Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Triết Học, Kinh Tế >> Đạo Học : Nguồn Hạnh Phúc

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 6243 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Đạo Học : Nguồn Hạnh Phúc
Nguyễn Ngọc Hiếu

Chương 3

Trang Tử gọi Đạo sĩ là Chân Nhân (Người chân thật). Ta hãy xem ông viết về Chân Nhân trong thiên Đại Tông Sư trong Trang Tử Nam Hoa Kinh.
“ Thế nào là bậc Chân nhân ?
Bậc Chân nhân ngày xưa không nghịch với ai, dù là thiểu số, không cầu công, không cầu danh. Người như vậy, mất không tiếc, được không mừng ; lên cao không biết sợ, xuống nước không bị ướt, vào lửa không bị cháy là vì sự biết của họ đã lên đến Đạo rồi !
*
Bậc Chân nhân ngày xưa ngủ không mộng mị, thức chẳng lo âu, ăn không cầu ngon, thở hít thì thâm sâu. Hơi thở của Chân nhân thì thấm đến gót chân, còn hơi thở người thường thì dừng nơi cổ họng; kẻ muốn khuất phục người (ham biện bác) thì lời nghẹn nơi cuống họng. Lòng tham dục mà càng sâu thì cái máy trời nơi ta càng nông.

*
Bậc Chân nhân ngày xưa không ưa sống không ghét chết ; lúc ra không hăm hở ; lúc vào không do dự ; thản nhiên mà đến, thản nhiên mà đi ; không quên lúc bắt đầu, không cầu lúc sau chót. Nhận lãnh thì vui với đó, mà quên đi khi phải trở về. Đó gọi là không lấy cái tình người mà chống với lẽ Đạo nơi mình, không lấy cái “người” nơi mình mà làm trở ngại lẽ “trời” nơi mình. Thế gọi là Chân nhân. Nhờ được thế mà lòng họ luôn luôn vững vàng, cử chỉ điềm đạm, gương mặt bình thản ; lạnh như mùa thu , mà ấm như mùa xuân : mừng giận luân chuyển như bốn mùa, nên cùng vạn vật hợp nhau, không biết đến đâu là cùng. Bởi vậy, bậc Chân nhân dụng binh, làm mất nước mà không làm mất lòng người ; làm lợi và ban bố ân trạch đến muôn đời mà không phải vì yêu người.
Nên chi, kẻ nào còn vui thích trong việc cầu thân và thông cảm với người đời, kẻ ấy chẳng phải là bậc Thánh ; kẻ nào còn người thân, chẳng phải là bậc Nhân ; kẻ nào còn tính toán đến thời cơ, chẳng phải là bậc Hiền ; kẻ nào không thông suốt được điều lợi hại, chẳng phải là người quân tử ; kẻ nào làm theo danh mà bỏ mất mình chẳng phải là kẻ sĩ ; kẻ nào làm mất mạng, không rõ cái lẽ chân thật nơi mình, cũng chẳng phải là kẻ để sai khiến được người vậy. ...

*
Bậc Chân nhân ngày xưa , thấy như người có nghĩa mà không bè đảng ; thấy như không đủ mà không thọ lãnh bên ngoài. Họ khuôn thước mà không cứng rắn, lòng họ thì rộng rãi hư không mà không thích việc phù hoa. Họ hớn hở như có vẻ vui sướng, nhưng bình tĩnh. Hành động thì tự nhiên, gây được lòng cảm mến bằng sắc mặt hiền hòa, và làm cho người người kính nể vì cái đức của họ. Bề ngoài thì có vẻ hòa nhã với mọi người, mà kỳ thực , lòng họ cách xa với thế nhân. Họ thích sống một mình, không nói gì với ai, như quên cả lời nói. Hình phạt theo họ là cần, nhưng họ áp dụng hình phạt một cách khoan hậu. Lễ, theo họ là phụ thuộc, chỉ dùng để đừng đụng chạm với đời thôi. Họ thuận theo thời, theo việc. Đối với họ, ưa ghét là một, nghĩa là họ không yêu mà cũng không ghét ai ; họ xem cả thảy là một, như Trời, nhưng cũng phân biệt những gì phân chia giả tạo như Người. Và như vậy Trời và Người (nơi họ) không nghịch nhau. Bởi vậy mới gọi họ là Chân nhân. “
Điểm khác biệt của Đạo sĩ và người thường là Đạo sĩ thấy mình là Đạo, là cái hỗn độn âm dương, không có gì phân biệt, không có bản tính gì cả. Cái không bản tính này dĩ nhiên có mặt không, mặt không là mặt trái của mặt có, cho nên Đạo sĩ thấy mình là cái không. Đây là điểm suy ra tất cả. Biết một suy ra biết tất cả là đây. So với người thường thì người thường cho là, hy vọng là mình là cái tốt, hay có mặc cảm tự ti, mặc cảm tội lỗi mình là cái xấu. Đây chính là sự khác biệt của Đạo sĩ đối với tất cả. Vì Đạo sĩ thấy mình là cái không nên không yêu mình, nhưng cũng không ghét bản thân. Vì thấy ai cũng là Đạo, là cái hỗn độn tốt xấu nên Đạo sĩ không ghét ai, dù là thiểu số. Vì làm tốt là làm xấu nên Đạo sĩ không thèm cầu lợi, danh. Đại khái cũng làm việc, kiếm tiền để sống, nhưng làm việc om xòm để được nổi tiếng thì Đạo sĩ không thèm. Tham nhũng, ăn cắp, lãng phí, v.v... những tội lỗi ấy Đạo sĩ lấy làm xa lạ. Đạo sĩ không phải là cái tốt cho nên lấy làm xa lạ khi người khác cung phụng mình theo kiểu tham nhũng. Cũng vì thấy tiền là Đạo, là cái hỗn độn tốt xấu nên Đạo sĩ không yêu mà cũng không ghét tiền. Không yêu tiền thì không thèm ăn cắp, ăn hối lộ gì cả mà là năng lực làm tới đâu thì hưởng tới đó, không bao giờ thèm báo cáo láo ăn chênh lệch. Vì thế Đạo sĩ là hạng thật thà. Nhân vì thấy tiền không phải là cái tốt, không yêu tiền cho nên “mất không tiếc, được không mừng”. Ở hoàn cảnh nào Đạo sĩ cũng ung dung, an nhiên, tự do, bình thản. Ví như đang đi trên thuyền giữa biển mênh mông mà thuyền lủng thì Đạo sĩ cũng không sợ chết. Chết thì thôi chứ không sợ. Có sống thì có chết , sống và chết là một. Đạo là cái hỗn độn giữa sống và chết, con người nào cũng mang sẵn mầm bệnh, cũng chứa sẵn cái chết bên trong, Đạo sĩ đã thấy trước, cho nên luôn bình thản. Vì thế mà Trang Tử viết “lên cao không biết sợ, xuống nước không bị ướt, vào lửa không bị cháy là vì sự biết của họ đã lên đến Đạo rồi ! “ Đạo sĩ vào nước thì cũng ướt, vào lửa thì cũng cháy như ai. Họ là những người bình thường, vẫn tuân theo các quy luật vật lý nhưng giá như đe dọa họ nhấn vào nước cho chết, đốt lửa cho chết thì họ không sợ. Bằng chứng cho việc này là Trang Tử nghèo túng quá phải đi vay lúa, cũng bị đói như ai, chứ không đến mức thần thánh vào lửa không cháy. Trang Tử là người bình thường, chứ không phải là “Nam Hoa Lão Tiên” như Đạo Giáo thần hóa.
Câu “ngủ không mộng mị, thức chẳng lo âu “ rất thật. Đạo sĩ không yêu mình ngay cả trong giấc mơ cho nên dù thấy ác mộng, như gặp thú dữ chẳng hạn thì cũng thản nhiên. Không yêu mình thì không sợ chết ngay cả trong tiềm thức. Không sợ chết thì không sợ cái dữ , cái ác, cho nên suốt đời không bao giờ gặp ác mộng. Thức chẳng lo âu vì cái xấu nào cũng là cái tốt hết, cái xấu nào cũng là cái không cả, chẳng việc gì phải đau lòng. Câu “thở hít thâm sâu” , có lẽ khi tọa vong, tương tự như thiền trong Phật Giáo, các Đạo sĩ cũng tập dưỡng sinh luôn chăng ? Như người viết thì không, ăn uống, hít thở như một người bình thường, chả có gì lạ cả. Khác người ở chỗ trong tâm trí thấy cái gì cũng là một mớ hỗn độn tốt xấu, lợi hại, vinh nhục, được mất, đúng sai, không phân biệt gì cả, không có bản tính gì cả, cho nên cũng gọi là thấy cái không. Vì lòng mình là không, rất thật, cho nên thấy mọi người xung quanh hăm hở với cái gì đó, yêu cái gì đó, yêu ai đó và do đó ghét một cái gì đó, ghét ai đó, ghét thì dẫn tới đau khổ thì thấy rằng người đó không thông thiên lý. Tỉ như là người Việt thì yêu nước Việt, được không ? Sai. Nước Việt không yêu được, nó là mớ hỗn độn, anh hùng lẫn với quái vật trong đó. Nước Việt chưa có thời nào là thời hoàng kim cả, làm sao mà yêu được? Bởi thế mà quốc gia và dân tộc, Đạo sĩ thủ tiêu từ lâu. Còn yêu dân Việt thì tất còn ghét, còn căm thù khi Việt Nam bị xâm phạm. Làm sao trong thế giới này Việt Nam tránh bị xâm hại nhỉ ? Hạng còn ghét người ấy sao gọi là Chân Nhân ? Vì thế Đạo sĩ coi mọi dân tộc như nhau, không ghét dân tộc nào, không yêu dân tộc nào. Chính vì không thân với dân tộc nào, cho nên không sơ với bất cứ dân tộc nào, coi ai cũng như mình. Coi ai cũng như mình thì đúng là “làm mất nước mà không mất lòng người”. Chẳng hạn, đối đầu với một cuộc xâm lược thì Đạo sĩ dù có người thân bị mất vì quân thù thì anh ta cũng không buồn, lòng dạ trống không, vì thế không căm thù kẻ thù. Không căm thù kẻ thù thì anh ta sẽ dùng ân báo oán để tác động tới đối phương. Không gây oán, lại ra ơn thì quân thù sẽ cảm phục mà rút đi, ví dụ như trong truyện “Tưới dưa cho người” trong tập Cổ Học Tinh Hoa:
“Tống Tựu làm quan Doãn một huyện gần biên thùy nước Lương, chỗ giáp với nước Sở.
Người đình trưởng ở biên thùy nước Lương cùng người đình trưởng biên thùy nước Sở, hai người cùng trồng dưa. Người bên nước Lương chăm làm và tưới luôn nên dưa tốt. Người bên nước Sở biếng làm và tưới ít nên dưa xấu.
Quan Doãn ở ngay huyện biên thùy nước Sở, thấy bên Lương tốt, bên mình xấu, lấy làm tức giận lắm.
Người đình trưởng nước Sở thấy dưa bên Lương tốt hơn dưa mình, cũng sinh ra ghen ghét, đêm đêm cứ lẻn sang cào vò dưa của bên Lương, đến nỗi dưa bên ấy phải héo chết mất một ít.
Sau người đình trưởng nước Lương biết mới nói với người trưởng trong huyện, ý cũng muốn cào vò dưa bên Sở.
Người đình trưởng lại đem việc ấy nói với Tống Tựu.
Tống Tựu bảo:
Ôi ! Sao lại thế ! Thế là chỉ gây thù oán, chuốc tai vạ thôi. Này ta bải ngươi, chớ sang cào dưa của người ta, cứ đêm lẻn sang tưới dưa cho người ta mà đừng để người ta biết.
Người đình trưởng cứ theo thế mà làm.
Sau dưa bên Sở mỗi ngày một tốt. Người đình trưởng nước Sở lấy làm lạ, xét mãi ra mới biết người đình trưởng nước Lương sang làm giúp.
Quan Doãn nước Sở biết rõ việc ấy, lấy làm vui lòng, tâu lên vua Sở.
Vua Sở biết chuyện, buồn và có ý thẹn, nghĩ rằng: Ngoài cái tội đi cào dưa của người ta, chắc còn có nhiều việc khác đáng tội với người ta nữa.
Vua bèn lấy nhiều của đưa sang tạ tội vua Lương và xin giao hiếu. Vua Lương cũng tin lòng. Thành ra hai nước giao hảo với nhau được lâu.
Cổ ngữ có câu: “Chuyển bại nhi vi công, nhân họa nhi vi phúc” nghĩa là xoay cái bại làm nên cái công, nhân cái họa mà làm cái phúc. Lão Tử có nói :”Báo oán dĩ đức”, nghĩa là đem đức để báo oán. Hai câu ấy tức như truyện này
Ôi ! Người ta đã làm không phải, sao ta lại bắt chước người ta !”
Nhưng Đạo sĩ làm ơn như vậy không phải vì yêu người, khác Nho sĩ luôn “Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”. Lòng dạ Đạo sĩ luôn trống không. Trang Tử mô tả tâm trạng đó một cách tuyệt dịu trong truyện Chiếc thuyền đụng chiếc đò:
“ Một chiếc đò sang sông. Có chiếc thuyền không có người, đâu trôi đến, đâm phải. Người lái đò tuy hẹp bụng đến đâu cũng không lấy làm giận. Giả sử trên thuyền có người ngồi, thì người lái đò tất phùng mang, trợn mắt, chu chéo, một lần không nghe tiếng, tất chu chéo đến hai lần, hai lần không nghe tiếng, tất chu chéo đến ba bốn lần, rồi đến buông lời chửi rủa thậm tệ nữa.
Một việc xảy ra cũng giống nhau, mà như lúc trước thì không giận, như lúc sau lại giận là tại làm sao ?
Tại lúc trước chiếc thuyền không có người mà lúc sau chiếc thuyền có người.
Người ta mà cứ thản nhiên, không chút tư ý gì thì ở đời còn có ai hại mình nữa? “
Nhưng không chỉ là người luôn luôn làm ơn , luôn lấy ân báo oán đâu. Có những cái xấu phải làm để lấy lại thế quân bình. Khi dùng ân báo oán mà kẻ thù vẫn không hiểu ra thì Đạo sĩ dùng oán báo oán. Dùng ân báo oán cũng có, dùng oán báo oán cũng có, không nhất định phải theo một chiều nào cả, vì Đạo không theo chiều nào cả. Trong chiến tranh Việt Nam, không có trận đánh nào giống trận đánh nào. Nhưng Đạo sĩ khác người thường là khả năng dùng ân báo oán thường trực, lòng dạ anh ta không thù ghét ai cả, kể cả kẻ thù.
Điểm đặc biệt khác của Đạo sĩ là anh ta không khiêm tốn. Khiêm tốn là tốt mà kiêu ngạo là xấu. Đạo sĩ không theo cái tốt nên không khiêm tốn. Khiêm tốn là thái độ dương, là cái có, cái sắc, trong khi Đạo sĩ là cái không. Đạo sĩ là hạng thấy thế nào nói thế đó không khiêm tốn, tức làm được việc lớn mà nói ít đi. Khi anh ta khiêm tốn thì anh ta theo “lễ”, để khỏi va chạm với đời, để khỏi bị hiểu lầm là kiêu căng, là tự nói tốt cho mình. Thực ra khiêm tốn rất xấu. Binh pháp nói làm tướng mà kiêu ngạo, mà tự cậy công mình, không vinh danh binh sĩ dưới quyền thì người dưới ít chịu lập công. Đã làm tuớng thì nên khiêm tốn, khen ngợi công lao thuộc quyền. Nhưng tướng tài, tức tướng khiêm tốn thì sao ? Thì cũng không hẳn được phúc. Đọc Sử Ký Tư Mã Thiên ta luôn thấy các gương đó. Hạng như Ngô Khởi, tài năng xấp xỉ thánh binh Tôn Tử, cuối cùng bị bắn tên tới chết. Tôn Tẫn tài cao, bị bạn học là Bàng Quyên ghen tài, sợ hơn mình, cầm quân giúp một vị vua nào đó làm bá chủ thiên hạ nên bị chặt chân. Tín Lăng Quân cầm quân chư hầu, đánh Tần, nước mạnh nhất đương thời, khiêu chiến mà quân Tần không dám ứng chiến, cuối đời bị Tần tung vàng bạc mua chuộc người trong nuớc nói xấu, làm vua e sợ là Tín Lăng Quân có ý muốn dòm ngó ngôi vua, thế là vua không dùng, cuối cùng chỉ còn biết ăn chơi về đường tửu sắc cho đến chết, vô dụng. Rồi như Khổng Tử khiêm tốn tới mức vô ngã, đâu làm chính trị được, vì luôn nguy hiểm cho thiên hạ. Hạng nêu cao chính nghĩa như Nguyễn Trãi cho binh sĩ hết lòng lập công thì rồi cũng bị tru di tam tộc mà thôi. Khiêm tốn là cái ác. Vì hiểu rõ, thấy rõ như vậy nên Đạo sĩ không khiêm tốn. Khi anh ta khiêm tốn, đó chỉ là cái bề ngoài, theo lễ là cái phụ thuộc, không phải cái chính, tức Đạo, cho khỏi va chạm với đời mà thôi. Cái chính là anh ta vô vi một cách tự nhiên. Khiêm tốn là còn muốn người khác theo về với mình, muốn thu phục lòng người, thu phục lòng người tức là còn can thiệp vào việc đời, còn áp đặt một ý chí vào việc đời. Nhưng cuộc đời là một khối hỗn độn âm dương, không theo một ý chí nào hết cả, cho nên ý chí nào, dù tốt hay xấu rồi cũng bị tan đi , mất đi, hủy hoại đi. Đại khối không tuân theo một ý chí nào hết thì cá nhân ta làm sao áp đặt ý chí mình lên được. Tất yếu ý chí ấy bị bẽ gãy. Ý chí khiêm tốn rồi cũng sẽ bị bẽ gãy.
Không khiêm tốn, cũng chẳng tự cao, vậy sự tự nhận mình đắc Đạo có phải là tự cao không ? Không. Đắc Đạo là thấy cái không mà thôi. Tôi có gặp một số tu sĩ Phật giáo. Họ nói tôi tự nhận là đắc là tự cao. Nói vậy là chưa đắc Đạo rồi. Thấy mình là cái Không thì nhận vậy, nhận là cái Không, chứ có phải cái tốt đâu. Không phải cái tốt thì làm sao mà xem là tự cao được? Hạng Đạo sĩ là hạng thấy sao nói vậy, sao bảo mình tự nhận mình là cái sắc, tức còn sa vào một trong hai thái độ là khiêm tốn hay tự cao cho được ?
Đạo sĩ cũng không bao giờ cảm thấy cô đơn. Tôi nói thật là tôi nhìn quanh không thấy ai là Đạo sĩ cả. Tôi tìm trên internet cũng không ra ai là Đạo sĩ để tôi trao đổi học thuật. Ấy vậy mà tôi luôn thấy vững vàng, luôn thấy yên tĩnh trong lòng, dù cho bất cứ cái gì xảy ra, vì trong lòng tôi là khối hỗn độn âm dương, chứ không phải là cảm giác buồn vì không ai thực sự là tri kỷ với tôi cả. Không bao giờ tôi còn cảm giác buồn nữa. Có muốn buồn cũng không được. Lúc nào cũng vui, lúc nào cũng hạnh phúc, không phụ thuộc vào ngoại cảnh, không phụ thuộc vào bất cứ cái gì, và rất mạnh, rất thực tế. Tôi có một anh bạn học thân, qua Mỹ định cư từ 1994, hay trao đổi thông tin với tôi qua internet. Tôi đắc Đạo rồi, tôi báo cho anh ta biết và còn diễn tả chân lý ấy ra sao trong một diễn đàn bạn bè trên internet. Anh ta nói tôi tự kiêu, và còn lộn xộn giữa các học thuyết. Tôi không vội tranh luận mà để bài viết anh ta nằm trên diễn đàn hơn nửa tháng cho ai cũng biết người khác nhận xét bất lợi về tôi như vậy. Xong, tôi phản bác rằng để bài viết ở trên net hơn 20 ngày là để chứng tỏ Đạo không có hình thức nào cả, vì không có hình thức nào cả thì nó kiên nhẫn. Rồi tôi cá độ với bạn tôi. Tôi viết :”Mày gửi về nước 50 đô la Mỹ (rẻ mà), thuê cave đẹp nhất, nhốt chung phòng với tao, trong phòng chiếu video sex. Cô cave xinh đẹp mặc gì cũng được, áo dài cũng được, bikini cũng được. Tao xem phim sex, mắt mở trừng trừng, nhưng tao không thèm rờ tới cô cave. Việc này làm có bạn bè chứng kiến, rồi điện thoại báo cho mày biết. Mày test tao bao nhiêu lần cũng được, bất cứ khi nào cũng được. Việc thứ hai là test về tiền bạc, nhỏ thôi. Mày biết từ lâu tao “mê” net (Đạo sĩ không bị ghiền bất cứ cái gì, nên không có mê thật, mà phải đặt chữ mê trong dấu ngoặt) và “mê” máy tính. Mày mua một cái laptop (máy tính xáy tay) Pentium III second hand trên net, giá 400 đô la Mỹ, gửi về Việt Nam cho tao. Tao “thích” laptop là vì tao xem phim, nghe nhạc, đọc sách điện tử bất cứ đâu, bất cứ khi nào tao muốn, rất tiện lợi. Học mệt rồi lôi laptop lên giường, nằm dài ra mà học tiếp, rất đã. Nhưng dù vậy, có gửi cái laptop đó về chỉ đổi lấy câu nói “thằng Hiếu không thấy cái không” mày chỉ thất bại. Tao sở dĩ không nói được như vậy vì nó không diễn tả được lòng tao.” Bạn tôi bị tôi buộc phải nhận rằng tôi đắc Đạo thật, không phải là sự tự dối mình, tự huyễn hoặc mình. Không cần gái đẹp, Đạo sĩ cũng luôn hạnh phúc rồi. Tôi mà có sống giữa một nhóm kiều nữ, khỏa thân xung quanh, tôi cũng thản nhiên, chứ không cuồng lên dù tôi có đời sống tình dục bình thường, khỏe mạnh, tức là sung mãn. Hành vì tình dục của tôi chỉ diễn ra khi nào tôi muốn, vì thế mà tôi vẫn có thể cưới vợ được, nhưng không có bất cứ người phụ nữ xinh đẹp, hấp dẫn nào, cỡ như Britney Spears, hay hoa hậu thế giới, hoa hậu Việt Nam, ... có thể làm tôi chao đảo được. Vì thế mà Đạo sĩ không bao giờ mắc vào tội gian dâm, không bao giờ bị mắc mỹ nhân kế, hay mua bán dâm gì đó. Sống giữa một nhóm phụ nữ xinh đẹp khỏa thân xung quanh, tôi cũng thấy mình đã “hạnh phúc” rồi, rất thật, có hay không có những phụ nữ đó đều không quan trọng. Mà những phụ nữ xinh đẹp đó tôi cũng thấy là cái hỗn độn âm dương, hỗn độn tốt xấu, lợi hại, vinh nhục, không có bản tính nào hết, tức là những cái không. Không làm sao mà yêu được, mà chết cho một người đẹp được. Vì vậy Romeo và Juliet là những người sai lầm. Shakespeare bị phủ nhận. Ông không bao giờ là thiên tài của tôi. Cả Nguyễn Du cũng vậy. Nguyễn Du viết ra, tôi phì cười. “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, ơ kìa, hạng Đạo sĩ như tôi thì có buồn bao giờ ? Tôi nhìn cảnh nào, dù là rằng núi âm u, hay là mặt trong của ngục tối, tôi đều thấy như nhau, đều “vui”. Liệt Tử, Đạo gia Trung Quốc cổ đại, có viết về tâm trạng của Đạo sĩ qua chuyện “Nhiều cách du lãm”:
“Trước đây, Liệt Tử rất thích đi du lãm ra ngoài. Hồ Khâu Tử hỏi
Ông thích đi du lãm, thế du lãm có gì đáng thích ?
Liệt Tử đáp:
Cái sung sướng của du lãm là được nhìn thấy những cái trước đây chưa hề thấy. Người khác du lãm, chỉ thưởng thức cái vẻ ngoài của sự vật, còn tôi du lãm là để thưởng thức cái biến hóa bên trong của sự vật. Ồ du lãm ! Không có ai phân biệt được hai loại du lãm ấy đâu.
Hồ Khâu Tử nói:
Sự du lãm của ông giống với người khác, sao lại nói không giống người khác ? Phàm hễ thưởng thức được vẻ ngoài của sự vật thì thường cũng thưởng thức được cái biến hóa bên trong của sự vật. Ông chỉ biết thưởng thức sự biến hóa của ngoại vật mà không biết sự biến hóa tự thân của mình. Chỉ thích du lãm ngoại vật mà không hề quan sát tự thân. Du lãm ngoại vật, cầu được chỉ là được cái hoàn bị của ngoại vật, quan sát tự thân mới là đạt được sự hoàn thiện tự thân. Đạt được sự hoàn thiện tự thân mới là cuộc du lãm hoàn mỹ nhất, còn cầu được sự hoàn bị của ngoại vật chỉ là cuộc du lãm không hoàn mỹ.
Sau khi nghe những lời ấy, suốt đời Liệt Tử không đi ra ngoài du lãm nữa, tự cho mình không hiểu cái gì là chân chính du lãm. Hồ Khâu Tử lại nói:
Đó mới là cuộc du lãm hoàn mỹ đấy ! Du lãm hoàn mỹ nhất là không biết đi đến đâu, thưởng thức hoàn mỹ nhất là không biết thưởng thức cái gì. Có như vậy, bất cứ vật gì đều du lãm được, bất cứ sự vật gì đều thưởng thức được. Đó là cuộc du lãm mà ta muốn nói tới. Do vậy nói, đó là cuộc du lãm hoàn mỹ nhất và đó cũng là cuộc du lãm lý tưởng nhất ! “
Cõi giới này rất kỳ diệu. Giá như tôi ở giữa bốn bức tường của nhà tù thì tôi cũng thấy bốn bức tường ấy là cái không, chứ không phải cái xấu mà đâm ra tôi không buồn. Rồi sao? Rồi giảng lẽ ấy cho bạn tù cho họ cũng giống như tôi. Không buồn ! Ở tù không phải là buồn, không chịu được cảnh tù đày mới là buồn. Tù đày là lửa thử vàng. Vàng thật không sợ lửa, như Đạo sĩ thật thì không buồn trong bất cứ hoàn cảnh nào mà ở đâu anh ta cũng cất tiếng nói giải thích về cái không cho người khác. Giải thích về cái không, làm người khác thấy được cái không, tức giác ngộ người khác thì vui. Tù đày đâu phải là cái xấu suông, nó còn là cái tốt nữa: nó cải tạo những người xấu trong xã hội để họ biết sống mà không phạm tội, nó cách ly người xấu khỏi xã hội nữa. Vì thế tù đày là chốn hỗn độn tốt xấu, không có bản tính. Cái không có bản tính thì không sao ghét được.
Thái độ đối với tiền bạc cũng vậy. Đây là vấn đề được bàn tới nhiều nhất. Đạo sĩ thấy tiền là mớ hỗn độn âm dương, hỗn độn lợi hại, và vì mình lúc nào cũng “hạnh phúc” từ bên trong rất mạnh rồi, nên tiền có hay không cũng không tác động tới tôi được. Tôi biết là cần tiền để mua máy vi tính, để trả tiền internet, tiền điện để viết sách, đọc sách, dịch thuật, và học, là những việc tôi làm hằng ngày, vì thế mà tôi phải làm việc, phải kiếm tiền để sống, nhưng vì một lý do nào đó mà không có tiền để có những thứ trên, hay thậm chí bị cướp mất hết tiền thì tôi cũng vẫn “hạnh phúc”. “Hạnh phúc” này thấy thẳng trực tiếp trong tâm trí, không cần suy luận , nghĩ ngợi gì cả.
Đạo sĩ mà gặp Đạo sĩ hay gặp người tương tự mình là các tu sĩ Phật Giáo thì sao ? Tôi có gặp một cư sĩ Phật Giáo. Anh này tên Độ, đắc Đạo và là người hướng dẫn tôi thiền. Nhưng chỉ mới hỏi có 7, 8 câu trong 3 tháng thì tôi ngộ Đạo, mà Đạo Lão, chứ không phải Phật. Trước đó, tôi dự tính là học Phật để giải thoát trước đã, nhưng do hai nhà gần nhau, mà tôi lại sành Lão, nên bất giác tôi ngộ Đạo mà không ngờ. Gặp anh này thì không phải tôi - nhà Lão , và anh - nhà Phật kính trọng nhau như Phật Thích Ca và Lão Tử trong phim Tây Du Ký đâu mà là “phang” nhau “chí chết”. Vốn biết anh không bao giờ buồn nên tôi “phang” anh thẳng tay. Anh, ngược lại, cũng chọc cho tôi chết. Thế nhưng vì cả hai đều là hai cái không, nên không bao giờ buồn, và luôn chơi thân. Tuy nhiên, tôi vẫn lấy làm “buồn” là không có ai như tôi để tôi nói cái gì ra cũng hiểu được nhỉ. Khi muốn tìm hiểu Phật, tôi tìm tới anh, vậy thôi, chứ hai bên không hiểu nhau 100% dù cõi giới hai bên đạt được tương tự nhau. Đạo sĩ mà gặp tu sĩ Phật Giáo mà đắc Đạo thì chả cần thiết phải kính trọng gì cả, như trong truyện “Không có gì hiện hữu” trong tập “Góp nhặt cát đá”:
“ Yamaoka Tesshu lúc còn nhỏ đi học Thiền, viếng hết thầy này đến thầy khác. Yamaoka đến viếng Dokuon ở Shokoku.
Muốn tỏ sở đắc của mình, Yamaoka nói:
“Tâm, Phật, loài hữu tình, rốt ráo chẳng có, bổn tính chân thật của mọi hiện tượng là cái không. Không có cái có, không có huyền ảo, không có thánh, không có phàm. Không có cho và không có gì để thọ nhận.”
Dokuon ngồi im lặng hút thuốc, không nói gì. Thình lình đập Yamaoka một điều tre, làm chàng thanh niên này phát xùng. Dokuon hỏi:
“Nếu không có gì có, thế thì cái giận của anh từ đâu đến? “ “
Một chuyện khác: Tô Đông Pha tự hào là mình đã đắc Đạo Phật, ông nói các vị Kim Cương trong Phật Giáo không làm gì được ông. Phật Ấn, bạn thân của ông, cũng là người đắc Đạo, nghe vậy, nói: “Tô Đông Pha chẳng hơn một cú địt của ta.” Tô nghe vậy, chèo thuyền qua sông, gặp Phật Ấn, hỏi:”Tại sao anh nói tôi không hơn một cú địt của anh ?” Phật Ấn mỉm cười, nói:”Tô Đông Pha đắc Đạo rồi, vĩ đại quá cho nên một cú địt nhỏ nhoi cũng khiến Tô Đông Pha bay từ bên này sông qua tuốt bên kia sông.”
Khi gặp hạng bản lĩnh cao thật thì test nhau, chứ chẳng nể nang gì cả, để xem có đắc Đạo thật hay không. Và test thì đại khái giống như trên, là tìm mọi cách thông minh nhất, bất ngờ nhất để chọc tức.
Đạo sĩ cũng là hạng không tôn sùng bất cứ ai. Những vĩ nhân của nhân loại như Phật, Chúa Jesus, Lão Tử, Khổng Tử, Shakespeare, v.v... họ đều không tôn làm thần tượng, do tất cả những gì họ thấy là cái một, chứ không thấy yêu, không thấy kính, không thấy tốt gì cả.Trong gia đình tôi theo Phật Giáo đã bao nhiêu đời. Khi còn nhỏ và lúc trẻ, tôi cũng lên chùa, cũng lạy Phật, nhưng nay thì không. Phật chỉ là một người bình thường, không có phép màu. Với tôi, Phật vĩ đại là vì Phật là cái không, là người đầu tiên thấy cái không, vô ngã nên không còn vị kỷ, thế thôi, chứ Phật không phải là thần để mà ta phải cúng bái. Mà hạng đắc Đạo ấy có yêu thích gì sự sùng bái. Phật không bao giờ mong muốn sự sùng bái. Phật vượt qua điều ấy từ lâu. Phật không tầm thường tới nỗi đi yêu danh vọng. Với tôi, Phật không phải là cái tượng trên bàn thờ mà Phật là làm cách nào đó tìm thấy cái không đã có trong người mình. Với các tín ngưỡng khác cũng vậy. Gia đình tôi làm kinh doanh, thờ Thần Tài, Ông Địa cho may mắn, nhưng với tôi, trong lòng chỉ thấy cái hỗn độn âm dương, tôi không thấy linh hồn nào cả, nên tôi tuyệt không bao giờ cúng, không bao giờ thắp nhang mấy “ông” này. Ông Táo cũng vậy, cũng không được cúng kiến gì cả. Thế đối với ông bà thì sao ? Thì tôi cũng thắp nhang, nhưng chỉ để nhớ mà thôi, chứ tôi không cho là có linh hồn trong cõi đời này. Không phải là “không cho”, không phải là tôi quan niệm vậy, tức là tôi áp đặt một tín ngưỡng lên người khác mà là tôi thấy trực tiếp, không suy luận gì cả rằng vũ trụ này không tồn tại cái gọi là linh hồn. Cuối năm âm lịch, tôi cũng về quê dãy mã ông bà, cũng thắp nhang, nhưng tôi không cầu mong gì ông bà mình sẽ phù hộ mình.
Má tôi ghi danh tôi quy y trên chùa. Khi cúng cho ba tôi, má tôi bắt anh em tôi lạy. Lạy một cái thứ nhất, xong đứng lên, tới cái thứ nhì thì tôi phì cười, không lạy được nữa. Muốn lạy thì trong lòng phải tôn kính, mà với Phật thì tôi không còn kính, mà cũng không coi thường. Có Phật tới nhà thì tôi cũng tiếp như ông hàng xóm mà thôi, không thấy sự tôn trọng của người đời mà mê hoặc tôi được. Trong lòng không tôn kính mà cúi lạy thì chỉ có … ba xạo. Má tôi thấy tôi không lạy thì đuổi tôi về. Đuổi thì đuổi chứ tôi không làm trái lòng mình được. Từ đó trở đi tôi không lạy bất cứ “ông thần” nào hết. Lão nói một câu rất nổi tiếng :” Let’s govern a country like we cook a small fish” (Hãy cai trị một quốc gia như ta nấu một con cá nhỏ), tức lớn là nhỏ. Nói ngược lại cũng đúng, tức cái nhỏ họp lại tạo thành cái lớn, nhỏ là lớn. Kỹ sư tàu con thoi vũ trụ Mỹ cũng phải học từ chữ A trở đi. Điều này cắt nghĩa vì sao Đạo sĩ coi mấy ông to bà lớn , kể cả ông Phật, ông Lão, ông thủ tướng, ông tỉ phú, cô hoa hậu, … như ông hàng xóm, như một người bạn bình thường mà thôi. Nếu có lạy thì tôi lạy ông bà, cha mẹ, anh chị, chú thím… ruột thịt tôi, vì sinh ra tôi, nuôi tôi lớn, dạy tôi, mà có lạy thì cũng chỉ để nhớ, chứ thế giới này không có linh hồn. Tôi chả sợ bất cứ linh hồn nào làm hại tôi, làm tôi mắc bệnh gì cả.
Trong tập Phương pháp biện luận thuật hùng biện của Triệu Truyền Đống (Trung Quốc), nhà xuất bản Giáo dục 1999 có một số câu chuyện chứng minh thế giới này là vô thần. Xin kể ra đây cho quý độc giả:
Mi-ken-lăng là một họa sĩ tài danh người Ý thời Phục Hưng. Ông đã nhận lời tòa thánh La Mã vẽ một bức tranh sơn dầu A-đam vàÊ-va, và ông nêu câu hỏi:
“A-đam có rốn không ? “
Theo Thánh kinh thì Chúa Trời nặn ra A-đam theo hình dáng của mình và lại rút của A-đam một cái xương sườn để tạo ra Ê-va. Từ đôi nam nữ đầu tiên này đã sinh ra chúng sinh đông đúc ngày nay. A-đam là con người có sớm nhất và hoàn mỹ nhất. Chúng ta ai cũng có rốn, vậy A-đam cũng phải có. Nhưng A-đam lại là hình dáng của Chúa Trời. A-đam có rốn, vậy Chúa Trời cũng phải có rốn. Chúa Trời là đấng sáng tạo tối cao, lẽ nào ông ta lại còn bị một cái gì đó sáng tạo và thai nghén ? Nếu Chúa Trời không có rốn mà A-đam có rốn thì Chúa đã không nặn A-đam giống như mình. Điều này đi ngược với Thánh Kinh. Nếu cái rốn của A-đam là một sai lầm của Chúa trong sáng tạo thì điều này đi ngược với giáo nghĩa. Giáo nghĩa cho rằng Chúa không bao giờ mắc sai lầm. Nếu A-đam không có rốn thì chúng ta ai cũng có mà A-đam lại không. Vậy là sáng tạo của Chúa cũng chẳng phải hoàn thiện, và A-đam cũng không phải là con người hoàn mỹ. Tóm lại, dù A-đam có rốn hay không đều khiến cho Giáo hội rơi vào mâu thuẫn khó bề thoát ra.
Một hôm nọ, một giáo đồ đến giáo đường. Ông ta nói: “Thưa cha, con tin ở Đạo. Thế những không biết Chúa Trời có giúp đỡ được gì cho con không?”
Linh mục bình tĩnh trả lời: “Chúa là đấng vạn năng. Chúa có thể giúp con mọi điều con hằng mong. Chỉ cần con cầu nguyện.”
Giáo đồ nọ buồn lo, nói: “Hàng xóm của con cũng tin ở Đạo. Và nếu con cầu xin Chúa cho mưa thì ông ta sẽ lại cầu xin Chúa cho tạnh. Thế thì Chúa sẽ quyết định sao đây ? “
Linh mục: “...”
Các nhà triết học kinh viện Châu Âu vẫn nói rằng Thượng Đế là toàn năng, và thế giới chúng ta là do Thượng Đế sáng tạo ra. Về điểm này, Cao Ni Lô đã hỏi
“Vậy Thượng Đế có thể tạo ra tảng đá mà ông ta không nhất nổi không ? “ Với câu hỏi này, các nhà triết học kinh viện đã chịu thua. Bởi vì nếu trả lời là Thượng Đế có thể tạo ra tảng đá mà ông ta không thể nhấc nổi thì sẽ có một tảng đá mà ông ta không thể nhấc nổi. Và như vậy Thượng Đế không phải là toàn năng. Nếu trả lời rằng Thượng Đế không thể tạo ra tảng đá mà mình không nhấc nổi thì cũng sẽ có một tảng đá mà Thượng Đế không tạo ra được. Và như vậy Thượng Đế cũng không phải là toàn năng. Và dù thế nào đi nữa, Thượng Đế cũng không phải là đấng toàn năng. Gần ngàn năm qua, câu hỏi này vẫn còn xoáy sâu vào tâm trí các nhà thần học, và họ vẫn chưa có cách gì trả lời cho đặng.
Đạo là cái hỗn độn giữa ý thức và không ý thức. Cái sống và không sống lẫn lộn trong Đạo, không tách rời, cho nên trong thế giới này không có ý thức đứng tách riêng ra được, tức không có linh hồn, không có ma quỷ, không có thần. Khổng Tử nói “Quỷ thần kính nhi viễn chi” - quỷ thần thì kính nhưng đứng xa ra- là, dưới mắt tôi, câu nói bậy. Khổng không phải là Thánh nhân của tôi, mà ngược lại tôi thấy ông dạy học, lập thuyết, nhiều người tin là Thánh, rồi đi theo. Có người thành công thật nhưng lắm kẻ cũng thất bại.Lối suy nghĩ yêu cái tốt gây ra bi kịch như vậy. Thời thế, xu hướng, bản tính của Khổng Tử khác, mà những người theo sau ông khác, thế mà cứ đòi lặp lại cái nhân nghĩa như Khổng Tử thì thất bại là bình thường. Vì không thấy được Đạo, thấy cái không của tự nhiên mà đâm ra tin lung tung như vậy.Thế giới này không tồn tại các vị thần, các linh hồn, dưới bất cứ dạng nào.
Luôn thấy mọi thứ là hỗn độn, là Đạo thì đời sống hôn nhân của Đạo sĩ ra sao ? Trang Tử cũng có vợ, cho nên Đạo sĩ cũng có vợ. Đối với vợ con thì lý trí, dục vọng của Đạo sĩ yêu mà thôi , chứ cái tâm không yêu. Cái tâm điều khiển trí và dục vọng nên nói chung Đạo sĩ không yêu vợ mà nhìn thấy vợ con là những cái không, không bản tính. Tuy vậy, Đạo là tự nhiên, là vô vi, mà hành vi tình dục là thuận theo tự nhiên, loài người sinh con là tự nhiên nên Đạo sĩ có vợ con , có “tình yêu”. Họ không yêu cái hại nên cũng chăm sóc vợ con bình thường như bao người khác, cũng quan tâm tới con cái đầy đủ chứ không bỏ mặc như bao người bình thường khác. Đạo sĩ cũng thấy người này đẹp, người kia xấu. Con mắt mà không phân biệt đẹp xấu là con mắt hư rồi vậy. Đạo sĩ cũng chọn vợ là người hợp với mình, và nếu vợ không giác ngộ thì cũng sống bình thường, chấp nhận cái xấu của người đó. Có ai hoàn hảo đâu nhỉ? Biết yêu là biết chấp nhận toàn bộ tính cách người ấy và chỉ có công an và nhà tù là sửa đổi tính cách người ta thôi. Nhân vì biết chấp nhận cái xấu của “bà nhà”, và thấy nó là cái không, cho nên đời sống hôn nhân của Đạo sĩ suôn sẻ, không gây ra những đỗ vỡ ghê gớm. Và họ tha thứ cho vợ con rất dễ dàng.
Đạo sĩ có mắc lỗi không? Có chứ. Họ cũng tính toán sai chứ, như bao người khác vậy thôi. Nhưng với lỗi lầm của mình thì Đạo sĩ cũng thấy là cái không, cho nên không buồn, không xấu hổ, không hối hận, nhưng vì là cái không, tức Đạo, tức có khi là cái tốt cho nên lỗi lầm là dịp để anh ta nhìn lại mình mà sửa đi, để không lặp lại sai lầm cũ nữa. Tôi có nghe một đài hải ngoại giảng rằng những lỗi lầm của ta như vết sẹo trong tâm hồn ta, không làm sao mà tẩy xóa được, vì vậy ta phải cầu xin Chúa tha tội cho ta! Nghe tới đó tôi bật cười. Có ai vấp té một chỗ hai lần không ? Không. Vì thế, mắc lỗi rồi thì người ta sửa lỗi mà trở thành tốt lên. Cái xấu là nguyên nhân của cái tốt. “Ai nên khôn không khốn một lần”, bình thường như vậy, có sai mới có đúng, việc gì phải phóng đại lên mà phải đi cầu xin một nguyên lý tối cao nào đó tha lỗi cho ta ? Ân hận vì lỗi của mình hoài, mang mặc cảm tự ti mình là cái xấu chả hóa ra ta làm hèn ta đi sao ? Kinh Thánh viết ta yêu kẻ thù ta, vậy thì ta cũng yêu ta luôn đi mà quên lỗi của ta đi, cần gì đến Chúa nhỉ ?
Tóm lại, Đạo sĩ vì thấy mình là cái hỗn độn âm dương không có bản tính nào cả mà đâm ra vô ngã. Và vì thấy ai cũng là Đạo, nên thấy ai cũng như mình, không thân và không sơ với bất kỳ ai. Họ không sùng bái ai cả, không sợ thần thánh, không sợ ma quỷ.Họ đối xử với mọi dân tộc như nhau, như đối xử với mình. Họ không theo bảng giá trị nào cả mà cũng không có bảng giá trị nào cả. “What is fixed is dead” - Cái gì mà cố định là cái đã chết. Cứ nhất mực làm tốt thôi thì chết, mà phải biết tùy thời. Có cái xấu phải làm. Giá như Kiều phá hoại nhan sắc mình đi thì được yên thân ngay, không còn gì để mà đau khổ cả. Đạo sĩ không bị nô lệ cho bất cứ cái gì, bất cứ ai, là hạng được giải thoát hoàn toàn. Song sự giải thoát này hoàn toàn cá nhân thôi. Đạo mà đắc được thì cha dạy con, anh dạy em, chồng dạy vợ ... mà thế gian nở hoa thành thiên đường hết rồi. Bạc tỉ có thể có những Đạo không thể đắc. Tùy theo căn cơ mà có người đắc Đạo chỉ ở tuổi hai mươi, nhưng người khác thì tu tập cả đời cũng không biết cái không là gì. Khi tôi nói chuyện với anh Độ theo cái lối những người đắc Đạo, tức theo lối Phật Ấn và Tô Đông Pha thì con anh nghe không hiểu, cứ tưởng là tôi phỉ báng cha anh ta. Anh Độ vì là người giải quyết được tất tần tật mọi sự trên đời bằng con đường Phật học nên anh cho là anh đã hiểu Đạo Lão. Tôi dồn anh vô góc bằng cách hỏi “Đạo là gì” thì anh trả lời “Đạo là tính sáng mình thấy ở mọi nơi.” Tôi lấy làm lạ vì với tôi, Đạo nó tù mù, hỗn độn, không phân biệt gì cả(về sau tôi mới biết kinh nghiệm Phật gia khác kinh nghiệm Đạo sĩ, ông nào đắc Phật thì thấy vậy), thế là tôi công kích thẳng tay, gọi anh là “láo nháo”, không hiểu Đạo. Con anh, trạc tuổi tôi, ngồi nghe như vậy, tưởng tôi mất dạy, đòi sửa tôi một bài học. Anh Độ cũng chẳng can thiệp. Anh có bản lĩnh cao nhưng chẳng thể dạy cho con anh được. Mà tôi, dù muốn cũng chẳng giảng Đạo cho anh em tôi được giải thoát được, vì anh em tôi không yêu triết Phương Đông như tôi. Ấy vậy mà dù không hề muốn, anh Độ lại là người giúp giác ngộ cho tôi được, mà lại là thứ giác ngộ Lão Giáo anh không hề biết tới. Tôi viết sách này ra cũng mong làm việc như vậy, là giúp cho những cá nhân nào đó trong xã hội, trước tiên có lòng yêu những cái sâu sắc của triết nói chung và của Đạo học nói riêng, rồi đọc nhiều, nghiền ngẫm nhiều, rồi thiền để tiến tới quên được cái mình yêu đi để được giải thoát tuyệt đối.

<< Chương 2 | Chương 4 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 461

Return to top