Chuyện một người điên
Quỳnh Chi
Tìm em như thể tìm chim
Chim ăn bể bắc đi tìm bể đông
Một buổi chiều đông lạnh lẽo, Lan ở sở ra đã muộn vì phải thu xếp công việc vẫn bề bộn ùn lại sau chuyến du lịch khá lâu nhân địp lễ Giáng sinh và Tết dương lịch. Lan ghé hiệu ăn xong bữa cơm tối ra, trời đã khuya, hấp tấp đi nhanh về phía ga.
Ðến nơi, cửa đường tàu điện ngầm đã đóng chặt tự bao giờ. Ga này có hai cửa, cửa phía bên lề cùng với sở của Lan đã bị đóng lại sau 11 giờ đêm, có lẽ để tiết kiệm điện. Muốn qua đường để xuống ga bằng cửa bên kia, phải đi vòng ra đầu đường, qua đường rồi vòng trở lại, mất thêm gần 500 mét đường đất và thì giờ chờ đèn đường đổi màu. Lan lên tàu điện ngầm rồi đổi tàu ở ga Yoyogi-uehara để lên tàu đường Odakyu, chỉ vừa kịp chuyến tàu chót.
Những chuyến tàu chót bớt đông người hơn giờ cao điểm, hành khách có thể đứng tương đối thong thả, có một khoảng cách tối thiểu không đến nỗi phải ép sát người vào nhau.
Lúc tàu đông mọi người đều im lìm, tâm trí bị căng thẳng vì phải lo né tránh những sự va chạm bất đắc dĩ. Những lúc tàu hơi thưa một chút, thỉnh thoảng nghe có tiếng nói chuyện. Hai người đứng gần Lan có lẽ là hai cậu sinh viên, câu chuyện của họ xoay quanh chuyện sinh hoạt câu lạc bộ ở trường.
Con tầu tối nay chạy không được êm, thỉnh thoảng hay giật lắc như người bị cảm hắt hơi xổ mũi. Cậu sinh viên đứng gần Lan bảo bạn " Tài xế này lái xe dở quá ". Tàu đi qua ga Shimokitazawa rồi Kyodo bỗng giật mạnh. Lan hơi bị xiêu sang phía họ, buột miệng nói nhỏ " Sumimasen "( Xin lỗi ). Lan chưa kịp đứng ngay trở lại, con tàu lại chao mạnh như ngã chúi xuống trước khi đứng sững lại. Lan lại ngã chúi sang một bên, lại xin lỗi.
Người sinh viên đứng cạnh dường như muốn chữa thẹn cho mấy cô gái cũng bị ngã xiêu ngã đổ như Lan, lại cất tiếng bàn :
" Ðúng là tài xế này lái dở , nãy giờ cứ giật tới giật lui hoài ".
Vài phút im lặng nặng nề trôi qua, mọi người ngơ ngác nhìn nhau như dò hỏị. Rồi có tiếng loa thông báo xe điện vừa qua khỏi ga Gotokuji đã đụng phải một xe tải toan vượt rào cản ở cổng xe lửa.
Loa kêu gọi bình tĩnh, loa thông báo có người ở toa đầu tiên bị thương nhẹ đang chờ xe cứu thương, ... rồi cuối cùng loa nhắc hành khách có thể mở cửa tự động xuống xe, rằng đường tàu tạm ngưng hoạt động trong khoảng từ ga Gotokuji đến Shinyurigaoka, quí khách cần đi tiếp đến ga Shinyurigaoka nơi đường tàu lại hoạt động song suốt trở lại, thì xin chịu khó đi bộ đến trạm xe buýt gần đây, sẽ có xe buýt của đường Odakyu chờ đón và chở miễn phí.
Những người đàn ông bèn mở cửa tàu và nhảy xuống đường sắt. Những người ở ngay gần ga kế dường như định đi bộ ngay trên đường rầy, con đường thẳng nhất và nhanh nhất, mà an toàn, vì đã có thông báo rằng tàu đã tạm ngừng chạy trên đoạn đường từ đây tới Shinyurigaoka.
Lan còn đang hoang mang. Số người nhảy xuống đường rày mỗi lúc một đông. Lúng túng mãi không khéo bị bỏ rơi lại một mình. May nhờ có người đỡ giúp, Lan cũng tụt xuống đường rầy đựơc. Một nhân viên của công ty Odakyu đã chờ sẵn để hướng dẫn hành khách ra trạm xe buýt. Văng vẳng có tiếng chuông báo ở cổng ga xe lửa vọng lại, có lẽ là từ nơi đã xẩy ra tai nạn, nhưng chẳng ai buồn tò mò đến xem, chẳng ai bảo ai mọi người đều rảo bước trên đường về.
Xe buýt mới trong bến chạy ra đón hành khách, tuy có mở máy sưởi nhưng vẫn chưa đủ ấm, khiến Lan hơi choáng váng mệt vì hơi lạnh và vì mùi xe. Xe về tới ga Shiyurigaoka, Lan lên được chuyến tàu đặc biệt chờ đón hành khách bị tai nạn thì cũng mệt nhoài, nhưng cảm thấy yên tâm. Từ Shinyurigaoka về tới ga nhà không còn bao lâu. Có tiếng loa thông báo hành khách phải chú ý đây là chuyến tàu cuối cùng sẽ đến trạm chót là Sagamiono, và sẽ không có tàu trở lên về hướng Shinjuku nếu lỡ khách ngủ quên phải quay trở lại.
Vậy mà Lan vẫn chìm vào giấc ngủ mệt mỏi trong toa xe tương đối ấm áp, cho đến lúc nhân viên nhà ga đến đánh thức dậy. Từ Sagamiono về ga nhà Lan không xa, nhưng như đã thông báo, không còn tàu lên trở lại để về nhà. Chỉ còn một cách là ra đón taxi.
Sagamiono là một ga nhỏ đang xây khu thương mại lớn nối liền với nhà ga, giống như ở Shinjuku. Các nhà ga hoạt động trong lúc đang có công trình xây dựng giống như các mê cung, lối ra lối vào như những lối đi trong hầm mỏ. Lan chẳng biết đâu là cửa ra bến xe taxi. Vì ngủ quên, ra gần sau chót, Lan vội vàng đi theo một vài người trước mặt.
Ôi đêm nay là cái đêm gì ... Một cảnh tượng thật lạ lùng hiện ra trước cửa nhà ga. Vừa ra khỏi của soát vé, Lan thấy có những người đàn ông quần áo chỉnh tề đón chào hành khách ở nhà ga đi ra một cách niềm nở :
- O tsukare sama deshita. (Chào .. Đi làm về mệt nhỉ .)*
Mới đầu, tuy lấy làm lạ xong Lan nghĩ bụng: Chắc mấy người tài xế biết mình gặp tai nạn nên họ tử tế hỏi thăm và mời lên xe. Họ hỏi tiếp :
- Cô có đi tắc xi không ?
Theo phản xạ tự nhiên, Lan gật đầu liền " Vâng ".
Xong Lan chợt nhận thấy trong đám hành khách trước mặt Lan chẳng có ai lên tiếng cảm ơn, dù chỉ theo phép lịch sự, mà trái lại họ còn có vẻ lảng tránh. Mà cũng lạ thật, tài xế taxi đâu dám bỏ xe ở bến mà lên chào khách thế này ...
Chừng nhìn kỹ Lan bắt đầu run sợ. Ðó là những người thanh niên tóc húi cua, thích mặc quần áo màu đen mốt Ý, như trong phim God Father, hay trong bộ phim nổi tiếng Gokkudou no tsumatachi - " Những người vợ của những tay anh chị ". Họ xáp lại nửa như hướng dẫn, nửa ép buộc :
- Tắc xi đậu đằng kia. Mời cô theo tôi. Xin mời.
Xe taxi thông thường luôn luôn có đèn trên nóc và khi không chở khách có biển chữ kuusha - xe trống - , những chiếc xe taxi hôm nay màu đen bóng như xe chở giám đốc của các công ty, không có đèn trên nóc v.v.. đang đỗ thành hàng ngoài kia. Từ đây ra tới đó chỉ có vài chục thước, Lan cố suy nghĩ thật nhanh ... Dù sao Lan cũng đang cần lên xe taxi về nhà. Dù họ thuộc thành phần bất hảo, nhưng Lan nhớ mang máng đã từng nghe nói có loại shirotac, tức là xe taxi biển số màu trắng hành nghề trái phép, không ở trong công ty taxi, không đóng thuế môn bài. Những người đàn ông mời chào khách trông có vẻ dân anh chị thật, nhưng họ mời tất cả mọi người, đa số là đàn ông đi làm về khuya chứ đâu phải chỉ nhắm vào phụ nữ như Lan. Lan cố nhìn quanh tìm những chiếc xe taxi thực thụ. Nhưng nếu mấy xe bất hảo đã săn đón khách ở đây thì các ông taxi chuyên nghiệp hẳn đã biết điều tránh đi chỗ khác rồi. Lan đoán mình đã ra nhầm cửa ra bến taxi. Dù sao cũng phải lên xe, có thể sẽ phải trả giá cắt cổ, ví dụ về khuya giá tăng 20% thì họ sẽ đòi hơn chẳng hạn. Thôi như vậy cũng đành đi cho được việc.
***
Lan vừa nghĩ vừa bước đi hoang mang ngại ngùng, người đàn ông mời chào đi sát bên cạnh Lan như muốn ép và đẩy Lan lên xe cho nhanh. Gần tới chỗ xe taxi đang đậu rồi. Lan rùng mình như sắp bước lên máy chém.
Lan nói thêm một câu để tránh trút :
- Mấy ông ơi, tôi ở gần đây lắm, mấy ông muốn chở khách đi xa thì đón khách khác, chứ chở tôi thì ...
Ðó là Lan nhớ có lần về khuya mà lên taxi có lẽ đang chờ đón khách xộp đi xa, nên khi nghe nói Lan ở gần đó, tài xế bỗng có thái độ nhấm nhẳng khó chịu. Nhưng người đàn ông có vẻ như chỉ muốn Lan chui vào xe cho nhanh, đưa tay ra dấu miệng không ngớt thúc ép :
- Không sao, không sao ! Xin mời cô lên xe ...
Ðúng lúc đó có một người đàn ông từ đâu tiến lại làm bộ như anh ta là người nhà đang ra đón Lan, vừa nắm lấy cánh tay Lan kéo đi, miệng nói :
- Ðợi nẫy giờ, lo quá !
Lan còn đương tiến thoái lưỡng nan thì ngưòi đàn ông mời xe chắc cũng nghĩ anh này là người nhà của Lan ra đón Lan, và có lẽ không muốn mất thì giờ vô ích, đã nhanh chân quay đi tìm ngưòi khách khác.
Người đàn ông lạ muốn lôi Lan đi. Thật ra anh ta trông quen quen, Lan ngờ ngợ rồi nhớ ra. Cách đây ít lâu thỉnh thoảng người này vẫn xuất hiện ở ga nhà Lan. Nhưng mọi khi anh ta là một người điên, hay ít nhất thì lâu nay Lan vẫn nghĩ rằng anh ta là một người điên. Trời ơi, hết gặp dân anh chị tới gặp đồ khùng.
Lan bắt đầu sợ hãi, toan gạt tay người đó ra, xong anh ta đã ghé sát bên tai Lan nói nhỏ :
- Mấy xe này là shirotac cắt cổ, mà cô là phụ nữ, nguy hiểm ... Bến xe tắc xi ở bên kia kìa.
Nghe anh ta nói vậy, Lan bàng hoàng, tự hỏi hay là anh ta đã hết điên ? Ôi, nếu anh ta vẫn còn điên, lúc điên lúc tỉnh thì sao ...
Lan đã bắt gặp ở gần ga nhà mình người đàn ông này, thường hay đứng ở các đầu đường, nhất là ở gần cổng xe lửa, trong tư thế ngóng trông một ai đó, ngày nắng cũng như ngày mưa. Anh ta dáng người tầm thước, luôn đeo sau lưng một cái túi như các cậu thanh niên. Thoạt nhìn anh như một người hơi lẩm cẩm, vừa đi vừa nói lẩm bẩm một mình. Nhưng khi đến các ngã đường hay chỗ cổng xe lửa anh đứng lại nhìn sang bên kia cổng xe lửa, dáng điệu và nét mặt rất bồn chồn. Anh ta không nhìn vào mặt ai cả, mà cứ nhìn ra xa. Anh cứ nhấp nhổm, nhớm người lên như để chuẩn bị đón cái người nào đó đang đi tới, hay là đang nhìn theo một người nào đó đang bỏ đi, thật không ai có thể đoán biết. Lại có lúc anh vừa chạy vừa ngửa mặt gào thét, tiếng kêu nghe ai oán đau thương như tiếng hú những đêm trăng. Bẵng đi một dạo Lan không thấy người điên ấy nữa. Nào ngờ đêm nay lại gặp anh ta ở đây ...
Người đàn ông dẫn Lan qua cửa bên kia ga nơi có bến xe taxi, không biết có phải vì muốn tránh đám người mời chào xe taxi lúc nẫy hay không, mà đi vòng vèo hơi xa.
Ðã gần 2 giờ sáng, Lan bèn ghé vào hiệu ăn Royal Host mở cửa 24 giờ đồng hồ, gọi điện thoại về nhà cho chồng. Nửa đêm ngoài trời lạnh buốt, hơi ấm trong hiệu ăn cũng như ánh đèn ấm cúng khiến Lan bỗng lười biếng không muốn leo lên taxi, sợ lại bị nôn nao khó chịu như khi đi xe buýt vừa nãy. Lan vẫn chưa hết hẳn bệnh say sóng, dễ chóng mặt buồn nôn khi ngồi trong xe ô tô. Lan chợt có ý nghĩ hay cứ ngồi chờ trong hiệu này, sáng ra sẽ lên chuyến tàu đầu tiên lúc 5 giờ sáng, và để chồng yên tâm ngủ tiếp, khỏi phải thao thức chờ mình.
Dưới ánh đèn nơi phòng gọi điện thoại gần cửa hiệu ăn, khuôn mặt của người điên hiện rõ hơn. Một khuôn mặt vuông rắn rỏi, tóc húi cao vừa phải, đôi mắt ẩn sau làn kính cận có vẻ vừa chân thành vừa ngây thơ đến độ dại khờ .
Người điên rút từ trong ví ra một tấm thiệp hơi cũ, tự giới thiệu :
Watanabe Masao
Junsaho **
Giòng chữ Junsaho đập vào mắt ... Lan bàng hoàng nhìn kỹ tấm thiệp, và ngửng nhìn anh ta. Ngoài hình ảnh một người điên thường bắt gặp ngoài đường, khuôn mặt này dĩ nhiên chẳng có gì quen thuộc, và đây phải là lần đầu tiên Lan được đọc tấm danh thiệp của anh ta. Vậy mà cớ sao Lan có cảm tưởng như đây không phải là lần đầu. Vì tên Watanabe là một tên phổ biến của người Nhật ư. Không hẳn thế ... Chức vụ Junsaho của anh ta bỗng gợi lại cho Lan một kỷ niệm khó quên.
Hôm ấy vào một đêm đông trước tết dương lịch, Lan dự buổi sinh hoạt tất niên, ra về hơi khuya. Nhà ở ga Kokubunji đường tàu Chuo, về cùng đường có người quen là anh Nguyên cũng ở một ga trên đường tàu này. Không rõ bắt đầu từ khoảng ga nào, Lan nhận thấy có một người đàn ông đang chăm chú nhìn mình. Ban đầu anh ta còn đứng xa, sau mỗi lúc lại tiến lại gần hơn, và cứ nhìn Lan đăm đăm chẳng chút e dè. Anh Nguyên cũng nhận ra điều đó, nên anh giả bộ đứng lên che tầm mắt của người đàn ông ấy cho Lan đỡ sợ. Rồi anh bắt chuyện với người đàn ông lạ. Lát sau khi anh Nguyên phải xuống xe trước Lan, anh cho Lan biết người đàn ông ấy nói rằng Lan giống cô em gái của anh ta ở quê nhà, mà tết này anh ta không thể về thăm nhà, anh ta chỉ xin được nhìn thôi chứ không dám làm gì xúc phạm đến Lan. Anh Nguyên nói chắc không sao đâu, rồi xuống xe.
Tàu ngừng ở ga nhà của Lan, ga Kokubunji ...
Kinh hãi biết bao khi thấy ngưòi đàn ông kia cũng xuống theo Lan. Ra khỏi ga, đường vắng, nếu bị người này đi theo ... Lan nghĩ vậy, lo sợ quá, bèn lại chỗ điện thoại, nhấc máy gọi vu vơ ra vẻ nhắn ai đó ra đón.
Người đàn ông tiến lại gần, hỏi có phải Lan đang chờ người ra đón không, và điều mà Lan không ngờ, anh ta đưa ra một tấm danh thiếp có ghi chức vụ Junsaho( Phó Thẩm sát viên ), cho biết mình là nhân viên cảnh sát đang đi tu nghiệp và thực tập tại nhà tù Fuchu gần đó. Anh hỏi vài câu khi nghe nói Lan là du học sinh. Lan không dám đi ra cửa ga ngay lúc đó, vì sợ bị đi theo, vậy mà trong khi nói chuyện, anh ta lại tỏ vẻ sốt ruột lo lắng vì đêm hôm khuya khoắt mà Lan đi một mình, sao bạn của Lan ra đón chậm thế.
Tàu đi về Koidaira cũng vừa tới. Ðây là một đường tàu nhỏ nối với đường Chuo, đôi khi cách gần nửa giờ mới có một chuyến và chuyến tàu chót cũng sớm hơn so với các đường tàu khác. Người đàn ông nhìn đồng hồ, nói rằng cư xá của trường đại học cảnh sát ở Koidaira, cho nên anh ta phải đáp chuyến tàu chót này để về cư xá, thế rồi anh ta hấp tấp quay đi.
Lan không tin rằng người Junsaho đang đứng trước mặt mình là người đàn ông đã gặp năm xưa trên đường tàu Chuo. Nếu chính là anh ta, chuyện gì đã xảy ra trong đời khiến anh phải trở nên điên dại ? Ồ vô lý. Lan đã nhìn nhầm rồi, người cảnh sát này không thể là người điên như Lan vẫn tưởng.
Ðôi mắt của người đàn ông trước mặt Lan lúc này có vẻ rất tỉnh táo, anh ta bảo Lan :
- Cô cứ vào hiệu nghỉ cho khoẻ, đừng ngại. Tôi sẽ xin được uống một ly trà ấm rồi xin phép về trước .
Bất đắc dĩ Lan phải mời anh ta ngồi cùng bàn với mình. Lan cũng kêu một ly trà cho ấm người và để chống cơn buồn ngủ. Đã 2 giờ hơn. Mặc dù đã ngủ chập chờn trên xe điện, giờ này hai mắt Lan lại bắt đầu nằng nặng.
***
Qua vài câu trao đổi, người đàn ông giải thích rằng ngoài chuyện lấy giá cắt cổ, có thể xe shirotac cũng không nguy hiểm gì, nhưng riêng anh ta thì rất ghê sợ loại xe này, và không thể để một ngưòi phụ nữ lên chiếc xe đó lúc nửa đêm. Anh có một thành kiến. Có thể đó chỉ là những điều do anh tưởng tượng mà ra ... Rồi như phân trần, anh ta kể ...
Bọn chạy xe shirotac chào đón cô ở trước ga đó không ai khác chính là lũ mafia Nhật Bản có tên gọi là bouryokudan, tức là bọn Gokudou. Nhìn tướng tá của chúng nó, cách ăn mặc của chúng cũng đủ biết. Chúng đi những chiếc xe to lớn dềnh dàng để khoe khoang. Ngay giữa khu phố Shibuya đông nghẹt xe cộ, mà chúng đuổi bắt nhau, dừng xe lại mà đấm đá sát phạt nhau, bất kể mọi người và xe cộ đang nghẽn đường chung quanh đều trông thấy. Thời sinh viên, tôi có đứa bạn cũng leo lên xe shirotac này, không biết làm sao mà bị bọn chúng bắt nhốt vào một căn phòng, may sao mà anh ta tìm cách lẻn ra ban công, tụt xuống đất và chạy thoát được.
Ngay quanh ga Shinjuku hay ga Shibuya bọn chúng tổ chức buôn bán ma tuý trên đường phố, hay ngay trước cửa ga. Chúng bầy ra những cạm bẫy rủ rê xúi giục các cô gái sa vào những nghề nhơ bẩn. Em gái tôi đã từng kể : trước cửa các đường hầm quanh ga Shibuya luôn có những thanh niên tay cầm danh thiếp, làm như thể họ là nhân viên của một công ty - kiểu công ty giải trí Yoshimoto chuyên làm ông bầu cho các ca sĩ hay kịch sĩ - tiến lại đón đường các thiếu nữ mà chào hỏi, rủ rê - Cô có thích làm người kiểu mẫu hay thành nghệ sĩ không ?"
Nhiều cô gái được hỏi ban đầu hớn hở vui mừng, tưởng mình có nét quyến rũ nên được chú ý. Thực sự mục đích chính của họ là để dò hỏi, bắt mạch, xem cô gái nào ham muốn có tiền để chưng điện sắm sửa, để chúng sẽ dùng mồi nhử. Em gái tôi kể lại, ra cái điều là nó đủ khôn ngoan dể hiểu rằng đó là cạm bẫy, và không đời nào có thể bị mắc bẫy để đi đến chỗ sa đọa. Thế nhưng một hôm, gia đình tôi nhận được một tin sét đánh : em gái tôi chết, chết trong ô nhục. Tôi sững sờ đau đớn. Lẽ ra tôi phải để ý canh chừng nó mới phải, con bé ham vui, thích chưng diện đua đòi đỏm đáng ... Trong phòng trọ của nó còn để lại bao nhiêu là quần áo giày ví, son phấn ... toàn hàng nhập, mang các nhãn hiệu Channel, Louis Vuiton , v.v... Gia đình tôi làm nghề nông, trồng lúa và chăn nuôi ở tỉnh Yamagata, cha mẹ tôi chỉ đủ tiền ăn học cho em tôi, còn tôi thì từ khi nó lên Tokyo đã phải vừa đi học vừa đi làm tự túc. Em gái tôi lấy tiền đâu ra sắm sửa như thế ?
Tôi vào đại học cảnh sát có thể vì muốn chọn nghề công chức hứa hẹn một cuộc sống ổn định, mà cũng có thể vì bị ám ảnh bởi cái chết của em gái.
Ra trường cảnh sát, tôi được bổ về một bót cảnh sát trước nhà ga. Ngày ngày có những người cầm bảng quảng cáo ghi chữ Telekura đứng ngang nhiên trước bót cảnh sát - để đón giòng khách từ trong ga đổ ra. Tại sao cảnh sát không bắt họ à ? Trước hết, cầm bảng quảng cáo là quyền tự do ngôn luận của dân chúng, mà cảnh sát chúng tôi không đựơc xâm phạm. Thứ nữa , trên danh nghĩa telekura chỉ là câu lạc bộ nhận điện thoại và trao đổi trò chuyện bằng điện thoaị giải khuây. Sau đó, nếu họ hò hẹn rủ nhau đi đâu - chuyện mà ai cũng biết - thì chỉ khi nào bắt được quả tang mới có quyền bắt giam. Tìm cách cài nhân viên vào để bắt ư ? Khác với những điều người thường có thể tưởng tượng, thực tế là cảnh sát Nhật không được phép điều tra bằng cách nhử cho kẻ gian phạm pháp rồi bắt quả tang. Ví dụ như giả vờ làm khách gọi đến telekura, hay giả vờ làm con nghiện tìm mua ma phiến để bắt quả tang lúc bọn buôn lậu ma tuý đang giao hàng ... Trái với những ao ước trong tiềm thức trước khi vào trường cảnh sát, giờ đây công việc hàng ngày của tôi chủ yếu là ngày ngày trực ở bót cảnh sát, làm biên bản các tai nạn giao thông, biên bản khai báo các vụ mất mát đánh rơi hay mất trộm trong khu phố buôn, tối tối đi tuần, lưu ý các thanh thiếu niên đi xe đạp phải có đèn, đi xe máy phải đội mũ bảo hộ an toàn v.v...
Trong khu phố buôn quanh nhà ga khá sầm uất ấy, lần lượt mọc lên ngày càng nhiều các cửa hiệu không lành mạnh. Những boutique bán quần áo cho các bà các cô, các hiệu quần áo trẻ con nhãn hiệu Bébé, Familiar, cửa hàng bánh Corzy Corner sang trọng, hiệu bán hoa tươi với cái tên kiểu cách Bevery Hills... cũng lần lượt đóng cửa, thay vào đó mọc lên những hiệu cờ bạc pachinko của chuỗi cửa hàng giải trí Game center Kaiya vĩ đại, hay các quán bar, các câu lạc bộ telekura mặt tiền có treo đầy những tấm ảnh phóng đại của các cô gái ăn mặc khêu gợi. Chiều chiều lúc các cửa hiệu lên đèn, có những cặp nam nữ tiếp viên ăn mặc đẹp như những nam nữ tài tử tiến ra giữa lòng đường để mời chào khách.
Sau giờ làm việc, tôi thường trút bỏ bộ đồng phục cảnh sát, ăn mặc như các thanh niên khác, trà trộn trong đám đông người qua lại, để theo dõi. Tôi đã bắt gặp nhiều lần một tên đàn ông đứng tuổi thường dắt theo vài cô gái rõ rệt là người Phi li pin. Ðó là những người trước khi đến Nhật Bản, đã phải theo học các trường dạy múa để có tư cách nghệ sĩ, mới có thể xin sang Nhật Bản hành nghề biểu diễn trên sân khấu. Nhưng trên thực tế, sau khi đã tốn rất nhiều tiền cho bọn người làm môi giới, vừa đến Nhật Bản họ liền bị tước giấy thông hành, bị canh giữ, và bị bắt đi làm những nghề bất chính.
Mặc dù biết rõ luật lệ khắt khe không cho cảnh sát điều tra theo kiểu đặt bẫy những kẻ phạm pháp, nhưng tôi vẫn không dứt bỏ được cái ý tưởng đó. Tôi kín đáo theo dõi tên ma cô này đã lâu, và một cô gái trong bọn họ dường như cũng đã nhận ra sự theo dõi của tôị Nàng hao hao giống em gái tôi. Nàng thường lén nhìn tôi như van lơn, như cầu cứu. Chắc là nàng cũng biết vài tiếng Nhật, tôi nghĩ thế, vì tôi đọc được chữ " Tasukete ! " ( Cứu tôi với !) thì thầm trên đôi môi hơi mấp máy của nàng.
Cho đến một ngày mà tôi nghĩ rằng đã chín mùi và có thể thực hiện được ý định tìm cách cứu nàng, tức là giả vờ làm ngưòi khách để có thể trực tiếp bàn kế giải cứu cho nàng ... thì một bàn tay sắt đã chặn tôi lại. Bàn tay của thượng cấp. Ồ, cảnh sát cũng có bộ phận theo dõi chính nhân viên cảnh sát ư ? Tôi cũng không biết một cách chính xác, chỉ biết là thượng cấp đã theo dõi tôi.
Bây giờ nghĩ lại, tôi đoán thượng cấp ngăn cản tôi có lẽ vì thương tôi, vì lo cho tương lai của tôi. Nhưng lúc đó tôi đã kháng cự, tôi gầm lên như một con thú dữ. Một thoáng nghi ngờ đã hiện lên trong trí tôi. Phải rồi, tôi có nghe các bậc đàn anh kể rằng cảnh sát đôi khi cũng có một liên hệ nào đó với bọn bất lương trong vùng. Cảnh sát đã từng nhiều lần chạm mặt bọn chúng. Mỗi khi có vụ án nào, khi áng chừng thủ phạm trong bọn này, thì nhân viên cảnh sát đã quen mặt bọn bất lương có thể bắn tin với tên đầu sỏ vài câu " Bọn bay có biết điều thì bảo nó ra đầu thú ! ". Thế là chỉ mấy ngày sau, sẽ thấy một tên, chẳng biết là đàn em trong nhóm nào, đem đầu ra thú tội thật ... Khi điều tra, đôi khi hắn còn được mời hút thuốc lá, một điều cấm kỵ trong lúc điều tra nghi can.
Hay là thượng cấp của tôi có thông đồng với bọn chúng? Báo chí dạo đó phanh phui ra biết bao điều tai tiếng của cảnh sát Nhật Bản, bảo sao mà tôi không nghĩ như vậy. Rồi cũng từ đó tôi không còn bao giờ gặp lại nàng nữa. Có lẽ bọn chúng thấy động, đã cao bay xa chạy, đã đưa nàng đi nơi khác. Số phận nàng sau đó ra sao ? Báo chí lại đang xôn xao về vụ một nữ tiếp viên hàng không của Anh đi làm thêm trong các quán rượu ở phố Roppongi mỗi lần có chuyến bay đến Tokyo và phải ở lại qua đêm, sau đó đã bị mất tích, rồi vài tháng sau người ta phát hiện được thi thể của cô. Tôi cảm thấy lo cho nàng. Thế là tôi lại không cứu được thêm một người con gái nữa ...
Tôi sinh ra trầm uất, tinh thần sa sút. Thượng cấp bắt tôi tạm nghỉ việc đi chữa bệnh. Từ đó tôi đã đi lang thang khắp nơi tìm kiếm nàng. Thỉnh thoảng tôi lại thấy thượng cấp vẫn theo dõi tôi, và lại đưa tay ra nắm lấy vai tôi toan giữ lại. Tôi gầm lên, vuột đi và vùng bỏ chạy...
***
... Okyakusan ! Okyakusan ! (Quý khách !)
Cô bồi bàn gọi giật giọng làm Lan chợt tỉnh. Hình như có điện thoại từ nhà gọi tới tìm Lan. Ồ đã 6 giờ rồi, thế là Lan đã ngủ thiếp đi một lúc trong chiếc ghế sofa sát tường của hiệu Royal Host. Cô bồi đưa điện thoại cho Lan.
- Chừng nào em về ? Anh hơi lo nên gọi thử.
- A ! Hình như nãy giờ em ngủ quên. Em sẽ về ngay bây giờ.
Lan vội tìm biên lai trả tiền, nhưng cô bồi bàn cho biết ngưòi khách cùng bàn với Lan đã trả trước và về từ lâu rồi.
Tối qua vì sợ chồng lo, nên Lan chỉ nói bị tai nạn tàu điện, ngủ quên, và ra nhầm cửa xe taxi, mà lược bỏ các chi tiết khác : nào xe taxi biển trắng, nào người điên ... định bụng khi về đến nhà hãy kể. Vừa đi Lan vừa nhớ lại lần lượt những sự việc trong đêm qua, nhưng cuối cùng Lan bỗng hoang mang không biết câu chuyện của người điên có thực sự do anh ta đã kể cho Lan nghe hay không ... Hay chỉ là một câu chuyện trong mơ khi Lan ngủ thiếp đi ?
Lanh canh ! Lanh canh ! Tiếng kẻng báo từ một cổng xe lửa gần đó vọng lại. Lan tưởng chừng như trong đám người đang chờ bên kia chiếc cổng xe lửa, có người đàn ông ấy vẫn đang đưa mắt ngóng đợi hay nhìn theo một bóng hình ...
Quỳnh Chi
( Tokyo, 26/01/2003 - 7/3/2006)
Chú thích
* O tsukare sama deshita có nghĩa như " Chà, hôm nay vất vả quá nhỉ !"
Ðây cũng là câu chào hỏi lúc chia tay của những người làm cùng sở sau giờ làm việc .
** Ðại học cảnh sát nhận đào tạo cảnh sát ( công chức) cho các địa phương. Các công chức này thuộc cả hai loại học sinh vừa tốt nghiệp lớp 12, và sinh viên đã tốt nghiệp đại học. Sau khi tốt nghiệp đại học cảnh sát, tất cả đều bắt đầu từ chức vụ Junsa, nhưng những người đã tốt nghiệp đại học trước khi vào đại học cảnh sát thường lên trật nhanh hơn. Junsaho là một chức vụ cao hơn Junsa .