Có tiếng nổ uỳnh uỳnh như tiếng công nông, tiếng bánh xe lộc cộc trên đá dăm lao vào ngõ, gạt cánh cổng gỗ đánh xoẹt. Thằng mất dạy nào đấy, có biết nhà ai đây không mà láo lếu thế hở? Thằng nào? Bà có ra mà lôi cổ nó vào đây tôi dạy cho một bài không? Con cái nhà ai thế không biết?". "Bố? Con đây chứ thằng nào. Bố lại đang uống rượu à, may quá, con về đúng lúc. Đang thèm rượu muốn chết đây bố ạ". "Mày... là mày đấy à? Rước cái của nợ ấy ở đâu về thế, hay lại trộm cắp của ai, hở? Tao là lao không để yên đâu nhé! Ngồi xuống, lấy thêm cái chén. Mẹ mày vừa lĩnh lương hưu, chi hẳn cái đùi với cả đĩa dồi, cứ nhắc mãi không thấy cái mặt giặc (là mày ấy) đâu cả: Rõ thiêng. Ăn đi, rồi nói tao nghe, mày lấy cái của nợ ấy ở đâu ra?". "Bố cứ hay đùa, lấy đâu ra? Nửa năm mửa mật của con đấy chứ lấy ở đâu. Bố có biết của độc là cái gì không? Là cái mà cả Hà Nội chỉ có vài tay thợ biết sửa nó như thế nào, thay thế phụ tùng ở đâu, là cái mà chỉ nhìn đã biết cái thằng người ngồi trên nó là loại gì, là...". "Là loại đầu trộm đuôi cướp, loại thích
chít khăn tang lao như điên lúc nửa đêm ấy hả. Gì thì gì, con tao hay không phải con tao, hễ cứ ngồi trên cái của nợ ấy trông đã không đứng đắn, không tử tế, đã là loại thích chơi lười làm, loại không coi thiên hạ ra gì, loại...". "Thôi nào, bố! Bố cho con ăn vài miếng đã, kẻo lại phụ lòng mẹ. Ăn xong rồi con với bố nói chuyện cái xe. Con mời bố một chén. Mẹ mua rượu nhà ai mà thơm thế, mai con xuôi, mẹ kiếm cho con vài lít nhá. Tuần sau thằng Bờm tròn sáu tháng, đám bạn con thế nào cũng đến, cho chúng nó chết tại trận".
Xong bữa, bố không còn nhớ gì đến cái xe nữa, bố ngủ mất rồi. Bố bao giờ cũng thế, uống vào là ngủ, là không biết trời đất gì nữa. Mẹ bảo đấy là cái nết của bố. Chồng người ta uống vào là đánh đập, chửi bới vợ con, chồng mẹ chỉ có đánh đẫy một giấc, xong, không ò ê gì. Sống ở đất rượu mà như bố, đàn ông chỉ có một. Làng có bao nhiêu ông chồng thì bố là tấm gương của bấy nhiêu ông. Ngẫm ra, mẹ là người đáng được tự hào nhất ở làng. Anh cả làm ra nhiều tiền, mua một cái nhà to tướng, sau cơn sốt đất này dưới Hà Nội, anh có cả tỷ bạc trong tay. Trong cái nhà bốn tầng to thù lù ấy, anh trang bị cho chị dâu cả với thằng cháu đích tôn của ông bà đến tận răng mọi thứ đồ dùng hiện đại, bóng loáng, gõ vào đâu cũng kêu coong coong. Bà hãi nhất là phải xuống đấy, thôi thì chúng mày thỉnh thoảng đưa cháu về cho tao hít hà một tí, đừng bắt tao phải xuống ở trong cái nhà ấy. Tao phát bệnh ra mất.
Anh thứ chưa lấy vợ, ở một mình trong căn hộ bé như cái lỗ mũi tít trên tầng năm một khu chung cư. Mắt cận bảy tám đi ốp, nói nửa câu sách vở nửa câu, cứ như tung hoả mù trước mặt người ta. Mấy ông đồ Nho còn sót lại trong làng, hễ thấy anh thứ về là chèo kéo đến nhà đàm đạo chữ nghĩa bằng được.
Cậu út có cái thú mua bán, đổi chác xe máy, mỗi lần về làng lại cưỡi một cái xe mới. Thôi thì đủ kiểu, nhưng nhất thiết là cái nào cũng phải nổ thật to. Như hôm nay đây, cái xe to như xe bò nghênh ngang giữa làng, hàng xóm được một mẻ nghe chó sủa điếc lai. Mẹ chẳng ưa gì cái xe kềnh càng, đúng như bố bảo, ngồi trên cái xe ấy, người tử tế mấy cũng thành ra không tử tế. Nhưng nó lại bảo mẹ, vụ khoai tây này, cả làng gom lại, bán được giá đi nữa thì cũng chỉ bằng nửa cái xe ấy thôi. Nghe ù cả tai. Nhiều tiền thế thì biết nói gì nữa. Nhưng thiếu gì cách để khoe tiền, tại sao lại phải mua một cái xe như thế mà đi. Thanh niên bây giờ lạ thật, mất liền mua cái không tử tế vào mình thì chỉ có chúng nó. Thật không thể hiếu nổi.
Đêm, khuya hẳn rồi mà nó còn dong ra ngõ, đánh thức bọn trẻ con hàng xóm dậy, chất chúng ngồi chồng lên nhau kín cái xe, phi thẳng ra bờ sông. "Chúng mày có đứa nào biết chị Thơm, con ông Vạn lái đò không?". "Biết chứ sao không. Chị Thơm ngày nào chẳng mang ngô sang chợ huyện từ sớm tinh mơ". "Nhưng chị Thơm không phải là con ông Vạn nữa rồi". "Sao lại không phải là con ông Vạn nữa? Chúng mày chỉ huyên thiên". "Thật mà. Chị Thơm thành con ông Tỉnh từ lâu rồi, bây giờ sang ở hẳn bên huyện bán thịt rồi. Con dâu ông Tỉnh chẳng ở đấy thì ở đâu". "Con dâu à, thế thì phải nói rõ là chị ấy đi làm dâu nhà người ta chứ". "Anh út ơi, ông Q. bảo lẽ ra ông ấy hỏi chị Thơm cho anh mà, phải không? Anh mà lấy chị Thơm, chở lợn cho chị ấy bằng cái xe này thì sướng phải biết, nhỉ . Chồng chị Thơm ngày nào chẳng chở lợn bên này về mổ, nhưng chỉ chở bằng xe Min thôi".
Dòng sông chảy dưới ánh trăng giữa tháng sóng sánh vàng. Con đò của ông Vạn lấp ló ánh đèn. Sau cái đận chở đầy người quá bị lật, xã không cho chèo đò nữa, ông Vạn chuyển sang nghề đánh cá. Con gái đi lấy chồng, nhà bỏ không, ông gần như xuống thuyền ở hẳn, đêm cũng ngủ dưới thuyền. Không chở người thì ông chở lợn, những con lợn béo nung núc, cậu con rể gom từ khắp các làng bên này sông, mang sang chợ hóa kiếp. Sáng nào qua sông nó cũng dúi cho ông gói lòng còn nóng hôi hổi trong lá chuối, kiếm chai rượu nữa là ông say sưa cả ngày. Hôm nào hứng lên thì giăng lưới, quăng chài. Ông bảo ông là người sướng, sướng nhất làng. "Cậu về đấy à, xuống làm với tôi choóc rượu. Này, ngày xưa tôi mà gả con Thơm cho cậu thì giờ sao nhỉ, cậu lại lôi nó xuống tít Hà Nội ấy, coi như tôi mất con còn gì. Nó hận tôi lắm, cái đận ấy Nhưng đâu phải tại tôi, đúng không cậu? Có duyên số cả đấy cậu ạ, các cụ nhà mình nói cấm có sai. Hồi cậu đi, con Thơm đòi nhảy sông tự tử. Con nhà lái đò mà nhảy sông tự tử thì chết thế quái nào được. Nó quẫn quá quên mất đấy mà. Cứ tưởng không lấy được nhau thì chết, thế mà cuối cùng có đứa nào chết đâu. Anh bây giờ ăn nên làm ra lắm hử, là tôi nghe nói thế. Cũng mừng. Con Thơm nhà này...". Ông già nói một thôi một hồi chợt chững lại, nâng chén dốc thẳng vào miệng đánh ực. "Thơm thế nào, bác? Sao bác không nói tiếp? Cô ấy khổ ạ? Vì cái gì? Kìa... bác...". "Vì cái gì à? Chả vì cái gì, cũng chả khổ. Chồng mổ lợn, vợ bán, tiền nong rủng rẻng, có gì mà khổ... Nhưng mà... vẫn chưa có con. Chồng nhận tại chồng, vợ tranh tại vợ, không đứa nào chịu đi khám xem thực hư thế nào. Sốt cả ruột. Thôi, uống đi. Uống đi nào, mấy khi cậu về...".
Theo hai anh "bỏ làng", xuôi Hà Nội, đánh vật với cái mác ngoại tỉnh, học đủ thứ cốt để không thất nghiệp, cốt để mở mày mở mặt cho thiên hạ biết tay, cốt để bố mẹ không phải làm gì lúc tuổi già mà vẫn đủ ăn đủ tiêu, trong nhà lúc nào cũng có dăm trăm bạc phòng khi hiếu hỉ không phải lo chạy quanh như nhà người la. Lúc chưa có cứ tưởng chỉ cần như thế là đủ, là mãn nguyện, nhưng có rồi lại thấy còn thiếu bao nhiêu thứ. Thế là cứ lao đầu vào mọi chỗ, không bỏ qua một cơ hội nào. Không phải là tham lam, dứt khoát không phải là tham lam. Mà đã là một cái gì đó như thói quen, như ngồi lên một cái xe là phải lao đi, quen rồi, dừng lại không chịu được. Nhưng cũng không ngờ đến lúc lao đi mãi rồi, đến lúc không coi cái gì ra gì nữa, không còn sợ ai nữa, không còn phải lo thiếu thốn bất cứ thứ gì nữa, thì cũng là lúc thấy chính mình thừa ra. Có ai như mình không, hai ông anh mình có như mình không, không biết nữa. Cái thằng đàn ông mà cũng có lúc buồn viển vông, mơ hồ như đàn bà thì thật chẳng ra gì. Biết thế, nên cố giấu. Chỉ có mẹ là nhận ra. Lúc nào đột nhiên về nhà, dù là nửa đêm, mẹ cũng không hỏi tại sao lại về, tại sao lại đêm hôm mò mẫm thế. Sự im lặng của mẹ thật vô cùng dễ chịu. Trên đời này có hai người làm nó luôn cảm thấy dễ chịu khi ở bên cạnh, đó là mẹ và thằng con trai nửa tuổi. Cái thằng bé khôn sớm đến lạ lùng. Nửa đêm, nghe tiếng xe nổ ình ình của bố là thế nào cũng dứt vú mẹ chồm dậy mở to mắt trong màn nhìn ra, miệng cười toe toét. Hai người, một hiểu tất cả và một không hiểu gì cả đã làm thằng đàn ông gần ba chục buổi đầu cân bằng những lúc chống chếnh nhất, những lúc đã nghĩ đến một lối thoát nhẹ nhàng... Nếu không có hai con người ấy thì không biết đã ra sao rồi.
Hầu như không ngày nào ăn được hai bữa cơm ở nhà. Khuya khoắt lắm mới xong việc để về. Vợ như ô-sin, dỗ con ngủ rồi gà gật ngay cạnh cửa, chờ tiếng xe về để mở cổng, để đẩy giúp vào trong nhà. Tự dưng khó chịu kinh khủng, nhìn thấy mâm cơm đậy lồng bàn không thể không cáu um lên. "Đã bảo ăn thì cứ ăn, phần làm gì. Về được thì người ta khắc về đúng bữa, sao lại cứ phải chờ?". "Ăn một mình em không nuốt được". "Trời ạ, nhàn cư sinh đỏng đảnh đấy à? Hay tại xem phim Hàn Quốc nhiều quá mà sinh hội chứng lãng mạn...". "Ô kìa, sao tự dưng chỉ có chuyện ấy mà anh cũng cáu với em? Anh...". Khóc. Dấm dứt. Nức nở. Sụt sịt. "Trời ôi, nhà cửa thế này thì tôi về làm gì, cô có biết cả ngày ngoài kia tôi mệt mỏi thế nào không? Có im ngay đi không. Tôi đã vung tay trước mặt cô bao giờ chưa, thử xem cả xóm này có thằng chồng nào tử tế hơn tôi không? Tại sao cô không biết làm cái gì đó để mỗi lúc về nhà tôi không thấy tức ngực khó thở thế này? Tôi có bắt cô làm gì nặng nhọc đâu, có bắt cô phải tằn tiện chắt bóp đâu, mà sao có
mỗi cái việc ấy cũng không làm được!". "Nhưng việc ấy cụ thể là việc gì, anh phải bảo thì em mới biết chứ...". "Nếu biết là việc gì thì tôi tự làm cho xong. Tôi là chồng chứ không phải là vợ. Trời sinh ra đàn bà các cô để làm vợ, thế thì cô phải biết là mình cần làm gì trong gia đình chứ...". "Em phát điên lên mất thôi anh ơi, em xin...". "Không phải chờ cô. Tôi đã điên rồi đây này...".
Cố ghìm để không to tiếng mà thằng cu con đã ngủ vẫn nhổm dậy trong màn, đầu ngọ ngoạy, miệng ô a không rõ muốn nói cái gì. Tự dưng chùng người xuống: Rệu rã như một cỗ máy đã hết thời hạn sử dụng. Hình như mình cần một sự bảo trì bảo dưỡng nào đấy, nếu không thì chỉ ngay ngày mai thôi sẽ rữa nát ra. Khốn khổ, sự rữa nát bên ngoài còn nhìn thấy được, có khi chỉ thay một cái sơ mi mới là đủ phục hồi. Nhưng sự rữa nát bên trong thì thật kinh khủng. Không nhìn thấy, chỉ cảm thấy. Máu chảy chậm rù rì trong huyết quản, thở mà như không thở, mọi ý nghĩ chìm nghỉm trong một cái vũng lầy đặc sền sệt. Cũng có thể nó chưa đến nỗi rữa nát, cũng có thể nó mới chỉ là dấu hiệu cho một căn bệnh tâm thần nào đó. Sợ, rồi lại không sợ. Lại sợ. Căn nhà thành ra trống huếch trống hoác, thành ra lạnh lẽo, xa lạ từ bao giờ thế không biết. Ôm riết lấy con. Thằng bé theo thói quen rúc vào ngực bố tìm bầu sữa. Cọ mớ râu lởm chởm vào má nó. Thật không thể hình dung được, cái thằng người râu ria cóc cáy như mình mà cũng đã từng bé tí thơm tho, ấm mềm thế này. Con người mà cứ được bé mãi thì sung sướng quá. Nào, ngủ đi con. Ngủ đi. Đêm nay con ngủ với bố nhé. Ngủ đi là hết đói thôi con ạ. Ngày xưa bố cũng thế đấy. Lúc nào đói không chịu nổi nữa thì đi ngủ. Rúc đầu vào đống rơm mà ngủ. Thế mà giờ lắm người lại phải ngủ để quên no đi đấy con ạ. No quá cũng khó chịu không kém gì đói quá, có khi còn khó chịu hơn.
Sáng, mở mắt ra, vợ đã lấy kem đánh răng vào bàn chải, khăn mặt ngâm trong nước nóng, bày sẵn trên bàn ăn ba món để thích chọn thứ nào thì chọn. Xong bằng ấy việc thì ngồi vào một góc, lặng lẽ chờ, mặt như lá chuối hơ lửa, đợi chồng ăn xong để lấy tăm, lấy nước, rồi vào phòng chuẩn bị quần áo, giày, tất. Vậy mà mỗi buổi sáng phải khoác vào người mớ quần áo thơm tho phẳng phiu lại thấy mất tự tin đến nỗi ra khỏi nhà là phải ghé ngay vào một quán nước chè nào đó vệ đường, đứng lên ngồi xuống cho nó nhàu nhĩ đi một tí. ấy vậy mà không sao mở miệng nói được một câu, đại loại như, thằng tôi sao thì cứ để vậy, rơm rác quen rồi, đừng có cố gột rửa tôi như thế. Khốn khổ, đến mấy cái thứ mặc trên người cũng biết làm thế nào để hành mình, vợ chả tội tình gì thì biết trút cục khó chịu vào đâu?
Cơ quan đông nghìn nghịt. Con gái trẻ lượn ra lượn vào như bươm bướm. Không hiểu sao cơ quan này lại lấy lắm con gái thế không biết. Sểnh ra một cái là thấy thì thụt lôi trong ngăn kéo ra nào son nào phấn, hí húi bôi quệt, cứ như không có son phấn thì thành ngợm cả. Hầu như không ngày nào thống kê được mình đã làm những việc gì từ sáng, đã gặp những ai, đã nói những câu dài ngắn thế nào. Chỉ biết đến tối mịt, có khi gần nửa đêm vẫn đang ở một chỗ nào đó hoàn toàn không phải của mình. Đã thành một cỗ máy rồi, đã không làm chủ được mình nữa rồi, đã phải vận hành hết công suất rồi. Không ngày nào không ước ao sóng điện thoại tự dưng mất tiệt đi, đừng có rung bần bật trong túi quần nữa. Điện thoại đã đổi đến lần thứ mười mấy, đã là loại bé tí như đồ chơi trẻ con rồi, mà cái sự rung của nó trong túi quần vẫn không giảm bớt khó chịu đi tí nào. Mỗi lần thấy buồn buồn ở hông là một lần giật thồn thột, lại muốn ngừng cả thở. Càng ngày càng mất lịch sự, càng vắn tắt, càng tiết kiệm công nói công nghe.
Cái cục bực bội không lúc nào chịu rời đi cho, hễ cứ về đến nhà là nó lại cồm cộm lên, ứ đến cổ. Vợ ti tỉ khóc. Tối nào cũng ti tỉ khóc. Mà cái giống, khóc thì khóc cho thoả, khóc thoải mái một lần cho hết cơn đi còn dễ chịu. Đằng này lại cứ giấu giấu giếm giếm, mím môi mím lợi, lại cứ chạy ra chạy vào toa lét, mặt mũi thì đỏ tía cả lên. Người ta làm gì mình đâu mà phải khóc. Nhà cao cửa rộng không thiếu thứ gì, lại ở vị trí mà bao nhiêu người nhiều tiền thừa của bây giờ muốn có. Hoa ư, cây cảnh ư, chim chóc ư, chó mèo õng ẹo ư... đủ hết. Vậy mà lại rũ người ra như bông hoa héo là làm sao? "Cả ngày chỉ có mỗi việc trông con, dạy con, cô mà để thằng bé ảnh hưởng đến thần kinh thì liệu hồn. Hay tại tôi hay cáu gắt, tôi không biết ngọt ngào như trong phim, trong tiểu thuyết hở?". "Anh... sao anh không cố hiểu em, không cố thông cảm với em?". "Trời ôi, tôi tối mắt tối mũi ngoài đường từ sáng sớm đến đêm khuya thế này, rúc về nhà được mấy tiếng đồng hồ mà lại còn phải làm cái công việc hiểu cô hay sao? Cô làm vợ kiểu gì thế? Vợ gì mà không biết thương chồng, xót chồng hở? Mà cô thì có gì khó hiểu đâu cơ chứ. Cái đầu cô lúc nào cũng sạch sẽ thơm tho thế kia thì đựng được thứ gì trong ấy? Tôi đã không yêu cầu cô phải lo nghĩ việc lớn việc bé gì, cô chỉ có mỗi một trọng trách là ngồi đấy, trông con, đợi tôi về rồi mở cổng. Hay là ngày mai tôi thuê người chuyên mở cổng, đóng cổng thay cô nữa? Này, cô thật là có vấn đề mất rồi...". "Nhưng... em thực ra là cái gì trong nhà này anh có khái niệm được không? Có không?". Và lần này thì khóc to, khóc thật sự, khóc không giấu giếm nữa. Khóc đến nghẹn thở, mặt mũi đỏ tía, tóc xù cả ra. Mở toang tất cả cửa kính cửa chớp, cho gió lùa vào khắp nhà, bật tất cả quạt lên nữa. Sao vẫn nặng nề bức bối thế này. Cô ơi, tôi quỳ xuống lạy cô đây này. Cô làm gì tôi thì làm ngay đi, giết tôi cũng được, nhưng đừng bắt tôi phải làm cái mà tôi không biết nó là cái gì. Cô cũng không biết nó là cái gì cơ mà...".
* * *
Mấy bà mẹ chạy khắp làng ời ời gọi trẻ con về đi ngủ, đã có người dóng dả như hát hay: "Đâu có cái loại người nào lại thế chứ, nửa đêm nửa hôm rồi còn tha con người ta đi, đúng là cái đồ dở hơi, rửng mỡ".
Ô hay, mình làm gì mà để người ta chửi thế. Về thôi nào, chúng mày lên xe hết đi, bám cho chắc vào. Bây giờ mong cái xe nổ bé tiếng đi một tí thì nó lại kêu to hơn, như trêu tức, giữa đêm thanh vắng. Bầy chó lại được một mẻ sủa inh ỏi.
Bên cánh cổng đang mở sẵn, mẹ đứng nép vào một bên, chờ cái xe to như xe bò phi vào sân rồi cài then. Nó đã mua cái xe này chỉ vì muốn có tiếng nổ thật to, có lúc còn tháo cả ống xả ra. Phố xá càng đông người càng thấy mình cô quạnh, mình thừa ra, nên cứ phải có cái gì thật náo động mới yên tâm được. Vậy mà giờ này, vấp phải sự lặng lẽ của mẹ lại muốn ngay lập tức vứt quách cái xe đi... "Mẹ à, con nhớ thằng Bờm quá. Có khi con không ngủ nhà nữa đâu, con về với nó đây". Mẹ lại ra mở cổng, với tay xoa nhẹ lên vai, nắm nắm mấy cái. Mắt mẹ ầng ậng nước trong bóng tối lờ mờ dưới tán cây hồng xiêm mười mấy năm tuổi... Giờ mới thấy, đôi mắt thằng Bờm mỗi lúc mở to trong màn nhìn ra, giống mắt mẹ vô cùng.
Trăng vẫn đổ ánh sáng rời rợi xuống dòng sông vàng. Tiếng ông Vạn hát ồi ồi vọng vào làng. Đúng là ông Vạn sướng. Sướng thật.