Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tuổi Học Trò >> Kiều Mơ

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 6735 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Kiều Mơ
Từ kế Tường

Chương 7

Ở tòa báo giờ này mọi người đã về hết. Tay tổng thư ký nhìn quanh, rồi đứng dậy, chép miệng:
- Ông còn ở lại đây hả ?
- Dĩ nhiên.
- Vậy gắng trả lời nốt chồng thư đó đi nghe. Thiên hạ kêu réo dữ quá. Phải thanh toán cho xong.
- Yên chí. Sẽ xong.
Tay tổng thư ký có chiếc mũi đỏ như một trái cà chua, đôi mắt hấp háy sau tròng mắt kính cận thị dày cộm:
- Mai mốt ông in sách sẽ có nhiều độc giả. Họ mê ông gỡ rối rồi.
- Tôi chả ham.
- Chứ bạn ham gì ?
- Mỗi tháng được lãnh lương đúng ngày cho đỡ hồi hộp thôi. Cái cảnh chờ đợi lương ngày này qua ngày khác nhức tim lắm.
Tay tổng thư ký cười khà khà, chả lạm bàn tiếp về vấn đề lương bổng. Hắn giơ tay ra dấu chào tôi rồi chuồn lẹ. Như vậy chỉ còn lại một mình tôi trên căn gác buổi chiều. Nắng đã rút hết bên ngoài cửa sổ và rời xa những mái ngói còn âm ỉ bốc hơi. Căn gác cũng vậy, đang rất thèm môt. cơn gió mát, nhưng nhìn những đỉnh cây nhô cao lên ngoài kia, trong tầm mắt, tôi không thấy một dấu hiệu nào chứng tỏ là trời đang có gió mát. Mồ hôi trên trán tôi lấm tấm, nỗi mệt mỏi làm cặp mắt lờ đờ nhìn chữ nọ xọ sang chữ kia. Vậy mà tôi đã cố gắng "gỡ rối" gần hai chục bức thư trong chồng thư cao ngất để trên bàn. Tôi bực tức xé vội một trang giấy rồi ném bừa trên sàn gác đầy tàn thuốc.
Một đứa nhỏ sắp chữ ở đâu bỗng lù lù tiến vào, mình trần, đầy mực in, một tay quẹt mũi, tay kia chỉ chỉ vào tờ giấy tôi đang viết dở:
- Xong chưa... ông nhà văn.
Tôi tưởng nó xỏ ngọt nên cáu tiết hét:
- Tao cóc phải nhà văn.
- Ai biết, nghe mấy chị dưới nhà gọi vậy tui gọi theo.
- Mấy chị nào ?
- Ai biết.
- Mày ngu quá. Giờ này sao không chịu về còn lò dò ở đây nhỉ ?
- Thiếu bài của ông. Xong chưa đưa đây cho người ta sắp chữ.
- bao nhiêu nữa thì đủ ?
Nó xấn tới liếc thoáng qua trang giấy, giọng chắc như cua gạch:
- Năm hàng nữa thì đúng boong.
- Vậy chờ chút.
Và trong lúc đứa nhỏ thợ sắp chữ đang lơ láo ngó quanh những chồng sách báo cũ chất đống trên căn gác gần sập, hứng chí sao nó ca mấy câu vọng cổ thật mùi, tôi lại phải chúi đầu viết cho xong năm hàng chữ theo lời nó yêu cầu.
- Căn gác này tối om, chắc có ma.
Tôi lườm thằng nhỏ:
- Ma la mày chớ ai mà ma.
- Cái búa. Bữa trước tôi ngủ đây bị nó đè dậy không nổi đó.
- Con nít bày đặt xạo nghe.
- Xạo cái búa. Không tin bữa nào ông thử nằm ngủ ở đây buổi trưa coi.
Tôi xé toạc tờ giấy đưa cho nó, thở ra một hơi dài:
- Nè, cái búa. Xong rồi đó.
Cầm tờ giấy ngó sơ, đứa nhỏ nhe răng cười rồi bỏ đi. Tôi ngả người ra sau thành ghế lim dim, một cơn buồn ngủ kéo tới, nhắc nhở cho tôi biết cả buổi trưa tôi giam mình trên căn gác này, sau khi đã nuốt vội vàng một dĩa cơm và một ly trà đá ở một quán cơm dưới đường. Chồng thư đã vơi đi, chắc tay tổng thư ký đã hài lòng. Như vậy là cả một sự cố gắng ngoài tưởng tượng của tôi rồi. Cổ họng chợt khô đắng, tôi đang thèm một ly nước. Vừa định xuống nhà tìm nước uống bỗng máy điện thoại nội bộ kêu tít tít mấy tiếng. Tôi cầm lên nghe, giọng nói của cô quản lý dưới nhà làm tôi mừng quýnh:
- Gì vậy cô quản lý, hôm nay có gì quan trọng mà cô vẫn chưa về ?
- Có gì quan trọng đâu anh, trời còn âm ỉ quá nên nán lại một chút xíu.
- Chờ người nhà đến rước hả ?
- Người nhà nào đâu ?
- Thôi làm bộ đi, bữa trước tôi thấy có một kép đến rước đây.
- Trời phạt anh, xạo không.
- Vậy chút cô về một mình ?
- Chứ với ai, vô duyên ghê.
- Tôi đưa cô về.
Không hiểu có phải vì giật mình hay cảm động mà cô quản lý im lặng đến nửa phút, rồi giọgn cười khúc khích nổi lên:
- Thôi cám ơn anh. Có một người bạn của anh đang chờ đây , họ nhờ tôi gọi anh xuống mà chưa kịp nói anh đã hỏi lung tung chuyện.
- Một người bạn, trai hay gái ?
- Đàn ông.
- Dễ coi không ?
Lại giọng cười khúc khích:
- Vô duyên. Bạn là bạn chứ dễ coi khó coi gì. Anh có xuống không để tôi trả lời.
- Dĩ nhiên tôi xuống chứ. Ở trên này làm bạn với ma chết thiêu sao. Căn gác gì nóng quá trời, mai mốt tôi trúng số cặp độc đắc, tôi dám cá một triệu ăn một trăm đồng bạc Việt Nam là tôi sẽ đốt cái tòa soạn này. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi ngay bây giờ cô quản lý có thể cho tôi mượn trước nửa tháng lương để trả nợ cho người bạn tôi đang đứng đợi bên dưới không ?
- Trời, làm gì có tiền bây giờ mà anh mượn ?
- Có chứ.
- Không.
- Có mà.
- Tôi nói không mà.
Cáu tiết tôi bỏ máy xuống cái rụp. Có ngu lắm cô bé da trâu ấy cũng phải hiểu rằng tôi đang điên lên rồi đây. Nhưng khi tôi chạy xuống những bậc thang gác cô bé vẫn ngước nhìn tôi cười rất tươi làm như chẳng có chuyện gì vừa xảy ra. Tôi hầm hầm ra cửa, không thèm cười một nụ nhỏ để đáp lại.
Người bạn chờ tôi không ai khác hơn là Cam. Nó vừa thấy tôi đã hớt hải kêu lên:
- Chết rồi mày ơi, mau đi tới thăm thằng Trấn.
- Sao thế ?
- Tự vận.
Tôi phát cười khan:
- Bộ nó khùng sao mà tự vận ?
- Ai biết. Tao vừa hay tin nó tự vận được người hàng xóm chở vô nhà thương Sài Gòn vội tới báo tin cho mày hay.
- Có nặng lắm không ?
- Nặng. Uống thuốc ngủ nhiều lắm.
- Như vậy là chết chắc không đau. Tao tưởng đâu nó nhảy lầu. Nhưng nguyên nhân ?
- Ai biết. Nhưng nghe ông hàng xóm nói vợ nó bảo lãnh đem đứa con gái của nó về Mỹ mất tiêu rồi. Nó thương con, chán sống, nên đã uống thuốc liều.
- Liều khỉ mốc, nó khôn bỏ xừ.
- Nhưng bây giờ đi thăm nó chứ.
- Ừ , đi thì đi.
Tôi lấy xe, hai đứa chạy thẳng tới bệnh viện Sài Gòn. Sau khi hỏi thăm loạn xà ngầu mới tìm ra phòng Trấn. Khi tôi và Cam bước vào Trấn đang mở mắt nhìn lên trần nhà. Ðôi mắt trắng lờ, mất hết vẻ linh động, gương mặt hốc hác và trông già nua như ông già năm mươi. Thấy hai đứa tôi vào mặt Trấn nhăn nhó khó chịu. Như vậy là không sao. Nó được bơm ruột sạch sẽ, và đã tỉnh. Tuy nhiên, giọng nói khàn khàn mệt mỏi tuôn ra một câu trách móc:
- Tụi bây vào làm khỉ gì. Mai mốt tao về.
Tôi tức cười quá nhưng cũng ráng nín. Cam ngăn không nổI nên cười húc hắc. Nó ôm bụng mà nói.
- Mày uống mấy ống thuốc ngủ mà chưa chịu chết ?
- Cái búa. Bác sĩ bơm ruột tao như bơm bánh xe nhà binh. Tao chán quá nên phải sống.
Tôi cười cười:
- Ông tự tử chơi hay tự tử thiệt ?
- Thiệt.
- Ông khùng rồi hả ?
- Khùng. Tao đang tỉnh hơn bao giờ.
- Vậy có hối hận điều chi không ?
- Tao chỉ hối hận có một chuyện, phải chi tao giết quách con vợ tao trước khi nó đi về Mỹ cho rồi.
- Ông ở tù như chơi.
- Thì vậy, nhưng tao bắt lại được con gái tao. Ở tù ra tao có quyền nuôi nó, dắt nó đi học, đi chơi.
- Và đi tắm hồ tắm ?
Vừa chết đi sống lại mà nghe tôi nhắc thế Trấn cũng phải phì cười. Nụ cười của nó héo hắt trông đến tội nghiệp.
Cam vỗ vỗ lên trán Trấn:
- Vậy bây giờ ông tính sao ?
- Tính gì. Mai mốt tao về.
- Làm lại cuộc đời ?
- Tao lên Long Khánh lái máy cày mướn cho người ta, sống với núi rừng ruộng rẫy một thời gian cho quên đời.
- Giỡn, ông mà lái máy cày nổi ?
- Tự tử ông còn dám nói gì chuyện lái máy cày. Ông còn lái cả phi cơ nữa chứ giỡn à.
Tôi dòm quanh, căn phòng đìu hiu quạnh quẽ quá. Tự nhiên sinh lòng trắc ẩn:
- Ông cần gì không tôi sẽ lo cho.
- Chả cần gì.
- Ăn uống chứ gì. Không lẽ tuyệt thực nữa ?
- Chưa ăn được.
- Vậy mai mốt về tụi mình đi nhậu một chầu nhé.
- Ừ, nên lắm. Nhậu một bữa say chết thôi... Uống rượu để giã từ tất cả. Tình yêu, vợ con, gia đình, sự nghiệp.
- Vợ con thôi.
Mắt Trấn bỗng mơ hồ như gởi về tận cõi hư vô nào. Nó cười cay đắng :
- Ừ, vợ con. Nó còn ở đây đâu mà tiếc.
- Thôi bố già. Ai biểu ham lấy vợ sớm làm gì cho khổ. Trai độc thân như tụi tao phải khỏe khoắn yêu đời không.
Trấn bỗng nổi cáu, gắt:
- Tụi mày về đi. Ở đây làm gì lâu vậy ?
- Nói chuyện cho mày đỡ buồn.
- Cái búa. Cóc cần. Có tụi mày tao sùng thêm.
Tôi và Cam cười. Trước khi bước ra khỏi phòng, Cam còn cố chọc Trấn:
- Thôi, rán sống đi bố già. Mai mốt sẽ có vợ khác, con khác. Chỉ sợ mày nuôi thè lưỡi ra thôi.
Hình như Trấn ném cái gạt tàn thuốc vào cánh cửa phòng vừa kịp đóng lại. Tôi nghe đánh rầm một tiếng.
o0o
Tiếng kêu tít tít quen thuộc của chiếc điện thoại đen. Tôi cầm ống lên nghe. Giọng noí tươi ngon của cô quản lý vang lên như có pha lẫn tiếng cười:
- A lô, có ông "gỡ rối" đó không ?
- Tôi đây.
- Có một người hỏi ông đấy, có tiếp không tôi cho lên ?
- Ai ?
- Một người đẹp.
Tôi hồi hộp:
- Bao lớn ?
- Bé.
- Trời ơi, căn gác như cái lò bánh mì cô mời cô ấy lên làm chi ?
- Ðã mời đâu. Chờ ý kiến của anh đấy chứ. Vậy tôi nói anh đi vắng nhá ?
Tôi hấp tấp nói cuống cả lưỡi:
- Khoan, cô nói hãy đợi tôi chút.
Tiếng máy gác, tôi đinh ninh rằng em sẽ tới trong một buổi chiều đẹp như thế này. Nhưng không. Khi tôi tới dòm qua tấm lưới có những ô vuông trông ra cửa tòa soạn tôi thấy Ngâu Hoa đang đi lại với vẻ nôn nóng. Cô bé diện một chiếc áo dài màu xanh da trời , mặt đỏ lưỡng vì nắng. Hai nhánh tóc được cột bằng giải vải màu hoa tím trắng. Tại sao không là Kiều Mơ ?
Nhưng tôi vẫn nôn nả đi xuống. Và để tránh cặp mắt cú vọ của cô quản lý, tôi dẫn Ngâu Hoa vào một quán nước gần đó. Vừa ngồi xuống ghế, cô bé đã nói:
- may ghê, tưởng đâu ông đã về.
- Cũng sắp về.
- Ông đang làm gì thì em tới ?
- Tôi đang.. mong em tới.
- Xạo vừa thôi. Chứ không phải mong nhỏ Kiều Mơ à ?
- Tôi biết Kiều Mơ sẽ không bao giờ tới.
- Nhỏ giận ông suốt đời.
Tôi không dám tin là thật. Nhưng nhìn vào đôi mắt của Ngâu Hoa tôi mới biết rằng dù không muốn tin tôi cũng phải ráng tin. Tôi im lặng châm một điếu thuốc. Khi điếu thuốc cháy, đứa trẻ con hầu bàn tiến tới vẻ chờ đợi. Tôi hỏi Ngâu Hoa:
- Cô bé uống gì ?
- Ông uống gì cho em uống đó.
- Cái tôi uống em không uống được đâu.
- Tại sao ?
- Vì tôi uống bia.
- Em uống bia với ông.
Tôi tưởng mình nghe lầm. Nhưng không, cô bé vẫn ngước mắt nhìn tôi chờ đợi. Tôi rụt rè hỏi lại:
- Em đùa hả ?
- Không, em noí thật.
- Con gái ai mà uống bia. Say chết sao ?
- Em muốn say.
- Chi vậy ?
- Ðể chia buồn với ông.
- Tôi không buồn. Có gì đâu mà buồn.
- Buồn chứ. Vì Kiều Mơ không tới.
Tôi thở dài những ngụm khói. Những sợi khói trắng lơ ngơ trước mắt tôi. Có thể nỗi buồn đang mơ hồ tạo thành như những sợi khói trắng kia chăng ?
- Ông kêu bia uống đi chứ.
- Tôi chưa thể tin em được. Tôi nghĩ em nên uống nước ngọt. Hay một ly sữa.
Ngâu Hoa bỗng trừng mắt:
- Ông uống sữa thì có.
Tôi cười trong đám khói thuốc vẫn chưa tan hết:
- Ừ, ngày nào tôi cũng uống một ly sữa to.
- Vậy mà ông vẫn gầy ?
- Tại tôi... thích vậy.
- Xời. Chứ không phải đạp chiếc lá tương tư mỗi mùa nên da thịt bị ăn mòn dần à ?
Ðây là lần đầu tiên tôi nghe một đứa con gái nói một câu ngộ nghĩnh. Tôi sung sướng nhìn cô bé đang giấu gương mặt của mình trong bàn tay giả vờ che không hết. Ðứa nhỏ hầu bàn có lẽ đã chán sự chờ đợi nên lên tiếng giục:
- Cậu uống gì, cô uống gì ?
Tôi bắt gặp ánh mắt biểu đồng tình của cô bé, nên quay sang đứa nhỏ hầu bàn:
- Một chai bia lớn hai cái ly.
Ðứa nhỏ nhìn tôi, rồi nhìn cô bé, mắt nó biểu lộ một sự ngạc nhiên chưa từng thấy. Nó im lặng có đến nửa phút rồi mới hỏi một cách rụt rè:
- Cô này cũng uống bia.
Ngâu Hoa vênh mặt:
- Chứ sao.
Tôi đá nhẹ vào chân thằng nhỏ hầu bàn:
- Thôi đi lấy bia lẹ lên mày.
Khi đứa nhỏ mang chai bia đã khui sẵn ra với hai cái ly óng ánh vài cục đá. Tôi rót cho cô bé vơi nửa ly. Còn tôi một ly đầy. Chất bia tràn vào ly như chói sáng màu vàng của nó qua lần ly thủy tinh. Tôi đã từng nghe có nhiều người đàn bà uống bia nguyên cả chai, hay có thể cụng ly cho người đàn ông gục tại trận nơi bàn tiệc. Nhưng tôi chưa quyết đoán được có một người con gái nào tài ba như vậy không. Nhất là một thiếu nữ đẹp tươi như em, cô bé này. Và dĩ nhiên tôi đâm ra dè dặt thường lệ:
- Em uống đi chứ.
- Ông uống trước đi.
- Tôi mời em.
- Tiên chủ hậu khách.
Chúa ơi, cô bé lại có giọng điệu y như một tay nhậu nhà nghề khi nhập tiệc, cái dáng ngồi đó, giọng nói bình tĩnh đó, đôi mắt gườm gườm và cái nhếch mũi cười nhìn địch thủ làm tôi hình dung tới người đàn bà uống bia bằng chai. Và tôi bỗng nghe lạnh nơi gan bàn tay như một người bị chứng tê thấp kinh niên.
- Em đâu phải là khách. Hơn nữa tôi lớn hơn em, người lớn luôn luôn nhường người nhỏ.
- Em cũng người lớn chứ không phải người nhỏ.
- Nhưng ít ra em cũng nhỏ hơn tôi.
- Sao biết ?
Giọng nói và cái liếc mắt đầy thách đố. Tôi cười cười:
- Thôi bây giờ mình... cụng ly, rồi cùng uống.
- Bao nhiêu phần trăm ?
- Tôi năm mươi, cho em hai mươi thôi.
Tôi bưng ly bia sủi bọt lên, cô bé cũng không kém, hai cái ly được đưa ngang nhau, gần sát nhau, rất thân mật. Và rồi một tiếng "canh" nhẹ nhàng vui tươi vang lên. Tôi cố gắng nốc một hơi dài cho đúng năm mươi phần trăm như đã hứa. Khi tôi đặt cái ly đã vơi phân nửa xuống bàn trong cái vẻ khoan khoái của người chiến thắng thì Chúa ơi, tôi bỗng rụng rời chân tay khi nhìn thấy cái ly của em đã không còn một giọt bia nào. Cái ly không, mấy cục đá chưa tan hết vẫn còn óng ánh đẹp mắt. Cô bé dùng ngón tay xoay mấy viên đá chạy vào vòng thành ly im lặng. Tôi há hốc nhìn cô bé, và cũng im lặng đắm chìm, không thốt được một tiếng nào, dù một tiếng khen cho lịch sự. Thế là tôi thua em, thua hoàn toàn, thua một cách thảm hại.
Bây giờ cô bé mới ngước cặp mắt long lanh nhìn tôi mỉm cười nói:
- Ông uống thêm đi chứ, rồi mình rót ly khác.
Phải nói là tôi lặng người, chết sững trong ghế ít phút. Sau đó tôi mới từ từ bưng ly bia uống cạn một hơi.
Trong tâm trạng của một người biết rằng mình sẽ bị thua cuộc, tôi uể oải cầm chai bia nghiêng rót vào ly mình. Khi chiếc ly đầy tôi ngước mắt nhìn em, mặt tôi hơi nóng, và chai bia được nghiêng sát vào miệng ly. Em bỗng đưa tay ngăn lại và bằng một giọng cười rất vui vẻ, em nói:
- Thôi ông. Nãy giờ em đùa cho ông vui chứ em không thể uống nổi nữa. Ở nhà em thường xin bia của ba để uống trong những lúc ba uống bia một mình. Tại em thích màu vàng của bia, thích những viên đá óng ánh nên em cố gắng uống những ngụm bia ấy. Nhưng ở nhà em uống bia với đường, ngọt lắm, và chỉ uống một ly nhỏ. Bữa nay em làm gan uống một ly lớn mà không có pha đường. Bia đắng quá... có sao không ông ?
Tôi thở ra một hơi dài, nhẹ nhõm. Tôi khoan khoái cười:
- Không sao đâu, chỉ hơi đỏ mặt một chút, nhưng con gái đỏ mặt là chuyện thường.
- Em sợ mình bị ngã quá.
- Em đâu có ngã một mình mà sợ.
- Ông cùng ngã với em hả ?
- Ðể tính coi.
Nụ cười của em dại dột đờ đẫn như một người say.
Nhưng tôi vái trời em chịu nổi một ly bia chứ em bất ngờ say và ngã lăn ra đây chắc tôi chết mất.
Tôi nhìn cặp mắt long lanh của em hỏi:
- Nhưng tại sao em cứ nhất quyết đòi uống bia với tôi ?
- Tại vì em biết ông đang buồn.
- Tôi đâu có buồn.
- Ông noí dối. Ông ba xạo.
Tôi cười:
- Thì cứ cho tôi là buồn thật đi, nhưng đó cũng không phải lý do bắt buộc để em cụng ly với tôi.
- Ðâu ai bắt buộc, em tự nguyện mà.
Và cô bé tươi cười:
- Với lại em cũng nghĩ là mình sẽ chia sớt với ông nỗi buồn đó. Sau nữa, em uống bia cho thêm can đảm.
- Em định làm việc gì ghê gớm lắm sao mà cần có can đảm ?
- Ghê gớm chứ. Vì em sắp sửa trao lá thư của Kiều Mơ gửi cho ông.
Và cô bé bây giờ mới từ từ mở chiếc ví da, nó là chiếc ví đựng viết của học sinh màu đỏ rất xinh. Cái tay họa sĩ nào đó đã vẽ trên chiếc ví da một cô gái tươi cười hớn hở bên cạnh những bông hoa màu trắng rất lớn.
Cô bé im lặng trao thư. Bức thư như những bức thư khác, chả có gì đặc biệt. Bên trong viết bằng mực tím, trên tờ giấy vở học trò gấp đôi. Tôi hơi run tay. Những dòng chữ của Kiều Mơ mềm mại, xinh xắn lần đầu tiên tôi đọc được. Nhưng những dòng chữ cũng nhảy muá trước mắt.


"Ông thân mến,
Như vậy, coi như em không đến. Hình như em đã có ý để ông chờ đợi. Vì chờ đợi bao giờ cũng làm cho người ta sáng suốt trong sự suy xét, đào sâu tâm hồn mình. Em cũng vậy. Em cũng đã chờ đợi và đào sâu tâm hồn mình.
Có lẽ chuyện bắt đầu từ khi em xô ông ngã nhào xuống hồ tắm và suýt bị chết đuối. Nên, bắt đầu từ đó chăng ? và nếu ông cho phép bắt đầu từ đó thì có lẽ... nhưng thôi, nói ra làm gì khi em đã quyết định rồi, bằng sự quyết liệt nơi chính em là không đến với ông. Bữa đó ông té hồ, uống nước chút đỉnh rồi được cứu sống, nhưng em đã té vào cái hồ khác, rộng lớn, bao la sâu thẳm hơn, và không ai chịu cứu vớt em cả. Em đã chết một mình.
Ðêm ở trên bờ sông. Ðó là đêm đầu tiên đi chơi khuya và ngồi với một người đàn ông lạ mặt không phải là bố của em. Vì bình thường em đi đâu, nếu không đi với mấy nhỏ bạn thân thì luôn luôn em có bố ở bên cạnh. Tiếc, phải chi ông là bố của em nhỉ ? Phải nó là em rất kinh hoàng khi được ông hôn vào gáy tóc. Tim em như đứng lại, hơi thở em như đứt, và em như chết. Bình thường bố cũng hôn lên má em, nhưng em không có cảm giác nghẹt thở đó. Em vừa ghét ông kinh khủng, vừa sợ ông một thời, nhưng cũng vừa bàng hoàng thương mến trước đôi mắt của ông. Nhưng tại sao ông chỉ hôn sau gáy tóc em thôi ? Lẽ ra ông phải hôn thêm lên trán của em nữa.
Hình như có một lần em đã hỏi ông rằng ông đã xem phim "Lữ hành trong mưa" chưa. Em hỏi như thế là cố ý đó. Vì tụi bạn trong lớp bảo em giống con nhỏ đó. Còn ông, sau ngày bị té xuống hồ, trông ông giống nhà văn trong phim quá đi, dĩ nhiên ông còn trẻ hơn ông ta nhiều. Và rồi em cảm thấy chuyện mình càng ngày càng trở nên giống như vậy. Ông cũng là nhà văn, em cũng là con bé Twinky, mặc dù em chưa hề tới tòa báo thăm ông lần nào, chưa biết tên tuổi bút hiệu ông, nhất là, chưa thấy ông lúc viết văn bằng máy chữ như ông nhà văn trong phim. Em cũng chưa có diễm phúc được phá ông như con bé Twinky.
Ông, tụi bạn em đứa nào cũng biết, và chính em, hình như em cũng biết rõ em rồi. Thế nên em mới giả vờ giận ông, giận kịch liệt. Không thèm gặp ông, không thèm nói chuyện với ông, mặc dù nhỏ Ngâu Hoa cố gắng làm nhà ngoại giao tình yêu dàn xếp, con nhỏ khéo quá nó mến ông thật. Nhưng em đã quyết, đã cố ý thì không có lời ngon tiếng ngọt nào lay chuyển nổi. Em quyết định Adieu ông vì.... em sợ phải Y. ông. Vậy ông đừng giận dữ, bực tức làm gì nữa. Nhất là đừng thắc mắc chi hết. Hãy vui tươi nhé ông, ông bạn lớn của em.
Chiều hôm qua em đã đi Vũng Tàu với bố. Lúc không ai để ý em đã chạy ra bờ đá đứng đó, xoay tay ba vòng... không, hình như đến sáu vòng, hơn con nhỏ Twinky ba vòng cho chắc ăn, và nói Adieu. Lúc đó tóc em bay đầy trên mặt biển, trời bao la quanh em, gió nổi dữ như muốn cuốn em bay đi. Em nhìn thấy ông ở rất xa, trong những đám mây trời bay trôi nổi. Hay ông là bọt sóng tan mất giữa ngàn khơi. Ông chịu làm sóng biển hay chịu làm mây trời, từ bây giờ, trong trí nhớ của em, hở ông Y. dấu.
Như vậy, mình không còn nặng nợ gì nhau, hay còn cũng xin xí xóa hết đi ông nhé. Tuyệt vời lắm ông biết không, khi em đã đứng trên bờ đá ngàn trùng nói Adieu ông. bây giờ ông cũng làm vậy đi, ông sẽ thấy sự tuyệt vời hạnh phúc đến với ông ngay. Và rồi, ngày mai em đi Vũng Tàu với bố, em sẽ nhìn thấy sóng biển, mây trời. Hình ảnh đẹp muôn đời của ông đối với em đó.
Bây giờ em kính mến ông.
Kiều Mơ"
 

<< Chương 6 | Chương 8 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 604

Return to top