Thập tự hoa
Trần Thùy Mai
Khi bước vào căn gác nhỏ, điều đầu tiên đập vào mắt anh là chiếc cửa sổ nhỏ xíu có vòm cong sát trên mái ngói. Căn gác đơn sơ không có vật gì đáng giá, trừ chiếc dương cầm khá cổ xưa, nơi cô bé học trò của anh loay hoay với các nốt nhạc.
“Chú Thắng biết không, mỗi vật trong nhà mẹ cháu đều đặt cho một cái tên. Cây đàn này là Suối, cái nệm kia là Êm Êm”. “Còn cái cửa sổ tí hon này là gì?”. “Mẹ cháu gọi nó là Mắt Bão”. Thắng nhìn qua khung cửa sổ nhưng anh chỉ thấy bầu trời bình an. Dáng vẻ cô bé khi bấm các phím đàn giống như nghịch vọc những hạt cườm hay vỏ ốc: lơ đãng, nghịch ngợm.
Đó là chuyện của hai năm trước, khi Thắng mới bắt đầu dạy nhạc nơi đây. Bây giờ bé Mi mười hai tuổi. Khuôn mặt đã thoáng ửng một vẻ đẹp digan với đôi mắt có lông nheo đen mướt và đôi môi dày thơ ngây. Ngược lại, người đàn bà mẹ đứa trẻ này dường như ngày một lặng lẽ, đằm thắm hơn, mặc những chiếc áo sẫm màu hơn. Rồi dường như Thắng chỉ còn nhìn thấy chị mặc một màu áo đen. Những chiếc áo đen cổ trái tim với cây thánh giá bạc dưới ngấn cổ xanh. Một người đàn bà cô quạnh, sống đạm bạc, lại dám mua đàn dương cầm và mời thầy về dạy cho con như một đại gia quý tộc. “Hồi nhỏ tôi không được học nên tôi trở thành người mù nhạc, vậy mà trớ trêu thay tôi lại thèm nghe nhạc vô cùng. Điều tâm nguyện của tôi là cậu làm sao giúp bé Mi sau này sung sướng hơn tôi”. Thắng hiểu vẻ bùi ngùi sau lời nói của người đàn bà: chị muốn con gái mình sẽ giàu có hơn chị bây giờ, nên đã chuẩn bị cho con đôi cánh để bay từ căn gác hẹp ra ngoài thế giới.
* *
“Chú Thắng ơi, chú dạy cháu đàn bài này nghe. Cháu thích”.
Thắng nhìn theo ngón tay nhỏ trên trang sách đầy nốt nhạc. “Chú chưa dạy sao Mi biết mà thích?”
“Không phải Mi, mà mẹ. Thỉnh thoảng mẹ vẫn hát cho cháu nghe”.
Aventura, nghĩa là lãng du. Tự nhiên Thắng mỉm cười. Bài ca nói về những cuộc phiêu lưu, trong khi người đàn bà luôn tự giam mình trong một góc, bên cái khuôn dập tranh nho nhỏ. Chung quanh chị đầy những bức tranh lụa xinh xắn mà cứ hai tuần một lần, người buôn tranh lại đến nhận và trả cho người vẽ những đồng tiền bèo bọt. Có lần Thắng đi lên lăng Tự Đức và thấy những bức tranh bày bán la liệt bên cổng lăng. Nét chấm phá thật có duyên trong mắt những du khách chỉ đến một lần. Nhưng tại đây, trong căn gác này, bên lọ mực và khung dập ngổn ngang, trông chúng mang cái vẻ bùi ngùi và nhàm chán của sự mưu sinh. “Đấy, cậu xem, lui tới vẫn thế, mục đồng và trâu, cô dâu và chú rể, Thiên Mụ và Tịnh Tâm. Tất cả là theo đơn đặt hàng, mỗi mẫu hàng ngàn bức y hệt nhau. Bây giờ tôi phát sợ vẽ, nhưng không thể ngừng lại.” Người đàn bà lôi dưới hộc tủ ra một bức tranh cũ trên lụa. “Chỉ riêng cái này là tôi đã vẽ ra mà không bao giờ bán đi”. Trên nền trắng ngà giản đơn, một con mèo đang uốn mình, trong bụng là hai mảng âm dương màu xám lam và đỏ thẫm. “Tôi vẽ bức tranh này khi đang mang thai cháu. Tôi tuổi Mão, con mèo là tôi đó. Còn cháu chính là vũ trụ mà tôi mang trong lòng”. Khi người đàn bà nói, trên khuôn mặt thấp thoáng vài nét hằn của thời gian là nét cười buồn trẻ thơ khiến mũi Thắng chợt cay cay. Anh cảm thấy sợ và vội vã xua đi cái cảm giác yếu đuối đó đi bằng cách quay về chỗ của mình bên đứa trẻ. Bé Mi quay sang ôm lấy vai anh, thì thầm: “Chú Thắng ơi, có chuyện này chú phải giúp cháu”. “Chuyện gì?” “Bí mật, cháu sẽ nói, nhưng chú phải hứa sẽ nhận lời”. “Cái gì? Có phải là chuyện liên quan đến bài Aventura không?”. Bé Mi phá ra cười: “Sao chú biết?”. Thắng làm ra vẻ ghê gớm:
- Tại vì, chú có tài đọc được ý nghĩ của người khác.
* *
Buổi chiều, người đàn bà đi bộ đến trường tiểu học. Hai mẹ con dắt tay nhau đi thong thả ngược con dốc cao. Gió chiều mơn man mái tóc của đứa trẻ.
- Mẹ ơi, hôm nay mẹ vẽ những gì?
- Sông Hương và núi Ngự, Thiên Mụ và Tịnh Tâm, với mẹ ngày nào chẳng thế.
Người đàn bà trả lời, như tự chế giễu mình. Những công thức của sinh kế, đó là vòng tròn khép kín khóa chặt cuộc đời và tâm hồn chị.
- Sao mẹ không vẽ biển? Con chưa bao giờ thấy biển. Các bạn con bảo là biển đẹp và rộng vô cùng.
- Khi nào mẹ cũng nghĩ về biển, nhưng chẳng có ai đặt hàng tranh vẽ biển. Mẹ biết làm sao được.
- Có phải hiện giờ ba con đang đi ngoài biển không? Trên một chiếc thuyền thật lớn có lá buồm xanh?
Người đàn bà gật đầu. “Sao mẹ không cho con đi với ba? Con thích đi xa, thật nhiều nơi. Bao giờ thì ba lại về hở mẹ?”
“Bao giờ...” Người mẹ lúng túng. Chị tìm cách lảng tránh câu hỏi của con. “Bé Mi à, con có biết ngày mai là ngày gì không?” Bé Mi sung sướng reo lên:
- Mẹ ơi, con nhớ. Mai là sinh nhật của mẹ. Con chờ từ lâu rồi, mẹ biết không?
Hai mẹ con đã lên hết chiếc cầu thang gỗ và giờ này đang cùng ngã lăn trên tấm nệm có tên là Êm Êm. Người mẹ nằm ôm con, mắt nhìn lên cao, cười mãn nguyện. Đã lâu rồi, không ai nhớ ngày sinh của chị. Nhưng bây giờ, con chị đã lớn, đã biết yêu chị, và chị dường như không lẻ loi. Đôi mắt chị mơ màng dạo quanh căn gác, đậu lại trên bó hoa khô trên ngăn tủ. Bó hoa đã nằm đấy từ lâu rất lâu, trong chiếc bình gốm cũ, những chiếc lá cứng xốp và hoe vàng, còn hoa thì giòn và khô như những phiến đá mỏng. Tuy vậy, vẫn là những dáng hình của hoa, đẹp và khô lạnh.
Đó là bó hoa người đàn ông đã đem đến cho chị vào ngày sinh nhật thứ hai mươi sáu. Người đàn ông đã ra đi, không phải trên một con tàu biển như nàng đã kể với đứa bé, mà trên những hoang tưởng về tương lai. Từ ngày đó nàng biết rằng trong tình yêu đàn ông rất khác đàn bà. Đàn ông khởi đầu một cách điên cuồng rồi dịu đi trong hèn nhát, còn đàn bà càng lúc càng giam mình trong kỷ niệm, ngu dại và xót xa.
Bây giờ bó hoa khô đã nằm trên bàn tiệc nhỏ. Trên chiếc bàn vuông phủ khăn trắng, người đàn bà đặt đĩa bánh, đĩa trái cây, món xôi xéo và bánh gấc mà con nàng ưa thích. Giữa những màu xanh đỏ tươi sáng của món ăn, bó hoa khẳng khiu như bàn tay gầy guộc của quá khứ. “Mẹ ơi, con không thích”. Đứa bé nhăn mặt nũng nịu, không muốn năm nào cũng nhìn mãi một vẻ đẹp khô gầy. Người mẹ an ủi con:
- Những vật cũ đều có linh hồn, mẹ rất sợ phải vứt chúng đi.
Đứa bé không hiểu câu trả lời của mẹ, chỉ biết rằng những sắc màu thắm tươi, nhất định hấp dẫn và dễ thương hơn màu nâu khô của dĩ vãng. Ngọ nguậy một cách bất mãn trên chiếc ghế nhỏ, bé Mi nhìn quanh như tìm kiếm vô vọng một điều gì, rồi quay về khung cửa và đôi mắt digan bướng bỉnh chợt mở to ra, sững sờ hạnh phúc. Thắng đang ở trên ngưỡng cửa, trong tay anh có một bó hồng đỏ tươi.
“Ôi, tuyệt vời!” Bé Mi hét lên, vui sướng, ôm choàng lấy cổ Thắng. “Chúc mừng ngày sinh của chị”. Người đàn bà cầm lấy tặng vật bất ngờ, cố giấu mặt mình sau mùi thơm của những đóa hoa.
Chiều xuống trong niềm vui thơ ngây của đứa trẻ. Đối với bé Mi, một bữa tiệc nhỏ như thế này là một dịp lễ hội trong chuỗi ngày tháng lúc nào cũng mờ mờ như bóng mây. “Mẹ ơi, hôm nay con sẽ tặng mẹ một món quà. Chú Thắng ơi, giúp cháu đi. Con sẽ đang cho mẹ nghe bài Aventura, bài mà mẹ thích”.
Anventura, nghĩa là lãng du. Người đàn bà mỉm cười nhìn Thắng: con chị đã muốn chị ra đi, đi khỏi cuộc sống nhỏ hẹp này.
Nhưng bản đàn khó lắm mà đứa bé còn non dại. Thắng ngồi bên cạnh đứa bé, rồi cuối cùng anh xốc bé lên lòng mình, hai tay anh cầm lấy hai bàn tay bé nhỏ. Tiếng đàn và tiếng cười trong veo. Aventura. Những tiếng nhạc vươn dài, xuyên qua Mắt Bão. Cơn mưa và màn đêm cùng ập xuống. Người đàn bà quay đi rồi trở lại với ngọn đèn cầy trên chiếc giá nến cũ. Đứa bé đã thiu thiu ngủ trong lòng chàng trai. Anh đặt bé xuống giường và nhìn khuôn mặt thiên thần bình yên dưới ánh nến.
Người đàn bà ngồi xuống. Màu áo đen của nàng làm nổi bật những chấm hoa hồng đỏ. Trên cổ nàng, một chiếc thánh giá bạc.
Dường như cảm thấy ánh mắt chàng trai đậu trên ngực áo nàng, nàng nói, vừa như giải thích, vừa như thổ lộ:
- Tôi không phải là giáo dân, nhưng tôi thường nghĩ rằng mỗi đời người đều có một cây thập tự phải mang.
- Đó là tại chị. Chị đóng đinh đời chị vào dĩ vãng. Còn tôi, tôi thích nghĩ tới tương lai.
- Bởi vì cậu còn quá trẻ. Còn tôi, tôi đã sống như người ẩn tu từ lâu lắm rồi, hình như ngày hôm nay tôi đang từ trên núi cao đi xuống giữa phố.
Nàng vừa nói vừa đưa mắt nhìn bức tranh con mèo mang vũ trụ trong lòng. Trong ánh nến, dường như nó đang sống lại, với đôi mắt long lanh ướt. Đôi mắt nàng đã long lanh ướt như thế vào cái ngày người đàn ông đặt cả vũ trụ vào lòng nàng rồi ra đi. Đó là một mùa hè chói rực lộng lẫy trên những triền cát vàng tươi dưới trời xanh. “Em nhìn đi, không nơi đâu có những cồn cát nổi sóng như ở đây”. Người đàn ông bảo nàng. Nàng nhìn, và mãi mãi thu vào trí nhớ những gợn cát uốn lượn hình sóng nước: dấu vết của gió và của năm tháng trên một vùng hình như khô nhất thế gian. Nàng đã đem cả bó hoa ngày sinh nhật vào căn lều nhỏ. Bây giờ, trong những cánh hoa đã chết vẫn còn dư âm của hơi thở, những lời thì thầm, và cát.
Hồi ức của người đàn bà nhỏ giọt, nhỏ giọt như những hạt nước, thấm qua lời kể trên đôi môi khô, mỏng manh, đôi mắt nhắm nghiền như mắt những người đang cầu kinh trong thánh đường. Đêm im lặng trong tiếng mưa. Thắng khẽ lay người đàn bà như muốn thức tỉnh nàng từ giấc mộng, nhưng nàng mở mắt ra mà không tỉnh, nàng không nhìn thấy anh, nàng đang ở trên những sóng cát.
“Anh đừng đi”. Nàng nói như khẩn cầu, đôi môi lạnh run rẩy. Hai tay nàng nâng niu âu yếm phủi những hạt cát lấm lem tưởng tượng trên người đàn ông đang cúi xuống. Thắng định gỡ tay nàng, nhưng anh không thể. Anh khóc. Trong tay anh, một thân thể ấm mềm như con mèo âm dương uốn mình trong tranh. Con mèo có đôi mắt long lanh nhắm nghiền mê man hạnh phúc. Còn anh, anh đang cố sức giật nàng ra khỏi thập giá.
Aventura. Tiếng đàn câm im lặng thổn thức dập dềnh giữa hai lồng ngực.
Bên ngoài khung cửa sổ, gió thổi da diết trên những vòm cây. Gió thổi hoài, xuyên suốt cả đời người.
Sớm hôm sau, đứa bé tỉnh giấc. Cơn mưa đã dứt, ngày lễ hội đã qua. Bé dụi mắt và kêu thét lên khi thấy mẹ đang nghiêng người qua khung cửa nhỏ, đưa bó hoa ra trước gió. Gió thổi, cuốn bay từng cánh, từng cánh, cho đến khi chỉ còn lại một bó xương gai.
“Mẹ, mẹ làm gì thế?” Bé Mi chạy đến, ôm lấy mẹ. “Mi ơi, nếu mẹ giữ nó lại, thì một ngày kia, cũng sẽ chỉ là một bó hoa khô”.
* *
Thắng không dám quay lại căn gác cũ trong một thời gian dài, bởi một điều day dứt khó tả. Một điều gì đó làm anh nao lòng, và anh sợ phơi bày lần nữa sự yếu đuối của mình.
Khi trở lại, anh không còn thấy hai mẹ con trong căn gác nhỏ. Mắt Bão đã đóng kín. Tất cả lặng lẽ đến bàng hoàng, những giai điệu bản đàn cũ như dâng lên giữa trời chiều.
Thắng không biết ở một nơi rất xa, cô bé đang đứng bên mẹ, nơi một bãi vắng nhìn ra khơi. Người đàn bà đã đưa con về vùng đồi cát năm xưa, và giờ đây nàng đang vẽ biển. Biển mênh mông và xanh. “Mẹ, mẹ ơi, mẹ sai lầm lắm vì đã đi quá vội vàng. Con biết chú Thắng sẽ đi tìm con, nhưng làm sao chú biết được mình đã đi đến tận đây”.
Người đàn bà lắc đầu: “Con ạ, chú ấy đã lên một con thuyền lớn, và sẽ đi xa, rất xa”.
“Con không tin!” Đứa bé phụng phịu kêu lên, và người đàn bà bối rối. Huyền thoại đã cũ, nhưng tiếc thay là một huyền thoại có thực. “Con biết không, mỗi người đàn ông đều có con thuyền và giấc mơ của mình, họ đến bến để rồi lại đi, mẹ không muốn ngăn cản những chuyến đi ấy bao giờ”.
“Còn con, con thì khác. Nếu con thương yêu ai, con nhất định sẽ giữ lại bên con”. “Có lúc nào đó, con sẽ như mẹ, cảm thấy sợ giữ lại bên mình những cuộc đời bị giam hãm. Vả lại...”
Người đàn bà nghẹn ngào không nói được. Vả lại, người ta bảo sai lầm của mẹ là luôn thấy những người đàn ông đều tốt. Có thể người ta nói đúng, nhưng mẹ không thể khác đi, mẹ luôn nghĩ mọi người đều tốt. Thắng à, Adventura, đối với cậu là một dự phóng, còn đối với tôi chỉ là một ước mơ hoang tưởng mà thôi.
“Mẹ ơi, dù sao đi nữa, lớn lên con sẽ đóng một con thuyền, con sẽ đi và tìm ra con thuyền của chú Thắng”. Người mẹ thoáng cười. “Biển mênh mông, chẳng ai tìm ra dấu tích của ai. Mà dù gặp, con đã là thiếu nữ, chắc gì chú ấy nhận ra con”.
- Không, chú sẽ nhận ra. Vì con sẽ hát cho chú nghe bài hát Lãng du.
- Sóng lớn lắm, nghĩa lý gì tiếng hát.
Đứa trẻ khăng khăng:
- Con sẽ hát to, át cả tiếng sóng.
Người đàn bà mỉm cười. Bỗng nhiên nàng thấy như tâm hồn yếu đuối của mình đang dựa vào niềm hy vọng của đứa trẻ. “Bé này, con nhìn đây, ngày trước con cứ thích mẹ vẽ biển. Bây giờ mẹ đang vẽ biển cho con”. “Ôi thích quá, mẹ ơi! Mẹ cho con vẽ chiếc thuyền của con, mẹ nhé!”
Bé Mi nhúng cọ vào những đĩa màu và vẽ lên bức tranh một con thuyền, dáng nguệch ngoạc nhưng rất chói chang, một con thuyền có lá buồm màu hoa hồng đỏ. Con thuyền chở ngọn lửa của trái tim non dại khơi từ những giấc mơ tro vùi của mẹ./.
(Tạp chí Nhà văn)