1. Lý sự của một thầy lang
2. Lý sự với quan
3. Lý luận
4. Thế thì không mất
5. Ði tìm chân lý
6. Tự cao tự đại
7. Phiến diện
8. Chủ quan
9. Thầy bói xem voi
10. Máy móc
1. Lý sự của một thầy lang Một đứa trẻ sốt dữ lắm. Thầy lang bốc thuốc cho uống. Nó lăn đùng ra chết. Bố nó đến tận nhà bắt đền. Thầy không tin, đến xem lại, sờ trán thằng bé, rồi bảo:
- Thế này còn trách tôi ư? Ông bảo chữa cho nó khỏi nóng, bây giờ nó lạnh như thế này, còn phải chữa gì nữa?
2. Lý sự với quan
Ðể giữ trật tự trong hạt, ông quan nọ ra yết thị nói: "Ai đi đêm phải cầm đèn." Ðêm hôm sau, quan đi tuần, vấp phải một người. Quan quở:
- Thằng kia đi đâu? Không xem yết thị à?
Người ấy đáp:
- Bẩm có xem ạ!
- Thế sao đi đêm không cầm đèn?
- Bẩm có, đèn tôi đây.
- Thế sao đèn không có nến?
- Bẩm yết thị chỉ nói cầm đèn, chứ không nói trong đèn phải có nến ạ!
Sáng hôm sau, quan bổ sung tờ yết thị trước: "Ai đi đêm phải cầm đèn, trong đèn phải có nến."
Ðêm hôm ấy, quan đi tuần, lại vấp phải một người, Quan giận lắm, quở:
- Ði đêm, sao không có đèn, có nến?
Người kia đáp:
- Bẩm, tôi có đủ đèn, đủ nến, đấy ạ!
- Sao không thắp lên?
- Bẩm, trong yết thị không nói thắp nến ạ!
Quan thấp nói có lý, sáng hôm sau viết một tờ yết thị khác thật đầy đủ: "Ai đi đêm phải cầm đèn, trong đèn phải có nến, nến phải thắp sáng." Tưởng không còn ai bắt bẻ vào đâu được nữa!
Thế mà một hôm, nửa đêm, quan đi tuần, lại vấp phải một người có đèn, có nến, nhưng nến thắp hết rồi. Quan lại quở. Người kia đáp:
- Bẩm, trong yết thị không nói thắp hết cây nến này, phải tiếp cây khác ạ!
Quan ngẫm nghĩ một lúc rồi nhủ thầm trong bụng: "Văn chương khó thật! Mình viết một cái yết thị, sửa đi sửa lại ba bốn lần mà vẫn không gẫy gọn. Người khác xem vẫn hiểu lầm!"
3. Lý luận
Quan sai lính đi trát gấp, bảo anh lấy ngựa mà cưỡi, Anh lính dắt ngựa ra đường, nhưng không cưỡi, cứ xắn quần lên tận gối, cắm cổ chạy theo ngựa. Người đi đường lấy làm lạ, hỏi:
- Ðiên hay sao? Có ngựa mà không cưỡi chạy cho mau?
Anh ta trả lời:
- Khéo cho anh? Bốn cẳng mà nhanh hơn sáu cẳng à?
4. Thế thì không mất Cô chủ và con sen đi đò. Con sen ăn trầu thé nào, lỡ tay đánh rơi cái ống vôi bạc của cô chủ xuống sông. Sợ cô mắng, nó mới lập mưu, hỏi:
- Thưa cô, cái gì mà mình biết nó ở đâu rồi thì có cho là mất được không ạ?
Cô vô tình trả lời:
- Sao lại hỏi lẩn thẩn thế? Ðã biết nó ở đâu rồi, còn gọi là mất thế nào được!
Con sen nhanh nhẩu nói:
- Thế thì cái ống vôi bạc của cô không mất. Con biết nó nằm dưới đáy sông, con vừa đánh rơi xuống đấy!
5. Ði tìm chân lý
Một anh ngủ mê đến nỗi anh em bạn đùa, cạo trọc đầu, khiêng bỏ vào chùa, vẫn không hay bết gì cả. Khi tỉnh dậy, anh ta thấy mình nằm trong chùa. Sờ tay lên đầu, thấy đầu trọc lóc, liền nghi ngờ không biết có phải mình hay là sư! Ngồi thừ ra một hồi lâu, anh ta tự nhủ: "Cứ về nhà thì biết. Hễ là ta, thì chó không cắn, mà là sư, tất nó phải cắn!"
Về đến nhà, con chó thấy đầu anh ta trọc lóc, khác ngày thường, xô ra cắn. Anh ta nghĩ bụng: "Thế là không phải mình rồi." Liền bỏ nhà đi biệt.
6. Tự cao tự đại
Có một người mù cả hai mắt nhưng lại tự xưng là sành thưởng thức văn chương, nói rằng chỉ ngửi hơi văn cũng biết văn hay hay dở, hà tất phải đọc. Ông tú nọ đưa cho bộ Tây Sương Ký, anh ta lật qua lật lại rồi bảo:
- Tây Sương Ký đây mà!
Ông tú hỏi:
- Sao biết?
Anh ta trả lời:
- Ngửi có mùi son phấn!
Ông tú lại đưa bộ Tam Quốc ra hỏi. Anh ta ngửi, rồi bảo:
- Tam Quốc Chí đây mà! Ngửi có mùi binh đao
Thấy anh ta nói đúng, ông tú phục sát đất. Vốn là người tự phụ, cho rằng xưa nay chưa ai hiểu văn chương của mình, bấy giờ ông tú mới đem tập văn mình làm ra hỏi, chờ một lời khen. Anh ta ngửi, rồi bảo:
- Văn này là văn của ông chứ gì?
- Sao biết?
- Ngửi có mùi thum thủm!
7. Phiến diện
Có hai vợ chồng người nọ, chồng đui vợ điếc. Một hôm, họ dắt nhau đi đường, gặp một đám ma, vợ nói với chồng:
- Ôi chao! Cái đám ma to qúa! Bao nhiêu là cờ quạt!
Chồng liền mắng ngay:
- Cờ quạt đâu! Chỉ có kèn trống inh ỏi mà thôi!
Người vợ cãi lại:
- Trống kèn đâu nào? Cờ quạt nhan nhản ra kia, không trông thấy lại còn nói mớ.
Người chồng tức giận, quát:
- Mặc xác cờ với quạt! Người ta nghe trống kèn thì nói trống kèn thôi"!
Lời qua tiếng lại hai vợ chồng cãi nhau ầm ĩ. Có một người hiểu rõ đầu đuôi câu chuyện, cười bảo:
- Thôi, xin hai bác bình tĩnh. Bác trai không trông thấy cờ quạt, bác gái không nghe thấy trống kèn. Ðám ma có cả cờ quạt cả trông kèn. Người sáng mắt, sáng tai, ai cũng vừa trông thấy vừa nghe thấy cả. Thôi hai bác đi đâu thì đi, đứng đây cãi nhau về đám ma làm gì?
8. Chủ quan Có anh đánh đàn bầu rất xoàng, lại cứ tưởng mình hay. Một hôm anh ta mang đàn ra gảy thì nghe bên hàng xóm có tiếng khóc tỉ tê. Ðúng tiếng đàn bà, con gái. Anh ta nhớ lại, thì quả bên hàng xóm có chị góa chồng. Chồng chết đã đoạn tang rồi, còn nhớ thương gì nữa mà khóc! Nhưng rồi anh ta lại nghĩ bụng: "Không biết có phải tiếng đàn của mình làm cho chị ta xúc động hay không." Anh ta thử không gảy nữa xem sao. Quả nhiên chị kia không khóc nữa. Anh ta nghiệm ra rằng: cứ mỗi lần anh ta đàn thì chị kia lại khóc. Càng đàn, chị kia càng khóc lớn hơn! Anh ta khấp khởi mừng thầm. "Thôi chị này mê tiếng đàn của mình rồi!"
Từ đấy, cứ đêm khuya thanh vắng, anh ta lại đem đàn ra gảy hòng quyến rũ chị kia. Cho đến một hôm, anh ta chắc thầm là cá đã cắn câu, bèn lân la sang gợi chuyện:
- Chẳng hay chị có điều gì buồn phiền mà cứ mỗi lần tôi gảy đàn, chị lại khóc như vậy? Nếu tiếng đàn của tôi làm chị buồn thì từ nay tôi không gảy nữa!
Chị kia liền trả lời:
- Vâng, quả có như vậy. Cứ mỗi lần anh gảy đàn thì em lại nhớ đến nhà em lúc còn sống.
Anh ta như mở cờ trong bụng, hỏi:
- Thế ngày xưa, chắc anh cũng là tay đàn bầu khá lắm đấy nhỉ?
Chị kia lắc đầu:
- Không phải. Mỗi lần nghe anh đánh đàn em lại nhớ đến tiếng bật bông của nhà em nên em khóc.
9. Thầy bói xem voi Nhân buổi ế hàng, năm ông thầy bói mù chuyện gẫu với nhau. Thầy nào cũng phàn nàn không biết hình thù con voi nó ra làm sao. Chợt nghe người ta nói có voi đi qua, năm người chung nhau tiền biểu người quản tượng xin cho con voi đứng lại để cùng xem .Thầy sờ vòi, thầy sờ ngà, thầy sờ tai, thầy sờ chân, thầy thì sờ đuôi.
Ðoạn năm thầy ngồi lại bàn tán với nhau.
Thầy sờ vòi bảo:
- Tưởng con voi nó thế nào, hóa ra nó dài như con đỉa!
Thầy sờ ngà bảo:
- Không phải, nó cứng như cái đòn càn chứ!
Thầy sờ tai bảo:
- Ðâu có! Nó to bè bè như cái quạt thôi!
Thầy sờ chân cãi lại:
- Ai bảo? Nó sừng sững như cái cột nhà!
Thầy sờ đuôi lại nói:
- Các thầy nói không đúng cả. Chính nó tua tủa như cái chổi xể cùng.
Năm thầy, thầy nào cũng cho mình nói đúng, không ai chịu ai, thành ra xô xác, đánh nhau toạt máu đầu, chảy máu.
10. Máy móc Thầy đồ dạy học trò đối thì phải đối cho chọn thì mới hay. Một hôm thầy ra vế:
Thần Nông giáo dân nghệ ngũ cốc
Tất cả học trò đang ngồi nghĩ, thì một cậu đứng dậy, gãi đầu gãi tai:
- Thưa thầy, chữ thần con đối với chữ thánh, có được không ạ?
Thầy gật đầu:
- Ðược lắm.
- Chữ nông con đối với chữ sâu.
- Cũng được.
Ðược thầy khuyến khích, cậu ta nói tiếp:
- Chữ giáo, con đối với chữ gươm, chữ dân con đối với chữ quan, chữ nghệ con đối với chữ gừng, chữ ngũ con dối với chữ tam, chữ cốc con đối với chữ cò.
Thầy cho đối như thế là chọi từng chữ một, bảo đọc cả câu cho mọi người nghe mà bắt chước. Cậu ta vâng lệnh đọc lên:
Thần Nông giáo dân nghệ ngũ cốc
đối với
Thánh sâu gươm quan gừng tam cò.