Để phát triển tinh thần, chúng ta cần đến sự hiểu biết. Sự hiểu biết sâu sắc đặt chúng ta vào khuôn khổ đúng đắn của tâm trí, dẫn dắt ta đến với sự thông suốt.
Nó còn mang lại cho ta khả năng nhận biết sự việc với một cách nhìn hoàn toàn mới, loại bỏ các cách thức cũ, không có hiệu quả, mang lại một luồng sinh khí mới mẻ trước cuộc sống.
Sự hiểu biết, dù gọi nó là tri thức hay trình độ nhận thức, hay sự thông suốt, hoặc bằng một cụm từ có ý nghĩa to lớn nào khác, cũng sẽ chỉ mang lại kinh nghiệm thực tế khi nào ta hành động dựa trên sự hiểu biết ấy. Và kinh nghiệm thực tế có được, qua quá trình thực hành, sẽ biến lý thuyết thành hiện thực. Hiện thực làm tăng sức mạnh nội tâm. Quy trình này chính là một sự tiến bộ.
Sự hiểu biết đôi khi đến ngay với chúng ta nhưng thường thì cần phải có thời gian. Sự hiểu biết là nền tảng của sự học hỏi.
Trong học tập có sự tiến bộ và trong tiến bộ có niềm vui. Chúng ta hãy luôn học tập và thử nghiệm để tìm thấy niềm vui trong cuộc sống. Ví dụ, Leonard de Vinci muốn khám phá ra cách giúp con người bay. Nhưng những người cùng thời với ông khăng khăng rằng nếu Thượng đế muốn con người bay thì Người hẳn phải tặng cho chúng ta đôi cánh như Người đã tạo ra cho chim chóc. Họ cho rằng chỗ của con người là ở trên mặt đất. Bất chấp những lời này, Leonard vẫn cứ cố gắng. Dù cho thất bại, Leonard de Vinci vẫn được người đời nhớ đến qua những nỗ lực và ý chí của ông trước sự chống đối của những người cùng thời. Bốn trăm năm sau, phi trường ở Roma được đặt tên là phi trường Leonard de Vinci.
Sự thật thì điều chúng ta biết không bao giờ là đủ. Cuộc sống luôn tiếp diễn, luôn có những điều cần khám phá và luôn có những điều mới để học hỏi.
Sự kiên nhẫnKiên nhẫn là sẵn lòng làm việc để đạt được kết quả như mong muốn. Điều tốt đẹp, tích cực và sự thật không thể có được ngay tức thì hay tự động mà có, chúng đòi hỏi phải có thời gian và phải trải qua quá trình tiến triển theo từng giai đoạn.
Có những lúc chúng ta phải hành động, nhưng cũng có những thời điểm chúng ta cần phải biết chờ đợi. Sự thành công chỉ đến khi chúng ta có những quyết định hợp lý, đúng lúc. Con người thường cứ cố buộc sự việc phải xảy ra. Đôi khi sự ép buộc này có hiệu quả, nhưng sau đó, trong chúng ta không còn cảm giác đã hoàn thành một cách đúng nghĩa. Nếu sự thành công được gặt hái qua một cuộc chiến hay một vụ xung đột thì chiến thắng ấy cũng chỉ là một sự trống rỗng.
Những thành quả tốt đẹp nhất không chỉ phụ thuộc vào bản thân chúng ta hay công sức của riêng ta mà còn đến từ việc học cách chấp nhận thực tại - hoàn cảnh và những người trong mối quan hệ của chúng ta. Hãy để họ là chính họ và những tình huống diễn ra một cách tự nhiên. Chắc chắn rằng mỗi việc chúng ta làm đều có một mục đích rõ ràng, tuy nhiên, chúng ta cũng không nên bám quá chặt vào mục đích, tìm cách đạt được nó bằng mọi giá. Chính sự đeo bám đó sẽ khiến kết quả công việc của chúng ta bị hạn chế. Khao khát đạt được thành quả sẽ tước đoạt sự trong sáng khỏi những hành động của chúng ta. Lúc đó, những gì chúng ta làm đều phụ thuộc vào sự toan tính.
Bạn có biết công việc của người làm vườn diễn ra như thế nào không? Đầu tiên là chọn đất, chọn giống theo mùa vụ thích hợp. Sau đó sẽ là việc cày xới đất, gieo hạt, rồi tưới nước. Tiếp theo, anh ta phải đảm bảo luôn có đủ nước cho khu vườn, ngăn ngừa côn trùng tấn công. Nhưng vẫn chưa đủ, khu vườn của anh ta tươi tốt hay lụi tàn còn phụ thuộc rất nhiều vào việc thiên nhiên có ban tặng điều kiện sống thích hợp cho nó hay không. Anh ta hợp tác và giúp đỡ khu vườn, nhưng không thể can thiệp được vào các quy luật của tự nhiên: bão tuyết, giông tố, ngập úng, nắng hạn... Khu vườn đẹp là sản phẩm của sự hợp tác giữa anh ta và thiên nhiên. Anh ta cần biết đặt mình vào những quy luật của thiên nhiên, hiểu được rằng khi nào thì nên xen vào và khi nào thì phải chờ đợi.
Thành công thật sự luôn dựa trên sự cộng tác tích cực. Người cộng tác không chỉ nhìn thấy vai trò của mình mà còn nhìn thấy vai trò của người khác. Và bản thân chúng ta cũng không quên trách nhiệm của riêng mình trước sự đóng góp của người khác. Chúng ta không được quên quy luật quân bình.
Người làm vườn phải hiểu quy luật quân bình, nếu không, anh ta sẽ hoặc làm việc quá nhiều hoặc lại làm quá ít, và vụ mùa sẽ không thu hoạch được như mong đợi. Người làm vườn phải tôn trọng thời gian, phải có lòng kiên nhẫn chờ đến đúng mùa mới gieo trồng, bởi nếu gieo hạt giống không đúng thời điểm, hay không đúng mảnh đất phù hợp, thì có chăm chút bao nhiêu đi nữa cũng bằng không. Tuy thế, chỉ riêng sự kiên nhẫn thôi chưa đủ. Kiên nhẫn mà thiếu hiểu biết, chúng ta sẽ đánh mất đi những cơ hội tốt đẹp. Mọi hành động chỉ cho kết quả tốt đẹp khi chúng ta biết thực hiện đúng lúc và đúng cách.
Không hành động không có nghĩa là kiên nhẫn. Không hành động có thể đồng nghĩa với sự thờ ơ, hờ hững. Một khi châm chước trước thái độ thờ ơ, hờ hững thì trong nội lực chúng ta không còn chỗ cho khát vọng nỗ lực, phấn đấu hay tự cam kết với chính mình.
Chúng ta nên gieo những hạt giống hành động đúng đắn và tưới chúng bằng tinh thần trách nhiệm và sự chăm chút. Đừng bao giờ gò ép hành vi hay tìm cách đi ngược lại quy luật tự nhiên, vì như thế, những tham vọng, những thèm muốn ích kỷ sẽ phá hủy vụ mùa. Không thể có được thành công - đúng nghĩa hạnh phúc và mãn nguyện - nếu như luôn có một sự can thiệp và thao túng của tham vọng và những suy nghĩ không trong sáng. Chúng ta phải làm việc bằng sự tôn trọng đối với những quy luật tự nhiên và điều tốt đẹp vốn có sẽ hiện ra từ bản chất sự việc.
Tính trung thựcĐôi khi, chúng ta vất vả để thay đổi cuộc sống theo hướng tốt đẹp hơn, nhưng đôi khi ta lại không cố gắng đúng mức.
Chúng ta phải phấn đấu. Cố gắng là điều cần thiết nếu chúng ta muốn tiến bộ. Hoàn cảnh, các mối quan hệ và số phận của chúng ta chỉ là tiếng vọng đáp lại của cách tư duy và hành động của chúng ta, vì vậy chúng ta phải chịu trách nhiệm với bản thân mình. Điều thiết yếu duy nhất là chúng ta có thể thay đổi bản thân, thay đổi được cách suy nghĩ và hành động của chúng ta.
Cam kết tiến bộ là điều rất cần thiết. Sức mạnh của sự cam kết là ở chỗ nó chuyển tải đến chúng ta nguồn lực luôn sẵn có cho mục đích nhận ra được mục tiêu phấn đấu của chúng ta. Nếu trung thực với chính mình, chúng ta sẽ đạt được cam kết chịu trách nhiệm về sự tiến bộ đó.
Chúng ta không buộc phải hoàn hảo, nhưng phải trung thực. Tính trung thực khiến chúng ta có cái nhìn thực tế trước những gì mình có thể làm được và những gì không làm được. Chúng ta phải ý thức làm việc hết mình, tùy theo sự hiểu biết và năng lực của bản thân. Nhưng chúng ta cũng phải biết cách bước lên những nấc kế tiếp của chiếc thang tiến bộ. Đừng bao giờ gây áp lực cho mình khi bước lên chiếc thang đó nếu chúng ta chưa chuẩn bị sẵn sàng, nhưng hãy luôn nhớ rằng còn có những nấc thang cao hơn so với nấc thang mà chúng ta đang đứng. Chuẩn bị sẵn sàng vào lúc leo thang. Đó chính là sự trung thực.
Cố gắng phấn đấu trung thực với bản thân nghĩa là giữ cho chúng ta luôn trong tư thế sẵn sàng đón nhận những bài học từ cuộc sống. Dù có làm được nhiều đến đâu, biết hoặc hiểu nhiều đến đâu chăng nữa, chúng ta vẫn luôn luôn có nhiều điều cần học hỏi.
Tính trung thực cần đến sự khiêm tốn.
Biết tha thứKhả năng tha thứ cho người khác tùy thuộc vào việc ta trung thực với chính mình nhiều hay ít. Chúng ta có sống thanh cao, hoàn hảo và trong sạch mà không hề có lấy một suy nghĩ sai trái, một lời nói hay một hành động sai nào không?
Khi chúng ta nhìn thẳng vào những thiếu sót của bản thân thì sự giận dữ của ta đối với người khác biến mất. Trong quá khứ, tất cả chúng ta đều đã từng hành động sai trái, có thể do chưa phân biệt được đúng, sai hoặc do sợ hãi hay hiểu lầm.
Nhìn lại quá khứ, phần lớn chúng ta thấy hối tiếc về những điều đã nói hay đã làm. Thời gian qua đi, tri thức của ta ngày càng nhận ra một cách rõ ràng điều gì đúng và bắt đầu sửa chữa sai lầm. Với ước muốn mạnh mẽ về việc sửa sai, ta bắt đầu quá trình tha thứ cho chính mình. Nếu tha thứ được cho mình, ta phải tha thứ cho người khác. Ta không thể lên án người khác và biện hộ cho mình, như thế là lừa dối và sẽ không được mọi người chấp nhận. Sức mạnh tha thứ bắt nguồn từ sự đồng cảm. Sự tha thứ làm tan đi nhu cầu chứng tỏ rằng ta đúng, gột bỏ sự phẫn nộ mà ta cảm nhận, đôi khi chỉ là trong tưởng tượng.
Nếu ta không học cách tha thứ thì sự oán giận sẽ đầu độc ta. Những ai không tha thứ, những ai cứ khăng khăng nắm vai trò của vị quan tòa, phải nghĩ đến việc nhận lại điều hệt như họ đã từng làm với người khác. Làm sao khác được?
Khi không tha thứ, ta mang một gánh nặng gấp đôi: cả những ý nghĩ oán trách về sự không công bằng của người khác lẫn sự che giấu về sự không công bằng của chính ta. Sự tha thứ giải thoát chúng ta khỏi những cảm xúc cay đắng này.
Tha thứ nghĩa là đồng cảm và bình yên tiến về phía trước với điều tốt, và hướng tới điều tốt đẹp hơn. Tha thứ làm tan chảy sự chai sạn trong lòng người khác. Sự tha thứ của ta thoạt đầu có thể làm người khác khó xử. Thậm chí, người ta còn đề cao cảnh giác với chúng ta nữa, nhưng cuối cùng, họ sẽ cảm kích và tôn quý hành động cao cả này.
Tha thứ và quên đi là sự yêu thương trong hành động. Nhưng ta phải học tha thứ cho mình lẫn tha thứ cho người khác, nếu không quá trình giải thoát khỏi gánh nặng này sẽ không thể bắt đầu hay có tiến triển. Ước muốn vượt thoát của ta hoàn toàn bị chặn đứng.
Tha thứ là biết bỏ qua quá khứ, nhưng đồng thời còn có nghĩa là không lặp đi lặp lại cùng một lỗi lầm, không cố tìm cách biện minh cho mình.
Một người mà trong thâm tâm luôn cay nghiệt chống đối người khác thì dẫu mọi người có yêu thương và nhân từ với họ, họ vẫn không thể cảm nhận được. Nếu muốn được tha thứ thì trước hết ta phải sẵn lòng tha thứ. Sự dũng cảm tiên phong trong hành động là dấu hiệu thực thụ của một con người chính trực. Mở lòng tha thứ trước không chỉ chứng minh được rằng ta là người quân tử mà còn cho thấy lòng yêu thương của ta nữa.
Chúng ta thường hồi tưởng quá khứ và nhận lấy từ đó nỗi buồn phiền. Vì vậy, nỗi bất hạnh cứ mãi đeo đẳng chúng ta, thậm chí còn tăng lên. Càng tiếp tục sửa sai, chúng ta càng cảm thấy người khác cư xử với mình cứ như là các luật sư đang gắng sức chứng minh cho quan điểm của họ. Cuối cùng, chúng ta trở thành những người thất bại, chúng ta cho đi hết mọi tài sản quý giá, và rồi hạnh phúc cũng ra đi. Sự tha thứ dựa trên nền tảng của sự thông cảm sẽ cho phép chúng ta tự do. Điều này cũng giống như việc mở cánh cửa tâm trí để quá khứ thoát ra, và chúng ta thành những con người tự do thật sự. Dành thời gian tìm hiểu sự yếu đuối ẩn sau hành vi của người khác, và sự phức tạp của từng tình huống sẽ cho phép chúng ta bắt đầu một sự tha thứ. Quan điểm học tập từ những tình huống cụ thể và phát triển nó giúp chúng ta tiến về phía trước cùng với sự tha thứ. Tha thứ cũng cho phép chúng ta sống ở hiện tại. Khi cứ bám giữ vào quá khứ hay lo lắng quá nhiều về tương lai, chúng ta sẽ không thể nào thưởng thức được vẻ đẹp của hiện tại.
Khiêm nhường không phải là quỵ lụyKhiêm nhường là rộng mở tâm hồn để học hỏi và thay đổi. Khi có lòng tự trọng, chúng ta sẽ có tính khiêm nhường. Lòng tự trọng xuất phát từ ý thức rằng chúng ta chỉ là một phần của tổng thể.
Khiêm nhường chỉ cho ta thấy rằng, cá nhân mỗi người không phải là tất cả, cũng không phải là vô nghĩa, và nhờ đó, chúng ta giữ được sự cân bằng. Nếu nhận ra điểm mạnh và điểm yếu của bản thân và không bị trói chặt bởi chúng, chúng ta sẽ khắc phục được điểm yếu và phát huy được điểm mạnh. Chẳng hạn, những phẩm chất tích cực sẽ phát triển và giúp ích cho người khác nếu chúng ta biết nuôi dưỡng và trân trọng chúng. Đồng thời, chúng ta cũng sẽ khắc phục được những yếu kém của mình nếu có sự quan tâm và lòng chân thành.
Khiêm nhường là hàng rào bảo vệ tốt nhất cho chúng ta tránh khỏi bờ vực của thói kiêu căng và tự mãn. Nó cảnh báo trước cho ta biết mọi khả năng có thể xảy ra, giúp ta có thể chuyển từ khả năng thất bại sang cơ hội chiến thắng.
Khiêm nhường là thành quả của lòng tự trọng. Một người khiêm nhường không bao giờ sợ bị tổn thương hay mất mát. Nếu chúng ta muốn một điều gì đó luôn tồn tại trong bản thân mình thì không ai và không điều gì có thể tước đoạt được sức mạnh nội tâm đó. Nhờ nảy sinh từ sự yên ổn nội tâm, khiêm nhường khiến chúng ta trở nên cởi mở, hợp tác và sẵn sàng tiếp nhận, học hỏi những suy nghĩ cũng như ý tưởng mới.
Khiêm nhường là bằng chứng của sự tự chủ, của khả năng chiến thắng "cái tôi" và sự sở hữu - những thứ có thể đẩy một cá nhân vào vòng quay của trò chơi quyền lực, từ đó đánh mất lòng tự trọng và tình cảm trong các mối quan hệ.
Đừng bao giờ hành động như thể chúng ta là chủ nhân của bất cứ điều gì hoặc bất cứ ai. Quyền sở hữu tạo nên nỗi lo sợ bị mất mát. Những người cho rằng họ đang sở hữu điều gì đó sẽ luôn mang tâm trạng nghi ngờ, cảnh giác. Có một nghịch lý là khi ta không cố chiếm giữ, ta lại nhận được mọi thứ.
Hãy dành thời gian để lưu giữ một nguồn năng lượng dồi dào về tinh thần và tình cảm, đừng nhọc công theo đuổi những toan tính ích kỷ hay những trò giật dây xảo trá. Nhờ đó, chúng ta sẽ làm chủ được bản thân. Một người làm chủ được bản thân sẽ hiểu được những nguyên lý vĩnh cửu của vũ trụ. Người làm chủ bản thân là người khiêm nhường và tự lực, biết duy trì sự cân bằng và hòa hợp. Sự khiêm nhường tuyệt đối được thể hiện ở chỗ chúng ta nhận ra và chấp nhận rằng có những quy luật nằm ngoài luật lệ thông thường của con người, chúng ta không thể thiết lập những tiêu chuẩn cho vũ trụ. Chúng ta hãy gắn kết bản thân với những nguyên lý này để tìm kiếm con đường cho chính mình, và tìm kiếm tự do.
Chấp nhận những quy luật siêu phàm không có nghĩa là suy nghĩ của chúng ta bị giới hạn hay bị phủ nhận. Ngược lại, chúng cho phép chúng ta bộc lộ bản thân mình đầy đủ và rõ ràng hơn. Biết tôn trọng người khác, tôn trọng quy luật tự nhiên, chúng ta sẽ duy trì được sự hòa hợp.
Nhờ khiêm nhường, ta nhận ra mọi sự vật, mọi cá nhân đều có quyền tồn tại trong hòa bình, tự do và hạnh phúc. Đó là một nguyên lý bất diệt.
Luồn cúi trong các mối quan hệ hay hạ mình trước vật chất là kết quả của nỗi sợ hãi - nỗi sợ hãi chính mình - và sự thiếu can đảm để đối diện với bản thân, thiếu dũng khí để thay đổi. Khi không có cái nhìn sâu sắc về bản thân, chúng ta trở nên e sợ trước thái độ của xã hội và những người liên quan đến chúng ta.
Khiêm nhường cho chúng ta khả năng tự suy xét nội tâm. Chúng ta bắt đầu xem xét đến những cảm xúc tiêu cực đã ngăn cản những hành động của mình. Để đạt được sự khiêm nhường, chúng ta phải học cách nhìn nhận bản thân một cách đúng đắn và chân thành. Nếu không biết khiêm nhường, chúng ta sẽ bị "cái tôi" làm lu mờ và bị cuốn theo những tham vọng cá nhân.
Khiêm nhường mở ra cánh cửa của sự tự nhận thức. Khi chúng ta phát triển khả năng tự nhận thức, khả năng tự đánh giá cũng sẽ phát triển, từ đó hình thành năng lực nhận biết. Với nội tâm vững vàng, chúng ta không sợ hãi trước những điều khác lạ xảy ra. Không có ước muốn được sở hữu và tích góp, chúng ta sẽ trở nên tự do và trưởng thành trong sự tự do nội tại đó.
Chúng ta biết rằng chân lý sẽ được thực hiện vào đúng thời điểm. Khiêm nhường là một biểu hiện khác của lòng tự trọng. Càng khiêm nhường bao nhiêu, càng tự trọng bấy nhiêu. Không ai, hay không điều gì có thể đe dọa chúng ta. Khi đó, chúng ta thực sự sống trong tự do hoàn toàn.
Sự chân thậtSự chân thật là uy lực, là sức mạnh, là nguồn lực nội tại cung cấp các phương pháp giúp tâm trí, tình cảm và đời sống tinh thần của ta được lành mạnh.
Sự hài lòng đến khi một người sống bằng sự trung thực và giản dị. Hài lòng nghĩa là ta vượt qua những ham muốn phù du. Người ta nói rằng, bạn có thể nhận định được sự chân thật của một người thông qua mức độ hài lòng của người đó.
Để phát triển nội lực, ta cần trung thực. Trung thực nghĩa là áp dụng được sự chân thật trong cuộc sống hàng ngày. Không có sự trung thực, ảo tưởng sẽ thống trị. Càng nhiều ảo tưởng, ta càng trở nên yếu đuối.
Dù có nhiều kiến thức đến đâu đi nữa, nếu không trung thực, ta vẫn không thể nhận thấy rằng cần phải nhìn vào nội tâm để tìm thấy những điều cần thay đổi. Sự trung thực hướng ta tập trung chú ý vào chính mình thay vì chú ý vào người khác.
Nơi đâu có sự trung thực thì sẽ không có sự lười biếng, nỗi sợ hãi hay sự lệ thuộc. Lười biếng là sự bám víu vào những gì nhàn hạ, vào những cách suy nghĩ tối giản hóa mọi việc miễn sao cho tiện lợi. Không có một khát vọng thay đổi! Ý thức không vươn đến tầm cao được là do ý thức cứ mải mê với những lề thói quen thuộc của nó.
Sợ hãi đơn giản chỉ là thiếu hiểu biết. Lệ thuộc dẫn đến sợ hãi. Đôi khi ta thấy sợ chỉ vì có điều gì đó không quen thuộc. Khi trung thực, người ta sẵn lòng thay đổi, bởi sự yên tâm của họ không phải do họ tuân theo những quy chế hay những tiêu chuẩn của xã hội mà xuất phát từ sâu trong nội tâm. Những người chân thật biết rằng khi thay đổi, họ không thể mất gì, thậm chí còn có thể học hỏi thêm.
Một người càng bị lệ thuộc vào một khuôn mẫu suy nghĩ, vào một người nào đó hay một vai trò nào đó thì càng sợ bị mất mát. Họ không biết rằng sự yên tâm do lệ thuộc mang lại chỉ là sự ảo tưởng. Thực tế cuộc sống cho thấy, bất cứ điều gì đến với ta từ bên ngoài đều có thể biến mất bất kỳ lúc nào. Lúc đó, ta sẽ neo vào đâu? Nếu không trụ lại với cái tâm, ta sẽ chịu thống khổ.
Sự lệ thuộc không tạo nên một quan hệ tốt đẹp. Nó tạo nên sự ràng buộc. Nghĩ rằng có một ai khác có thể làm ta hoàn toàn hài lòng thì phi lý như việc mò kim đáy bể! Không có sự thành thật trong một quan hệ dựa vào sự lệ thuộc. Đó là lý do vì sao lại có sự sợ hãi và bất mãn. Chúng ta phản ứng quá đáng, tưởng tượng thêm và rồi chuyện bé xé ra to.
Sự lười biếng, sợ hãi và lệ thuộc thường được biểu lộ qua một vài cụm từ quen thuộc: "Tôi không thể", "Tôi không biết", "Tôi không hiểu", "nếu", "có thể", "đôi khi", "không bao giờ", "có lẽ", "ngày mai", "sang năm tới"... Đây là những cách nói chúng ta dùng để biện hộ cho mình hay để trì hoãn mọi việc. Thái độ này chẳng bao giờ mang lại sức mạnh cho ta.
Thông thường, nội lực mang lại ngoại lực để biến suy nghĩ thành hành động. Người có nội lực nhìn sự việc từ xa trong một bối cảnh chung. Cách nhìn này giúp ta có thể giải quyết sự việc hiệu quả hơn.
Tránh thói quen đổ lỗi - Có những người luôn luôn nhận hết lỗi về mình. Khi xảy ra bất kỳ việc gì sai trái, họ mặc nhiên cho rằng đó là lỗi của họ. Sự thiếu tự trọng, thiếu tự tin khiến họ nghĩ rằng mình luôn có lỗi.
Thời gian qua đi, điều này đẩy họ tới suy nghĩ rằng họ không xứng đáng được hưởng hạnh phúc hay yêu thương, rằng những phiền muộn và thống khổ là sự trừng phạt hợp lý mà họ gánh chịu. Họ đánh mất sức mạnh và tầm nhìn để tìm giải pháp.
Lại có những người luôn xem người khác là nguyên nhân của những điều không may xảy đến với họ. Nguyên nhân chính của sự đổ lỗi này là do họ không sẵn lòng nhận trách nhiệm về những chọn lựa của riêng mình. Có thể ta sẽ thấy thoải mái hơn và thuận tiện hơn khi có người khác giơ đầu chịu báng thay mình, nhưng thật ra, chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội thay đổi cách suy nghĩ, bỏ mất những cơ hội của hiện tại.
Những rắc rối và khó khăn là dấu hiệu cho biết ta cần thay đổi thái độ và cách cư xử của ta. Chúng ta cần nhận biết những yếu kém của mình và nhận trách nhiệm về cho những gì ta chọn lựa. Khi nhận trách nhiệm, ta đạt được sự tự do.
Người khác không là nguyên nhân lẫn giải pháp cho hạnh phúc của ta. Chúng ta sẽ chẳng bao giờ tìm ra giải pháp nếu cứ mải tìm cách đổ lỗi cho người khác. Đầu óc ta sẽ chỉ chất chứa sự oán trách, thù hằn và vô vọng. Ta sẽ mất đi sự sáng suốt để có sự chọn lựa khôn ngoan.
Đổ lỗi cho người khác còn có nghĩa là bào chữa cho sự thiếu trách nhiệm của riêng ta. Chỉ khi nhận lỗi về phần mình, ta mới có thể rũ bỏ được cảm giác tội lỗi và mặc cảm của mình. Hiểu sâu sắc về những giá trị nội tại của tinh thần mang đến cho ta sự thông thái để bỏ xa cả hai điều này.
Sự quân bình- Quan tâm chăm lo cho đời sống tinh thần của mình không có nghĩa là phải đi đến những lớp dưỡng sinh, chăm chỉ nguyện cầu hay thực hiện những nghi thức tôn giáo. Làm phong phú đời sống tinh thần còn có nghĩa là học cách giữ quân bình.
Sự quân bình giúp chúng ta có được sự tiên liệu trước, nắm trong tay thực tế của hoàn cảnh và biết tránh sự quá khích - là nguyên nhân chính gây chia rẽ và ngăn cách. Trong quân bình có sự dung hòa, thậm chí với những điều có vẻ trái ngược nhau.
Những người có ý thức về đời sống tinh thần hiểu rằng bất cứ điều gì xảy ra trong cõi trời đất bao la này đều được tạo thành bởi vô số yếu tố, mà yếu tố nào cũng cần thiết cả. Chúng như những sợi chỉ muôn màu muôn sắc được dệt chung để tạo nên một tấm thảm kỳ diệu của cuộc sống.
Tạo sự quân bình là biết cách nắm giữ và đan xen các sợi chỉ ấy lại với nhau một cách hài hòa. Thước đo cho sự thông tuệ của một người là khả năng giữ quân bình của người đó. Quân bình là sự hài hòa và trật tự, là sự bình yên.
Trong thế giới ngày nay, không dễ gì giữ được quân bình: chỉ một suy nghĩ hay một lời nói tiêu cực thôi cũng có thể đẩy chúng ta ra khỏi sự quân bình. Chúng ta như những người đi trên dây. Để có thể thành công đi sang đầu bên kia sợi dây, ta cần cẩn thận đặt bước chân nọ sau bước kia còn tay thì giữ thăng bằng. Chỉ cần bước đi hơi chệch một chút, một đầu sào hơi nặng một chút, là ta sẽ đổ nhào. Để đến được đầu dây bên kia, mỗi bước chân phải chính xác - đòi hỏi ở ta sự quân bình của nhiều đức tính khác nhau. Không nên quá thiên lệch một bên, hoặc chỉ chú trọng đến một vài đức tính, bằng không ta sẽ bị mất thăng bằng. Ví dụ, sự ngọt ngào trong cung cách ăn nói có thể là biểu hiện của một bản chất tốt bụng và hiểu biết. Tuy nhiên, nếu quá ngọt ngào, ta sẽ giống như mật ong làm rít tay người khác. Sự bó buộc, khách sáo trong giao tiếp sẽ khiến cả đôi bên mất quân bình.
Thậm chí, những điều tích cực cũng cần sự quân bình. Chẳng hạn, ta cần có quyết tâm cao để đạt được mục tiêu. Lòng quyết tâm tạo ra sức lực và sự tập trung cần thiết để hoàn thành mục tiêu. Nhưng nếu vượt quá giới hạn, quyết tâm có thể biến thành cố chấp và hẹp hòi. Vậy nên, quyết tâm cần được quân bình với kiên nhẫn và sự uyển chuyển.
Mỗi giá trị khi đem ứng dụng đều mang lại lợi ích, nhưng để giữ được quân bình thì mỗi giá trị lại cần sự tách biệt trong chừng mực nào đó. Nếu ta áp dụng một giá trị nào đó đến độ trở nên cực đoan thì giá trị ấy trở thành một điều tiêu cực. Với sự tách biệt, mọi thứ giữ được quân bình.
Có nhiều đức tính và phẩm chất cần thiết khác trong đời cần đến sự quân bình. Chúng ta cần vững tâm để đối mặt với nhiều tình huống khó khăn, nhưng đừng nên quá cứng nhắc đến độ không quan tâm đến sự đau khổ của người khác. Chúng ta nên trở thành người hài lòng bằng cách biết trân trọng những gì chúng ta có được trong đời, nhưng đừng bao giờ quá hài lòng đến độ không phấn đấu để tiến bộ. Chúng ta nên rộng lượng, thông qua sự khoan dung và khiêm tốn, nhưng đừng bao giờ dễ dãi với những nguyên tắc của ta để đến mức phải hối hận. Chúng ta quan tâm đến người khác nhưng không cần phải lo lắng về họ. Sự lo lắng xuất phát từ sự sợ hãi, và việc lo lắng chẳng giải quyết được gì. Quan tâm là chăm lo, nhưng để giúp được người khác, chúng ta cần phải sáng suốt và không lo sợ.
Chúng ta nên tự nhiên nhưng không được bốc đồng. Nếu bốc đồng, ta sẽ hành động mà thiếu suy nghĩ. Những tình cảm bốc đồng có thể rất tiêu cực. Những cảm xúc yêu thương và niềm vui thuần khiết, nếu đó là những cảm xúc chân thực, sẽ có tính tự nhiên và tự phát.
Chúng ta phải thử thách nhưng không bao giờ khiêu khích. Để tiến bộ và có những thay đổi tích cực, chúng ta cần thách thức bản thân mình và người khác suy nghĩ và hành động theo những cách mới. Sự khiêu khích, ngược lại, có nền tảng là sự chế giễu. Chế giễu hay nhạo báng những gì người khác tin tưởng thì chỉ có tính phá hủy chứ không bao giờ có ích cả.
Chúng ta phải có nguyên tắc nhưng không giáo điều. Nguyên tắc là cần thiết. Là thành viên của nhân loại, ta cần làm những gì đúng đắn và công bằng nhằm bảo vệ sự an nhiên của mọi điều. Tuy nhiên, ta cần gìn giữ sự nhạy cảm của mình đối với nhu cầu của người khác và tuân theo những quy luật của muôn đời tạo nên lòng nhân từ.
Sự quân bình khiến cuộc sống bình yên và hạnh phúc. Khi có sự thông hiểu sâu sắc, chúng ta sẽ đạt đến sự quân bình.
Lời cảm ơn- Quyển sách Tư duy tích cực đã trở thành người bạn nhỏ và cũng là quà tặng của nhiều người từ nhiều năm qua, kể từ lần xuất hiện đầu tiên vào năm 2000.
Trong lần xuất bản này, chúng tôi có bổ sung và sửa chữa để quyển sách được hoàn thiện hơn. Theo đó, quyển sách được tạo thành từ ý tưởng của ba tác giả: Trish Summerfield đã viết từ chương 1 đến chương 4 với sự cộng tác của Frederic Labarthe. Chương 5 và chương 6 được trích từ quyển “Sự thông tuệ qua hiểu biết tâm linh” (Wisdom Through Spirituality) của Anthony Strano với sự cho phép của ông.
Với ý tưởng tạo cơ hội để mọi người trực tiếp thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm trong cuộc sống, và qua đó rút ra bài học cần thiết cho riêng mình, lớp học Tư duy tích cực đã ra đời và được thiết kế dựa theo nội dung quyển sách. Mặc dù xuất hiện chưa lâu, nhưng lớp học đã được đông đảo mọi người từ nhiều thành phần trong xã hội quan tâm và hưởng ứng. Sau đây là một số lời cảm nhận của những người đã từng tham gia khóa học Tư duy tích cực:
“Đây thật sự là món quà vô giá mà tất cả mọi người mang đến cho tôi. Nó làm thay đổi suy nghĩ của tôi về con người. Tôi cũng mong muốn gửi tặng món quà này cho những người quanh tôi.”
- Huỳnh Đắc Thông, TP. Hồ Chí Minh
“Buổi đầu bước chân vào lớp chỉ là sự tò mò, nhưng khóa học ngắn này đã khơi dậy trong tôi nhiều tiềm năng. Mỗi ngày, tôi luôn tự nhắc nhở bản thân rằng tôi phải tự hoàn thiện mình để ngày càng trở nên tốt hơn.”
- Minh Ngọc, giáo viên thanh nhạc TP. Hồ Chí Minh
“Lớp học này đã giúp tôi nhận thức được cuộc sống, khiến tôi lạc quan, yêu đời và vững tin trong công việc. Tôi hiểu rằng, dù cho bất cứ tình huống nào xảy ra đi chăng nữa, tôi cũng có thể vươn đến thành công nếu luôn giữ vững được tâm trí.”
- Nguyễn Thành Thuấn, TP. Hồ Chí Minh
“Em cảm thấy thoải mái lắm! Và buổi tối đầu tiên sau khi tham dự lớp học này, em đã mơ về phần thư giãn, nó thật dễ chịu và nhẹ nhõm. Còn phần chia sẻ sau lớp học giúp em tăng thêm niềm tin vào con người.”
HẾT