Thảo điền tên họ của chàng, số chương mục và số tiền gởi, đoạn đẩy tấm phiếu gởi tiền vào ghi-sê.
Ghi-sê ở ngân hàng nầy là một hàng rào thưa bằng sắt rèn mọc từ mặt quầy gỗ lên cao khỏi đầu người độ một thước tây. Cố nhiên ghi-sê là những cái lỗ vuông trổ ra rải rác dài theo hàng rào ấy. Lỗ nầy cách lỗ kia lối một thước hai, nhưng khách hàng người mình có cái thói xấu là xong công việc rồi, vẫn đứng ì mãi ở đó mà choán ghi-sê nên những người nối đuôi sau họ phải liên lạc với bên trong bằng cái kẽ hẹp, dưới chơn hàng rào sắt, kẽ nầy chỉ cao có bốn phân tây thôi.
Một bàn tay đẹp với lên mặt quầy để lượm phiếu của chàng, mặt quầy được hàng rào phân ra làm hai, mặt ngoài khách hàng dùng để viết lách, mặt trong là nơi mà những tấm phiếu gởi, hoặc những ngân phiếu trình ra để lãnh tiền nằm chờ các cô.
Vâng, nhơn viên liên lạc trực tiếp với khách hàng, ở đây, hầu hết là phụ nữ.
Các cô ngồi bàn, thụp xuống sâu, vì quầy khá cao để khách hàng đứng viết mà khỏi phải khom lưng, vì thế mà nếu các cô không đứng dậy thì không ai thấy mặt các cô cả, cùng lắm là thấy mớ tóc của các cô mà thôi.
Bàn tay với lên để lượm phiếu gởi tiền đẹp đặc biệt, và tự nhiêu Thảo nhìn lần lên, à không, lần xuống, từ bàn tay cho tới vai, và chàng thấy được mặt người nhận phiếu vì cô ấy đã ngước lên và day ra phía khách hàng. Mừng rỡ vô cùng vì đây là một người quen mà chàng cần gặp, nhưng không dè nàng làm ở đây. Thảo reo lên:
-A cô, chào cô ! Té ra cô giúp việc cho ngân hàng nầy. Cái vụ đó đã xong rồi, tôi sẽ gặp cô ở đâu ?
Người thơ ký đẹp nhất của ngân hàng nầy bỗng tái mặt vì sợ hãi, rồi tím mặt vì nổi giận. Cô ta nói lớn giọng thật là xẵng:
-Không, ông lầm, tôi không hề quen biết với ông.
Thảo trố mắt há miệng mà nhìn người đẹp đang giận run, gương mặt kiều mị của cô ta trông xấu xí quá chừng vì sự tức giận đã làm méo mó những thớ thịt khéo tạc nơi đó.
Tất cả khách hàng bên ngoài và nhân viên bên trong đều nhìn trừng trừng vào chàng mà mỉm cười những nụ cười mai mỉa, khiến cho qua mấy mươi giây kinh ngạc, Thảo xấu hổ đến muốn độn thổ mà trốn đi.
Có lẽ họ đang chưởi thầm: “Đáng kiếp cái thằng băm lăm mà vụng về”. Chàng không sợ cái tội băm lăm cho lắm, nhưng cái tác phong “ná” mà họ gán thầm cho chàng, chàng mắc cỡ quá sức.
Người “ná” là một người con trai vứt đi, đến cái việc không ra gì đối với tư cách của anh con trai, cái việc tán gái, mà hắn cũng chẳng làm được một cách đàng hoàng cho khỏi bị con gái cự. Người ta bảnh thì người ta gây được cảm tình ngay nơi phái nữ, và có tầm thường đi, thì ít ra cũng phải được họ thờ ơ, chớ để cho họ cự thì thật là “ná”.
Nhưng chàng có tán gái đâu ! Làm thế nào để nói cho hàng trăm người hiện đang có mặt và đang nghĩ thầm rằng chàng tán gái vụng về, nói cho họ biết rằng chàng mắc hàm oan, và cô thơ ký ấy là một kẻ không biết điều, mới quen nhau tuần trước đây với chàng, mà không phải quen thường đâu, bởi cô ta đã cậy mượn chàng một công việc quan trọng, chỉ trước sau có bảy ngày thôi mà cô ta đã vội bôi mặt.
Thảo còn phải đợi vài phút nữa cho cô Cúc ấy làm giấy tờ để chàng lại quỹ mà đóng tiền. Không thể đứng đó mà chường mãi cái mặt mo sượng ngắt của chàng ra, người thanh niên vừa bị nỗi oan Thị Kính nầy bước lùi lại ngồi trên một chiếc băng chờ đã có hai người chiếm rồi.
Chàng cúi gầm mặt xuống, nhìn gạch, buồn cười cho tình đời đen bạc, và tủi thân hết sức. Chàng đinh ninh rằng sở dĩ cô Cúc không chịu nhìn nhận chàng là người quen, chỉ vì cái nghèo của chàng, ở đây nó nổi bật lên.
Trong khi bao nhiêu người khác mang hằng bạc triệu tới bỏ băng, có người bao bạc quá to đến phải nhờ hai người nhà khiêng từ ngoài xe vào, còn thì ai cũng túi dết, cũng bị, tệ lắm là một chiếc cạt táp no nóc, còn chàng thì chỉ tay không, bởi chàng đóng vào chương mục tiết kiệm, mỗi tháng bốn năm ngàn là cùng, tiền nầy cất trong bốp chàng, chớ nó ít quá, cũng không làm được một gói bọc nhựt trình như vài người buôn bán nho nhỏ đã làm với vài ba chục ngàn khiêm tốn của bọ.
-Nguyễn văn Thảo !
Thảo giựt nẩy mình khi Cúc gọi tên chàng để trao phiếu riêng hầu chàng trình phiếu ấy ở quỹ để nộp bạc.
Lại một phen chịu cực hình nữa với bao nhiêu tia mắt chĩa thẳng vào chàng, mà bây giờ chàng còn là cái đích nổi hơn hồi nãy nữa, bởi người ta biết thêm được cả tên họ của chàng.
Tuy nhiên Thảo cũng mừng mà chợt nhận ra là tên họ của chàng rất khiêm tốn và không ai mà nhớ cái tên không liên hệ đến một con người tăm tiếng nào. Nếu chàng là Trịnh quốc Oai, chẳng hạn, một cái tên rất kêu, và Trịnh quốc Oai là một cầu thủ quốc tế danh tiếng, hoặc một kép cải lương đặc hạng thì chết một cửa.
Thảo đứng lên, bước tới bảy bước là đến quầy, vội chụp tấm phiếu đoạn lầm lũi đi qua két cũng ở gần đó.
“Chỉ tại mình !” Thảo tự trách như vậy suốt những tiếng đồng hồ còn sót lại của ngày ấy mà chàng không làm việc được.
Chàng không ân hận đã hứa giúp và đã làm giúp cô gái bất nhã ấy công việc mà cô ta cậy mượn. Chàng chỉ tự trách mình đã có hậu ý thôi.
Hôm ấy nhận lời xong, chàng không hỏi thiếu nữ xem sẽ gặp lại nhau ở đâu để chàng giao cho nàng bản đồ án sửa nhà, sợ rằng nàng yêu cầu hẹn nhau ở nhà của ông Hoạch thì không lợi cho chàng.
Thảo đã tình cờ gặp Cúc tại nhà ông Hoạch, và đã chú ý đến con người nàng ngay từ lúc chàng mới bước vào đó và qua câu chuyện, chàng có cảm tình với Cúc nhiều lắm.
Cúc thừa tự của cha mẹ nàng đã qua đời rồi, một ngôi nhà xưa ở đường Huỳnh quang Tiên, và nghe biết Thảo là cán-sự kiến-trúc hiện giúp việc cho một kiến-trúc-sư người Pháp ở đây, nàng hỏi thăm cách thức sửa ngôi nhà của nàng lại cho nó bớt cổ một chút.
Nàng là bạn của thứ nữ của ông Hoạch, còn Thảo là bạn của anh cô này nên chỉ gặp nhau rnười phút là họ đã khá thân với nhau rồi.
- Thưa anh, Cúc hỏi, có thể nào sửa một ngôi nhà xưa ra một ngôi biệt thự tân thời mà không tốn trên ba mươi ngàn bạc hay không ?
Câu nói của Cúc đã làm cho Liên, thứ nữ của chủ nhà, bật cười. Liên nói đùa:
-Chị hỏi sao mà giống má em quá. Má em mua thứ hàng nào cũng đòi vừa thật rẻ vừa thật tốt, hai tánh cách rất khó lòng mà đi đôi với nhau.
Nhưng Thảo nghiêm trang đáp:
-Rất được, nhưng cũng tùy theo ngôi nhà. Xin lỗi, nhà cô xây cất bằng vật liệu thế nào ?
-Dạ, ở trong bằng gỗ danh mộc, lợp ngói âm dương, nhưng toàn là vách tường không mà thôi, chớ không có tấm vách ván nào cả, cho đến đỗi hai vách buồng nhỏ ở trong cùng, theo lối kiến trúc của ta, ba má em, hồi còn sanh tiền, cũng đã bỏ ván để xây tường gạch.
-Nền nhà thế nào ?
-Nền rất cao, lót gạch bông, gạch đã cũ lắm rồi, nhưng cũng còn tốt.
- Tôi đã hình dung ra được trong trí tôi, ngôi nhà của cô rồi. Đó là ngôi nhà lai, rất thạnh hành ở xứ ta cách đây nửa thế kỷ.
-Dạ, hình như là thế. Em thường nghe ba má em nói đến danh từ “nhà lai” ấy.
- Và tôi lại xin lỗi cô để đưa ra nhận xét nầy: là không có gì kỳ dị bằng kiểu nhà lai căng Tây không ra Tây mà ta cũng chẳng ra ta.
- Em cũng thấy như vậy.
-Giờ chỉ có một cách thôi là làm cho nó một cái mặt tiền kim thời, cho thật cao để che bít nóc ngói âm dương đi, chớ không 1àm sao mà sửa lại được hết trừ phi phá bỏ cả chỉ chừa bốn bức tường, bỏ luôn cái bộ cột và cái sườn bằng danh mộc ấy nữa.
-Em chỉ mong có thế thôi.
-Như thế nầy. Tôi sẽ giúp cô một đồ án về cái mặt tiền ấy để cô xin phép đô-thành mà sửa chữa. Nhưng đồ án phải được kiến-trúc-sư ký tên, đô-thành mới nhận. Các ông kiến-trúc-sư ngoại quốc họ khó tánh lắm chớ không dễ dãi như kiến-trúc-sư ta, ta thì ký cái gì cũng đuợc, mà ăn rất rẻ nữa.
Tuy nhiên, tôi sẽ nói với chủ tôi và ông ấy sẽ ký giúp cô mà không lấy tiền. Ông ấy thì hoặc là lấy thật nhiều năm ba ngàn chớ không ít, hoặc là không lấy gì hết. Cô chỉ còn phải tốn tiền cho thầu khoán thôi.
- Được như vậy thì quí hóa quá nhưng em rất ngại anh phải thiệt tới hai lần.
- Đâu mà hai lần.
- Thì vẽ giúp là một lần thiệt. Thọ ơn ông kiến-trúc-sư Tây ấy là hai lần thiệt.
- Có hề gì cái vặt có. Tôi chỉ vẽ bốn đêm là xong, còn thọ ơn chủ tôi thì tôi đã thọ hàng trăm lần rồi, thêm một lần nữa cũng chẳng ăn thua gì. À, nhưng tôi phải biết kích thước với lại hình dáng phía trước cửa nhà cô.
-Kích thước thì em thuộc lòng. Ngang chín thước, sâu tám thước, không kể nhà bếp, trước nhà và hai bên hông có sân, đất nhà, còn hình dáng thì… Liên a, Liên lấy tập ảnh gia đình ra coi, tụi mình có chụp chung một bức ảnh trước nhà lúc năm kia.
Liên “ừ” một tiếng rồi chạy vào buồng, giây lát sau mang ra tập ảnh mà Cúc đòi bỏi. Cúc lật tập ảnh tìm kiếm rồi trao cho Thảo xem. Giây lát sau, viên cán sự kiến trúc nầy nói:
-Cám ơn quí cô, tôi đã có đủ mọi yếu tố để làm việc. Tuần sau là xong cả.
Sau đó, chàng định hỏi khéo Liên địa chỉ của Cúc nhưng cứ ngại miệng mãi. Ba mươi đời kẻ có hậu ý thì họ như vậy đó. Tục ngữ đã chẳng nói: “Có tịch hay nhúc nhích” sao ? Nếu chàng không có ý gì khác thì cứ hỏi ngay lúc nhận việc hoặc cứ thẳng thắn hỏi thăm Liên chớ có gì mà phải sợ.
Trong khi chàng còn đang bươi trí tìm mưu để mà gặp Cúc thì dịp may đưa chàng đến ngân hàng, dịp may cũng là dịp rủi, phải chịu đựng trong mấy phút đồng hồ dài đằng đẵng cái nhục biết rửa mấy sông mới sạch được.
“Lạ quá, Thảo nghĩ, mình mở chương mục ở đó đã hơn hai năm rồi mà sao không bao giờ thấy mặt Cúc ? Có lẽ nàng mới vào làm hay từ thuở giờ ngồi ở đâu trong buồng giấy nào ở phía trong chăng ?”
Buồn ơi là buồn ! Đau ơi là đau ! Nếu chàng chinh-phục Cúc mà Cúc thờ ơ, chàng sẽ cố lòng bền chí đeo đuổi ; nếu chàug tỏ tình với Cúc mà bị Cúc từ chối, chàng sẽ nỗ lực làm cái gì cho động trời để Cúc thấy chàng xứng đáng mà đổi ý. Đàng nầy Cúc không buồn nhìn nhận chàng thì có chua xót hay không chớ !
Thình lình Thảo nhớ ra là khi sáng chàng mặc bộ đồ thợ máy bằng ka-ki xanh. Đó là y phục mà chàng thường mặc để đi làm, cho đỡ tốn tiền giặt ủi. Trong giờ làm, chàng đã xin phép chủ để đi gởi tiền ngân hàng và cũng chẳng buồn ghé nhà thay y phục sạch làm gì.
Thảo vụt cười khan lên một mình rồi lẩm bẩm: “Thì ra người đẹp, cũng như phần đông thiên hạ, đánh giá con người qua cái vỏ ngoài. Quen với một thằng mặc y phục thợ máy, xấu mặt người đẹp quá, nhứt là xấu với các nữ đồng nghiệp của người đẹp, cô nào cũng có bạn trai bảnh số dách. Như thế thì xoàng thật là xoàng, không đáng cho mình yêu chút nào. »
Suy luận thì như vậy nhưng lòng anh con trai nầy lại cảm khác. Chàng vẫn đau, đau một cách vô lý và mâu thuẫn với lý trí của chàng.
Bản đồ án vẽ xong, có chữ ký của ông kiến-trúc-sư chủ văn phòng kiến trúc của chàng, được cuộn tròn trong một lớp giấy kiếng, đặt trên bàn viết của chàng.
Thảo cầm cuộn giấy ấy định xé đi, nhưng chưa hành-động, chàng đã nghe đau, làm như là chàng phải tự xé tim chàng, xé một mảnh lòng của chàng vậy.
Chàng đã đặt vào công việc nầy tất cả say sưa, tất cả tình mến yêu công việc, tất cả mối tình đầu của chàng.
“Nhưng để làm gì ? Làm kỷ niệm à ? Nhưng kỷ niệm nầy chỉ nhắc nhở tủi nhục thì...”
Tay cầm cuộn giấy, Thảo lặng lẽ nhìn vào khoảng không, buồn vô hạn trước một công việc đau thương, trước sự chôn cất mối tình mới nhóm mà rất sâu đậm của chàng. Cái đám ma nầy, chàng muốn lùi nó lại lâu chừng nào hay chừng nấy, bởi một khi lấp đất lên huyệt rồi thì không còn gì nữa cả, và chàng sẽ trở về với nỗi cô đơn cũ của chàng.
Cuộn giấy nhắc nhở con người không đáng yêu nầy vẫn không giúp chàng hết cô đơn, nhưng dầu sao nó cũng nhắc nhở cái gì, ngoài tủi nhục khi sáng nầy ở ngân-hàng, nhắc nhở một tuần lễ yêu đời trong tuổi con trai của chàng.
Khi đất lấp đầy lỗ huyệt rồi, nghĩa là mấy tờ giấy cứng nầy được xé ra thành nhiều mảnh vụn rồi thì không còn gì cả.
Thảo ngồi như thế hàng giờ, thật là ăn cắp lương của chủ sở. Lâu lắm, chàng chợt tỉnh giấc mơ, lấy giấy viết thơ ra rồi khởi sự viết.
Em Liên,
Anh gởi em đồ án sửa nhà mà cô Cúc đã cậy anh làm.
Đáng lý thì anh đã xé bỏ đồ án này hoặc chỉ viết cho em một dòng chữ về chuyện ấy rồi thôi, nhưng anh không thể nín về sự bất nhã của con người ấy.
Số là khi sáng, anh đi gởi tiền ở ngân hàng, gặp cô ta làm ở đó. Anh chào cô ta rồi xin cô ta hẹn thì giờ và nơi chốn để anh trao đồ án này thì cô ta không nhìn nhận anh là người quen, mà sự phủ nhận ấy lại được nói ra bằng một giọng rất là kém lịch sự.
Dầu sao, đã hứa thì anh làm, và đã làm thì anh cũng gởi cho người cậy mượn.
Anh đã tủi nhục không biết bao nhiêu, hồi sáng nầy, tại ngân hàng giữa mắt muôn người, nên anh nói với em là một đứa em nhỏ ra anh thương như em ruột, nói cho nhẹ lòng anh, mà cũng để ngăn đón trước vì biết đâu người ta chẳng cắt nghĩa láo với em thái độ thiếu giáo dục của người ta bằng cách nói xấu rằng chính anh bất lịch sự trước.
Thôi, chỉ xin nhờ em bấy nhiêu đó thôi.
Thương em
Thảo
Thảo viết xong bức thơ nầy thì đã mãn giờ làm buổi chiều. Chàng ra đi, ghé qua nhà ông Hoạch mà không vào, chỉ trao cuộn giấy và bức thơ cho thằng nhỏ, rồi đi ăn cơm ở hiệu chớ cũng chẳng về nhà tắm rửa như mọi ngày.
Chàng sẽ đi suốt đêm nay, uống rượu thật say để mà quên, và có lẽ người tư-chức chuyên-viên hiền lành nầy sẽ bê tha như vậy hằng tháng mới nguôi được.
Tuy nhiên vì đêm nay không tìm được bạn, ăn cơm xong, ngồi ở một quán giải-khát một mình cho tới mười giờ là chàng đâm chán, nên đi về.
Tánh Thảo rất cẩn-thận. Chàng luôn luôn thủ một cây đèn bin thật nhỏ trong túi, đề phòng những chiều bị bạn hữu bất thần rủ đi chơi cho tới khuya.
Cây đèn ấy giúp chàng soi sáng căn nhà của chàng, khi mở cửa trước ra, trước khi để chân vào đó, trước khi kịp mở đèn điện. Biết đâu kẻ gian không thừa lúc chàng đi vắng và vốn biết trong nhà không ai, lại không lẻn vào toan vơ vét. Rất có thể chúng hành-động trễ quá, chưa kịp đi thì bị chàng bắt chợt. Như thế chúng sẽ đánh giải vây để thoát và không rọi đèn vào trước, chàng có thể bị một vố bất thình lình.
Vậy mở cửa xong, Thảo rọi đèn vào trước. Nhà chàng chỉ có một buồng độc nhứt không vách ngăn ở giữa, giường ngủ kê tuốt ở trong cùng.
Thấy cửa sau vẫn đóng, Thảo an lòng, chĩa tia đèn vào các xó kẹt, thấy không gì khả nghi, chàng vừa hạ đèn xuống, vừa bước vào.
Tia đèn rọi thẳng xuống nền gạch, nơi khung cửa và Thảo hơi ngạc nhiên mà thấy dưới chân chàng một tờ giấy màu xanh nhạt xếp lại.
Công tắc đèn điện ở giữa nhà, chàng bước mau vào đó để mở đèn, đoạn đi đóng cửa và để lượm tờ giấy màu mà chàng đoán là một bức thơ cũ mà chàng đánh rơi lúc đi làm khi trưa.
Tuy nhiên, chàng cũng mở thơ ra đọc xem đó là thơ của ai gửi đến từ bao lâu rồi và tại sao chàng lại lấy ra đọc lại làm gì để rồi đánh rơi.
“A, chàng kêu lớn lên, tuồng chữ của con Liên. Thì ra nó đã phóng thơ nầy vào, qua lá sách cửa, lúc mình đi vắng”.
Thơ như vầy:
Anh Thảo,
Đọc thưanh xong, em ôm bụng mà cười, rồi trao thưanh cho ba má em với lại anh Tần xem rồi cả nhà cùng cười sặc sụa.
Chắc đọc tới đây, anh tức giận lắm vì cả nhà em lại nhẫn tâm cười đùa trước cái mà anh lại cho là tủi nhục.
Nhưng không có gì là tủi nhục hết anh à ! Chẳng qua đó là một sự ngộ nhận thôi.
Cái cô mà anh gọi là cô Cúc đó, chỉ là cô Hồng, chị ruột hay em ruột gì tùy anh, của cô Cúc, vì hai chị em chị ấy đẻ sanh đôi.
Rất nhiều người, kể cả ba, má em nữa, đều cứ lầm lẫn hai người với nhau. Họ đã quen bị lẫn lộn như vậy nên có ai trông gà hóa quốc là họ hiểu ngay và vội đính chánh giùm một cách vui vẻ.
Sở dĩ chị Hồng đã khiếm nhã với anh là do câu chuyện sau đây làm cho chị ấy bị mặc cảm, một câu chuyện mà cả thành phố đều hay, trừ ra anh.
Số là năm ngoái tại một ngân hàng kia, một ông triệu phú người mình đến gởi tiền.
Cô nữ nhân viên lo công việc ấy hình như là một người không đứng đắn sao đó không rõ, mà nhà triệu phú ấy lại là một anh chàng ná.
Ông ta nói lớn: “Ê X. tối nay đi chơi nha em ! ”
Không rõ là cô ấy đã có gì với ông nhà giàu ná ấy hay không, nhưng dầu sao ông ta cũng đã vô lễ một cách không thể tha thứ được, nên cô nọ nói xung thiên, chụp lấy bình mực (bình mực để ở ngoài quầy, cột dính lại với một cây bút, dành cho những khách hàng không có bút máy, nhưng ai cũng có bút máy hết thành ra bình mực cứ đầy ứ), ừ cô ấy thò tay ra ngoài chụp lầy bình mực rồi ném nào ngực ông nhà giàu.
Vụ nầy đã làm cho ông giám đốc ngân hàng đó muốn điên cái đầu vì ông triệu phú ấy là khách hàng quan trọng nhứt của nhà băng đó, nhưng ban giám-đốc không thể hy-sinh một nữ nhân viên đã tự vệ chánh đáng.
Cả thành phố đều hay, anh nhớ cho điều nầy. Vì thế mà nữ nhân viên ngân hàng bị mặc cảm hết ráo và cả quyết nghiêm khắc đến khắc nghiệt đối với những ông khách lạ hỏi vớ vẩn, để cho khỏi mang tiếng ấy mà.
Vậy anh nên hiểu giùm tâm trạng của chị Hồng mà quên vụ đáng tiếc ấy.
Em đoán là anh buồn, chắc anh đi chơi, nên viết sẵn bức thơ nầy ở nhà, hầu nhét qua cửa, để khuya anh về anh đọc cho nguôi giận đặng ngủ cho yên, không thôi anh sẽ thức trắng đêm vì tức.
Ghé anh xong, em lại đằng hai chị Hồng và Cúc với đồ án và bức thơ của anh để tụi nầy cười thêm một mách nữa chơi.
Nè, nói cho anh hay để anh yêu đời. Em lén lén nhìn chị Cúc thì đoán được rằng chị ấy đã cảm anh rồi đó. Liệu mà mua át bi rin để cứu chị.
Anh cưới chị Cúc xong rồi nhớ mua một cây roi mây để quất chị Hồng mà trả thù.
Đêm nay là đêm vui vẻ nhưng chắc chắn là chị Cúc sẽ nhai xương chị Hồng. Ai nhè cục cưng của người ta mà hạ nhục giữa công chúng !
Vậy lạc quan đi anh Thảo nhé, và ngủ cho ngon giấc. Em sẵn sàng ăn đầu heo, nếu anh cậy em.
Em nhỏ của anh
Liên
Thảo đọc xong bưc thơ xanh nầy rồi nhảy lang-ba như người vừa trúng số độc đắc. Rồi chàng cười sặc sụa, cười đến chảy nước mắt trước câu chuyện dị kỳ quá sức tưởng tượng của chành.
Con bé Liên nó chúc chàng ngủ ngon thật vô ích vì làm sao mà ngủ được khi người ta sầu chín ruột gan, hay vui mừng đến đỗi tim phổi đều nở lớn ra ?
Thế là chàng không bị làm nhục, mà chỉ là nạn nhân của một mùa mặc cãm của các cô làm nhà băng thôi. Đó là một rủi ro không đáng kể; vì người trong cuộc không khinh chàng, còn người khác có biết Nguyễn văn Thảo là ai mà chàng sợ họ đồn đãi ra mà mang xấu.
Hơn thế, chắc trong trận cười đêm nay, con bé Liên tinh nghịch nó cũng sẽ nói với Cúc là chàng cảm Cúc, y như nó đã nói với chàng là Cúc cảm chàng. Thế là đám đất đã được con bé rắn mắc ấy phát trống cây cỏ phần nào, cô cậu chưa nói gì với nhau cả mà đã hiểu thấu ruột gan nhau rồi đó.
Sáng ra, Thảo mệt nhừ vì chàng không biết uống rượu mạnh mà đêm rồi đã “mần” hết một cái công-xom-ma-xông, rồi về nhà thao thức mãi cho đến lúc kiểng nhà thờ gần đổ mới chợp mắt được.
Đêm đó và liên tiếp bốn đêm liền chàng nằm nhà vì không biết phải làm gì. Chàng không thích đi tìm bạn nữa như thỉnh thoảng một thanh niên độc thân hay giải trí bằng cách đó, vì lũ bạn trai của chàng, chàng nghe chúng nó không còn hay ho gì nữa cả.
Ấy, khi trong một nhóm bạn trai với nhau mà có một thằng bỗng dưng đào ngũ thì chắc chắn là thằng ấy đã yêu.
Tìm Liên chăng ? Chàng nghe mắc cỡ với Liên và Tấn lắm. Yêu nào có tội tình gì, nhưng không hiểu sao bị họ đoán đúng tim đen, chàng xấu hổ quá !
Vậy chàng nằm nhà để mà rạo rực, để mà bồn chồn và nếu cứ mãi như thế, chàng sẽ giống một kẻ cứ đứng yên một chỗ mà giẫm chơn lên quãng đất cũ, không bước tới đâu được cả.
Nhưng có phần không cần gì lo, bởi qua đêm thứ năm, chàng đang nằm trên chiếc ghế bành cũ để đọc sách thì có khách đến.
Nghe gõ cửa, chàng buông sách nhìn ra ngoài thì cuống lên, lăng xăng như gà mắc đẻ, khiến con bé Liên mắc dịch nó gập người lại mà cười, làm cho chàng càng bối rối thêm. Con bé nầy đã mười tám rồi chớ phải nhỏ nhít gì đâu, thế mà nó cứ trẻ con, thật là đáng ghét, muốn tát tai nó lắm.
Khách là Hồng và Cúc, và không biết ai mượn con bé ấy hướng dẫn mà nó lại có mặt để phá đám người ta. Chắc chắn là hai chị em Hồng, Cúc hỏi địa chỉ của chàng và nó nằng nặc đòi đưa họ đi. Cái con bé khó chịu ấy !
Trông hai thiếu nữ nầy giống nhau như hai giọt nước, Thảo đoán ngay rằng đó là Hồng và Cúc, mặc dầu chưa phân biệt được cô nào đã mượn chàng vẽ đồ án, với cô nào đã làm nhục chàng ở dưới nhà băng.
Cả hai cô đều mặc áo Nylfranc màu xám tro, đều uốn tóc một lối với nhau, đều đi giày phân nửa ta-lông và cùng màu giống nhau, xắc họ cầm nơi tay cũng giống hệt nhau và hai nụ cười cũng như chỉ có một nụ cười.
-À, ơ...hơ... xin... mời quý cô vào !
Liên cười rũ rượi và hỏi:
- Có mời em hay không ? Bởi em cũng là cô nhưng không quí.
-Cũng mời em nữa chớ sao lại không.
Thảo kéo ghế sồn sột, quýnh quáng như ông làng thấy ông quận về thôn, kéo ghế nhưng quên mời họ ngồi, chạy đi rót nước.
Con Liên quỉ dịch nói:
-Chúng tôi mỏi chân hơn là khát nước vì cả ba đứa mới ăn cơm xong.
Thảo đã trở ra với chiếc mâm trà trên ấy, đặt ba tách trà lên bàn và nói:
-À, mời quý cô ngồi chớ.
-Đố anh nội đây ai là Hồng, ai là Cúc, cô Liên tinh nghịch đã bắt đầu phá phách.
Thảo nhìn cả hai thiếu nữ, cười hiền lành mà không đáp. Bỗng cái cười của chàng tắt ngay: Chàng vừa nghe một sự khó chịu kỳ dị lắm.
Chàng yêu một trong hai người đó, nhưng không làm sao mà nhận ra nàng được, hóa ra như nàng không có, bởi cớ tình cảm của chàng không đến được với người nào cả.
Con người đứng đắn của chàng không cho phép chàng tham lam yêu cả hai người, hai mà như là một, còn yêu một, thì người ấy là ai mới được chớ ?
Đây là một tình thế mà người Pháp gọi là “tình thế giả”, dịch dốt nát là như thế, còn nói cho đúng nghĩa thì là một tình thế mập mờ.
-Dạ mời cô hai với lại em Liên uống nước.
-Nói cho đúng tên từng người, các chị ấy mới uống. Mời cô Hồng coi nào, Liên ra lịnh.
Thảo nhận trò đùa ấy và nhìn một cô mà rằng:
-Xin mời cô Hồng.
Cả ba đều rộ lên mà cười.
-Thầy bói nầy coi bộ bị tổ-trác rồi đa, Liên chế nhạo. Anh chọn đúng chị Cúc để mời chị Hồng.
-Tôi xin chịu thôi.
Bỗng một cô nói:
-Em đến để xin lỗi anh về cái vụ dưới nhà băng.
À, ra cô nầy là cô Hồng đây, cô ấy ngồi trên ghế mà nệm bọc áo màu xanh. Thảo cố nhớ chi tiết đó. Và chàng đã nghe dễ chịu rồi, vì người mà chàng yêu là cái cô ngồi ghế nệm bọc áo đỏ.
-Đó là mộ sự ngộ nhận đáng tiếc của cả hai chúng ta. Nhưng Liên đã giải thích thì xin cô cho qua vậy.
-Còn em, Cúc nói, em đến để cám ơn anh về đồ-án.
-Có gì mà cô phải cám ơn. À, chừng nào cô cho khởi công ?
-Rắc rối lắm. Anh vẽ thêm một cái hàng rào mà hàng rào ấy nhà thầu họ đòi những mười ngàn.
- Cô nên có gắng, bởi không hàng rào, hoặc để hàng rào cũ xem không được đâu.
-Thấy không, Hồng nói, Hồng đã bảo phải làm. Cúc cứ do dự.
-Thôi thì làm. Em định thứ hai tới thì cho khởi công.
-Tôi sẽ đến mỗi hôm hai lần để trông nom công-việc giúp quý cô. Thầu khoán họ cẩu-thả và tham lợi lắm. Thường thì họ làm không đúng y đồ-án, pha xi-măng, họ lại pha non. Phải có người trong nghề kiểm-soát, họ mời làm kỹ lưỡng phần nào.
-Như vậy mất công anh quá.
-Hề gì. À, quí cô ở số mấy ?
-Dạ số 32
-Được, thứ hai tôi sẽ đến thật sớm. Mời quí cô uống nước.
-Không cho ăn gì, cứ mời uống mãi ; Liên trách.
-Rất tiếc là nhà không có gì ăn hết. Nếu anh biết trước thì...
-…Thì anh đã trốn đi mất rồi ?
-Em con khỉ lắm ! À, thưa hai cô, làm thế nào để tôi phân biệt ai là cô Cúc ai là cô Hồng ?
-Những chị em sanh đôi khác, thường có dấu riêng, chẳng hạn một cái nốt ruồi, nhưng hai em thì không. Cứ quen nhau lâu thì phân biệt được, vì dầu sao thì cũng có khác.
-Tôi không thấy khác ở chỗ nào.
-Hễ anh oán chị nào thì chị ấy là chị Hồng. Liên nói.
-Anh đâu còn oán chị Hồng nữa.
-Thuở hai em còn bé, hễ đứa nào không ngoan thì đứa khác bị mẹ rầy, vì má em không nhìn kỹ và cũng không phân biệt được nữa.
-Rắc rối quá, tôi tưởng hai cô nên ăn mặc khác là hơn.
- Vô ích, thí dụ anh tới nhà em chơi, em mặc xanh, con Hồng mặc đỏ, anh vẫn không biết xanh là Cúc hay Hồng. Với lại các em thích mặc giống nhau.
- Hai cô có nghĩ hệt nhau hay không ?
-Có, hễ em nghĩ tới cái gì thì con Hồng nghĩ tới cái đó.
-Thật là kỳ lạ.
-Còn em mà sổ mũi thì con Cúc cũng sổ mũi.
- Cái mới lộn xộn dữ đa. Nếu cô Hồng ăn cua đau bụng, không lẽ cô Cúc không ăn cũng đau bụng ?
-Không thế nào mà đứa nầy ăn cua, đứa kia lại nhịn, cả hai đứa đều thèm ăn cùng một món với nhau.
-Hai cô có khi nào giận nhau không ?
-Không, vì đâu có đứa nào làm trái ý đứa nào.
Thảo làm thinh, trầm ngâm suy nghĩ. Thật là phiền. Họ cảm nghĩ y như nhau, nhưng họ phải yêu hai người con trai khác nhau. Khó cho họ lắm thay ?
-Tôi có biết hai chị em sanh đôi kia cả hai đều làm việc ở Ngân-hàng Quốc-gia. Không quen nhiều nên tôi không rõ cảm nghĩ họ có giống nhau không, chớ bề ngoài họ rất ít giống nhau. Có thể nói mỗi trường hợp song thai là mỗi trường hợp riêng biệt.
- Dạ hai em cũng có nghe bác-sĩ nói như vậy.
-À, còn cô Cúc, cô giúp việc ở đâu ?
-Vụ đó thì có khác. Em ở nhà làm nội trợ.
-Thành thử tôi có đến thăm quí cô trong giờ làm việc thì chắc chắn là gặp cô Cúc, không sợ lầm lộn gì hết ?
-Đúng như vậy.
-Nhưng nếu cô Hồng đau ốn, cô Cúc có thể thay thế mà ông chủ ngân hàng ấy không thể biết ?
-Không, thường thì hai đứa em cùng đau ốm một lượt với nhau và cũng một chứng bịnh với nhau, thành thử không đứa nào thay cho đứa nào được hết.
Thảo hơi bất mãn một tí. Trong con mắt kẻ đang yêu, chỉ có một cô gái độc nhất trên đời nầy là đẹp thôi. Nhưng hiện trước mặt chàng đang có bằng cớ hiển nhiên rằng có người khác đẹp bằng Cúc, khiến Thảo không biết có nên oán kẻ đã cả gan dám đẹp bằng Cúc hay trách Cúc sao lại để cho người khác đẹp bằng mình; dầu sao Cúc cũng bỗng dưng bớt quí đi một tí, vì chiếc lọ sứ Giang Tây rất cổ, giờ rõ ra là có đến hai bản, không quí lắm