Thiện là ác và ác là thiện, như chúng ta đã biết chương trên. Ác là âm, thiện là dương. Nói chung các giá trị tiêu cực là âm, các giá trị tích cực là dương. Tiểu nhân , xấu, yếu kém, phía sau, mềm yếu, thiếu ánh sáng, phụ nữ, nhục, thất bại,sai ... là âm. Quân tử, tốt, phía trước, cứng rắn, sáng sủa, đàn ông, vinh, chiến thắng,đúng ... là dương. Quy luật của đạo học là “âm là dương, dương là âm”.
Nói vậy có một số độc giả cho là khó hiểu. Ví dụ: nếu quy luật âm là dương, dưong là âm thì đàn bà là đàn ông, đàn ông là đàn bà ? Đúng vậy. Trong cơ thể người phụ nữ nào cũng có mầm mống một bé trai và trong người cha nào cũng có mầm mống một bé gái. Thuốc độc có giá trị âm, nhưng dùng để đầu độc kẻ ác thì tốt, tức khi đó thuốc độc có giá trị dương. Chúng ta ăn cơm hàng ngày, cơm là tốt, là dương, nhưng chỉ ăn vài chén một bữa mà thôi. Nếu ăn gấp năm, gấp bảy lần lên thì bội thực, rồi còn chết nữa. Cơm trong trường hợp này là xấu, là âm. Trong năm 1945, dân ta phá kho thóc, nhiều người đói, thèm cơm quá, ăn cho đã rồi bị chết. Cách ăn đúng là sau khi nhịn cơm lâu ngày, phải ăn cháo đã, rồi mới dần dần ăn cơm. Cơm trong nạn đói 1945 có khi là cái xấu. Cái nhà chúng ta ở, chúng ta yêu nó, là dương, nhưng nó cũng là cái xấu nữa, vì nó gây con cái tranh giành, mất tình anh em. Việc này thì thường thấy. Bại chính là thắng. Người Nhật, Đức thất bại trong thế chiến nhưng nay họ là các cường quốc kinh tế. Đầu thế kỷ 20, Trung Quốc là con mồi cho các quốc gia khác xâu xé, số đông quần chúng khổ sở, nhưng nay họ cũng là một cường quốc.
Quy luật khác là không có cái gì thoát khỏi âm dương. Đây là phép biện chứng của triết học. Vật gì, hiện tượng gì, người gì cũng là sự đấu tranh và thống nhất giữa các mặt đối lập, tức âm và dương. Trong một cơ thể, nếu cho đồng hóa là tích cực, tức dương, thì cơ thể đó cũng có dị hóa là tiêu cực, tức âm. Tiêu hóa là dương, bài tiết là âm. Trong một chiếc xe, có những bộ phận chuyển động, là dương và những bộ phận đứng yên là âm, những bộ phận cứng rắn là dương và những phần mềm như lốp xe, yên xe là âm. Nguyên tử có hạt nhân đứng yên là âm và những điện tử quay quanh là dương.
Âm và dương có tính tương đối. Không có cái gì tuyệt âm và không có cái gì tuyệt dương. Chẳng hạn, cái bàn gỗ là là âm hay dương ? Bàn gỗ là dương so với mặt đất, vì nó cao hơn, “tích cực” hơn, nhưng so với mái nhà thì nó là âm, vì nó thấp hơn. Nhưng cái bàn so với chén cơm thì nó lại là âm, vì “tiêu cực” hơn, nó không nuôi được con người. Nhưng chiếc bàn gỗ đó đối với con mối là dương, vì mối tiêu hóa được gỗ. Xét về mặt loại chất độc ra khỏi cơ thể thì bài tiết là dương mà tiêu hóa là âm. Nhưng về mặt nuôi dưỡng cơ thể thi tiêu hóa là dương mà bài tiết là âm.
Vậy cái gì tạo ra âm, dương ? Đó là cái một. Cái một là gì ? Cái một là một khái niệm quen thuộc trong triết học phương Đông. Tốt luôn đi với xấu, do đó tốt và xấu là một, như hai mặt của một tờ giấy. Thiện luôn đi với ác, do đó, thiện với ác là một. Tương tự, trước với sau là một; trên với dưới là một; trong với ngoài là một; họa với phúc là một; vinh và nhục là một ... Tất cả đều là cái một, không có cái gì thoát khỏi nó cả. Cái một này chính là Đạo, là chân lý. Đắc đạo là thấy được cái một. Cái một, hay Đạo, là cái thống nhất, hỗn độn tất cả. Tóm lại, Đạo là thể thống nhất giữa âm và dương, âm và dương là hai mặt của Đạo. Đạo phân hóa tạo ra âm, dương. Kinh Dịch nói :”Thái cực sinh lưỡng nghi”. Thái cực chính là cái một, là Đạo. Lưỡng nghi là âm và dương. Nhưng Đạo học thì khác Kinh Dịch. Dịch nói:” Lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, bát quái sinh vô cùng”, còn Đạo học thì nói âm, dương vừa mâu thuẫn vừa thống nhất mà sinh tất cả.Vì thế mà ta cũng nói cái gì cũng là Đạo, người nào cũng là Đạo, là cái hỗn độn âm dương, không có bản tính nào cả.
Nói trong và ngoài là một có vẻ khó hiểu. Hãy cho trong là nội tâm ta và ngoài là xã hội thì nột tâm ta và xã hội là một. Lo việc cho ta, giải quyết hạnh phúc cho ta là giải quyết hạnh phúc xã hội, và ngược lại, nước nổi thuyền nổi, khi xã hội phát triển thì ta cũng khá lên. Tương tự, Phật nói Phật và chúng sinh là một :”Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật chưa thành.” Ở những đứa bé bị bỏ rơi , được thú nuôi, tức sống tách khỏi xã hội người mà sống trong xã hội thú thì khi đem về lại xã hội loài người, chúng cũng không còn nhân tính, không mặc được quần áo, luôn xé mọi thứ, không hiểu và không nói tiếng người, ăn như thú. Đứa bé đó chỉ phản ánh xã hội thú, chứ không phản ánh xã hội người. Nội tâm ta là sự phản ánh xã hội, tùy ở mỗi người mà sự phản ánh đó gần với chân lý hay không. Do đó ta và xã hội là một. Tâm và vật là một. Đạo thì không duy tâm, mà cũng không duy vật, không có cái “duy” nào cả.
Trước và sau cũng là một, trên và dưới cũng là một. Từ sao Hỏa nhìn về Trái đất thì đâu là trước, đâu là sau ? Lúc đó sẽ thấy trước là sau, mà sau cũng là trước; trên cũng là dưới mà dưới cũng là trên. Cái trên của người này là cái dưới của người kia. Thật ra, đối với hạng người đã đắc đạo thì người ấy thấy thời gian và không gian biến mất. Điều này cũng đúng đối với vật lý học hiện đại, theo thuyết tương đối của Albert Einstein. Không gian là ba chiều tuyệt đối và thời gian là một chiều tuyệt đối từ quá khứ tới tương lai chỉ có trong bức tranh vật lý thế giới của Newton, còn trong vật lý học hiện đại thì khác. Các đo đạc thiên văn cho thấy các tia sáng đi ngang qua gần mặt trời bị bẻ cong đi. Ánh sáng luôn truyền theo đường thẳng, thế mà đi qua gần mặt trời bị cong đi thì đó là do không gian bị uốn cong do tác dụng của lực hấp dẫn của mặt trời. Không gian có thể bị bẻ cong, chứ không phải là khoảng không ba chiều dọc, ngang, thẳng đứng tuyệt đối như ta thấy.Với người đắc đạo, họ sống trong không gian, thời gian nhưng thời gian và không gian không sống trong họ. Trước sau, trên dưới đều là tương đối, không phải là bất biến, không thực.
Đạo thì như thế nào ? Xin trích dẫn lời Trang Tử nói về Đạo.
“Đạo thì có tình, có tính, vô vi, vô hình ; có thể trao cho mà không thể thụ lãnh ; có thể hiểu được không thể thấy được. Đạo thì tự bản tự căn. Hồi chưa có trời đất, Đạo đã có rồi. Đạo sinh ra quỷ, sinh ra Đế; sinh ra Trời, sinh ra Đất. Ở trước Thái cực mà chẳng gọi là cao ; ở dưới lục cực mà không gọi là sâu ; sinh ra trước Trời Đất, mà chẳng gọi là lâu; dài hơn thượng cổ mà chẳng gọi là già.” (Theo Trang Tử - Nam Hoa Kinh, NXB Hà Nội 1992, trang 352).
Đạo thì “tự bản tự căn” cho nên tự mình sinh ra mình, tự mình là gốc của mình, chứ không do cái gì sinh ra cả. Đạo học là triết thuyết khác với các tôn giáo khác, cho vũ trụ, vạn vật, loài người do Thượng Đế sinh ra, tức do một ý chí tốt và vạn năng sinh ra như Chúa trong Thiên Chúa Giáo, hay Ngọc Hoàng trong Đạo Giáo chẵng hạn. Đạo là cái hỗn độn giữa cái có ý chí lẫn cái không có ý chí nào cả, như khoáng vật chẳng hạn. Nếu nói sinh vật do khoáng vật, do các hợp chất mà ra thì chẳng lẽ ta dùng cái thấp giải thích cho cái cao sao? Điều này cũng có nghĩa là dùng cái không sống giải thích cho cái sống sao? Vậy ngay từ đầu đã có sẵn mầm sống trong Đạo. Cũng tương tự như vậy, ngay từ đầu, trong Đạo đã có ý thức, lẫn lộn với cái không ý thức. Và cái này tồn tại trước trời đất, trước ta, nên Đạo có tính chất tiên nghiệm (có trước kinh nghiệm). Đạo thì “vô thủy vô chung”, tức không có đầu, không có cuối và “thường tồn bất biến” nghĩa là bất cứ đâu cũng có Đạo, bất cứ cái gì cũng có Đạo, bất cứ khi nào cũng có Đạo và Đạo chỉ là một, duy nhất. Tuy là “chí nhất “, chỉ có một, nhưng cũng là “chí đa” vì sự vật hiện tượng nhiều tới đâu cũng không thoát khỏi Đạo. Đạo chỉ là cái tên gượng mà gọi vì nó không có một hình thức nào cả. Nói và viết phải có một hình thức nào đó, tức phải có âm nào đó, chữ nào đó. Có hình thức thì bị giới hạn, làm sao diễn tả được cái “vô thủy vô chung” , cái không giới hạn, cái vô cùng tinh tế mà cũng vô cùng vĩ đại ? Bởi vậy dù nói và viết hay làm bất cứ cách nào cũng không diễn tả được Đạo.
Do chỗ Đạo rất huyền dịu, khó nói rõ danh trạng, bởi vậy Lão Tử lại dẫn một khái niệm khác là vô để thể hiện. Vạn vật trong thiên hạ đều sinh từ hữu, hữu sinh từ vô (thiên hạ vạn vật sinh ư hữu, hữu sinh ư vô). Hữu hay còn gọi là cái có, cái sắc, tiếng Anh là existence, hay being. Vô hay còn gọi là cái không, tiếng Anh là non-being, non-existence. Hữu và vô là hai mặt của Đạo. Nhưng người chưa đắc Đạo thì chỉ thấy cái hữu. Người đắc Đạo và chỉ có ngưới đắc Đạo thấy cả hai mặt hữu và vô. Thấy được cái vô của vạn vật nên người đắc Đạo khác hẳn người thường.
Nghe rất trừu tượng, tựa như không có phải không quý độc giả? Nhưng Đạo là cái có thật, cái vô là cái có thật. Bạn hỏi các tu sĩ Phật Giáo thì tất cả họ đều nói cuộc đời này, những cái nhà cửa, xe cộ, phố xá, làng mạc này đều là cái vô. Có cái nào tồn tại bất biến không ? Không. Cứ cái nào tồn tại, có hình dạng cũng như những tư tưởng, tình cảm, ý chí con người thì đều biến mất đi, đều trở về cái không, cái vô. Nhưng thế giới vật chất này luôn tồn tại, không biến mất đi, vậy nó từ cái vô sinh ra cái hữu, cái sắc, cái có nữa. Và cái vô này không phải là cái không có gì. Từ cái không có gì làm sao sinh ra cái hữu được. Cái vô này như nước vậy, không có hình dạng nào mà có tất cả các hình dạng. Cái không còn là điều kiện tồn tại của cái có nữa, tức có cái vô mới có cái hữu. Hữu và vô là hai mặt của Đạo, như mặt phải và mặt trái tờ giấy vậy. Nhà Phật cũng nói tương tự : sắc là không, không là sắc.
Mỗi mỗi chúng ta cũng là một cái vô. Ví như nói bạn là cái lợi có được không ? Nếu bạn là cái lợi thì bạn ban phát cái lợi ấy cho người khác hoài hoài, bạn trở thành thánh. Không phải. Khổng Tử mà còn là cái hại, chứ đừng nói người khác. Vậy bạn và tôi đều không phải cái lợi, cái tốt. Nhưng nếu nói bạn là cái hại được không ? Cũng không được. Nếu bạn là cái hại thì bạn bị xã hội ruồng bỏ, bị nhốt tù ? Vậy bạn là cái gì ? Không phải cái lợi, cũng không phải cái hại thì bạn là cái vô, không có bản tính nào cả, lúc này thì lợi (bạn làm việc, tức cống hiến cho xã hội một sản phẩm, một dịch vụ), lúc khác thì hại (vì bạn có thể bị tai nạn bất thường, bị bệnh, hay mắc sai lầm). Bạn có thể cố gắng, chăm chỉ học hành tấn tới, rồi làm việc tích cực, chia nhỏ việc khó ra, hoàn thành từng bộ phận, tiến tới hoàn thành toàn bộ mà thành công. Bạn thấy đời bạn chỉ là một chuỗi những quyết định phải thực hiện, bạn thực hiện được và thành công rồi cho là đời chỉ là những cái có, không có cái không nào cả, cái không là sự tự huyễn hoặc, tự dối mình. Một người bạn nối khố của tôi cũng nghĩ như vậy, không bao giờ chịu nghe tôi. Nhưng cái đó cũng chỉ minh chứng cho cái không mà thôi. Có ai thành công như Khổng Tử, Nguyễn Trãi đâu ? Khổng Tử ngay khi còn sống đã được xem là thánh. Nhưng ông cũng thất bại, không tham chính được. Nguyễn Trãi thì bị giết thê thảm. Ngoài ra không thiếu gì người tài đức đầy đủ nhưng suốt đời không thành công. Anh hùng mà thất thế là bình thường phải không bạn ? Cứ đọc sử là thấy, bất cứ quyển sử nào, của dân tộc nào. Và lâu lâu ta lại thấy một ông bộ trưởng, một ông thủ tướng, hay một ông tỉ phú ngã ngựa. Họ có tiền bạc, quyền lực, có ý chí thành công mạnh, có tất cả, nhưng sao cứ thất bại vậy ? Đó, theo nguyên lý vũ trụ này là cái không thì ta biết ngay có khi có điều kiện, có ý chí thì thành công nhưng cũng có khi thất bại. Cuộc sống này không theo một hướng nào cả, vì nó là cái hỗn độn âm dương, là Đạo, chứ không phải chỉ là dương không thôi, chỉ là tốt không thôi mà bạn có thể đạt giá trị dương hoài, tức tốt hoài, tức thành công hoài. Từ hồi có sử tới nay, chưa bao giờ loài người có được một hoàng kim thời đại.
Nhà văn Lâm Ngữ Đường của Trung Quốc có kể một câu chuyện trong tập “The importance of Living” (Sự quan trọng của Đời sống), Nguyễn Hiến Lê dịch là Sống Đẹp: “Một người bị giam ở Địa ngục, sắp được đầu thai, tâu với Diêm Vương: “ Như quả Đại Vương muốn cho tôi trở về dương gian, thì tôi xin được vài điều kiện”. Diêm Vương hỏi: “Điều kiện nào?” Người đó đáp:”Tôi xin được làm con một vị tể tướng, làm cha một vị Trạng nguyên ; tôi xin được một ngôi nhà ở giữa khu đất vạn mẫu, có ao thả cá, có đủ các loại cây trái ; lại xin có một người vợ rất đẹp và nhiều tì thiếp diễm lệ, hết thảy đều ngoan ngoãn chiều chuộng tôi, lại xin châu báu chất đầy phòng, lúa thóc chất đầy lẫm, tiền bạc chất đầy rương, mà tôi thì được làm công khanh, một đời vinh hoa phú quý, sống lâu trăm tuổi.” Diêm Vương đáp:”Trên dương gian mà có được con người như vậy thì ta đây đã đầu thai thay ngươi rồi !”
Thời đại nào cũng vậy, xã hội nào , con người nào cũng vậy, đều là khối hỗn độn tốt xấu. Ca dao xưa viết:
Đời vua Thái Tổ , Thái Tông
Lúa mọc đầy đồng trâu chẳng buồn ăn.
Thái bình thịnh trị thật đó, nhưng sau đó lại đến thời hỗn loạn, vua Lê, chúa Trịnh, chúa Nguyễn. Vậy nói thời thịnh trị ấy là nguồn gốc của thời loạn sau. Trong thời thịnh trị ấy chứa sẵn mầm loạn, trong cái tốt chứa cái xấu, chứ không tốt suông, hay xấu suông, tức không có bản tính nào cả, tức là cái không.
Có người lại nói rằng loài người có phát triển chứ. Từ chỗ ăn lông ở lỗ thời tiền sử, nay tiến lên ăn ở văn minh. Nhưng các phát minh tiến bộ của loài người có thật là tiến bộ không, tức là cái lợi không ? Cũng không phải. Chẳng hạn internet là một phát minh vĩ đại, nhưng thông tin tốt thì kéo theo ngoại tình cũng tốt, dễ hẹn hò nhau hơn. Rồi nạn lừa đảo qua net, nạn ăn cắp mật khẩu, ăn cắp tài khoản, và do đó là ăn cắp tiền, rồi virus phá hoại máy tính, các websites đồi trụy, các websites dạy cách tự tử , cách chế tạo bom, rồi bọn khủng bố cũng thông qua net mà quyên tiền, tuyển mộ, huấn luyện đắc lực, v.v... Internet vì vậy còn là cái hại nữa, chứ không phải cái lợi suông. Lợi hại lẫn lộn, không bản tính nào cả, nên net cũng là một cái không. Một tiến bộ khác của loài người là vệ tinh nhân tạo cũng vậy. Để chế tạo thành công thì loài người đã thất bại biết bao lần, tốn bao nhiêu là công phu, trí tuệ, tiền bạc của bao nhiêu người, tức vệ tinh nhân tạo là hại. Rồi, khi đưa vào sử dụng thì vệ tinh của Mỹ lại được dùng để do thám Trung Quốc, do đó đối với Trung Quốc, vệ tinh của Mỹ là cái hại. Trên khắp thế giới, ở đâu có động binh lớn, qua vệ tinh, người ta chụp hình được ngay, biết ngay. Vệ tinh nhân tạo là công cụ do thám lợi hại như vậy, nên nó cũng là cái hại đối với những nước nào đó. “Tiến bộ” như vậy thì cũng chỉ là cái vô mà thôi, chứ không phải cái lợi. Phát minh cái lợi là phát minh luôn cái hại. Cổ ngữ nói “Sinh sự thì sự sinh” là vậy, chưa bao giờ sai chạy.
Ta biết Đạo, cái hỗn độn âm dương là bản thể của thế giới. Nhưng vì sao sự vật lại muôn màu muôn vẻ vậy ? Ấy là do Đức. Đức không phải là khái niệm luân lý. Trong Đạo học, Đức chỉ bản tính của Đạo. Chẳng hạn, lửa là Đạo, Đức của nó là nóng và sáng. Mỗi người cũng có bản tính riêng, có Đức riêng, tức có cái thiên phú, cái bẩm sinh, cái tài năng, thiên tư , khuynh hướng, sở thích riêng. Đức là cái không vậy không được của sự vật, hiện tượng, con người. Đức là cái mà vật nhận được mà sống, là chỗ “tự đắc” của con người, tức là tự mình đã được của Tự nhiên, tức của Đạo. Nói cách khác, Đức là cái Đạo biểu hiện nơi mỗi người , mỗi vật. Đạo và Đức tuy danh từ gọi khác nhau, nhưng vẫn là cái Một. Vì vậy, thế giới là một chứ không phải nhiều. Sự vật, hiện tượng, con người tuy nhiều, muôn màu muôn vẻ nhưng có Đạo hết cả. Trong cái vô thường , cái nhiều có cái “thường”, cái một vĩnh cửu, bất biến.
Trên cơ sở trên, hành vi của Đạo sĩ thì như thế nào ? Như đã nói trên, làm xấu thì không được, bị xã hội trừng phạt, nhưng làm tốt cũng không được, vì làm tốt chính là làm xấu. Đạo học đưa ra Vô Vi.
Vô Vi có bốn nghĩa:
Mỗi vật, mỗi người đều có Đức, có tính tự nhiên , không cần ta can thiệp giúp. Bản tính của loài người là om xòm hay can thiệp vào việc người khác. Thánh nhân mà trị nước thì để cho thiên hạ vui theo tính tự nhiên của mọi vật mà không nhúng tay vào sửa dạy.
Thuận theo tự nhiên của mình mà làm, là làm mà không phải mình làm, không khiên cưỡng. Điềm tĩnh không để cho ngoại vật động đến lòng mình, sống theo cái sống đầy đủ nơi mình mà không đèo bồng những cái ngoài mình. Được như thế rồi thì thuận theo lẽ tự nhiên để mọi vật được điềm tĩnh như mình, nghĩa là để sự vật, con người sống theo bản tính của nó, không ép buộc ai theo ý riêng của mình cả. Đó là đạo “Vô Vi nhi trị”(vô vi mà trị), “Vô Vi nhi vô bất vi” (không làm mà không có gì không làm) thuận theo tính tự nhiên của vạn vật mà hóa, nên tuy làm mà theo tự nhiên như không làm gì cả. Cái làm ấy không đuợc gọi là của mình làm.
Nếu trị thiên hạ mà làm như trên thì tuy có làm nhưng dân không hay mình làm, như mặt trời soi sáng tất cả, giúp vạn vật sống cái sống của mình mà không hề biết đến công ơn của mình vì không thể không làm như vậy cho được.
Ba nghĩa trên là Vô Vi theo nghĩa tiêu cực. Vô Vi theo nghĩa tích cực là phá hoại tất cả những gì trở ngại cho sự tự do bình đẳng của nhân loại.
Tuy vậy, Vô Vi lại khó thực hiện đối với người thường. Người thường ai cũng theo thiện ghét ác, hay ngược lại, làm ác mà bỏ thiện. Đối với hạng đã đắc Đạo, anh ta thực hiện Vô Vi một cách tự nhiên, không khiên cưỡng gì cả, vì anh ta thấy cái ác cũng như cái thiện đều là cái không, vì thế anh ta không can thiệp. Anh ta không phải là cái tốt, cho nên không diệt cái xấu. Anh ta cũng không phải là cái xấu, nên không làm việc ác. Vô Vi không phải là không làm gì mà là làm theo Đạo, tức theo tự nhiên, theo quy luật thế giới, quy luật cái gì cũng là cái không.
Thế cõi giới Đạo sĩ ra sao ?