Xung quanh như chao đảo.
Dũng ứa nước mắt. Dũng không ngờ chị mình đi bán bia ở nhà hàng cũng là để có tiền giúp cho mình đóng học phí...
Về đến ký túc xá, ăn qua loa miếng cơm, Dũng rủ Lâm, Hải vào bệnh viện thăm chị. Đang chuẩn bị đi thì Dũng nghe cán bộ quản lý sinh viên báo là có điện thoại. Ai mà gọi mình lúc này? Dũng nhanh chân chạy xuống văn phòng nghe điện thoại. Dũng cầm ống nghe. Đằng kia là giọng nói ấm áp quen thuộc má:
- Dũng đó hả con?
Dũng kìm xúc động:
- Dạ, con đây má ơi! Má có khỏe không?
- Má khỏe con à. Sao dạo này con với Lan ít biên thơ về cho má vậy?
Dũng không dám nói chị Lan bị tai nạn nằm bệnh viện, nói trớ qua chuyện khác:
- Chúng con bận lắm má à! Còn má, sức khỏe như thế nào rồi?
- Má khỏe rồi. Công việc cũng tạm ổn. Má tính vào Sài Gòn thăm các con, tiện thể khám bệnh tổng quát luôn. Nghe nói Sài Gòn thay đổi nhiều lắm phải không?
- Dạ, khi nào má vô, con ra ga Hòa Hưng đón.
- Cứ biết vậy. Khi nào vô Sài Gòn thì má điện sau, nghe không?
Dũng bỏ ống nghe xuống. Anh nghĩ sẽ dẫn má đi chơi Thảo Cầm Viên, Đầm Sen mới được...
Trong lòng Dũng buồn vui lẫn lộn, vừa mừng sẽ được đón má nhưng vừa buồn chuyện chị Lan gặp tai nạn.
Gặp nhau tại bệnh viện, hai chị em nhìn nhau mừng mừng tủi tủi. Thấy chị gầy gò, Dũng muốn chạy tới ôm chầm lấy chị, nhưng không hiểu sao anh chỉ có thể đứng yên. Lan thở mệt nhọc:
- Dũng à! Đây là anh Phi, bạn rất thân của chị!
Dũng và Lâm ngớ người. A! Người đã dạy cho mình một bài học quý báu đây mà! Cả hai cùng nhìn Phi bằng cặp mắt thân thiện. Phi cũng gật đầu, ra dấu chào lại. Thấy em đến thăm mình trong hoàn cảnh trớ trêu này, Lan òa khóc:
- Đừng giận chị nữa nghe Dũng. Anh Phi cũng khuyên chị bỏ nghề bán bia ở nhà hàng. Lành bệnh, chị sẽ tìm công việc khác!
Dũng nhìn các bạn, yên lặng. Lúc đó, từ ngoài cửa phòng, Hằng bước vào. Không kịp chào mọi người, Hằng rút từ trong xách ra tờ báo, giơ lên:
- Xin thông báo cho mọi người một tin mừng. Anh Phi thành nhà thơ rồi nghen. Số báo này có đăng bài thơ anh Phi tặng Lan. Rất tình cảm.
Phi bật dậy, kêu lên:
- Đâu? Đâu? Đưa tôi xem!
Phi cầm tờ báo nhìn mãi vào bài thơ của mình, nhất là dưới tựa bài thơ có ghi thêm hai chữ “Tặng Lan”. Mùi mực thơm trên tờ báo mới đã tạo cho anh một niềm vui khó tả. Hằng nói:
- Anh Phi, đưa tờ báo cho em để em đọc cho mọi người cùng nghe.
Cầm lấy tờ báo, Hằng đọc bằng giọng đọc ấm áp, nghe âm vang:
Anh đến nơi này, hạnh phúc được gặp em
Nhưng anh bỗng không muốn
thấy em ở nơi đó nữa.
Những bông hoa tuổi hai mươi
sao không thể nở?
Anh sẽ đưa em đến một nơi thật xa
Nơi ấy chúng mình sẽ gầy dựng một ngôi nhà
Bằng chính đôi tay của chúng mình
Đôi tay cần lao sẽ trồng hoa trước cửa
Nuôi chim bồ câu trên mái nhà
Và trên đầu chúng ta là
bầu trời xanh, rất xanh
Đứa con chúng ta chơi đùa trước cửa
Dưới bóng hoàng lan
Anh nằm nhìn vòm cây
xao động lăn tăn sóng lá
Cái màu xanh ấy là em rủ xuống
hồn anh sự yên bình
Bình yên bình yên bình yên mãi mãi
Hoàng lan hoàng lan hoàng lan của anh...
Mọi người lặng yên trong xúc động. Từ khóe mắt Phi lăn xuống dòng nước mắt sung sướng...
Dũng ngước mắt nhìn ra ngoài cửa sổ bệnh viện. Anh thấy nắng tơ vàng trên vòm cây xanh. Trời đang chuyển gió. Sắp vào thu rồi. Mùa thu năm nay hình như đến muộn. Dũng gật gù nghĩ vậy...
HẾT