Con mèo hoang bên ngòai phòng nghiên cứu lại bắt đầu kêu. Mặc dù âm thanh trầm thấp hơn nhiều, nhưng vẫn là 3 âm dài, 1 âm ngắn. Xem ra con mèo hoang này cũng là kẻ rất có nguyên tắc, nhưng cổ họng nó hôm nay chắc có chút trục trặc. Tôi nghĩ nên cho nó ngậm chút thuốc ho bổ phế. Trước đây, tôi hay dựa dẫm vào nó làm một cái đồng hồ, để đúng hẹn 3h15phút online. Sau, dần dần không cần đến nó nữa. Bởi chỉ cần đến giờ, thần kinh tôi tự động phấn chấn hẳn lên. Hôm nào không gặp Khinh vũ phi dương trên mạng lúc 3h15phút, tôi sẽ cảm thấy khắp người bứt rứt.
Nghe nói tình trạng này trong tâm lí học gọi là “phản ứng ràng buộc”. Vì vậy tôi nghĩ, tôi có lẽ đã bị Khinh vũ phi dương “ràng buộc” mất rồi. Còn chú mèo hoang kia, chắc là cũng bị những con mèo hoang gợi cảm khác “ràng buộc”. Vì vậy, mỗi khi đến giờ, mèo thì gọi bạn, còn tôi thì lên mạng.
“Đầu gấu, chào anh, hôm nay có mệt không?”
Nói tôi không kinh ngạc tức là nói dối, không mệt cũng là nói dối. Sau khi tâm hồn như vừa ngồi trên xe bay, rồi lại uống rượu vào. Thực lòng tôi chỉ muốn lăn ra làm một giấc. Nếu không phải vì tôi đã bị cô ấy “ràng buộc” thì lúc này tôi nhất định sẽ không lên mạng. Thế nhưng sao cô ấy cũng lên mạng? Cô ấy không mệt à? Chẳng lẽ cô ấy cũng bị tôi “ràng buộc” sao?
“Lâu quá rồi không gặp, em thế nào?”
“Đầu gấu, anh lại hâm hấp rồi. Mình mới chia tay có 3 tiếng đồng hồ! ”
“Cổ nhân nói một ngày không gặp, như cách ba thu. Nếu quả thật như vậy, thì mình đã 3x365:8≈137 ngày chưa gặp nhau rồi, không phải là lâu quá rồi sao?”
“ hi hi”
Xem ra cô ấy thực sự mệt rồi. Cũng là nụ cười, nhưng lúc này tôi thấy như cô ấy đang muốn ngáp.
“Đầu gấu à! Liệu mình có “chết giữa ánh sáng ban ngày” không?”
Thực ra, bạn quen qua mạng sau khi gặp nhau, thường có kết cục buồn. Như A Thái, nếu không vừa ý, bèn xóa tên người ta khỏi danh sách Friend. Miễn cho sau này lại thấy nhau trên mạng cám cảnh mà buồn lòng. Thôi thì xóa đi cho khuất mắt. Nếu đằng kia kịp trông thấy trước, gửi đến một message, A Thái sẽ bảo là bận chuẩn bị lên lớp, đi ăn cơm, đi có việc, đi ngủ.v.v.. rồi vội vàng offline. Nếu không thì sẽ nói: “Tiếc thay, hiếm thay mới gặp được mà tạo hóa trêu người, cho việc trái lòng, giờ này việc mọn đè vai không thể không đi, chỉ biết rượu sầu mà biệt, ôm hận mà về, ruột gan đứt đoạn” – cái gọi là phép tháo thân “nhắm mắt nói bừa”.
“Vì sao mạng và hiện thực lại khác nhau đến thế?”
Bởi vì khi ở trên mạng, em không thể nhìn thấy thái độ của người kia, không nghe thấy giọng điệu. Nên chỉ dùng những kí hiệu đơn giản để biểu thị những buồn vui yêu ghét. Chẳng hạn “”,“^_^”, “”, “^O^”v.v… Nhưng nếu thực sự buồn vui yêu ghét có thể dùng kí hiệu đơn giản để thể hiện, thì còn gọi gì là yêu ghét buồn vui nữa. Nói cách khác, khi người kia gửi một kí hiệu cười bất kì, làm sao khẳng định được có đúng người ta đang cười hay không? Biết đâu chỉ là xã giao, không làm ăn được cũng còn chút quen biết… Vì vậy đối với hai người chưa từng biết nhau, mạng chỉ giúp rút ngắn thời gian tìm hiểu, chưa chắc kéo gần khoảng cách giữa hai bên.
“Đầu gấu à, em trên mạng và em ở ngòai đời có khác nhau nhiều lắm không?”
“Mạng giống như một lớp bảo vệ an toàn, không chỉ che được mưa nắng, còn che luôn cả ánh sáng. Quan sát một người qua lớp vỏ ấy, tất có sai số. Nhưng với em, tôi không có cảm giác đang nhìn qua lớp bảo vệ, hoặc có thể nói, em không hề có lớp bảo vệ ấy. Giờ đây nếu em gửi đến kí hiệu , tôi sẽ dường như đang nhìn thấy khóe miệng em mỉm cười. Nếu em gửi đến : ), tôi sẽ dường như nhìn thấy ánh mắt đầy nụ cười của em. Nếu em viết Hi hi, tôi lại dường như đang nghe thấy tiếng cười hôm nay ở Mc Donald của em. Vì vậy, mạng không chỉ rút ngắn thời gian làm quen của mình, còn đưa mình lại gần nhau hơn.
“Đầu gấu a, em mong rằng anh không phải dường như, mà là đang nhìn thấy em cười với anh.”
“Đúng là tôi đang nhìn thấy em cười. Nhưng đây lại còn là một đặc điểm khác của mạng: nhanh chóng nhưng không hoàn hảo. Hơn nữa, nếu bây giờ thực sự nhìn thấy em cười, tôi sẽ bị vẻ đẹp bên ngòai của em che lấp đi nhiều thứ. Chỉ còn có thể nịnh nọt một phen. Thế thì chẳng bằng như thế này, cách nhau qua màn hình, để có thể cảm nhận về em theo một hình thức khác.”
“Đầu gấu à, tại sao gặp em anh lại phải khen ngợi vẻ bên ngòai của em vậy? Chẳng lẽ anh không sợ em sẽ đánh giá anh nông cạn tầm thường à?”
“Ở đây làm gì có tại sao. Hễ nhìn thấy mĩ nữ là ca ngợi vốn là phản xạ của đàn ông, không cần qua sự điều khiển của đại não. Đương nhiên tôi biết như thế vẫn mang tiếng là nịnh nọt. Nhưng cái đầu đần độn của tôi không điều khiển nổi cái miệng hoạt bát. Khi mắt nhìn thấy một hình ảnh xinh đẹp, thông tin lập tức truyền về đại não. Trong khi đại não còn chưa quyết định có khen ngợi vẻ đẹp đó không, thì cái miệng tôi đã quyết định tiền trảm hậu tấu rồi. Cái này gọi là “Tướng quân ngòai trận, có thể không nghe mệnh lệnh”, cũng còn gọi là tên đã căng cung, không thể không bắn. Hơn nữa nếu không nói những lời ca ngợi tôi thậm chí còn cảm thấy lương tâm cắn rứt, chẳng bằng cứ nói thật, cứ khen ngợi và chịu để cho em chê là nông cạn tầm thường. Đây cũng là một hình thức khác của sự so sánh giữa hai cái hại để chọn cái đỡ hại hơn.”
“Thôi thôi Đầu gấu à, em sẽ bị anh dạy cho ngày càng kiêu căng mất.”
“Thôi được, hôm nay tán dương đến đây tạm dừng. Đến lượt em khen ngợi anh đi.”
“Đầu gấu à, nếu giả vờ tán dương nịnh nọt anh để rồi anh thấy em nông cạn, chẳng bằng không khen anh để em thấy xứng đáng với lương tâm mình. Cái này gọi là so sánh hai cái hại để chọn cái đỡ hại hơn đấy.”
Sao mà quả báo nhanh đến thế. Hóa ra cái gì qua mạng cũng nhanh không tưởng tượng nổi, ngay cả quả báo cũng đã “nhỡn tiền” thế này
“Đầu gấu à, vậy anh có thể dùng một câu để diễn tả bề ngòai của em và cảm giác của anh về em không?”
“Đơn giản, ấy là “đẹp chảy nước”.”
“Tiểu nữ tài hèn trí mọn, xin được chỉ giáo”
“Bởi em đẹp như hoa, nên tôi nhìn mà muốn chảy nước bọt. Vậy gọi là “đẹp chảy nước””
“Ha ha… Anh hại em mất ngủ đến nơi rồi”.
Ừ nhỉ, tí nữa thì quên ngày mai vẫn còn cuộc hẹn. Không được trêu cô ấy như mọi ngày. Phải để cô ấy đi ngủ.
“Em nên đi ngủ rồi”
“Một tí tẹo nữa thôi. Mà anh còn chưa nói cho em biết là anh có mệt không?”
“Tàm tạm, hơi mệt thôi. Em thì sao?”
“Em mệt thật rồi. Nhưng chưa lên mạng để chúc anh ngủ ngon, em cũng không chợp được mắt”
“Me too…”
Cả hai bên đã mệt thế này, thì việc gì phải làm những chuyện vô nghĩa thế này nhỉ! Lăn ra ngủ có tốt hơn không”. Việc gì phải vừa gõ bàn phím vừa ngáp. Có lẽ cả tôi và cô ấy đã cùng lúc nghĩ đến chiều sâu này. Nên tiếp theo đó là một khoảng im lặng.
“Đầu gấu à, ngày mai mình đi xem bộ phim nào ạ?”
“Đến lúc đó rồi tính. Nói chung quan trọng là xem với ai, đâu phải là xem cái gì.”
Đó là danh ngôn của A Thái, chỉ cần sửa sang tí chút là dùng ngon lành.
“Vậy ngày mai anh đi xe cẩn thận nhé. Em chờ anh ở dưới cổng nhà.
“OK, vì câu nói này của em, tôi sẽ đi cẩn thận. Vậy em trèo cầu thang cũng cẩn thận vào nhé.”
“Thôi mà đừng đùa nữa. Mai gặp nhé, ngủ ngon ”
“Good night..See you later..So long..Bye-bye. Chúc ngủ ngon.Sayonara. Đaxviđanhia, Orevoi”