Cha nuôi
Trần Thùy Mai
Những câu chuyện cổ tích thường kết thúc bằng đám cưới của cô gái mồ côi xinh đẹp và chàng hoàng tử đẹp trai, trong một cung điện bằng vàng. Đó cũng là một quan niệm về hạnh phúc. Còn trong truyện ngắn của Trần Thuỳ Mai, cô gái mồ côi mảnh mai tên Ni vượt qua những đổi thay của hoàn cảnh là để tìm lại được chính mình. Không xa lạ với những biến chuyển từng ngày của xã hội, nhưng nhà văn nổi tiếng xứ Huế này vẫn riêng giữ cho văn mình một cách đẹp truyền thống và đầy nữ tính.
Cuối tháng, Tiến chưa lãnh lương mà Ni lại không muốn ngồi nhà. Vét hết túi hai đứa còn được năm ngàn, Ni vào mượn dì Ba thêm một ngàn mà dì nhất định không cho. "Cả một bành đồ siđa mới khui ra chưa bán được cái mô. Tiền chưa vô là nhất định không cho tiền ra, biết không?" Ni tiu nghỉu. Nhưng rồi hai đứa cũng ra ngồi ở quán bên sông, uống một ly nước chanh, một ly trà loãng. Tiến nói: "Dì Ba mê tín khiếp". Ni buồn buồn : "Không phải đâu, vì dì không ưng Ni quen Tiến nữa". Tiến bặm môi, ngơ ngẩn ngó ra sông.
Hai năm trước, khi Tiến bắt đầu thường xuyên đến nhà, dì Ba mừng ra mặt. Vậy là đứa cháu mồ côi sắp có người rước đi rồi. Ni ở căn chái phía sau, gần bếp. Đi học về, Ni nấu ăn, rửa chén, giặt giũ. Dì Ba có ba con, cộng cả nhà sáu người, áo quần quăng ra mỗi ngày một chậu giặt có ngọn, Ni giặt đến nửa chậu đã hùi hụi thở. Từ khi Tiến được phép lui tới thì Tiến giặt giúp cho Ni. Tiến khoẻ lắm, chỉ vèo một chút là xong.
Hồi Ni học thi đại học, Tiến vẫn đến ngày ngày, dì Ba càm ràm: "Tổ cha tụi bây, mai thi rồi mà ngày ni còn kè kè". Không phải đâu, Tiến chở Ni ra quán cho Ni ngồi nhìn sông một chút cho dịu bớt cơn nhức đầu. Chỗ Ni ngồi học nóng thế, gặp lúc bếp dầu hư, khói xông vào rất ngạt. Ngồi bên Tiến cơn đau đầu của Ni dịu lại. Tiến nói: "Tiến nghe nói con mèo đen có chứa điện năng lớn, nuôi một con mèo đen trong nhà, sẽ giảm được những chứng như đau đầu, hoa mắt, chóng mặt". Ni cười: "Khỏi cần, Tiến là con mèo đen của Ni rồi".
Ni thi đậu vào đại học, đúng điểm chuẩn, không dư một ly. Thế cũng may rồi. Kể từ đó, cuộc đời Ni rẽ ngoặt qua một đoạn khác, nói như dì Ba là: Từ nay mới bắt đầu "mọc mũi sủi tăm". Dì Ba bỗng cưng Ni thấy rõ. Dì không nói đến chuyện trông Ni sớm lấy chồng để đập căn chái của Ni, nới rộng phòng dì nữa. Cái bếp dầu cổ lỗ đã chui vào nằm trong gác, thay bằng bếp ga Rinnai. Tiến cũng không phải giặt đồ giùm Ni nữa, máy giặt Sanyo mỗi ngày quay vi vút, mới sáng sớm sân phơi đã giăng kín mấy dãy áo quần thơm phức mùi Comfort.
Một chiều Tiến ghé vào, Ni vội vã lôi ra sau bếp, thì thào: "Tiến ơi, Ni đã có ba". Tiến sững người. Ba mẹ Ni đều mất đã lâu, ai cũng biết mà! Ni cười: "Đây này, Tiến đọc đi". Tiến cầm lấy tờ thư, chỉ có mấy dòng. "Tiếng Pháp, dượng Ba giảng cho Ni thế này...". Thì ra là thư của một người Pháp tên là Jacques Hardy nhận làm cha nuôi của Ni, hàng tháng sẽ gửi tiền về nuôi Ni cho đến khi hết đại học.
Vậy là Ni xem như hết khổ. Ni đã có người bao bọc, đỡ đần. Bất giác Tiến hơi buồn. Cái buồn ích kỷ: trước kia chỉ một mình Tiến tốt với Ni, nay có đến hai người. Ni nhìn mặt Tiến, hiểu ngay, nói như dỗ dành: "Cha nuôi đâu đã biết Ni tính tình mặt mũi ra sao. Chẳng qua là người ta làm từ thiện thôi". Miệng nói vậy nhưng Ni có vẻ sung sướng không giấu được. Mà cũng phải, từ nhỏ Ni không cha, không mẹ, bây giờ đột nhiên có người gọi là con. Dì kể công: "Cũng nhờ dượng quan hệ rộng, bạn bè bên nước ngoài người ta giới thiệu cho, chớ tiền đâu có trên trời rớt xuống".
Hàng tháng, Ni viết thư cho cha nuôi, kể chuyện học hành, sức khoẻ... Ban đầu dượng Ba dịch cho, sau Ni học thêm tiếng Pháp, tự viết. Dượng Ba đọc lại, cười: "Sai bét nhè, nhưng thôi, có vụng về vậy mới thật, mới dễ gây xúc động". Tiến nhìn qua cửa sổ. Nghĩ cũng kỳ, cái thật, cái xúc động mà cũng phải cần đến kỹ xảo!
Lâu lâu, Ni có quà xa gửi về. Thuốc bổ, kẹo... Các con dì Ba chia nhau hết. Ni cũng mặc, bảo Tiến: "Ăn một cái kẹo của cha gửi là hạnh phúc lắm rồi. Hồi Tiến nhỏ, ba mẹ Tiến có mua kẹo cho Tiến không?". Tiến nghe mà thương Ni quá. Bỗng Tiến lo lo, hỏi Ni: "Lỡ ra sau này cha nuôi muốn đem Ni về Pháp, chắc Ni bỏ Tiến mà đi". Ni lắc đầu: "Làm chi mà có chuyện đó. Người ta làm từ thiện, lòng tốt cũng có hạn thôi". Cặp mắt ướt của Ni thoáng buồn, rất buồn...
Tưởng chỉ có thế. Nhưng chẳng bao lâu, Tiến chưng hửng.
Ni bảo Tiến: "Cùng một dòng máu đằng ngoại mà sao dì lúc nào cũng nghĩ khác em. Tiến xem đây này". Tiến nhìn, lại một bức thư tiếng Pháp nữa, lần này ký tên ông Nélig Picquier. "Cũng là nhận bảo trợ em làm con nuôi?". "Dạ. Dì bảo em viết thư cảm ơn y như lần trước. Em thấy kỳ quá". Dì Ba từ đâu bỗng đột ngột bước vào: "Có cái chi mà kỳ với không kỳ. Cha này hay cha khác thì cũng ở tít bên Tây. Có phải ở chung một làng đâu mà sợ tranh giành?". Ni thở dài với Tiến: "Ni chỉ muốn có một cha nuôi thôi. Nhưng làm sao cãi dì".
Dượng Ba đúng là có tài tháo vát. Khi Ni học đến năm thứ hai thì đã có đến năm cha mẹ nuôi, có ông người Pháp, có bà người Mỹ, cuối tháng Ni viết thư đừ cả người, cuối cùng thì nảy ra sáng kiến viết một lá rồi sao ra làm mấy bản. Dần dần, Ni quen đi, không buồn, không áy náy nữa. Khi dượng Ba móc thêm được ông bố nuôi thứ sáu người Mỹ gốc Việt, Ni chẳng quan tâm đến tên tuổi cùng gốc gác của ông, chỉ bảo: "Vậy là dì có thêm trăm đô mỗi tháng".
Cuối năm, dì Ba cho xây lại ngôi nhà, thành một toà nhà hai tầng khang trang. Ni đã trở thành con gà đẻ trứng vàng. Hôm dọn vào nhà mới, Tiến đang hì hục vác giùm các thứ chợt nghe tiếng dì nói thầm với dượng: "Con Ni không biết kén. Sau này vợ đại học, chồng trung cấp, có phải vậy là nhà bếp cao hơn nhà trên, có khó coi lắm không?". Từ đó, Tiến không đến thăm Ni nữa.
Ni đạp xe về nhà Tiến: "Sao Tiến không tới nữa?" Ni trách, rồi kể lể với Tiến: Ông Picquier không đỡ đầu nữa, bà Jeanne cũng vậy, ông Jacques cũng rút êm. Lý do là quả đất rộng thế nhưng lại tròn, các ông bà này mỗi người ở mỗi nơi nhưng lại đi du lịch Thụy Sĩ cùng một tours. Trong câu chuyện vui ai cũng đem chuyện cô con nuôi dễ thương ra khoe, và đều té ngửa trước những bức thư giống nhau như hệt. Ni bảo: "Hú vía, may sao dì dượng đã xây xong nhà". Nói rồi Ni than phiền: "Nhà xây rồi nhưng phòng Ni vẫn lẹt đẹt sau phòng dì, lẽ ra phải cho Ni cái phòng phía trước mới phải".
Tiến nhìn Ni, cảm thấy Ni dường như khác trước, khác nhiều lắm... Bỗng nhiên lòng nguội lạnh, Tiến thừ người nhìn ra vườn. Khu vườn nhỏ có cây khế đang ra hoa lấm tấm hồng... Ni lay lay vai Tiến, phụng phịu: "Nãy giờ Ni nói chuyện với ai, với cục đất à?". Tiến cười khùng khục: "Tiến nhìn cây khế ngoài vườn. Ước chi có con phượng hoàng bay xuống cho Ni may túi sáu gang". Ni rụt ngay bàn tay đang đặt trên vai Tiến, môi mím lại. Từ đó hai đứa hai đường. Mỗi lần nghĩ đến Ni, Tiến chỉ còn một cảm giác nghèn nghẹn trong cổ, thế thôi.
Phương Ly, cô bạn cùng học ở lớp tại chức kinh tế, có hôm hỏi Tiến: "Mục đích học của anh là gì? Tính lên chức, vô ngạch, hay xin tăng lương?". Tiến tự xét nét tâm tư, thấy cái gì trong bản liệt kê ấy cũng không đúng với ý nguyện của mình. Vậy thì mình đi học để làm chi? Mãi rồi mới nhận ra, mình đi học là để chống lại cái cảm giác nghèn nghẹn trong cổ từ ngày ấy, thế thôi. Vớ vẩn thế thì làm sao trả lời cho Phương Ly hiểu được, Tiến đành cười trừ.
Có lần Ly nhờ chở về, Tiến chở ngang nhà Ni . Ngôi nhà hai tầng bề thế vậy mà thắp có mỗi một ngọn nêông ở gian giữa, tiết kiệm điện đến thế thì thôi. Tiến ngỏng cổ nhìn lên. Bỗng nhiên cảm giác nghẹn trở lại, Tiến húng hắng ho, tay lái chao đi. Phương Ly lo lắng: "Tiến làm sao thế?". Tiến lắc đầu: "Không sao, con phù du bay vào mắt".
Mấy hôm sau, mẹ Tiến hỏi: "Lâu nay không gặp con Ni à? Bữa qua hắn tới, hỏi thăm con ốm mập ra sao. Mạ nói con đi làm vắng, để chủ nhật rồi bác biểu hắn qua thăm cháu".
Hình như cái số Tiến và Ni đến hồi này là số xa cách, Tiến vừa vào đến cổng thì dì Ni nhìn ra. Dì đang vui, vui đến nỗi thấy Tiến dì cũng không cần tỏ ra lạnh nhạt như xưa nữa. "Tiến à, dì nói để con mừng cho em Ni, ngày mai là cha nuôi Ni ghé thăm đó. Mấy bữa nay dì dượng dọn dẹp nhà cửa mệt phờ cả người". "Cha nuôi nào hở dì?". "Thì ông Lê Vy đó, ông hứa bảo trợ cho em Ni qua Mỹ học tiếp. Nếu xin được visa không trở ngại chi thì mùa thu này là em qua bên đó rồi".
Tiến khờ mặt ra, muốn chờ Ni về hỏi thêm cho rõ, nhưng tuy mặt mũi dì tươi vui đon đả vậy, dì cứ đứng chắn ngang cửa, rõ ra ý không muốn để Tiến vào nhà. Tối hôm ấy ở lớp, Tiến chẳng ghi được chữ nào. Phương Ly lo lắng nhìn :"Tiến trúng gió à, để Ly ghi giùm cho nghe?".
Từ đó, mỗi lần Phương Ly nhờ Tiến đưa về, Tiến đều đi đường vòng, tránh qua nhà Ni. Có bữa Phương Ly hỏi sao không đi đường gần, Tiến cười cười: "Đường vòng dài hơn, đi với Ly được lâu hơn". Nói xong chợt cảm thấy mình có chút gì giả trá, vội đính chính: "Sợ đi ngang nhà người cũ". Thật thà khai báo thế mà Ly không giận...
Mùa hè tới, lớp học đêm cũng nghỉ. Tối rảnh chẳng biết đi đâu, Tiến ra quán chơi game. Lòng Tiến giờ dửng dưng, không thương ai nhớ ai.
Hết hè, lớp học đêm lại mở. Đêm đầu khai giảng, Tiến đứng trên hành lang, chợt thấy trống vắng giữa đám người đông xôn xao. Không biết Phương Ly đã đến chưa?
Bỗng Ni hiện ra trong sân với tập vở ôm trước ngực. Tiến giật mình, tưởng mắt mình bị loá vì đèn. Nhưng mà Ni thật rồi, ánh mắt và nụ cười Ni lúc này thật khó tả, vừa vui sướng, vừa đau khổ.
"Ni ra trường rồi, xin việc khó quá nên tính học thêm một bằng đại học nữa cho chắc".
"Còn việc đi du học?". "Sao Tiến biết?". "Tiến nghe dì nói mà". "Tiến có đến à?". Ni ngẩn ra một lúc rồi thở dài: "Ni không đi đâu Tiến ạ". "Sao uổng vậy? Được đi du học, nằm mơ cũng không thấy". Ni lắc đầu: "Ni cũng nghĩ vậy. Người ta ai chẳng muốn vươn lên, Tiến có thông cảm với Ni không?".
Tiến ngập ngừng... "Nhưng ông Lê Vy không chịu bảo lãnh Ni đi theo diện du học, mà theo diện kết hôn". Tiến trợn mắt, ấp úng hỏi: "Sao lại kết hôn với con nuôi được?". "Ni nghe dì nói, luật bên đó không cấm". "Thế Ni...".
Ni nhìn Tiến nảy lửa rồi bặm môi, nói một hơi rành rọt: "Tiến đừng ngố nữa, túi của Ni cùng lắm là bốn gang thôi chứ không đến sáu gang như Tiến nghĩ đâu".
Lúc hai đứa dứt chuyện thì mọi người đã vào lớp, nhìn quanh chỉ còn hai đứa trên sân vắng. "Hay mình tự cho phép cúp cua một bữa mừng hội ngộ đi Ni". Ni ngồi xuống gốc cây bàng. Tiến níu Ni gượng lại, lấy khăn tay trải cho Ni ngồi, còn Tiến lót dép ngồi bên cạnh. "Chuyện việc làm, bây giờ Ni tính sao?". "Ni xin vài nơi rồi chưa được. Trước mắt chắc phải tìm chỗ dạy kèm, rồi kiếm chỗ ở". Tiến ngạc nhiên: "Chỗ ở á?". "Thì mấy hôm nay dì lại đòi đập căn phòng của Ni để nới rộng phòng dì...". Ni nói, mắt ầng ậng nước. Tiến nắm chặt tay Ni. "Đừng sợ, Ni ơi, có Tiến rồi mà".
"Nếu có ước muốn trong cuộc đời này, xin hãy ước cho thời gian trở lại". Xa xa vọng lại tiếng hát từ một quán nhạc đâu đó ven đường - Hình như là cái quán ở ven sông mà ngày nào hai đứa vẫn ngồi bên nhau.