Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Con dê bốn mắt

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 494 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Con dê bốn mắt
Đỗ Bích Thúy

Hôm nay nhà Thèn Kháy Chỉ ở Chín Chải cưới vợ cho con trai. Ai chà, cưới đứa đầu tiên có khác, mổ hẳn hai con bò, mâm bát linh đình từ ba ngày trước, người ra người vào nườm nượp.
Buổi sáng, Thèn Kháy Chỉ giao cho thằng con đang học lớp bảy trường nội trú huyện mang giấy bút ra ngồi đằng sau cái bàn gỗ kê ngoài cổng, còn thằng em nó thì cầm một cái túi trước là túi đựng cám con cò mua về nuôi lợn cưới đứng bên cạnh, miệng túi mở sẵn ra. Thế là thành lệ rồi. Trước, đi đám cưới, người làng có gì thì mang nấy, chục con gà con nhốt trong lồng làm giống cũng được, một cái chảo cũng được, thậm chí nhà nghèo quá thì vót cho mấy cái cặp bếp, mấy cái muôi, thìa gỗ. Bây giờ thì theo nhau, đi mừng đám cưới bằng tiền. Nhiều ít, giàu nghèo gì cũng đưa tiền hết.
Thằng Chính nhận tiền, đếm, vừa ghi vào giấy vừa nói to: Ông Dùng ở Chín Chải: năm nghìn; bà Phường ở Sính Lủng: mười nghìn... Ghi xong, đưa tiền cho thằng em, thằng em bỏ luôn vào túi cám con cò. Hai anh em chúng nó ngồi đếm đếm ghi ghi được một lúc thì mặt trời lên cao, nắng rọi xuống bỏng cả mặt. Người thì mỗi lúc một đông, thỉnh thoảng thằng Chính dừng lại, vặn vẹo cổ tay cho đỡ mỏi. Anh Dí ở Chín Chải: Hai... hai... hai trăm nghìn đồng. Thằng Chính lắp bắp rồi hô to. Đám người đứng sau chờ đến lượt ồ lên, rồi một người, hai người mở miệng: "Ai chà, con nhà giàu mà". "Phải rồi, hai trăm nghìn chứ hơn nữa cũng chẳng là gì đâu". "Nhưng làm thế chẳng phải đập vào mặt bằng này người già hay sao?". "Ừm, khoe đấy. Giàu mà không lấy được vợ thì giàu làm gì?". Thằng Dí, phải, đúng là thằng Dí con nhà Dấn ở xóm dưới, nghe đến đấy, tức quá lườm người nói một cái rồi nghênh ngang đi vào trong nhà.
Người vừa nói là Chảo A Chai người Xà Tủng Chứ.
Thằng Dí ấy, đúng là con nhà giàu. Từ bé đến lớn mỗi bữa nó ăn một bát thịt đầy, cơm chỉ dính mấy hạt dưới đáy bát. Bố nó, Thèn Văn Dấn bảo, tao khổ mãi rồi, giờ phải để chúng mày sướng. Cứ ăn đi, ăn được bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Nhưng không biết tại sao, ăn nhiều thế nhưng thằng Dí vẫn không lớn được. Mười sáu tuổi mà chỉ bằng đứa mười ba, chân tay, mặt mũi trắng như cỏ mọc trong nhà.
Thèn Văn Dấn, một buổi sáng ngồi ăn thịt chó dưới phố huyện thấy mấy thằng trai phóng xe máy vèo vèo, phụt khói vào mặt mình, bèn đặt chén rượu đánh cộp xuống bàn, đưa tay lên mồm chùi chùi, lẩm bẩm: "Phải rồi, phải rồi". Nói xong, đứng dậy trả tiền rồi lên ngựa đi một mạch về Chín Chải. Lại từ Chín Chải ôm một bọc tiền quay xuống phố huyện. Năm nay thảo quả được mùa, mấy cọc tiền cao lừng lững xếp đầy trong tủ lấy đi chục triệu chỉ vơi một ít. Dấn lững thững cưỡi ngựa đến thẳng hàng xe máy, chỉ vào một chiếc màu đỏ. Ai chà, đúng là nhà giàu đi mua dê, cái xe giá sáu triệu đồng, Dấn trả luôn, không nói một câu. Chủ hàng xe máy cười tít mắt, sai thằng con: "Đi đổ đầy bình xăng rồi đưa bác về tận nhà, nghe chưa". Thế là Dấn buộc ngựa vào cái cọc sắt trước cửa hàng xe máy, leo lên sau xe, phóng về Chín Chải. Đấy là cái xe máy đầu tiên xuất hiện ở Chín Chải.
Dân Chín Chải vứt cày vứt bừa nháo nhào chạy đến xem cái xe mới còn bóng lừ. Mấy ông già đưa tay sờ, miệng xuýt xoa. Dấn nói to: "Cái xe này mình mua cho con trai đấy, đứa gái nào muốn làm vợ nó thì ngồi ở chỗ này". Nói xong, đưa tay vỗ vỗ lên yên xe, cười kha kha.
Thế là từ đấy, phiên chợ nào thằng Dí cũng dắt xe từ gầm sàn ra, nổ máy ầm ĩ rồi phóng vèo vèo ra đường nhựa. Nó bé người quá, ngồi trên yên xe mà đầu còn thấp hơn cái gương. Nhưng đằng sau nó lúc nào cũng có một đứa gái, mỗi phiên một đứa, đứa nào cũng mặt đỏ nhừ, cười tít mắt.
Qua sáu phiên chợ thì vợ chồng Dấn phải đi tìm bà mối, nhờ hỏi vợ cho con trai.
Bà mối đến nhà Thào Chá Cáy. Hai vợ chồng Cáy đang ngồi tẽ ngô giống. Thấy bà mối vào, lẳng lặng đứng dậy, không nói không rằng. Bà mối ậm ừ lấy giọng:
- Ông Cáy bà Cáy à, nhà ông Dấn túng bấn quá không biết nhờ vả đâu, nay nhờ tôi đến nói với ông chia cho ít thóc giống.
Ông Cáy:
- Thóc thì có đấy nhưng không được tốt lắm, gieo nó xuống còn phải mất công chăm bón nhiều, không dám chia cho nhà ấy đâu.
Bà mối:
- Hạt giống chưa tốt nhưng có mảnh đất tốt, có tấm lòng rộng rãi thì không sợ gì mất mùa ông ạ.
Bà Cáy:
- Không dám đâu, không dám đâu. Nhờ bà về nói hộ, núi ấy cao quá, nhà này không trèo được.
Bà mối cầm chén nước, uống ực:
- Thế là ông bà chê rồi, tôi về vậy. Nhưng... tại sao chứ, chê thằng Dí bé quá hay là...
Bà Cáy đứng dậy, đi ra góc nhà, vớ con dao dài, ngồi xuống thái dọc mùng xoèn xoẹt. Ông Cáy hút mấy điếu thuốc lào, thấy bà mối vẫn chưa chịu đứng dậy, bèn chép miệng:
- Nói cũng khó, không nói cũng khó. Thế này, tháng trước con Kía nhà này bị ốm, tôi phải đi mời ông then về, ông then bảo nó phải lấy một thằng trai dắt theo con dê trắng...
- Dê trắng thì khó gì - Bà mối hấp tấp - Mấy con cũng được, dễ thôi mà...
- Không phải dê trắng bình thường, phải là dê trắng có bốn con mắt kia.
- Ầy, làm gì có dê bốn mắt?
- Là hai con mắt giả mọc bên trên này này, màu đen. Ông Cáy đưa ngón tay trỏ to tướng chỉ lên trên lông mày. Bà mối gật gật đầu, uống thêm ngụm nước rồi ra về.
Chuyện nhà Cáy từ chối bà mối không gả con gái đã ngay lập tức ầm ĩ lên ở Chín Chải. Thằng Dí thì phát ốm, cái xe máy đỏ chót dựng ở đầu hồi, gà nhảy lên cục tác, phân vãi đầy trên yên cũng mặc kệ. Tìm đâu ra dê bốn mắt bây giờ? Vợ chồng Thèn Văn Dấn nhìn thằng con trai cả ốm lăn lóc cũng lừ đừ theo. Nếu mà có con dê ấy thì bao nhiêu tiền cũng mua, không tiếc gì. Chỉ cần nó khỏi ốm, nó tươi tươi cái mặt lên, nó lại phóng xe vù vù là được. Nhưng thằng Dí mỗi lúc một rũ ra như tàu chuối héo.
Trong khi đó thì con dê bốn mắt lại đang được buộc ở cổng nhà Cáy. Con dê ấy của thằng Chảo A Chay người Xà Tủng Chứ. Chảo A Chay biết Kía từ lâu, mê lắm, phiên chợ nào cũng lẽo đẽo dắt ngựa theo sau, nhưng từ khi Kía ngồi sau cái xe đỏ chót của Dí, mặt đỏ dừ, mắt nhắm tít thì Chay chịu, không sao đuổi kịp. Giờ thì... hà hà, Chay biết chuyện nhà Cáy, dắt ngay con dê trong chuồng nhà mình ra, múc gần hết nước trong bể đá tắm cho nó trắng tinh ra. Riêng hai con mắt giả thì lấy than tô thêm cho đen óng. Xong, Chay dắt con dê nghênh ngang trên đường núi, xuống Chín Chải. Không cần bà mối, không cần bố mẹ, bố mẹ Chay chết hết rồi, Chay ở với chú thím từ lâu, thế là Chay tự đi hỏi vợ.
Nhưng Chay không được đón ở nhà Kía. Bố mẹ Kía đồng ý, nhưng Kía thì cầm một con dao nhọn hoắt, sáng loáng, ngồi lì trong buồng, nói vọng ra:
- Bố mẹ mà cho thằng ấy vào nhà là con đâm dao vào bụng, chết luôn.
Mẹ Kía run bần bật, bố Kía thì quát:
- Mày đâm tao trước rồi muốn làm gì thì làm.
Nói xong, xô cửa xông vào. Nhưng Kía đang vén áo lên, chĩa mũi dao thẳng vào bụng:
- Bố vào là con đâm ngay.
Ông Cáy sợ quá, lại quay ra.
Kía không thích Chay. Đúng là Kía không thích Chay. Ngồi trong buồng từ sáng đến tối, không ăn không uống mấy ngày liền, Kía chỉ nhìn ra lỗ cửa mà nghĩ đến Dí thôi. Không phải vì Dí có cái xe máy đâu. Kía tự biết mình, không phải Kía thích Dí vì Dí có cái xe máy, hay lúc nào trong cạp quần cũng có một cục tiền dày cộp, mà vì cái gì cũng không biết nữa. Cái mặt Dí trắng quá, chân tay cũng trắng, người già bảo loại ấy không biết làm, chỉ biết ăn. Mặc kệ, Kía vẫn thích thì làm thế nào. Dí có một cái đài thu băng bé tí, phiên chợ nào Kía cũng hát cho Dí thu vào đấy, Dí bảo, đêm về không nghe được Kía hát thì Dí không ngủ được. Kía hát:
Mây nắng bảo anh đi, mây mưa bảo anh về/Em đưa anh đến con đường rẽ, con đường rẽ thụt sâu/Mây nắng bảo anh đi, mây mưa bảo em quay lại/Anh buông tay em, tay như rụng/Như lá tre, lá gỗ lả tả rụng/Anh bỏ tay em, tay như rơi/Như lá tre, lá gỗ lả tả rơi...
Dí đã cầm tay Kía rồi, làm sao Kía buông ra được nữa.
Một đêm, Kía đợi bố mẹ ngủ rồi lẻn dậy, tìm đến nhà Dí. Dí đang nằm bẹp trong buồng, nghe tiếng rít lên lanh lảnh, ngay lập tức như chẳng ốm đau gì nữa, vùng ngay dậy. Là tiếng gọi của Kía đấy, không lẫn đi đâu được, chỉ có Kía mới biết nhét hai ngón tay vào mồm mà rít lên như vậy.
Dưới ánh trăng lờ mờ, hai đứa nắm chặt tay nhau. Kía khóc ròng ròng, Kía đã mệt quá rồi, Dí cũng hết cả sức, cứ thế này thì chết mất. Kía hỏi:
- Nhà tìm được dê chưa?
- Chưa, bố mẹ nhờ khắp nơi rồi, vẫn chưa tìm thấy.
- Thế mà lại có một con buộc ở cửa nhà mình.
Dí thảng thốt:
- Của ai? Của ai thế? Ai đã đến hỏi Kía làm vợ thế? Bố mẹ Kía nhận lời rồi à?
Kía lắc đầu:
- Bố mẹ mà nhận lời thì Kía chết luôn.
- Không được đâu. Chờ mình, bố mẹ mình thế nào cũng tìm được.
- Nhưng mình sợ lắm.
- Sợ gì?
- Sợ tìm không thấy, lại đi thích người khác.
- Không, Dí chỉ thích Kía thôi. Kía có chờ Dí không?
- Có chứ.
- Kía ơi, con dê ấy... của ai?
- Của thằng A Chai ở Xà Tủng Chứ.
Thế là Kía khỏi ốm. Biết Kía thật bụng thương mình, chờ mình thì gì mà không khỏi ốm. Thế nên hôm đám cưới nhà Thèn Kháy Chỉ Dí mới đi được chứ. Và Dí đã gặp thằng Chay, cái thằng có con dê bốn mắt.
Chẳng biết thế nào nhà chủ lại xếp cho Dí và Chay ngồi một mâm, một mâm toàn thanh niên. Uống rượu, ngà ngà say, Chay xích lại gần Dí:
- Đã tìm được dê chưa?
- Hỏi làm gì. Dí xẵng giọng. Chay cười hề hề:
- Không tìm được đâu, đi hết dãy Hoàng Liên cũng không có con thứ hai đâu. Hỏi vợ khác đi thôi.
- Còn lâu nhé. Cứ chờ đấy.
- Mình nói thật đấy mà, không lấy được nó đâu. Nhường cho mình là hay nhất.
Dí chồm dậy, định tát Chay, nhưng Chay tóm được, vặn cho một cái, Dí kêu oai oái.
Trên đường về, Dí đi trước, đứng đợi Chay dưới gốc một cây dẻ, chìa ra trước mặt Chay một cục tiền dày cộp:
- Bán cho tao.
Chay thủng thẳng:
- Bán gì?
- Con dê, con dê bốn mắt của mày.
- Không bán đâu.
- Chê ít à?
- Không chê, cũng không bán. Phải để hỏi vợ chứ.
- Nhưng nó không thích mày.
- Lâu lâu khắc thích. Chờ mày lâu quá nó khắc phải thích tao.
Chay nghênh ngang bỏ đi, mặc Dí đứng nghệt dưới gốc cây dẻ.
Mùa hè qua, mùa thu qua, mùa đông năm nay đến sớm, cây cỏ chết khô, rau trong vườn các nhà cũng không còn xanh được nữa. Mùa này là mùa gia súc dễ ốm vì đói, mà đã ốm thì rất dễ chết vì bệnh tật. Đàn dê nhà Chay đã phải bán gần hết cho mấy quán thắng cố vì chú thím sợ chúng chết. Chỉ còn mỗi con dê trắng của Chay. Chay dắt con dê trắng đi tìm cỏ. Phải ăn cỏ khô lâu ngày, lông nó đã dựng cả lên, cái bụng chửa sắp đẻ mà cũng hóp lại. Gió từ dưới sâu thốc hun hút, sương mù giăng giăng khắp nơi, con dê vẫn cặm cụi nhặt từng lá cỏ còn sót lại. Sờ bụng con dê thấy đã căng căng, Chay định về thì Dí đến.
- Bây giờ mình mua thì có bán không?
Chay nhìn Dí cười khẩy:
- Đợi nó đẻ con rồi tao bán cho, chịu khó nuôi hai ba năm là được con dê to thôi mà.
Dí bặm môi, nhìn Chay chằm chằm.
- Sao thế, lại định đánh nhau à? Đồ trẻ con, trẻ con mà cũng đòi lấy vợ. Năm nay mày mười hai, hay mười ba. Hở ?!
Chay cúi xuống, vuốt vuốt lưng con dê, cười ha ha.
Con dê đang đứng chênh vênh trên mép vực, chẳng để ý gì, vẫn cặm cụi nhặt cỏ. Nó sắp đẻ rồi, nếu không đủ ăn thì nguy cơ sẽ không đẻ được. Đột ngột, tiếng cười của Chay tắt lịm. Dí đã xông đến như một con trâu điên nhưng không phải xông vào Chay mà là xông vào con dê, Dí đẩy mạnh, con dê chới với rồi lăn tòm xuống vực.
Chay ngồi khóc hu hu ở mép vực. Còn Dí lững thững quay về. Dí không nói cho Chay biết, Dí vừa đến nhà Kía. Lâu lâu không thấy Kía đến chỗ hẹn, thấy nhớ quá, Dí phải đi tìm. Nhà Kía hôm nay có khách, khách không ở Chín Chải cũng không ở Xà Tủng Chứ. Có một con ngựa tía cao to lừng lững, lông óng mượt buộc ở gốc cây lê, phải là một người trai rất cao lớn, bắp chân, bắp tay cuồn cuộn mới cưỡi nổi con ngựa ấy. Không biết người ấy có mang đến con dê bốn mắt nào không nhưng tận mắt Dí đã thấy Kía mặt đỏ nhừ, mắt cười tít với người ta. Có con dê hay không có con dê này thì cũng thế thôi.
Nhưng Chay thì không biết, nên vẫn ngồi khóc trên mép vực.



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 208

Return to top