Mua được nhà, bà Nhiêu rất phấn chấn. Bà thường tự hào, chưa bao giờ phải chịu cảnh nhà thuê lâu dài. Ði đâu rồi bà cũng tự tay tạo dựng nơi ăn chốn ở của mình. Bà đã trình Cha, nhờ Cha giúp cho giấy giới thiệu để chuyển về Huế. Heo đã có người đến cân hơi. Tài sản không có gì nhiều, kềnh càng là mấy cái chum ủ hèm, nồi nấu và những thứ lặt vặt lỉnh kỉnh không đáng gì song vứt đi không đành. Thuê một xe tải, hai gia đình vừa gọn. Bà Ðàm, trước mắt cứ theo bà Nhiêu tá túc, chờ nay mai Thảo làm việc ở đâu rồi tính. Hai mẹ con, không có gì phải lo lắng. Vấn đề cả hai bà cùng nghĩ nhưng không nói ra là chuyện tương lai của Nam và Thảo.
Bà Nhiêu nhờ Lý Kiệt thuê giùm chiếc xe, vừa chở người vừa chở đồ. Cha đã xin giấy chứng nhận di cư cho hai bà. Còn hai hôm nữa trả nhà, hai bà đã dọn vén lau chùi, tạm gọi là tươm tất. Hai năm trời bao nhiêu vất vả không thấy lâu, nay mới hai tuần bà Nhiêu thấy dài đằng đẵng. Bà nôn về nhà mới. Trước khi trở lại Ðà Nẵng bà giao chìa khóa nhà cho Nam, bà dặn Nam thường lên xuống trông chừng. Nam muốn đưa anh em về ở, song bà bảo để cúng đã. Phải có lễ trình gia tiên cũng như thổ thần trước khi vô nhà. Ðó là lệ xưa nay.
Bà Nhiêu đã nhờ Thúy Anh đánh điện báo Nam biết thứ bảy dọn nhà. Bà có ý chọn thứ bảy để Nam thong thả hơn. Tuy đã mãn khóa nhưng Nam còn bận dạy lớp hè. Di chuyển lần này bà nôn nao sung sướng. Sáng sớm xe đến, cả nhà xúm đưa đồ lên, gói ghém vừa đủ, còn đủ chỗ cho bà Ðàm và mấy đứa nhỏ. Hai bà lên nhà thờ chào Cha lần chót, một vài bạn của Thảo đến tiển đưa. Cảnh chia tay cũng đậm vẻ ngậm ngùi.
Ðoạn đường có một trăm cây số mà xe chạy gần ba giờ đồng hồ. Xe qua cầu Tràng Tiền rẽ về Gia Hội, xuống chùa Bà, Mười Gian rồi dừng lại chỗ chợ Dinh. Bà Nhiêu xuống xe chỉ cho tài xế rẽ vào Kiệt Cây Gòn. Con đường hẹp vừa sít chiếc xe tải. Nhà bà cách đường cái khoảng năm trăm mét. Xe vào được một đoạn đã thấy Thảo Nam chạy ra. Xe dừng ngay cửa ngõ, mọi người xúm nhau cho đồ xuống. Chất lên thì lâu, bỏ xuống không tới nửa tiếng, tất cả cứ tuôn xuống sân, kịp cho xe lui để tránh đường người qua lại. Mọi người vừa làm vừa hỏi han, Thảo gặp Má mừng chảy nước mắt. Xe đi rồi, bà Nhiêu mới vô nhà, bà ngạc nhiên thấy nhà đã có sẵn giường ngủ, bàn ghế phòng khách. Tuy giường tre, bàn gỗ tạp, nhưng trông cũng đàng hoàng. Bà vui vẻ hỏi:
- Giường bàn đâu mà mới rứa.
- Dạ hai đứa con mua.
- Ðể rồi Mẹ đưa tiền lại.
Thảo nhanh nhẩu :
- Tụi con lo được rồi, Bác đừng ngại.
Bà Nhiêu có cảm tưởng như Nam Thảo đã nên vợ chồng. Cả hai đều tỏ ra biết trách nhiệm của mình. Bà mừng và thương Thảo như con. Nghỉ ngơi chuyện vãn một lúc, mọi người quay ra sắp xếp đồ đạc vào nhà. Bà Nhiêu ra quán đầu đường mua nhang đèn, và lễ vật về cúng ông táo và thổ địa. Với thái độ thành khẩn, bà khấn vái cầu xin mọi sự tốt lành. Bước đầu về nhà mới gọi là tạm yên. Rồi ra còn nhiều việc phải làm, nào bàn thờ, nào cửa ngõ, hàng ràọ..Bữa cơm tối đơn giản nhưng nhiều tiếng nói cười, mở đầu cho những ngày mới của gia đình bà Nhiêu.
Mệt nhọc suốt ngày cả nhà đi ngủ sớm. Nam tắt dèn rồi cùng Thảo ra ngồi trước hiên nhà. Trời mùa hè về đêm vẫn hầm hầm. Xóm Cây Gòn chỉ cách cầu Gia Hội chừng vài cây số mà cứ như là một miền quê. Ðêm tối tiếng dế kêu rấm rích tiếng muỗi vo ve pha trộn tiếng radio hát cải lương xa xa văng vẳng. Cảnh u tịch nặng nề.
Ngồi cạnh nhau mà hai người như đang theo đuổi ý nghĩ riêng của mình. Một lúc thật lâu, Nam hỏi Thảo :
- Em có hy vọng được làm gần nhà không ?
- Thì cũng mong vậy.
- Lỡ phải đi xa ?
- Thì cũng phải đi ?
- Rồi tụi mình ?
Thảo quay qua nắm bàn tay Nam :
- Thì có sao, mình bàn với Mẹ và Má lo cho.
- Anh chỉ nghĩ đến những ngày em đi xa, một mình...
- Anh sợ gì, xưa giờ tụi mình cũng đã từng tự lo mọi thứ. Em lớn rồi chớ bộ nhỏ dại gì.
- Anh chỉ nghĩ vậy thôi. Thảo này, anh muốn biết cảm nghĩ của em...
- Chuyện chi anh?
- Tự nhiên hai đứa ở chung nhà.
Thảo cười rích rích ngã đầu vào vai Nam:
- Em thấy kỳ kỳ, không biết xóm làng có nói gì không ?
- Nói gì ? Em không nói thôi ai nói.
- Em không ngờ ?
- Ngờ gì ? Em đã dặn anh có gì nói rõ ra, đừng úp mở mà..
Thảo nguậy nguậy đầu vừa tỉ tê :
- Em không ngờ đời mình có nhiều chuyện thay đổi như vậy.
- Mỗi lần nhớ lại, anh cứ giật mình, phải mà Mẹ không cương quyết đi thì giờ này em ra sao ?
- Sao trăng gì ? Anh là ẩu nhứt hạng.
Nam ôm người Thảo thật mạnh như tỏ sự hài lòng. Chàng nhìn lên mảnh trăng lưỡi liềm và hỏi Thảo :
- Em có thấy mặt trăng đang đầy từ từ kia không ?
- Ðầy rồi lại khuyết.
- Ðúng vậy, mọi sự ở đời rồi ra cũng thế.
Nói xong Nam thấy mình đã lỡ lời, một câu "triết lý" không đúng lúc. Hai người cùng im lặng như vừa nhận ra điều gì đó. Sương đêm đã xuống. Ánh trăng mờ mờ, xóm làng đã ngủ mê. Nam có cảm tưởng như mình đang sống trong mộng mị. Xóm Cây Gòn chừng vài chục nóc gia, nằm lọt giữa hai đường Gia Hội và Võ Tánh. Ðầu đường Kiệt vào xóm là chợ Dinh, một ngôi chợ không đình chợ, chỉ có hai dãy lều trên khoảnh đất không quá vài trăm mét vuông. Chợ chỉ họp buổi sáng. Phía dưới chợ là bến dò qua Tây Thượng. Qua khỏi đường Cao Bá Quát là Bãi Dâu. Cư dân thưa, thành phần không rõ rệt, lao động, công chức, tiểu thương. Ðời sống pha trộn nửa thành thị nửa thôn quê. Bà Nhiêu nhập cư, mang thêm cho xóm Cây Gòn một nghề mới, nghề nấu rượu. Ðã nấu rượu tất phải nuôi heo. Chỉ một thời gian ngắn, bà Nhiêu đã trở lại công việc như những ngày còn ở Ðà Nẵng.
Sau lưng nhà bà Nhiêu là vườn bông của bà Tư. Người trong xóm thường gọi bà Tư Bông. Cứ rằm, mồng một bà Tư làm một gánh hoa ra chợ Dinh. Thỉnh thoảng cũng có khách đến mua tại vườn. Hai bên hông nhà bà Nhiêu là nhà anh Tám Hồ, nghề xây cất và anh Liên Tài, chạy xe Huế Ðà Nẵng. Xem ra xóm làng đều có cảm tình với gia đình bà Nhiêu. Thiên hạ tò mò bàn tán:
- Bà Nhiêu có dứa con gái xinh ghê.
- Nghe nói cô ta vừa ra trường y tá.
- Còn cậu con trai hình như sắp làm thầy giáo ...
- Bà này còn trẻ mà đông con dữ, nghe nói ông chồng mới chết mấy năm nay.
Mỗi khi ra đường Thảo thấy đã có người để ý mình. Mấy cậu trai đầu xóm cuối xóm thường giả vờ qua lại nhà bà Nhiêu để liếc trộm người con gái mới nhập cư. Thảo thấy một niềm vui thầm kín. Có lần Thảo ra quán bà Sáu mua đồ, bà đã ngắm Thảo thật lâu, bà hỏi :
- Cháu trước kia ở mô mới về đây ?
- Cháu học trường Tá Viên.
- Răng nghe nói ở Ðà Nẵng ?
- Dạ đó là Bác với Má cháu.
- Bà Nhiêu nấu rượu là ..
- Dạ, Bác của cháu. Cháu chỉ hai má con thôi.
- Vậy mà người thì nói cháu là con dâu, người thì là con gái...
Mặt thảo lại ửng lên, trông như nước da con gái Ðà Lạt.
Mùa nhập học đã trở lại. Nam lo cho các em vào trường xong thì có sự vụ lệnh kêu trình diện một trường trong Quảng Nam. Nam như bị sóc mạnh. Nam xếp hạng 8, nếu không được một trong ba nhiệm sở lựa chọn thì cũng một trường ở Thừa Thiên. Chàng không ngờ mình lại bị đi xa như thế. Chuyện đời khó mà như ý mình. Làm sao mà công bằng cho hết thảy mọi người!
Một hôm Nam rủ Thảo về Bãi Dâu chơi. Nam ghé vào Ðình ngắt mấy bông hoa Ðại ghim vào tóc Thảo. Hai người ra ngồi mé bờ sông. Thảo nói :
- Xuống phía dưới một chút, chỗ này lát người ta đi tắm họ dòm ngó..
- Anh không hiểu sao số phận mình cứ long đong mãi. Tưởng sau cơn mưa trời lại sáng nhưng chưa được mấy chốc lại ập xuống cơn mưa khác.
- Anh chịu khó đi một hai niên khóa rồi xin chuyển về. Nếu em làm gần đây thì công chuyện nhà có em lo.
- Biết thế nhưng bao dự tính của mình giờ trật chìa hết.
Thảo hiểu Nam định nói gì. Nàng kiếm lời chia sẻ:
- Chuyện gì rồi cũng đến nhưng phải có thời gian.
Nam nắm chặt bàn tay Thảo, trầm ngâm. Thảo thì thầm :
- Không sao đâu anh, trước giờ em thấy anh quả quyết nhiều việc, nay có phải đi xa thì cũng chưa có gì phải ngại. Với lại Quang Nam Huế chỉ một buổi là về nhà.
Nam cười :
- Còn em hỏi thăm chừng nào có sự vụ lệnh ?
- Chắc cũng sắp có.
Nam vân vê ngón tay áp út của Thảo, thì thầm:
- Chừng nào anh mới đeo nhẫn cho em ?
- Thì anh đã đeo từ lâu rồi.
- Chỉ là tinh thần.
- Nếu anh muốn, mai em mua một chiếc cho anh đeo vào. Chịu chưa ?
Nam làm thinh, một lát Thảo nói:
- Chắc anh sợ tay em để trống nhiều người nhìn phải không?
Nam không ngờ Thảo nhạy đến thế. Chàng cảm động vừa sung sướng có người yêu hiểu được nỗi lòng của mình.
- Cảm ơn em nhiều thật nhiều. Cũng biết rằng "Thiện tâm ở tại lòng ta" nhưng cuộc đời đầy cạm bẩy, những lúc lẻ loi ai biết thế nào.
Thấy Nam có vẻ quá lo, Thảo đột nhiên đề nghị :
- Hay là tụi mình thưa với Mẹ và Má ....
- Thôi không nên, như vậy trách nhiệm lại càng phức tạp, hai nữa cũng cần ổn định công ăn việc làm trước khi tính chuyện trăm năm.
- Anh yên tâm đi, em anh sẽ không bao giờ bị lung lạc đâu mà sợ.
- Anh chỉ nghĩ vậy thôi, em là một thứ vàng mười, sợ gì .
Thảo dí tay vào má Nam :
- Anh khỏi phải nịnh nghe chưa ?
Trời về chiều, cỏ cây đã chuyển màu. Cảnh vật không còn tươi tắn nữa. Một ngày sắp qua. Nam chợt nhận ra cuộc đời chỉ là một chuỗi dài sáng tối. Hạnh phúc ấm lạnh như thời tiết bốn mùa, đầy vơi như vầng trăng mỗi tháng...