Lõi đất
Đinh Ngọc Hùng
-Phải về lại làng.
Cha tôi bảo với cả nhà. Trừ mẹ còn lại ai cũng hoang mang. Làng nào nữa? Từ khi sinh ra, ngoài đất này, chúng tôi chưa từng nghe cha mẹ nói về nó. Mẹ ngồi im lặng.
- Dù mạt vận cũng phải về. Bán hết- Cha tôi nói như để dứt khoát với chính mình.
Ngày đi cha đi một mình. Ngày về, sau cha là mẹ, ba chúng tôi và bốn mốt con bò. Khi đó anh Sơn tám tuổi, chị Mài bảy tuổi và tôi sáu tuổi.
- Làng đấy! Cha chỉ lùm cây đen thẫm nằm thấp thoáng giữa cánh đồng xa xa.
Khi đến gần đó là một cây đa đại thụ. Sự trở về của năm con người và bốn mốt con bò trở thành sự kiện của làng Gò. Người ta đổ ra xem. Vài người à lên thỏa mãn khi nhận ra cha tôi.
Đêm đầu về làng, gia đình tôi cùng bốn mốt con bò nghỉ ở gò đất lớn đầu làng. Mẹ và chị Mài hạ củi bắc bếp thổi cơm. Lũ bò sau chuyến đi dài nằm ngả ngốn. Mùa tháng mười, sương xuống nhanh, chẳng mấy đã giăng khắp cánh đồng ải trắng. Tôi bị hút vào những ngôi mả vừa sang áo, tấm ván thôi và quần áo cũ vứt la liệt. Anh Sơn bá vai tôi. Không bảo tự dưng hai anh em rùng mình.
Làng tôi nghèo. Đếm khắp lượt không nổi vài gia đình khá giả. Phong cảnh chẳng có gì đặc sắc. Cái duy nhất người làng hay nhắc là ngôi đền thờ bà chúa Sao Sa với tám bia đá ghi danh những người đỗ đạt. Tự dưng tám bia đá biến mất. Sau này dân làng mới biết vợ chồng Độ đã chở về nhà đập nung vôi. Cũng chẳng sao. Ông đồ nho cuối cùng của làng đã mất cách đây tám năm, trong làng còn ai đọc được. Nhìn dãy bia đá sừng sững ở cổng đền, ngó trông uy nghiêm, trạm trổ tinh xảo song cứ như nom vào bức vách. Thành thử nó tồn tại hay không cũng chẳng ảnh hưởng đến cuộc sống người làng.
Sau tám bia đá, cây đa đại thụ từ thời khai lập làng- Cây đa cha chỉ cho chúng tôi dấu hiệu đầu tiên của làng khi cả gia đình về từ miền ngược- khô cành héo lá. Như mọi năm, mùa đông cây trút lá, đầu xuân lộc biếc đâm chồi, nhưng giờ tới tận hè, cũng chẳng nảy lộc nào. Cuối cùng phải đẵn bỏ, kẻo một dạo nữa cành mục, gió bão rơi vỡ ngói đền.
Một hôm có đoàn khảo cổ về làng. Lúc đó mọi người mới vỡ lẽ, họ muốn khảo cứu tám văn bia cổ. Nếu đúng như văn bản gốc nhà nước sẽ cấp bằng di tích văn hóa. Thôi rồi còn đâu. Tám văn bia giờ đã thành vôi vữa. Đoàn khảo cổ sửng sốt. Họ bảo vùng này còn chứa trong lòng đất vô vàn bí ẩn. Những người già trong làng ồ lên. Thảo nào ngoài đầm sậy, mấy nhà làm ghạch đào được mộ thuyền.
Vợ Độ phát điên. Chẳng biết do lấy tám tấm bia nên bị báo ứng hay điên vì người làng rủa. Khổ nhất là mấy đứa nhỏ, mẹ viện nọ viện kia, bị bỏ như đồ ba vạ. Đi xem thầy bảo: Thánh thần giáng tội. Suốt kiếp cứ lo làm trả nợ. Các thầy cao tay được đón về, bùa chú dán quanh nhà, chuông khánh cúng ma rộn rịch khắp làng. Rồi đền nọ miếu kia kêu cầu, cứ thấy bảo thiêng là tìm đến, hỏi chỉ thấy bảo sắp khỏi. Ai đời vụ cấy, gù lưng được mấy cái mạ, xâm xẩm tối lại lụi cụi nhổ lên.
Người già trong làng than thở từ dạo tám bia đá mất rồi cây đa chết, đất long mạch, đất học của làng bị triệt nên không còn ai đỗ vào đại học. Ngay người ra ngoài làm rạng danh làng xóm cũng không. Dân làng cứ luẩn quẩn quanh với đất làng. Cha tôi nói con cháu hiển đạt đều do mồ mả ông bà phát. Ngày xưa đã có chuyện thù nhau, mời thầy về yểm đất.
Về làng, việc đầu tiên cha tôi làm là bán tám con bò mua lại ngôi nhà cũ, mặc dù nó đổ nát và không xứng ngần ấy. Mẹ tôi xót của, cha tôi gầm lên:
- Dù có phải bán cả gia tài cũng mua.
Ba anh em tôi dạt ra góc vườn để tránh bất cứ thứ gì có thể phang vào đầu khi cha tôi lên cơn thịnh nộ.
Việc thứ hai, ông gọi thợ mổ mổ liền lúc hai con bò mời các họ trong làng. Trong làng có họ Phùng Văn, Trần Quốc, Nguyễn Đức, tôi hỏi còn họ Đinh thì sao. Ông nhổ toẹt bãi nước bọt:
- Trong mắt cái làng này cha mày chỉ là cục cứt.
Giọng nói của ông có sự hằn học khiến tôi ớn lạnh.
Phải mười năm sau tôi mới dám đổ lỗi cho cha về cái chết của mẹ. Lần đầu tiên ông không chửi tôi. Ông bảo, nếu tận mắt chứng kiến cái chết không theo quy luật của người thân, con người ta chỉ có thể nghĩ đến việc trả thù. Tôi uất nghẹn. Vì chuyện người chết cha bỏ mặc những người đang sống. Tại sao người ta chỉ thừa nhận nỗi đau người khác gây cho mình chứ không thừa nhận nỗi đau mình gây cho người khác. Tôi không rõ sao lần lượt từng người đàn bà trong làng ngả vào vòng tay cha. Phải cha có bùa chú? Khi mẹ chết tôi nhận ra, cuộc sống là hiện tại. Tương lai có thể đến, nhưng chưa chắc. Còn quá khứ sẽ không trở lại. Mỗi khi tôi đứng trước mộ mẹ điều đó lại được khẳng định.
Là anh em trai nhưng tôi trái ngược hoàn toàn anh Sơn. Anh Sơn cao, gầy, gương mặt sát lì lợm, ngược lại tôi được thừa hưởng nước da trắng trẻo, cặp môi đỏ của mẹ. Ai cũng bảo anh Sơn là đứa ương ngạnh. Tôi hoài nghi. Không biết bao lần tôi và chị Mài chứng kiến anh giơ lưng chịu đòn mà lỗi không thuộc về anh. Những lúc đó thương anh trào nước mắt, kéo anh ra bờ sông an ủi những câu ngô nghê. Nhưng sau này người dám trái cha là tôi chứ không phải anh Sơn.
Tôi còn nhớ khi thấy anh Sơn lê lết xin ăn trên xe buýt liên tỉnh. Đôi bàn tay giờ là chân xỏ trong ba chiếc dép nhựa được khâu cộp lại. Tôi giằng mũ xé nát, xé cả những đồng tiền hành khách bố thí ném ra khỏi xe.
- Về! Về ngay!- Tôi gằn giọng.
- Mày điên rồi Lộc ạ- Anh nói, mắt nhìn tôi vô cảm.
Tôi ớn lạnh giống buổi chiều tháng mười trước cánh đồng sương trắng xóa có những ngôi mả sang áo. Khi đã bình tâm lại anh nói:
- Số tao nó vậy đấy. Con người sinh ra phải có số của riêng mình. Cứ sống đi rồi khắc biết. Đừng bảo tao nói điêu.
ở làng anh là người đầu tiên mua được xe máy. Tiếng xe máy làm sửng sốt làng Gò không khác cái dạo gia đình tôi từ mạn ngược về cùng bốn mốt con bò. Nhưng anh gặp tai nạn thảm khốc cũng từ xe máy. Đâm vào cột mốc, thần chết chỉ lấy đôi chân cũng là phúc bảy đời. Nguyên nhân tai nạn do anh thua bạc, do vỡ nợ, do say rượu. Nguyên nhân thật khi biết cái thai trong bụng vợ không phải của mình. Dằn vặt tha thứ, không tha thứ đến nỗi đâm vào cột mốc. Khi anh phải cưa hai chân, không cần anh dằn vặt chị dâu tôi cũng bỏ đi. Thế mới biết lòng người đen bạc. ở đời , khi chưa gặp sóng gió, khi chưa thân bại danh liệt thì thói đen bạc còn chưa lộ mặt.
- Sống như vậy được sao? - Tôi hỏi.
- Được chứ. Tao đếch chết. Anh hằn học.
- Thiếu bàn tay đàn bà, thiên chức.
- Thiên chức, thiên chức. Việc ấy bọn gái điếm làm tốt nhất. Chỉ cần có tiền nhét vào ngực nó.
Không hiểu sao tôi cho rằng cái thai trong bụng chị dâu là của cha tôi. Tôi ghê tởm suy nghĩ của mình nhưng không sao gạt được nó khỏi đầu. Tôi còn mường tượng lúc thằng bé ra đời đi giữa cha và anh tôi gọi bố. Trong mắt người làng, mẹ tôi chết vì bệnh. Bệnh của mẹ có căn nguyên từ những người đàn bà. Mỗi người đàn bà ngả vào vòng tay cha là đẩy mẹ gần sự chết. Con người mẹ vốn cam chịu. Nước mắt có thể chảy ra ngoài nhưng nỗi đau nuốt vào trong. Phận người nhỏ bé, nỗi đau quá lớn, nó tàn phá mẹ đến kiệt cùng.
Cha tôi trả thù. Ông lôi về mớ thịt bèo nhèo, đỏ máu hì hụi xào nấu rồi bắc giữa nhà lấy rượu ngồi nhắm. Thấy tôi và anh Sơn ông gọi vào.
- Thịt đấy, ăn đi.
Anh Sơn ăn. Tôi cũng ăn. Ngon. Ròn. Ăn xong cha tôi bảo:
- Thịt người đấy, nhau bà đẻ.
Tôi và anh Sơn bưng miệng nhào ra sân nhổ phì phì. Dù móc họng cho nôn ọe nhưng chỉ nhểu ra được tí rãi rớt. Cha tôi làu bàu:
- Còn chưa bằng cái nhục cha mày.
Từ đó trong làng có đàn bà đẻ, cha tôi đến xin nhau thai. Cũng có người mê tín, nhưng khi cha bảo để làm thuốc chữa bệnh họ đều cho.
-Ăn đi.
Sau khi xào nấu cha lại gọi tôi và anh Sơn.
- Vì sao, và để làm gì?
- Để tao có cảm giác lũ người ở làng này đang bị ăn thịt.
Rượu nói hay cha nói? Lời người hay lời quỷ? Anh Sơn dè dặt ăn. Không biết thì thôi, chứ biết rồi đời nào tôi chịu.
- Lộc, mày không ăn à?
Một chén rượu hất thẳng vào mặt tôi. Tôi hốt hoảng ho sặc sụa.
- Cha để con ăn thay em.
Anh Sơn ôm ghì tôi. Tôi gạt tay anh, vùng chạy khỏi nhà. Tại sao người ta phải ăn thịt người? Trong những bánh nhau đỏ máu kia biết đâu chẳng có cái mang dòng máu của cha. Tôi rùng mình và lộn mửa. Mẹ ôm tôi khóc thầm mỗi đêm. Vài năm sau đó mẹ qua đời.
Chị Mài đem con về chơi. Thằng Hậu, thằngThủy đưa ánh mắt rụt rè nhìn ông ngoại, nhìn tôi.
- Lại đây cậu cho quà.
Hai thằng vẫn không nhúc nhích. ánh mắt chúng đang mang sao giống ánh mắt chị Mài ngày xưa.
- Anh Thập vẫn đối xử tốt với chị chứ?
Hành động của chị không ra gật cũng không ra lắc. Tôi hơi cợn trong lòng.
- Giờ ở Nam. Chắc độ tết nguyên đán mới về.
- Chuyện người ta đồn với người đàn bà kia có không?
Chị lắc như nói với mình.
- Không. Anh ấy không phải hạng người bạc bẽo.
Tôi bóp hai vai chị. Lâu lắm tôi mới có cảm giác chạm vào da thịt người thân. Tôi nói với chị:
- Bảo anh Thập, cha đuổi cũng phải về.
Chị Mài ngoan ngoãn gầt đầu. Suốt đời tôi sẽ không quên buổi chiều sau đình. Ba thằng đàn ông, một mình chị. Chúng là công nhân thi công đoạn đường chạy cắt mặt làng tôi. Tôi điên cuồng vớ ghạch đập túi bụi. Máu tóe đỏ. Đến khi định thần lại chỉ còn tôi và chị. Tôi sững sờ. Lần đầu tiên tôi nhìn chị rõ thế bằng ánh mắt một đứa trai. Chị ơi, ai bảo chị đẹp thế thảo nào. Sự co rúm của chị trước cái nhìn của tôi làm tôi sực tỉnh. Tôi bảo chị lánh tạm vào ruộng ngô để tôi về lấy quần áo. Đêm đó và nhiều đêm nữa, khi nỗi hận đã nguôi, tôi còn mãi ám ảnh hình ảnh chị chiều đó. Cha tôi ngã người khi biết chuyện. Chưa bao giờ tôi thấy gương mặt ông đáng sợ thế. Chưa bao giờ ông đau thế. Nó có giống nỗi đau ông gây không? Mỗi khi một gia đình trong làng lục đục hoặc lôi nhau ra tòa tôi lại tin có nguyên nhân từ cha. Và tôi tự hỏi, trong ngần kia gương mặt lũ trẻ choai trong làng đứa nào cùng huyết thống với tôi. Một câu hỏi tôi không muốn câu trả lời. Cái làng này đã làm ông đau đến mức nào mà ông hận nó thế? Khi cha tôi tìm đến dãy lán của đội công nhân làm đường, ba kẻ gây chuyện đã bỏ về quê. Về sau tôi nghe nói họ đã được điều đến làm việc ở nơi khác. Lần đầu tiên cha tôi bất lực vì không có chứng cớ. Đêm đó dãy lán công nhân bốc cháy. Tôi không làm. Cha tôi không làm. Tôi tin điều đó. Từ đó tôi thề, sẽ đập nát xác bất cứ thằng con trai nào lảng vảng quanh chị Mài. Chẳng thế mà anh Thập, anh rể tôi bây giờ đã mấy lần bị tôi cho tắm sông giữa mùa đông lạnh giá. Đến tận bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao khi anh Thập xin cưới chị Mài năm lần bảy lượt cha tôi không đồng ý.
Cha đi bốc mộ. Khi ông vào nhà mùi rượu sặc sụa. Âm khí từ người ông toát ra căn phòng lạnh lẽo. Tôi đã mấy lần có mặt trong những đám sang áo. Sau những lần đó, hình ảnh tấm ván thiên và chiếc đầu lâu thô lố hai hốc mắt cứ thường xuyên trở về ám ảnh. Nhất là khi cất mả cho mẹ. Nhiều năm sau, trong mơ, thỉnh thoảng tôi vẫn giật mình. Phải chăng đó là điểm đích của kiếp người? Tại sao cha lại chọn nghề bốc huyệt. Khi chưa tai nạn, anh Sơn cũng bốc huyệt. Nếu nghe lời cha, có thể giờ tôi cũng làm nghề bốc huyệt. Nghề bốc huyệt đến với cha khi có dự án mở đường chạy qua làng. Một ông thầy pháp bấm độn nói. Đất làng này cực vượng. Sắp đại lộc. Thiên thời, địa lợi có cả, chỉ còn lòng người xoay vần ra sao. Quả đúng như lời tiên đoán. Đầu năm sau, cán bộ khảo sát về đo đạc, vạch chỗ này kẻ chỗ kia và thông báo với người làng những diện tích đất thuộc vào diện quy hoạch sẽ được dự án đền bù thỏa đáng. Từ trước đến nay đất làng này có bao giờ ra gì đâu. Hoa mầu thu hoạch còi cọc, bán đổ bán tháo. Mấy chục mẫu đất chỗ con đường dự định chạy qua nứt nẻ vào mùa khô, sình lội vào mùa mưa. Điều băn khoăn con đường chạy qua mấy gò đất lớn, nơi đặt mồ mả ông bà. Thu xếp mãi cuối cùng mọi người cũng đồng ý di chuyển nghĩa địa đến nơi quy hoạch mới.
Trong lúc người dân làng Gò chờ ngày chuyển mộ, một sớm cha tôi khăn gói ra sông thuê một chiếc thuyền lớn ngược lên mạn Bắc Ninh. Cha tôi đi đâu, làm gì tôi, anh Sơn, chị Mài không biết. Chỉ thấy ông dặn chiều mai ra bến sông đón thuyền về. Chiều sau cha tôi cùng một chiếc thuyền chất đầy tiểu sành cập bến. Suốt chiều hôm đó, những chiếc tiểu sành được chuyển về xếp đầy cổng, đầy vườn nhà tôi. Hóa ra cha tôi lên làng gốm Phù Lãng. Ông đã tính toán đón đầu việc di dời nghĩa địa của làng. Chỉ buổi chiều hôm đó già nửa số tiểu sành đã được bán. Nhìn đống tiểu sành còn lại, anh Sơn lo lắng:
- Không khéo ế mất.
Cha tôi chửi:
- Trước khi lấy hàng về bố mày đã bỏ ra mấy ngày trên cánh đồng để khảo rồi. Cứ cho có nhà đã tính trước mua ngoài đi thì số mồ mả bị mất dấu tích còn nằm âm dưới lòng đất sâu kia.
Rồi cha bảo:
- Chờ đi, cái làng Gò này sắp có chuyện để xem.
Khi số tiểu sành trong vườn nhà tôi còn độ chục chiếc Chác chột chẳng biết lấy hàng ở đâu cũng đánh về một chuyến ô tô. Vợ Chác chột bế con khóc mếu từ đầu làng.
- Đã bảo đầu óc ngu hơn người ta thì đừng có tham. Ông bảo cái nước này chỉ mình ông nghĩ ra nhưng ông về mà xem. Người ta ăn xong ỉa xong từ kiếp nào rồi.
Chác chột ngồi phịch xuống cổng làng, mồ hôi vã ra như tắm. Suốt từ hôm đó nhà Chác chột không lúc nào ngớt tiếng cãi vã.
- Mồ ma lão Trí dị thường khi chết cũng dị thường- Cha tôi nói như một sự phát hiện- Hôm nay bốc mộ lão, cầm xương cốt lão trong tay thấy thật thỏa. Gian hùng chết cũng chỉ còn nhúm xương ngâm nước.
Tôi nhận rõ sự mãn nguyện ở ông.
- Cha nên chuyển nghề.
Ông lắc đầu.
- Vì sao?
Ông không đáp. Gần cuối bữa ông mới bảo:
- Tao không thiếu tiền.
Rồi ông mở tủ lôi ra một ống bơ đổ ra trước mặt tôi. Tôi lóa mắt. Đó là vàng khi ông bán đàn bò.
-Tao muốn xem người ta khi chết còn lại gì.
Người ta chết còn xương chứ còn gì? Ông lại lắc đầu. Tôi rùng mình. Ông bảo:
- Mày biết không. Mỗi khi tao cầm một cái sọ lên tao lại hỏi: Ông còn nhớ tôi không? Ông còn nhớ khi sống ông đã làm những gì không? Tất nhiên là nói bằng ý nghĩ. Nhưng những cái sọ hiểu cả đấy. Cái thì kinh hãi đối mặt với sự thật. Cái nhăn nhở cười xòa như muốn xí xóa. Cái lại cúi gằm vẻ ăn năn.
- Cha say rồi đấy.
- Còn lâu tao mới say. Chỉ khi không có rượu tao mới say. Những lúc rượu vào tao tỉnh tuốt.
Rồi ông chuyển câu chuyện sang tôi:
- Mày ra đi vì con Lý phải không? Mày là thằng không ra gì. Ra đi vì một con đàn bà là đồ vứt đi.
Có lẽ cha tôi đã say thật. Nhưng say cha vẫn đủ gợi lại nỗi đau trong tôi. Chị Lý là hàng xóm nhà tôi. Chị không cha. mẹ chị đi lấy chồng chị ở với bà ngoại. Khi bà ngoại chết, mẹ muốn chị về ở cùng song chị không chịu. Một mình ở lại nếp nhà của bà ngoại. Chị Lý đẹp chỉ có điều chị mắc bệnh động kinh. Chị hơn tuổi tôi, hơn tuổi chị Mài. Chị Lý để tóc dài, mái tóc của chị luôn bới lên đỉnh đầu. Nó chỉ xõa mỗi khi chị tắm hay gội đầu. ở giáp hai nhà có một cây chay ăn quả. Phía dưới cây chay là nhà tắm. Mỗi tối tôi chèo lên ngọn chay rình chị Lý tắm. Cuộc sống với người cha khắc nghiệt của tôi được xoa dịu bởi tiếng thùng chạm nhau, tiếng nước dội ào lách chách vọng ra từ đó. Và đêm đêm tôi lặng lẽ ngồi trên cây cho đến khi ánh điện nhà chị tắt. Một hôm, tôi choáng váng khi thấy một bóng đàn ông đi ra từ buồng chị. Tôi run lên khi nhận ra đó là cha tôi. Chưa bao giờ tôi ghét chị, ghét cha tôi dường vậy. Tòa lâu đài chị trong tôi xụp vỡ tan tành. Tôi những tưởng tiếng thùng chạm nhau, tiếng nước dội ào lách chách có thể xoa dịu khuyết hãm cuộc đời tôi nhưng tôi đã nhầm. Chị và cha tôi, họ là một. Tôi rời làng, tôi đi công nhân . Cuộc sống và nỗi đau đưa tôi đi hết nơi này đến nơi khác, thủy điện Hòa Bình, thủy điệnYaly, thủy điện Sơn La. Giờ tôi cũng đã lập gia đình.
Chẳng hiểu sao thương cha mà chị Lý vẫn đi lấy chồng . Chị lấy chồng xa lắm. Xa đến độ người ta không còn nhớ chị đã từng sống ở làng. Qua cửa sông, bây giờ là bến cát cha tôi nán lại. Chỗ này là nơi ông xuống thuyền rời làng đi. Chưa bao giờ tôi hỏi vì sao cha tôi rời làng bằng sông lại trở về từ rừng. Bến cát là nơi lần đầu tiên cha tôi thành đàn ông trước bà chủ. Có thể ông chủ phát hiện chuyện cha tôi với vợ mình nên đã tống cổ cha lên bờ. Cũng có thể vì lý do gì đó mà cha bỏ đi và gặp mẹ tôi. Một trăm phần trăm mẹ tôi là người Thái, đó là theo giấy khai sinh của ba anh em tôi. Cha tôi nói:
- Đừng để lũ trẻ mất gốc. Có dịp nào đó phải cho chúng về. Có trốn cũng không khỏi cái cốt của mình đâu.
Làng tôi có nhiều nhà cao tầng mọc lên giữa những lùm tre và nóc nhà ngói. Làng đang cựa mình. Cái mới đội, đẩy, cuốn theo cái cũ cùng vận động. Khác thật. Mới ngày nào làng chỉ là làng, bình lặng, khiêm nhường, nằm núp bên dòng Kinh Thầy êm đềm chảy. Giờ đây làng là một gã trai trẻ thích quậy phá, nhảy nhót, đôi khi thích cả sự mạo hiểm. Cha tôi, kẻ trí lự là thế cũng nhận một đòn choáng váng trước thời vận. Bao mưu mẹo ông tính toán xoay vần cái làng này theo ý mình thì giờ chính ông bị nó xoay lại. Ông già đi nhanh chóng, hốc hác. Người ta xì xào. Lão Nhân làm nghề bốc mả nhiễm bệnh âm. Riêng chỉ con cái ông: anh Sơn, chị Mài và tôi biết bệnh ông- Căn bệnh nan y hành hạ giai giẳng, tàn phá ông và những cuộc đời liên quan đến ông. Nhưng tôi biết ông sẽ chưa dừng lại. Mục ruỗng, nát bét, chỉ là cái vỏ. Có lẽ suốt đời tôi không thể thấu hiểu sự hằn học của ông với ngôi làng của mình, nơi ông đã đánh đổi tất cả để trở về.
Anh Sơn gọi tôi đến uống rượu. Nhìn anh với chiếc xe gắn máy tự tạo chở nước bán dạo trong bến xe tự nhiên tôi thấy an lòng.
- Cha nói không phải không có lý đâu.
Tôi trợn mắt. Anh Sơn vẫn giữ thái độ tự tại.
- Để như ngày nay, người nông dân đã phải đánh đổi nhiều thứ. Những xí nghiệp nhà máy đang làm cho cánh đồng hẹp lại. Rác thải ô nhiễm đang bốc mùi ở khắp các nguồn nước trong làng, chảy ra cửa sông. Những nơi ngày xưa anh em ta mò cua bắt hến giờ chim trời bay qua cũng rơi xuống chứ đừng nói các loài sinh vật sống được. Bệnh tật từ đó ra chứ đâu.
Uống rượu vào anh Sơn nói nhiều.
- Kết cấu làng xã vỡ thật rồi chú ạ. Ngay cả gia đình cũng không còn mang nguyên nghĩa nữa. Một trăm gia đình trong làng có tới sáu bảy mươi gia nhà có người đi xuất khẩu lao động, đi làm ăn xa. Nhà cửa khang trang đấy nhưng mười cái có tớigià nửa dị mọ, chỉ có vợ hoặc chồng. Ngày nay người ta coi chuyện hôn nhân đổ vỡ như trò đùa. Đây là thời của sự thực dụng, của vật chất.
Có tiếng xe máy xịch đỗ ngoài sân. Một người đàn bà phốp pháp, cặp mắt sắc xách mấy túi ni nông nhỏ bước vào. Đây là người đàn bà anh Sơn đang sống cùng ư? Tôi không có cảm tình với chị bởi cái nghiệt nó hiện ngay trên mặt. Có một chút đổ vỡ trong tôi. Nhưng tôi tự an ủi. Anh Sơn tôi như thế, vả lại sự chân thật và can đảm của chị là có thật khi chị về sống với anh tôi.
- Chú Lộc phải không? Anh Sơn phôn cho tôi chú tới nên tôi mua cái gấu bò cho anh em chú hàn huyên.
Chị lấy đĩa lần lượt bày các thứ, ngồi uống vài chén với anh em tôi trước khi cáo đi thu hồi nợ cuối năm.
- Em lo cho bố.
Anh Sơn lặng lẽ uống rượu. Hồi lâu anh nói:
- Mỗi người có một cuộc đời. Sống ác sống thiện cũng là sống. Đức phật đi tu để tìm đường cứu vớt chúng sinh. Ta sống trong kiếp người cũng là tìm một đường tu cho mình. ở đời sống sao cho không day dứt ân hận là được.
Tự bao giờ anh Sơn trở lên triết lý nhiều như vậy.
Cuộc đời dạy ta ngộ ra nhiều thứ. Có những thứ trọn kiếp người chưa chắc ngộ ra được.