Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Khoa Học >> Một mình giữa đại dương

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 33854 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Một mình giữa đại dương
Phan Quang

Chương 5
Ngày khởi hành phải hoãn lại so với dự kiến vì gặp khó khăn về phương tiện chở. Theo phương án đầu tiên, đoàn du hành sẽ gồm có ba người: người bạn thể thao, nhà hảo tâm đã cung cấp tiền (cũng chính là một chuyên gia về cấp cứu đường biển, như đã nói ở trên và A-lanh). Nhiều kiểu xuồng được đưa ra dùng thử. Thoạt tiên chuyên gia này định cho ra một kiểu mảng kết bằng hai phao nổi, được nối liền bởi một sàn ngang, trông na ná chiếc xe đạp đi trên nước và dùng buồm làm lực đẩy. Sau nhiều ngày hì hục lắp ráp cái mảng kỳ cục ấy -một vật để giải trí ở bãi biển tốt hơn là dùng vượt đại dương -hai nhà thể thao mang ra thử. Họ dự định khởi hành từ bến Mô-na-cô, ra đảo Coóc-xơ rồi quay trở về nơi xuất phát. Một buổi sáng đẹp trời vào cuối tháng mười một, chiếc mảng được đưa ra thử. Hôm ấy gió từ đất liền thổi ra biển. Thuận buồm, nó lướt với tốc độ khá cao. Nhưng, gặp ngọn sóng lớn đầu tiên, mảng đã lật. Hai nhà thể thao lóp ngóp vào bờ, một người bơi, một người ngồi trên mảng, nhờ một chiếc thuyền kéo.
Nhà hảo tâm, sau khi thất bại ấy, nảy ra ý đóng một chiếc xuồng lớn, dài tới mười bốn mét, lại có cả ca-bin và bếp để làm thức ăn nóng nữa chứ! Rõ ràng quan niệm của A-lanh và của người bạn có của này ngày càng xa nhau. Tuy không nói ra, anh lặng lẽ đeo đuổi việc chuẩn bị để đạt cho được mục tiêu mình đề ra từ đầu. Khoảng cuối tháng ba năm 1952, công trình nghiên cứu ở phòng thí nghiệm về cơ bản đã hoàn thành. Lý thuyết của anh đã được hoàn thiện một bước. Một người bạn, giáo sư đại học ở Anh, nhân đến Mô-na-cô nghiên cứu, biết chuyện, khuyên anh nên tham khảo ý kiến một số chuyên gia Anh về ngành học này. Qua sự giới thiệu của bạn, A-lanh bay vội sang Luân Đôn tìm gặp một số chuyên gia nổi tiếng. Họ góp cho anh nhiều ý kiến bổ ích. Nhưng chuyến đi làm việc ngắn này, rủi thay do sơ ý anh đã tự gây cho mình nhiều phiền phức. Lúc làm thủ tục nhập cảnh ở cảng Ca-le, một viên chức hải quan vốn biết anh là một nhà thể thao có cỡ, từng bơi qua eo biển Măng-sơ, liền hỏi vui:
-Thế nào, lại chuẩn bị vượt biển Măng-sơ chứ? Anh cười, đáp:
-ồ, chuyện ấy xưa rồi. Tôi vượt Đại Tây Dương cơ. Viên chức hải quan cũng cười, cho là chuyện tếu. Nhưng lát sau, nghĩ lại, anh ta tự nhủ:
“ừ, sao lại không thế nhỉ", và nhanh nhảu báo tin cho một phóng viên Anh biết cái tin sốt dẻo ấy. Thế là chẳng mấy chốc báo chí loan tin ồn ào. Một ký giả tìm đến tận Mô-na-cô phỏng vấn A-lanh. Có những bài báo bóp mép sự thật. Người ta cho anh là một người thích làm những chuyện giật gân. Cùng với xuyên tạc là mỉa mai, giễu cợt. Anh không sao yên ổn làm việc được nữa. Bù lại, anh nhận được nhiều thư của những người chưa hề quen biết xin được cùng tham dự chuyến đi. ý kiến đúng đắn có, ngộ nghĩnh, xỏ xiên cũng có. Một người cho biết, anh ta đã mấy lần tự tử nhưng chưa chết, nay mong được cùng đi với anh. Một người khác nói rõ nếu cuộc thực nghiệm không thành công, đoàn du hành không thể kiếm đủ thức ăn giữa đại dương, thì anh ta tự nguyện để cho các bạn đồng hành... ăn thịt. Có người hỏi, vì anh quả quyết con người có thể giải khát bằng nước mặn, vậy có thể dùng nước biển để tưới hoa không, v.v...
Tuy nhiên, cũng có không ít người đứng đắn, kiến nghị dùng nhiều kiểu thuyền cấp cứu khác nhau. Thật ra, ngoài người bạn thể thao đã cùng anh chuẩn bị chuyến đi từ đầu, anh cũng cần có thêm một bạn đồng hành nữa. Một hôm, có một người cao lớn, tóc hung dáng điệu trầm tĩnh, vẻ mặt lạnh lùng, đến nơi A-lanh trọ tìm gặp anh, và xin được hợp tác. Anh ta vui lòng hiến chiếc du thuyền cùng với dụng cụ đo toạ độ của mình để làm cuộc thực nghiệm. Đó là một người Anh mang quốc tịch Pa-na-ma, tên là Giắc Pen-mơ. Một nhà đi biển tuyệt vời. Trên chiếc thuyền thể thao loại nhỏ, chỉ dài có mười mét, Giắc đã từng từ Pa-na-ma vượt Đại Tây Dương sang Cai-rô (Ai Cập), rồi cùng với vợ từ Cai-rô sang đảo Síp, đến Mô-na-cô. Tới đây thì cạn túi, đành lưu lại gần một năm nay. A-lanh trình bày cho Giắc rõ dự kiến của mình: cần có hai hoặc ba người tự nguyện sống trong những điều kiện giống hệt như bị đắm tàu thật sự: không nước ngọt, thiếu thức ăn, lênh đênh trên chiếc xuồng nhỏ để qua đó chứng minh rằng dù sao con người vẫn có thể sống còn. Chuyện hệ trọng quá, không thể quyết định hấp tấp, Giắc xin cho mấy giờ để suy nghĩ. Trở lại, anh chỉ nói với A-lanh một câu:
-Thưa bác sĩ Bôm-ba, tôi là người thuộc quyền ông. Giắc quả là một con người đáng mến, A-lanh vui mừng gặp được người bạn mới. Nhưng lúc này hãy còn trên đất liền. Trong thâm tâm, anh vẫn có chút băn khoăn: điều gì sẽ xảy ra, khi gặp đói, khát, đồng đội có quay lưng lại, có chống đối lẫn nhau hoặc đổ trách nhiệm cho nhau không ? Anh bạn thể thao thì A-lanh quen biết đã lâu, anh hiểu rõ bạn sẽ cư xử thế nào trong trường hợp ấy. Còn người bạn mới quen này?... Chính vì lẽ ấy mà đáng lẽ xuất phát từ cảng Tăng-giê hoặc Ca-la-blăng-ca (Bắc Phi) trên bờ Đại Tây Dương, anh quyết định làm một chuyến đi thử ở Địa Trung Hải. Biển này chẳng khác mấy một cái hồ lớn, giao lưu tấp nập, tuy vậy vẫn không phải là không chứa đựng hiểm nguy. Cần kiểm tra vật liệu, phương tiện cũng như người. Sóng gió càng bất thường càng có ích cho cuộc tập dượt. Đoàn sẽ hiểu thêm những gì đang chờ đợi, từ đó sẵn sàng hơn trong tư thế đương đầu với Đại Tây Dương. A-lanh tìm gặp nhà chế tạo kiểu xuồng mà người bạn thể thao đã cùng với anh dùng để vượt biển Măng-sơ sang Anh năm ngoái, xin một chiếc cùng kiểu nhưng lớn hơn. Cuộc thương lượng chưa xong thì giữa tháng năm, anh nhận được một cú điện thoại. ấy là J.L. một người sau này đã trở thành bạn rất chung thuỷ của A-lanh. J.L. đề nghị với A-lanh ký một hợp đồng, theo đó ông được quyền xuất bản cuốn sách anh sẽ viết về chuyến thực nghiệm này. ông sẽ ứng trước cho anh một món tiền để chuẩn bị chuyến đi. Có số tiền này, anh có thể tự túc về chi phí, đỡ nhờ vả ai, và vợ anh cũng yên tâm hơn trong khi chờ đợi đứa con sắp ra đời.
Ngày 17 tháng năm, anh nhận được chiếc xuồng sau này sẽ nổi tiếng. Hớn hở, anh trở lại Mô-na-cô, mang theo chiếc "tàu viễn dương" của mình. Thế là có thể lên đường. Anh đánh điện cho người bạn thể thao cũng như nhà hảo tâm rõ. Trước ngày dự định khởi hành một hôm, ông này đến cho biết:
-Anh bạn thể thao mắc bận, không thể tới. Tôi đi thay.
ạng bạn này là một con người cao 1,8 mét, nặng đúng 152 ki-lô-gam. A-lanh tìm cách thuyết phục ông bạn: đối với chiếc xuồng mong manh này, trọng lượng người ông sẽ khiến cho chuyến đi thêm... nặng nề, phức tạp. Sẽ có ích hơn nếu ông vui lòng ở lại trên đất liền để chuẩn bị cho chuyến đi chính, qua Đại Tây Dương. Ngày xuất phát được ấn định vào sáng 24 tháng 5 năm 1952. Nhà chế tạo thân hành tới bến Mô-na-cô tham gia hiệu chỉnh và kiểm tra chiếc xuồng lần cuối. Đó là một kiểu nửa xuồng, nửa mảng bằng cao su bơm hơi dài 4,6 mét, rộng 1,9 mét. Hình thù nó na ná một cái vành móng ngựa nhưng dẹp về chiều ngang. Đằng đuôi có một tấm gỗ chắn, để nếu có cần buông câu thì dây câu không cọ trực tiếp vào cao su. Một tấm ván gỗ đặt ở đáy xuồng làm sàn. Toàn bộ xuồng không có một mẩu kim loại. Phao chia thành bốn khoang, đóng mở riêng biệt. Đáy xuồng phẳng, nhưng có một cái sống lưng chạy theo chiều dọc, ở chính giữa. Cái sống này có tác dụng tạo nên một chiều cong giúp đáy xuồng bám chặt mặt biển như một ống giác, giữ cho nó luôn luôn đằm, đồng thời không vì vậy mà cản sóng làm chậm tốc độ. Lực đẩy được tạo nên nhờ một cánh buồm rộng chừng ba mét vuông. Đáng tiếc là theo thiết kế, cột buồm đặt quá sát mũi, do đó xuồng khó di chuyển khi ngược gió. Hai bên mạn có gắn sẵn hai tấm ván sẽ dùng làm bánh lái phụ, cần thiết khi cập bờ.
Việc chuẩn bị về phương tiện vật chất như vậy coi như xong xuôi. Chỉ còn một việc phụ: xin cho được một giấy phép thông hành ra khơi. Thủ tục tưởng bình thường này không ngờ lại là một khó khăn không nhỏ, thậm chí có lúc tưởng chừng trở thành trở ngại chủ yếu ngăn cản cuộc thực nghiệm. Mấy hôm trước ngày dự định khởi hành, A-lanh cực kỳ sửng sốt được tin tòa án phạt anh 2000 phrăng, cho hưởng án treo, vì đã vi phạm quy chế lưu thông hàng hải trong chuyến sang Anh năm ngoái. Anh vội đáp xe lửa về Pa-ri, hy vọng chống án, nhưng không có kết quả. Tòa án vẫn cứ phạt anh hai khoản, mỗi khoản 1000 phrăng về tội : vi phạm quy chế lưu thông ngoài khơi, và dùng phương tiện đi lại ven bờ để ra khơi.

<< Chương 4 | Chương 6 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 239

Return to top