Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Kiếm Hiệp >> Quái Long Đầm

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 4165 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Quái Long Đầm
Sa Giang

Hồi II

I. LONG ĐỊNH THOÁT CHẾT
Hai bác cháu đứng ngắm nhìn kỹ lưỡng phương hướng, Long Định mới kéo tay Thích Đản đi vào một cái hang nhỏ hẹp, càng vào sâu càng đen tối, song với cặp mắt cù vọ cũng dễ dàng di chuyển quanh co chỗ rộng chỗ hẹp, đến một khoảng trống có tia sáng từ kẽ đá rọi xuống, xa trông như luồng đèn pha trong đêm tối. Long Định dừng bước ngay trong vòng ánh sáng trên mặt đá, bước sang bên phải tám bước, bước tới năm bước chạm vách đá bước thêm bên phải sáu bước nữa, đứng trước tấm vách đá lồi ra, lấy tay rà xuống dưới chạm đầu đá nhọn đẩy sang bên phải, tức thì phần đá lồi lên từ từ chuyển dịch sang một bên chừa ra một khoảng vuông nhỏ, vỏn vẹn bên trong một hộp đá nhỏ, kéo ra giở nắp ra chỉ có một tấm da thú ép mỏng vẽ hình bản đồ với những chữ ghi chú la liệt theo từng chỗ trên bản đồ. Long Định cẩn thận lấy bản đồ ra. Đóng nắp hộp đá để vào chỗ cũ, đẩy đầu đá nhọn cho phần đá lồi trở về vị trí cũ.
Ông lấy túi da beo gấm ở thắt lưng ra, nhét tấm bản đồ vào túi mắc vào lưng kỹ lưỡng, cùng Thích Đản trở ra miệng hang, bất ngờ con quái long, một loại giao long to lớn, đang nằm phơi nắng rình mồi cách miệng hang không bao xa, ngẩng đầu lên đánh hơi người, phóng nhanh tới táp Long Định, Thích Đản phải vọt mình lên cao, còn thấy hai chân đòng đưa bên miệng con quái long, sẵn đà tống một phi cước vào mắt bên phải quái long, khiến nó chưa kịp nuốt Long Định, lãnh đủ trọn ngọn phi cước dũng mãnh đẩy lọt tròng mắt văng ra ngoài, máu tuôn xối xả, nó điện tiết lên, hả lớn miệng ra khà hơi mạnh, tống xác Long Định văng ra, rơi xuống bờ đầm nằm vắt vẻo thảm thương bất tỉnh, nó quay ngang sang phía Thích Đản toan hả miệng táp, nhưng Thích Đản sau khi rơi xuống mặt đất vội chuyển thần lực phóng lên tống thêm một thần cước nữa cũng vừa lúc nó quay đầu lại, trúng khóe mắt trái, bể tròng mắt, máu tuôn rỉ xuống, nó hoàn toàn bị đui mù hất đầu lên xuống gầm gừ vang dội vừa táp tả táp hữu, vừa thụt lùi chạm vào gốc cây, hốt hoảng nhảy cồng lên, kéo thân mình dài thườn thượt, tung hai chân sau lấy đà phóng tới miệng hả ra tàn hoạt mong táp đối phương trong tuyệt vọng. Thích Đản nắm dược thế thượng phong, nhảy tránh sang bên, để toàn thân đồ sộ chạm vào vách đá đánh ầm một tiếng, lăn xuống chòi đạp cát bụi tung lên mịt mù.
—Trời ơi! Quái long xuất hiện, nguy to rồi hiền muội ơi.
—Hiền tỉ đừng lo ngại, bào huynh trí dũng hơn người, võ công thâm hậu, quái long có nhằm nhò gì.
—Nhưng sao không thấy thân phụ và hiền đệ đâu cả, chỉ thấy cát bụi ngập trời?
—Hiền tỉ nhìn kỹ lại xem, không chừng bá phụ và bào huynh tránh né đâu đó.
—Nhị vị nữ trợ thủ hãy nhanh chóng phóng ra mau, quái long sắp rơi xuống chỗ nhị vị đang đứng đó, nguy hiểm lắm.
Nghe tiếng la của Thích Đản, cả hai nhanh nhẹn phóng mình lên cao xẹt tới trên tảng đá vồ ra, vừa đặt chân xuống đã nghe một tiếng ầm vang động, toàn thân quái long rơi xuống đúng chỗ hai người vừa thoát khỏi. Hú vía! Hai cô nhăn mặt kinh tởm lắm. Quái long đui mù không còn phân định vị trí, nằm im nghỉ một chút, vùng lên chạy bò càng, đụng cây rừng xiểng niểng, thụt lại sang phía khác chạm vách đá thụng mình đau đớn, mong tìm đường thoát thân xuống đầm trốn tránh.
—Hai cô mau tấn công vào hai bên sườn của quái long bằng vũ khí giúp tôi mau lên!
Hai nàng rút kiếm ra chia ra hai bên phóng xuống chạm vào cạnh sườn như đánh trống dội kiếm vì da thú dầy cứng như vẩy sắt, đổi thế công đâm vào nách thọc sâu vô rút ra đâm nữa như đâm vào bị thóc hay bị thịt, chả nhằm nhò gì hết, dương như thọc lét nó làm cho nó nổi cơn lên quây đầu hai bên sườn, nhưng hai nàng đã tránh trước, nó táp vào khoảng không càng căm tức hằn học táp liên tu bên nầy và bên kia, hai nàng cứ tiếp tục đâm hết nhát nầy tới nhát khác khi nó quay đầu sang bên kia giống như trẻ con đeo theo hai bên trửng giỡn với cha mẹ.
Nhờ đó Thích Đản vội nhảy xuống bờ đầm đến chỗ Long Định nằm, nhanh nhẹn đỡ lên thấy còn thoi thóp yếu đuối, mừng lắm, sóc đỡ lên vai, phóng vụt đi ra khỏi bãi chiến còn la lên:
—Nhị vị rút lui ngay theo tại hạ, sau sẽ tính, quái long tuy đui mù, nhưng sức khỏe nó còn sung mãn lắm, chúng ta chưa giết nó nổi đâu. Hơn nữa bá phụ bị thương nặng cần về chạy chữa. Mau lên!
Nói xong Thích Đản phóng đi liền, hai chị em tức tốc chạy theo bỏ mặc quái long gầm gừ táp qua táp lại. Về tới gia trang, Thích Đản vừa chạy vừa la, mọi người hốt hoảng lo soạn chỗ nằm nơi phòng khách, đặt Long Định xuống, Thích Đản thét mọi người lo đốt lửa than lên hơ ấm thân thể Long Định, một mặt sai Thùy Ninh chạy đi lấy chanh gừng đâm vắt lấy nước cho vào chung đem đến, chàng lấy bầu Long đàm mật ra rót bảy giọt vào chung tan đều ra, cạy miệng đổ thuốc vào, chế thêm chút rượu ngũ gia bì tràn chun cho vào tiếp, đoạn dùng luồng chân lực đẩy thuốc vào bao tử xuyên qua ruột non, chuyển vào mạch máu từ từ đẩy qua ngũ tạng lục phủ, đồng thời hai nàng cũng tiếp tay chuyền nội lực vào hai huyệt Song Long ở bả vai, trong lúc toàn thân Long Định vết răng trầy trụa bầm tím, quần áo rách tả tơi.
Khi thuốc đã thấm đều vào ngũ tạng lục phủ, Thích Đản vội đỡ Long Định ngồi dậy có hai nàng kè hai bên cho ngồi thẳng đứng, chàng vận thần lực dồn vào huyệt Kiên Tĩnh thúc đẩy hỏa hầu đưa nhịp tim lần hồi bình quân trở lại, trọn một khắc mới điều hòa, hơi thở lần lần thong thả không còn thoi thóp nữa, mí mắt bắt đầu nhấp nháy mọi người mừng rỡ lắm, tiếp tục truyền khăn hơ nóng khắp châu thân Long Định, nhứt là bà Long Định ngồi túc trực bên giường. Ba người ngưng chuyền nội lực, sang phòng khác ngồi vận công điều tức.
Mặt mày Long Định từ màu xám xịt chuyển dần sang màu hồng, tươi tỉnh lại, trong lúc mọi người bồn chồn chờ đợi sự hồi tĩnh, hoàn toàn nín lặng, tiếp tục hơ ấm toàn thân. Long Định bắt đầu nhấp nháy đôi mắt, đôi ba nhịp mới mở mắt ra thều thào:
—Đây... là... đâu?
—Đây là Quan Gia Trang. – Bà Long Định mừng rỡ trả lời. —Ông đã hồi tĩnh!
—Tôi... còn... sống... à?
—Đúng vậy! Ông nhìn ra thiếp chưa?
—Bà là vợ tôi mà!
—Thưa cha! Có thấy con không?
—Thấy chớ! Thùy Ninh của cha mà. Cón cháu Thích Đản đâu?
—Thưa bác! Cháu đây!
—À! trong lúc bác bất ngờ bị nó táp, bác không còn biết gì nữa hết.
—Đúng rồi, Quái long tính nuốt bác, nhưng bất thần cháu cho nó một thần cước vào mắt phải lọt tròng mắt, bắt buộc nó nhả bác ra rơi xuống bờ đầm, cháu phải lo chống trả quái long và tống thêm một phi cước thứ nhì vào mắt trái, làm bể tròng mắt nó trở nên đui mù không thấy cháu nữa, nhưng nó còn hung hăng tấn công thêm chạm vào vách đá tự văng xuống.
—May nhờ hai con trông chờ lâu nên đi tìm đến hiện trường, vội nhảy vào vòng chiến theo lịnh của Thích Đản tấn công vào hai mạng sườn non của nó, để Thích Đản rảnh tay đi tiếp cứu cha, mang đi, chúng con rút chạy theo về gia trang.
—Thưa bác! Lần đầu tiên con mới gặp quái long, kiếm đâm chém bao nhiêu nhát chẳng hề hấn gì, nó vẫn dũng mãnh gầm thét dễ sợ. Con ra sức đâm chém như đâm chém vào bị cát hay bị thịt không ăn nhằm gì hết, con nhận xét như con kiến bên con trùn hổ.
Mọi người nghe nói cũng lắc đầu le lưỡi, tỏ vẻ sợ sệt vô cùng.
—Bây giờ, xin bá phụ nằm nghỉ dưỡng sức, uống nước trà sâm cho khỏe, các vết thương trên thân mình bác phải năm ngày nữa mới lành lặn bình thường được. Kính chúc bác mau bình phục!
Ba chị em rút ra ngoài nằm nghỉ ở phòng riêng, chỉ còn lão bà ở lại chăm sóc cho chồng cùng đám thị nữ.
Hôm sau, ba chị em vào vấn an, thấy Long Định tươi tỉnh nhiều rồi, nhưng không dám nói chuyện nhiều với Long Định.
—Thưa bá mẫu! Trong lúc thay quần áo cho lão bá, có thấy túi da beo gấm giắt trên lưng không?
—Bác không thấy, chỉ toàn quần áo rách nát, cái túi gấm đó đựng bảo vật, một hột minh châu gia bảo, vật bất ly thân của ổng mà!
—Lạ quá! Khi lấy Bí Mật Đồ ra cháu thấy lịnh bá để vào túi gấm giắt vào lưng cẩn thận lắm.
—Có thể vào bụng quái long rồi!
—Nếu vào bụng quái long, thời cháu phải giết nó, mổ bụng lấy lại gia bảo mới được, nhứt là bí mật đồ.
—Khoan đã cháu! Cháu đừng quá nóng nảy, chờ ít ngày cho bác bình phục sẽ tiếp tay với cháu mới được, ở nội đây chưa ai thủ thắng với nó từ xưa tới nay.
Đã nhiều người bỏ mạng bởi nó, nên chốn nầy ít người bén mãng tới, cũng do quái long trấn đóng. Hôm qua bất thần nó táp bác, cháu đã một phen khốn đốn với nó rồi. Tuy nó đui mù song nó linh tính lắm, không dễ dàng để cháu khắc phục nó. Bác thành thật khen ngợi cháu biết yếu điểm của nó là cặp mắt để tấn công, cứu bác thoát chết, chớ còn da thịt nó không thể nào đâm chém được.
Chính nó là con giao long ngày xưa tiên tổ mình đem về nuôi nó trong đầm để nó làm hung thần giữ gìn kho tàng trên bốn trăm năm rồi, có truyền khẩu cách thế phá nó để vào kho tàng. Bác còn nhớ rõ, nhưng bây giờ còn suy yếu không thể theo tiếp cháu được, cháu ẩn nhẫn, thư thả vài ngày cho bác khỏe lại đã rồi sẽ liệu định.
—Bác phân phán như thế cháu xin tuân hành!
Suốt mấy ngày qua Thùy Ninh hướng dẫn hai anh em di tham quan danh lam thắng cảnh của vùng rừng núi Việt Bắc đầy thơ mộng trữ tình, đến đâu cũng được đề thơ xướng họa vui vẻ. Cả ba thi thố tài năng thi phú văn chương đối nghịch về tư tưởng Trung Nguyên và Nùng biên giới, văn tài cùng đối đáp, không ai chịu thua sút ai, xuất khẩu thành thi, theo lối liên hoàn,hay xướng họa, lối tả chân truyền cảm, lối luận nhạn sa ngư lụy... vui vẻ bàn thảo văn chương hai miền, một bên tích trĩ hùng hậu, một bên chân thật mặn mà không khách sáo của kẻ ít khi được dịp tham dự thi phú văn chương nơi thâm sơn bí cảnh. Tuy nhiên bao giờ Thích Đản cũng tế nhị nhún nhường từng lời, từng chữ cho đẹp dạ người chị ở miền sơn dã. Còn Thu Hương cứ thẳng băng sát phạt, đôi khi làm Thùy Ninh bí lối, may nhờ Thích Đản nhanh nhẹn giải tỏa đi hết cho vui vẻ cả làng.
Cả tuần nhựt rong chơi thoái mái hằng ngày sau khi vào vấn an Long Định mỗi buổi sáng.
—Nầy cháu, hôm nay, bác thấy khá bình thường, bác đã sắp đặt sẵn một chầu đãi cháu cho phải lẽ, vậy cháu nghỉ đi du ngoạn được chăng?
—Như vậy, cháu xin lạy mừng bác đã bình phục!
—Thôi đi cháu! Lời nói đáng ngàn vàng, bác chấp nhận rồi, miễn lễ đi. Nào mời hai cháu hỉ hạ một phen.
—Kính cung không bằng tuân lịnh! Cháu xin tuân hành triệt để.
Mọi người vui vẻ tiến sang phòng ăn, đầy đủ thịt rừng và cao lương mỹ vị rừng núi.
Nhấm nháp ba tuần rượu, ăn uống những món sơn hào, lâm vị ngon miệng thực khách:
—Thưa bác! sứ mạng của cháu thực hành được phân nửa, còn phần kia lại quá gian truân khốn đốn, khiến cháu lưỡng lự muốn rút lui.
—Cháu đừng vội bi quan. «Mạng lý hữu thời chung tu hữu, Mạng lý vô thời mạc cượng cầu!» Từ xưa đến nay, đã trên bốn trăm năm chưa có ai dám thi gan cùng tuế nguyệt, sánh tài cùng ác thú tranh hùng bằng cháu, bác hãnh diện được tông tộc mình sanh quí tử, làm rạng rỡ tông môn. Kỳ nầy nếu cháu thành công, chẳng phải một mình kiến họ mình thụ hưởng, còn vang danh cho toàn thể Trung nguyên có một bậc kỳ tài «Tranh hùng cùng ác thú» cũng như ngày xưa Võ Tòng đả hổ, bác sẵn sàng làm viên đá lót đường cho vinh dự của tông tộc.
—Dạ cháu đâu dám thọ lãnh vinh dự đó khi chưa làm gì ích quốc lợi dân.
—Ậy! Bác biết rõ tài trí của cháu, bác mong mỏi hưởng lây danh dự trong tông tộc. Hơn nữa, phần hành của việc giữ gìn kho tàng đã quá lâu, bác cần tề tựu về hợp nhứt với thân tộc đã trải qua nhiều đời thất lạc. Chỉ có thành công nầy làm lễ tiến trình kiến họ nơi quê nhà mà nhiều đời mong mỏi.
—Nếu bác nhận định chính đáng như thế nầy cháu xin tuân phục, tận lực tri thiên mạng với quái long mới được.
—Bác hài lòng về quyết định của cháu. Bây giờ bác cần ghi lại những đặc tính quái long theo gia truyền khẩu: Quái long nầy khi no mồi nó trầm mình xuống đáy đầm, không thể tìm nó dễ dàng được, do đầm rộng lớn. Nó có yếu điểm nơi ức, vùng da mềm đi thẳng vào tim, chỉ một mũi kiếm thọc vào đó, nó mới chịu chết. Cửa kho tàng ở đáy đầm là nơi nằm canh giữ, dầu cho Bí Mật Đồ bị tung đi mất hay vào bụng nó, bác cũng có thể theo gia truyền khẩu tìm được cửa kho tàng. Đáy đầm sâu lắm, với công lực chúng mình dư sức mở cửa kho tàng, nhưng bên trong còn nhiều bí hiểm phải có Bí Mật Đồ mới thoát qua được mà thôi. Theo ý bác, cần yếu nhứt là phải có Bí Mật Đồ. Cháu đã thấy bao nhiêu bộ xương người rải rác nơi bờ đầm, đấy là chứng tích vòng ngoài của kho tàng được bảo quản. Theo gia khẩu truyền, bên trong kho tàng còn nhiều khắc tinh án ngữ như Ma xó, Ma chành, Thần tài thủ sản đầy nguy hiểm, mất mạng như bỡn. Bây giờ bí mật đồ không biết nằm đâu!
—Thưa bác, cháu sẽ cố gắng giết chết quái long nhờ bác đã cho biết yếu điểm của nó, để mổ bụng nó ra tìm lại túi da beo gấm đã rớt chui vào bụng nó.
—Thảng như không có trong bụng nó thời cháu tính sao?
—Thưa bác, bằng mọi giá cháu vẫn tìm phương thế tiến hành khai quật kho tàng, làm tròn sứ mạng tông tộc giao phó.
—Bác cũng đã lo lắng gìn giữ cho tròn thiên chức theo di chúc tổ tiên, trông cho sớm có kết quả hầu chấm dứt nhiệm vụ khắc nghiệt truyền tử lưu tôn càng sớm càng tốt, hầu đoàn tụ với kiến họ.
—Tại sao miệng kho tàng lại nằm dưới đáy đầm sâu, để quái long trấn giữ?
—Theo khẩu gia truyền, ngày xưa đấy là một vùng thung lũng có bản làng Tày sinh sống ở đó, nhưng sau dân Tày theo triều đình nhà Trần chống quân Mông Cổ khi tiến đánh An Nam Quốc, quân Mông Cổ giết sạch bản làng Tày trả thù, thành ra nơi ấy trở thành hoang địa, với nhiều ma quỷ lộng hành, không ai dám bén mãng đến. Khi tướng Trương Phụ nhà Minh sang diệt nhà Hồ với tiêu lệnh «Diệt Hồ phục Trần», rồi trở mặt tiêu diệt luôn cả nhà Hậu Trần cùng các ổ kháng chiến của dân Việt, tiêu biểu còn bài thơ lưu truyền trong dân gian của Đặng Dung:
«Thế sự du du nệ lão hà!
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca.
Thời lai đồ điếu thành công dị,
Sự khứ anh hùng ẩm hận đa.
Trí chúa hữu hoài phù địa trục.
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà,
Quốc thù vị phục đầu tiên bạch,
Kỷ độ Long tuyền đới nguyệt ma.»
Dịch:
Việc đời bối rối tuổi già vay.
Trời đất vô cùng một cuộc say.
Bần tiện gặp thời lên cũng dễ,
Anh hùng lỡ bước ngẫm càng cay.
Vai khiêng trái đất mong phò chúa,
Giáp gột sông trời ló vạch mây.
Thù trả chưa xong đầu đã bạc,
Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày.
(Phan kế Bính)
Trong hàng quan chức cai trị An Nam Quốc có ngài Quan Long Tùng, khéo léo trong việc trị dân suốt mấy năm tích lũy một tài sản khổng lồ, chưa có thể chuyển về Trung Nguyên kịp, nên phải tìm nơi lập thành kho tàng, để sau nầy con cháu âm thầm sang khai quật về thụ hưởng. Trong một cuộc tuần tra biên giới Việt Bắc, ngài nhận thấy bản làng Tày hoang vu hẻo lánh, nên chọn nơi đây chôn giấu kho tàng, sai quân sĩ lấp tất cả những dòng suối, chận hết những đèo vào thung lũng, giữ nước lại tạo ra cái đầm to lớn, còn tìm mấy con giao long đem về nuôi dưỡng để trấn giữ kho tàng.
—Như thế, kho tàng tổ tiên đã dầy công gầy dựng bí hiểm, cố ý cho con cháu muốn thụ hưởng gia sản kếch xù, phải chứng tỏ tài đức và bản năng khắc phục nữa, mới xứng đáng công lao gầy dựng khó nhọc của tổ tiên.
—Đúng vậy! Sau bữa tiệc nầy, bác cùng các cháu tiến hành ngay, đừng chậm trễ.
—Dạ, cháu xin tuân mạng.
Đoàn người chỉ có bốn, uy lực còn hơn cả chục người, được Long Định hướng dẫn đến Quái Long Đàm, tìm kiếm túi da beo gấm kỹ lưỡng từng bụi rậm, gốc cây nơi quái long táp Long Định, cào sới bãi cát nơi Long Định rơi xuống ở bờ đầm, nhưng bặt vô tông tích. Thích Đản trầm ngâm nghĩ ngợi:
—Thưa bác, chúng mình lục soát tìm kiếm tỉ mỉ không thấy túi gấm, chắc ở trong bụng quái long.
—Như thế phải giết quái long mới được, bác thấy chỉ còn cách đó mà thôi.
—Xin phiền nhị vị cô nương tìm nơi trú ẩn để làm hậu tập khi cần.
—Đồng ý!
Hai cô gái tìm một cái hang nhỏ hẹp chui vào ẩn náu chờ lịnh.
–––– o0o ––––
II. PHANH THÂY QUÁI LONG
Long Định và Thích Đản vận nội công, phóng mình xuống đầm lặn sâu xuống đáy, đi tìm quái long đả kích, khiến nó lồng lộng lên dữ tợn đuổi theo hai người, nhưng hơi chậm vì nó chỉ đánh hơi tung mình theo, con hai người quẹo quanh, làm cho nó không dùng toàn lực phóng nhanh được dưới nước. Hai người phải rút lui bỏ chạy do ở dưới nước bất tiện sử dụng võ lực không thể đoạt thế thượng phong được. Trồi lên tới mặt nước, nhanh nhẹn trườn vào bờ, phóng lên tảng đá cao đứng đợi, tay rút kiếm ra thủ thế.
Một chập sau, quái long phóng lên hùng hổ, gầm rống dữ tợn tạo ra những gợn sóng nhấp nhô, trườn vào bờ, đủng đỉnh bò tới, đầu lắc lư đánh hơi, hai mắt còn sưng phù mất hết nhãn lực.
Thích Đản chờ cho nó lên bờ mới tấn công. Chàng ra lịnh cho hai cô gái cứ tấn công hai bên hông dâm vào nách quái long như kỳ trước, khiến quái long rống lên quật đầu qua lại táp vào khoảng không.
Long Định phóng xuống trên lưng quái long kẹp cứng vào cổ nó thọc kiếm đâm vào yết hầu máu tuôn lai láng, nó quật đầu lên đập xuống trên lưng để loại trừ Long Định, nhưng ông vẫn bám chặt vào cổ, hai tay nắm chặt vào chuôi thanh kiếm đâm vào cổ, hai chân kềm cứng, nên không thể văng ra, giống như con kiến đeo vào cổ con trùn hổ cắn miết vào, mặc cho con trùn vẫy đập, kiến vẫn không văng ra, đành chịu trận.
Thích Đản nhận xét cái ức nó không được phòng bị do ba mũi giáp công ở cổ và hai bên hông phải đối phó, chàng nhanh như điện xẹt phóng xuống chí mũi kiếm vào ngay ức thọc sâu vào lút cán quậy mạnh, khoét lấy chỗ da mềm, máu phún ra xối xả nhuộm đỏ cả y phục mình mẩy, chàng vẫn không sờn lòng vận thêm mười thành công lực giữ vững vị trí khoét rộng thêm mãi cho đến khi không còn khoét được nữa, vội rút kiếm ra phóng vót lên tảng đá la lên:
—Xin tất cả rút nhanh ra trú ẩn, quái long sắp chết!
Mọi người răng rắc nhảy ra hết: Long Định vọt lên đứng cận Thích Đản, hai cô gái cũng vội phóng mình vào hang trú ẩn, trong lúc quái long giãy lên dữ dội quật ngã những cây rừng bên bờ đầm. Nó càng lăn lộn bao nhiêu, máu càng phún ra bấy nhiêu, tô đỏ bãi cát và các tảng đá chung quanh gần nửa khắc mới kiệt sức, từ từ quỵ xuống, cả một thân hình đồ sộ, to lớn gấp mấy chục lần con voi, dài trên mười mấy trượng, miệng há hốc như miệng cá sấu to lớn, máu vẫn chảy ra, răng lởm chởm nhọn liễu to như tấm thớt.
Long Định vụt nhớ lại thảm cảnh bị nó táp, với những vết thẹo đầy mình, ớn lạnh xương sống. Chờ cho no hoàn toàn chết hẳn, cả bốn người nhảy tới cùng nhau xẻ bụng con quái long, Long Định lấy cái mật to bằng trái dừa đem ra cột treo lên nhánh cây phơi gió, tiếp tục lục soát khắp bao tử quái long, chỉ thấy binh khí, vàng ròng nữ trang, tuyệt nhiên không thấy túi gấm đựng Bí Mật Đồ.
Thích Đản buồn bã cho số phận hẩm hiu, vất vả không nên tích sự gì.
—Kính mời chư vị trở về nhà thảo luận lại kế hoạch khác.
Tất cả lục tục kéo nhau về, riêng Long Định bợ cái mật về dùng vào việc riêng.
Cả một đống thịt to tát bỏ đi rất uổng, Long Định khi về tới gia trang thông báo cho mọi gia nhân hay kéo lên chia phần thịt da hết trơn.
–––– o0o ––––
III. GẶP GỠ Ý TRUNG NHÂN
—Theo bác nghĩ, trong lúc nó táp bác, cái túi gấm vướng vào hàm răng của nó, bị văng trở lại trên bờ đầm, nhưng mạnh quá nên văng ra xa, bị cát lấp lên, chi bằng chúng mình đào xới trọn vùng đó có thể tìm lại được.
—Ví như nó văng xuống đầm làm sao đây?
—Đành chịu! Đáy đằm bùn sình túi gấm lún sâu trong bùng không thể nào mò kiếm được.
—Bây giờ cháu đề nghị với bác, ghi nhớ lại tất cả khẩu gia truyền theo đúng trình tự, phân tích lại kỹ lưỡng cho thật rành rẽ, thiết lập phương án hành sự, không còn sơ thất nữa khi chúng mình xong pha vào kho tàng.
—Như vậy, bác phải tịnh dưỡng một đêm nữa, ghi nhớ lại tất cả khẩu gia truyền mới được.
—Bác nói đúng, cháu cũng cần nghỉ ngơi lấy sức khỏe, sáng mai tỉnh táo, sáng suốt nhận định việc làm chính chắn. Đồng thời gấp rút giúp hiền tỉ mở rộng thêm võ y lý trị liệu để sau nầy sử dụng.
—Hiền đệ nói thế hợp ý chị lắm đó. Theo vai vế là chị, thật ra chị còn nhỏ tuổi hơn Thu Hương, kinh nghiệm kém khuyết, nhứt là giang hồ hành hiệp như hai anh em hiền đệ.
Cả ba kéo sang phòng riêng, Thích Đản giảng qua vỏ y lý trị liệu cho Thùy Ninh chu đáo, có phụ họa của Thu Hương những chỗ nào khó hiểu, chỉ một buổi chiều Thùy Ninh thu nhận đầy đủ phương thức võ y lý trị liệu, nhứt là dùng Long Đàm Phấn và Long Đàm Mật, một phương thần dược đem truyền lại cho hiền tỉ không e ngại giấu nghề gì hết. Thùy Ninh rất hài lòng nhận thấy tình tông tộc quí hiếm.
Sáng hôm sau, trong lúc quây quần uống trà điểm tâm, Long Định phân bày:
—Ngài Quan Long Tùng biết rằng không thể chở tài sản kếch xù về Trung Nguyên kịp, bí mật cho quân sĩ lên khai khẩn vùng đất bỏ hoang, một thung lũng cây cỏ mọc um tùm, không ai bén mãng tới, đem hết toàn bộ tài sản lên chôn giấu bí mật trong một cái hang trong núi có miệng hang trông ra thung lũng do trưởng nam Quan Long Điệp điều hành, thuộc rõ mọi chi tiết trong kho tàng. Ngài Quan Long Tùng vẽ bức Bí Mật Đồ với đầy đủ khẩu quyết trị Ma xó, Ma chành, Thiên linh cái, nhứt là Thần tài trấn giữ kho tàng, cất giấu chìa khóa mở kho tàng cũng có nói rõ trong Bí Mật Đồ nơi chốn và cung cách tìm chìa khóa cũng như mở cửa kho tàng. Bên ngoài kho tàng, một đàn rắn độc được nuôi dưỡng chu đáo, luyện tập thuần thục trở thành vệ binh đoàn cấp thứ nhứt, ra khỏi hang động giàn thêm một đoàn ác thú cọp, beo, heo rừng cũng huấn luyện thuần thục lập thành vệ binh đoàn cấp thứ nhì. Nhưng ngài Quan Long Tùng còn ngại con cháu dân Tày tìm trở lại bản làng xưa, nên ngài cho lấp chận các dòng suối cho chảy vào thành cái dầm, lại còn thả mấy con giao long xuống đầm nuôi dưỡng huấn luyện trở thành đoàn vệ binh thứ ba trấn giữ miệng hang kho tàng. Khi ngài bị quân lính Bình Định Vương đánh đuổi về Trung Nguyên, bí mật để Quan Long Điệp ở lại canh giữ kho tàng với bí mật đồ. Quan Long Điệp lấy vợ Nùng xây cất nhà ở trốn tránh sự dòm ngó của dân Tày và người An Nam. Nhưng tin đồn những kho tàng của quan lại Tàu chôn giấu, nên nhiều người An Nam, Nùng, Tày, Dao thường la cà tìm kiếm, thường bị rắn độc và ác thú hủy diệt. Quan Long Điệp vất vả lo bảo quản kho tàng, tiếp tục kế hoạch an ninh toàn hảo cho kho tàng, truyền tử lưu tôn, mỗi năm đều lén về Trung Nguyên tham dự lễ giỗ tổ tông cho đến đời Quan Long Thanh dự trù về giao lại bí mật đồ cho tông tộc, trở về Trung Nguyên sinh sống vì sợ bị bại lộ, nhưng thất bại do giặc giã Mãn Thanh đánh thắng quân đội nhà Minh, cuối cùng là Ngô Tam Quế, cả gia tộc bỏ Nam Kinh chạy về Hồ Bắc, không tìm ra được tông tích, ông đành chịu trở về, tìm chỗ chôn giấu bí mật đồ, mà bác đã theo gia khẩu truyền cùng cháu đến lấy ra, để khỏi bị cắn rứt lương tâm, cho mãi đến ngày nay.
—Theo khẩu gia truyền có cho biết những khẩu quyết trị âm binh gìn giữ kho tàng không?
—Hoàn toàn không, tất cả đều nằm trong Bí Mật Đồ.
—Như thế, Bí Mật Đồ rất quan trọng, bây giờ thất lạc rồi, đành dùng năng lực mình mà thôi: «Tận nhân lực tri thiên mạng» Không thể bỏ sản nghiệp của tổ tiên đã lao tâm tổn trí gầy dựng để lại cho con cháu. Cháu đề nghị: Ngày mai chúng mình lần dò tìm vào hang động kho tàng, tìm cách ngự trị đàn rắn có thể đông lắm. Cháu đã giết một con rắn mãng xà cứu dân. Cháu đã nghiệm xét những thế võ riêng biệt của nó chống với cháu có vẻ giống lối «Xà Quyền» một thế võ của tông tộc, nhứt là mấy con cọp trong vùng cháu đi qua, cũng có nhiều thế võ «Hổ Quyền» của tông tộc. Như vậy chứng tỏ rắn và cọp lần hồi mở rộng phạm vi sinh sống, do chúng sanh sản và tăng trưởng quá đông, không còn đủ mồi để sống. Do đó cọp và rắn mình có thể khắc phục không mấy khó khăn, bằng chứng là chị Thùy Ninh đã giỡn với cọp dễ dàng. Mình đã triệt tiêu vệ binh thứ ba rồi, còn vệ binh thứ nhì và thứ nhứt kể như sẽ thanh toán. Cái khó khăn thứ nhứt là chìa khóa mở cửa kho tàng, hiện nay chưa biết cất giấu ở chỗ nào? Cái khó thứ nhì là khắc phụ Ma xó, Ma chành, Thiên linh cái, nếu không có đủ bùa phép trấn áp là thất bại hoàn toàn. Chúng vô hình, rất ranh mãnh, cố giết chết người khác thay thế cho chúng siêu thoát hết nợ trần gian. Cái khó thứ ba là Thần tài giữ của uy quyền âm cảnh rất cao, sẽ ngăn chận và giết chết ai muốn phá trách nhiệm của nó.
—Ba cái khó của bào huynh nêu ra, tiểu muội thấy chúng ta không thể hành toàn dược, do qui kết lại Bí Mật Đồ. Có Bí Mật Đồ là giải quyết dễ dàng hơn là tự lực xông pha. Tiểu muội nhận xét rất nguy hại khi chống chỏi kẻ vô hình.
—Làm sao đây! Chúng ta vô kế khả thi rồi.
—Theo bác nghĩ, chúng mình đến thỉnh đại sư Tích Thiện Tự đến dùng tâm thức cao siêu truy tầm túi gấm đựng hột minh châu và bí mật đồ.
—Còn nước còn tát. Ngày mai chị Thùy Ninh lên thỉnh đại sư Tích Thiện Tự, vì chị là thí chủ của chùa.
—Được! Ngày mai chị lên đường, chỉ có mười mấy dặm đường. Đến trưa sẽ thỉnh đại sư về đến đây ngay.
—Tốt! Còn phần em, trổ tài nấu đồ chay cúng dường một phen được không?
—Dĩ nhiên rồi, bữa tiệc chay khoản đãi cúng dường phải chu đáo mới được.
—Thưa bác! Bác an nghỉ cho khỏe ngày mai tiếp khách, bác cố gắng thuyết phục đại sư truy tầm túi gấm đựng bảo châu của gia bảo bị thất lạc, xin bác đừng đá động đến kho tàng, tiết lộ ra nguy hại lắm đó.
—Đúng đó, bác sẽ làm hết sức mình.
—Còn phần cháu chỉ là khách nhàn du đến tìm thân tộc đã từng diện kiến đai sư.
—Bác hiểu rồi, cháu liệu toán còn hơn Khổng Minh, bác hài lòng lắm.
Cuộc họp chấm dứt, mạnh ai nấy lo phần hành.
Thích Đản thấy mình thư thả, nên du ngoạn chơi cho giảm bớt đầu óc căng thẳng, ung dung thả bộ lên Quái Long Đầm, nhìn lại bãi chiến, tiếc rẻ cho con quái long bị giết chết oan uổng, do thiếu bí mật đồ, nhứt là chưa xem qua Bí Mật Đồ trước khi đụng độ với nó thế nào trong Bí Mật Đồ cũng có phần ngự trị quái long. Tại sao chỉ có một con quái long, trong lúc nuôi dưỡng gia súc thường chẵn cặp để duy trì nòi giống, giữ kế lâu dài? Đoạn nầy tối về hỏi lại bá phụ mới được.
Tâm thần thơ thới, chàng nhẹ nhàng cất bước vòng quanh bờ đầm, bỗng thấy thấp thoáng bóng người nhanh chóng vượt về phương Bắc của Đầm, mất hút sau rặng cây xanh của rừng thưa, chỉ còn thấy bóng mờ trắng trắng của người cò trình độ võ công thượng thặng, biết mình đuổi theo cũng trễ, quày quả trở về thuật chuyện cho Long Định nghe.
—Bác nghĩ, có thể là người đi săn bắn, du ngoạn hay tìm kho tàng, nhưng với võ công trác tuyệt như cháu nói, ở đây chỉ có môn phái người Nùng không mấy cao lắm, người Tày đã không còn trở lại nữa, người Dao cũng xấp xỉ người Nùng, bác nghĩ chỉ có người An Nam do Trúc Lâm Phái sáng lập từ đời nhà Trần ở Yến Tử Sơn và phái Lâm Đa thành lập vào cuối đời Trần ở Thăng Long rất có uy thế... Như vậy theo lời cháu tường thuật, có lẽ người ấy thuộc hàng môn đệ của một trong hai môn phái thịnh hành ở vùng nầy. Thuở trước, bác và bào huynh đã từng giúp đỡ Hoàng Phủ Đức trong quan trường khi mới tóm thâu Bắc Hà dẹp yên giặc giã trấn an nền cai trị của triều đình nhà Nguyễn Gia Long.
—Còn một chuyện nữa, khi nuôi dưỡng gia súc nhứt là giao long thường phải chẵn cặp để duy trì nòi giống, bảo quản kế hoạch lâu dài, cớ sao chỉ có một con?
—Á! Chuyện nầy bác chưa nói rõ, lúc đầu nuôi một cặp, khi lớn lên, hai con vẫn yên ổn sống chung nhau đến khi con mái mang thai, con trống phải đi tìm mồi về nuôi dưỡng con mái khi đã gần tới thời kỳ sanh đẻ. Theo lời tường thuật của nội tổ bác, con trống giết một con rắn mãng xà đầu đàn mang về cho con mái ăn, nào ngờ mãng xà chưa chết hẳn tỉnh lại cố hết tàn lực mổ con mái một vít ở ngay mỏ, khiến con mái bị nọc độc, oằn oại giẫy giụa, nội tổ hay được chạy tới lo cứu chữa thời đã trễ, con mái chết mang theo cái thai chết luôn. Từ đó con trống mà cháu phanh thây thật oan uổng, nó sẽ là trợ thủ đắc lực cho mình dẹp đàn rắn trong hang. Nếu khai quật được kho tàng, bác sẽ trở về Trung Nguyên dưỡng già vì đã mãn nhiệm suốt trên bốn trăm năm thi hành bổn phận gìn giữ kho tàng qua nhiều đời.
—Đương nhiên rồi! Công lao của gia đình bác và tiên tổ quá nặng nề mấy trăm năm qua bảo quản kho tàng cho kiến họ phải được đãi ngộ xứng đáng chớ!
Cháu cố gắng bôn ba truy tầm vất vả gần cả năm mới hân hạnh gặp được bác.
Gia tài sản nghiệp được càng tốt, không được cũng chả sao, chỉ có dòng họ còn giữ thâm tình mới đáng quí.
Ngày hôm sau, trong buổi lễ cúng dường, đại sư Tĩnh Giác của Tích Thiện Tự, sau khi nghe rõ thí chủ mất cái túi gấm trong có chứa minh châu gia bảo, ngồi kiết già tham thiền nhập định, dùng tâm thức truy tầm cái túi gấm đựng báo châu cho biết:
—Mới hôm qua túi gấm có người lượm được tình cờ, đi về phía thành trì Thăng Long rồi.
Thế là sau khi đại sư Tĩnh Giác ra về hai bác cháu than thở:
—Hoài công cháu vào sinh ra tử, chẳng nên tích sự gì, thủ vật nhơn đã về Thăng Long rồi biết đâu mà tìm. Dẫu tìm được cũng khó châu hoàn hiệp phố. Bí Mật Đồ nằm trong tay là chủ nhân ông một kho tàng kếch xù, bây giờ chỉ còn chờ cho người ta trở lại tìm kho tàng, phải một mất một còn với họ mới mong khai quật được. Làm sao đây?
—Theo cháu nghĩ, nếu thủ vật nhơn là hảo hớn, anh hùng hào kiệt, thời chánh đại quang minh truy tầm kho tàng, chỉ e nhằm vào tay kẻ tham sân si, dễ gì phăng ra mối. Họ có ngu gì đút đầu vào chỗ chết?
—Kính thưa bác và bào huynh! Theo em nghĩ thủ vật nhơn về Thăng Long, em xin phép đi truy tầm hắn ta, sẽ tùy tiện hành sử để đoạt lại cho bắng được bí mật đồ.
—Em nhắm có đủ sức đối phó với người tài trí hơn anh hay ngang anh theo nhận xét năng lực đối phương của ngu huynh.
—Xin anh hiểu giùm cho em, mạnh dùng sức, yếu dùng mưu, tùy trường hợp đối phó.
—Em Thu Hương nói có lý, chị cũng xin tháp tùng theo Thu Hương, tùy cơ ứng biến.
—Thưa bác! Cháu xin thỉnh ý bác!
—Theo bác nghĩ, hiện nay chúng mình đang ở tư thế túng quẫn cùng đường.
Cùng tắc biến, biến tắc thông, cháu nên nhớ nữ nhi đôi khi cũng đắc lực hơn nam tử khi biết sử dụng đúng chỗ, đúng lúc.
—Bác phân phán như thế, cháu đồng ý trong lúc vô kế khả thi cho nhị vị cô nương thực thi ý nguyện, nhưng phải thận trọng, chỉ trong vòng một tháng, xong việc hay không cũng phải về thông báo, nên nhớ chỉ vỏn vẹn có hai chị em trong vòng một tháng, không ai hộ tống, tự lo liệu lấy thi hành kín đáo nhé!
—Em biết mà! Em đã chứng minh cho anh thấy rồi trong trường hợp vừa qua, tin em đi!
Sáng hôm sau, hai chị em khăn gói lên đường trực chỉ về Thăng Long, còn Long Định và Thích Đản luân phiên nhau hằng ngày túc trực rình rập tại Quái Long Đầm.
Hai chị em như hai con chim sơn ca sổ lồng, tha hồ sải cánh tung bay vượt qua đèo núi cheo leo, chỉ một hơi trọn ngày đã về tới Thăng Long, tìm khách sạn tạm trọ, nghỉ ngơi ăn uống bồi dưỡng cho khỏe, mỗi ngày kín đáo chia ra những ngả đường của Thăng Long ba mươi sáu phố phường, hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, đê sông Hồng Hà, các dinh thự, các nhà lầu đại phú gia, đều được bí mật xâm nhập sưu tra, truy tầm một bạch y hiệp khách, không biết mặt mũi tên họ, thật là thiên nan vạn nan, nhưng với ý chí: «Hoàng thiên bất phụ thực tâm nhơn!» cả hai chị em quần truy khắp nơi, trà đình tửu điếm, ngày đêm túc trực, la cà thăm hỏi duyên dáng và lịch thiệp, thường bị kê tủ đứng về thân gái đi tìm chàng trai chẳng rõ tông tích gì hết, chỉ biết mặc y phục trắng, nên thường bị ngộ nhận những chàng công tử bột chọc ghẹo sỗ sàng, khiến hai chị em bực tức vô cùng, song cũng ẩn nhẫn chịu đựng mãi đến ngày thứ hai mươi tám, gần mãn nhiệm, đến một khoảng đường vắng về đêm, trên đường về khách sạn, hai chị em nghe có tiếng la thất thanh cầu cứu do bị cướp giựt, vội vã phóng tới hiện trường, thấy người đàn bà la khóc nằm trên mặt đất, trong lúc đó một bóng người gần khuất dạng vào màn đêm.
—Chị ở lại chăm sóc nạn nhân, em đuổi theo tên cướp cạn kia.
—Cứ đi đi!
Thu Hương phóng vút mình theo đuổi bóng đen, bóng đen nhận thấy có người rượt theo, vội co giò phóng chạy càng, nhưng Thu Hương đã gần tới bên sau, với đề phòng ám khí, mắt luôn luôn theo dõi hai tay, thật đúng vậy chỉ còn cách khau lối mười tầm đất, bóng đen vội ném cái túi đang xách trên tay ngược lại, Thu Hương nhanh mắt nhảy tránh sang một bên, giơ tay chụp cái túi khi vừa tới ngang tầm tay, thấy hơi nặng, nghiệm biết rằng kẻ cướp chưa kịp lấy vật gì trong túi hết, nên dừng lại, tính đem vật bị cướp về hoàn trả cho khổ chủ. Nào ngờ, vừa quay lưng lại đã nghe tiếng gọi:
—Ai đó! Xin chờ một chút, tại hạ bắt được gian tế rồi.
—Tại hạ tính tha cho hắn khi bắt được tài vật, phải trở lại trả khổ chủ đây!
—A! Cô nương đã rộng dung, chớ tại hạ không thể tha thứ đồ bất nhơn bất nghĩa, cướp giựt hại người lương thiện.
—Kính thưa thiếu hiệp, như vậy thời tại hạ xin thiếu hiệp mang tên vô lại nầy đến nạp cho quan trấn thủ Thăng Long thành trị tội hắn.
Thu Hương thấy người mặt y phục trắng đang xách nách một tên kéo đi, cũng tháp tùng theo trở lại chỗ nạn nhân đang được Thùy Ninh chăm sóc.
Nhiều người đổ xô tới, đèn đuốc đốt lên sáng rực, mới rõ mặt mày người đàn bà nạn nhân, mặt mày bầm dập, đang được Thùy Ninh đỡ đứng thiểu não, khóc lóc thảm thiết, chàng bạch y thiếu hiệp lôi tên cướp đến trước mặt nạn nhân:
—Ngươi cướp giựt của người nầy những gì khai ra.
—Dạ thưa đại hiệp, chỉ có cái túi nhỏ tôi đã quăng trả lại cho người rượt theo tôi.
—Thưa bà! Có phải cái túi nầy không? – Thu Hương đưa cái túi ra trước mặt nạn nhân. —Còn gì nữa, bà cứ nói chúng tôi sẽ đi tìm đủ số cho bà.
—Đúng rồi! Chỉ có cái túi nầy thôi! Trời ơi cả một đời tôi dành dụm chỉ ở trong cái túi nầy! Tôi vừa bán xong cái nhà của tôi để về quê sống với cha mẹ, vì chồng tôi đã chết. Khổ nỗi là chủ mua phải lo chạy tiền bạc cho đến tối mới chồng đủ cho tôi, hai mươi hai lượng vàng, tôi định về nhà người bà con ngủ tạm một đêm, sáng mai về Phú Thọ. Nào ngờ tên cướp nầy theo dõi, chận đầu đánh đập tôi, giựt cả cuộc sống của tôi.
—Bây giờ châu hoàn hợp phố, bà còn muốn tên cướp nầy đền tội đánh đập và cướp giựt túi vàng củ bà nữa thôi?
—Nhờ Trời Phật hộ độ tôi, mới có quới nhơn độ trì giúp đỡ, tôi thoát nạn tai, xin quí vị rộng lượng khoan dung cho nó đi, phước đức quí vị vô lượng.
—Ngươi có nghe rõ chưa?
—Dạ thưa nghe rõ.
—Vậy ngươi lạy tạ ơn nạn nhân tha thứ cho ngươi, xin lỗi để khỏi tù tội.
—Dạ kính thưa đại hiệp, tôi xin thành thật nhận lỗi, vì nghèo đói làm càng, không ngờ gặp phải chư vị, những bậc kỳ tài trong thiên hạ, thật tôi có mắt mà không có tròng nhận lãnh hậu quả nầy. – Vừa nói hắn ta vừa đến trước mặt nạn nhân cúi mọp xuống lạy bà bốn lạy nghiêm chỉnh. —Xin bà tha lỗi cho tôi lỡ lầm nhứt phen, từ nay tôi quyết chừa bỏ không tái phạm nữa.
Thấy hắn ta xin lỗi đàng hoàng, khiến bà ta hả dạ lắm, không còn hận thù việc hắn đã đánh đập bà giựt túi vàng bà cất giấu trong áo trước ngực.
—Được rồi! Ngươi hãy đi đi và cố gắng sửa chữa lỗi lầm.
—Kính thưa quí vị ân nhân, nhà của người bà con cũng gần đây thôi, kính mời quí vị vui lòng đưa tôi về nhà cho chắc ăn, chớ bây giờ kinh cung chi điểu, một mình tôi không dám về nhà.
—Kính thưa nhị vị cô nương, nhị vị cứ tự tiện về trước, một mình tại hạ đảm trách hộ tống cũng đủ rồi.
—Kính thưa thiếu hiệp, tiện thiếp tên Quan Thu Hương, cùng hiền tỉ Quan Long Thùy Ninh, xin kính cẩn bái yết thiếu hiệp, đã trượng nghĩa khinh tài, nêu gương hào hiệp cao cả, gây nhiều thiện cảm cho chúng thiếp, kính xin cho biết quí danh để còn nhiều dịp tái ngộ.
—Tại hạ, Hoàng Ngọc Liên nhà ở phía Tây hồ Hoàn Kiếm, xin hân hạnh tiếp kiến nhị vị tiểu thơ có phải là dòng dõi ngài Quan Long Xương đã từng là bạn đường với thân phụ ở Quái Long Đầm?
—Dạ kính thưa, Quan Long Xương là bá phụ của tiện thiếp. Nói vậy lệnh phụ thiếu hiệp là chỗ thâm giao với bá phụ chúng tôi, thành thật xin hành lễ ra mắt.
Nói rồi cả hai vòng tay bái chào vui vẻ, khiến mọi người bàng quang ngạc nhiên cho sự trùng phùng của những anh hùng kỳ hiệp, nên chú mục theo dõi câu chuyện.
—Xin nhị vị tiểu thơ miễn thứ sự trễ nghinh tiếp của tại hạ. – Vừa nói Ngọc Liên vừa vòng tay đáp lễ. —Nếu nhị vị không bận rộn công việc nhiều, tại hạ kính xin được đón tiếp nhị vị tại Hoàng Gia Trang vào ngày mai. Bây giờ tại hạ nhớ lại công việc làm chưa hoàn tất, kính nhường lại việc đưa nạn nhân về nhà, xin cho phép cáo biệt.
Ngọc Liên nói xong phóng vút vào bóng đêm mất dạng, mọi người tại hiện trường ai cũng khen phục tài năng siêu việt của Hoàng công tử, tên cướp đã lủi mất từ lâu, mọi người lần lượt giải tán.
Hai chị em thay thế Ngọc Liên đưa nạn nhân về tới nhà người bà con, mới trở về khách sạn nghỉ ngơi.
—Chị thấy không? Hoàng công tử tài năng ngang hàng với bào huynh hay hơn, cho nên có lẽ Hoàng công tử là bạch y thiếu hiệp mà bào huynh đã bắt gặp ở Quái long đầm. Như vậy, em nghi ngờ Hoàng công tử là thủ vật nhơn túi gấm ở Thăng Long nầy.
—Em nghĩ vậy thôi, chớ trong thiên hạ nhiều bậc anh hùng hào kiệt, đâu chỉ riêng Hoàng công tử nầy. Chờ xem!
Cả hai chị em đúc kết việc làm trong ngày ghi lại từng chi tiết như đã làm từ trước rồi mới an nghỉ, tới sáng hôm sau, hành trang gói ghém kỹ lưỡng rời khách sạn lên đường trở lại hồ Hoàn Kiếm, tìm đến Hoàng Gia Trang, một gia trang lộng lẫy đồ sộ của một bực Khai Quốc Công Thần của triều đình nhà Nguyễn Gia Long. Hai chị em được đón tiếp niềm nở do Ngọc Liên Chủ nhân gia trang. Chàng lễ phép đưa hai nàng vào hậu phòng vấn an thân mẫu, một mệnh phụ phu nhân tóc bạc, vẻ mặt còn tươi trẻ như mới ngũ tuần, nhứt là cặp mắt còn sáng quắc rực rỡ, chuyện trò thân mật:
—Qua nhớ lại, ngày xưa chính Quan Long Xương đánh tan bọn cướp cứu qua thoát nạn cách nay đã trên ba mươi năm rồi. Chẳng hay lệnh bá phụ còn khỏe không?
—Dạ kính thưa bá mẫu, bá phụ tiện nữ đã mãn phần cách đây mười năm, nay chỉ còn thân phụ và thân mẫu ở Quan Gia Trang thôi.
—Qua thành thật chia buồn tuy trễ với cháu!
—Xin lãnh lịnh!
—Thưa mẫu thân, con đã sắp đặt bữa tiệc nghinh tân xong rồi, kính xin mẫu thân phát lạc.
—Tốt lắm rồi, xin mời nhị vị tiểu thơ sang phòng khánh tiết hỉ hạ với qua nhé!
—Xin vâng!
Tiệc tùng vui vẻ giữa mẹ con Ngọc Liên với hai nàng, Ngọc Liên có bổn phận hầu mẹ ăn, chỉ nhâm nhi chút đỉnh, chuyện trò cởi mở, đàm luận văn chương võ thuật tương đắc lắm, nhứt là thân mẫu nhắc nhở nhiều đến Long Xương và Long Định trên bước đường hành hiệp, cứu khổn phò nguy, cứu dân độ thế, một thời oanh liệt khi mới thành lập nền cai trị Bắc Hà, rối loạn khắp nơi do tàn binh của Tây Sơn, để giúp chồng bà công nghiệp trị an dân chúng vẻ vang, cho đến mãn tiệc cũng chưa dứt với lời tạm kết là gác kiếm về an dưỡng từ hai chục năm qua.
Hai nàng cung kính vái chào giã biệt.
Ngọc Liên tự thân đưa tiễn hai nàng ra khỏi kinh thành Thăng Long mười dặm đường mới bái biệt. Kẻ ở người đi luống chạnh lòng với bao nỗi niềm chưa thố lộ.
—Chị thấy không, đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Tuy chưa truy tầm ra tông tích thủ vật nhơn, nhưng cũng bắt chưn cẳng được một nhà hảo hớn, tài năng có thể vượt trội hơn bào huynh.
—Chị cũng thấy anh chàng nầy hào hoa phong nhã lắm, lại là chỗ cố cựu thâm giao, thế nào cũng có ngày tái ngộ.
Hai chị em dung giăng dung giẻ lướt đi nhanh chóng vô tư lự về tới quan gia trang, thuật lại tự sự chuyến Thăng Long du hành truy tầm tông tích thủ vật nhơn, chưa thành công, nhưng đền bù gặp được cố nhân cấp bực bá phụ.
—À! Tưởng ai chớ Hoàng Gia Trang, bào huynh bác đã từng giúp Hoàng Thủ Đức trong quan trường, chống ngăn giặc giã, lập cuộc trị an dân Bắc Hà, khi mới thành lập nền cai trị của Nguyễn triều Gia Long.
—Như vậy, cháu nghi ngờ chỉ có Hoàng Ngọc Liên mới có bản lãnh vượt thoát cháu, chớ ai vô đây?
—Bào huynh đừng quá tự tin, cao nhơn tất hữu cao nhơn trị, chẳng phải một mình Ngọc Liên là tài giỏi, vậy chớ An Nam Quốc còn những anh hùng hào kiệt khác nữa mà chúng mình chưa gặp đó thôi. Như hàng ngũ tướng tá của vua Quang Trung Nguyễn Huệ đã từng đánh tan hai chục vạn quân Thanh trong mười ngày đó sao!
—Anh thật rối nùi trong tư tưởng, nên có nhận định thiếu chính xác chăng?
—Có phần đúng đó cháu. Mình chắc ăn ba bó một giạ, bác đã bỏ vào túi gấm gài vào lưng cẩn thận, rủi ro, bây giờ nghĩ lại thật là ân hận, phải chi mình diệt con quái long trước rồi sẽ lấy bí mật đồ sau, do chỗ mình tính già hóa ra non, tức mình tức mẩy hết sức, nếu cháu không đủ bản lãnh thời bác đã tiêu xương mạng vào bụng quái long rồi, nên cần suy tính kỹ lưỡng mới được.
—Thôi được, để cháu về Thăng Long một phen giáp mặt với Hoàng Ngọc Liên mới được.
—Không được đâu cháu, khi cháu đi rồi, thảng như y ta trở lại truy tầm kho tàng, lấy ai chống đỡ với hắn ta, mà cháu đã biết tài lực ngang hay hơn cháu.
—Kính thưa bác và bào huynh, cho phép cháu trở xuống mời Ngọc Liên lên đây hội kiến xem sao?
—Anh thấy không ổn. Em mới từ giã, bây giờ lại đi mời, hóa ra tình ngay lý gian sao. Khó quá đi. Thôi chỉ có chờ đợi chừng nào đối địch với hắn ta đang ở tư thế tự động, còn mình ở tư thế thụ động, tức lắm đó, mình hiện ổ thế hạ phong, phải chịu vậy thôi.
Cả hai tháng trời, hai bác cháu thay phiên nhau túc trực phục dịch ở Quái Long Đầm chờ đợi...
Hết Hè sang Thu, lá vàng rơi lả tả, chuẩn bị một mùa Đông lạnh lẽo miền núi rừng Việt Bắc. Dân chúng ở bản làng chuẩn bị củi đuốc và lương khô sẵn sàng chịu đựng trong những tháng mùa Đông. Quan Gia Trang cũng không ngoài biệt lệ đó. Hằng ngày Thu Hương tiếp Thùy Ninh đôn đốc gia nhân lo củi đuốc và thực phẩm khô, nhứt là cả một khối thịt con quái long đã phơi khô cất kỹ trong kho có sưởi ấm hàng ngày cho khỏi bị đóng mốc meo.
Chỉ riêng Long Định và Thích Đản lo tròn trách vụ canh chừng bạch y hiệp khách, buổi sáng Thích Đản bí mật đến ẩn náu trong một cái hang nhỏ quan sát toàn thể Quái Long Đầm, buổi chiều Long Định lên thay phiên cho Thích Đản về nghỉ ngơi, quan sát từng bụi cây, tảng đá, cho đến chiều tà bảng lảng bóng hoàng hôn, Long Định thấy hoàn toàn yên tĩnh, sắp đặt mọi việc chu đáo, chuẩn bị ra về.
Trước khi rời chỗ núp, Long Định còn đảo một vòng tầm nhãn quan khắp núi đồi, rừng rú quanh Quái Long Đầm, bỗng chú ý một bóng trắng từ bìa rừng phía Bắc, khinh thân về Quái Long Đầm, càng lúc càng tỏ rạng, một thiếu hiệp mặc đồ trắng, đích thị rồi, vội vã bắn mật hiệu về hướng Quan Gia Trang, rút binh khí cầm tay, mắt không rời từng hành động từng cử chỉ của bạch y thiếu hiệp.
Y ta vô tình không để ý đến ai đang rình rập, y tiến tới bờ đàm móc trong tay áo ra cái túi nhỏ, do xa quá không thấy rõ màu mè, y lôi ra tấm da thú ém mỏng xem xét kỹ lưỡng, suy nghĩ gì đó, cất vào túi đặt vào tay áo y như cũ.
Đích thị y rồi, chờ Thích Đản ra tới sẽ hành sự. Thích Đản nhận mật hiệu, lập tức thông báo toàn gia trang lo phòng thủ, chàng mang vũ khí phóng vụt vào không trung, khinh thân như mũi tên bắn, trong khoảnh khắc đã tới Quái Long Đầm, vừa đến nơi cũng vừa lúc bạch y thiếu hiệp phóng mình xuống đầm lặn xuống đáy.
Long Định vội lách mình ra khỏi chỗ núp, phóng xuống đầm theo dõi đối thủ, Thích Đản cũng vội vận đề khí phóng theo xuống đầm.

<< Hồi I | Hồi III >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 929

Return to top